Điêu khắc môi trường

Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục IX)

IX. NGỌN LỬA THIÊNG ĐỐT LÊN TỪ MÙA XUÂN

Liễu Đôi (Hà Nam Ninh) là một vùng thiên nhiên có nhiều khó khăn: lụt lội, mưa bão, lại trải qua nhiều thời kỳ giặc giã. Nội dung ấy là cơ sở của vùng văn hóa Liễu Đôi.

Hội vật võ Liễu Đôi biểu hiện tinh thần thượng võ. Truyện pho tượng trôi cho hay: ngày xưa, trẻ chăn trâu Liễu Đôi vớt được một pho tượng trên đồng chiêm trũng, có hình dáng một đô vật sáp vào tay tư. Nhưng tượng chỉ có một ông, chúng giành vật nhau cho pho tượng xem. Vật rồi, sức khỏe được tăng liên. Dân Liễu Đôi thấy vậy, ai ai cũng ra vật, mà quả nhiên sức khỏe cũng được tăng lên. Bởi vậy, nhân dân bèn thờ pho tượng và hằng năm mở hội vật võ.

Nói về hội vật võ Liễu Đôi, truyện sự tích Thánh Tiên kể rằng: Thánh Tiên được trời cho gươm báu, ngài rất mê vật võ, cứ vào mùa xuân, ngài lại mang gươm ra múa cho lửa bốc ngút trời, báo hiệu bốn phương vào vui hội vật võ. Khi đất nước có giặc, ngài mang gươm đi cứu nước. Giặc tan, đất nước thanh bình, ngài xuất trần ở cánh đồng Nương, Cửi. Từ khi ngài xuất trần, cánh đồng Nương Cửi có một ngọn lửa lạ bốc ngút trời, đó là thanh gươm đang phát hỏa. Thanh gươm ấy, Ngài gửi lại cho con cháu. Dân Liễu Đôi rước gươm về thờ và hằng năm mở hội vật võ, gọi là Hội Thánh Tiên.

Môi trường hội vật võ Liễu Đôi thật là đặc biệt. Ngoài hành động khai hội đầu xuân “động thổ đường cày” ngày mồng 2 tết, vật võ trong hội Liễu Đôi còn là mùa đông kết thúc và mùa xuân đến. Làng chọn hai em nhỏ nhất làng ra vật năm keo để trình làng, lễ thánh. Nghi thức vật võ ở đây chỉ là biểu diễn. Các nghi lễ rước thánh tới, lễ phát hỏa, lễ thắt khăn đào, múa cờ tụ nghĩa đều được tiến hành trong môi trường lễ hội sôi động. Tiếng pháo, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng thanh la tại khu vật võ và các đình chùa trong vùng cùng tiếng reo hò vang dậy.

                           Giáo dàn mặt đất chói lòa

                           Kiếm vung, gậy múa, sao sa cõi trần

                           Reo hò bão cuốn mây vần

                           Trống chiêng vang đến chín tầng trời cao

                            Đô vật tựa sóng ào ào

                            Mình trần, khố gọn, khăn đào thắt ngang

Còn lễ trao gươm và thắt khăn đào:

                            Oai phong là lễ trao gươm

                            Chiêng khua động đất, trống rền trời cao

                            Nghiêng trời lễ thắt khăn đào

                            Người reo như thác ào ào bốn phương

Tất cả đã hòa vào để hình thành môi trường của ngày hội: không gian môi trường của những người đi trẩy hội của những khu vật võ và của âm thanh vang dội… Nam thanh nữ tú đi trẩy hội vừa khỏe lại vừa đẹp: “Nam thời mình hổ nữ thời mình long”.

Trong không gian môi trường ấy, các đô vật càng trở nên đẹp trong động tác thi đấu:

                            Vai như tảng đá nhô lên,

                            Ngực phồng đỏ rực tượng đền ông Ba.

Hoặc:

                           Tiến phía Bắc, thoái phía Nam

                           Đất rung, gió cuốn, mây tan rụng rời

                           Bập bềnh nghiêng ngả hai vai

                           Miếng chân: nát cẳng; miếng tai: tung đầu.

                           Khum vai, núi đổ ngang hầu,

                           Uốn lưng: rồng cuốn, cắt đầu: hổ sa.

Chính cái hình tượng “uốn lưng (rồng cuốn), cất đầu (hổ sa) đã làm chúng ta liên tưởng đến bức chạm khắc đánh hổ làng Chảy (Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam Ninh). Một dũng sĩ có thân hình vạm vỡ, cởi trần, đóng khố, đeo kiếm, một tay cầm đốc kiếm rút ra, một tay cầm khiên xông vào đánh hổ. Dũng sĩ có dáng dấp một đô vật, lại hao hao giống một chàng trai đánh dậm vùng đồng chiêm trũng. Nghệ thuật diễn đạt dũng sĩ đánh hổ bằng một khối điêu khắc mập, khỏe, đơn giản với hình khối hổ co rúm được trang trí hình S. Mặt dũng sĩ căng tròn, chắc nịch, tạo nên một cái nhìn mạnh mẽ, đầy tinh thần thượng võ.

Nam thì như thế, còn nữ thì vừa đẹp lại vừa giỏi. Vẻ đẹp và tài năng ấy đã được hòa đồng vào nhau trong tinh thần thượng võ và tinh thần thẩm mỹ:

                           Thoạt vào nó hát huê tình,

                            Cái lưng nó uốn như hình cô tiên.

                            Cái cổ ba ngấn quay nghiêng

                            Cái má lúm tiền như thể mặt trăng,

                            Múa võ nổi sóng đất bằng,

                            Kiếm vung sáng tựa sao băng giữa trời.

Đó là vẻ đẹp cơ thể và cũng là vẻ đẹp của võ nghệ trong ngày hội.

                            Lưng ong ai uốn nên cong,

                            Để cho kiếm vẽ một vòng như sao.

Nếu không có không gian môi trường lễ hội, chắc chắn khó có thể có được những keo vật và những đường kiếm đẹp như thế. Lễ hội mà không có môi trường thích hợp thì sẽ trở thành tẻ nhạt.

Cái đẹp và ý thức thượng võ xuất hiện trong môi trường sống cụ thể của một vùng đồng chiêm trũng. Truyện nàng Trăm Sắc giàu sắc thái tạo hình: từ một khối con trai, do một bà mẹ nghèo mò cua bắt ốc bắt được, đến cái vẻ đẹp rực rỡ của nàng tiên Trăm Sắc xuất hiện rồi tham dự hội vật võ. Cụ trùm đánh trống đánh rơi mất cả dùi vì sắc đẹp của nàng và suýt nữa làm tan vỡ hội vật võ.

Rồi khi giặc ngoại xâm đến, vì ham mê săc đẹp của nàng, chúng tranh giành nhau, chém chết nhau. Cuối cùng, chúng băm nàng thành trăm mảnh và vứt xuống cánh đồng Cửa Miếu. Nàng lại biến thành trăm nghìn nàng tiên khác. Từ những ngọn sóng, trăm nghìn nàng tiên gươm giáo tuốt trần lao vào giặc mà đâm chém. Giặc tan, các nàng tiên lại nhập vào các cô gái quanh vùng để hiện lên vẻ đẹp “cái lưng nó uốn như hình cô tiên”.

Nghệ thuật đi cuộc sống đến huyền thoại, và từ huyền thoại lại trở về với cuộc sống để rồi có mặt trên những tổ hợp chạm khắc đình làng An Hòa (Thanh Liêm, Hà Nam Ninh).

Trên những bộ chồng rường: tiên và hoa lá, rồng và hổ phù nằm trọn trong một hình tam giác có cạnh đáy kéo từ cột cái sang đầu cột quân. Các hình đó chia làm ba dải chống tiếp lên nhau phát triển theo độ nghiêng của khoang lên đến sát nóc. Từ dưới lên là dải một: tiên xuất hiện trong những đề tài hoa lá; dải hai: tiên hái quả; và dải ba: tiên múa trên lưng hổ. Tiên múa trên lưng hổ hay tiên hoa lá đặt bên cạnh rồng và hổ phù gợi lên tinh thần thượng võ trong các ngày hội cũng như trong huyền thoại về nàng Trăm Sắc.

Để làm rõ chủ đề trên, nghệ nhân chạm khắc đình An Hòa đã sử dụng thủ pháp tương phản trong việc tạo hình không gian. Tiên múa trên lưng hổ được chạm kênh bong và lật đặt bên cạnh những hình trang trí thụt vào phía sau trên những tấm ván. Không gian của các dải tiên trên các xà ngang, xà hạ, xà trung, xà thượng lại được tạo dựng với những độ kênh ra khác nhau, làm cho nội dung từng dải tiên rõ hơn và tạo mối tổng hòa phong phú cho không gian của các bộ chồng rường.

Trên các tổ hợp hình chạm khắc đình làng An Hòa, hình tượng tiên không phải chỉ đẹp trong hoa lá, mà còn đẹp cả trên mình hổ nữa. Ở đây, cái đẹp đi đôi với sức mạnh. Mô típ tiên cưỡi hổ ta ít thấy ở các đình làng xứ Bắc, xứ Đoài. Ở xứ Bắc, xứ Đoài, tiên thường thấy trong các mô típ tiên – phượng, tiên – rồng như ở đình Thổ Hà, đình Diềm (Hà Bắc) hay đình Tây Đằng (Hà Nội)… Nghệ thuật chạm khắc đình làng ở vùng văn hóa Liễu Đôi nằm trong phong cách xứ Nam (hoa lá, tiên đơn giản) nhưng thanh thoát, không tinh vi như nghệ thuật chạm khắc xứ Bắc, cũng không đơn giản thô khỏe như nghệ thuật chạm khắc xứ Đoài.

Ở hội vật võ Liễu Đôi, phụ nữ là một lực lượng tham gia bình đẳng với nam giới về tất cả các môn: đao kiếm, côn, quyền và được mọi người tôn trọng. Sức mạnh của người phụ nữ nhiều khi trở thành huyền thoại, đến nỗi trước khi đọ kiếm thường có tục lệ “gươm quệt má đào” để dũng sĩ tin rằng mình sẽ được tăng thêm sức mạnh.

Và sức mạnh đó đã được đốt lên từ ngọn lửa mùa xuân, ngọn lửa của hội thánh Tiên, ngọn lửa của thanh gươm đang phát hỏa.

Thap Hoa Phong chua Dau 1

Tuong La Han chua Mia 2

Quan Am Thi Kinh chua Mia 3

Den Va 4

Den Do 5

Den Do 6

 

KẾT LUẬN

Việt Nam ở ngã ba đường của văn hóa. Ở đấy chúng ta tiếp nhận sự giao lưu của hai nền văn hóa lớn Trung Hoa va Ấn Độ. Đó là chưa kể tới những nền văn hóa từ phương Nam đưa tới như Campuchia, Inđônêxia… Nghệ thuật Trung Hoa, Ấn Độ rất mạnh, ở đây có một nền văn hóa lâu đời hết sức đồ sộ nhưng những ảnh hưởng ấy khi vào ta đều được sàng lọc và đồng hóa với văn hóa Việt Nam để trở thành một nền văn hóa bản địa giàu sức sống. Sự sàng lọc này không phải đơn giản. Ấn Độ có một nền nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc hết sức đặc sắc. Ở đây lại là đất tổ của phật giáo thế giới. Những ảnh hưởng này lan truyền sang ta trong khi chúng ta còn ở một tình trạng xã hội thấp kém hơn thì quả thật là một sự giao lưu không cân bằng.

Còn như nền văn hóa Trung Hoa cũng vậy, rất có điều kiện để lan tràn sang. Những thành tựu văn hóa nghệ thuật thời Đường, Tống cũng rất lớn. Nền đô hộ của phong kiến Trung Hoa trên đất nước ta là một sự hỗ trợ cho việc áp đặt văn hóa không đồng đẳng.

Nhưng tất cả những điều đó đều được sức mạnh của văn hóa Việt Nam sàng lọc gạt bỏ và tiếp thu một cách hợp lý. Chúng ta có một nền văn hóa nghệ thuật dân tộc phát triển độc lập, đóng góp vào kho tàng của văn hóa nghệ thuật thế giới.

Điêu khắc môi trường chùa Việt Nam cũng như ngôi chùa chứa đựng nó không đồ sộ và cũng ít tính chất “siêu phàm” như điêu khắc chùa ở Ấn Độ - Trung Hoa. Nhưng nghệ thuật điêu khắc môi trường chùa đâu có phải nhằm cái đích đó mà tiến tới. Nghệ thuật có giá trị cao khi nó biết khai thác và vận dụng triệt để những đặc thù ngôn ngữa để biểu hiện một nội dung tinh thần, một hình thái tâm lý sâu sắc.

Chúng ta hết lòng chiêm ngưỡng các nền nghệ thuật tiến bộ của nhân loại, đồng thời cũng thấu hiểu và tự hào về nền nghệ thuật dân tộc.

Ngày nay con đường mới đang mở ra cho nền nghệ thuật điêu khắc môi trường và cũng đang tạo vẻ đẹp cho một nền kiến trúc xã hội chủ nghĩa. Nhiều thành thị đang mở rộng. Nhiều quảng trường, nhiều khu kiến trúc mới đã hình thành, chính điều đó, đang dần dần xác định chỗ đứng của nghệ thuật điêu khắc môi trường. Điêu khắc môi trường đã có chỗ đứng trên đường phố, các cụm dân cư đông đúc… Và như thế sự phát triển của điêu khắc môi trường đã mở rộng ra rất nhiều. Từ đây, điêu khắc môi trường tìm thấy công chúng của mình và không gian môi trường mới.

Các nhà điêu khắc môi trường Việt Nam sẽ tiến tới với nhịp bước của nền văn minh nhân loại, nhưng luôn đi bằng đôi chân của mình, trên cơ sở của một nền nghệ thuật truyền thống. Quên chỗ đứng của mình, các nhà điêu khắc sẽ mất đi sức mạnh nghệ thuật vốn rất tiềm tàng phong phú.

Từ bệ phóng này, chúng ta sẽ vượt lên để rồi lại tạo ra những tinh hoa mới.

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục VIII)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục VII)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục VI)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục V)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục IV)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục III)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)