Điêu khắc môi trường

Phần 1: Khởi đầu một quan niệm

I. TỪ BA MỐI TỔNG HÒA: HÌNH THỂ - HÌNH KHỐI – KHÔNG GIAN

1. Hai mô hình tiêu biểu điêu khắc chùa

a) Cột điêu khắc đá rồng chùa Dạm thế kỷ thứ XI (Hà Bắc): cột điêu khắc đá rồng được đặt vào một vị trí không gian thích hợp ở độ cao 2/3 sườn núi và đứng làm tỷ lệ với đỉnh núi ở phía Bắc gần đó. Bởi thế, mặc cho ngôi chùa đã sập đổ từ lâu chỉ còn trơ lại những bậc nền, nhưng cột điêu khắc đá rồng vẫn tiếp tục hoạt động và khống chế không gian của cả một vùng rộng lớn.

Cột điêu khắc đá rồng được xác định hai mặt trang trí chính theo hướng Đông – Tây. Đây là hướng lợi thế nhất để phát huy giá trị nghệ thuật của cột điêu khắc đá rồng, đó là hướng vận hành của mặt trời, độ chiếu sáng không bao giờ gay gắt và trực diện đối với hai mặt chính, ánh sáng vừa đủ để làm nổi các hình khối rồng trên cột đá. Ánh sáng mặt trời được chứa đựng trong các lỗ hình chữ nhật ở phần trên của cột, những lỗ đó được đục hơi vát có vai trò phân chia bố cục, đồng thời khóa lại hình trang trí rồng cho khỏi bị tuột ra và điều hòa ánh sáng cho các hình trang trí.

Den vua Dinh Hoa Lu 1

Den vua Dinh Hoa Lu 2

Quanh cột điêu khắc đá rồng, dù đi theo chiều nào, ngược hay thuận chiều kim đồng hồ, điểm trang trí hình rồng vẫn luôn luôn xuất hiện và luôn luôn mất đi, hình rồng bao giờ cũng chuyển động, nhưng bao giờ cũng chỉ thấy một phần còn một phần lẫn vào mây rồi lại tiếp tục xuất hiện. Các khối vuông, tròn, các điểm giới hạn trên cột điêu khắc đá rồng được phân định rõ rệt và chuyển tiếp nhau. Như thế, dù ở xa hay gần, cột điêu khắc đá rồng vẫn luôn luôn xác nhận tính chất rõ rệt là một công trình điêu khắc môi trường.

b) Pho tượng Thiên thủ Thiên nhãn chùa Bút tháp thế kỷ XVII; điểm đáng chú ý của pho tượng là nghệ thuật không gian phát triển rất mạnh làm thay đổi tương quan của ba mối tổng hòa theo trật tự cảm nhận: không gian – hình khối – hình thể. Điều này rất phù hợp với sự phát triển không gian của điện thờ Phật. Điện thờ Phật không còn nằm ở gian giữa của thượng điện, nó phát triển sang hai bên và cả phía trước tiếp giáp với nhà thiêu hương, phía sau lan sang cả nhà tháp (nhà cửu phẩm liên hoa) không gian điện thờ Phật được mở rộng hơn nhiều lần so với các chùa trước đó. Sự phát triển không gian môi trường hòa nhập với không gian của gian trưng bày, không gian pho tượng chiếm lĩnh bằng những cánh tay tỏa ra và phía sau sân tượng là hình lá đề trải rộng được gắn vào những bàn tay lan tỏa, như những vòng sáng của hào quang rồi lại theo những đường chạy ngược chiều của những bàn tay ấy mà thu lại về tâm.

Tòa sen có ba lớp cánh hình tròn, trên là tượng Quan Âm thiên phủ thiên nhãn, dưới tòa sen là bệ hình chữ nhật vát góc làm nhịp chuyển động nối tiếp từ dưới lên. Đường cắt ngang của chân Quan Âm phá nếp áo chảy dọc từ trên xuống tạo thành sự tương phản rất tự nhiên. Nếp áo chảy dọc lại gây tương phản với những cánh tay căng tròn làm cho khối những cánh tay thêm mượt. Tác giả khéo sử dụng khoảng không của những cánh tay; khoảng cách của lá đề và thân tượng, giữa khối đặc và khối rỗng tạo cho tác phẩm đạt được những thành công về nghệ thuật.

Pho tượng nằm trọn vẹn vào giữa hai cột cái phía trước và phần giữa cột cái, cột quân ở hai bên. Khối cột tròn to, những xà dọc, hoành, bộ vì kèo… đã giới hạn và khống chế sự vươn ra của pho tượng. Những ván cửa phía sau ăn nhập vào dui để đưa pho tượng lên cao và bị các xà khống chế trở lại. Sự phát triển của nghệ thuật vừa đẩy lên, vừa ngăn lại vừa phát triển ra hai bên, lại vừa cắt dọc gây cảm giác pho tượng như muốn phá vỡ không gian để chuyển động nhưng bị không gian bày tượng ngăn lại làm cho yên tĩnh. Kết quả cuối cùng, sau sự hoạt động của không gian và khối, hình thể phát triển, trước mắt chúng ta là một hình thể Phật rất đẹp.

2. Hai mô hình tiêu biểu đình làng Việt Nam

a) Điêu khắc môi trường đình Tây Đằng thế kỷ XVI: Hình cá hóa long là mô típ chủ đạo trong việc bài trí không gian đình Tây Đằng. Hình cá hóa long được trang trí với nhiều diện mạo có vai trò rất lớn trong kiến trúc, như con dư, vị trí đỡ xà dọc, xà nách, bộ chồng rường giá chiêng… đầu rồng xuyên qua các cột thân có khối lồi, khối lõm, đuôi cá, vẩy, vây cá được sắp xếp trong một hình tam giác giật cấp. Có chỗ cá hóa long đuổi nhau, có chỗ cá hóa long đối nhau nằm dưới xà hạ. Nhìn chung, ta thấy hình cá một cách rõ ràng, nó đỡ các bộ chồng rường giá chiêng. Các xà dọc, xà ngang là hình cá được tạo phác theo lối ngôn ngữ điêu khắc có chỗ trơn nhẵn, có chỗ mất đi để làm rõ khối của cá, dẫn đến chi tiết vậy, đuôi, có hình xoắn nhắc đi nhắc lại nhiều lần biến thành hoa lá làm trang trí chung cho ngôi đình. Cá hóa long đó là biểu hiện mơ ước của các nhà nho trong thi cử.

Mồng ba cá đi ăn thề

Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn.

Dinh Tho Ha Viet Bac 2

Dinh Tho Ha Viet Bac 2b

Điều này đã được thể hiện rõ trong hình tượng thầy đồ nho cưỡi rồng (ở dưới đầu đao phía sau) tay cầm bút lông tay cầm bờm rồng, nét mặt rất tiên được thể hiện vừa chạm lộng, vừa chạm bẹt, tạo khối thầy đồ đơn giản, nhưng rồng lại rất tinh xảo, nét chạm căng, móng vuốt rồng ăn nhập với đuôi cá chép ở bảy góc, hòa nhập với hội thi là cả một không gian, rộng lớn của hội rồng tiên xen kẽ với hội làng. Hội rồng tiên được xếp thành hai lớp, một lớp trên xà dọc cột cái và một lớp trên xà dọc cột quân chạy vòng quanh đình. Mỗi lớp có 16 tiên cưỡi rồng, như thế tất cả có 32 tiên cưỡi rồng đều tham gia cuộc hòa tấu mừng các nhà nho thành đạt. Cùng tham gia với hội rồng tiên có hội làng: bơi thuyền, đấu vật, chúc rượu… không gian hội hè còn được nhân lên với sự tham gia của thiên nhiên, hoa lá và những con giống. Tất cả là một hợp thể của điêu khắc môi trường đình làng Tây Đằng trong mối tổng hòa chung, có tính toán, sắp xếp giữa các hợp cảnh không gian của các tầng từ trên xuống dưới và ngược lại để tạo hiệu quả cho nghệ thuật.

b) Chín tầng không gian cửa võng đình Diềm thế kỷ XVII (Hà Bắc)

Khác với không gian điêu khắc môi trường chùa cuốn hút vào điện thờ Phật, chạm khắc đình làng là một không gian thoáng mở. Tuy vậy, tùy tính chất của mỗi ngôi đình mà sự lan tỏa và thoáng mở không gian có khác nhau. Đình Diềm ngoài xu hướng không gian mở nối từ trong ra ngoài thì mặt khác lại có độ cuốn hút nhất định về cửa võng. Cái đặc sắc nhất về nghệ thuật đình Diềm là cửa võng. Cửa võng có sức lan tỏa từ trong ra và cuốn hút từ ngoài vào theo chiều ngược lại. Ta hãy xem xét điều cụ thể đó ở cửa võng Đình Diềm.

Cửa võng Đình Diềm cũng như cửa võng của nhiều ngôi đình khác, nó nằm ngay chính giữa cửa tòa đại đình. Cửa võng Đình Diềm phát triển và mở rộng không gian bằng chính tầng giật cấp, trong đó có sáu tầng liên tục của cửa võng, hai tầng hương án và một tầng bục. Nghệ thuật tạo không gian táo bạo, độc đáo về trang trí. Từ những rồng tiên và những ngọn đèn trời, không gian được mở rộng từ tầng này sang tầng khác, đến tầng năm toàn bộ điểm tụ của lực thị giác được tập trung lại.

Tầng năm của cửa võng tiếp giáp với hai cột cái được trang trí chạm lộng trúc hóa rồng, tiên, sen và con giống rất tinh vi. Sáu cột rồng cuốn chia tầng năm thành ba cửa, mỗi cửa lại được sắp xếp thành chín lớp rồng đối nhau không cân xứng, đầu chếch ra phía ngoài ở khoảng góc 67030, theo luật phối cảnh tạo tỷ lệ giữa các lớp và độ nhô ra của các đầu rồng một cách hợp lý. Giữa các cột rồng quấn chạm lộng là hình chạm thủng hao lá đẩy các cột rồng quấn ra ngoài và từ đó gây cảm giác về hai chiều chuyển động ngược nhau: chín lớp rồng chuyển động về phía trong, còn các đầu rồng còn lại chuyển động ra phía ngoài.

Ở đây giải quyết không gian trong ba mối quan hệ: hình trang trí chạm thủng, hình trang trí trạm lộng và chín lớp rồng. Các tỷ lệ được xác định ngay trong không gian về khối về hình và các khoảng không. Do đó các hình trang trí rất hợp lý, không bị xộc xệch, vênh méo, hoặc chống phá lẫn nhau.

Chín tầng không gian giật cấp từ trên thượng lương chạy xuống sàn đình với những hình trang trí tiên rồng cùng các ngọn đèn trời làm cho ta ý thức được chủ định của nghệ sĩ tái hiện không gian của bầu trời bằng chín tầng mây chạy theo đường vòm cầu để bắt nhập với ngày hội của trần gian ngay ở sân đình.

Từ sự phân tích ở trên chúng ta thấy rõ sự thống nhất của hình – khối – không gian trong mối tổng hòa chung. Ví như: khối cột đá chùa Dạm được xác định vị trí đứng trong không gian và có tỷ lệ với môi trường chung quanh dưới các góc nhìn khác nhau. Hoặc giả ở cửa võng đình Diềm, chín lớp rồng ở mỗi cửa tầng năm đều được xác định về hình về khối bằng các tỷ lệ thích ứng ngay trong không gian và được ánh sáng nến, hương khói lan tỏa, va đập vào các lớp sơn vàng óng càng làm cho nghệ thuật trở nên sống động.

II. NĂM KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT

Nói về nghệ thuật môi trường là nói nghệ thuật không gian mà công trình tồn tại. Không gian môi trường góp phần quan trọng trong việc tạo nên giá trị nghệ thuật của công trình, công trình nghệ thuật không thể tồn tại mà không có các thành phần nghệ thuật không gian tham gia. Công trình nghệ thuật và không gian môi trường là một tổ hợp thống nhất.

Có nhiều thành phần nghệ thuật không gian cùng tham gia vào công trình nghệ thuật như cây xanh, sông núi, làng xóm, đồng ruộng, ánh sáng, thời tiết, lễ hội, kiến trúc… và cả tiếng chuông, tiếng trống, mối tương quan chuyển động của công trình nghệ thuật có quan hệ đến góc nhìn của con người.

Đây không phải là một sự ngẫu nhiên hòa hợp giữa công trình nghệ thuật với không gian môi trường, đó là sự sáng tạo có ý thức của người nghệ sĩ. Khi tạo dựng một ngôi chùa hay một ngôi đình ông cha ta đã phải tính toán chi li toàn bộ hợp cảnh của môi trường để tạo thành không gian kiến trúc rồi từ không gian kiến trúc nội thất lại tạo nên sự hài hòa với một hệ thống điêu khắc. Do đó nói đến điêu khắc môi trường truyền thống phải nói đến nghệ thuật không gian. Ở đây chúng ta nói đến nghệ thuật không gian trên cơ sở một vài khía cạnh chủ yếu:

1. Không gian môi trường nghệ thuật

Không gian được hình thành bằng cảnh quan và lễ hội, bằng kiến trúc và cuộc sống xã hội. Loại hình không gian nghệ thuật này đã tham gia vào vẻ đẹp của chùa Hương, chùa Thày, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Bút Tháp (Hà Bắc) và nhiều ngôi đình như đình Tây Đằng (Hà Nội), đình Thổ Hà (Hà Bắc), đình Hương Canh (Vĩnh Phú)… không gian nghệ thuật đã nâng giá trị kiến trúc lên rất nhiều và làm cho nó có một vẻ đẹp hoàn thiện.

2. Không gian nghệ thuật tự thân

Đó là ý thức lao động nghệ thuật, bố cục tạo không gian hòa hợp với hình thể, hình khối ví như cách sắp xếp các dạng thức kiến trúc, không gian bản thân tác phẩm điêu khắc chiếm lĩnh, không gian vút lên của các ngọn tháp hay không gian giật cấp của cửa võng đình làng. Từ không gian tự thân của công trình nghệ thuật, nghệ sĩ tạo mối hài hòa với không gian môi trường để hợp thành một không gian nghệ thuật thống nhất.

3. Không gian ước lệ

Thường được sử dụng nhiều trong nghệ thuật tạo hình, tạo dựng các khoảng không gian khác nhau ở các kiến trúc chùa và đình, ví như không gian phía trong và ngoài hương án của điện thờ Phật, không gian nhà tiền đường, không gian hành lang hai bên chùa hoặc giả không gian ngoài và trong hương án cửa võng đình làng.

Không gian phía ngoài hương án điện thờ Phật là thế giới của người trần đến dâng hương để phật hoặc đọc kinh tụng niệm trên chiếu thiền để mong được giải thoát, còn không gian phía trong hương án của điện thờ Phật là thế giới của Phật. Không gian nhà tiền đường là không gian của các vị hộ pháp, kim cương, các vị thần theo Phật bảo hộ Phật pháp. Ở các không gian khác của chùa cũng đều có tính chất ước lệ tương tự, không gian nhà hành lang dành cho các vị la hán… Tính chất không gian này bảo đảm sự khép kín ước lệ đồng thời tạo điều kiện cho chúng sinh có thể tiến hành giải lễ từ tam quan vào đến điện thờ Phật, từ điện thờ Phật đến hành lang các vị la hán, các tháp sư ở ngoài vườn chùa một cách hợp lý, thuận tiện.

4. Không gian ảo giác

Không gian được tạo ra do sự vận động các góc nhìn hoặc do ánh sáng nến, hương khói, mây mù…

Khi quan sát cột điêu khắc đá rồng của chùa Dạm (Hà Bắc) chúng ta đã thấy rất rõ tính chất này, khi thay đổi liên tục các góc nhìn từ dưới chân núi lên, từ trên đỉnh núi xuống, vòng từ trái sang phải hoặc ngược lại, hoặc khi mây mù lướt nhẹ trên mặt cột đá, lúc hoàng hôn buông xuống đều tạo cho ta môt không gian ảo giác rất kỳ lạ về cột điêu khắc đá rồng. Khi ta đứng trước pho tượng đức Phật Quan Âm thiên thủ tiên nhãn trong gian thờ với hương khói nghi ngút, ánh sáng nến lung linh, tạo cho ta một không gian huyền bí linh thiêng và một sự cảm nhận như pho tượng đang chuyển động.

5. Không gian hư

Trong cuộc sống đã có lúc ta cảm nhận những tính chất của không gian hư như tiếng mõ trâu lúc về chiều, tiếng hú gọi nhau trong hang đá, tiếng con chim gáy gọi mùa… ở chùa không gian đó được tạo ra do tiếng mõ vang vọng lúc sương chiều buông xuống, hoặc giả tiếng tụng niệm giọng nam vô hay tiếng chuông chùa lan tỏa sâu lắng rồi lại cuốn hút về tâm. Không gian hư không thể đo được hoặc nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận qua sự rung động, lắng đọng của tâm hồn. Ông cha ta đã sử dụng tiếng chuông, tiếng mõ của cuộc đời để tạo ra một không gian hư rất phù hợp với đạo Phật, gây cảm giác “hư hư thực thực”. Từ xa nghe tiếng chuông chùa hay tiếng mõ tụng kinh niệm Phật đã cho ta  một tín hiệu về tinh thần phật để rồi nảy sinh long ước vọng cầu mong nơi cửa thiền những điều tốt lành.

Năm thành phần không gian vốn có trong tự nhiên và xã hội, nhưng nó chỉ có thể trở thành nghệ thuật môi trường khi được nghệ sĩ điều phối để tổng hòa với hình thể hình khối nghệ thuật. Tất nhiên khi ta nói năm thành phần không gian là nói sự phân chia cần thiết để hình dung đầy đủ về điêu khắc môi trường truyền thống. Không nên rút gọn hoặc chia nhỏ thành nhiều thành phần không gian nữa. Bởi lẽ nghệ thuật không phải là toán học sự cần thiết ở tỷ lệ nào thì nghệ thuật giữ nguyên ở tỷ lệ ấy. Năm thành phần không gian thường không hoạt động đơn lẻ, nó hòa hợp với nhau để cùng làm nên giá trị nghệ thuật. Để có thể hình dung một cách rõ rang các tổ hợp không gian nghệ thuật điêu khắc môi trường truyền thống, chúng tôi xin phân tích qua hai mô típ điện thờ Phật ở chùa và cửa võng đình làng.

Trước tiên cần phải nó do đáp ứng các chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau nên tổ chức không gian của chùa và đình không giống nhau. Cách tổ chức không gian ở các ngôi chùa là không gian khép kín, tạo cho người vào lễ phật tâm được yên tĩnh trước khi bước vào chiếu thiền. Toàn bộ không gian tạo sự cuốn hút về điện thờ Phật. Điện thờ Phật được xếp ở gian chính giữa thượng điện, nằm gọn trong hai hàng cột. Điện thờ Phật không gian được tổ chức thành các lớp tượng theo bộ, từ trên cùng sát nóc giật cấp dần xuống dưới: Tam thế, A di đà, Thích Ca giáo chủ, bộ tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh).

Hương khói và ánh sáng nến hắt lên các lớp tượng sơn son thiếp vàng càng làm cho điện thờ Phật thêm linh thiêng. Cách sắp xếp các lớp tượng như thế rất thích hợp với góc nhìn hơi ngước lên của người vào lễ Phật khi ngồi trên chiếu thiền. Tiêu biểu cho không gian tượng thờ Phật theo các lớp đó ta có thể đến chùa Phú Thị (Hải Hưng). Chùa Phú Thị có một không gian vòm kéo dài phía trên điện thờ tạo khả năng khúc xạ ánh sáng nền và giữ cho hương khói không bay lên cao mà lan tỏa sang hai bên rồi mờ phủ các lớp tượng xung quanh điện thờ, gây cảm sự linh thiêng nơi cõi Phật.

Các lớp tượng cơ bản trên điện thờ Phật thường là như vậy. Nhưng không phải bao giờ nó cũng trở thành cố định. Ví như điện thờ Phật chùa Bút Tháp đã mở rộng không gian của điện thờ Phật về các phía và trên cơ sở đó đã tạo một không gian thích hợp cho việc phát triển không gian tự thân của pho tượng đức Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn.

Cách tổ chức không gian điện thờ Phật chùa Tây Phương thì khác. Điện thờ Phật chùa Tây Phương còn giữ lại phần lớn các lớp bày cơ bản. Điện thờ Phật ở gian giữa nhà chính điện. Do chùa được sắp xếp thành ba lớp song song nhau nên nhà chính diện nằm giữa hai sân Thiên Tĩnh, nhà lại cao có lối kiến trúc mái chồng diêm, ánh sáng từ sân thiên tĩnh lan vào và từ mái chồng diêm khúc xạ xuống nên không đóng kín như điện thờ Phật chùa Phú Thị. Kiến trúc chùa hẹp, không gian điện thờ Phật không thể phát triển mạnh như điện thờ Phật của chùa Bút Tháp. Tiếng nói của ngôn ngữ điêu khắc ở điện thờ Phật cũng như toàn bộ hệ thống điêu khắc của chùa Tây Phương làm rõ nét hình thể rồi sau đó mới thấy Khối chờm ra. Hình thể, hình khối kết hợp chặt chẽ gây cảm xúc sâu sắc về nghệ thuật, ở đây vai trò không gian có phần yếu hơn.

Nói về cửa võng đình làng, cách tổ chức không gian hoàn toàn khác với điện thờ Phật. Trước tiên cần nói cách tổ chức không gian ở đình không khép kín như ở chùa mà nó thoáng mở để đáp ứng các sinh hoạt văn hóa, các công việc hành chính của làng xã. Cửa võng ở đình không thờ phật mà thờ thành hoàng. Cửa võng đình làng nằm giữa tòa đại đình đó là nơi có độ sáng mờ tối thích hợp nhất. Tổ chức không gian chính của cửa võng không theo chiều dọc như điện thờ Phật, nó kéo từ trên thượng lương xuống sàn đình theo từng tầng một.

So sánh cách tổ chức không gian của đình Thổ Hà và đình Diềm (Hà Bắc) ta thấy rõ mối quan hệ của không gian môi trường với nghệ thuật chạm khắc.

Đình Thổ Hà và đình Diềm là một hợp thể của phong cách tiêu biểu cho xứ Bắc, tuy vậy giữa hai đình vẫn bộc lộ những cá tính riêng có sự phân biệt chút ít. Nghệ thuật chạm khắc đình Diềm tinh vi, trau chuốt, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp có sức chuyển động mạnh theo hai chiều ngược nhau, có bề mặt lớp sơn son thếp vàng của cửa võng lớn tạo độ bắt ánh sáng tốt. Nghệ thuật không gian đình Diềm được tạo dựng và phát triển rất phong phú, còn ở đình Thổ Hà nghệ thuật chạm khắc ít tinh vi, ít trau chuốt, không gian cửa võng ít giật cấp hơn. Nhưng sức lan tỏa của cửa võng đình Thổ Hà mạnh hơn sức cuốn hút, không giống như cách tổ chức không gian của đình Diềm. Điều đó là do yêu cầu chủ yếu của nghệ thuật. Bởi vậy nghệ thuật rất thoáng để phù hợp với yêu cầu của một ngôi đình chợ, ngược lại đình Diềm không phải là đình chợ, không gian cửa võng phát triển mạnh tạo độ cuốn hút lớn, trang nghiêm và uy nghi hơn cửa võng đình Thổ Hà rồi chuyển tiếp sự bùng nổ vào không gian hội làng rất phong phú ngay trước sân đình và ngược lại đón nhận sự tác động của ngày hội lên các thành phần nghệ thuật cửa võng.

Cả hai ngôi đình Diềm và Thổ Hà đều tận dụng ánh sáng và màu sắc của cây đèn thất tinh thắp sáng lên bằng bản ngọn nến cao thấp khác nhau hắt ánh sáng mạnh nhất vào lớp sơn son thếp vàng của tầng chính cửa võng, rồi từ đó mờ dần cùng với hương khói tạo nên sự linh thiêng và sức mạnh của thần thánh.

Không gian nghệ thuật điêu khắc môi trường truyền thống phát triển mạnh nhất vào thế kỷ XVII. Thế kỷ XVII đã hình thành những mẫu mực về không gian nghệ thuật cho sự phát triển của điêu khắc môi trường. Ta thấy chùa Bút Tháp, chùa Phú Thị, đình Diềm, đình Thổ Hà là những mẫu mực của thời kỳ ấy. Cách tổ chức không gian các nếp nhà, các gian thờ, các hệ thống điêu khắc, phật điện, cửa võng đình làng, các tháp sư, vườn chùa, sân đình v.v… cũng đều trở thành mẫu mực mà từ đó về sau nhiều công trình kiến trúc đình và chùa vẫn tiếp tục rập theo những khuôn mẫu ấy.

Trở về không gian nghệ thuật điêu khắc môi trường truyền thống đâu phải trở về với cõi hư vô hay một thế giới siêu phàm nào mà chính là đi đến sự đồng hòa của trời đất và cuộc sống con người. Ví như không gian nghệ thuật đình Tây Đằng náo nức với hội thi cá vượt vũ môn. Không gian nghệ thuật được chia thành các tầng giật cấp chạy quanh đình cho ta một hình dung khá đầy đủ hội tiên rồng, hội làng, thiên nhiên hoa lá, muông thú đều mừng đón ngày hội thi cá vượt vũ môn. Dưới một đầu đao phía sau của đình Tây Đằng còn ghi lại sự thành đạt một nhà nho cưỡi rồng tay cầm bút lông, tay cầm bờm rồng. Ở đình Diềm chín tầng không gian nghệ thuật của cửa võng cũng thể hiện rất rõ. Ở đây vua Bà vị thần nghệ thuật sáng tạo ra những lời ca quan họ, hội rồng tiên trên cửa võng và hội làng đồng hòa nhau trong không gian nghệ thuật đình làng.

Không gian nghệ thuật của chùa Bút Tháp, chùa Phú Thị, chùa Tây Phương hay của đình làng Tây Đằng, Thổ Hà, Diềm là một không gian nghệ thuật rất có ý thức về nghề nghiệp và về xã hội. Các tổ chức không gian nghệ thuật biểu hiện trình độ cao của một dòng nghệ thuật bác học. Mọi hệ thống của tổ chức không gian nghệ thuật cho điêu khắc đều hết sức chặt chẽ, không vênh méo, không chống phá lẫn nhau, tạo được ba mối tổng hòa không gian hình thể, hình khối nghệ thuật.

Vấn đề không gian nghệ thuật đối với điêu khắc môi trường luôn luôn hòa hợp với hình thể, hình khối điêu khắc để trở thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện. Ngày nay nhiều công trình điêu khắc đã không chú ý đến điều này nên nó đã không thể đứng vững trong không gian, ngược lại nó hoàn toàn rơi ra khỏi không gian nghệ thuật. Tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh ở bên đền Bà Kiệu, tượng An Dương Vương ở thành Cổ Loa (Hà Nội)… là những chứng thực như vậy.

Tuong Cam tu cho to quoc quyet sinh

Tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh đã đặt không đúng không gian, gây cảm giác tượng đài bị áp đặt. Không gian đền Bà Kiệu vốn đẹp, bỗng dưng bị phá đi để đặt một tượng đài không đúng chỗ. Có thể nói tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh tạm được về hình thể và hình khối, nhưng không tạo nên được mối tổng hòa với không gian nên giá trị nghệ thuật giảm sút, trở lại chống phá một không gian vốn đẹp. Giá thử công trình nghệ thuật này được đặt vào vị trí cột đồng hồ (trước hiệu kem Long Vân ở ngã năm từ Bờ Hồ lên Hàng Đào) là phù hợp hơn cả. Nếu tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh  ở vị trí đó, mặt hơi nghiêng về phía hồ Hoàn Kiếm trong không khí kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến, lại thêm những dòng người tấp nập đi hội tỏa ra các ngả đường xuôi ngược với cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu treo ngang đường, loa truyền thanh vang lên những bài  nhạc kháng chiến… thì chắc chắn giá trị của tượng đài được nâng cao lên rất nhiều. Và như thế tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh sẽ tạo được mối tổng hòa chung với không gian đặt tượng.

Trong cuộc sống mới, một môi trường mới đã hình thành, những tương quan của không gian nghệ thuật với hình thể, hình khối điêu khắc môi trường hiện đại sẽ có những bước phát triển để tạo nên những mối tổng hòa mới. Nhưng giá trị mà không gian nghệ thuật điêu khắc môi trường truyền thống dân tộc vẫn còn là những vật báu giúp ích rất nhiều trên con đường tiến tới của nghệ thuật hiện đại.

Chua Huong

Chùa Hương (Hà Tây)

Chua Thay (Ha Tay)

Chùa Thầy (Hà Tây)

Chua Tay Phuong

Chùa Tây Phương (Hà Tây)

Chua But Thap

Chùa Bút Tháp (Hà Bắc)

Dinh Huong Canh (nhung nam 30)

Đình Hương Canh (những năm 30 của thế kỷ XX)

Dinh Huong Canh (ngay nay)

Đình Hương Canh (ngày nay)

Dinh Tay Dang

Đình Tây Đằng (Hà Nội)

 

0976984729