Hình họa mỹ thuật công nghiệp, giáo trình dạy hình họa do Thầy Trịnh Ngọc Lâm ( nguyên chủ nhiệm khoa cơ bản - thành viên hội đồng chấm thi ĐH ) biên soạn. Giáo trình hình họa chi tiết bao gồm quá trình dựng và lên sắc độ dành cho những bạn sinh viên
1. YÊU CẦU CỦA MỘT BÀI HÌNH HỌA
Trước hết hình họa không phải là một bức vẽ nói chung mà là một bài vẽ nghiên cứu cơ bản. Hình họa giúp sinh viên có cách nhìn, cách vẽ có căn cứ khoa học và có phương pháp để dần hướng tới phối hợp một cách thống nhất nhịp nhàng giữa con mắt và bàn tay, nhằm diễn tả được đối tượng lên mặt giấy một cách chân thực và đạt giá trị thẩm mỹ.
Khái niệm đúng, giống, chân thực trong nghệ thuật hoàn toàn không đồng nhất với khái niệm đúng, giống, chân thực như trong một vài phạm trù khác. Các khái niệm này bao giờ cũng hàm trong đó chất lượng thẩm mỹ. Nghĩa là phản ánh không nguyên xi các sự kiện mà phải có chọn lọc được những nét đặc trưng , tiêu biểu đồng thời có tính khái quát của sự kiện.
Trong lĩnh vực này chúng ta hãy lắng nghe và nên suy nghĩ một cách nghiêm túc những phát biểu của các danh nhân văn hóa:
- " Mắt người tái hiện lại và sự thỏa mãn một cách khác với loài vật, tai con người khác với tai các loài vật kém phát triển " (Mác - Anghen về nghệ thuật )
- " Trong nghệ thuật, điều quan trọng không phải là cái đúng của các sự kiện, mà là cái đúng của tâm lý sự kiện " (M.Goocki)
- " Con mắt của chúng ta thấy tất cả, nhưng trí óc của chúng ta chỉ chọn lọc những cái gì mà nó cho là đẹp " ( N. Put- xanh, danh họa Pháp )
- " Tranh hay ở chỗ vừa giống vừa không giống, giống là mị tục, không giống là lỗi thời " ( Tế Bạch Thạch - danh họa Trung Hoa )
Từ những ý kiến trên, chúng ta hãy xem những tác phẩm của các danh họa trên thế giới như: Michelangelo, Ra-pha-en, Leonardo di ser Piero da Vinci...Chúng ta đều thấy những nét tiêu biểu nhưng hết sức chân thực, hết sức giản dị và luôn làm ta xúc động bởi chiều sâu tâm lí của các bức hình cũng như về mặt nghệ thuật.
Đối với người thầy hướng dẫn cần giúp các em sinh viên không sa đà vào các chi tiết vụn vặt, không tiêu biểu mà phải có cái nhìn khái quát, biết đưa vào bài các đường nét đã được chọn lọc và biết tổ chức chúng lại thành một bức tranh có chất lượng khá về các mặt. Tránh quan niệm sai lầm học vẽ tức là trông thấy sao vẽ thế ấy. Lối vẽ sẽ làm hạn chế khả năng vươn lên của các em. Mặt khác, phải phân tích cho các em hiểu chỗ yếu kém trọng việc bịa đặt tùy tiện, cái lối làm ra vẻ sáng tạo, vẽ muốn khoe khoang nhưng lòe người xem bằng kĩ thuật. Mỗi bức vẽ cần đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.
2.CÁCH THỨC TIẾN HÀNH MỘT BÀI HÌNH HỌA
Trước khi bắt tay vào vẽ thầy giáo kiểm tra tư thế đứng hoặc ngồi của sinh viên, sau đó là cách gọt bút chì, cầm bút, cách sử dụng dây dọi, que đo.
Khi chọn chỗ vẽ phải chú ý sao cho tầm mắt có chỗ bao quát được toàn bộ đối tượng, mà không phải quay đi quay lại ảnh hưởng đến vị trí của điểm trông theo luật thấu thị. Thông thường ta ngồi cách mẫu 2 lần chiều cao hoặc chiều rộng nhất của nó là vừa.
không nên bao giờ để bóng trước mặt che lấp vật mẫu mà phải để theo hình chữ v phía tay phải là bảng. Phía tay trái là mẫu. Đặt như vậy có thể dễ dàng bao quát cả đối tượng vẽ cũng như bài vẽ. Riêng những bài vẽ phải dùng bảng bảng lớn thì không nên dùng ghế ngồi mà nên đứng. Vì ngồi không thể bao quát được toàn bộ bài, tranh thông thường là đứng để vẽ, trừ những tranh nhỏ như khắc gỗ, hoặc lụa hoặc những bức chân dung bán thân. Thầy giáo cũng nên lưu ý các em xem cách gọt bút chì có đúng không. Không nên gọt bút chì tù quá khó vẽ, nên gọt bút chì bằng dao sắc để khỏi gẫy ruột chì và nhọn quá cũng dễ gẫy mà tù quá thì khó vẽ, chóng mòn phải gọt luôn mất thời giờ.
Cách cầm bút không nên cầm như bút viết mà phải cầm gần như ngửa lòng bàn tay bằng ngón trỏ và ngón cái và đỡ bằng ngón giữa. Ngón út có thể tì vào giấy,làm chừng.Không nên cầm bút chì ngắn quá, khó vẽ, nếu ngắn có thể dùng quản bằng tre hoặc sắt cắm vào cho đủ độ dài từ 15 đến 20cm là vừa.Cách cầm bút như vậy lúc đầu có thể ngượng nhưng khi đã quen rất dễ sử dụng, dễ tạo nên những nét vẽ phóng khoáng, dứt khoát. Đặc biệt khi gại trên mặt giấy nét vẽ xốp nhẹ nhàng tạo tiền đề cho việc diễn tả có chất lượng thẩm mỹ sau này.
Thầy giáo cũng nên lưu ý cách đo của các em học sinh và nên giải thích cho các em rõ là chỉ nên dựa vào que đo giấy dọi để tính những tỉ lệ lớn không nên đo quá chi li. Mục đích chính của nó là để kiểm tra xem vẽ đã đúng tỉ lệ kích thước chưa. Que đo dài bằng que đan len là vừa( 40cm). Khi đo tay phải thẳng tạo thành một góc vuông với đường nhìn của mắt. Nếu không vuông số liệu đo sẽ sai. Giây rọi dùng để xác định đường trục và cách vị trí quan trọng của mẫu nằm trên đó, cũng như các đường song song của trục. Ví dụ đầu ngực, bụng, đầu gối ,gót chân hoặc vai, hông, bàn chân..v.vv...tùy theo tư thế của mẫu. Nếu là mẫu tĩnh vật thường ít phải đo hơn mà dùng ước lượng là chính. Mẫu là kiến trúc thì phải đo nhiều hơn. Chỉ sau khi đã kiểm tra như vậy mới để học sinh vẽ vào bài.
a) Tìm bố cục
Nhiều học sinh không có ý thức về bố cục nên tiện đâu vẽ đấy. Cho nên người thầy bầy mẫu phải làm sao cho có nhiều góc đẹp để học sinh vẽ và người học sinh trước khi vẽ phải tìm cho được bố cục đẹp nhất mà mình có thể chọn trong các hướng khác nhau.
Sau khi đã tìm được góc thích hợp rồi học sinh nên vẽ phác thành một bố cục nhỏ độ bằng bàn tay ở góc phía trên của bài xem đã được chưa. Nếu được rồi mới vẽ vào bài - Bố cục sao cho hình không bị thu nhỏ quá thừa giấy vô ích cũng không bị to quá chật, tức khó chịu, đầu tay hoặc chân bị thiếu hụt.
- Bố cục chân dung thì đầu phải là trung tâm của bố cục những phần khác là hỗ trợ .
- Bố cục là tĩnh vật phải tạo được sự cân đối và hài hòa giữa các mảng là chính.
- Bố cục nội thất phải chọn được góc tiêu biểu có chính có phụ và tạo được không gian có ánh sáng đẹp.
- Bố cục ngoại thất cũng như phong cảnh, phong cảnh sinh hoạt thường nên có trung tâm, hoặc trọng tâm của bố cục, có gần có xa : gần xa,to nhỏ, chính phụ phải hỗ trợ nhau.
Trong trường hợp những học sinh tìm được những bố cục phá cách phá luật mà vẫn đẹp thì vẫn nên khuyến khích. Còn hướng dẫn chủ yếu là để các em mắm được các bố cục cơ bản , thông thường, không nên đòi hỏi quá cao như là một sáng tác.
Ngược lại bố cục quá tồi thì nhất thiết không nên để học sinh vẽ mà phải bắt tìm lại . Vì bố cục tồi thì những phần khác có khá cũng khó cũng khó bù lại được.
b) Dựng hình
Sau khi đã tìm được bố vừa ý rồi thì có thể bắt đầu dựng hình. Phải tìm và phác đường trục của tranh và của hình. Đường trục của tranh gồm những đường dọc và ngang theo chiều của bảng để lấy nó làm cơ sở kiểm tra so sánh bằng que đo giây rọi. Có thể vẽ bằng một trục chính và những trục phụ, hoặc chỉ cần một trục tùy theo tình hình cụ thể của bài. Đường trục của tranh phải căn cứ vào cấu trúc của hình dáng đối tượng mà phác. Ví dụ vẽ mặt trước của một đầu tượng thạch cao thì đường trục chính là đường chạy dọc theo giữa đầu ,trán ,mũi,miệng cằm, các đường ngang căn cứ các khoảng cách trong tỉ lệ chung của đầu và phác đường ngang ở chân tóc, đường ngang chạy qua giữa hai mắt, đường ngang chạy qua mũi ,miệng ,cằm ,và sau đó có thể phác chi tiết hơn. Còn đường trục vẽ người đứng nhìn từ phía sau chẳng hạn là đường chạy từ trên đầu thẳng góc xuống điểm trọng tâm của mẫu và thường là ở một bên chân chịu lực, sau đó lấy đầu làm đơn vị để tính chiều cao của thân thể, tùy theo người cao hay thấp tỷ lệ có thể thay đổi từ khoảng 7 lần rưỡi đến 6 đầu ( những trường hợp dị dạng quá thì không thể )rồi phác. Những đường ngang của vai, của hai đầu trên của rương chậu, của mông của kheo chân của bàn chân....vv..v. ..rồi từ đó mà các chi tiết hơn. Trong trường hợp đối tượng không phức tạp lắm thì không nhất thiết phải phác đường trục ví dụ như tĩnh vật đơn giản thì chỉ cần phác chu vi là được, còn có phác đường trục là chủ yếu để phân mảng cho cân đối mà thôi. Trong suốt thời gian dựng hình phải hết sức chú ý tỷ lệ, luôn luôn so sánh giữa các phần với nhau, so sánh dọc với ngang so sánh toàn bộ với chi tiết, phải luôn luôn nhìn bao quát trên những tương quan lớn để vào chi tiết mới không bị sai,lệch. Sau khi đã xác định được các đường trục, hướng thì bắt đầu tiến hành phân mảng, tạo thành các diện là rất khó đối với học sinh nhất là việc đó tiến hành khi vẽ mẫu người và phong cảnh có cây cối phức tap thông thường là các em vẽ thành các mảng bẹt theo đường viền sẵn có hoặc phân mảng một cách cứng nhắc, riêng biết không tạo nên được cấu trúc toàn bộ phản ánh đúng đối tượng. Đây là thời gian mà người thầy phải chú ý chỉ dẫn giúp đỡ để các em thấy được và tạo theo yêu cầu dựng hình.
Nói tóm lại trong dai đoạn dựng hình phải luôn luôn chú ý tới hai vấn đề là tỷ lệ và tương quan lớn trong một bức hình vì đó cũng chính là bản thân của việc dựng hình.
2. Tạo khối và tả chất.
Nếu chúng ta chia việc tạo khối và tả chất làm hai giai đoạn cũng được. Nhưng như vậy thì hơi bị máy móc, bởi vì có những vật đồng chất thì tạo ra khối là chủ yếu, tạo khối xong thì cũng có thể coi như là tả chất xong. Còn có những vật không đồng chất, hoặc chất liệu bề mặt quá phức tạp. Đặc biệt như thủy tinh, sơn mài,những đồ mây tre đan, nhung, voan..v..v.v...thì rõ ràng là khi làm nhiệm vụ tạo khối thì chiều bút, thủ pháp biểu hiện để tả chất phải được suy tính và tiến hành và đồng thời để sau này đỡ phải tẩy xóa để tiến hành tả chất. Vì vậy tùy từng đối tượng vẽ mà hướng dãn tiến hành thành hai giai đoạn hoặc thực hành đồng thời.
Sáng , tối, phản quang : Muốn biết cách tạo khối, tả chất phải nhất thiết hiểu những yếu tố tạo thành của chúng. Ánh sáng chiếu vào bất cứ một vật nào để tạo nên ba yếu tố đó chỉ khác là ở các mức độ khác nhau mà thôi. Ví dụ mặt trời chiếu vào một quả bóng, phần được ánh sáng mặt trời chiếu vào tạo thành phần sáng, phần kia là tối. Trong phần tối bao giờ cũng có phần phản quang sáng hơn do phản xạ ánh sáng của các vật khác chiếu vào.Ánh sáng phản quang, có thể đơn giả nếu nó chỉ có một nguồn phản xạ.Còn có thể rất phức tạp khi có nhiều nguồn phản xạ. Tuy nhiên về nguyên tắc bao giờ cũng yếu hơn ánh sáng trực tiếp, do đó không nên vẽ độ sáng phản quang ở phần tối sáng bằng độ sáng trực tiếp ở phần sáng.
Thông thường trên một vật thì phần sáng tiếp giáp với phần tối và phần tối nhất lại tiếp giáp với phần có ánh sáng phản quang. Nắm vững những nguyên tắc về sự phân bố các phần các phần sáng, tối ,phản quang trên một vật thể thì có thể vẽ một cách chủ động dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt là trong sáng tác có thể bịa hình khối như thật không phải mất thì giờ và bị lệ thuộc vào mẫu một cách máy móc.
Ba sắc độ chính và điểm chói : trong những bài tập cơ bản việc nắm va sắc độ chính là rất quan trọng vì qua đó người học sinh có thể nắm bất cứ sự vật một cách khái quát và dễ dàng hơn. Lược bớt được những sắc độ phức tạp nhưng không bản chất sự vật sẽ được biểu hiện dưới một hình thức trong trẻo, đơn giản và có chất lượng thẩm mỹ.
Ba sắc độ chính là sáng, tối và giữa hai cực này là độ trung gian, sắc độ trung gian tạo ra khối có độ chuyển tiếp mềm mại không bị đột ngột. Độ trung gian tùy hình dạng của mỗi vật mà có sự biểu hiện khác nhau. Trên một qur bóng tròn thì độ trung gian trải rộng hơn và sắc thái êm hơn.Trên một khối vuông thì độ chuyển tiếp từ cạnh sang cạnh khác đột ngột hơn. Nếu lại là chất liệu như mạ kền thì độ chuyển tiếp lại đột ngột hơn nữa.
Ngoài ba sắc độ chính đó ra thì trong phần sáng của vật chỗ sáng nhất là điểm chói. Điểm chói thường chỉ xuất hiện ở các điểm của một góc, một điểm phản xạ nhiều ánh sáng nhất trên một vật. Những vật nhẵn bóng thường có điểm chói, những vật xốp mềm không có. Trên hình người điểm chói thường xuất hiện ở chóp mũi góc trán,ở các đầu khớp xương, ở các bắp thịt như đùi, ngực,mông ... . v.v.v không nên tạo điểm chói, vì chất mềm mại của da thịt sẽ biến thành đồ sứ hay đồ nhựa bóng nhẫy.
Khi thầy bố chí mẫu cũng như học sinh sẽ cố gắng sao cho các mảng được tạo nên do mốc sắc độ liên tục, để tạo nên được cái đẹp nhát khí quán hạ của bài vẽ và cần tránh cho được sự nát vụn , rối rắm của hình.
Bóng, bóng ngả : những phần bị khuất ánh sáng gọi là bóng. Trong hình họa người ta phân biệt hai loại bóng là bóng bản thân và bóng ngả. Bóng bản thân là bóng nằm ngay trên bản thân vật ấy. Bóng ngả là bóng của vật này in sang bóng vật khác. Qủa bóng để dưới sân dưới nắng thì nửa tối của của bóng gọi là bóng bản thân. Hình quả bóng in xuống sân tạo thành một mảng tối, mảng ấy gọi là bóng ngả.
Không bao giờ nên vẽ bóng bằng một săc độ quá đậm, bóng như vậy là không đúng và cứng. Trong bóng tối bao giờ cũng có ánh sáng phản quang và hình thể của sự vật trong bóng tối cũng không phải là phẳng lì. Do đó thầy giáo cần hướng dẫn học sinh thể hiện bóng thế nào cho có độ xốp, độ trong càn thiết , nếu vẽ nhẵn lì và đơn điệu thì rất khó tạo thành bóng tối được.
Tương quan sắc độ và giá trị đậm nhạt : Trên kia ta đã nói về tương quan và tỉ lệ về hình tức là nói chủ yếu tới rộng,hẹp,to,nhỏ,tròn méo ... v.v..v .. ở đây nói tương quan chủ yếu là nói về tương quan sắc độ. Nếu không nắm được tương quan sắc độ thì không thể tạo được khối, độ sâu rộng sẽ bị loạn , mối liên hệ thống nhất sẽ bị mất và do đó bức hình không thể đạt yêu cầu. Vì vậy trong khi tạo khối người học sinh phải luôn luôn nhìn bao quát so sánh để biểu hiện được mối tương quan đó bằng ba sắc độ chính nêu trên kia. Tương quan về sắc độ bao giờ cũng phải đi đôi với giá trị đậm, nhạt của bức hình. Có thể một bức hình có tương quan sắc độ rõ ràng nhưng vẫn không đạt về giá trị thẩm mỹ. Vì vậy trong khi so sánh để tạo khối thì đồng thời cũng đã phải đưa tính ước lệ về đậm nhạt của hình sao cho vừa đúng lại vừa hài hòa tức là vừa kết hợp tính khách quan của sự vật với sự chủ động sáng tạo của con người. Ví dụ có thể vẽ được chăng nếu không sử dụng tương quan sắc độ và giá trị đậm nhạt khi cần diễn đạt màu đen của nhung của sơn mài với độ sáng của ánh sáng với một chiếc đàn nê - ông lên mặt giấy, chúng ta không có màu đen nào để vẽ mà lại đen và xốp như nhung cả. Chúng ta cũng không có mầu nào có độ sáng phát quang như ánh sáng đèn nê- ông cả, màu trắng của giấy, màu đen của bút chì là giớ hạn quy định. Nhưng chúng ta nắm được phép trình bày theo tương quan sắc độ và tính ước lệ thì vẫn diễn tả được sự vật.
C ) Đặc trưng hay nét tiêu biểu : Trước khi cầm bút vẽ và trước khi kết thúc bức vẽ phải ngắm nhìn đối tượng định vẽ và suy nghĩ xem đối tượng ấy khác với các đối tượng khác bởi cái gì tạo nên đặc điểm riêng của cá thể ấy trong khi vẫn có cái chung của đồng loại về mặt hình khối, đường nét,dáng điệu ...v.v..v Khi nói đến đặc điểm ở đây không nên hiểu như đặc điểm mà người công an hộ tịch nhận xét để làm chứng minh thư, ở đây nốt ruồi không thành vấn đề gì cả ,vân tay lại càng không cần thiết. Đặc điểm ở đây là những nét đặc trưng tiêu biểu của sự vật được bộc lộ ra bởi dáng dấp và hình khối chất liệu, màu sắc, thần thái ..v...v.. .Chính những nét đặc trưng ấy làm cho ta thấy cái khối gỗ và khối thạch cao khác nhau , cái lọ thủy tinh và cái lọ gốm khác nhau, con bò đực,con bò cái,con bố khác nhau, người tre ,người già, người thành thị , trí thức, có những nét khác với người nông thôn , người miền biển ,dân chài ,,,v,,,v,v, ..
Yêu cầu này so với yêu cầu khác khó và cao hơn vì nó thuộc về sự nhận xét có tính chất năng khiếu , có tính chất phát hiện, song có thể rèn luyện để có được sự nhạy cảm.
Đối với một bức hình mà không mang được sự đặc trưng của sự vật thì giá trị thẩm mỹ sẽ rất thấp. Yêu cầu này không những chỉ dừng lại ở bài tập hình họa và sau này trong tác phẩm tạo hình cũng như trong tác phẩm trang trí vẫn là một yêu ầu có tính chất lượng. Chúng ta đã gặp không ít những học sinh có bài vẽ khá nghiêm chỉnh thậm chí hài hòa nhưng vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng đó chính là nét đặc trưng, tiêu biểu của sự vật , vì vậy nhiệm vụ của người thầy ở đây không phải là chê bai mà cố gắng phân tích để người học sinh thấy rõ vấn đề, để rèn luyện khắc phục nhược điểm mà trời không phú cho như những người có sẵn năng khiếu.
D ) hoàn chỉnh một bài hình họa
Sau khi đã vẽ đầy đủ xong xuôi cần lùi ra xa để hẳn ở một vị trí khác, tránh cảm giác quen mắt, nhìn toàn bộ bức hình trong một thoáng nhãnh để phát hiện ra những thiếu sót, những chỗ thừa, những chỗ bị bật ra chưa hợp với tương quan chung, hoặc những vị trí cần những nét nhấn ( accent )để làm nổi bật hoặc tránh bức hình lại tránh cho bức vễ bị đều đều ( monotone ) nhạt nhẽo ,phần lớn trong giai đoạn này là tước bớt để đạt tính khái quát tổng thể của tiêu chuẩn thẩm mỹ hơn là sự thêm vào các chi tiết. Có họa sĩ đã nói rằng : tài năng của người họa sĩ biểu hiện ở chỗ biết dừng lại ở đâu, mà thường là vẽ mãi tới bao giờ không thể vẽ được nữa thì họ dừng. Họ dừng vì không biết vẽ tiếp cái gì vào nữa, họ dừng là vì họ không biết tiếp tục ra sao chứ không phải họ thấy đủ. Vì vậy người thầy phải giao nhiệm vụ cho họ theo yêu cầu cụ thể có giới hạn và khi họ sắp sửa vẽ những chi tiết thừa thì người thầy phải xét khả năng họ mà bảo họ dừng lại trong một tương quan tốt nhất, nếu không bức hình vẽ tồi đi và hỏng.