Phân tích màu sắc trong tranh
Tác phẩm: Đông Xuân – Chất liệu: Acrylic - Kích thước: 100cm x 80cm – Họa sỹ: Uyên Huy
Mỹ thuật là loại nghệ thuật thị giác (Visual Arts), nghệ thuật được cảm thụ, thưởng thức bằng Con mắt. Nhưng nếu không có ánh sáng, không có màu sắc thì sẽ không có sự sống và cả nghệ thuật thị giác không thể tồn tại, vì không có sức hấp dẫn và chúng ta cũng không thể thấy được gì cả.
Màu sắc là phương tiện để diễn tả, gợi nên ánh sáng trong tác phẩm nghệ thuật thị giác. Có khi bản thân màu là ánh sáng, cũng có khi ánh sáng lại chính là màu.
Do đó màu sắc chính là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nghệ thuật thị giác.
- Trong bố cục hình thức thì Bố cục màu sắc là một trong ba loại bố cục quan trọng trong mỹ thuật: Bố cục đường nét, bố cục ánh sáng (tức là bố cục màu sắc) và bố cục khối (bố cục không gian).
- Trong khi tìm các giải pháp để bố cục tranh thì việc xem xét tinh thần của nội dung của chủ đề để xác định: màu chủ đạo (Dominant Colors) và chủ sắc (Dominant Tonality, Dominant Tints or Shades) là yêu cầu cực kỳ quan trọng trong tư duy tạo hình. Điều này chứng minh vai trò quan trọng của màu sắc trong mỹ thuật.
Chúng ta có thể nói một cách khá hình tượng là nếu không có màu sắc thì vạn vật sẽ không có sức sống, sự sống. Khi người ta nói rằng: “Ánh sáng làm đập nhịp tim của vũ trụ” thì cũng tương tự như vậy “Màu sắc làm tăng sức sống cho tác phẩm”.
Chúng ta nghĩ gì nếu tất cả tác phẩm nghệ thuật thị giác đều chỉ toàn là màu trắng, đen hay xám?
- Ngoài Hình thể thì Màu sắc là phương tiện để biểu đạt nội dung của tác phẩm. Người ta nói rằng: “Đường nét và màu sắc chính là trạng thái của tâm hồn”… để nói lên sự kỳ diệu của màu sắc.
Màu sắc trong tranh là biện pháp thể hiện nội dung, ý tưởng của tác phẩm. Nó thể hiện tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ, trình độ tay nghề của tác giả. Để phân tích chi li lĩnh vực này là công việc không đơn giản chút nào.
Trong phạm vi bài này chúng ta không đề cập sâu về ý nghĩa, cảm xúc về màu, thủ pháp, tài năng diễn tả của nghệ sĩ mà chỉ gói gọn trong phạm vi phân tích để chủ yếu là học cách phối hợp màu ở trình độ sơ đẳng nhất.
Vì vậy, để cho dễ suy nghĩ trong việc nhận định, phân tích thực hành hòa hợp màu sắc thì chúng ta cần có cách tư duy đơn giản cho tiện việc tiến hành phối hợp màu sắc.
Để tiện việc tư duy, chúng ta nên nghĩ rằng cho dù trong một bức tranh có số lượng màu là hàng ngàn hay chục ngàn màu đi nữa thì về mặt sư phạm, để tiện việc giảng dạy và dễ hiểu, chúng ta chỉ nên chia nó một cách khái quát làm ba loài màu chính theo trình tự sau đây:
- Thứ nhất là loại màu được dùng làm màu nền hay còn gọi là màu chủ đạo (Domonant Colors).
- Thứ hai là loại màu được dùng làm màu nhấn, để nhấn mạnh vào các trọng điểm cần chú ý (Emphatic Colors).
- Thứ ba là loại màu được dùng làm loại màu trung gian, trung tính. Nó có vai trò điều giải sự mâu thuẫn giữa màu nên và màu nhấn.
Chính từ cơ sở lý luận này, khi muốn tìm màu để sử dụng và xử lý, diễn tả nội dung bất kỳ loại tác phẩm nào thì chúng ta cần tiến hành theo quy trình đơn giản sau đây:
Bước thứ nhất là tìm, xác định cho được loại màu để làm màu chủ đạo, còn gọi là màu nền.
Loại màu này (bao gồm một số màu tương đồng) sẽ chiếm diện tích trội nhất trong toàn bộ diện tích bức tranh (nóng hay lạnh; nóng, lạnh cỡ nào?).
Ta gọi màu này là màu chủ đạo hay giữ vai trò làm nền (Ground Colors or Dominant Colors).
Cơ sở lý luận để tìm loại màu này là bắt buộc dựa vào tinh thần, chủ đề, loại đề tài của tác phẩm).
Bước thứ hai là phải tìm các loại màu có thể giữ vai trò là màu nhấn trong tranh (Emphatic Colors). Đây là loại màu vốn tương phản với màu chủ đạo.
Gọi là màu nhấn là vì chúng ta dùng nó để tô, nhấn, làm nổi bật trọng tâm, các nhóm nội dung chính của bức tranh. Ta gọi nó là màu có vai trò nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, những phần mà nghệ sĩ muốn gây sự chú ý cho người xem (Emphatic Colors). Tất nhiên là số lượng màu nhấn rất ít.
Các vấn đề cần quan tâm khi sử dụng, thực hành màu nhấn:
Nhấn đúng chỗ, đúng độ: đúng cường độ, sắc độ, mức độ nóng lạnh; đúng tỷ lệ diện tích của miếng màu hay mảng màu.
Nhấn làm nổi bật trọng tậm một cách tinh tế, hợp lý, không lộ liễu với mối tương quan chung và yêu cầu về độ bắt mắt.
Chúng ta nên lưu ý rằng độ nhấn và mức độ bắt mắt còn tùy vào loại tranh, loại kỹ thuật chất liệu: Poster, tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài… Đồng thời chúng ta cũng nên nhớ rằng trong thực tế, mỗi màu đều kèm theo nó một chất liệu cụ thể nào đó trong bản thân nó. Và mỗi chất liệu có khả năng khêu gợi cảm giác khác nhau.
Do vậy, khi dùng màu nhấn trong từng tình huống cụ thể chúng ta cũng nên tạo cảm giác về chất cho từng miếng màu, mảng màu, nét màu mà mình định nhấn.
Bước thứ ba là tìm cho được một loạt màu trung gian, trung tính (Intermediary and Neutral Colors) để điều phối, hòa giải sự mâu thuẫn giữa màu chủ đạo (màu nền) với màu nhấn mà chúng ta vừa chọn, để tạo sự hòa hợp chung cho toàn bộ bức tranh.
Với cách tư duy, thực hành như đã trình bày như vậy thì chúng ta sẽ dễ tiến hành phương pháp hòa hợp màu đa sắc (hòa hợp màu nóng lạnh, hòa hợp nhiều màu).
* Màu sắc và các trường phái mỹ thuật:
Ở góc độ tôn trọng sự thể hiện cá tính, cái riêng của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác thì người ta cho rằng tranh chính là người.
Do vậy, màu sắc thể hiện một phần tinh thần, cá tính, tình cảm, mức độ xúc cảm thị hiếu về màu sắc cũng như khả năng sáng tạo màu sắc của tác giả. Màu sắc trong tranh góp phần rất lớn trong việc thể hiện không gian, không khí, hơi thở của tác phẩm.
Màu sắc trong tranh thể hiện quan niệm, triết lý về mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, với tự nhiên; qua đó thể hiện quan niệm tạo hình bằng màu sắc của tác giả hay nhóm tác giả.
Thí dụ như các quan niệm về màu sắc của các họa sĩ phương Đông, cụ thể là của Trung Quốc xưa, của các họa sĩ phái Ấn tượng, của các họa sĩ phái Dã thú hay phái Trừu tượng…
Ngoài những yếu tố về tinh thần, tâm trạng, tình cảm, cá tính của tác giả thì màu sắc trong tranh thể hiện sự tiến bộ của công nghệ hóa màu.
Thí dụ màu sắc hiện nay của thế kỷ thứ 21 mà các họa sõ đang sử dụng khác nhiều với màu sắc của các họa sĩ thế kỷ thứ 14. Bởi lẽ trình độ nghiên cứu, sáng chế phát triển rất cao.
Sự ra đời của trường phái Ấn tượng (Impressionism) là cuộc cách mạng về màu sắc trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Nó mở đầu cho lý thuyết về màu sắc gắn liền với ánh sáng, khí quyển, sự thay đổi của màu sắc theo thời gian, thời tiết, sự sử dụng màu lạnh để vẽ phần tối và màu nóng để vẽ phần sáng; sự tương tác, cộng hưởng về màu sắc.
Trong tất cả các họa sĩ phái Ấn tượng thì họa sĩ Claude Monet là người chịu khó nghiên cứu sâu về hiệu quả của ánh sáng trên màu sắc của đối tượng. Các tác phẩm của ông: “Tòa nhà Quốc hội”, “Cầu Waterloo”, “Thánh đường Rouen” đã chứng minh điều ấy.
Các họa sĩ trường phái này đã mở đầu cho kỷ nguyên vẽ trực tiếp ngoài trời trên cơ sở phân tích nghiên cứu sâu về quang học và hiệu quả ánh sáng.
Do đó màu sắc trong tranh của họ có sự trong trẻo, rạng rỡ, tươi thắm lung linh hơn các họa sĩ đi trước.
Phải nhắc lại rằng chính tác động của các nhà nghiên cứu về màu sắc như: Michel-Eugène Chevreul và các cuốn sách của ông ta với tựa đề “Những nguyên lý hòa hợp vào tương phản của màu sắc và cách ứng dụng của nó”, “Sự tương phản đồng thời của màu sắc” (Le Contraste Simultané des Couleurs) và sự ảnh hưởng của Helmholtz, của Maxwell, của Ogen Rood… đã có tác động đến lý luận về cuộc cách mạng màu sắc của các họa sĩ phái Ấn tượng.
Các họa sĩ thuộc họa phái Hậu Ấn tượng cũng đã chứng minh sự cộng hưởng, sự tác động qua lại của màu sắc (interaction of colors) khi đưa ra phương pháp chấm, ghép những điểm màu để diễn tả đối tượng khi đưa ra những luận điểm đổi mới về cách nhìn với màu sắc ánh sáng, đồng thời sau đó họ đã chứng minh rất khoa học về sự cộng hưởng của màu sắc khi chủ xướng khuynh hướng Điểm họa (Pointillism) hay còn gọi là khuynh hướng Phân điểm (Divisionism).
Họa sĩ Georges Seurat cũng là người theo chủ nghĩa Ấn tượng nhưng lại là người tiêu biểu cho việc diễn tả màu bằng các chấm ghép các đốm màu li ti (tiny dots) để sáng tác. Tác phẩm tiêu biểu của phương pháp này của ông là “Buổi chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte”.
Mỗi trường phái nghệ thuật đề có quan niệm tạo hình riêng của mình. Trong tạo hình có ba yếu tố cực kỳ quan trọng là Bố cục, Hình và Màu. Trong ba yếu tố này thì bố cục giữ vai trò quan trọng nhất sau đó theo trình tự là hình và màu.
- Trong khi các họa phái Cổ điển (Classism), Hiện thực (Realism), Lãng mạn (Romantism) cho rằng trong tranh thì hình vẽ giữ vai trò quan trọng hơn màu sắc. Cụ thể là họa sĩ, viện sĩ Hàn lâm, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Paris lúc đó (vào thời điểm manh nha sự xuất hiện của Phái Ấn tượng) là Ingre. Ông này là người rất giỏi về hình và ông ta cho rằng trong tác phẩm mỹ thuật thì hình giữ vai trò quan trọng hơn màu.
- Riêng các Họa phái Dã thú (Fauvism) và Trừu tượng (Abtractionism), nhóm Kỵ sĩ màu Xanh (Blue Reiter), Họa phái Nghệ thuật Chuyển động (Movement Art) và Nghệ thuật Quang học (Op Arts) và một số họa phái nữa… lại cho rằng trong tranh thì màu sắc có vai trò quan trọng hơn hình.
Một số hình thái, cảm giác và thuật ngữ về màu sắc:
a. Một số cảm giác do màu sắc gợi ra:
Màu sắc cho chúng ta những cảm nhận thị giác vô cùng phong phú và kỳ diệu. Đó là những cảm nhận dưới dạng ảo giác như sau:
* Nhiệt độ của màu sắc (Temperature of Colors):
Nhiệt đo do màu sắc mang lại chính là một dạng ảo giác về nóng, ấm mát, lạnh có được do hiệu quả của sự phối hợp màu sắc. Một hòa sắc nóng có thể có những mức độ gây ảo giác về nóng bức, ấm áp hay âm ấm dễ chịu. Còn hòa sắc lạnh cũng có khả năng khêu gợi ảo giác về sự mát dịu, mát mẻ cho đến lạnh lẽo.
Muốn làm cho một hòa sắc có “nhiệt độ ảo” quá nóng hay quá lạnh giảm xuống thì chúng ta có thể đồng loạt giảm bớt cường độ, độ tươi của tất cả hay một số màu nào đó. Để giảm cường độ thì chúng ta có ba hướng giải quyết:
- Thứ nhất pha các màu với một số lượng màu trắng nào đó mà mình thấy vừa đủ để tăng sáng mà giảm độ thắm tươi, làm cho cường độ, sức tác động thị giác bị nhẹ hơn hoặc yếu đi.
- Thứ hai là pha với một ít màu đen để hòa sắc đậm hơn nhưng bớt tươi đạt hiệu quả trầm lắng.
- Thứ ba là làm cho hòa sắc bị tái đi, làm cho màu bớt vui mà gợi cảm giác nhẹ đi.
Phối cảnh của màu sắc (Perspective of Colors)
Phối cảnh màu sắc là gì?
Họa sĩ Léonard de Vinci đã đưa ra một định nghĩa có tính chất sơ đẳng nhất về Hình như sau: “Hình vẽ là sự diễn tả một vật thể trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều”.
Trên thực tế bậc thầy này có rất nhiều ý nghĩa về hình vẽ, nhưng người viết bài này muốn đưa ra định nghĩa cơ bản này của ông để cho thấy rằng ông ta có đề cập đến một yêu cầu cơ bản của hình mà người vẽ phải tạo cho được khi thể hiện hình vẽ. Đó là việc tạo nên ảo giác về chiều sâu, chiều thứ ba trên mặt phẳng hai chiều.
Việc tạo được chiều sâu ảo này không thực hiện được nếu người vẽ không hiểu biết về những quy luật của phép phối cảnh, luật viễn cận (Persepctive).
Quy luật này là một khoa học gắn liền với hình học không gian và khoa học về ánh sáng.
Thông thường thì tối thiểu ai cũng thuộc nằm lòng những quy luật gần cao xa thấp, gần dài xa ngắn, gần lớn xa nhỏ, gần rõ xa mờ, gần sáng xa tối, gần đậm xa nhạt, gần tươi xa tái, gần ấm xa lạnh…
Vậy thì phối cảnh màu sắc chính là sự sử dụng những kiến thức khoa học, những kinh nghiệm, thủ pháp diễn tả về màu sắc, các độ đậm nhật để tạo chiều sâu, tạo ảo giác về không gian của hình vẽ, thậm chí tạo được ảo giác về không khí, hơi thở của tác phẩm.
Tại sao trên thực tế các vật thể có cùng độ lớn, kích thước, màu, sắc mà khi đặt gần cùng khoảng cách, góc nhìn, tầm nhìn thì các yếu tố về kích thước, màu sắc, không thay đổi so với khi đặt chúng ở càng xa?
Việc màu, sắc bị biến đổi theo xa gần chính là vì trong không gian có hơi nước, có các sóng, hạt ánh sáng, có bụi, khói, sương mờ tiềm ẩn, cho nên các yếu tố này làm giảm đi các tính chất đậm nhạt, cường độ tươi tái, nóng lạnh của vật thể khi chúng ở càng xa.
Thông thường chúng ta nghe nói rằng màu nóng thường gây ảo giác kéo gần lại còn màu lạnh thì cảm giác bị nay lùi xa ra. Điều này đúng cho nên các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng đã sử dụng phương pháp vẽ các phần trong tối, trong mát là màu lạnh và ngoài sáng là màu ấm hay nóng.
Tuy nhiên, không có nghĩa là muốn vẽ, diễn tả các phần trong tối, trong bóng râm hay ở xa thì bắt buộc phải làm cho màu sắc trở thành lạnh đi.
Luật phối cảnh về màu, sắc chỉ tóm gọn mấy ý như sau:
- Trường hợp diễn tả đối tượng bằng màu đen trắng thì áp dụng quy luật gần đậm xa nhạt, gần sáng xa tối, gần rõ xa mờ.
- Trường hợp dùng màu đơn sắc (monochrome), tức là dùng một màu nào đó để làm màu gốc và chỉ duy nhất dùng màu này để pha với trắng, với đen để có các độ tươi (do không pha trắng đen), độ sáng, tối, đậm, nhạt hay tái (do cùng một lúc pha màu gốc này với đen và trắng hay nói cách khác là pha màu gốc ấy với màu xám) để diễn tả không gian thì chúng ta cũng áp dụng quy luật gần đậm xa nhạt, gần sáng xa tối, gần rõ xa mờ như ở trên, nhưng kèm theo quy luật: gần tươi xa tái; gần đậm xa mờ. Về việc áp dụng quy luật diễn tả về gần tươi xa tái trong trường hợp màu đơn sắc phải rất cẩn thận và hạn chế mà chủ yếu là dùng việc tả bằng cách gần tươi xa đậm.
Khi nói về gần tươi xa đậm thì nghe có vẻ nghịch lý nhưng về quy luật cường độ thì một màu nguyên sắc mà đen dần đi thì sẽ tạo được ảo giác về chiều sâu. Bởi lẽ trường hợp này độ tươi thắm bị giảm đi, sức tác động thị giác bị yếu dần.
Do vậy, việc sử dụng phương pháp này để tạo ảo giác về chiều sâu thực hiện được trong tình trạng màu có được sự trong trẻo.
Trong không gian, để tạo chiều sâu thì người họa sĩ phải quan sát các lớp của không gian mà người ta gọi một cách khái quát là: tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh… Trên thực tế, trong không gian có rất nhiều tầng lớp, thậm chí có trường hợp gần tối xa sáng rực lên. Đó là các trường hợp trong tối nhìn ra ngoài vùng có đèn chiếu sáng.
Tuy nhiên bằng thể loại màu đơn sắc thì người vẽ phải có nhiều kinh nghiệm hay cân nhắc trước khi vẽ. Nếu pha màu gốc với xám nhiều quá sẽ làm cho màu bị xỉn, mất độ trong trẻo. Thảm hại hơn là pha, sử dụng màu xám hoàn toàn trung tính (do đen pha với trắng) để cho vào hòa sắc thì sẽ dễ gặp tình trạng là màu xám ấy bị bay lơ lửng như khói, không kết hợp được chặt chẽ với hòa sắc.
Để giải quyết trường hợp này thì người vễ phải lấy một tí màu gốc (nguyên sắc) vốn đang có trong màu chủ đạo của hòa sắc ấy pha vào màu xám định sử dụng thì sẽ làm cho màu xám có sự liên kết với màu sắc chung.
- Trường hợp diễn tả không gian bằng màu nóng lẫn màu lạnh hay nói cách khác là dùng nhiều màu để diễn đạt thì chúng ta cũng áp dụng quy luật gần đậm xa nhật, gần sáng xa tối, gần rõ xa mờ, gần tươi xa tái (cũng có khi gần tươi xa tối).
Ở trường hợp này, quy luật gần tươi xa tối hay sáng là muốn đề cập đến việc tạo gần xa bằng cường độ chứ không phải sắc độ.
Tuy nhiên việc làm cho màu nóng ở gần bị biến màu trở nên hơi lạnh khi ra xa là điều cần thiết và mang tính khoa học (phối cảnh gần ấm xa lạnh). Điều chắc chắn là nếu ở xa mà diễn tả bằng màu quá tươi, quá nóng so với những màu ở gần thì không gian, chiều sâu sẽ bị “vênh”, không thuận mắt.
Ở tình huống này chúng ta liên tưởng đến khái niệm: “Nhiệt độ của màu” khi diễn tả không gian: gần ấm xa lạnh… đồng thời việc dùng màu lạnh để diễn tả phần tối, màu nóng để diễn tả phần sáng.
Nói như vậy không có nghĩa là nếu không dùng quy luật nóng lạnh thì không thể diễn tả không gian hay chiều sâu.
Về mặt lịch sử của các trường phái cũng như lịch sử về vẽ màu thì dường như tất cả các trường phái trước khi có sự ra đời của phái Ấn tượng (Impressionism) thì hay dùng màu đơn sắc hoặc ít dùng cách diễn tả phần tối bằng các màu lạnh, thậm chí màu lạnh nguyên chất.
Như vậy kỹ thuật hay phương pháp vẽ màu đơn sắc vẫn có thể tạo, diễn tả không gian rất tốt thậm chí rất tuyệt vời.
Tuy nhiên sự ra đời của phái Ấn tượng đã thực sự mở ra cuộc cách mạng về sử dụng màu sắc để diễn tả không gian và ánh sáng. Một thời đại màu sắc tươi thắm, rạng rỡ, lung linh, kỳ diệu của màu sắc được mở ra, khác với những không gian u trầm, chắc nịch của các trường phái trước đó.
Chúng ta có thể nghiên cứu việc sử dụng màu để tạo các ảo giác của các họa sĩ thuộc khuynh hướng nghệ thuật chuyển động (Movement Arts) hay nghệ thuật quang học (Op Arts). Điều này cho thấy màu sắc không phải chỉ có khả năng tạo không gian, chiều sâu mà còn tạo ra những không gian ảo hoàn toàn. Vấn đề này được minh giải trong việc tạo nên “chiều thứ tư” trong các chương trình tạo ảo giác của phim ảnh, truyền hình hay nghệ thuật điện ảnh.
* Trọng lượng của màu sắc (Weight of Colors)
Cảm giác về trọng lượng như: nặng nhẹ đều do ảo giác ghi nhận. Như chúng ta đã nghiên cứu thì bản thân mỗi một màu đều có độ đậm nhạt khi chụp thành màu trắng đen.
Đồng thời nó cũng có diện tích lớn nhỏ, dày mỏng khác nhau. Càng đen, càng đậm, càng lớn, càng dầy thì gợi cho thị giác cảm thấy sức nặng. Càng nhạt, càng sáng, càng nhỏ diện tích, càng mỏng về bề dày thì càng tạo ra cảm giác về sự nhẹ nhàng. Nếu màu gợi bên nặng bên nhẹ tất yếu sẽ dẫn tới trạng thái không thăng bằng. Muốn làm cho màu trở nên nhẹ bớt đi thì chúng ta có ba cách:
- Thứ nhất làm cho nó bớt độ đậm, tăng độ sáng của mảng màu đang quá nặng (pha với màu trắng hay các màu có cường độ tươi sáng hơn).
- Thứ hai là giảm diện tích của mảng màu (thu nhỏ hay cắt bớt).
- Cắt bớt diện tích, khối lượng màu ở bên nặng, chuyển bớt sang cho phía bên nhẹ để tạo thêm lực đối trọng.
Như đã nói, trọng lượng thị giác do ảo giác tạo ra. Trong một căn phòng mà trần nhà màu đậm sẽ gây cảm giác như là trần bị thấp xuống, trần màu sáng sẽ gợi ảo giác cao lên.
Màu sắc sáng hay tối, tươi hay trầm cũng gợi ảo giác rộng hẹp của không gian.
Mùi vị của màu sắc (Smell of Colors):
Đây cũng là ảo giác hoàn toàn. Chúng ta thấy các bao bì của các loại nước giải khát như: chanh, dâu, đào, bạc hà, dứa, nho… được các nhà thiết kế sáng tạo mẫu của bao bì bên ngoài cho hợp với màu sắc của chất nước bên trong, với mục đích là gợi mùi, gợi cảm giác về chua, ngọt mà chất nước trái cây tạo ra… Có những tình huống gặp một hòa sắc chúng ta buộc miệng khen “gam màu này ngọt quá”. Cũng có khi kêu lên: “màu gì mà chua thế?”…
Như vậy cảm giác về mùi vị do màu sắc gợi nên là sự thật trong quá trình nghiên cứu, phối hợp màu sắc. Đặc biệt là thiết kế quảng cáo.
Màu có khả năng phá hình, làm vỡ mảng, khối:
Chúng ta hãy nhớ ngay đến các màu sắc lốm đốm, rằn ri của quân phục hay các quân xa như: xe tăng xe tải, phi cơ mà các nhà quân sự cố ý tạo ra với mục đích để ngụy trang.
Phép ngụy trang có nhiều yêu cầu phải giải quyết như: ngụy trang về ánh sáng, mùi vị, mùi hương, màu sắc, hình khối, hình thể.
Chính vì vậy mà việc tô màu rằn ri, lốm đốm hay toàn một màu (trắng, xanh…) là cần thiết nhằm mục đích phá vỡ hình khối, hình dạng của con người quân xa, quân dụng để đồng thời để đoàn quân bị hòa lẫn vào môi trường cây, rừng lá che mắt kẻ địch (quân phục trắng của quân nhân đánh ở sa mạc vừa để giảm nóng và hòa lẫn vào cát; quân phục màu xanh thì dễ lẫn vào cây lá, khó bị phát hiện).
Trong tác phẩm mỹ thuật, đôi khi chúng ta thấy tình trạng bức tranh bị vỡ vụn về màu, người ta thường gọi tình huống này bằng câu “Có màu mà không mảng”. Sở dĩ có tình trạng này là do khi thực hành phối màu họa sĩ đã không quan tâm đến tổng thể, thiếu sự quy kết các mảng nhỏ thành những mảng, những diện lớn.
Thánh đường Rouen của họa sĩ Claude Monet vẽ vào hai thời điểm khác nhau trong ngày.
Điều này chứng tỏ rằng màu sắc thay đổi theo thời gian.
Tác phẩm “Chiều chủ nhật trên đảo LaGrande Jatte” của họa sĩ Georges Seurat của Họa phái Hậu Ấn tượng. Bức tranh được diễn tả bằng cách ghép các điểm màu, tạo ra khuynh hướng Điểm họa (Pointillism).
1. Tác phẩm “Người mẫu ngồi” George Seurat, tranh dán bằng những chấm giấy màu.
2. Tác phẩm của Yves Klein - 3 & 4. Ảnh màu âm bản “The Dream Surrelism” của Pablo Picasso.
Tác phẩm “Giao lưu” – Chất liệu: Tổng hợp - Kích thước: 100cm x 130cm – Họa sĩ: Uyên Huy
TRỌNG LƯỢNG MÀU SẮC
(Cảm giác nặng nhẹ của màu)
PHỐI CẢNH MÀU
PHỐI CẢNH VỀ ĐỘ LỚN NHỎ
Tình trạng này là hậu quả của việc không thực hiện tốt hệ thống màu chủ đạo, chủ sắc, dẫn đến rối loạn thị giác; làm cho người xem không rõ chỗ nào chính, phần nào phụ, vị trí nào là điểm nhấn.
Gặp trường hợp này thì cách giải quyết phải tiến hành như sau:
Bước một là phải bình tĩnh xem xét lại tinh thần, nội dung của đề tài hay chủ đề, xem nó tĩnh hay đông; tinh thần của tác phẩm là gì: trầm lắng hay xôn xao, rực rỡ hay mờ ảo…; mục đích gây ấn tượng ra sao: buồn hay vui, lạnh hay nóng, ấm hay mát…
Bước hai là xác định lại màu chủ đạo cả về sắc thái, cường độ, sắc độ có khả năng nêu được tinh thần của đề tài.
Bước ba là thực hành việc gom mảng, tạo hệ thống màu chủ đạo, chủ sắc, các nhóm chính, phụ, trọng tâm.
Một kinh nghiệm thực hành thật dễ để kiểm tra trước hiệu quả của việc dự định chọn hòa sắc chủ đạo cho tác phẩm như sau: Nếu chúng ta dự định chọn hòa sắc chủ đạo cho bức tranh định sửa chữa có gam màu ửng vàng (như dạng màu tương đồng) thì chúng ta thử lấy một miếng giấy kiếng màu vàng thật nhẹ phủ lên trên bức tranh đang bị rối loạn về màu. Khi ấy toàn bộ bức tranh có sự hòa quyện vào nhau.
Chính cái mảng màu vàng ấy đã tạo sự liên kết tất cả các màu hiện có trong bức tranh định sửa lại.
Khi ấy, chúng ta có một hòa sắc có âm hưởng màu vàng thống nhất; công việc kế tiếp là chúng ta chỉ việc nghiên cứu, ghi nhớ để chuẩn bị điều tiết các bộ phận các phần sáng tối cho hợp lý đang tồn tại thành hệ thống chặt chẽ ngay sau khi giờ tờ giấy kiếng ra.
Và sau đó chúng ta giờ tờ kiếng ra và dựa theo hiệu quả thử nghiệm đã thấy mà chính thức bắt tay vào sửa chữa cụ thể.
Bằng giải pháp này, chúng ta thử tưởng tượng rằng chúng ta sẽ “nhuộm” một màu tổng thể nào đó mà mình cho là thích hợp nhất chủ đề của tác phẩm. Và công việc sửa chữa chỉ là phần kế tiếp không khó lắm.
Ứng dụng khả năng phá hình, khối của màu các nhà thiết kế thời trang có thể sử dụng khả năng làm giảm diện tích, khối lượng bằng màu sắc để ghép các màu đậm vào áo khi thiết kế, may mặc đúng ngay vị trí tương ứng với khu vực vòng số hai vốn không còn thon thả của một số quý bà nhằm gây ảo giác làm cho vòng eo dường như nhỏ lại…
Về mặt lý luận về màu sắc thì chúng ta quan sát toàn bộ cảnh vật của khu vực nào đó bị bóng hoàng hôn nhuộm vàng tất cả và gợi trong chúng ta cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng. Hiện tượng cảnh vật bị nhuộm màu giống như âm vang của âm thanh của âm thanh, âm điệu nào đó đang len lỏi vào từng cành cây ngọn cỏ, ngóc ngách của không gian, thậm chí dường như có độ rung của màu trong không gian được các nhà chuyên môn gọi là “âm hưởng, âm vang, độ rung của màu” (Sonority of Colors or Echo of Colors).
Tác phẩm: Mùa vàng – Chất liệu: Tổng hợp - Kích thước: 100cm x 300cm – Họa sỹ: Uyên Huy
Tác phẩm: Ấn tượng Nha Trang – Chất liệu: Tổng hợp - Kích thước: 130cm x 130cm – Họa sỹ: Uyên Huy
Màu chủ đạo và chủ sắc
(Dominant Colors & Dominant Tonality)
Tranh có màu chủ đạo nóng
Tranh có chủ sắc sáng
Tranh có màu chủ đạo lạnh
Tranh có chủ sắc đậm
Họa sỹ Vasarely và nghệ thuật chuyển động (Kenetic Art)
Tác phẩm “Khối màu Magenta” của Richard Anuskiewics
thuộc khuynh hướng nghệ thuật chuyển động
Tác phẩm “Bức tường vàng” của Hans Hofmann
KHẢ NĂNG THAY ĐỔI MÀU
>>> Khái niệm về lịch sử màu sắc (Phần 1)