Điêu khắc môi trường
Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục VII)
VII. NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC ĐÌNH THỔ HÀ – DIỀM
Từ trên bờ đê của làng Vân (xã Vân Hà, tổng Tiên Lát, tỉnh Bắc Ninh) đứng ngắm trông phong cảnh Thổ Hà thật là hữu tình, con sông Như Nguyệt uốn khúc như một dải rồng cuộn quanh làng. Đó là mạch máu của Kinh Bắc, nơi hội tụ của cuộc sống mà các thầy địa lý đã tìm thế cho một dải đất hun đúc khí thiêng của bốn phương hợp lại: phương Đông hình rồng quay về chầu tổ, phương Tây là một dãy núi hùng vĩ như dáng hổ ngồi chầu, phương Nam dãy Hùng Lĩnh thênh thang, phương Bắc ngọn núi Tiên Lát đầy chuyện thần kỳ và cổ tích.
Cửa võng Đình Diềm - Yên Phong - Bắc Ninh
(Thế kỷ XVII)
Con sông Như Nguyệt đã đưa sự sống từ bốn phương về tụ hội để rồi cũng từ đó lại tỏa đi khắp nơi. Quang cảnh trên chợ dưới đò thật là vượng khí. Dưới sông thuyền chạy như thoi đưa, thuyền xuôi rồi lại thuyền ngược, đò ngang, đò dọc đan nhau làm cho bến sông trở nên sôi động. Từ bến đò người người lớp lớp chen nhau, người lên kẻ xuống gồng gánh nhộn nhịp. Chợ họp ngay trên bến, hàng hòa đầy ắp: đây hàng bánh, hàng quà, hàng rau, hàng đậu, hàng thịt, hàng cá, còn kia nữa sản phẩm đặc biệt của địa phương, hàng sành đủ các chủng loại xếp thành một dãy dài: vại nhỏ, vại to, nồi con, nồi lớn… Chợ họp đông đúc kéo dài mãi đến cửa đình và cũng vì vậy đình Thổ Hà dân làng gọi là đình Chợ. Đình Thổ Hà được xây dựng năm 1686 là một trong những ngôi đình tiêu biểu của xứ Bắc. Qua cửa đình, chúng ta bước vào sân đình. Sân đình rộng rãi, những cây si già cành lá đan chéo nhau vẫn như thế đã bao đời buông chùm dây leo rủ xuống như những dải tóc tiên mải đi chơi hội còn để vương lại trên cành.
Nhà tiền tế giáp ngay phía trước tòa đại đình là một không gian mở, không gian chuyển tiếp để đưa chúng ta vào một thế giới tiên rồng ngay chính giữa điện thờ trước nhà hậu cung. Ở đây chúng ta đã thấy rồng ngay trên các đầu bẩy mà thân đang biến thành hoa lá hoặc những dải mây hòa nhịp với diềm mái, đầu đao lan tỏa vào cảnh sắc thiên nhiên. Và đây nữa cảnh rồng mẹ, rồng con khiến chúng ta nghĩ đến cuộc sống sinh sôi nảy nở của gà mẹ gà con, lợn mẹ lợn con mà nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) đã vẽ nên tranh.
Qua nhà tiền tế, chúng ta bước lên ba bậc thềm đá rồi đến tầng nền để vào cửa giữa của tòa địa đình. Hai hàng cột hai bên từ nhỏ đến lớn hơn kém nhau 0,20m một (chu vi cột hành 1,8m; cột quân 2m; cột cái 2,20m) chạy suốt từ hàng cột hành vào cửa võng và gặp một cây đàn thất tinh (biểu tượng của bẩy ngôi sao) sáng lên lấp lánh bằng bảy ngọn nến có vị trí cao thấp khác nhau hắt ánh sáng lên cửa võng mờ mờ tỏa trong khói hương tạo cho không gian linh thiêng đầy sức cảm hóa. Một chút khẽ đưa mắt sang hai bên hàng cột trên các bậu cửa cột hành và cột quân và cột cái những hàng rồng trang trí nối tiếp nhau được ngăn lại bởi các hàng cột để chuyển dần từng cấp độ không gian trước khi tiếp xúc với hương án cửa võng. Không gian thống nhất từ cửa võng đến nhà tiền tế rồi nối tiếp với sân đình, chợ đình làng xóm, sông nước… và mặt khác cũng từ cửa võng nghệ thuật chạm khắc lan tỏa sang hai bên để trở thành một hợp thể không gian nội thất hoàn chỉnh.
Cửa võng chia làm ba tầng: từ phía trên (cách thương tượng một khoảng) chạy dần xuống sàn đình. Tầng một trên cùng có trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt được sắp xếp theo chiều hơi cong về phía trước ăn nhập với không gian mái đình từ trên xuống rồi nối liền với tầng hai thẳng đứng có ngăn cách bởi một đường nghỉ của lực thị giác.
Tầng hai có tám cột rồng đối nhau hai bên sắp xếp theo luật phối cảnh chạy sâu mãi vào phía trong. Giữa hai cột rồng đối nhau của một thành cửa võng là một mảnh trang trí chạm thủng tạo hiệu quả nghệ thuật đẩy cột rồng quấn ngoài cùng nổi lên làm cho sáu lớp rồng càng được ăn sâu mãi vào phía trong theo một tỷ lệ chuẩn xác của luật phối cảnh về khoảng cách và độ nhô ra của các đầu rồng… phối cảnh không gian của ba lớp cửa võng phát triển vào phía trong bằng bảy lớp rồng càng làm cho tầng một trên cùng càng có độ cong nhô ra để rồi tạo sự tương phản ấn các lớp rồng vào sâu hơn nữa.
Giữa tầng hai và tầng ba là một đường nghỉ có trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt với các đao lửa phát triển theo chiều ngang của đường diềm. Bên phải và bên trái tầng ba là một cột rồng như hai dải diềm buông xuống để lấp ló hai bên mành trang trí hạt. Giữa hai bức mành trang trí hạt là hương án… Hương án có hình tiên cưỡi rồng và tiên cưỡi phượng đối nhau từng đôi một qua mặt hổ phù. Lớp trang trí tiên rồng, tiên phượng của hương án lại đối với rồng chầu mặt nguyệt ở tầng một qua tầng hai của ba cửa với hai mươi mốt lớp rồng đối nhau từng cửa một càng mang ý nghĩa sâu sắc là một ngày hội tiên rồng. Từ đó nghệ thuật lan tỏa khắp không gian trang trí nội thất đình.
Để xác định vị trí, tính theo chiều từ cửa võng nhìn ra, từ gian giữa tính sang các gian hai bên mà xếp các mảng chạm khắc trang trí.
Xà hạ phía trước gian trái bên trái: nghệ thuật chạm lộng lấy chủ đề tiên rồng. Họ hàng nhà rồng xếp đối nhau qua mặt hổ phù. Trên mỗi thân rồng có tiên cưỡi, rồng như bay trong mây. Từ trên thân rồng, tiên múa nhịp nhàng hòa nhịp với những khúc rồng ẩn hiện. Dáng đi và tay chân của rồng, của tiên nhịp nhàng với râu tóc hổ phù. Nét mặt rồng thống nhất với nét mặt hổ phù cùng hòa nhịp múa của tiên.
Về phương diện tạo khối và kỹ thuật ta thấy đao hỏa của rồng có đường gân rất căng, dứt khoát tương phản với khối thân rồng làm cho nhịp chuyển động càng thêm duyên dáng. Đường gân căng, dứt khoát như thế chỉ có tràng tách xưa mới thực hiện được. Nghệ sĩ với một ý định rõ ràng, một cảm xúc nồng nàn say đắm, trong một thế ngồi thoải mái, ta đưa tràng tách trong nhịp chuyển liên tục đã tạo cho nghệ thuật có độ chính xác và có linh hồn sự sống.
Tay rồng đối ứng qua mặt hổ phù, nhưng tính chất đăng đối không giống nhau. Một bên đuôi rồng đao hỏa phát triển nhiều, một bên khối trơn lỳ miết xuống xà bắt nhịp với cột quân. Phía trên có bộ chồng rường được chạm lộng rồng mẹ rồng con kênh bong nhiều lớp, phía sau trang trí hình lá lật hòa nhập vào các hoành. Tất cả hình thành một mối tổng hòa giữa các mảng trang trí và kiến trúc.
Xà nách giữa cột cái và cột quân ở phía trước của chái bên trái được chạm lộng ba cô tiên ngồi tay đưa lên đầu hòa nhập với hoa lá theo dáng chuyển động như múa. Đây là cuộc gặp gỡ tiên rồng ngay ở xa hạ nói trên.
Đối diện với xà hạ phía trước là xà hạ phía sau của chái bên trái, ở đây cũng có những bức chạm cùng phong cách với xà hạ phía trước. Một là cảnh tiên rồng, một nữa là cảnh tiên phượng, đó là cuộc gặp gỡ trên đường đi xem hội – phía dưới tiên cưỡi phượng là những con chồn và hình trang trí hoa lá.
Nghệ thuật chạm lộng là hình thức tạo ra sự phong phú của không gian bằng nhiều tầng nhiều lớp. Trên một khúc gỗ làm thế nào để tạo ra nhiều không gian? Phương tiện chủ yếu của chạm lộng là tràng tách và bộ đục mỏng đục bẹt. Bề mặt của khúc gỗ được đục sâu, nông tạo nhiều tầng là theo ý đồ nghệ thuật của tác giả. Với một chủ ý rõ ràng nghệ sĩ có thể đục một chiều thẳng mặt chính diện xuyên suốt hai mươi phân hoặc nhiều hơn, ít hơn tùy yêu cầu cụ thể, còn bên kia là phần nền. Ví dụ trên khúc gỗ ta chia làm bốn lớp: lớp một ngoài cùng kênh hẳn ra ngoài rồi đến lớp hai, lớp ba, cuối cùng lớp bốn là lớp nền. Các lớp liên hệ với nhau chặt chẽ để thể hiện các yêu cầu về nghệ thuật. Để có được những lớp thích hợp trong việc tạo hình khối của công trình, nghệ sĩ tiến hành đục theo ba chiều: đục từ ngoài vào, từ dưới lên, từ trên xuống. Đục từ dưới lên, từ trên xuống để moi lỗ thủng bỏ đi, đục chính diện bên ngoài vào tạo lỗ có hướng cắt hai lỗ đục từ trên xuống và từ dưới lên. Kết quả tạo được nhiều tầng nhiều lớp, chính vì thế có được hình lẩn vào và từ trong chạy ra được che lấp bởi lớp ngoài. Lớp nền nhô lên một tý để thấy ánh sáng vào mờ tối gây cảm giác về sự sâu thằm của không gian tự thân.
Ở đình Thổ Hà, dải trang trí tiên rồng được giải quyết theo phương pháp này, tạo không gian nhiều tầng, nhiều lớp bằng những lỗ thủng và tạo ra những phần còn lại làm cho hình sống động, ví như cách giải quyết đầu rồng tỏa ra các bờm tóc, đao lửa rồi đến thân rồng uốn khúc bên dưới được che mờ đi nhưng vẫn cho ta cảm nhận sự phát triển đầy đủ của những khúc rồng. Chạm lộng có khả năng gợi tả không gian rất lớn và trở thành phổ biến trong phương pháp sáng tác ở đình làng Việt Nam.
Trở lại dải trang trí tiên cưỡi rồng và múa ta thấy đầu rồng, đao lửa của rồng, tay rồng và tay tiên ở một bên đều được định hướng kênh ra phía ngoài và ở lớp một, còn lại tay rồng tay tiên ở phía bên kia đều thuộc vào lớp hai, khúc rồng chuyển từ đầu xuống thân, bờm tóc, các tà áo của tiên… Chuyển động ở lớp ba, khúc chuyển động của thân rồng dài ra được lẫn vào lớp bốn đó là chỗ hơi gồ ở phía dưới, tạo gợi vây, vây hơi mờ để chuyển hẳn vào phần tối đen gây cảm nhận con rồng đang chuyển động toàn bộ thân hình từ đầu đến đuôi làm cho phần đuôi có tiên cưỡi không bị cắt đoạn vẫn liên tục. Một số con giống ở dây là nét điểm xuyến cho chủ đề tiên rồng càng thêm sinh động. Hình khối phụ của các con giống cũng được chạm lộng. Hoa lá mây trời cũng được xuất hiện, được cách điệu thống nhất theo một kiểu và từ đó ta có thể nhận thức ra phong cách của một thời.
Nhìn chung nghệ thuật chạm lộng có những ưu thế rất lớn: không gian phong phú, kênh bong nhiều tầng, nhiều lớp làm cho hình khối chỗ ẩn, chỗ hiện. Chạm lộng tạo không gian sâu thẳm vô tận, không nhìn thấy đáy, chỉ gợi khúc mờ tối phía trong của những lỗ để hình dung toàn bộ khối và hình thể, chạm lộng cho ta một tư duy về một thiên nhiên đầy đủ sau những đoạn bị che khuất hoặc những lỗi tối như vô tận.
Khác với cách xử lý chạm lộng mảng trang trí trên cùng xà ngay bên cạnh, lối chạm nông hình hoa lá đang biến thành mây cách điệu, ở đây hình chú yếu là rồng và hổ phù không có tiền. Các đao lửa của rồng không phát triển, mây nhiều. Chạm nông cho ta một hình thể rõ ràng bằng ba sắc độ sâu khác nhau.
Nhìn lại mối tương quan hai xà của chái bên trái xà hạ của các mảng trang trí - ở xà hạ phía trước chạm lộng toàn bộ cảnh rồng mẹ rồng con rủ nhau đi xem hội, còn ở xà hạ phía sau là cảnh tiên phượng, tiên rồng gặp nhau trong ngày hội. Nghệ sĩ thực hiện thủ pháp bằng cả hai lối chạm trang trí vừa chạm nông vừa chạm lộng làm cho nghệ thuật càng thêm sinh động, phong phú trong khả năng diễn đạt thiên nhiên và cuộc sống.
Khác với chái bên trái, chái bên phải chủ yếu trang trí rồng và hổ phù, không có tiên, nghệ thuật thô khỏe, không tinh vi, các đao hỏa không phát triển, mây nhiều, trang trí theo kiểu lá lật đang chuyển hóa thành mây.
Đối diện chéo với hình trang trí ba cô tiên múa trong hoa lá ở xà nách chái bên trái, xà nách chái bên phải phía sau giữa cột cái và cột quân có ba con rồng được chạm lộng kênh bong và mỗi đầu của đinh đều có hình trang trí rồng cũng nhô hẳn ra ngoài, điều đó nói lên chủ đề tiên rồng đi dự hội. Trang trí chung cho ngày hội, trên các ván nong ở toàn bộ nội thất đình những con giống: chồn, sóc, long, lân, sấu và hình trang trí hoa lá chuyển động ngược chiều hoặc xuôi chiều được cách điệu bằng thủ pháp chạm nông càng làm cho ngày hội tiên rồng càng thêm sống động vui mắt.
Cùng một tinh thần và phong cách nghệ thuật hội tiên rồng còn được tái tạo ở đình Diềm với một khoảng cách nhau không xa lắm. Đình Diềm tức đình Viêm Xá đối diện chéo bên kia bờ sông Như Nguyệt, kề sát thị xã Bắc Ninh, rất thuận tiện cho các nơi về dự hội.
Đình Diềm là một di tích quý giá được xây dựng vào năm 1689 tại khu đất cao đầu làng. Xưa kia đình có quy mô khá lớn bao gồm bảy gian thoáng rộng, phía trước có hồ nước rất hữu tình.
Với chứng tích còn lại, cửa võng của đình làm ta bị cuốn hút với một cảm xúc kỳ lạ, ngạc nhiên và hết sức bất ngờ. Nghệ thuật có phong cách gần giống đình Thổ Hà, nhưng lộng lẫy và uy nghi hơn bởi không gian được sắp xếp có tính toán kỹ lưỡng nhiều tầng, nhiều lớp kéo từ trên thượng lương chạy theo hình vòng cung xuống tới sàn đình để rồi nối tiếp với không gian nhà tiền tế.
Cửa võng đình Diềm liên tục phát triển và mở rộng không gian bằng chín tầng giật cấp, trong đó có sáu tầng liên tục của cửa võng, hai tầng hương án và một tầng bục, nghệ thuật tạo không gian táo bạo, hiếm có và độc đáo về trang trí.
Từ tầng một tiên cưỡi rồng, mỗi bên hai con rồng đối nhau qua mặt nguyệt. Bức chạm có chỗ lộng, có chỗ thủng, có chỗ bẹt được đặt ở vị trí ngay sát kề thượng lương.
Tầng hai được chuyển tiếp bởi ba đầu rồng nhô ra, mỗi đầu rồng treo một ngọn đèn ngay phía dưới tầng hai. Ba ngọn đèn có hình giống như quả cầu tỏa bốn cánh, có một cánh ở giữa dài hơn. Ba ngọn đèn từ phía dưới của tầng hai kéo dài xuống lấp lửng ở tầng ba.
Tầng ba có ba cửa, mỗi cửa có bốn lớp rồng, có sáu hàng cột được chạm lộng nhưng trang trí rồng quấn. Sự chuyển tiếp từ cột rồng quấn này đến cột rồng quấn khác bằng một mảng chạm thủng ở giữa với những hình trang trí hoa lá rất tinh xảo và duyên dáng. Trong cùng mỗi lớp cửa, chúng ta thấy xuất hiện ba đầu tiên nhô ra từ tầng mây rồng sâu thẳm. Hình dáng nét mặt tiên nhìn xuống vui tươi, cấu trúc khối mặt hiền dịu, tươi mát, nhẹ nhàng.
Giữa tầng ba và tầng bốn có ba lớp diềm chạy dài tạo thành đường nghỉ. Ba lớp diềm được sắp xếp theo những tỷ lệ khác nhau tạo được sự hài hòa và vui mắt. Lớp diềm một trang trí hoa sen ngửa, phía dưới là sóng nước nhẹ nhàng chuyển tiếp đến lớp diềm hai và ba. Lớp diềm hai và ba cũng có tỷ lệ khác nhau, hình thức trang trí hoa lá cũng khác nhau tránh được sự đơn điệu, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật.
Tầng bốn có bốn cửa, mỗi cửa có ba lớp rồng, có tám cột rồng quấn. Khoảng cách giữa hai cột rồng quấn có chạm thủng hoa lá rất duyên dáng. Từ trong cửa nhô ra bốn đầu rồng như để đối sánh với ba cô tiên ở tầng ba nhô ra trong mây rồng. Sự hòa trộn rồng tiên trong cuộc gặp gỡ lại chuyển tiếp đến thiên nhiên, trang trí hình hoa sen và sóng nước, ta lại gặp ba đầu rồng nhô ra để trao ba ngọn đèn trời như trên.
Từ tầng bốn sang tầng năm lại có đường diềm ngăn cách tạo thành đường nghỉ. Ba đường diềm có tỷ lệ khác nhau chuyển dần xuống bắt gặp hình trang trí gồm bốn đầu rồng ngăn cách và được phân định thành ba cửa. Dưới ba cửa là những đường diềm trang trí hoa lá rất công phu.
Tầng năm giáp với hai bên cột cái là cột trang trí chạm lộng trúc hóa rồng, tiên sen và con giống rất tinh vi. Sáu cột rồng quấn chia tầng năm thành ba cửa, mỗi cửa lại được sắp xếp thành chín lớp rồng đối nhau không cân xứng đầu chếch ra phía ngoài ở góc 67030, theo luật phối cảnh tạo tỷ lệ giữa các lớp và độ nhô ra của các đầu rồng một cách hợp lý. Giữa các cột rồng quấn chạm lộng là hình chạm thủng hoa lá đẩy các cột rồng quấn ra ngoài và từ đó gây cảm giác về hai chiều chuyển động ngược nhau: chín lớp rồng chuyển động vào phía trong còn các lớp đầu rồng lại chuyển động ra phía ngoài. Từ tầng năm sang tầng sáu có hình trang trí hoa sen úp để bắt nhịp chuyển tiếp.
Ở đây giải quyết không gian trong ba mối quan hệ: hình trang trí chạm thủng, hình trang trí chạm lộng và chín lớp rồng là để đạt tới hiệu quả tạo dựng không gian nghệ thuật phục vụ đắc lực cho chủ đề hội tiên rồng. Với cuộc hội tụ gần sáu mươi con rồng ở ba cửa và những trang trí rồng hai bên tiếp giáp cột cái cũng như các cuộc hội tụ khác trên chín tầng không gian giật cấp của cửa võng mà vẫn gây cho ta hứng thú về những con rồng. Những con rồng đều có cá tính nhưng lại có quan hệ với nhau vui chơi trong một ngày hội tiên rồng. Nghệ sĩ đã sắp xếp các hình trang trí vào đúng các vị trí không gian và đưa người xem vào một thế giới thần tiên. Nếu trong mối quan hệ giữa các mảng trang trí chạm thủng, chạm lộng và chín lớp rồng ở mỗi cửa giải quyết không đúng vị trí không gian hoặc mất đi một mối quan hệ nào, chắc chắn mối tổng hòa không gian với hình thể, hình khối sẽ bị phá vỡ hoặc không còn liền mạch. Mảng chạm thủng giữa hai cột rồng quấn đẩy cột ra ngoài đồng thời lại ấn sâu chín lớp rồng vào trong để chuyển các đầu rồng chạy ngược chiều. Nếu không có những cột rồng quấn thì ba cửa với tám lớp rồng còn lại sẽ không dược phân định rõ ràng đồng thời sự chuyển động của các lớp rồng theo hai chiều ngược nhau sẽ gây cho ta cảm nhận giảm sút, ít sinh động và vai trò mảng chạm thủng ở ngoài cũng không còn tác dụng tạo không gian cho ba cửa.
Cửa võng đình Diềm
Như trên chúng ta đã nói, các đầu rồng được sắp xếp theo phối cảnh ước lệ trong không gian. Các tỷ lệ được xác định ngay trong không gian về khối, về hình và về các khoảng không gian để tạo nên mối tổng hòa của nghệ thuật. Do đó các hình trang trí rất hợp lý, không bị xộc xệch, vênh méo hoặc chống phá nhau, tất cả đều đạt đến tỷ lệ chuẩn xác và tạo ra một không gian nghệ thuật rất lý tưởng.
Ba cửa với chín lớp rồng đối nhau không cân xứng, mỗi cửa là điểm thu hút lực thị giác mạnh nhất, đây là chỗ có điểm sáng hơn bốn tầng phía trên và tầng sáu phía dưới.
Tầng sáu được chuyển tiếp từ tầng năm sang là các hình hoa sen úp, hình chạm thủng trang trí cánh sen. Hình tiên cưỡi rồng chạm lộng đối qua vòng sáng lại được nhắc lại để nhấn mạnh hội tiên rồng tầng một trên thượng lương và nối sáu tầng không gian liền mạch của cửa võng.
Tầng bảy và tầng tám là hương án. Hương án nằm dưới tầng sáu ở đây có độ sáng mờ tối và lại là nơi xuất phát điểm của hương khói và ánh sáng nến lan tỏa lên các tầng trên. Hương án có hình trang trí tiên cưỡi rồng múa đối nhau mỗi bên hai tiên hai rồng. Đây là lần thứ ba và thứ tư mô típ trang trí được nhắc lại sau tầng một và tầng sáu.
Tầng chín là bục nối liền với sàn đình có độ thấp hơn hương án dùng để trải chiếu lễ những ngày đình làng vào hội.
Chín tầng không gian giật cấp từ trên thượng lương chạy xuống sàn đình với những hình trang trí tiên rồng cùng các ngọn đèn trời làm cho ta ý thức được chủ định của nghệ sĩ tái hiện không gian của bầu trời bằng chín tầng mây chạy theo đường vòng cầu để bắt nhập với ngày hội của trần gian ngay ở sân đình. Đây là một ý thức đã được định vị mang tính chất hệ thống rõ rệt trong quan niệm về trời đất của xã hội phong kiến trước đây. Do đó nó thể hiện ý thức hệ chính thống của xã hội, không phải là một quan niệm dân gian.
Nhìn chung không gian điện thờ được bài trí giữa tòa đại đình và liền ngay trước nhà hậu cung. Không gian được chia làm nhiều tầng, nhiều lớp không đều nhau tạo cho ta một cảm giác sâu thẳm không có giới hạn. Màu sắc vàng son bắt vào ánh sáng nến và hương khói càng làm cho gian thờ thêm uy nghi lộng lẫy.
Các thủ pháp nghệ thuật chạm thủng, chạm lộng đối sánh nhau gây hiệu quả tương hỗ rất lớn. Các hình trang trí đều được sắp xếp hợp lý trên tiên dưới rồng, rồng đối nhau đầu nhô ra thụt vào tạo phối cảnh cho các lớp rất chuẩn xác có quan niệm thẩm mỹ rõ rệt. Tỷ lệ cột, mái và các bộ vì kèo đều hợp thành một mối tổng hòa chung với không gian trang trí.
Không gian trang trí điện thờ rất rộng lớn để ăn nhập với không gian kiến trúc nội thất đình và không gian bên ngoài. Do đó tạo điều kiện chứa đựng một lượng người khá lớn trong ngày hội mà vẫn có sự thông thoáng không bị ngột ngạt. Sự nối tiếp cửa võng với những dòng người vào tế lễ đã kéo không gian từ bên ngoài vào trong rồi lại chảy ngược chiều ra sân. Người vào người ra làm cho không khí tòa đại đình sôi động để bắt nhịp với không gian bên ngoài ở sân đình.
Nhà tiền tế cũng đóng một vai trò quan trọng làm điểm chuyển tiếp không gian từ ngoài vào và từ trong ra. Không gian thoáng mở, không bị khép kín, người đi, người lại dễ dàng cứ nối tiếp rộng ra cho đến các bãi chơi: trọi gà, đấu vật, đánh cờ, múa rối nước, bơi thuyền, hát quan họ… tất cả cấu thành không gian ngày hội làng.
Đình Diềm làm trên đất quê của vua Bà, theo truyền thuyết đó là người sáng lập ra các làn điệu quan họ.
Từ không gian thực của hội làng sôi động, tưng bừng tiếng chiêng trống, lời ca điệu múa hoặc trang nghiêm trong lời hát chúc thờ đều tạo thành các yếu tố chuyển tiếp lên các thành phần nghệ thuật trên cửa võng: hoa lá, mây rồng tiên cưỡi rồng, tiên múa, người dắt ngựa, sự hội tụ, quây quần gặp nhau trong ngày hội.
Không gian nghệ thuật môi trường của điện thờ trước nhà hậu cung đình Diềm là một không gian sống động, cùng với không gian nghệ thuật môi trường đình Thổ Hà hình thành một phong cách – Phong cách nghệ thuật đình làng xứ Bắc.
Nghệ thuật chạm khắc trang trí toàn bộ, tạo không gian bằng nhiều tầng, nhiều lớp, tinh xảo, trau chuốt, tế nhị duyên dáng, thoáng mở và lan tỏa từ gian thờ giữa tòa đại đình sang các gian, các chái hai bên, chuyển tiếp qua nhà tiền tế ra sân đình hòa quyện cùng làng xóm, cảnh sắc thiên nhiên, mặt khác nghệ thuật lại được bổ sung theo chiều ngược lại bằng môi trường hội làng từ sân đình chuyển vào qua nhà tiền tế rồi tràn vào tòa đại đình làm cho không gian nghệ thuật càng thêm sinh động, nghệ thuật luôn được bổ sung trong sự chuyển động của không gian lễ hội.
Đình Thổ Hà và đình Diềm là một hợp thể phong cách tiêu biểu cho xứ Bắc, tuy vậy giữa hai đình vẫn bộc lộ những cá tính riêng có sự khác biệt đôi chút. Không gian của đình Diềm lộng lẫy, uy nghi và được sắp xếp bằng chín tầng giật cấp chạy theo hình vòm cầu từ thượng lương xuống tận sàn đình. Ngoài ra, việc tạo thành các lớp rồng của cửa võng có độ phối cảnh sâu thẳm tạo thành chuyển động hai chiều ngược nhau: Chín lớp rồng chạy vào và các đầu rồng chạy ra. Ở đình Thổ Hà gian thờ chỉ có nhiều nhất là năm tầng giật cấp ít có độ cong như cửa võng đình Diềm, trong đó hai tầng liền cửa võng, hai tầng hương án và một tầng đàn thất tinh. Phối cảnh tạo độ sâu ở ba cửa võng đình Thổ Hà không sâu bằng đình Diềm. Tất cả chỉ có bẩy lớp rồng đối nhau cân xứng, gây cảm giác chuyển động một chiều hút vào.
Nghệ thuật chạm khắc đình Diềm tinh vi, trau chuốt, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp thay đổi, có sáu ngọn đèn trời chiếm lĩnh không gian, nghệ thuật tạo dựng và phát triển trong không gian rất phong phú, biểu hiện tài năng sáng tạo rất lớn của người nghệ sĩ, còn ở đình Thổ Hà nghệ thuật chạm khắc không tinh vi, không trau chuốt bằng nghệ thuật chạm khắc ở đình Diềm.
Điều đó là do yêu cầu nghệ thuật cụ thể của mỗi đình. Đình Thổ Hà là đình chợ, không gian từ cửa võng lan tỏa mạnh sang các gian, các chái hai bên và lan tỏa ra ngoài là một yêu cầu chủ yếu của nghệ thuật, bởi vậy nghệ thuật rất thoáng để phù hợp với yêu cầu cụ thể của một ngôi đình chợ, gần bến sông, nơi tụ hội của sự sống từ bốn phương dồn lại. Ngược lại đình Diềm không phải là đình chợ, không gian điện thờ ở chính giữa tòa đại đình phát triển rất mạnh tạo độ cuốn hút lớn trang nghiêm và uy nghi hơn điện thờ ở đình Thổ Hà để rồi chuyển tiếp sự bùng nổ vào không gian hội làng rất phong phú ở ngay trước sân đình.
Tuy vậy, dù ở yêu cầu nào của nghệ thuật, chúng ta vẫn thấy rõ sự thống nhất phong cách nghệ thuật của hai đình Thổ Hà và Diềm ở chủ đề hội tiên rồng, nghệ thuật chạm khắc trang trí dày đặc, tinh vi, tế nhị, duyên dáng tạo không gian nhiều tầng nhiều lớp, thoáng mở và lan tỏa, tổng hòa với không gian hội lễ tạo nên vẻ đẹp cho một dải phù điêu xứ Bắc.
Chúng ta đã phân tích phong cách nghệ thuật cho hai ngôi đình đồng thời tìm ra những nét khác biệt, hơn kém nhau trong cách xử lý nghệ thuật vì những yêu cầu cụ thể của mỗi đối tượng. Điều đó cũng rất dễ hiểu, ngay trong một ngôi đình các gian, các chái hai bên cửa võng cũng có những cá tính khác nhau làm phong phú và đa dạng cho phong cách chung của một ngôi đình. Ví như ở đình Thổ Hà, có hai hiệp thợ làm, một hiệp thợ chạm trang trí bên phải và một hiệp thợ chạm trang trí bên trái của tòa đại đình. Hiệp thợ chạm cảnh tiên rồng bên trái đình tinh vi duyên dáng, còn hiệp thợ chạm rồng, hoa lá bên phải không được trau chuốt, tinh vi bằng, có phần hơi thô, khỏe, ở đây không có tiên, mây nhiều, hoa lá cũng đang chuyển nhịp hóa mây.
Hội tiên rồng trong nghệ thuật chạm khắc ở hai đình Thổ Hà và Diềm được ánh lên từ cuộc sống, nhưng nó không “thoát tục” để đi vào cõi thần tiên mà ngược lại nó từ không gian nghệ thuật của chín tầng mây hoặc giả của thế giới thần tâm mà hòa nhập với cuộc sống trần gian sôi động, tưng bừng và náo nhiệt… Cuộc giao thoa giữa một bên là cuộc sống, một bên là nghệ thuật đã làm cho dải phù điêu xứ Bắc đạt những thành tựu rất lớn mang ý nghĩa là một khoa học nghệ thuật thật sự. Nghệ thuật được hình thành với một chủ đề rõ ràng về hội rồng tiên. Rồng ở đây hoàn toàn không có bóng dáng vương quyền như có ai đó cố gán ghép làm sai lệch ý nghĩa của cuộc sống hoặc không hiểu đến một truyền thuyết về con rông cháu tiên.
Nghệ thuật ở đây được xử lý một cách sáng tạo và khoa học, có cân nhắc, có tính toán chi tiết trong một hợp thể chung của công trình nghệ thuật. Điều này ta thấy rất rõ trong việc tạo không gian bằng nhiều tầng nhiều lớp hoặc sử dụng luật phối cảnh một cách thông minh đầy sáng tạo, nghệ thuật chạm khắc đã tạo nên một mối tổng hòa về hình thể, hình khối và không gian. Đây là mối tổng hòa của nghệ thuật với các thành phần không gian của kiến trúc, hội đình, phong cảnh thiên nhiên, làng xóm.
Thành tựu nghệ thuật ở hai đình Thổ Hà và Diềm là một thành tựu rất bác học, mọi chi tiết, mọi thành phần nằm trong mối tổng hòa chung đều được tính toán một cách có ý thức, không thể thêm vào hoặc bớt đi một thành phần nào. Ở đây hoàn toàn không có sự tùy tiện, hứng đâu làm đấy, thiếu sự cân nhắc, mọi chi tiết đều thống nhất, đều hòa nhập trong một ý đồ về tổng thể nghệ thuật mà nghệ sĩ đã hoạch định trước khi tiến hành công trình từ bố cục chung các mảng trang trí, cách sử dụng các thủ pháp chạm lộng, chạm nông, chạm thủng… đến mối quan hệ với không gian kiến trúc, văn hóa, lễ hội, phong cảnh thiên nhiên.
Người nghệ sĩ chắc chắn không làm cái việc đã rồi của nhà kiến trúc đình làng mà là sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu khi mới bắt đầu hình thành ý niệm về công trình giữa hai công việc nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc. Trên thực tế, trong mỗi hiệp thợ người phụ trách công việc thường mang trong mình cái vốn hiếm quý của hai tài năng vừa là nghệ sĩ chạm khắc vừa là nhà kiến trúc rất giỏi nghề mộc. Dựa trên yêu cầu thực tế mà đề ra cho họ, người chủ phường thợ sẽ điều phối để tạo một mối tổng hòa chung của nghệ thuật giữa nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc cũng như với môi cảnh chung quanh, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và lễ hội. Do đó nghệ thuật chạm khắc ở hai đình Thổ Hà và đình Diềm đã được nghệ sĩ sáng tạo ra trong mối tổng hòa đẹp mắt với không gian kiến trúc, phong cảnh thiên nhiên, hội lễ, nên rất có cảm xúc.
Xét tính chất bác học của nghệ thuật chạm khắc đình làng Thổ Hà và Diềm cũng như ở những nơi khác chính là mối tổng hòa chung, không thể tách rời từng con rồng ra khỏi hợp thể rồng, hợp thể hội rồng tiên, hợp thể trang trí chạm khắc trong toàn bộ ngôi đình và hợp thể thiên nhiên, hợp thể hội làng… được. Nghệ thuật được xem xét và đánh giá trong mối tổng hòa chính là như thế.
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục VI)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục V)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục IV)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục III)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)