Bài tập Khối hộp
1. Khối lập phương
Trong những tiết học mỹ thuật hồi nhỏ, có lẽ ai cũng đã từng vẽ hình ngôi nhà rồi nhỉ. Có khi nào bạn chán vẽ ngôi nhà với nguyên mặt phía trước và chuyển sang vẽ nó ở một góc độ khác, có thể nhìn được tận 2 mặt của ngôi nhà đó, nhưng rồi trông nó cứ xiêu xiêu vẹo vẹo và chẳng đứng vững chút nào?
Ngôi nhà cũng như rất nhiều vật thể khác xung quanh ta có dạng hình hộp, để vẽ được chúng trước hết hãy học cách vẽ khối hộp, mà tiêu biểu là khối lập phương đầu tiên nhé.
Lý do là vì khối lập phương có các cạnh bằng nhau, nên khi vẽ ta sẽ dễ dàng nhận ra được sự biến dạng của hình từ thực tế so với khi vẽ trên giấy.
Quan sát khối lập phương bằng thạch cao sau:
- Quan sát – Nhận biết
+ Nguồn sáng: Phía trên, bên trái (bóng đổ bên phải).
+ Ranh giới sáng tối giữa trên khối lập phương rất rõ ràng và được phân chia bởi chính các cạnh của khối. Diện (mặt) gần nguồn sáng và nhận được nhiều ánh sáng nhất là vùng sáng nhất, diện nhận được ánh sáng ít hơn có sắc độ trung gian, diện bị khuất sáng là vùng tối. Không có sự chuyển đổi hay hòa quyện sắc độ trên cùng một diện.
+ Sự biến dạng: Những cạnh phía sau trông ngắn hơn cạnh phía trước (cạnh gần mắt ta nhất), mặt bên ở gần trông to hơn mặt bên ở xa.
- Thực hành vẽ:
+ Dựng 3 đường thẳng theo phương thẳng đứng ứng với 3 cạnh nằm dọc của khối lập phương, chú ý ước lượng tỷ lệ khoảng cách giữa các cạnh.
+ Dựng 2 cạnh đáy cắt nhau theo mẫu.
+ Dựng 2 cạnh phía trên đối diện với cạnh đáy. Để tạo cảm giác chiều sâu, ta sẽ không dựng 2 cạnh này song song hoàn toàn với đáy, mà hơi lệch xuống phía dưới một chút, làm cho 2 cạnh dọc phía sau ngắn hơn với cạnh dọc phía trước.
+ Dựng 2 cạnh còn lại của mặt trên hình lập phương bằng cách vẽ chúng lần lượt song song với cạnh đối diện.
+ Dựng chu vi bóng đổ và vẽ đường tầm mắt phía sau khối nộp.
+ Đánh bóng: Đánh từng nét dài phủ cả khối và nền. Bạn có thể đánh những đường cong, không nhất thiết phải là đường thẳng, để chì nghiêng khoảng 40-450, đánh nhạt. Lưu ý là không nên đánh từng mảng sáng, tối trong một khối, vì như vậy vừa gây mất thời gian, vừa không đẹp lại xấu nét chì vì bị đứt khúc. Sau khi đã phủ lớp nền lên, bạn bắt đầu đánh những mảng sáng tối. Đánh từ tối lên sáng, muốn làm mảng nào đậm thì đánh nhiều lớp, không nên ấn bút chì cho đậm để lên chỗ tối,v ì như vậy chì sẽ bị bết và khó điều chỉnh sau khi đã hoàn thành bài. Gợi không gian, phía bên sáng của khối nên đánh nền đậm, phía bên tối nên đánh nhạt. Mục đích là không để phía bên tối nhất của khối trùng với nền.
2. Khối hộp nâng cao
Bạn đã vẽ được ngôi nhà thật đẹp cho mình chưa? Bây giờ chúng ta sẽ học thêm một vài thứ đơn giản để có thể trang trí thêm cửa sổ, cửa ra vào hoặc là những tầng nhà cao hơn nữa nhé.
Cụ thể là chúng ta sẽ cùng vẽ những khối hộp nằm chồng lên hoặc xếp cạnh nhau. Dĩ nhiên sẽ có cả cách vẽ những lỗ hổng để tạo thành cửa cho chúng nữa.
Lần này sẽ không có mẫu, nhưng hãy cứ bắt đầu với tòa nhà đơn giản này trước đã:
- Dựng một hình lập phương như phần 1 (Chú ý dựng cạnh nằm dọc phía trước dài hơn 2 cạnh phía sau để tạo chiều sâu nhé).
- Lấy một điểm làm dấu cách cạnh ở giữa một khoảng, từ đó vẽ 2 cạnh của khối hộp phía dưới song song với khối hộp vừa về trước đó. Vẽ tiếp 2 cạnh còn lại của mặt trên khối hộp bằng quan hệ song song của cặp cạnh đối diện nhau.
- Dựng các cạnh dọc của hình hộp phía dưới, lưu ý vẽ cạnh phía ở giữa dài hơn 2 cạnh hai bên để tạo chiều sâu. Vậy là xong tầng dưới của tòa nhà.
- Dựng cửa cho tầng trên bằng cách vẽ những đoạn thẳng đứng làm mép cửa (dóng chúng song song với mép giấy), vẫn lưu ý vẽ đoạn thẳng phía gần mắt dài hơn đoạn thẳng ở phía xa (Luật kích thước).
- Nối 2 đoạn thẳng vừa vẽ để tạo nên cánh cửa.
- Tạo bề dày cho cửa bằng theo quy tắc: “Cửa bên phải độ dày bên phải, cửa bên trái độ dày bên trái” (Quy tắc này áp dụng với bất cứ loại cửa, lỗ, đường dẫn nào…).
- Vẽ thêm những nét khuất của khối hộp bên trên và tẩy đi những phần thừa để tạo không gian phía trong khối hộp.
- Chọn nguồn sáng, vẽ thêm đường chân trời và đánh bóng cả tòa nhà.
Cũng với cách thức như vậy, bạn có thể xây thêm nhiều tầng nhà nữa, trang trí chúng với cửa sổ, ban công, cầu thang và những chi tiết làm bạn cảm thấy thú vị.
Bạn có biết
- Hình họa người là một trong những phần phức tạp nhất của hình họa. Mọi bộ phận bên ngoài cơ thể ta nhìn thấy như tay, chân, mặt mũi… đều có liên kết mật thiết với cấu trúc xương ở bên trong. Nếu không nắm được cấu trúc, hình người của bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái kỳ dị như gãy cổ, gãy tay hoặc đầu nhỏ, thân dài…
Để việc vẽ đơn giản và đúng cấu trúc, người ta sẽ vẽ cơ thể người trên cơ sở các khối hộp. Nếu khối hộp ở đầu sẽ định hình cho bạn diện nào để vẽ mắt, mũi và diện nào để vẽ tai, thì khối hộp ở thân sẽ giúp bạn vẽ cánh tay đúng khớp vai chứ không phải cắm từ lưng ra.
- Khối lập phương ở một góc nhìn nhất định sẽ có các cạnh và các diện nhìn thấy được bằng nhau. Trong trường hợp này, nó trông giống như hình lục giác, chính sự trùng hợp này đã tạo nên cảm hứng cho khá nhiều thiết kế đồ họa.
Thử thách
Hãy vẽ những tòa nhà khang trang và nhiều tầng hơn, nhưng lần này vẽ cả dãy phố khu bạn ở nữa. Nhà một tầng nằm cạnh nhà cao tầng, nhà thò ra, nhà thụt vào. Luôn nhớ các luật để tạo ra chiều sâu cho bức tranh và lưu ý quan hệ song song giữa các cạnh sẽ giúp bạn vượt qua thử thách này. Cuối cùng chọn nguồn sáng và phân tích xem bạn sẽ lên đậm nhạt và bóng đổ cho dãy phố của mình ra sao nhé.
Luyện tập: Quan sát tất cả những vật xung quanh bạn, thử nghĩ xem liệu có bao nhiêu thứ có thể dùng khối hộp để vẽ lại chúng? Nếu bạn có một chiếc đàn ghi-ta, liệu bạn sẽ bắt đầu vẽ nó như thế nào?
- Nguyễn Thiên Hoa -
>>> Vẽ tay với thiết kế đồ họa
>>> Bài tập dựng hình, đan nét
>>> Bài tập khối cầu
>>> Bài tập khối trụ