Bài tập Dựng hình, đan nét

1. Tập nét

Trước khi dựng được bất kỳ một hình nào đó (shape), thì bạn phải bắt đầu từ những đường nét đơn lẻ, từng bước vẽ nên chu vi của hình đó đúng không? Vẽ đường thẳng bằng thước kẻ hẳn là rất tiện, nhưng từ giờ trở đi, bạn sẽ dùng chính bàn tay và đôi mắt của bạn để vẽ đường thẳng, đường cong và tất cả những thứ khác nữa. Đừng quá lo sợ, rất nhiều người đã làm được điều này, nếu tập luyện chăm chỉ, bạn cũng sẽ không phải ngoại lệ đâu.

dung hinh 1

Trước tiên, hãy bắt đầu bằng những đường thẳng theo phương nằm ngang, dọc và chéo. Bắt đầu từ một điểm chọn trước, lướt bút một mạch trên mặt giấy để vẽ ra đường thẳng bạn muốn. Hãy vẽ nhanh, dứt khoát nhất có thể, như vậy thì đường thẳng của bạn sẽ đỡ bị run rẩy và đứt đoạn. Hãy chú ý thay đổi tư thế cầm bút sao cho thoải mái nhất với bạn.

Tiếp tục luyện tập với các đoạn thẳng ngắn, dài khác nhau, theo mọi hướng mà bạn muốn. Ở mỗi hướng, hãy vẽ thật nhiều đoạn thẳng song song cạnh nhau nhé, điều này sẽ tốt cho bạn lên đậm nhạt sau này.

dung hinh 2

- Đường cong sẽ là những việc tiếp theo ta bắt tay vào. Đường cong ở đây là một phần của đường tròn, bởi thế cách tốt nhất để vẽ được là khi cầm bút, hãy hình dung đến chiếc compa.

dung hinh 3

Tìm một điểm tựa trên giấy làm trụ (có thể là ngón út), sau đó cua bút quanh trụ. Luyện tập đường cong nhiều lần và tìm ra cách cầm bút thoải mái nhất với bạn.

2. Đan nét

Vậy nét ngoài dùng để phác thảo chu vi của mẫu ra thì còn dùng để làm gì nữa không? Chắc chắn là có rồi. Để diễn tả bóng đổ và ánh sáng của mẫu, chúng ta cũng sẽ dùng hệ thống các nét đan cài với nhau thành những sắc độ đậm nhạt khác nhau.

dung hinh 4

Sau khi đã vẽ được các đường thẳng và đường cong theo nhiều góc độ, bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang kết hợp chúng lại với nhau nhé.

dung hinh 5

Hãy dùng nét, từng lớp một. Lớp sau lệch hướng so với lớp trước một góc khoảng 300. Càng ở chỗ đậm thì số lớp càng nhiều, ngược lại ở chỗ nhạt, số lớp nét càng ít. Ngoài ra bạn hãy để ý đến mật độ của các nét trong từng lớp nữa nhé, ở những chỗ đậm, các nét có thể dày hơn, trong khi ở chỗ nhạt khoảng cách giữa các nét có thể (xa) thưa hơn.

Luyện tập vẽ nhiều dải màu đậm nhạt và thay đổi cách mà bạn tạo ra chúng, từ số lớp nét, góc đan nét, mật độ giữa các nét hay thậm chí là kích thước to, nhỏ của nét. Đây là cách tốt nhất để bạn nắm bắt và sử dụng linh hoạt được nét vẽ của mình sau này.

3. Dựng hình

Ở đây chúng ta sẽ bắt đầu với hình tròn, hình vuông và tam giác đều. Tại sao lại là những hình này chứ không phải thứ gì thú vị hơn, như một con cá chẳng hạn? Bởi vì từ những hình học này sẽ cấu tạo nên những hình khối cơ bản: khối cầu, khối lập phương, khối trụ, khối chóp… Và để vẽ một con cá hay bất kỳ thứ gì khác thì đều phải quy chúng về các khối cơ bản để có thể vẽ đúng cấu trúc và ánh sáng được. Do đó chúng ta sẽ tập vẽ những hình học cơ bản này trước, để tìm ra cách để vẽ một con cá (hoặc bất kỳ thứ gì) thật đẹp như thế nào sau nhé.

dung hinh 6

Lưu ý: Khi vẽ các cạnh của hình vuông hay hình tam giác, hãy vẽ những đường thẳng dài thật dứt khoát đi qua các điểm đã chọn trước. Đừng sợ lại phải mất công tẩy những đoạn thừa. Cũng như khi luyện nét, nếu bạn chỉ vẽ một đoạn thẳng ngắn đủ để nối các điểm đã chọn với nhau, nét thẳng của bạn sẽ bị run và có thể lệch hướng. Ngoài ra những đoạn thừa khi bạn vẽ nét dài sẽ giúp bạn dóng hình và xác định vị trí của mẫu tốt hơn khi phải vẽ nhiều mẫu cạnh nhau sau này.

Hình vuông: 4 cạnh bằng nhau, 4 góc vuông.

Hãy sử dụng mắt, tay và linh cảm của bạn để ước lượng ra những đoạn thẳng bằng nhau, chấm 4 điểm ở 4 góc hình vuông để xác đinhụ giao điểm của các đường thẳng bạn sẽ vẽ, sử dụng những nét thẳng bạn đã tập luyện trước đó rồi vẽ hình vuông thật dễ dàng thôi nào.

Hình tròn: Từ tâm đến bất kỳ điểm nào trên đường tròn sẽ đều có khoảng cách bằng nhau và bằng bán kính.

Đối với hình tròn, hãy nhớ chọn điểm làm tâm rồi xác định khoảng 4 đến 6 bán kính xung quanh, vẽ những cung tròn nối những điểm đầu của các bán kính lại với nhau. Vẫn chưa tròn ư? Nắn chúng lại theo cảm nhận của bạn, rồi bạn sẽ vẽ được một hình tròn thật đẹp thôi.

Tam giác đều: 3 cạnh bằng nhau.

Với tam giác, ta sẽ bắt đầu từ cạnh đáy trước nhé. Lấy hai điểm để giới hạn độ dài cạnh đáy, sao cho vẽ được một đường thẳng có phương nằm ngang, song song với mép giấy đi qua hai điểm ấy. Sau khi có được cạnh đáy, hãy ước lượng trung điểm của nó, đỉnh đối diện với cạnh đáy sẽ nằm trên đường thawngr đi qua trung điểm này và vuông góc với đáy. Vẽ hai cạnh còn lại cắt nhau tại đỉnh vừa xác định.

Bạn có biết

Bài này chúng ta đã được tập luyện và sử dụng khá nhiều về nét hay còn gọi là line. Trong thiết kế, line là một trong những yếu tố cơ bản và rất quan trọng không chỉ là đơn vị để cấu tạo nên những yếu tố khác của thiết kế như shape (hình), form (hình khối) mà bản thân line khi kết hợp với nhau (đan nét là một ví dụ) sẽ tạo nên texture (chất liệu) cho vật thể mà ta vẽ.

dung hinh 7

Ngoài ra, nếu quan sát và cảm nhận từ những sự vật xung quanh cuộc sống, bạn sẽ nhận ra mỗi loại line sẽ mang một ý nghĩa nhất định. Trong thiết kế gọi khái niệm này là đường tâm trạng (mood lines). Ví dụ như đường thẳng theo phương vuông góc với mặt đất thể hiện sự chắc chắn, vững vàng (kiến trúc Lăng Bác chẳng hạn). Những đường thẳng song song với mặt đất (như đường chân trời) mang đến sự yên bình trong khi những đường cong (dáng hình người phụ nữ) là biểu tượng cho sự mềm mại và gợi cảm.

dung hinh 8

Thử thách 01

Bạn có biết là có nhiều bức tranh được vẽ nên chỉ bởi các nét không? Tác giả đã sử dụng những đường line với kích thước khác nhau, mật độ và chiều hướng khác nhau để mô tả lại những vật thể hay khung cảnh trong thiên nhiên. Bạn có công nhận những bức tranh trông rất độc đáo và thú vị không?

dung hinh 9

Đã đến lúc bạn được vẽ những thứ mình muốn theo cách của riêng bạn rồi đây. Hãy chọn một bức tranh bạn thích (có thể đơn giản chỉ là một bông hoa hay một con vật, hoặc một phong cảnh nào đó), vẽ lại chúng hoặc chép lại cũng được, nhưng chỉ là phần chu vi thôi nhé.

Rồi, bây giờ hãy dùng các đường nét mà bạn đã biết để “tô màu” cho bức tranh đó. Chỗ nào bằng phẳng, chỗ nào uốn lượn, chỗ nào sáng, chỗ nào tối… hãy vận dụng hết tất cả sự sáng tạo của bạn để diễn tả được chúng nhé. Bài tập luyện nét này sẽ rất vui đấy, chỉ sử dụng nét thôi, rồi bạn sẽ bất ngờ với những thứ mà mình có thể tạo ra được đó.

- Nguyễn Thiên Hoa -

>>> Vẽ tay với thiết kế đồ họa

>>> Bài tập Khối cầu

0976984729