Điêu khắc môi trường
Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục I)
I. KIẾN TRÚC CHÙA – THÁP
Đến thăm chùa Bút Tháp (Hà Bắc) chúng ta ngỡ ngàng trước những tầng tháp được tôn tạo sắp đặt lên nhau không đúng và cây tháp bị sét đánh gẫy ngọn. Chùa Kim Liên (Hà Nội) những bức phù điêu phục chế không chuẩn xác, hệ thống tượng bày sai, phần bờ nóc, con kìm không đắp bằng chất liệu truyền thống (vôi+giấy bản+mật+muối) gây cảm giác thô, cứng nặng nề. Vậy cần quan niệm kiến trúc chùa như thế nào cho đúng?
Kiến trúc chùa là kiến trúc tôn giáo chủ yếu thờ Phật. Song trong quá trình phát triển ngoài thờ Phật, chùa còn thờ thần như chùa Láng thờ Từ Đạo Hạnh, chùa Trăm gian thờ thần Bối Khê, chùa Bộc thờ Hoàng đế Quang Trung (Hà Nội).
Chùa Dâu - Hà Bắc
Chùa Bút Tháp - Hà Bắc
Chùa Trăm gian - Hà Nội
Chùa Keo - Thái Bình
Bố cục mặt bằng kiến trúc chùa rất đa dạng, theo dạng thức chữ công hay nội công ngoại quốc (chùa Dâu, chùa Bút Tháp – Hà Bắc), chữ đinh (chùa Tức Mặc – Hà Nam Ninh), chữ tam chùa Tây Phương, chùa Kim Liên – Hà Nội)… cũng có thể bao gồm một tổng thể phức hợp hơn (chùa Trăm gian – Hà Nội, chùa Keo – Thái Bình) với nhiều công trình đơn lẻ có hành lang bao quanh hoặc tường vây kín.
Dạng thức kiến trúc chùa phổ biến nhất là kiểu nội công ngoại quốc. Hai dãy hành lang hai bên nối liền các nếp nhà: tiền đường – thiêu hương – thượng điện – hậu cung thành một khu vực khép kín. Giữa các nếp nhà có một khoảng cách nhỏ tạo ra ánh sáng tự nhiên có thể khúc xạ và mở dần vào các lớp tượng bên trong.
Chùa Phổ Minh Hà Nam, thế kỷ XIV
Phía trước nhà tiền đường là gác chuông (chùa Bút Tháp, chùa Trăm gian hoặc Bảo Tháp (chùa Dâu, chùa Tức Mặc)… có chùa có hai cổng, gọi là Tam quan nội và tam quan ngoại (chùa Láng) nhưng nhìn chung chùa chỉ có một tam quan. Xung quanh chùa có vườn cây, hồ nước, thủy đình, cần đá, núi non… rất thuận tiện cho việc tạo không gian mở hội, bơi thuyền, múa rối nước… (chùa Thầy – Hà Nội, chùa Keo – Thái Bình). Một số chùa lợi dụng địa thế thiên nhiên tạo dựng những công trình kiến trúc dễ gây lòng cảm nhận về một thế giới thoát tục (chùa Hương – Hà Tây, chùa Nhị Thanh – Lạng Sơn, chùa Yên Tử - Đông Triều, Quảng Ninh).
Chùa Yên Tử - Quảng Ninh
Chùa Phú Thị - Hà Nội
Nói đến chùa có lẽ cũng cần nói đến tháp. Tháp được xây dựng ở một vị trí riêng biệt, thuận tiện cho việc hành lễ chạy đàn (vừa đi vừa tụng niệm) vòng quanh tháp chiều ngược kim đồng hồ. Tháp không phát triển chiều ngang mà phát triển chiều cao.
Kiến trúc chùa – tháp hình thành một không gian khép kín, lấy điện thờ Phật đặt làm trung tâm của việc thờ cúng. Điện thờ Phật đặt vào gian giữa thượng điện (giữa hai hàng cột) tạo độ giật cấp xuống dần từ trong ra ngoài theo các lớp tượng cơ bản: tượng Tam Thế, A di đà tan tôn, Thích cao giáo chủ, Thích Ca sơ sinh, (chùa Phú Thị - Hà Nội). Ngoài những lớp tượng cơ bản đó, còn có thể bổ sung các lớp tượng khác vào khoảng giữa tượng Thích Ca giáo chủ và Thích Ca sơ sinh. Các lớp tượng bổ sung thường là: bộ tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Di Lặc… (điện thờ Phật chùa Trăm gian). Việc bổ sung các lớp tượng vào điện thờ Phật làm cho nội dung điện thờ thêm phong phú, đồng thời mở rộng không gian, gây sức cuốn hút mạnh đẩy các lớp tượng trên cùng vào sâu hơn nữa tạo sự linh thiêng trong hương khói và ánh sáng nến. Cũng có những trường hợp đặc biệt, do nhu cầu giải lễ, kiến trúc điện thờ Phật phát triển rất mạnh, nó chiếm toàn bộ nhà thượng điện, tòa thiêu hương phía trước, tòa cửa phẩm liên hoa phía sau (chùa Bút Tháp). Sự phát triển không gian chùa Bút Tháp rất phù hợp với sự phát triển không gian của điêu khắc (tượng Phật Quan Âm thiên phủ thiên nhãn).
Không gian kiến trúc của các ban thờ ông thiện, ông ác, bát bộ kim cương, thập bát la hán, thập điện … đều cùng một mục đích chung tăng thêm vẻ uy nghiêm của điện thờ Phật để các tăng ni, phật tử tâm hướng về Phật, mong được cứu nạn cứu khổ.
Phần mặt ngoài của kiến trúc đáng nói nhất là mái chùa (mái chồng diêm) với những đóa hoa dao rất đẹp những hàng ngoài mũi hài dắt nhau lan tỏa lên tận bờ nóc gặp đôi rồng chầu mặt nguyệt, những đầu kìm hình lá lật, cá chép hóa rồng và những con chồn chạy lên, con xô chạy xuống gây cảm giác sinh động giữa đạo và đời.
Những ngôi chùa cổ là một chứng thực của một nền văn hóa lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình đẹp, nó cần được giữ gìn, tôn tạo, tu sửa đúng những nguyên tắc khoa học nghệ thuật để cho kiến trúc chùa được bảo tồn trong môi trường hợp lý, điêu khắc được đặt vào những không gian kiến trúc của nó mà không đảo lộn hoặc bày nhầm vị trí, phục chế sai chất liệu truyền thống. Nếu làm được như vậy, vẻ đẹp của chùa sẽ còn mãi cho muôn thế hệ mai sau.
Chùa Kim Liên Hà Nội thế kỷ XVIII
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)