Bài tập Khối cầu
1. Vẽ khối cầu đơn lẻ
Nếu bạn vẽ một quả táo bạn sẽ vẽ như thế nào? Có phải là như trên không?
Làm thế nào để nó trông nổi lên như thật đây? Hay nói cách khác là quả táo này mới chỉ có chiều rộng và chiều dài, bây giờ chúng ta sẽ học cách để làm cho quả táo trông có thêm chiều sâu nữa
Vì quả táo có dạng khối cầu, nên ta sẽ học cách để vẽ được khối cầu trước nhé. Để sau đó, dù có vẽ quả táo, quả cam hay quả lê… bất kỳ quả nào có dạng khối cầu, bạn cũng sẽ đều biết cách vẽ được chúng hết.
Quan sát khối cầu bên trên:
Để vẽ bất kỳ thứ gì, chúng ta sẽ luôn bắt đầu bằng cách quan sát – nhận biết, sau đó nhớ đến những luật thị giác liên quan và cuối cùng mới bắt tay vào vẽ.
Quan sát – Nhận biết
- Quan sát mẫu bạn có nhận ra khối cầu khác hình tròn vì nó có sáng – tối, đậm – nhạt và bóng đổ, chính điều này làm cho nó trông có chiều sâu không? Vậy để Đánh bóng (hay lên sáng – tối, bóng đổ cho mẫu), hãy quan tâm đến nguồn sáng đầu tiên. Bởi thực chất, việc vẽ vật thể trong không gian ba chiều chính là miêu tả lại ánh sáng lên vật thể đó. Ở đây nguồn sáng ở phía trên, bên phải.
- Khi nheo mắt, ta sẽ thấy trên vật thể xuất hiện 3 vùng ứng với 3 sắc độ là sáng, tối và trung gian (là vùng giao giữa sáng và tối). Trong vùng tối, không tối hoàn toàn, mà có một khu vực sáng yếu, gọi là phản quang. Bóng đổ của vật thể sẽ luôn nằm đối diện với nguồn sáng (nguồn sáng ở trên – bóng đổ ở dưới, nguồn sáng bên trái – bóng đổ bên phải). Vậy ta sẽ có 5 mức độ đậm nhạt khác nhau, theo thứ từ tối dần: Vùng sáng – Phản quang – Vùng trung gian – Vùng tối – Bóng đổ. Có sự chuyển đổi từ sắc độ qua từng vùng.
Luật thị giác
Để tạo được chiều sâu cho vật thể trên mặt phẳng giấy, ta cần lưu ý những luật thị giác sau:
1. Đánh bóng (Shading): Lên đậm nhạt (sáng tối) và tạo bóng đổ cho vật thể để tạo ảo giác về chiều sâu.
2. Đường chân trời (Horizon line) hay đường tầm mắt giúp xác định khoảng cách và vị trí tương đối của mẫu trong không gian.
Hãy cùng bắt tay tạo nên hình vẽ 3D đầu tiên của bạn nào!
- Dựng một hình tròn trước.
- Vẽ đường tầm mắt đằng sau hình tròn vừa dựng.
- Đánh bóng:
+ Vẽ bóng đổ cho mẫu đối diện với nguồn sáng.
+ Sử dụng hệ thống nét đan vào nhau như đã luyện tập ở bài tập dựng hình đan nét để lên đậm nhạt cho khối cầu, đánh từng nét dài phủ cả khối và nền (có thể gợi một vài đường chì nhẹ để phân mảng sáng, trung gian, tối để tập trung lên đậm nhạt).
+ Đan nét từng lớp, ở những vùng tối sẽ dùng nhiều lớp chì hơn. Những lớp đầu đi nét nhẹ, bao quát tổng thể cả hình. Những lớp sau đẩy đậm dần, tập trung chi tiết vào những vùng tối.
+ Đặc biệt chú ý tạo sự hòa trộn và chuyển độ dần dần từ vùng sáng đến vùng tối vì tính chất cong của bề mặt khối cầu.
+ Hoàn thiện bài vẽ bằng cách gợi thêm không gian xung quanh để làm nổi bật vúng sáng của mẫu.
Bây giờ bạn hãy tự chọn một nguồn sáng và hoàn thiện quả táo lúc đầu của bạn bằng cách làm nó có chiều sâu đi nào!
2. Vẽ khối cầu nâng cao
Bạn đã vẽ được một quả táo rồi, nhưng sẽ ra sao nếu bạn lại muốn vẽ một rổ táo, với nhiều quả táo nằm cạnh nhau? Có điều gì khác biệt so với khi vẽ một quả táo không?
Quan sát – Nhận biết
+ Xác định nguồn sáng: Bóng đổ phía dưới và lệch về phía sau của những quả táo có nghĩa là nguồn sáng từ phía trên và đằng trước lũ táo. Do đó ta không nhìn thấy vùng tối của những quả táo, điều này không thuận lợi nếu ta muốn vẽ lại chúng trên giấy, bởi thế bạn hoàn toàn có thể chọn một nguồn sáng khác, giống như khi vẽ khối cầu ở phần 1, nguồn sáng phía trên bên trái chẳng hạn.
+ Để ý vị trí tương quan giữa những quả táo, trên mặt phẳng, quả phía sau trông cao hơn quả táo phía trước.
+ Có 2 bóng đổ của quả táo: 1 là xuống nền và 2 là lên quả táo phía sau.
Luật thị giác:
Ngoài những luật thị giác đã có, sẽ có thêm một số luật thị giác nữa bạn cần biết để vẽ được cả rổ táo đấy. Đó là:
1. Kích thước (Size): Vật thể có kích thước lớn hơn tạo cảm giác gần mắt hơn.
2. Chồng lên nhau (Overlapping): Vẽ một vật trước một vật khác để tạo cảm giác vật đó gần mắt bạn hơn.
3. Mật độ (Density): Những vật ở xa sẽ mờ và ít chi tiết, ngược lại những vật ở gần cần tả rõ và chi tiết.
Thực hành vẽ:
- Bắt đầu vẽ từ 1 quả táo, gần mắt bạn nhất: Vẽ một hình tròn đầu tiên, tiếp đó phác thêm phần trên và cuống táo, nắn hoặc phác thêm phần dưới gọn lại để được hình một trái táo hoàn chỉnh.
- Vẽ tiếp những quả táo phía sau bằng cách tương tự, điều lưu ý duy nhất là vị trí của chúng. Vẽ những quả táo phía sau trông cao và nhỏ hơn quả trước đó (Luật Kích thước và Chồng lên nhau) để tạo cảm giác những quả táo đang lui dần về phía sau. Hãy vẽ cả những nét khuất của chúng, điều này sẽ giúp bạn định hình và chỉnh sửa những quả táo của mình dễ dàng hơn.
- Chọn nguồn sáng ở phía trên bên trái, đánh bóng những quả táo và bịa bóng đổ của chúng theo ánh sáng. Để ý là có 2 loại bóng đổ đấy, trong đó vẽ bóng đổ từ quả phía trước lên quả phía sau sẽ giúp phân chia vị trí và tạo chiều sâu thêm cho bức tranh.
- Đừng đánh bóng mọi quả táo như nhau, lưu ý về Mật độ: Gần tỏ xa mờ. Hãy chỉ đánh bóng đậm và chi tiết những quả táo phía trước, gần mắt bạn hơn, và đánh bóng nhạt và nhòe dần với những trái táo ở xa.
- Cụ thể là Vùng sáng của quả táo gần sẽ sáng hơn vùng sáng của quả táo phía xa (bôi một lớp chì mỏng để dìm bớt vùng sáng của những quả ở xa) và Vùng tối của những quả gần cũng sẽ đậm và đan nét kỹ hơn so với những quả ở xa, làm tương tự với bóng đổ.
Bạn có biết
- Hình tròn là một trong những hình học cơ bản được ứng dụng rất nhiều trong thiết kế đồ họa. Đặc biệt là ngày nay khi cuộc sống bận rộn và thời gian càng trở nên ít ỏi, việc làm cho mọi thứ, trong đó có thiết kế trở nên đơn giản và rút gọn đang ngày một được ưa chuộng.
- Logo của mạng xã hội nổi tiếng Twitter là hình chú chim xanh, được thiết kế tỉ mỉ từ sự liên kết của những vòng tròn – với ý nghĩa giống như cách bạn xây dựng mạng lưới, gây cảm hứng và kết nối ý tưởng, giao lưu với đồng nghiệp bạn bè.
- Họa sĩ thiết kế Augie Freeman nói về vai trò của hình tròn trong thiết kế logo bằng cách so sánh nó với một “cổng thông tin” đến một chiều không gian khác. Ông cho rằng “Vòng tròn kết nối thường đại diện cho sự đoàn kết, sự gắn kết (logo Olympic), hay một thị trường toàn cầu (logo AT&T), một cảm giác của sự vĩnh cửu, sự thống nhất và hoàn hảo, sự trọn vẹn và một “cảm giác tự nhiên”.
Thử thách 02
Trong thực tế cuộc sống xung quanh, bạn có thể nhìn thấy những vật hể có dạng khối cầu xếp chồng hoặc nằm cạnh nhau như thế nào? Một chùm bóng bay, một ổ trứng gà hay là những hành tinh trong hệ Mặt trời…
Hãy chọn bất kỳ một sự vật nào mà bạn yêu thích, quan sát chúng, có thể tưởng tượng thêm thì càng tốt và vẽ lại chúng giống như cách vẽ những trái táo vừa học. Việc này sẽ giúp bạn tư duy về ánh sáng và rèn luyện kỹ năng vẽ những khối cầu thêm thú vị hơn đó.
- Nguyễn Thiên Hoa -
>>> Vẽ tay với thiết kế đồ họa
>>> Bài tập dựng hình, đan nét
>>> Bài tập khối hộp
>>> Bài tập khối trụ