Ba chiều của màu sắc
Tác phẩm: “Mặt trời đen trên đảo chữ thập” 2014
Chất liệu: Tổng hợp – Kích thước: 100 cm x 130 cm – Họa sĩ: Uyên Huy
(Cảm xúc và bức xúc trước thực trạng Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam)
Về mặt thuật ngữ thì có người cho là ba đặc điểm, cũng có người gọi là ba chiều của màu sắc (three dimensions of colors).
Để hiểu rõ về màu sắc thì chúng ta phải nghiên cứu nhiều vấn đề có liên quan đến khoa học ánh sáng và màu sắc.
Khi nói tới ba chiều của màu sắc là nói tới sự lý luận dựa trên hệ thống biểu đồ hình khối cầu là chính. Nghĩa là ba chiều được giảng giải trên cơ sở hệ thống khối cầu về màu sắc.
Sơ đồ này là một trong những cách tư duy, lý luận trong lý thuyết để giải thích về nguồn gốc, vị trí, vai trò của các màu, sắc theo thứ tự: từ ba màu chính hay màu nguyên thủy (còn gọi là ba màu bậc 1) bao gồm màu Vàng, màu Đỏ, màu Xanh Lam đến ba màu phụ, màu bổ túc hay còn gọi là màu bậc 2 gồm ba màu: Màu Cam (Vàng + Đỏ), Màu Tím (Đỏ + Lam), Màu Xanh Lục (Lam + Vàng).
Kế đến là lý giải hàng loạt các màu có được do sự pha trộn nên từ các màu bậc 1 và bậc 2.
Đồng thời cũng lý giải về tác động của cột màu trung tính, chiều trung tính đối với độ sáng (lightness) và độ tươi của màu vốn đồng nghĩa với cường độ, cũng có người gọi nó là “độ rực” của màu (brightness).
Trên sơ đồ khối này cũng lý giải về độ bão hòa, độ no màu (saturation).
Sơ đồ khối này giúp giảng giải sâu hơn về màu sắc.
* Đặc điểm của khối cầu:
Chúng ta hình dung khối cầu này giống như quả địa cầu, cũng có các phần bán cầu Nam, bán cầu Bắc, khu xích đạo, hệ thống các bố trí múi theo trục kinh tuyến cũng như các bậc vĩ tuyến. Và các ô màu được bố trí trên đó.
Càng đen dần cường độ càng giảm
Sự chuyển và chồng màu
Giữa khối cầu có một trục thẳng đứng, coi như là lõi của quả cầu nối hai bán cầu và hai cực, đỉnh trên của trục là màu Trắng, cực dưới của trục là màu Đen.
Toàn thân trục này chia ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn là một độ của màu Xám do sự pha trộn giữa màu Trắng với Đen ở hai cực Nam Bắc. Đây là trục màu Trung tính. (Trắng pha với Đen cho ra màu Xám = màu Trung tính).
Như vậy, càng gần cực màu Trắng thì màu Xám sẽ nhạt dần càng xuống cực màu Đen thì màu Xám sẽ đậm dần.
Khối cầu này được tách ra làm hai bán cầu. Giữa hai bán cầu là một đĩa hình tròn. Giữa đĩa là lõi, cũng là trục màu. Trung tính xuyên từ trên xuống.
Chúng ta hình dung hai bán cầu như là hai cái chén úp vào mặt trên và mặt đáy của đĩa màu (một úp từ trên xuống và một từ dưới lên). Bán cầu trên tương ứng với Bắc bán cầu. Bán cầu dưới tương ứng với Nam bán cầu.
Trên bề mặt đĩa chia ra nhiều múi từ cạnh ngoài chạy vào trung tâm. Số lượng múi này tương ứng với số lượng màu vốn có trên Vòng thuần sắc.
Như vậy, hình vành khăn ngoài cùng chính là Vòng thuần sắc tương ứng với khu vực Vòng Xích Đạo của quả cầu.
Trên hình vành khăn này bố trí dãy màu nguyên sắc chạy vòng tròn quanh đĩa như số lượng trên vòng thuần sắc.
Kế đó, từ tâm của đĩa ta dùng compa, quay tròn, chia bán kính của đĩa ra nhiều đoạn đều nhau, thành nhiều hình vành khăn liên tiếp nhau từ ngoài vào trung tâm. Nghĩa là mỗi múi được chia thành nhiều đoạn thành các hình vành khăn chạy quanh.
Cho nên trên mặt đĩa được tạo thành nhiều ô nối tiếp từ dãy màu nguyên sắc chạy vào bên trong trục màu trung tính.
Từ cách chia này, kể từ hình vành khăn thứ hai, tính từ ngoài vào các ô màu đều bị pha với màu Xám của trục trung tính theo phân lượng từ ít đến nhiều.
Như vậy, toàn bộ các ô màu chạy từ ngoài vào trong có chiều hướng bị tái dần do pha với màu Xám.
Hình tượng mỗi múi màu bị chuyển từ tươi đến tái (theo hướng ngoài vào trong) gợi cho chúng ta có một thuật ngữ mới. Đó là “chiều trung tính”. Đó là sự biến hóa của màu trên phạm vi diện tích của đĩa màu hình tròn.
Tiếp theo là sự phân bố, cách chuyển màu, sắc giữa bản thân mỗi màu và sự biến đổi giữa các màu trên lớp vỏ của khối cầu.
Chúng ta lại chia toàn khối cầu, thành những múi giống như múi giờ trên quả địa cầu. Số lượng múi ấy tương ứng với số ô màu trên Vòng Thuần Sắc.
Như thế chúng ta có những múi chạy suốt từ địa cực trên (tương ứng đỉnh Bắc Cực = màu Trắng) xuống tới đỉnh của cực dưới, (tương đương Nam Cực = màu Đen).
Kế tiếp chúng ta lại chia khối cầu ra nhiều đoạn do vĩ tuyến tạo ra. Do sự giao nhau giữa cách chia các múi và hệ thống vĩ tuyến chúng ta có vô số các ô màu.
Tất cả các ô màu của bán cầu trên (tính từ dãy thứ nhất, phía trên dãy màu nguyên sắc của đường xích đạo tương ứng với hình vành khăn ngoài cùng của đĩa màu) đều được từ từ pha thêm với màu Trắng và nó trở nên sáng dần (đồng thời cũng giảm dần độ tươi thắm). Màu trắng chính là đỉnh của cột màu trung tính (tương ứng với Bắc cực). Như vậy, chúng ta có vô số màu bị pha sáng dần, bớt độ tươi dần, biến thành trắng khi chạy về đỉnh của bán cầu Bắc.
Cũng theo cách này, chúng ta có vô số các ô màu bị đậm dần hướng về cực Nam của quả cầu, do bị pha với màu đen của đỉnh dưới của cột màu trung tính.
Tóm lại, các ô càng ở trên gần đỉnh (Bắc bán cầu) thì bị pha với lượng màu Trắng tăng dần. Các ô càng hướng về đỉnh dưới (Nam bán cầu) thì đậm dần do bị pha với đen. Còn càng hướng về đường xích đạo thì lượng màu Trắng hay Đen càng giảm đi, cho tới ngay cạnh đĩa (tương ứng với đường xích đạo) thì màu trở về trạng thái tươi thắm nguyên thủy.
Khối cầu này thể hiện đầy đủ các chiều của màu sắc: Chiều màu nguyên sắc là chiều biến đổi của tất cả các màu nguyên sắc trên vùng xích đạo.
Chiều quang độ là chiều biến đổi về độ đậm nhạt của mỗi màu, các múi màu (theo sự chuyển động từ cực Bắc xuống tới cực Nam và ngược lại).
Chiều cường độ thể hiện sự biến đổi về độ tươi của mỗi màu, các múi màu hình vành khăn (tức là vùng xích đạo) hướng vào lõi của đĩa màu. Càng vào trong thì màu bị giảm cường độ (tái dần vì cộng với màu Xám).
Do vậy, khi nói một màu nguyên sắc nào đó bị bão hòa (Saturation) với màu xám, có nghĩa là nó bị màu xám lấn át và triệt tiêu độ tươi để trở thành xám.
Thí dụ màu Cam bị pha với màu xám và lượng màu cam tăng dần tăng dần đến độ màu xám bị biến mất và trở thành màu cam. Như vậy có hai cách nói: Thứ nhất là màu xám bị bão hòa với màu cam.
Cách nói thứ hai là màu cam “bị ho màu”. Trạng thái số lượng màu cam tăng dần, tăng dần có nghĩa là càng lúc “độ no màu” (Saturation) của màu cam càng tăng. Nghĩa là càng lúc màu cam càng trở nên tươi thắm hơn.
Như vậy thuật ngữ “saturation” có nghĩa là độ bão hòa và độ no màu.
Vì một màu nào đó ở trạng thái no màu hay bão hòa là nó cũng đang ở trạng thái tươi thắm của màu vì nó có mật độ màu nguyên chất nhiều, cũng có nghĩa là cường độ (intensity) của nó mạnh hơn. Một khi mà cường độ mạnh thì đồng nghĩa với độ tươi thắm, độ rực (brightness) càng lớn.
Tóm lại ba thuật ngữ “intensity”, “brightness”, “saturation” có nghĩa tương tự nhau trong lĩnh vực màu sắc, chỉ khác về biện pháp thể hiện tình trạng nguyên chất để có cường độ, độ thắm tươi, độ rực rỡ tốt.
* Các chiều của màu sắc:
Xuất phát từ các đặc điểm của biểu đồ khối màu nói trên, các nhà nghiên cứu đã xác định và lý giải ba chiều của màu sắc như sau:
1. Chiều thứ nhất được gọi là chiều màu nguyên sắc (Hue):
- Thế nào là nguyên sắc: Màu nguyên sắc là màu vốn đang còn ở tình trạng nguyên chất, giữ nguyên độ tươi, thắm vốn có.
Vì trên thực tế, chúng ta nói “Màu” (Color) thì nó mang nghĩa rất chung chung, không biết nó còn ở tình trạng nguyên chất hay không.
Thử nghĩ, nếu chúng ta có màu Vàng nguyên chất pha vào nó một giọt cực nhỏ màu Trắng hay mười giọt, thậm chí pha vào đó một tí màu Đen thì chúng ta vẫn gọi đó là Màu Vàng. Nhưng đã nói đến “Hue” thì chắc chắn nó ở dạng màu nguyên chất tuyệt đối. Thí dụ khi nói Màu Vàng và ghi là “Yellow hue” hay “Yellow pure” thì người nghe biết rõ là màu Vàng ấy là ở trạng thái rất tươi, còn gọi là “Yellow Color” thì không ai hiểu rõ về cường độ hay quang độ của nó.
“Màu tươi”, “màu nguyên chất” (Hue) là tên gọi những vị trí của màu trên quang phổ. Vì theo tên gọi của quang học, thì những sóng ánh sáng khác nhau tạo ra những sắc màu khác nhau. Do đó, nếu nói theo quang học, thì những màu trên vòng thuần sắc còn gọi là những sắc tươi thắm.
Trên sơ đồ khối cầu thì chiều màu nguyên sắc chạy vòng quanh theo hướng vĩ tuyến, song song với đường xích đạo và tiếp giáp nhau thành vòng tròn.
- Như vậy chiều màu tươi (Hue) có nghĩa là chiều của những màu ở trạng thái nguyên chất mà mắt chúng ta sẽ thấy rõ là các sắc màu có sự liên kết vô cùng chặt chẽ, liên tục, không gián đoạn.
Ngoài ba màu chính thì tất cả các màu dường như đều mang tính chất trung gian, tạo sự liên kết giữa ba màu chính và ba màu phụ. Khi nói tới “Màu tươi nguyên sắc” (Hue) là nói tới hệ thống màu chuyển tiếp liên tục nối kết ba màu chính thông qua hệ thống màu bậc hai, màu bổ túc, màu bậc ba, bậc bốn…
Tóm lại, thuật ngữ “Hue” là một tên gọi về màu, đồng nghĩa với thuật ngữ “Color” nhưng thuật ngữ “Hue” được trình bày trong phạm vi Vòng thuần sắc (Chromatique Circle hay Colors Wheel) là để chỉ các màu còn độ tươi nguyên thủy.
Như vậy, chiều màu nguyên sắc là chiều thứ nhất diễn tả sự biến hóa mạch lạc của các màu nguyên sắc, màu tươi, nằm trên hình vành khăn ở đĩa màu. Nó là khả năng biến màu theo chiều vòng tròn trên đường xích đạo. Đó chính là chiều biến đổi của màu ở trạng thái nguyên sắc. Trên khối màu, nó là chiều xoay tròn trên mặt đĩa phẳng.
2. Chiều cường độ (Intensity):
Cường độ là gì? Cường độ, độ rực, độ chói (Intensity hay Brightness) là mức độ tươi thắm của một màu khi nó đang ở trạng thái nguyên chất hay nó đã bị pha với một màu nào đó làm cho nó từ trạng thái thắm tươi đi đến tình trạng bị giảm độ tươi thắm đi. Chúng ta biết rằng bản thân mỗi màu nguyên chất có cường độ mạnh yếu khác nhau.
Nếu một màu mà bị giảm độ tươi có nghĩa là cường độ của bản thân nó cũng bị yếu đi. Thí dụ tự bản thân màu Vàng nguyên chất vốn có cường độ, độ tươi thắm, yếu hơn màu Cam tươi; màu Xanh đọt chuối có cường độ mạnh hơn màu Xanh lá cây.
Nói cách khác, cường độ còn có nghĩa là độ đập mắt của một màu. Cường độ được định bởi màu nào đó có độ tươi chói hay độ rực trội nhất. Thí dụ: màu Cam tươi pha với một tí màu Xám thì màu Cam chỉ bị giảm chút ít nhưng vẫn còn tươi.
Như vậy, có nghĩa là lượng màu Cam vẫn trội. Nếu pha thêm (cộng thêm) một lượng màu Xám nhiều hơn thì đồng thời có nghĩa là làm giảm bớt (trừ ra) lượng màu Cam và màu Cam sẽ kém tươi đi nhiều.
Nó còn có nghĩa là mức độ thuần túy, mạnh hay yếu, hay độ bão hòa của một màu. Người ta gọi độ bão hòa (saturation) là độ no màu, là sự biến đổi từ màu này sang màu khác… khi màu này bị pha với màu kia mà màu kia có số lượng màu cực kỳ lớn làm cho màu bị nó pha vào biến chất, mất đi tính chất.
Khi ấy, ta gọi là màu thứ nhất bị bão hòa với màu thứ hai.
Thí dụ chúng ta lấy Màu Vàng pha với Màu Đen và tăng lượng Màu Đen lớn dần đến độ triệt tiêu Màu Vàng, làm Màu Vàng biến mất.
Quá trình tăng dần mật độ (dung lượng) của Màu Đen chúng ta gọi Màu Đen bị no dần và độ no ấy phát triển lớn đến nỗi làm cho Màu Vàng bị biến mất.
Quá trình tăng dần mật độ (dung lượng) của màu Đen chúng ta gọ màu Đen bị no dần và độ no ấy phát triển lớn đến nỗi làm cho màu Vàng bị biến mất. Khi ấy màu Đen có độ no màu tuyệt đối và màu Vàng bị bão hòa trong màu Đen.
Trên đĩa màu, chiều cường độ dùng để diễn tả sự mất dần độ thắm tươi, độ rực của một màu nguyên sắc (hue) khi pha màu ấy với số lượng màu Xám tăng dần, tăng dần mãi.
Chiều cường độ còn thay đổi ở dạng khác nữa. Đó là chiều màu đi từ trạng thái tươi đến sáng hoặc từ tươi đến đậm khi pha màu nguyên sắc nào đó với lượng màu Trắng hay Đen tăng dần.
Trên khối cầu màu, chiều cường độ chuyển từ trạng thái tươi thắm đi đến sự giảm dần… chủ yếu theo chiều hướng đi từ cạnh ngồi của mỗi múi trên đĩa màu chuyển vào phía trong lõi. Tức là các ô màu nguyên sắc trên hình vành khăn (tương ứng với đường xích đạo) hướng dần vào bên trong và tiếp xúc với tâm của đĩa vốn là cột màu trung tính.
Thuật ngữ cường độ này nói tới sự tinh khiết (Purity) và độ mạnh (Strength) của một màu. Trạng thái này đồng nghĩa với trạng thái tươi thắm, độ rực của màu (Brightness).
Trong thực tế ứng dụng thì cường độ tươi của một màu là mức độ kích thích của nó đối với thị giác. Một màu có cường độ mạnh, khi nó giữ độ thắm tươi, chưa bị pha với màu Đen màu Trắng, hay bị pha với màu tương phản với chính nó hoặc màu đậm hơn nó.
Khi nói đến thuật ngữ cường độ, đôi khi người ta còn nói đến trạng thái bão hòa của màu (saturation).
Thuật ngữ “bão hòa” dùng để nói tới trạng thái khi ta pha màu người ta còn nói đến trạng thái bão hòa của màu. Khi ấy màu kia bị bão hòa với màu có số lượng lớn. Nó còn biến chất, với tinh thần, không còn là nó nữa.
Thí dụ: màu Cam thật tươi là màu có cường độ mạnh. Ta pha nó với lượng màu Xám tăng dần. Thế là màu Cam bớt tươi dần, xỉn đi, tái xám dần cho đến khi khối lượng màu Xám gia tăng gấp nhiều lần thì màu Cam sẽ biến thành màu Xám có ửng sắc nóng và nó trở thành màu Xám. Khi đó chúng ta nói màu Cam bị bão hòa với màu Xám, nghĩa là nó không còn là nó mà trở thành màu Xám.
Tóm lại màu ở trạng thái bão hòa (còn được gọi là độ no của màu) là màu có cường độ mạnh, tự khẳng định tính chất của mình, nếu độ bão hòa kém thì tương đương với cường độ yếu.
3. Chiều quang độ (Value):
- Quang độ là gì?
Quang độ là độ sáng tối, đậm hay nhạt của một màu tạo thành một dãy một sắc, một dãy màu, một gam màu. Trong tất cả các màu, màu Trắng có quang độ sáng nhất, màu Đen có quang độ tối nhất. Giữa hai thái cực, cực Trắng và cực Đen có nhiều bậc quang độ khác nhau.
Màu Đỏ có thể ở tình trạng tối (thành màu Đỏ đậm) hay sáng (thành màu Hồng) hoặc ở bất cứ quang độ nào đó nằm giữa hai bậc đó (Đỏ Đậm và Hồng).
Nếu quan sát ba màu chính trên vòng thuần sắc: Vàng chanh, Đỏ và Lam, thì màu Vàng chanh có quang độ sáng hơn màu Đỏ và Lam. Đỏ và Lam có quang độ gần như ngang nhau.
- Quang độ gốc của một màu là gì?
Quang độ gốc của một màu là độ đậm hay nhạt của màu ấy ở trạng thái còn nguyên chất. Thí dục chúng ta lấy máy ảnh đen trắng chụp Vòng thuần sắc. Khi ấy, nhìn trên khu vực dãy màu nguyên sắc, nguyên chất thì chúng ta thấy màu Vàng có quang độ sáng nhất; kế đó độ sáng bị bớt dần ở màu Vàng Nghệ, Xanh Đọt chuối, màu Cam, màu Đỏ rồi cuối là màu Tím.
Nếu so sánh thì ta thấy quang độ của hai màu Đỏ và Xanh Lam dường như ngang nhau. Màu Tím là màu đậm nhất.
Trên sơ đồ khối màu thì từ một màu gốc (trên hình vành khăn của đĩa màu tương ứng với vùng xích đạo) là màu nguyên chất.
Nếu pha bất cứ màu nào của chúng với màu Trắng và tăng dần mật độ màu Trắng lên (về phía trên) hay pha màu nguyên chất nào đó với màu Đen và cũng tăng lượng màu đen dần dần (về phía dưới) thì chúng ta có vô số những sắc độ đậm nhạt của một màu.
- Chiều quang độ là gì?
Quan sát một múi màu theo chiều kinh tuyến đi từ bán cầu trên xuống bán cầu dưới, cho thấy chiều đậm nhạt của một màu hay nói một cách chính xác là sự thay đổi độ đậm nhạt của một màu khi ta pha nó với màu Đen hoặc màu Trắng.
Trên sơ đồ hình khối cầu thì chiều quang độ chính là chiều đậm nhạt của một màu trên khối màu, tính theo chiều của đường kinh tuyến.
>>> Mối quan hệ giữa màu sắc và ánh sáng
>>> Ánh sáng và màu sắc trong thiết kế gỗ và nội thất
>>> Mô hình màu sắc từ thế kỷ XVII