Điêu khắc môi trường

Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục VIII)

VIII. NGHỆ THUẬT HOÀNH TRÁNG ĐÌNH HƯƠNG CANH

Đình Hương Canh xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Đình thờ hai vị tướng Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập (con của Ngô Quyền) đã có công đánh đuổi quân Nam Hán.

Điều đặc sắc nhất của đình Hương Canh là chính chân rồng trong hợp thể hội làng.

Khong gian tong the dinh Huong Canh 1

Chủ đề hội làng là một chủ đề chính được biểu đạt bằng điêu khắc hoành tráng có giá trị nhất trong các đình làng của xứ Đoài.

Thượng cung của đình (cửa võng – gian thờ) chuyển động thành nhiều lớp không gian từ nóc (giáp thượng lương) chạy xuống tới hương án, phần trên cũng là một lớp ván trải rộng (trong phạm vi khung bốn cột cái gian giữa) gồm có bốn đèn trời ở bốn góc và một ngọn đèn ở giữa gây cho ta một biểu tượng về quan niệm: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà các cụ già làng vẫn thường nói đến.

Dưới hai lớp diềm là chân dung rồng trong hợp thể hội làng. Kỹ thuật chạm lộng được hình dung đầy đủ về chủ đề nghệ thuật và được tách ra làm đôi tạo khả năng thể hiện, lắp ghép được dễ dàng. Bức chân dung hai rồng (rồng đôi) một phần lẫn sau bức diềm chạm thủng, tạo không gian sâu kín để rồi bật ra tiếng nói chính diện của nghệ thuật. Ở vị trí trung tâm, chân dung rồng đôi choáng ngợp một không gian rất lớn, đao lửa, râu rồng phát triển sang hai bên có sức va đập rất mạnh tạo cho người xem một tinh thần vui vẻ, hóm hỉnh, thoải mái, dễ chịu, để rồi từ đao lửa râu rồng hiện dần lên những dáng điệu dịu dàng, sinh động hòa nhập với điệu múa và buổi tấu nhạc của tiên. Không khí vũ hội, tấu nhạc của tiên cứ phát triển dần theo từng tầng từng lớp của râu rồng, đao hỏa mà lan tỏa sang hai bên và phía trước.

Chân dung rồng đôi rất đồ sộ về hình khối và chiếm cứ một không gian lớn, một vị trí trung tâm của bức chạm, nhưng nó không gây cho chúng ta một cảm giác tức tối, khó chịu mà vẫn tạo được hợp lý trong bố cục về mặt thể hiện và xử lý nghệ thuật. Dưới tầng chạm lộng của những đao lửa, râu rồng đã cho ta một hình rồng đang chuyển động một cách trọn vẹn và đầy đủ phần chính, phần phụ, thoáng nhìn tưởng chừng như vô lý mà lại hợp lý. Vì sao có được hiệu quả nghệ thuật đó?

Phia truoc dinh Huong Canh

Phía trước Đình Hương Canh

Khi ta nhìn thoáng tưởng chừng như không hợp lý vì trong một bố cục chân dung rồng đôi nằm choán hết cả bố cục của bức phù điêu lấn át cả không gian, hình khối của tiên múa, tiên tấu nhạc, làm cho người xem thấy chật chội. Nhưng nhìn kỹ ta thấy các thành phần phụ như vũ hội, tấu nhạc của tiên cùng với râu rồng, đao lửa ăn nhập với nét mặt vui vẻ, hóm hỉnh của chân dung rồng đôi để tạo ra một sự lan tỏa về không gian nghệ thuật. Chân dung rồng đôi đã được chạm lộng giải quyết hợp lý bằng nhiều tầng, nhiều lớp để rồi cho ta một hình dung đầy đủ về toàn bộ đối tượng được miêu tả.

Cua vong dinh Huong Canh

Cửa võng Đình Hương Canh

Ở đây có những chi tiết hóm hình rất có duyên như cảnh rồng con đậu trên râu rồng mẹ đang nhoẻn miệng cười thích thú.

Hợp thể rồng đôi và hội làng tiên múa, tiên tấu nhạc lại bắt nhập với tầng dưới của cửa ba võng có bốn cột rồng quấn được tỏa sâu vào chín lớp rồng ở mỗi cửa và theo thể thức cột rồng quấn phía ngoài có con sấu, con nghê chầu nhau.

Chân dung rồng đôi trong hợp thể hội làng với các lớp rồng ở ba cửa là chủ đề chính của thượng cung. Ở đây được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Dưới ba cửa võng là hương án, từ đây những ngọn nến sáng lấp loáng và hương khói tỏa hắt lên bề mặt các lớp sơn son thếp vàng càng tạo cho thượng cung một không khí đầy vẻ “linh thiêng”. Ánh sáng nến mờ dần nhập cùng với hương khói lan tới năm ngọn đèn sát nóc tạo khung cảnh mây trời ban đêm của các  vì sao.

Từ thượng cung nghệ thuật hoành tráng lan tỏa sang hai bên và phía trước.

Chân dung rồng trong hợp cảnh hội làng (nằm ở vị trí giữa xà thượng và xà hạ, chái bên phải) được bố cục trong một hình tam giác, không hoàn toàn vuông vức. Bức chạm khắc nói lên chủ đề chính: chân dung rồng trong ngày hội làng – đó là một chân dung rồng giàu sắc thái hội lễ: vui tươi hóm hỉnh, nghịch ngợm thỏa chí, được biểu hiện một tai cụp, một tai vểnh, đôi mắt nheo nheo, mũi phồng to. Chân dung được đặt trong mối tổng hòa của nhiều không gian hội làng với nhiều đối tượng miêu tả khác nhau; phía trên cùng là cảnh bơi chải được chạm nông làm ta liên tưởng đến những tay đua chải trên đầm Vạc (Tam Đảo) hay làng Me (Yên Lập), rồi chuyển qua một không gian khác, bốn cô tiên đùa nghịch, kéo tay nhau, ngả vào nhau – Nghệ sĩ nắm bắt hiện thực với những điểm nhấn cần thiết mà bỏ qua những chi tiết thừa để làm rõ trạng thái kéo tay nghịch ngợm ngã vào nhau nên không cần diễn tả mặt tiên (tiên không có đầu chỉ thấy hình dáng của thân, tay và chân) tiếp nữa lại chuyển qua một không gian khác, tiên cưỡi rồng đi xem hội và cuối cùng là tiên ngồi trên lưng rồng cùng với các rồng con để xem hội.

Rong me con dinh Huong Canh

Hòa với cảnh hội làng bơi thuyền, tiên đùa nghịch, tiên cưỡi rồng đi xem hội, tiên và rồng con ngồi trên râu rồng mẹ cùng xem hội là cảnh sấu hòa rồng được tạo dựng bằng bản thân quốc hoành. Sấu lộn ngược như làm xiếc: đầu hóa rồng lộn xuống, thân và guốc hoành, hai chân trước chống xuống, hai chân sau cố đạp lên đỡ lấy guốc hoành. Sấu hóa rồng trong tư thế làm xiếc rất phù hợp với nội dung của ngày hội làm cho bức chạm có cái gì ngộ nghĩnh, vui vui. Bức chạm đã tạo ra một không gian chung có chủ đề rõ ràng: chân dung rồng trong mối tổng hòa với hội làng. Ở đây hội làng được tái hiện với nhiều diện mạo, nhiều khung cảnh của không gian: chèo thuyền, đùa nghịch, cưỡi rồng đi xem hội, làm xiếc, ngồi xem hội tất cả đều hợp thành một không gian lớn với một chủ đề chung rồng và hội làng. Chân dung rồng đơn, hội làng này lại bắt nhập với một không gian hội làng lớn hơn và hòa nhập vào những chân dung rồng đơn hay chân dung rồng đôi khác chạy suốt trên xà dọc từ đầu hồi bên phải sang đầu hồi bên trái. Ở đây xà dọc hạ và xà dọc thượng đứng ra làm khung đỡ cho các bức chạm, chúng được cắt bởi các cột để tạo nhịp điệu cho cả giải phù điêu.

Ban tho

Ban thờ bày ở gian lòng thuyền (trục thần đạo)

Kỹ thuật chạm lộng được biểu hiện cụ thể: rồng và tiên, nghệ sĩ đã sử dụng phương pháp tạo hình thành nhiều tầng, nhiều lớp thành một hợp thể không gian có chiều sâu. Mặt khác, nghệ sĩ cũng sử dụng nhiều lối chạm để nâng hiệu quả của nghệ thuật bằng cách đối sánh công kênh nhau. Cảnh bơi chải được chạm nông, tiên đùa nghịch, tiên cưỡi rồng thì chạm lộng để tạo sức chuyển động cho nghệ thuật trong mối tương quan của hai phương pháp chạm nông và chạm lộng. Ngay đối với chân dung rồng mẹ một phần được chạm lộng để bắt nhịp vào mãng chạm rồng phía dưới, nhưng thân rồng lại có khối tròn lẩn vào trong, chưa thỏa mãn nghệ sĩ chạm khắc còn đưa vào đó hợp cảnh có ba con sấu hóa rồng ở vị trí guốc hoành đầu thụt vào thân và đuôi nhô ra như đang làm xiếc.

Cùng một lúc tác giả sử dụng nhiều mối quan hệ của kỹ thuật để tạo nên mối tổng hòa cho nghệ thuật: vừa chạm lộng, vừa chạm nông, vừa tạo khối tròn làm cho cái nọ đẩy cái kia, tạo mối tương phản để soi sáng cho nhau rồi cùng đi vào một nhịp điệu ngày hội.

Theo dọc xà dọc, bức chân dung rồng đơn lại lan tỏa sang gian bên để rồi lại bắt nhập với những chân dung rồng khác. Ngay trên xà dọc tiếp nối với xà trên, ở gian tiếp bên cạnh chái vừa nói, ta lại bắt gặp chân dung rồng đôi.

Cùng một thể thức chân dung rồng đôi ở cửa võng, ở đây chân dung rồng đôi cũng có một kích thước rất lớn choán hết một phần ba bức chạm và một khúc rồng chồi ra đội xà dọc phía trên, thấp thoáng sau những đao lửa. Một vài họa tiết trang trí phụ cho chân dung rồng đôi như thạch sung, rắn… tạo cho ta một cảm nhận vui vẻ của một ngày hội. Nghệ thuật chạm lộng chân dung rồng ăn nhập với thủ pháp chạm nông ở xà hạ gây đối sánh và tương phản rất mạnh.

Chân dung rồng đôi, một rồng to, một rồng bé cười khoái chí hòa nhập với cuộc gặp gỡ của đôi rồng lân trong hội làng.

Chân dung rồng đôi mỗi con một cá tính: một chân dung rồng biểu hiện nụ cười thoải mái, hai tay cong như hai cánh phượng, những bờm râu, tóc nhẹ nhàng ăn nhịp với râu và đao hỏa bên dưới, còn một chân dung rồng nữa, mặt hơi nghiêm, có cái gì chững chạc, nụ cười vừa phải, khối mặt đôn hâu, nhô ra nhiều và đứng ở vị trí cao hơn ăn nhịp với khúc rồng to hơn uốn cong sát xà dọc và râu rồng, thạch sung, rắn được cuộn lên nhiều lớp… ở phía trước, phía trong và phía sau.

Phia ben phai cua vong

Phía bên phải cửa võng

Bức chạm được thực hiện bằng cách cắt ra thành hai phần cho việc lắp ghép được dễ dàng.

Bức chạm lộng bên trái và bức chạm nông bên dưới cùng một lúc có hai không gian đồng hiện, lại được sử dụng hai thủ pháp chạm khác nhau nên nghệ thuật gây tương phản, để rồi công kênh nhau mà tạo ra giá trị độc đáo, cách phân chia bố cục rạch ròi, mặt rồng theo hình chuyển động tròn, nhưng được xà dọc ép xuống bắt nhịp với khúc rồng lộ ra gây một cảm giác chuyển động trọn vẹn, đầy đủ về hình thể. Khối phụ nhân tính cách của hai cá tính chân dung rồng, đao lửa ăn nhập với con rắn, thạch sùng cuộn lên ở tầng một và tầng hai của râu.

Phia trai cua vong

Cũng trên cùng một hướng của xà dọc (gian phải sát thượng cung) có chân dung rồng đôi thô khỏe, nhưng rất đáng yêu, đao lửa đươc tỏa ra, mỗi râu rồng có một rồng con đậu lên hướng vào rồng mẹ, đầu rồng con như đầu rắn, tai rồng như hình lá, ria mép rồng đơn giản, nét cong ra nhiều.

Cứ như thế, cảnh chân dung rồng đơn, rồng đôi kéo dài qua thượng cung sang các gian, các chái bên trái để rồi cùng nhau hợp thành một dải phù điêu hoành tráng với nhiều không gian trong một không gian, nhiều đối tượng hội làng trong một chủ đề, tất cả đều tổng hòa nhau và cùng đồng hiện một lúc.

Có điều kỳ lạ, tất cả chín chân dung rồng trong hợp thể hội làng (xà dọc phía sau của các gian và chái) đều có cá tính rất khác nhau mang những tính cách rất đời, chứa chan tình cảm của con người lao động như ta vừa phân tích ở trên.

Một bức chạm nữa làm ta hết sức khâm phục về tính chất hoành tráng của nó hòa nhập với tính chất hoành tráng chung của ngôi đình (nằm phía trước, giữa cột cái và cột quân phía bên phải trước thượng cung). Ta thấy cùng một lúc đồng hiện bốn không gian từ phía trên xuống: đấu vật, đoàn người mang sản phẩm săn bắt đến dự hội, đấu kiếm, múa rồng. Không gian đấu vật được thể hiện bằng thủ pháp chạm nông, hai đô vật mình trần đóng khố, diễn ra ác liệt, hình khối chưa phân thắng bại đang còn tiếp tục keo nữa. Đây chính là biểu hiện của tinh thần các lò vật xứ Đoài mà ta đã thấy các đô vật danh tiếng của đất Yên Lỗ: Cao Lỗ, Từ Nãi, đô Tổng… Ba không gian còn lại nghệ sĩ điêu khắc thực hiện theo lối chạm lộng: - Đoàn người hành lễ mang theo sản phẩm săn bắt được vào tham gia hội làng. Ai nấy đều phấn khởi, thoải mái, vui vẻ biểu hiện trong tư thế, dáng đi của những người khênh hươu nai, còn người cưỡi ngựa thì rất vui – Cảnh đấu kiếm dược xây dựng một cách khái quát, không giống như ta nhìn thấy các chi tiết thực, nhưng vẫn cho ta thấy các động tác cầm kiếm rất chuẩn xác. Sinh động nhất có lẽ là cảnh các nàng tiên múa với nhịp điệu duyên dáng, những nét mặt, bàn tay được chạm lộng lúc ẩn, lúc hiện tạo sự chuyển đổi của các hình thể và sự phát triển của khối, của các sắc độ ánh sáng.

Như thế, ta thấy rõ dù ở diện mạo nào của các bức chạm khắc ở đinh Hương Canh ta vẫn cảm nhận cái giá trị hoành tráng của nó với nhiều không gian, nhiều chủ đề cho một mối tổng hòa chung: một không gian chung và một chủ đề chung về hội làng. Tinh thần ấy đã nằm ngay trong các chân dung rồng với hợp thể hội làng, dù ở phương diện nào, chân dung rồng đơn hay rồng đôi.

Nghệ thuật hoành tráng ấy lại được nghệ sĩ điêu khắc thể hiện một cách thông minh bằng cách tạo đối sánh các thủ pháp chạm khắc và có khi lại chia đôi cho dễ thể hiện và lắp ghép, nhưng vẫn có một phong cách, một ý đồng nhất với nghệ thuật chung.

Điều này là một cách làm rất khôn khéo, nhất là đối với những bức chạm lớn kéo suốt từ trên thượng lương xuống với nhiều cảnh, nhiều chi tiết và nhiều không gian giật cấp phức tạp.

Điêu khắc hoành tráng đình Hương Canh là một nghệ thuật điêu luyện mang tính chất bác học rõ rệt. Tất cả mọi bức chạm đều có ý đồ rõ rệt, được phân chia, sắp xếp theo một chủ định, nhưng đều nằm trong một mối tổng hòa chung. Không có những bức chạm bị kênh ra, mọi bức chạm đều có liên quan, ăn nhập vào nhau. Chân dung rồng trong hợp thể hội làng khá phong phú, ta không thấy những chân dung xa lạ như những con rồng lạc bầy, mọi chân dung rồng đều mang ý nghĩa quần tụ, như những bầy rồng rủ nhau đi xem hội. Chân dung rồng đơn hay rồng đôi cũng vậy, ta thoáng cảm nhận tính chất mộc mạc, giản dị như những cái chum, cái nồi, cái máng bằng gốm được tạo ra ngay từ những bàn tay khéo léo của những người dân địa phương.

Điêu khắc hoành tráng đình Hương Canh chứa đựng nội dung sôi nổi của hội làng, điều đó cũng thật dễ hiểu đối với một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời với những hình thức sinh hoạt phong phú của hội làng như ta đã thấy ở phần trên: vật Yên Lỗ, bơi chải đầm vạc, lại còn chạy cờ, múa gậy, múa rồng rắn, đánh phết, cướp cầu… khắp một vùng Tam Đảo (Hương Canh) và những vùng đất lân cận.

Trang tri hinh rong dang doi

Trang trí hình rồng đăng đối trước điện thờ

Điêu khắc hoành tráng đình Hương Canh là tiếng nói tươi vui của hội làng, nó góp phần làm giàu thêm những giá trị tinh thần dân chủ, tự do và bình đẳng của một nền văn hóa, nghệ thuật giàu bản sắc địa phương, thể hiện một tính chất dân gian rõ rệt, nhưng lại đạt tới cái chuẩn mực của một nghệ thuật bác học về nhiều mặt: chủ đề quán xuyến, nét chạm điêu luyện, thông minh, già dặn, tổ chức không gian nghệ thuật hợp lý, chặt chẽ.

Nghệ thuật ấy thực sự là gương mặt của làng xã với cái nhìn hóm hỉnh, nụ cười thật tươi vui… Cuộc sống đấy, mà cũng là sự giải trí cho những ngày lao động vất vả.

Gia trong gia chieng

Khong gian kien truc dinh Huong Canh

Phu dieu dinh Huong Canh

Phu dieu

phu dieu

Chan dung rong be rong me

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc VII)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc VI)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc V)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc IV)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc III)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc II)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 2 - Muc I)

>>> Điêu khắc môi trường (Phân 1)

0976984729