Điêu khắc môi trường
Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục V)
V. CHÙA TÂY PHƯƠNG – NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐIÊU KHẮC
Chùa Tây Phương, nỗi tâm tình của ông cha gửi lại mai sau. Ngôi chùa trải qua mưa nắng dãi dầu mà vẫn còn nguyên vẻ đẹp.
Chùa Tây Phương nằm trên đỉnh núi Tây Phương gọi là núi nhưng không cao quá 50m. Nhìn từ xa núi có hình cong như lưỡi câu, nên dân gian vẫn thường gọi là Câu Lâu Sơn (núi Câu Lâu). Núi Câu Lâu thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây.
Chùa làm theo kiểu chữ tam. Ba lớp chùa (chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ) cách nhau bởi sân Thiên Tỉnh (hai bên chùa Trung). Ánh sáng sân thiên đỉnh lan tỏa nhẹ, đưa vào không gian nội thất tạo cho ngôi chùa có một độ sáng trầm tĩnh. Chùa được nối liền một bức tường xây có hình dạng chữ công.
Kiến trúc chùa theo kiểu mái chồng diêm, gồm hai tầng tám mái. Các góc đao uốn cong duyên dáng như một bông hoa tươi tắn. Cả khu chùa có 24 đóa hoa đao. Đóa hoa nào cũng lớn, cánh mềm mại, vẫn tỏa ra một sức sống tươi vui. Hàng ngói giọt gianh và chú rồng guột cũng gợi cảm xúc trong kết cấu thẩm mỹ của ngôi chùa.
Buổi sáng sớm, vầng thái dương còn ẩn hiện sau chân mây, 24 đóa hoa đao thấp thoáng, phơn phớt hồng như nở dần theo độ sáng. Mái chùa quay ra tứ phía, ánh sáng màn sương lan dần, thấp thoáng màu nâu của ngói, màu đỏ của gạch, xen kẽ mạch vôi trắng, trên nền màu chuyển động của cây xanh… Tất cả cho ta một hoa sắc tuyệt đẹp, một cảm xúc kỳ thú như đi vào chốn Tây Phương cực lạc. Mái chùa trùng điệp, mái lại mái, lại những cánh hoa đao cong vút lên cao tới 2,2m. Hai đóa hoa đao của hai lớp chồng diêm làm cho chiều cao được nhân đôi, cao tới 4,4m. Tỷ lệ này, tương quan với chiều cao ngôi chùa 8,5m càng gợi cảm cho ta như những cánh chim đang chuyển động, nâng nhẹ ngôi chùa trong hòa sắc của không gian để bay vào chín tầng mây.
Đường viền răng cưa hàng ngói giọt gianh, chúng dắt nhau leo lên mãi cho tới chỗ cao nhất và đụng phải cái guột đầu tiên, một chú rồng bờm râu dựng ngược thành những hàng gai dữ tợn được tô đắp thật sinh động. Những hình răng của mái ngói đã cùng với chú rồng góp phần hoàn chỉnh thêm vẻ đẹp công trình.
Hàng ngói răng cưa lan tỏa như những gợn sóng, lăn tăn làm cho con chồn, con xô đỡ phần mệt nhọc thoải mái trong chuyển động. Những gợn sóng nhẹ từ các hàng ngói của các mái dồn về bờ, gợi cảm như muốn vượt lên, nối liền khoảng cách giữa bờ và mái ngói. Những đường bờ ngăn mà không làm cho hàng ngói đứt đoạn, chúng đi liền một mạch trên cả bốn mặt chùa. Mái liền mái. Hệ thống bờ guột được thống nhất lại tạo thêm sức sống cho tư duy nghệ thuật.
Đường lên chùa được xây dựng toàn bằng đá ong pha chút đất đồi được gia công đôi chút. Đường chạy ngoằn nghèo lên đỉnh núi với gần 250 bậc, hầu như không một chiếu trải. Con đường lẫn vào những rặng tre, xen kẽ những khóm mây rậm rạp kéo dài lên sườn núi, tạo cho du khách vãn cảnh lòng được nhẹ nhàng thanh thoát. Mỗi bậc lên là mỗi bậc đưa ta đi sâu vào cảnh bụt. Dọc hai bên bậc đá, những khe nước đã cạn, còn để lại vết tích của độ ẩm với màu xanh biêng biếc của rêu.
Đường lên chùa, hay là đường lên mây? Con đường đó dẫn ta lên cảnh bồng lai tiên phật. Những sáng tinh sương, sương phủ kín đường đi, sương nặng đầu cành lá, sương nhòa đi mọi hình thể, sương làm cho cảnh chùa thêm lắng đọng trầm tư.
Qua cửa tam quan, vườn cây xanh ngát, cành lá xum xuê, vườn nhỏ nhưng cũng đủ tạo nên khoảng không cần thiết cho không gian một ngôi chùa xếp ngang thành ba lớp song song nhau và đã có ai đó, thi vị hóa:
Cổng chùa từ bậc thang mây
Và sau ngay cổng đã cây đã vườn
Kiến trúc mái chồng diêm làm cho ngôi chùa được nâng lên thanh thoát, nhẹ nhàng. Cảm giác như bay bổng. Khối chùa không bị đè bẹp, nặng nề. Ở đây cách xử lý nghệ thuật có khác với một số chùa, không dùng tới ngọn tháp để co kéo ngôi chùa, tạo tỷ lệ hài hòa làm nhẹ khối kiến trúc chùa, mà chủ yếu dùng mái chồng diêm với những đầu đao cong vút lên, co kéo khoảng chảy của mái chùa chạy xuống gây hiệu quả nghệ thuật.
Kiến trúc mái chồng diêm và khoảng trống của sân Thiên tỉnh giữa các nếp nhà đã tạo cho ánh sáng thiên nhiên lan tỏa vào các khối tượng bên trong một cách hợp lý.
Nội thất của chùa, kiến trúc tạo mối tổng hòa không gian kỳ diệu.
Bộ vì kèo, hoành, dui, xà dọc, ván bưng đều được chạm trổ có đủ các hình tròn, vuông, sắc cạnh, hình chuyển động hoa lá trang trí với những điểm nhấn sát cột lan tỏa làm cho hình khối của sà không bị trơ. Đấu tròn được đặt trên cột tròn trang trí hoa lá mây nước. Xà dọc, mặt dưới được bào vuông, hai bên Xà cạnh khum khum mình trắm được lắp vào cột tròn bằng mộng én. Cột tròn đặt trên bệ đá hình sen khổ 90cmx90cm. Bệ đá vuông. Đáy sen tròn lồng vào giữa mặt bệ đá.
Bộ vì kèo, chồng rường: cắt ngang phần mái chồng diêm. Bộ chồng rường sắp xếp theo ba lớp cách nhau bởi dấu hình tròn được trang trí lá sen, mây nước. Giáp hai đầu bộ chồng rường với cột cái trang trí hình lá lật, mây nước hòa quyện với nhau. Phía trên các hoành, các bộ vì kèo nối nhau bằng những khoảng cách đều đặn.
Những bộ chữ nối với nhau bằng những hình ô vuông có mộng, trên đó có lớp ngói chiếu có đủ màu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng… Lớp ngói mũi hài có hình trang trí xếp lên lớp ngói chiếu làm cho hai mặt của lớp ngói đều được trang trí hài hòa đẹp mắt, ván nong, phần cột con nằm trên xà dọc được trang trí hoa lá đăng đối với nhịp điệu chuyển động của lá đã hóa thành hình mây, một cụm mây nhỏ, hay nhiều cụm mây nhỏ, nhưng bao giờ cũng hài hòa hơn, đơn giản, thuần chất và thoải mái. Những đường chạm hình cung đã khéo tạo ra những khối làm nổi bật lên ý nghĩa giản dị của hình thể trang trí.
Cửa võng, ngăn cách bàn thờ hương án với tượng phật. Cửa võng được đục thủng, trang trí long, ly, quy, phượng. Giữa cửa võng, hai bên rồng chầu mặt trời, tạo không gian ẩn hiện, thiêng liêng cho điện thờ, gây lòng cám dỗ, tin tưởng.
Chùa Trung, khu trung tâm của chùa (nhà bái đường) nằm giữa hai sân thiên tĩnh, nối liền với chùa Thượng (hậu đường) bằng một bể nước rộng không quá 1,5m. Những hàng cột đặt trên bệ đó, có kích thước nhỏ hơn bệ đá chân cột ở chùa thượng và chùa hạ, mỗi chiều 0,50cmx0,50cm, trang trí hình hoa sen lật úp, có đáy tròn nằm giữa bệ. Tính chất vuông tròn âm dương lại một lần nữa nằm ngay dưới chân cột chùa.
Trên đầu cột quân, có những bẩy chạm hình đầu rồng. Râu rồng được chạm không sâu vào một mặt phẳng, theo hình chuyển động chạy ra hai mặt chiều nghiêng của bẩy, tiếp theo hình chuyển động đuôi rồng quyện vào xà nách để ăn nhịp vào cột cái chùa trung. Hình vô hướng được lồng vào hình có hướng chuyển động và mang hình tượng rồng ngậm ngọc.
Cột cái chùa Trung được nâng cao hơn cột cái chùa Thượng và chùa Hạ. Phần mái chồng diêm cũng được nâng cao lên. Mái chồng diêm phía trên xà nách, trên cột con là một cái bẩy, ở đó lại gặp bộ chồng rường. Ba lớp của bộ vì kèo, bệ dấu hình hoa sen nối liền với các vì gian. Bộ xà dọc hàng cột quân, xà dọc của hàng cột cái hợp với các xà dọc khác và xà nóc hình thành một không gian cong vút lên. Không gian này tạo nên sự hài hòa và làm tăng giá trị của những khối tượng tròn ở điện thờ phật.
Nghệ thuật trang trí kiến trúc đã đạt được những thành công rất lớn: đơn sơ, chân chất, thoải mái và đồng thời đầy đủ, hậu hỹ, có thiên hướng hiện thực rõ rệt. Thiên hướng đó cũng được nghệ nhân chùa Kim Liên cùng thời nhấn đậm làm cho phong phú hơn về phong cách nghệ thuật.
Chùa Kim Liên được xây dựng cùng thời, hình dạng chùa, họa tiết trang trí lá, mây, hổ phù đều có những nét giống chùa Tây Phương. Nhưng phong cách nghệ thuật có khác. Ta hãy xem xét điều đó ở hình tượng đầu rồng.
Chùa Tây Phương đầu rồng trang trí ở bẩy hiên, tinh tế, trau chuốt. Hình trang trí râu rồng, đuôi rồng, mây, hoa lá gây cảm giác thanh toát, nhẹ nhàng không nặng nề, thô cục. Hình rồng trên đầu đao chùa Tây Phương cong vút lên, bờm tóc lởm chởm dữ tợn, gợi cảm như bay lên rất phù hợp với hợp thể chung của kiến trúc.
Ngược lại rồng đầu bẩy của chùa Kim Liên khỏe chắc. Rồng đầu đao đơn giản, bờm tóc không lởm chởm, không dữ tợn, không cong vút lên như chùa Tây Phương. Ở đây nghệ thuật có phong cách thô khỏe, chắc nịch phù hợp với hình thái chung của ngôi chùa.
Chùa Tây Phương và chùa Kim Liên có dạng thức giống nhau nhưng rõ ràng tư chất nghệ thuật có khác. Đó là kết quả sáng tạo của những bàn tay nghệ thuật đầy tài năng mà tư chất nghệ thuật không hoàn toàn đồng dạng. Bởi nghệ sĩ đã biết sử dụng nghệ thuật phù hợp với không gian môi trường của từng công trình nghệ thuật ở trong những môi trường khác nhau. Tuy vậy, với sự tồn tại của chùa Kim Liên cũng gợi cho ta một hình dung không đầy đủ nào đó về chùa Tây Phương xét về tư chất, cá tính nghệ thuật.
Trên tinh thần đó, có thể cho thấy gì về tam quan chùa Tây Phương hiện đã không còn nữa; thiết nghĩ có thể gợi cảm phần nào về sự thiếu hụt này của hiện trạng chùa Tây Phương qua Tam quan chùa Kim Liên.
Cổng tam quan chùa Kim Liên cũng mang hình trang trí như các lớp chùa bên trong. Ở đây cũng rồng, cũng hổ phù, đấu sen, lá mây… Trên chất liệu gỗ mộc mạc. Mái chồng diêm ở tam quan ăn nhịp với 8 đóa hoa đao hình thành một tư chất nghệ thuật sâu đậm, để lại cái dáng chắc khỏe, cái nhìn có phần dân dã hơn chùa Tây Phương. Tam quan chùa Kim Liên hiện còn đứng được với thời gian trong mưa nắng khắc nghiệt mà vẫn vẹn tròn của Phật.
Bây giờ trở lại với chùa Tây Phương với những nét đặc sắc nhất của điêu khắc.
Tượng chùa Tây Phương là một thành công rực rỡ. Đây là cuộc sống trần gian đã hội tụ ở chùa.
Tượng chùa Tây Phương được tạo tác từ chất liệu gỗ mít, sau đó phủ lên một lớp sơn ta với nhiều màu sắc: sơn son, thiếp vàng, nêu cánh gián, sơn then… Mỗi tượng đều có một kiểu dáng, một tâm tư thích hợp nội dung tinh thần nhân vật.
Khi tiếp xúc với những pho tượng, chúng ta dễ dàng nhận ra hình thức của các nhân vật theo lối tu của từng vị và sau đó ngắm nhìn kỹ hơn chúng ta thấy tiếng nói của khối chờm ra và chuyển động để nói lên cá tính tinh thần của từng nhân vật. Sự kết hợp tiếng nói của hình thể, hình khối chặt chẽ, gây cảm xúc sâu về nghệ thuật. Vai trò của không gian có phần yếu hơn, không tác động mạnh như hoạt động của khối. Rõ ràng tỷ lệ hoạt động của hình khối, không gian không đồng đều. Có cái được nhấn mạnh, nhưng lại có cái buông lỏng, ít được chú ý hơn. Tác giả đã biết nhấn tiếng nói của ngôn ngữ điêu khắc một cách thích hợp do đó đã tạo nên sự thành công rất lớn về nghệ thuật. Trong đó đáng kể nhất phải nói đến những pho tượng: Tuyết Sơn, Kim Cương, La Hán…
1. Tuyết Sơn
Tượng Tuyết Sơn được bày ở trung tâm nội điện. Đó là Thích ca khi chưa thành đạo. Thái tử Tất Đạt Đa cùng năm người đi thu theo hộ trì ngài đến chỗ gần sông Ni-Liên-Thiền-na (Nairandhana), ngồi thu phép khổ hạnh, giữ giới nhịn ăn, nhịn mặc, mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo và một hạt kê. Thái tử tu như thế trong sau năm ròng mà đạo giác vẫn xa xôi. Thân hình nhịn ăn đến độ kiệt thế trong sáu năm ròng mà đạo giác vẫn xa xôi. Thân hình nhịn ăn đến độ kiệt quệ, chỉ còn da bọc xương, nhưng từ nội tâm toát lên một sự điềm tĩnh lạ thường.
Dáng ngồi của tượng rất Việt Nam: thư thái, ung dung hưởng gió mát. Người ngồi hơi nghiêng về phía phải, mặt hơi cúi xuống để tâm niệm, chân trái chống lên, tay trái đặt trên đầu gối, chân phải để nằm, tay phải đặt úp lên.
Cấu trúc của khối toát lên hình hài da bọc xương, thể hiện rõ nội dung tu khổ hạnh. Cả pho tượng nổi rõ ba thể chất da, xương và vải. Tấm vải quàng bên trái chiếm 1/3 cơ thể còn 2/3 thân hình lộ ra với trái khối đầu. Tượng tạc theo quy thức chung, tượng ngồi thân bằng 4 đầu, vai bằng hai đầu.
Cấu trúc về xương dưới làn da mỏng sát không hoàn toàn theo đúng anatomi ở đây tác giả đã nhấn mạnh, khối xương sườn nổi lên to, đậm, xương được xếp theo những đường thẳng nằm ngang, cứng. Khối sọ, hốc mắt, cằm cũng đều được nhấn rất đắt. Cấu trúc gò má, xương quai hàm bộc lộ tính chất đó. Khối sọ gắn vào cổ, cổ gắn vào thân đều rất chuẩn xác. Đường chảy của vải mềm mại càng tương phản và làm cho những khối xương thêm cứng. Khối tay, bàn tay chỉ còn da bọc xương. Khối quần nát kéo lên trên đầu gối mâu thuẫn với khối áo chảy xuống bên trái. Khối quần bên phải cũng kéo lên khỏi đầu gối, khối nát làm tôn khối tay đơn giản đặt lên nó. Phía sau lưng khối áo phẳng, mịn ăn nhập với khối xương sống gồ lên cao, khô, cứng. Độ cong của xương sống hơi bị sụp làm tăng vẻ kiệt quệ đến tận cùng của thân thể. Hình thể bộc lộ rõ rệt, rồi khối tác động mạnh càng nổi rõ nội dung tinh thần của nhân vật.
Chúng ta cảm thụ được sự chiến thắng của tinh thần, trấn áp được mọi thử thách mà đường đạo được viên mãn.
Nghệ thuật được xử lý rất đắt, từ chỗ nhấn mạnh các khối xương đến chỗ gây tương phản các thể chất khác nhau như chất vải mềm mại với chất xương thô cứng… Sự tương phản của hình thể tiều tụy và tinh thần tạo ra đầy sức thuyết phục. Toàn bộ như trong trạng thái nhập định, ngoại cảnh không thể khuấy động, nội tâm đã hoàn toàn vắng lặng. Cái vật chất của gỗ, của sơn đã hóa thành tinh thần tỏa sáng nhưng lại trầm tĩnh lạ thường.
.Một pho tượng đẹp, đẹp ngay trong cái kiệt quệ của cơ thể để rồi truyền cảm tới người xem một tinh thần mạnh mẽ.
2. Đại thần lực Kim Cương
Kim Cương là thần tướng trên trời, phát bồ đề tâm mà đem thần lực hộ trì phật pháp.
Dáng đứng thế võ: cánh tay phải đưa ra, bàn tay như ấn xuống, cánh tay trái cầm kiếm giơ phần chuôi lên, đầu kiếm chúc xuống. Hai cánh tay chuyển động theo chiều ngược nhau, tạo đối xứng qua thân mình. Mặt quay nghiêng về phía trái chăm chú nhìn vào một đối tượng nào đó phía trước.
Hình khối mặt: lông mày, khối thịt lồi ra, hốc mắt tròn, mũi, cằm, miệng nhíu lại về một hướng như tập trung vào một điểm. Miệng biểu hiện thái độ căm giận, coi thường khinh bỉ.
Bộ áo giáp phân rõ bố cục: khối ngực, khối bụng, khối tay, khối chân. Hình khối áo quần, ngực tạo cho toàn thân có một sức mạnh phi thường. Chất áo giáp thể hiện rõ sự khác nhau với các thể chất khác. Cánh tay thô, khỏe, áo phía trong mang tính chất võ tướng. Dải áo tay phải nhô ra khỏi bệ bắt nhịp với cánh tay tạo cho pho tượng chiếm lĩnh và phát triển không gian. Đối xứng với dải áo tay phải, dải áo tay trái cụp vào, nhìn thấy rõ sự tương phản về hình khối.
Khối tượng nặng nề lại được đặt trên bệ mây cộng hưởng với không gian để vượt ra ngoài.
Pho tượng được đặt trong một không gian thích hợp. Ở đây tác giả tận dụng không gian môi trường một cách triệt để. Không gian môi trường được khai thác làm tăng giá trị của nghệ thuật. Không gian được nâng dần theo từng lớp xà ngang xà dọc của mái chồng diêm rồi lại tiếp tục phát triển… và cuối cùng vút lên với bộ chồng rường theo lối giật cấp để tiếp cận với hoành dọc. Những hoành ấy tiếp nối với xà dọc của hệ thống cột kèo mái chồng diêm. Không gian tạo thành một vòm hình cung rồi nâng dần lên.
Chính không gian này cộng với những lớp mây của bệ, dải áo bay ra đã gây độ tương phản với khối tượng, pho tượng được nâng lên ngược chiều với sức đè xuống của khối tượng. Điều đó gây cảm giác như pho tượng muốn đội chùa để vượt ra ngoài không gian chứa đựng. Tác phẩm ít nhiều mang quan niệm tượng ngoài trời. Pho tượng toát lên một tinh thần nhân vật, đó là một vị Đại thần lực Kim Cương.
3. Hiếp tôn giả
Hiếp tôn giả là cái ông tỳ gốc cây, tay cầm quạt. Pho tượng được thâu tóm trong cái nhìn thấu suốt: thông minh cần mẫn, thư thái, điềm tĩnh, đĩnh đạc.
Hình thể được bộc lộ rõ rệt. Và sau đó hình khối hoạt động tạo cho hình thể phát triển trọn vẹn. Từ cái nhìn chung, ta thấy gốc cây phân chia bố cục của tượng, phần trên hơn một chút, phần dưới non hai phần. Điều đó tạo cho kết cấu nghệ thuật không bị trượt, tạo nên dáng đứng đẹp.
Nếp áo chạy dọc theo thế đứng mềm mại ăn nhập với gốc cây xù xì. Khối chân nhẵn, căng đối lập với nếp áo từ tay vắt xuống. Nghệ thuật được sử dụng bằng các thành phần tương phản nhau nhưng không phá nhau, mà ngược lại làm rõ nhau, tạo nên hiệu quả cho thành công của tác phẩm. Chất da thịt của khối mặt, của mắt, của mũi, của miệng, của cằm, của tay… Chất quần áo mềm mại với chất gỗ thô cứng của gốc cây đã trao cho nhau những giá trị nghệ thuật tương hỗ. Ở đó thời gian và không gian như đọng lại. Nhưng nội tâm nhân vật vẫn vận động: khuôn mặt điềm tĩnh suy tư, con mắt chăm chú công việc.
Cấu trúc hình khối tượng tạo dáng thư thái, chân bắt chéo, tay đặt lên gốc cây, nếp áo chạy xuống thành những khối mềm. Khối mặt thông minh sáng suốt, khối tay khỏe mạnh giàu sức sống. Sự phân chia khối mặt, khối đầu, khối mũi… tỷ lệ chuẩn xác, thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc đạt đến một giá trị nghệ thuật cao.
4. Phật Đà Nan Đế
Đà Nan Đề là một trí giả thông minh, nhưng lại tu theo khoái cảm nên rất vui vẻ và thoải mái.
Pho tượng tạo một thế giới ngồi gần với dáng dấp tượng Di Lặc, cánh tay phải giơ lên theo hình chuyển động vòng cung. Khối đầu, thân, bụng, chân đều có chuyển động ngược chiều. Đầu và cổ ở góc độ chếch khoảng 150-170, nếu ta dọi từ đầu xuống tâm.
Thân ở độ chếch ngược chiều với đầu. Dựa vào cơ thể học, tác giả tạo thế ngồi cho tượng rất chuẩn xác. Tay phải giơ lên thoải mái, khối áo cánh tay chảy xuống lửng lơ hơi cong để kéo bố cục của tượng cân lại. Độ cong của tay và nếp áo chảy xuống tạo thành hai chuyển động ngược chiều để hình thành một chuyển động tròn. Hình chuyển động của tay áo và hình vòng cung của tượng đỡ nhau tạo tư thế thoải mái đầy khoái cảm.
Ở đây tác giả lại một lần nữa sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản cả về hình và khối để tạo thành giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Cấu trúc của khối: trái mặt phúc hậu, đúng là mặt vuông chữ điền như ông cha ta vẫn nói. Khối người béo khỏe, khối vú chảy ra có sức sống mãnh liệt. Khối đầu, khối ngực, khối bụng, khối tay đều được tạo nhẵn. Tay phải đeo một cái vòng mâu thuẫn với khối áo. Nếp áo chảy từ vai xuống bụng rồi nối tiếp đến đầu gối. Khối áo căng, nhẵn, có vài nếp gấp mâu thuẫn với khối tròn nhưng không nát. Quần có hình trang trí xoắn lại.
Pho tượng ngồi theo kiểu chân phải ngửa, chân trái úp, ta thường thấy trong những dáng ngồi thường ngày của các cụ. Tượng đặt ngồi trên những nếp áo quần rất thoải mái. Cách xếp đặt các khối tượng rất có ý thức tạo dáng làm tăng giá trị sáng tạo của nghệ thuật.
Sau lưng, dải thắt lưng mang ý nghĩa thực tế, phân chia bố cục của pho tượng thành hai khối. Khối vai và khối mông, do đó làm cho pho tượng không bị chảy tuột. Khối từ vai xuống thắt lưng, nếp áo đơn giản. Ống áo tay trái từ trên đầu thòng xuống, chạy dài ra phía trước. Khối mông cho đến khối tay phải nhẵn tròn chuyển ra khối đùi rồi lại từ đấy bắp nhịp với những chuyển động của tượng. Cứ như thế nghệ thuật luôn luôn ở thế động.
Cấu trúc và sự vận động của khối đã làm nổi bật tinh thần của nhân vật: thông minh, thoải mái. Pho tượng Đà Nan Đề là sự sống của nghệ thuật, tiếng cười vui vẻ của ông cha.
5. La Hầu La Đa
La Hầu La Đa là con một trưởng giả nước Ca Tỳ La. Khi sư phụ còn sống có giao cho ông giữ chức thị giả, khi đó ông đã bị quần chúng phản đối. Nghe nói ông rèn luyện bằng lao động, đi chăn hươu.
Chúng ta hãy nhìn mà xem: khối đầu, vẽ mặt không nhân hậu, không thông minh. Mũi hếch, mồm ngậm khinh khỉnh, xem thường mọi người. Xương thái dương bóp lại, lưỡng quyền cao, con người ghê gớm.
Dáng người rất trưởng giả: chậm chạp, nặng nề: Tay phải để lên đầu gối, tay trái cầm gậy rất thản nhiên. Con hươu ngồi trên bệ được nâng cao, đầu con hươu hơi nghếch lên nhìn chủ dáng thanh thoát, nhẹ nhàng. Hai tương quan đối lập nhau càng làm tăng giá trị của nhau. Khối tượng người càng thêm nặng nề, sức ỳ càng lớn và khối tượng con hươu càng trở nên rất sống động.
Phía sau tượng, khăn trùm phủ đầu kéo xuống ngang lưng La Hầu La Đa là một khối nhẵn trơn, đối chọi với khối áo có nếp nhăn, tạo nên thể chất vải của từng lớp áo rất quý phái. Nếp áo cà sa biểu hiện rõ sắc độ hình và áo. Toàn bộ pho tượng tạo đầy đủ nội tâm nhân vật.
Từ các dáng ngồi nặng nề, cái nếp khăn chải chuốt, cái gậy cầm lối gia trưởng, những móng tay để thật dài, đến từng thớ thịt ở tay, ở cổ, nét mặt, lông mày, cái mắt, nhất là cái miệng thì tuyệt diệu. Cái miệng đạo mạo tưởng chừng như không bao giờ bị hớ và rất mềm mỏng.
6. Bà Tu Mật
Tác giả dành nhiều tình cảm nồng nàn cho pho tượng Bà Tu Mật. Hình dáng pho tượng đứng hướng về phía trước, tay giơ lên ngang mặt, áo chảy dài cắt lửng trên bàn chân ngăn cách với bệ một khoảng cách ngắn, chân nối liền giữa áo và bệ.
Trên trục thẳng dọi tâm mặt với tay hơi chếch. Mặt nghiêng về phía bên phải tạo cho pho tượng có độ sâu đậm của tình cảm. Nếu nằm trên trục thẳng giữa tay và mặt thì pho tượng sẽ trở nên khô cứng. Cách giải quyết hơi nghiêng giữa mặt và tay đã tạo nên sự thành công lớn cho tác giả.
Đường chảy của áo về phía sau là một hình chuyển động tròn lan tỏa dần từ dưới lên vai thì gặp trái khối đầu chếch về phía trái. Khối rỗng của mồm taoji nên một sự cầu mong từ tâm ăn nhịp với hai tay chắp lại giơ lên phía trước.
Các khối: đầu, mặt, mũi, mồm, mắt, gò mắt, cằm đều toát lên tính chất chân thật, cầu mong rất thiền tu. Hình và khối chuyển động không có điểm ngừng từ phía trước vòng ra phía sau rồi từ phía sau lại vòng ra phía trước. Chuyển động dọc của áo và chuyển động cong của tay cũng tạo nên sự đối lập có hiệu quả cao về nghệ thuật. Sự chuyển động ở đây là sự chuyển động liên tục của cả hình và khối. Các thể chất của khối mặt, quần áo và bệ đá xù xì lại tiếp tục phát huy tác dụng như ở một số pho tượng đã phân tích ở trên.
Trái với pho tượng La Hầu La Đa, Bà Tu Mật toát lên tình cảm nồng nàn, đằm thắm, không nặng nề, trì trệ, thản nhiên. Ở đây sự cầu mong chân thật, thấm đậm trong từng chi tiết và cách xử lý nghệ thuật.
7. Mã Minh
Mã Minh là người có sức thuyết phục được cả loài ma ác. Ông ngồi tươi cười bình thản gây sự tương phản với hình con rồng đang há miệng dọa nạt. Đây là một pho tượng bậc thầy trong điêu khắc. Chúng ta hãy nhìn xem, cái miệng thật đẹp, hai con mắt trừng trừng rất nghiêm, nhưng vẫn có đức độ.
Thế ngồi kiên định trên tảng đá, một chân co, một chân duỗi. Đầu hơi chếch về phía tay phải chống xuống. Tay trái nâng lên ngang ngực biểu lộ rõ nội tâm. Tinh thần được bộc lộ qua trái khối của đầu. Cấu trúc sọ bẹp xuống để trái khối phía trên nhô lên. Sắc tướng thư thái, không chú ý đến ngoại cảnh. Mặc cho con rồng đang há miệng dọa nạt. Khối mắt, mũi, gò má, miệng đều thể hiện một sự thành đạt, vượt qua mọi trở ngại, áo để hở ngực, bụng, tỏ ra ông không chú ý đến ngoại cảnh. Nét mặt, bàn tay ăn nhịp nhau để biểu hiện một cái gì sẽ đến. Khối tay áo chảy xuống, mâu thuẫn với khối quần căng. Hai chân chếch nhau, hai tay đối lập về hình và khối. Tác giả đã khéo tạo hình đối xứng. Một bên là cánh tay thẳng, một bên cánh tay tỳ lên chân, bên mặc áo, bên để trần. Tay trái nếp áo thẳng xuống, ăn nhịp với khối bên trong của quần áo nhăn gây sự tương phản với khối đùi nhằm tạo nên những giá trị nghệ thuật thật khôn khéo.
Và tất cả là thần tượng của một người có đầy đủ nghị lực đối với mọi sức mạnh bên ngoài. Pho tượng Mã Minh là biểu hiện của một sự tài năng sáng tạo về sự diễn đạt nội tâm con người đến chỗ tinh vi, tế nhị và sâu sắc nhất.
Như thế chúng ta đã nói tới bảy pho tượng của chùa Tây Phương. Bảy pho tượng là bảy kiểu dáng, bảy tinh thần khác nhau. Tất cả đều hòa hợp với hệ thống tượng chùa, không gian nội ngoại thất chùa để rồi tiếp tục trao lại cho đời sau không phải chỉ những bàn tay khéo mà còn cả nỗi tâm tình của cha ông để lại. Nói cho hết cái hay, cái giỏi cảu cha ông e sẽ khó lòng đầy đủ. Chúng tôi nghĩ không có gì hơn xin mời bạn hãy lên chùa. Và xin bạn đừng quên hội chùa “Mùng 6 tháng 3”. Ngày ấy, đang là mùa hoa cà nở chín vườn nhà.
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục IV)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục III)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)