Điêu khắc môi trường

Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục III)

III. TƯ DUY THÁI LẠC

Chua Thai Lac 1

Hình ảnh chùa Thái Lạc - Hưng Yên

Chua Boi Khe 2

Hình ảnh chùa Bối Khê – Hà Tây

Chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), cùng với chùa Phổ Minh (xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây), hợp lại định hình thái cho mỹ thuật thời Trần.

Chùa Thái Lạc, chịu ảnh hưởng của cụm văn hóa chùa Dâu, ở đây cũng thờ tứ Pháp. Cách bài trí nội thất ngôi chùa có những nét mang hình thái Dâu, chùa Thái Lạc một công trình nghệ thuật có giá trị. Nhưng hiện nay qua nhiều lớp thời gian của lịch sử, chùa đã bị xáo trộn về mặt kiến trúc cũng như mỹ thuật. Giá trị nổi bật còn lại của chùa là những bức chạm khắc trên ván nong. Nghệ thuật chạm khắc đạt tới chỗ điêu luyện. Nghệ thuật còn mang hình bóng chuyển tiếp của hình thái Lý sang Trần sớm thế kỷ XIII. Những mô típ nghệ thuật Lý được nhắ lại như sóng nước, dải lụa hình rồng, chim thần Kin Nari đầu người mình chim.

Trước hương án của điện thờ Phật, ánh sáng nến lấp loáng, hương khói nghi ngút mờ tỏa ra hai bên. Qua cửa vòng những bức chạm như đang chuyển động với những điểm phụ của lực thị giác. Lực thị giác tập trung vào bộ tam thế phía trên cùng của điện thờ, rồi mới thấy sự ẩn hiện những bức chạm khắc trên ván nong. Chính độ phân tán của lực thị giác cho các bức chạm khắc vốn đã động lại càng thêm động, ván nong chạm khắc ở ngoài bốn góc của điện thờ phật. Ván được lồng vào giữa xà hạ và phần trên của hai cột quân nối hai xà. Tám bức chạm khắc, mỗi góc hai bức, mỗi bức chạm điêu khắc đều chạm cả hai mặt, như thế tạo thành một hệ thống bao gồm 16 mặt. Hai bức chạm khắc liền nhau ở mỗi góc của điện thờ đều có một nhịp cắt ở giữa.

Các bức chạm khắc hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh với điện thờ Phật, nói rõ nội dung tiên phật. Tiên ở bên ngoài điện thờ, còn phật ở chính điện. Tiên tấu nhạc, dâng hoa, mong ước điều tốt lành.

Nghệ thuật chạm khắc thật kỳ lạ. Từ phía ngoài hương án nhìn lên điện thờ, nét chạm mờ nhẹ huyền ảo dày đặc. Nhưng nhìn gần thì khúc chiết, mạch lạc, các mảng khối phân định rõ ràng, hiện thực.

Đối diện qua tượng tam thể, hai gian hai bên: bên phải tiên cưỡi phượng tấu nhạc, bên trái tiên dâng hoa.

Bức chạm trên ván nong đối diện chéo qua điện thờ phật với bức chạm tiên cưỡi phượng tấu nhạc là chim thần Kin Nari đầu người mình chim. Tất cả đều được bố cục trong một hình chữ nhật. Phần dưới sóng nước cách điệu rồi chuyển dần đến lớp mây trang trí, trong mây nổi lên hình tiên cưỡi phượng, một tiên cô thổi tiêu, một tiên cô kéo nhị, trên cùng là hình trang trí hoa dây hòa trong mây. Tiên, phượng, mây, hoa dây, đuôi phượng đều được phân định.

Tien tau nhac 3

Tiên tấu nhạc - chùa Thái Lạc (Văn Lâm Hưng Yên) thế kỷ XIV

Chủ đề nổi lên tiên cưỡi phượng tấu nhạc. Tiên cưỡi phượng được nâng lên trong mây, từ đó vang vọng âm thanh nghệ thuật. Khối người cứ thế, nâng nhẹ trong không gian. Hình dáng tiên cưỡi phượng tấu nhạc (phần chính) hòa nhịp vào mây nước (phần phụ). Tiên cưỡi phượng như vừa bay vừa tấu nhạc. Tiết tấu nghệ thuật rất động. Nét đục chắc khỏe. Đường tràng tách trau chuốt. Gỗ cứng biến thành mềm mại. Nghệ sĩ dồn cảm xúc vào nét đục, làm cho tinh thần hòa nhập vào đó mà trở thành sự sống. Chính từ mười sáu mặt chạm khắc của tám bức mà nghệ thuật lan tỏa qua không gian của điện thờ phật.

Bức chạm khắc cảnh chim thần, mặt người mình chim dâng hoa không giống như bức tiên cưỡi phượng tấu nhạc. Ở đây sự phân định các mảng khối rõ ràng. Khối trát mặt căng, đẹp như gương rất có tinh thần. Khối cánh chim được cách điệu thành những lớp vẩy. Khối mây, dải lụa biến thành hình trang trí xao động làm tăng thêm tình cảm toát ra từ gương mặt. Bố cục đăng đối, chia thành hai phần kéo từ bình hoa qua đường tiếp giáp giữa đôi cánh chim.

Rong chau hoa sen 4

Cũng như tiên phượng tấu nhạc, tác giả giỏi tay đục, giỏi tay tràng thông minh, già dặn, xử lý những nét căng, chuẩn xác, tạo khối bom bê, gây cảm nhận sự chuyển động bồng bềnh trong mây. Hình trang trí được cách điệu cao, không giống thực mà lại rất thực, lông chim biến thành hình vẩy trên mình, trên cánh. Bố cục chặt chẽ, chính phụ rõ ràng. Tổ chức xử  lý ngôn ngữ nghệ thuật rất khéo, phân định thành từng lớp, từng mảng lớp rõ ràng mà lại hòa hợp, tách ra mà vẫn thống nhất. Rất có nhịp điệu nghệ thuật.

Qua hai bức chạm khắc trên, chúng ta thấy sự gắn bó với hiện thực của mỹ thuật thời Trần có từ rất sớm. Nét chạm Thái Lạc còn ngoái lại, vấn vương hình thái Lý. Biểu tượng chim thần Kin Nari đang khai thoát để biến thành hiện thực của con chim phượng rất gần gũi với thiên nhiên Việt Nam. Từ thế giới thần chuyển sang thế giới thực. Nghệ thuật Trần chuyển mình đi sâu vào cuộc nhập thế bằng hình tượng con chim phượng rất đẹp và vang lên tiếng tiêu, tiếng nhị, tiếng đàn của buổi hòa tấu chống Nguyên Mông.

Chua Tram gian 5

Tinh thần đó ta lại bắt gặp ở bộ tam thế của chùa. Đây là bộ tam thế đẹp. Bộ tam thế làm từ bao giờ mà sắc thái Trần khá rõ rệt? Khối tượng khỏe, tinh thần nhập thế, rất đời. Sự liên tưởng dẫn ta đến cảm nhận những khối khỏe, căng tròn, đơn giản của trụ đầu người quỳ đỡ tòa sen trên bệ sóng của chính ngôi chùa này. Trụ đấu người quỳ đỡ tòa sen là vết tích trần còn lại cùng chung một hình thái ở mười sáu mặt chạm trên ván nong.

Từ những bức chạm đến bộ tam thế, trụ đấu người quỳ đỡ tòa sen… tạo thành một hợp thể thống nhất của không gian điện thờ, ngôn ngữ điêu khắc và hình thái tâm lý nghệ thuật. Và đây con rồng Trần, cuộn lên hình yên ngựa, nhắc ta nhớ đến con ngựa chiến với người lính dạn dày sương gió.

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)

0976984729