Mối quan hệ giữa màu sắc và ánh sáng
Màu thiên nhiên - Màu nhân tạo
Nói đến màu sắc, mà chúng ta không nói tới ánh sáng thì quả là không khoa học.
Khi nói về màu sắc và ánh sáng, họa sĩ Dufi đã nói: “Không có ánh sáng thì hình thể không có sự sống, vì nếu chỉ với màu sắc của bản thân hình thể ấy, thì nó không thể biểu hiện một cách đầy đủ hình thể của nó. Do đó, trước hết chúng ta tiếp nhận ánh sáng, rồi mới tới màu sắc”, và ông ta còn nói:” màu sắc = ánh sáng”.
Nhà văn André Roujane đã nói: “Ánh sáng làm đập trái tim của vũ trụ”.
Thi sĩ Edmond Rostand cũng ca ngợi ánh sáng: “Ôi mặt trời! Không có mi thì vạn vật không thể tồn tại được”
Đúng như vậy! Nếu không có ánh sáng thì sẽ không có bóng tối, không có màu sắc, không có chiều sâu, không có sự nổi bật của khối lồi lõm, cũng sẽ không có thế giới thần tiên đầy màu sắc làm rung động và lôi cuốn trái tim và thị giác của chúng ta.
Ánh sáng làm đẹp cuộc đời là như vậy đó! Vì “khi mặt trời đi qua con ngươi ướt át, thì nó tạo nên sự cảm nhận muôn ngàn màu sắc”.
Vậy ánh sáng là gì?
Đây là vấn đề chính cho việc nghiên cứu quang học từ xưa đến nay. Để trả lời câu hỏi trên, qua nhiều năm nghiên cứu, ngày nay người ta đã xác lập một cách chắc chắn: “Ánh sáng là các sóng điện từ có bước sóng ngắn”.
Theo nghĩa hẹp, ánh sáng chỉ là những sóng có tác dụng lên thần kinh thị giác để gây ra cảm giác sáng. Ta gọi chúng là ánh sáng khả kiến (nhìn thấy được). Thực chất chúng ta chỉ nhìn thấy được vật phát sáng, chứ không thể “nhìn thấy” được “bản thân” ánh sáng.
Theo thí nghiệm của bác học Newton thì sau khi chùm tia sáng trắng đi qua lăng kính thì nó thành một quang phổ, gồm nhiều màu đơn sắc sắp xếp cạnh nhau, được gọi là hiện tượng tán sắc ánh sáng.
Sau khi đi qua lăng kính, thì quang phổ ấy hiện ra một dãy màu như màu sắc cầu vồng: Tím, Chàm, Lam, Lục, Vàng, Cam và Đỏ.
Bác học Newton cho rằng, ánh sáng mặt trời được cấu tạo bằng vô số những tia bức xạ lan rộng từ màu Đỏ đến màu Tím.
Theo thứ tự thì màu Đỏ tương ứng với tia hồng ngoại (Infra Red), còn màu Tím tương ứng với tia tử ngoại (Ultra Violet). Đơn vị đo của bức xạ và các dải sóng được tính bằng Miron và Namomet.
Bác học Newton đã nói: “Sự khác biệt của những màu sắc tùy thuộc vào cái đã tạo ra những loại tia sáng ấy”. Vì mỗi loại tia sáng tạo ra màu có bước sóng dài ngắn khác nhau. Mà tia sáng nào có bước sóng ngắn thì sẽ bị khúc xạ nhiều hơn loại tia sáng có bước sóng dài.
Các sóng ánh sáng được đo bằng đơn vị tần số còn vận tốc của ánh sáng thì được đo bằng giây.
Dưới đây là trị số của bước sóng và tần số của một vài sóng ánh sáng đơn sắc.
Như vậy chúng ta thấy rằng Màu Tím có bước sóng ngắn nhất, kế đó là Màu Lam, Màu Vàng, Màu Đỏ là màu có bước sóng dài nhất trong quang phổ cầu vồng.
Từ bảy màu trên quang phổ cầu vồng: Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Chàm, Tím, người ta có thể phân biệt rất nhiều màu chuyển tiếp, trung gian nối liền bảy màu này. Nhưng người ta tinh mắt nhất chỉ có thể phân biệt 100 loại sắc màu khác nhau trên bảy màu gốc đó mà thôi.
Vậy thì màu sắc là ánh sáng hay có thể gọi nó là con đẻ của ánh sáng. Theo ý nghĩa hẹp ở định nghĩa ánh sáng, thì màu sắc mà chúng ta nhận biết được từ ánh sáng, cũng có nghĩa là những cảm giác về màu sắc mà thôi.
Về mặt lịch sử thì trước Newton đã có người nghiên cứu, đưa ra lý luận, lý giải hệ thống màu sắc. Đó là nhà khoa học Hy Lạp tên là Francicus Aguilonius, ông này đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 1613. Trong khi đó Newton nghiên cứu lý thuyết về màu sắc và ánh sáng năm 1660. Có thể nói Francicus Aguilonius là nghiên cứu lĩnh vực này sớm nhất.
Vậy thì màu sắc là gì?
Như đã nói ở trên, đầu tiên, về mặt quang học chúng ta có thể khẳng định rằng: “Màu sắc là con đẻ của ánh sáng”.
Màu sắc chính là hiệu quả hiển thị của các loại ánh sáng có bước sóng dài, ngắn khác nhau.
Màu sắc còn là do sự phản chiếu của ánh sáng trên những vật thể. Như vậy thì ở đây, bản thân màu sắc là ánh sáng và bản thân vật thể ấy cũng có màu sắc.
Màu sắc của vật thể mà chúng ta nhìn thấy, đó là tổng hòa giữa các loại màu sắc: màu sắc của ánh sáng và màu sắc của chính bản thân nó, màu sắc của môi trường, màu sắc của bầu khí quyển đang bao bọc xung quanh các vật thể ấy.
Xét về công nghệ hóa màu thì màu sắc là những sắc tố, chất màu vô cơ hay hữu cơ được các nhà hóa học chế tạo ra để bắt chước các màu sắc từ thiên nhiên và ánh sáng, sẽ giúp cho lĩnh vực mỹ thuật, trang trí kiến trúc… làm đẹp cuộc sống.
Khi đó màu sắc thường ở dạng màu sơn (sơn dầu, sơn nước…), màu dùng để vẽ như màu nước, màu bột, màu sáp, mầu dầu… phẩm màu dùng để nhuộm… được con người, các nhà sản xuất, công nghệ hóa màu chế tạo nên từ các nguồn hóa chất vô cơ hoặc hữu cơ, dùng để sơn, kẻ vẽ, trang trí, bắt chước lại màu sắc của thiên nhiên dùng làm chất liệu diễn màu, để diễn tả, đối tượng hay nội dung nào đó…
Vậy thì màu sắc của các vật thể là gì?
Ở nghĩa hoàn toàn vật chất cụ thể, thì màu sắc là những sắc tố mà người ta dùng để bắt chước lại màu sắc của ánh sáng do chế tạo để ghi lại trên giấy, vải, bố… những màu sắc của cuộc sống vạn vật, của vũ trụ. Ngoài ra còn có loại màu sơn dùng trong lĩnh vực trang trí kiến trúc… Loại màu để vẽ hay để sơn được người ta còn gọi nó là màu do sự chế tạo từ những sắc tố (Pigment Colors).
Nhìn chung, thì màu sắc là những chất có màu hay được nhuộm màu. Những sắc tố được nhuộm màu: màu nước, màu thủy hồ, sơn dầu hay các loại mực khác. Màu sắc được chế tạo từ động vật, thảo mộc, khoáng chất và hóa chất với một kỹ nghệ hóa học riêng.
Ngày nay, ngành hóa học hiện đại có sự tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là công nghệ hóa màu, đã chế luyện được nhiều màu sắc vô cùng phong phú, thậm chí ba màu chính pha ra cũng không được.
Tuy nhiên, màu sắc – hay nói chính xác hơn là cảm giác về màu sắc là ấn tượng được ghi nhận trên võng mạc của mắt chúng ta do những chùm ánh sáng màu. Đã có một môn khoa học chuyên nghiên cứu về tác động của màu sắc đối với con người, và cảm giác của con người đối với màu sắc.
Đó là môn “Cảm giác học về màu sắc”. Đây là một môn khoa học nhằm nghiên cứu về màu sắc và khả năng tác động của nó đến thị giác, thần kinh, tâm tư, tình cảm của con người, cũng như nghiên cứu sự phản ứng của thần kinh thị giác, tâm sinh lý của con người khi tiếp xúc, nhìn thấy một số máu ắc nào đó thậm chí cả những ảo giác về màu sắc…
Về lĩnh vực mỹ thuật, nếu chúng ta dựa vào sự phân tích bảy sắc cầu vồng của nhà bác học Newton trên quang phổ để rút ra những màu chủ yếu nhất cho lý luận giảng dạy màu sắc. Còn nữa cũng chính thì từ hệ bảy sắc cầu vồng này mà chúng ta rút ra ba màu và coi đó là ba màu chính (Primary Colors). Đó là ba màu cốt lõi: màu Vàng chanh, màu Đỏ, màu Xanh lam. Đấy cũng là cách rút gọn của bảy sắc màu trên cầu vồng.
Vậy ánh sáng là:
- Ánh sáng: Đỏ + Cam + Vàng + Lục + Lam + Chàm + Tím
Hay giản dị hơn:
- Ánh sáng: Đỏ + Vàng + Lam
Theo những thí nghiệm quang học, thì đặt bảy màu của quang phổ cầu vồng lên một cái đĩa và cho quay thật nhanh, thì các màu ấy sẽ tạo ra một cảm giác về màu Trắng. Đó là trường hợp của Màu Ánh Sáng.
Trên thực tế, nếu lấy loại màu nhân tạo giống như bảy sắc cầu vồng pha chung lại với nhau không thể nào tạo ra màu Trắng như màu ánh sáng mà là cho ra màu Xám xỉn.
Có khi người ta còn gọi màu Xám này là màu Đen, nhưng chính xác thì nó là một loại màu xám đậm, màu Xám này khác với loại màu Xám tro do sự pha trộn giữa màu Đen và màu Trắng.
Tóm lại, trước khi tìm hiểu sâu về màu sắc thì chúng ta phải phân biệt có hai loại màu khác nhau. Đó là:
- Thứ nhất là màu của Ánh sáng (Light Colors), là màu tự nhiên.
- Thứ hai là loại màu sơn, mà con người chế tạo ra thông qua công nghệ hóa màu hay phương tiện thủ công (Pigmentairy Colors) dùng để sơn phết, tô vẽ, phục vụ cho việc sáng tác, thể hiện các tác phẩm nghệ thuật thị giác trong kiến trúc và mỹ thuật.
- Họa sĩ Uyên Huy -
>>> Màu sắc có đo được không (Phần 1)