Vẽ tay với thiết kế đồ họa
Theo các định nghĩa trên về Vẽ tay, có thể nhận ra vai trò truyền tải thông điệp hay giao tiếp đã luôn đi liền với Vẽ tay từ thuở sơ khai. Bạn có thấy quen hay không? Hãy nhớ lại mục đích của TKĐH, sau cùng thì việc tạo ra một logo hay poster đẹp và ấn tượng cũng là để hấp dẫn người xem, thực hiện truyền thông thị giác. Tức là về mặt bản chất, vẽ tay và TKĐH cùng hướng đến một mục đích.
Để làm rõ hơn về mối liên hệ giữa Vẽ tay với TKĐH, hãy để ý kỹ hơn đến những kỹ năng mà vẽ tay mang lại cho bạn:
Quan sát và tư duy:
Khi học vẽ, bạn sẽ bắt đầu từ cách dựng hình và lên đậm nhạt từ những hình khối cơ bản. Lý do là để vẽ bất kỳ vật thể đơn giản nào cho đến phức tạp như cấu trúc cơ thể con người, ta đều phải quy chúng về dạng khối, cơ bản, để vẽ được đúng cấu trúc và tỷ lệ, từ đó mới có thể tiếp tục lên chi tiết và trau chuốt bài vẽ được.
Chính vì vậy, việc quan sát mẫu và tư duy về mẫu (chúng được cấu tạo từ những khối nào, biểu diễn ánh sáng lên mẫu ra sao) là điều bạn nhất thiết phải luyện tập thật chăm chỉ khi học vẽ. Quan sát và tư duy liên tục chính là kỹ năng quan trọng nhất mà việc học vẽ mang lại cho bạn. Đối với ngành TKĐH, kỹ năng quan sát và tư duy sẽ giúp bạn tiếp thu được các kiến thức chuyên ngành nhanh hơn, từ việc nắm bắt được các xu hướng thiết kế mới cho đến việc sáng tạo ra những phong cách của riêng mình.
Làm quen, nắm bắt và hiểu được các yếu tố thiết kế
Các yếu tố của thiết kế: Elements of design bao gồm: chấm (dot), đường (line), hình (shape), khối (form), chất liệu (texture), color (màu sắc), sắc độ (value) và không gian (space).
Các nguyên tắc của thiết kế: Principles of design bao gồm: tính nhịp điệu (rhythm), tính cân bằng (balance), tính thống nhất (unity), tính tương phản (contract), tính tỷ lệ (proportion) và tính ảnh hưởng (dominance).
Với vài giây ngắn ngủi search Google bạn có thể tìm thấy ngay định nghĩa và minh họa khá dễ hiểu cho những yếu tố ở trên. Nhưng để ghi nhớ, nắm bắt và sử dụng được chúng thì vẽ tay là cách thức hiệu quả và phổ biến nhất được biết đến.
Hãy hình dung đến việc bạn vẽ một quả táo thôi, từ một chấm chọn trước, bạn sẽ vẽ một đường bao (có dạng hình tròn) để tạo nên chu vi quả táo hoặc vẽ thêm cả cuống và lá cho nó nữa.
Tiếp đó để quả táo trông thật hơn, bạn sẽ phải tô màu cho nó, tùy sắc độ chỗ tối chỗ sáng để tô đậm nhạt khác nhau tạo nên dạng khối cho quả táo. Vỏ quả táo có đặc điểm là bóng mịn, nên dùng những nét tô mềm mại, đan khít với nhau để diễn tả chất liệu đó.
Nếu muốn bức tranh quả táo thêm sống động, có lẽ bạn sẽ vẽ thêm mặt bàn, hoặc một bình hoa bên cạnh quả táo để tạo ra không gian cho nó. Như vậy, chỉ với việc vẽ một quả táo, bạn có để ý là mình vừa sử dụng đến tất cả các yếu tố của thiết kế hay không? Đó chính là cách mà bạn dần làm quen, nắm bắt và hiểu được các yếu tố thiết kế.
Góc nhìn và kỹ năng cá nhân
Bên cạnh đó, cùng một mẫu vật là quả táo nhưng sẽ không có hai người nào có thể vẽ ra hai trái táo giống nhau hoàn toàn được. Đó cũng chính là một trong những điểm đặc biệt của vẽ tay.
Với góc nhìn khác nhau và kỹ năng vẽ riêng của từng người, những bản vẽ tay là độc đáo và duy nhất. Hãy nghĩ xem nếu là một designer, thì đâu mới là cách để bạn tạo ra màu sắc và phong cách riêng của mình? Liệu có phải là góc nhìn và kỹ năng cá nhân hay không?
Sự tỉ mỉ, bình tĩnh và từ tốn
Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, tất cả các công đoạn của một bài vẽ, từ dựng hình đến đánh bóng đòi hỏi bạn phải tập trung và thật tỉ mỉ. Hãy nghĩ đến việc dùng từng nét chì đan vào nhau để tạo sắc độ đậm – nhạt cho mẫu, việc này đòi hỏi một khoảng thời gian đáng kể, nếu không đủ bình tĩnh và từ tốn thì bạn hẳn sẽ không thể hoàn thành quá trình này.
Cũng như công việc sau này, sự tỉ mỉ trong quá trình thiết kế là vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa những lỗi và thiệt hại có thể xảy ra trước khi publish hay in ấn. Đồng thời, sự bình tĩnh và từ tốn cũng là chìa khóa để bạn không “đánh khách hàng” khi gặp phải muôn vàn những tình huống trớ trêu mà một designer chắc chắn sẽ phải đối mặt khi dấn thân vào nghề.
Dù bạn đã biết vẽ hay chưa, thì việc hiểu được vai trò, cũng chính là mục đích của việc vẽ tay là vô cùng cần thiết, đôi khi còn quan trọng hơn cả chuyện biết hay không nữa. Biết được mục đích vẽ tay, bạn sẽ có động lực để bắt đầu nó mà không quá ngần ngại, biết được vẽ tay để làm gì, bạn sẽ không bỏ lỡ quá trình rèn luyện nó khi có cơ hội.
- Nguyễn Thiên Hoa -
>>> Ứng dụng in ấn