Bài tập Khối trụ
Chai nước, cái cốc hay thậm chí là cánh tay của chúng ta, để vẽ được tất cả chúng, hãy cùng tìm hiểu cách vẽ khối trụ này ngay sau đây:
Quan sát – Nhận biết
- Xác định nguồn sáng theo bóng đổ. Bóng đổ phía bên trái nên nguồn sáng phía bên trái.
- Quan sát các sắc độ đậm nhạt. Khối trụ cũng có bề mặt cong nên sắc độ đậm nhạt cũng chuyển độ dần dần từ vùng sáng đến vùng tối, với 5 sắc độ: sáng, trung gian, tối, phản quang bóng đổ.
- Khối trụ là hình khối có trục đối xứng.
- Mặt đáy và mặt trên của khối trụ thực tế có dạng hình tròn, nhưng khi quan sát trên hình nó đã biến dạng thành hình elíp. Hình elíp này sẽ thay đổi tùy vào góc nhìn của ta với khối trụ.
- Hãy lấy một vật có dạng hình trụ ra làm mẫu, thay đổi điểm nhìn của bạn để thấy sự khác biệt giữa các hình elíp ở mặt trên của khối: điểm nhìn càng cao, hình elíp càng tròn, ngược lại điểm nhìn càng thấp, hình elíp càng dẹt.
Thực hành vẽ
- Dựng một đường thẳng giữa trang giấy để làm trục đối xứng cho mẫu.
- Ước lượng tỷ lệ giữa chiều cao và chiều rộng của mẫu dựng hình chữ nhật làm chu vi, lấy 4 điểm ứng với 4 đỉnh của hình chữ nhật.
- Dựng các đường thẳng đi qua 4 điểm đã chọn trước.
- Vẽ hình elíp theo cạnh phía trên của hình chữ nhật vừa dựng.
- Dựng hình elíp tương tự ở mặt đáy, lưu ý dựng cả nét khuất để căn chỉnh hình được tốt nhất.
- Dựng bóng đổ và đường tầm mắt sau khối trụ.
- Bắt đầu đánh bóng khối từ đậm đến nhạt, đánh các nét dài phủ toàn bộ bài rồi mới từ từ đi chi tiết vào các diện nhỏ.
- Gợi không gian xung quanh để làm nổi bật vùng sáng của mẫu.
Hoàn thành:
Luyện tập: Chọn một mẫu vật cụ thể như lon coca hoặc cốc nước, lần này không chỉ vẽ khối trụ như lần tước mà hãy chú ý tả thêm các chi tiết của mẫu nữa.
Vẽ khối trụ nâng cao
Bây giờ chúng ta sẽ không quan sát mẫu nào nữa mà sẽ ôn tập cách vẽ khối trụ thật thoải mái bằng cách sau đay:
- Vẽ những hình elíp với kích thước và vị trí khác nhau theo trục chọn trước. Chúng sẽ đại diện cho mặt trên và mặt đáy của khối trụ khi được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
- Dựng 2 cạnh bên của mỗi khối trụ từ 2 mặt trên và mặt đáy của chúng. Lưu ý luật kích thước: mặt nào của khối trụ gần mắt bạn hơn thì sẽ to hơn.
- Có thể vẽ những khối trụ biến dạng (dạng ống) bằng cách bẻ cong 2 cạnh bên của nó.
- Kết hợp khối hộp hoặc khối cầu để có những tác phẩm của riêng bạn.
Bạn có biết
Khối trụ là một trong những khối cơ bản được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, từ hội họa cho đến các thiết kế ứng dụng. Thử nhìn xung quanh bạn và liệt kê xem có bao nhiêu đồ vật có cấu trúc/một phần cấu trúc từ khối trụ?
Trong thiết kế đồ họa, những bao bì được làm theo dạng hình trụ vừa mang lại sự chắc chắn của khối hộp, vừa có nét mềm mại từ mặt cong giống khối cầu, bởi vậy đây là kết cấu bao bì khá phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nơi.
Thử thách
Quan sát tấm hình sau:
Nó có khiến bạn nghĩ đến một thành phố với những tòa cao ốc nằm sát bên nhau hay không? Giống như bài khối cầu, lần này chúng ta sẽ luyện tập vẽ các khối trụ chồng lên nhau giống như hình trên. Nhiệm vụ của bạn là vẽ ra những khối trụ chồng lên nhau theo cách bạn muốn, có thể giống y hệt bức hình ở bên, cũng có thể là một thành phố với những tòa nhà từ khối trụ tương tự như vậy.
Thêm những chi tiết bạn thích như là những cái lỗ để tạo thành ô cửa sổ chẳng hạn (cách đục lỗ vẽ cửa đã được nêu phần khối hộp nâng cao). Cuối cùng và quan trọng nhất, hãy nhớ chọn nguồn sáng, để ý có 2 loại bóng đổ và áp dụng các luật thị giác cần thiết nhé!.
- Nguyễn Thiên Hoa -
>>> Vẽ tay với thiết kế đồ họa
>>> Bài tập dựng hình, đan nét
>>> Bài tập khối cầu
>>> Bài tập khối hộp