Khái niệm lịch sử về màu sắc (Phần 1)
Tác phẩm “Trừu tượng đỏ” – Chất liệu: Tổng hợp – Kích thước: 130 cm x 130 cm – Họa sĩ: Uyên Huy
(Tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh)
Màu sắc và ánh sáng gắn liền với sự xuất hiện của vũ trụ. Vì chúng ta không thể kể tuổi của vũ trụ, do đó cũng không thể kể tuổi của ánh sáng và màu sắc. Chúng ta chỉ có thể sơ nét nói tới lịch sử của tiến trình nghiên cứu về màu sắc để hình thành những lý thuyết khoa học về lĩnh vực này.
Theo lịch sử ghi lại thì trước khi nhà bác học Newton nghiên cứu đưa ra lý thuyết khoa học về ánh sáng, về quang học ở Hy Lạp vào năm 1613, có nhà khoa học tên là Francicus Aguilonius là người nghiên cứu sớm nhất về lĩnh vực này.
Mục tiêu nghiên cứu của Aguilonius lúc ấy là tính cách, giải thích khác nhau giữa sự pha trộn của những sắc màu (chromatic) và những sự pha trộn màu vô sắc (achromatic).
Sự tưởng tượng của Aguilonius vốn phản ánh ý tưởng đã có từ thời Trung Cổ, sau đó là thời Phục Hưng. Tựu trung ý tưởng này vốn xuất phát từ khái niệm của người Hy Lạp về ánh sáng. Theo người Hy Lạp xưa thì Ánh sáng được coi là nguồn gốc của màu sắc.
Theo sự suy luận của Aguilonius thì toàn bộ quang phổ về màu sắc (spectrum of color) được nhìn thấy như là sự thay đổi liên tục xuất phát từ cái được gọi là “Albus” có nghĩa là Màu Trắng của ban ngày. Nó thay đổi theo từng giai đoạn thời gian từ ban ngày chuyển sang ban đêm. Phần bóng tối của bóng đêm được gọi là “Niger”. Niger nghĩa là màu của bóng đêm: Màu Đen.
Hệ thống quang phổ của Francicus Aguilonius được đặt trên nền tảng của sự quan sát của cá nhân mình về sự thay đổi ở hiện tượng của các thiên thể rất đặc biệt với 5 màu tượng trưng từ ban ngày cho đến ban đêm.
Màu đầu tiên gọi là Albus (tức là Màu Trắng) tượng trưng cho ban ngày. Màu tượng trưng cho ban đêm là Màu Đen, đươc gọi là Niger (tức là Màu Đen).
Trên quang phổ của Aguilonius, thứ tự 5 màu được sắp xếp trước sau theo trình tự: Albus (Trắng), Flavus (Vàng), Rubeus (Đỏ), Caeruleus (Xanh Lam, Xanh da trời) và cuối cùng là Niger (Đen).
Trên hệ thống này thì Màu Đỏ giữ vị trí trung tâm. Còn Màu Vàng được coi là nguồn sáng (source of light) nó được bố trí bên cạnh Màu Trắng. Trong khi đó thì Màu Xanh Lam (gọi là Caeruleus), dùng để mô tả bóng đêm, thời điểm mặt trời lặn.
Theo hệ thống của ông thì Màu Đỏ và các màu sắc của bầu trời được bố trí chế ngự cả khu vực “Viridis” tức là vùng Màu Xanh Lá Cây.
Theo hệ thống sơ đồ này của Aguilonius thì lấy 3 màu: Vàng (Flavus), Đỏ (Rubeus) và màu Xanh lam hay Xanh da trời (Caeruleus) trộn lại thì tạo ra màu Xám.
Lý thuyết về sự nghiên cứu của Aguilonius được coi là bước mở đầu cho việc đưa ra một sơ đồ lý giải về màu sắc và đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà hồi ấy chưa ai trả lời được.
Hình tròn màu sắc theo Newton - Cách tổ chức màu theo Aguilonius
Sơ đồ bố trí màu hình tam giác vuông góc của Maxwell
Sơ đồ bố trí màu hình tam giác cân của Maxwell
Mô hình bố trí màu theo dạng hình khối của Maxwell
Đến năm 1660, thì Isac Newton mới thực hiện sự nghiên cứu về ánh sáng. Ông đã cho chiếu luồng sáng Trắng xuyên qua lăng kính để kiểm nghiệm lại sự kiện mà ông đã thấy bảy sắc cầu vồng trên bong bóng của bọt xà bông và khi chiếu luồng sáng trắng đi xuyên qua lăng kính, vô tình ông tách ánh sáng Trắng ấy ra bảy sắc màu cầu vồng xếp theo thứ tự là: Tím, Chàm, Lam, Lục, Vàng, Cam, Đỏ.
Nếu hệ thống bảy màu: Tím, Chàm, Lam, Lá Cây, Vàng, Cam và Đỏ này được sắp xếp thành một dãy thẳng hàng theo thứ tự vừa nói thì khi cuộn tròn dãy màu này thành hình vành khăn, để cho hai màu Tím và Đỏ ở hai đầu dãy đứng sát cạnh nhau. Từ thí nghiệm này, Newton cũng đã khám phá ra Màu Đỏ Tía khi ông cho là màu Tím và màu Đỏ pha trộn với nhau.
Nghĩa là Màu Đỏ Tía = Màu Đỏ + Màu Tím.
Chính nhờ Newton mà dãy màu trên quang phổ được xếp thành một chuỗi ở dạng thẳng và kế đó là chuyên thành hình vành khăn để tạo sự liên kết, giúp cho sự tư duy, lý giải về sự pha trộn của màu sắc.
Ngày nay, chúng ta biết rằng Ánh sáng là sự hiện hữu được tạo nên bởi năng lượng. Nó chính là sự dao động về hình thái của một số lớn những đơn vị cơ bản của năng lượng, được biết như là lượng tử.
Chiều dài của những sự dao động được đo bằng đơn vị đo lường riêng là Namometer.
Thuật ngữ Namometer được viết tắt thành: nm (một nm = 10-9 meter). Khi xem bảng ghi một số tỷ lệ của các sóng điện từ (Electromagnetic scale) thì chúng ta thấy rằng “ánh sáng có thể nhìn thấy được” (visible light) chiếm từng phần tỷ lệ được đánh giá theo số đo từ 380nm đến 750nm. Màu Đỏ tượng trưng cho tia Hồng ngoại, còn Màu Tím tượng trưng cho tia Tử ngoại...
Màu Đỏ có bước sóng = 380nm; Màu Tím có bước sóng = 750nm. Giữa hai màu này là một dãy quang phổ nối liền nhau gồm: Màu Cam, Màu Vàng, Màu Lục (màu Xanh Lá), Màu Lam, Màu Chàm.
Kế đó, là Moses Haris, một nhà in khắc (engraver) và cũng là nhà nghiên cứu về sâu bọ, về côn trùng (Entomologist) người Anh. Ông đã trình bày Vòng màu sắc hay là Vòng thuần sắc (Color Wheel) đầu tiên theo cách riêng của mình, mà trên đó ông bố trí những sắc tố nguyên thủy là các màu Đỏ, Vàng, Lam cùng với ba màu nhị nguyên là Tím Đỏ hay Đỏ Tía (Purple), Cam (Orange) và Lá Cây (Green).
Vòng màu đầu tiên này của Haris được in lại và xuất bản năm 1963 bởi Faber Birren, trong cuốn sách có tên là “Hệ thống nguồn gốc của Màu sắc” (The Natural System of Colours).
Sau Moses Haris là một người Đức tên là Johann Wolfgang Goeth.
Goethe (1810) là một trong những cá nhân đầu tiên không thừa nhận tính hợp lý của Vòng thuần sắc (Color Wheel) do Newton đề ra.
Wolfgang Goeth vừa là nhà khoa học vừa là nhà thơ. Ông này đã dựa theo lý luận của Aristotle, mà bác bỏ lý thuyết về màu sắc của Newton.
Bởi vì, Artistotle tin rằng màu nguyên thủy chỉ có hai màu chứ không phải là ba màu như Newton đề ra sau này. Do đó, hai màu nguyên thủy theo Goeth là Màu Vàng và Màu Lam.
Rupprecht Mathaei, trong phần mở đầu của cuốn sách có tên là “Lý thuyết về màu sắc” đã nói rằng “Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thấy rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu thì Newton và Goethe cùng theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau. Trong khi Newton cố gắng phân tích bản chất của ánh sáng thì Goethe lại thiên về nghiên cứu, ứng dụng các hiện tượng của màu sắc. Goethe muốn đặt ra câu hỏi về sự xuất hiện và ý nghĩa của màu sắc để có thể khám phá ra những điều bí ẩn về lĩnh vực này của màu sắc”.
Khi cấu trúc lại Vòng thuần sắc theo ý riêng của mình Goethe đã nhấn mạnh đến 6 màu mà nguồn gốc xuất phát của nó lại từ lĩnh vực tâm lý hơn là vật lý.
Đặc biệt là Goethe xây dựng Vòng Thuần Sắc của mình trong hai hình tam giác đều, tạo thành hình ngôi sao 6 cánh, một tam giác đỉnh quay lên, một đỉnh quay xuống, trên đó đặt 6 màu theo thứ tự từ trái sáng phải, xuất phát từ đỉnh tam giác trên: Đỏ, Cam, Vàng, Xanh Lá, Lam và Tím.
Đến Philip Otto Runge là người đầu tiên trình bày một lý thuyết mới về màu sắc theo dạng sơ đồ ba chiều.
Trước đây Goethe lập luận và trình bày lý thuyết của mình trên dạng sơ đồ hai tam giác tạo thành ngôi sao sáu góc đều ở dạng mặt phẳng, thì giờ đây Philip Otto Runge lại trình bày lý thuyết của mình theo dạng sơ đồ hình khối (sphere).
Trên hình khối cầu trong suốt, ông đặt một đĩa tròn cũng trong suốt ngay vị trí chia đôi khối cầu (tương đương vị trí của vòng xích đạo), trên đĩa tròn này vẽ hình ngôi sao 6 góc đều nhau như sơ đồ của Goethe. Ngay trung tâm của ngôi sao, ông tạo một trục thẳng đứng có chiều cao nội tiếp trong khối tròn. Đầu trên của trục bố trí màu Trắng, đầu dưới của trục bố trí màu Đen và từ hai đầu trục Trắng, Đen này pha trộn với nhau sẽ hình thành một chuỗi màu Xám. Đây là cái mới của Runge trong lý thuyết về màu sắc.
Kế tiếp, trong khoảng thời gain từ 1839 đến 1854, tại Pháp và Anh có một người Pháp tên là Michel Eugène Chevreul (31 tháng 8 năm 1786 – 9 tháng 4 năm 1889).
Michel Chevreul là một nhà khoa học người Pháp chuyên về hóa học. Sinh ra trong một gia đình bác sỹ phẫu thuật, ông đã được thụ hưởng một nền giáo dục tư nhân trong cuộc Cách mạng Pháp. Sau đó, vào năm 1799, ông rời trường về khoa học tại Angers, Pháp. Năm 1803, ông rời đi và đến Paris để có cơ hội trở thành nhà hóa học. Ngày 31 tháng 8 năm 1786 tại Angers, Pháp, Michel Chevreul ra đời. Ông sống suốt cuộc đời mình (rất dài, ông sống 103 năm) tại Pháp. Ông đã làm rất nhiều công việc của mình ở Paris nhưng lớn lên ở Angers. Ông nghiên cứu về các axit béo đã dẫn tới ứng dụng sớm trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học. Ông được cho là đã phát hiện ra axit magerit, creatin và thiết kế một dạng xà phòng ban đầu từ mỡ động vật và muối. Ông có niềm đam mê nghệ thuật, mỹ thuật. Từ đó khiến ông quan tâm nghiên cứu về màu sắc… Sự nghiên cứu của ông đã cho ra đời một số sách về lý thuyết màu sắc và sự tương phản. Lý thuyết về màu sắc của ông góp phần vào kho tàng lý thuyết về màu sắc trong hội họa lẫn quang học. Theo tư liệu thì các họa sĩ sáng lập ra trường phái Hội họa Ấn tượng (Impressionism), Hậu Ấn tượng và phái Op Art đã nghiên cứu sâu về lý thuyết màu sắc của Michel Eugène Chevreul. Sơ đồ lý giải về màu sắc của ông đã được coi là một tư liệu quý trong việc giảng dạy về màu sắc trong các trường mỹ thuật, trước hết là tại Pháp. Ông sống đến 102 tuổi và là người tiên phong trong lĩnh vực lão khoa. Ông cũng là một trong 72 người có tên được ghi trên tháp Eiffel; Trong số 72 nhà khoa học và kỹ sư, Chevreul là một trong hai người vẫn còn sống đến khi tháp Eiffel cắm cờ Pháp trên đỉnh tháp vào ngày 31 tháng 3 năm 1889.
Chân dung nhà hóa học Pháp Michel Eugène Chevreul
Tượng nhà hóa học người Pháp Statue de Michel Eugena Chevreul (1786-1889) trong vườn Bách Thảo Paris
Quyển sách nổi tiếng của ông về màu sắc là: “Các nguyên lý hòa hợp và tương phản
về màu sắc và những cách ứng dụng nó trong mỹ thuật”
(The principles of Harmony and Contrast of Colours, and Their Applications to the Arts)
Rồi sau đó, nhà vật lý Scotland tên là James Clerk Maxwell. Ông này đã bị lôi cuốn bởi những nghiên cứu về lĩnh vực quang phổ của các sóng điện từ. Ở đó ông đưa ra những phân tích khá tỉ mỉ về mặt toán học. Chính từ những nghiên cứu của mình về lý thuyết các sóng điện từ, mà năm 1872, Maxwell đã trình bày và phát triển lý thuyết về màu sắc của mình trên nền tảng hai sơ đồ tam giác: sơ đồ hình tam giác cân và sơ đồ hình tam giác vuông góc.
Trên hai sơ đồ tam giác sơ đồ hình tam giác cân, ông bố trí Màu Xanh Lam (Blue) thì trên đỉnh. Trên hệ thống ô lưới này, ông nghiên cứu và trên sơ đồ hình tam giác vuông góc thì vị trí, tọa độ của Màu Cam là: 5R/7G.
Trên sơ đồ hình tam giác của mình, Maxwell đã lý luận và bố trí ba màu ở ba góc: Màu Đỏ, Màu Xanh Lá Cây và Màu Xanh Lam.
Còn ngay trung tâm hình tam giác là Màu Trắng. Màu Trắng được coi như là hiệu quả của sự pha trộn của tất cả các thành tố trong quang phổ.
Theo ông thì ba màu: Đỏ, Xanh Lá Cây và Xanh Lam này được coi là những thành tố của ánh sáng. Ba màu nói trên giống như ba màu nguyên thủy làm nền tảng cho hệ màu sắc của vô tuyến truyền hình ngày nay.
Với quan niệm này thì ba màu: Đỏ, Xanh Lá Cây và Xanh Lam thay cho quan niệm ba màu: Đỏ, Vàng và Xanh Lam như những nhà nghiên cứu màu sắc trước đó đã đề nghị.
Maxwell là người đầu tiên đưa ra một biểu đồ mới về lý luận nguồn gốc màu sắc.
Đây là bước ngoặt trong lý thuyết về màu sắc. Ba màu được bố trí thứ tự từ trên đỉnh hình tam giác đều theo chiều từ trên xuốn phải, sang trái như sau: Xanh Lá (Green) trên đỉnh, góc phải là Màu Đỏ (Red), góc trái là Xanh Lam (Blue) mở đầu cho hệ RGB (Red, Green, Blue).
Lý thuyết về pha trộn của hệ RGB được minh họa thông qua sự sắp đặt vị trí của các màu gốc và các màu tiếp theo được phân bố như sau:
- Giữa Lam và Xanh Lá là Màu Lục Lam (Green Blue)
- Giữa Màu Xanh Lá và Màu Đỏ là Màu Vàng (Yellow)
- Giữa Màu Đỏ và Xanh Lam là Màu Tím Đỏ (Purple)
Từ sơ đồ này, Maxwell đưa ra lý thuyết về nguồn gốc của ánh sáng như là màu trong lĩnh vực truyền hình, gọi là đĩa màu Maxwell (Maxwell Disk).
Sau Maxwell là Wilhelm von Bezold, ông này cũng dựa trên lý thuyết màu RGB (Red, Green, Blue) và cho xuất bản cuốn sách của mình với tựa đề: “Lý thuyết màu sắc” (Theory of Colour).
Sơ đồ về hệ thống sự liên hệ giữa màu ánh sáng sáng và màu ánh sáng đậm của Ostwald
Khối màu của Ostwald
Biểu đồ màu của Moses Harris
Biểu đồ màu của Wolfgang
Biểu đồ màu của Otto Runge
Sơ đồ của Bezold gồm hai phần, bên trong là hình tam giác, bên ngoài là hình vành khăn quấn thành vòng tròn.
Toàn bộ hình vành khăn này chia thành mười hai đoạn, mỗi đoạn là một màu. Trên đỉnh cao, ở giữa vòng tròn là màu Đỏ Tía (Purple), theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống và dưới lên là các màu: Đỏ Sơn (Carmine), Đỏ Cam (Vermillon), Màu Cam (Orange), Màu Vàng (Yellow), Màu Vàng Ửng Xanh (Yellow Green), Xanh Lá (Green), Xanh Lục Lam (Bluish Green), Màu Xanh Phỉ Thúy (Turquoise Blue), Màu Xanh Biển (Ultra Marine), Màu Tím Tía (Purpis Violet).
Điểm đặc biệt là đỉnh của hình tam giác được bố trí quay xuống chỉ vào Màu Xanh Lá nằm ngay giữa, dưới hình vành khăn. Hai đáy trên của tam giác: đáy trái tiếp xúc màu Tím Xanh (Bluish Violet), đáy phải tiếp xúc Màu Đỏ Cam (Vermillon). Đây là một sơ đồ tổng hợp mới nhằm lý giải sự ra đời của các màu tiếp theo sau có gốc từ RGB.
Tiếp theo Bezold là Ewald Hering, nhà hóa học người Đức, với lý thuyết được xây dựng trên sơ đồ phẳng, hình bầu dục trên đó ông bố trí bốn màu theo thứ tự từ đỉnh trên xuống phải, sang trái, lên trên: Xanh Lá, Xanh Lam, Đỏ và Vàng.
Vào cuối thập niên 1870, nhà vật lý Hoa Kỳ tên là Ogden Rood cũng lại trình bày lý thuyết màu sắc của mình dựa trên ba màu RGB (Red, Green và Blue) giống như Maxwell trước đó. Và ông trình bày sơ đồ màu của mình theo sơ đồ theo hai hình khoái nón úp lại đối xứng với nhau. Người gọi đó là khối nón đối xứng của Rood (Rood’s symmetrical double-cone solid).
Giữa hai đáy của hình nón, vị trí tương ứng với vùng xích đạo là hình đĩa tròn. Chóp đỉnh trên là màu Trắng; chóp đỉnh dưới là màu Đen. Trên vành đĩa là dãy màu giống như thứ tự của màu trên Vòng thuần sắc. Chính giữa đĩa là hình tròn chứa màu xám đo trắng đen pha ra.
Từ các ô màu trên Vòng thuần sắc, ông kẻ các múi đều nhau, mũi nhọn của mỗi múi quay vào giữa ô màu xám trung tính.
Như vậy là trên đĩa tròn, các màu ở phía ngoài tươi hơn các màu bên trong. Đặc biệt là trong sơ đồ của ông có đề cập đến một tên màu mà tất cả các sơ đồ của nhà khoa học trước đó không có. Đó là Màu Xanh Lam biếc (Cyan).
Sơ đồ của ông hình khối tròn, giống như sơ đồ của Philip Otto Runge.
Cực trên của khối cầu là Màu Trắng, cực dưới là Màu Đen, Trục đứng, xuyên nối hai cực là dãy màu Xám.
Sau Ogden Rood là A. Hofler với lý thuyết màu sắc đựa trên sơ đồ ba chiều hình khối chóp như dạng khối hình thoi. Ở giữa khối chóp là hình vuông. Đỉnh trên là Màu Trắng, đỉnh dưới là Màu Đen, nối liền hai đỉnh là trục màu Xám.
Biểu đồ màu của Michel-Eugène Chevreul
Biểu đồ màu của Wilhelm von Bezold
Biểu đồ của James C. Maxwell
Trên hình vuông ở giữa khối chóp, có bốn màu: Đỏ, Vàng, Xanh Lá và Xanh Lam.
Sau A. Hofler là Albert H. Munsell (1915) họa sĩ người Hoa Kỳ. Ông cũng là người dạy về mỹ thuật. Munsell đã tiếp cận vấn đề thiết lập mô hình về màu sắc.
Ông đã trình bày sơ đồ vòng màu sắc theo dạng hệ thống ký hiệu ba chiều.
Albert H. Munsell đã tiến hành phân chia lại khoảng cách giữa các thành phần và chọn ra 5 màu chính bao gồm: Màu Đỏ (R), Màu Vàng (Y), Màu Xanh Lục (G), Màu Xanh Lam (B), Màu Đỏ Tía (P).
Từ sự phối hợp giữa 5 màu chính này đã tạo ra 5 màu bổ túc như: Màu Vàng Cam (YR = Y + R); Màu Vàng Lá Mạ (G Y = G + Y); Màu Xanh Lục Lam (BG = B + G); Màu Tím Xanh (PB = P + B); Màu Đỏ Tía của màu như sau:
- Màu Đỏ = Red = R.
- Màu Vàng = Yellow = Y.
- Màu Vàng Lá Cây = Green = G.
- Màu Xanh Lam = Blue = B.
- Màu Đỏ Tía = Purple = P.
- Màu Tím Đỏ = Red-Purple = RP.
- Màu Tím Xanh = Purple – Blue = PB.
- Màu Vàng Cam = Yellow – Red = YR.
- Màu Vàng Xanh = Green – Yellow = GY.
- Màu Lam Lục = Blue – Green = BG.
Điểm đặc biệt ở lý thuyết của Munsell là chứng minh về trạng thái dư ảnh (Afterimage) của màu tương phản, màu bổ túc.
Đại ý là khi nhìn lâu vào Màu Đỏ sau đó nhìn sang Màu Xám thì trong mắt dường như xuất hiện màu hơi Xanh Lá vốn tương phản, bổ túc cho Đỏ. Nhìn lâu màu Xanh Lá, sau đó nhìn sang màu Xám thì có dư ảnh sẽ là hơi Màu Đỏ. Cứ như thế nhìn Màu Tím có dư ảnh là Màu Vàng, nhìn Màu Vàng có dư ảnh là Màu Tím, nhìn Màu Cam có dư ảnh là Màu Lam và ngược lại.
Đến nhà hóa học Wilhelm Ostwald trình bày sơ đồ hệ thống hoàn chỉnh về màu của mình bao gồm một khối màu và khối màu dựa trên sự phối hợp bởi hai hình nón lá úp vào nhau.
Wilhelm Ostwald là nhà khoa học được trao giải Nobel. Hệ thống màu sắc của ông dựa vào cảm quan và nhãn quan của con người. Người ta gọi đây là sơ đồ màu dạng hai hình nón úp vào nhau là khối màu của Ostwald (Ostwald’s colour solid). Do được cấu tạo bởi hai hình nón cho nên toàn khối này có hai chóp đỉnh có hai màu Trắng và Đen. Đỉnh trên là Màu Trắng, đỉnh dưới là Màu Đen. Phần tiếp giáp của hai đáy tròn của hình nón là hình vành khăn, được gọi là vòng màu sắc (Color Circle) như Vòng thuần sắc (Chromatic Circle). Hình vành khăn này cũng tương ứng như khu vực xích đạo của trái đất (the Equator). Rồi từ bề rộng của mỗi ô màu trên vòng màu sắc Ostwald kéo nối về hai đỉnh trắng và đỉnh đen thành các múi ôm xoay vòng theo hình khối nón.
Biểu đồ màu dạng khối của Ogden Rood
Biểu đồ màu dạng khối của Q Hofler
Biểu đồ màu của Micheal Jacobs
Biểu đồ màu của Micheal Jacobs
Sơ đồ màu theo Munsell
Biểu đồ về hệ màu CIE 1976 UCS
Sơ đồ thể hiện sự sáng tối do sự thay đổi cường độ của Đỏ theo Munsell
Sơ đồ thể hiện sự sáng tối do sự thay đổi cường độ của Vàng theo Munsell
Sơ đồ thể hiện sự sáng tối do sự thay đổi cường độ của Lam theo Munsell
Tất cả các múi màu của hình khối nón phía trên thì bị pha dần với Màu Trắng và tất cả bị sáng dần hướng về chóp nón màu trắng phía trên; còn các múi của hình khối nón phía dưới thì cũng bị pha dần với màu đen của chóp nón và trở nên đậm dần về phía chóp nón phía dưới màu đen.
Qua quan sát khối màu của Ostwald chúng ta thấy ông dường như triển khai khối màu của mình giống như khối màu của Ogden Rood vừa nêu ở trên.
Ngoài ra lý thuyết của Ostwald căn bản dựa trên những khám phá của Hering trước đó.
Trong sơ đồ màu của Ostwald có đề cập đến thuật ngữ “Màu vô sắc” (Achromatic Colors) bằng sự minh họa bằng một cột màu gồm tám bậc, như là bậc thang các màu xám (Oswald’s gray scale) chuyển từ đỉnh màu trắng xuống đáy cột là màu đen. Tám bậc này chia theo mật độ màu trắng được pha vào màu đen tăng dần từ 3,6% màu trắng thành màu xám đậm nhất, lên 5,6%, 8,9%, 14%, 22%, 36%, 56% và cuối cùng là 89% màu trắng, tương ứng với màu xám nhạt.
Như vậy màu vô sắc chính là dãy màu trung tính do hai màu trắng và đen pha ra. Màu đen tuyền (full black) là màu đen hoàn toàn chứ không được pha với một tí màu trắng nào. Còn màu trắng tinh (full white) là màu trắng không hề bị pha lẫn với một tí màu đen hay bất kỳ màu nào khác nghĩa là trắng và đen là gốc của màu vô sắc.
>>> Sự tương quan giữa các màu sắc