Kết hợp nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi
trong thiết kế thời trang

Thiết kế thời trang là một trong lĩnh vực nghệ thuật, luôn mang trong mình cảm hứng nghệ thuật, tính nhạy bén, sáng tạo, đồng thời ngôn ngữ biểu đạt của thời trang cũng hết sức phong phú, hướng tới  cái đẹp, giá trị thẩm mỹ mới trong từng bộ trang phục.

Đối với sinh viên chuyên ngành, để thiết kế ra được những bộ trang phục có sự hợp lý và có thẩm mỹ tốt thì việc vận dụng những kiến thức về mỹ thuật trang phục là vô cùng cần thiết. Các kiến thức này trang bị cho sinh viên những nền tảng căn bản về cơ sở của thẩm mỹ trang phục, trong đó có các nguyên tắc thiết kế. Có rất nhiều nguyên tắc được vận dụng trong thiết kế thời trang, tuy nhiên trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc kết hợp  nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi, bởi nếu kết hợp tốt hai nguyên tắc này đây cũng chính là một phương pháp ưu việt để tạo ra những sản phẩm thời trang có chất lượng tốt.

1. Một số khái niệm

- Nguyên tắc: “Nguyên”: gốc, “tắc”: phép tắc. Vậy, nguyên tắc thiết kế trang phục chính là các phép tắc để người thiết kế phải tuân theo. Các nguyên tắc thiết kế được hiểu là các phép tắc được áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực của mỹ thuật nói chung và mỹ thuật trang phục nói riêng.

- Nhịp điệu: là một phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật trong nghệ thuật, dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kỳ, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng thẩm mỹ. Trong văn học, nhịp điệu là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, môtíp,… nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mỹ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống, chống lại sự đơn diệu, đơn nhất của văn bản nghệ thuật. Nhịp điệu được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong đó có mỹ thuật trong trang phục.

- Biến đổi: là sự thay đổi, làm cho khác trước. Thuật ngữ này được dùng trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, nghệ thuật…

2. Nguyên tắc trong thiết kế thời trang

+ Nguyên tắc sắp đặt: Để tạo nên một bộ thời trang hoàn chỉnh, thống nhất cần có sự sắp xếp, kết hợp các yếu tố mỹ thuật (hình dáng, màu sắc, chất liệu, họa tiết…) theo một ý đồ, một nguyên tắc nào đó của nhà thiết kế nhằm chuyển tải thông điệp, ý tưởng trên mẫu thiết kế thời trang. Đó còn được gọi là bố cục

+ Nguyên tắc thống nhất: Thống nhất là nguyên tắc phổ biến trong thiết kế bộ trang phục, bộ sưu tập thời trang. Nguyên tắc này đòi hỏi nhà thiết kế sử dụng các yếu tố, đối tượng, màu sắc, nguyên lý giống nhau trong suốt quá trình sáng tác mẫu thời trang.

+ Nguyên tắc cân xứng: Cơ thể con người là đối xứng, do vậy sự cân xứng là nguyên tắc quan trọng trong thiết kế. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều những kiểu trang phục khác nhau, vì vậy có những mẫu thời trang không có thể chất cân bằng thực tế mà nhà thiết kế phải tạo ra sự ảo giác về cân bằng, được gọi là cân bằng thị giác.

+ Nguyên tắc đối lập: Đối lập xảy ra khi sử dụng cùng lúc những cặp yếu tố mỹ thuật có hình thức trái ngược nhau như: Màu sắc (nóng – lạnh), đường nét (thẳng cong, ngang – đứng v.v..); hình dáng (vuông – tròn, lớn – nhỏ); chất liệu (mịn – thô ráp…). Đối lập nhằm tạo ra chính – phụ rõ ràng, nhấn mạnh trọng tâm.

 + Nguyên tắc trọng tâm: Trọng tâm là điểm nhấn nhằm gây sự chú ý trên trang phục. Có thể dùng các nguyên tắc cân bằng bất đối xứng, đối lập, nhịp điệu để tạo nên trọng tâm cho trang phục, cho thông điệp mà nhà thiết kế muốn chuyển tải từ sáng tạo của mình. Trong thiết kế, ta có thể dùng trọng tâm để thu hút sự chú ý ra khỏi chỗ khuyết điểm và hướng mắt nhìn vào vị trí đẹp nhất của bố cục trang phục.

+ Nguyên tắc nhịp điệu:

Nhịp điệu rất phổ biến trong đời sống, có thể gặp nhịp điệu trong những bài hát, những hàng gạch, những hàng cây, những dãy nhà… Nhịp điệu là sự nhắc lại, sự lặp lại có quy luật (đều, nhanh – chậm, dày đặc – thưa thớt) một cách có chủ đích của các hình dạng, hình khối, màu sắc, chất liệu, họa tiết, đường nét… trong mẫu thiết kế thời trang. Nhịp điệu giúp các yếu tố mỹ thuật liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên tính đồng bộ trong tổng thể bộ trang phục.

Một số dạng nhịp điệu phổ biến trong thiết kế thời trang:

+ Nhịp điệu thông thường, tăng dần hay giảm dần, ngẫu nhiên các chi tiết trong trang phục

thoi trang 1

+ Nhịp điệu có thể tạo ra bằng các mô típ khác nhau hoặc các chi tiết thiết kế có tính liền mạch

thoi trang 2

+ Nhắc lại đường viền, khoảng cách

thoi trang 3

+ Nhịp điệu đường theo một hướng

thoi trang 4

+ Nhịp điệu họa tiết với kích thước khác nhau

thoi trang 5

+ Nhịp điệu theo tông màu từ sáng đến tối

thoi trang 6

Có thể dễ dàng nhận ra các dạng nhịp điệu thông thường hay vận dụng trong thời trang: nhắc lại về phong cách; màu sắc; trang trí; hình khối; họa tiết; chất liệu; nhịp điệu giữa trang phục với trang điểm và phụ trang…

Ví dụ: nhịp điệu về màu sắc: trên áo có màu vàng, nên nhắc lại màu vàng ở phần phối cho chân váy, đồ trang sức hoặc phụ trang. Nhịp điệu về hình khối: trên áo có túi hộp dạng hình chữ nhật thì chân váy hoặc quần nên là dạng hình chữ nhật kiểu khỏe khoắn. Nhịp điệu trong sắp xếp đường nét, chất liệu, phong cách trên bố cục ảnh thời trang…

thoi trang 7
Nhịp điệu trong bố cục ảnh thời trang (nhắc lại về màu sắc, đường nét, chất liệu, hình và nền…)

thoi trang 8
Nhịp điệu về hình khối (mẫu 1), đường nét  (mẫu 2)

+ Nguyên tắc biến đổi:

Biến đổi là sự thay đổi về tỷ lệ, chiều hướng của các yếu tố thẩm mỹ nhằm tạo những cảm xúc thị giác phong phú, không gây nhàm chán. Sự biến đổi luôn song hành cùng nhịp điệu và chuyển động. Biến đổi không làm mất tính chất của nhịp điệu mà ngược lại khiến cho nhịp điệu thêm phong phú và đa dạng. Biến đổi chính là sự thay đổi về tỷ lệ, chiều hướng, vị trí của các yếu tố mỹ thuật để tạo ra sự phong phú cho nhịp điệu của bộ trang phục. Sự kết hợp giữa nhịp điệu và biến đổi là nguyên tắc bắt buộc trong thiết kế thời trang.

3.  Kết hợp nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi trong thiết kế thời trang

a. Ý nghĩa

Nếu chỉ áp dụng nhịp điệu là cách nhắc lại các yếu tố mỹ thuật một cách đơn thuần, trên  áo có gì thì dưới quần, váy có yếu tố mỹ thuật giống như vậy thì sẽ tạo ra một sản phẩm thời trang  không rõ chính phụ, không tạo được sự chuyển động về thị giác. Vì vậy,  để tạo nên được sự phối hợp tinh tế trên trang phục, nguyên tắc nhịp điệu nhất thiết phải kết hợp cùng nguyên tắc biến đổi.

2 nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi luôn song hành trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật nói chung và mỹ thuật trang phục nói riêng. Nhịp điệu là để gắn kết, tạo nên tính đồng bộ cho bố cục trang phục chặt chẽ. Biến đổi có nhiệm vụ thay đổi tạo ra sự phong phú, sự chuyển động, các hiệu ứng thẩm mỹ cho các yếu tố mỹ thuật trên tổng thể trang phục. Nếu chỉ có biến đổi mà không có nhịp điệu thì các yếu tố mỹ thuật sẽ không có mối liên kết khiến bố cục trang phục tan rã; nếu chỉ sử dụng nhịp điệu mà không kết hợp biến đổi sẽ khiến trang phục đơn điệu, nhàm chán, không thu hút thị giác.

Sau đây là một số minh họa về sự kết hợp 2 nguyên tắc nhịp điệu với biến đổi thường dùng trong thiết kế trang phục thời trang:

+  Nhịp điệu, biến đổi về màu sắc

Màu sắc nhắc lại trong bố cục trang phục, được biến đổi tỷ lệ: màu đen, trắng nhắc đi nhắc lại từ áo, váy, giày, thắt lưng. Nguyên tắc biến đổi được thay đổi từ ít đến nhiều và thay đổi vị trí để tạo nên sự phong phú cho bộ trang phục

thoi trang 9

Nhịp điệu, biến đổi về họa tiết: họa tiết được in nhắc lại trên các vị trí khác nhau, biến đổi thể hiện ở diện tích mảng và chiều hướng được thay đổi từ lớn đến nhỏ.

thoi trang 10

+  Nhịp điệu, biến đổi về phong cách: phong cách thể thao thể hiện đồng bộ bằng cách nhắc lại trên tổng thể bộ trang phục, được biến đổi tỷ lệ phù hợp từ lớn – nhỏ, ít – nhiều, mảng – nét.

thoi trang 11

+ Nhịp điệu, biến đổi tổng thể các yếu tố mỹ thuật trong bộ sưu tập thời trang để tạo ra đồng bộ.

thoi trang 12

b. Quy trình kết hợp

Muốn tạo nên bộ trang phục có thẩm mỹ tốt, bố cục hài hòa và hợp lý, kết hợp 2 nguyên tắc nhịp điệu và biến đổi cần theo một quy trình như sau:

- Phác họa kiểu dáng trang phục

- Phác kiểu dáng, tỷ lệ trang phục

- Kết cấu chính

thoi trang 13
Sử dụng yếu tố mỹ thuật

Để xây dựng bố cục trang phục, cần xác định yếu tố mỹ thuật được sử dụng: đường nét, họa tiết, màu sắc, chất liệu, hình khối… và hình thức thể hiện.

Dự định yếu tố mỹ thuật chủ đạo nào được lựa chọn để tạo nên tính nhịp điệu, yếu tố đó sẽ biến đổi ra sao?

thoi trang 14

- Vận dụng nguyên tắc thiết kế

- Vận dụng các nguyên tắc: sắp đặt, thống nhất, trọng tâm, cân xứng, đối lập để:

+ Sắp xếp vị trí trọng tâm

+ Sắp xếp mảng chính – phụ

+ Vẽ kết cấu chi tiết, trang trí

- Vận dụng nguyên tắc nhịp điệu để đặt yếu tố mỹ thuật trên các vị trí thích hợp (Ví dụ: ngực, vai, gấu váy, tay…)

- Vận dụng nguyên tắc biến đổi để thay đổi tỷ lệ, chiều hướng, vị trí của yếu tố mỹ thuật vừa đặt sao cho đảm bảo trọng tâm, rõ chính – phụ và tạo nên hướng vận động đẹp (biến đổi yếu tố mỹ thuật đó ở vị trí khác, thay đổi tỷ lệ ngắn, dài, ít, nhiều, chiều hướng khác…)

-  Kiểm tra lại tổng thể bố cục

- Chỉnh sửa, hoàn thiện

thoi trang 15
Bản vẽ hoàn thiện với sự kết hợp các nguyên tắc thiết kế

- Khúc Thị Minh Phượng -

>>> Thiết kế thời trang

>>> Phương pháp làm thời trang

>>> Bản phác thảo khác diễn họa thời trang

0976984729