Điêu khắc môi trường

Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục VI)

VI. KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG

Kiến trúc đình làng, một loại hình kiến trúc phổ biến ở khắp mọi làng quê.

Đình làng mang những đặc điểm kiến trúc độc đáo, sâu đậm nhất tinh thần dân tộc, vẻ đẹp trong sáng của nhân dân lao động – Đình làng là trung tâm của mọi sinh hoạt làng xã. Trước cách mạng tháng Tám, đình làng còn là nơi giải quyết các vụ tranh chấp, kiện cáo, phạt vạ, ăn khao…

Dinh Tay Dang 1

Đình Tây Đằng - Hà Nội

Ngày hội đình thường là ngày giỗ Thành Hoàng, đình làng sôi động hẳn lên: sân đình những ngọn cờ thần, cờ tứ linh, cờ bát quái, cờ ngũ hành… tung bay phấp phới trong tiếng chiêng, tiếng trống đổ liên hồi. Những đám rước, lời ca, điệu múa, trò chơi tạo nên một không gian sôi động, có sức cuốn hút mạnh mẽ toàn bộ dân làng vào hội. Không khí vào hội làm tan vỡ cái lặng lẽ tưởng chừng như ngưng đọng của cuộc sống. Hội làng thực sự tạo nên một không gian hòa nhập với đình làng, nó bắt nhập với vẻ duyên dáng của đao đình, con chồn chạy lên, con xô chạy xuống, những khúc rồng uốn lượn ở bờ nóc, sự chuyển động của lá soi, lá diềm lan tỏa trên mái đình trải rộng. Đi sâu hơn nữa, không khí hội làng lan vào cả nội đình để bắt nhập vào những giải phù điêu hội hè trên cửa võng, các xà ngang, xà dọc, ván nong đang cuốn theo chiều ngược lại ra phía ngoài để hình thành một không gian lễ hội như đình Diềm, đình Thổ Hà (Hà Bắc), đình Hương Canh (Vĩnh Phú), đình Tây Đằng (Hà Nội).

Đình làng được xây dựng gắn liền với khu đất của làng xã. Đình làng có thể là một công trình đơn độc hợp khối và cũng có thể là một tổ hợp kiến trúc phân tán hoặc nửa phân tán. Đình làng có khi được xây dựng cùng các kiến trúc tôn giáo, văn chỉ của Khổng giáo và đền miếu của đạo giáo.

Phía trước đình thường có sân rộng, hồ nước, giếng khơi, cây xanh, tam quan, cột trụ… đây là nơi vui chơi giải trí của những ngày hội lễ. Tổng thể kiến trúc được nhấn mạnh tính hoành tráng, tính chiều hướng rõ rệt bằng một hệ thống được sắp xếp trên một trục chính chạy từ cửa đình qua nhà tiền tế, tòa đại đình và nhà hậu cung. Toàn bộ tạo giải pháp không gian quy hoạch hài hòa của ba loại không gian kiến trúc: không gian thoáng mở, không gian nửa mở nửa khép, không gian khép kín. Tòa đại đình, nhà tiền tế không gian mở, thu hút và tập trung mọi sinh hoạt hội đình. Còn gian thờ là không gian nửa mở nửa khép, nhà hậu cung không gian khép kín hoàn toàn. Đình làng có thể là một nếp nhà 5-7 gian, thường là có trái hai bên. Đình làng có bố cục mặt bằng phong phú: chữ đinh, chữ nhị, chữ công, chữ môn… Không gian phát triển ở tất cả mọi mặt: phía trước, phía sau với các nhau hậu cung, tiền tế, tả vu, hữu vu… song tất cả đều lấy tòa đại đình làm gian chính.

Đình làng to hay nhỏ, nhiều hay ít, khiêm tốn hay hoa mỹ là do sự đóng góp của dân làng nhiều hay ít, làng giàu hay làng nghèo. Đình làng có thể làm theo nhiều dạng thức, nhưng đáng lưu ý là: nhà hậu cung, tòa đại đình, nhà tiền tế.

Nhà hậu cung là nơi thờ Thành Hoàng làng cùng các đồ thờ cúng, các vật thiêng liêng. Ở đây không gian không lớn, nhưng đòi hỏi ở vị trí trung tâm kín đáo để gây không khí linh thiêng. Đối với đình làng, nhà hậu cung là một không gian khép kín, cố định nằm ngay gian trung tâm của tòa đại đình (đình Chu Quyến) hoặc được tạo ra ở một không gian riêng biệt thành một nếp nhà phía sau tòa đại đình bằng “nhà cầu ống muống” (Đình Bảng).

Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng có từ lâu. Thành Hoàng là một trung thần nghĩa sĩ có công với nước với dân của làng mình hay của làng khác như các vị tướng của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền hoặc giả như Triệu Quang Phục, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông… có nhân vật được tôn thờ là do truyền thuyết như thánh Tản Viên, lại có khi là ông tổ một nghề thủ công truyền thống như việc tôn thờ ở đình làng Vạn Phúc (Hà Tây). Do đó Thành Hoàng có thể là một nhân thần hoặc có thể là một thiên thần.

Khong gian dinh Tay Dang 2

Không gian tả vu đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Tây thế kỷ XVI

Tòa đại đình nơi có không gian thoáng mở, rộng lớn nhất, nơi hành lễ và sinh hoạt công cộng. Tòa đại đình gắn liền với nhà hậu cung, nhưng lại không gian thoáng nối liền với bên ngoài. Tòa đại đình của các làng thường là một nếp nhà rộng lòng có ba gian, năm gian, bảy gian hoặc có khi tới chín gian, có chái hay không có chái. Các mặt nhà được lồng cửa bức bàn bưng kín hoặc để thông thoáng với những hạt cột và lan can đơn giản. Ở một số đình lớn, lòng đình thường được cấu tạo bằng ván sàn gỗ với các độ cao thấp khác nhau thể hiện rõ tính chất đẳng cấp trong xã hội.

Tòa đại đình bao gồm một hệ thống kết cấu gỗ: cột, xà, bẩy… theo hệ thống chồng rường hoặc giá chiêng. Hệ thống liên kết chủ yếu bằng mộng mẹo tạo thế cân bằng chắc cho kiến trúc ngôi đình. Những hàng cột cái, cột quân, cột hành có chu vi khá lớn (cột cái thường có chu vi 2,40m, cột quân 2,20m, cột hành 2m) đứng thẳng trên các bệ đá. Sức nặng của toàn bộ mái, các vì xà truyền qua các cột xuống bệ đá. Các cột được bào tròn, thường để mộc.

Ở một số đình làng cột còn được sơn son thếp vàng, có chạm hình trang trí rồng mây – cột được làm theo quy thức thượng thu hạ thách, được xếp thành những hàng song song thẳng tắp.

Những hàng cột chia các gian tạo nên một không gian kiến trúc khá bề thế, chắc khỏe, có tỷ lệ hài hòa, gian đại bái nằm liền với nhà hậu cung ngay ở giữa tòa đại đình đây là gian thờ rất được chú ý chạm khắc, trang trí và tạo không gian uy nghi rất linh thiêng để từ đây toàn bộ nội dung trang trí được lan tỏa sang các gian, các chái.

Những nét trang trí chạm khắc đã tạo ra một phong cách đình làng. Sự khác biệt đó không phải chỉ đơn thuần đề tài như hội hè, đình đám, cuộc sống lao động… mà còn ở kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình, tạo khối, tạo không gian phong phú bằng các phương pháp chạm lộng, chạm nông, chạm thủng rất đa dạng.

Nhìn từ ngoài vào ta thấy mái đình trải rộng, uốn lượn duyên dáng, bờ nóc hơi võng, hai đầu nhô cao ra phía ngoài có hình đuôi cá hóa long. Toàn bộ mái gây cho ta cảm nhận về một tỷ lệ mái chiếm 2/3 chiều cao của ngôi đình. Đây là chiều cao thích hợp với hệ thống kiến trúc làng xóm tạo nên mối hài hòa chung với thiên nhiên chung quanh.

Khong gian huu vu dinh Tay Dang 3

Nhà tiền tế, có quy mô nhỏ hơn tòa đại đình. Nhà tiền tế làm sát phía trước tòa đại đình, nằm trên trục thẳng chạy qua chính giữa gian đại bái. Nhà tiền tế được xếp theo mặt bằng hình chữ nhật hay hình vuông. Bốn mặt nhà tiền tế thường không có vách bao quanh, không gian thoáng mở. Cùng với sân đình, các hành lang tả vu, hữu vu tam quan, nhà tiền tế là bộ phận chuyển tiếp tòa đại đình với không gian cảnh quan bên ngoài rất thuận tiện cho việc rước lễ và giải trí vui chơi. Biết bao nhiêu điều hấp dẫn đã diễn ra ở hội làng. Hội pháo Đông Kỵ, hội quan họ Diềm (Hà Bắc), hội vật võ Liễu Đôi, hội mở mắt cho chiêng trống ở bốn thôn: Lau, Gừa, Sông, Chảy (Hà Nam Ninh…) đã tạo cho ngôi đình làng một không gian nghệ thuật thật đẹp để rồi đi vào tiềm thức của mọi người những ấn tượng không sao quên được về hội đình làng tháng giêng, tháng hai, tháng ba đầu xuân.

Phia truoc cua vong dinh 4

Dau duoi ca chep hoa rong 5

Thay do tien 6

Trang tri kien truc 7

Trang tri kien truc 8

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục V)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục IV)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục III)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)

>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)

0976984729