Mỹ thuật sân khấu thời cổ đại
1. Sự hình thành mỹ thuật sân khấu thời cổ đại:
Từ thời nguyên thủy, khi con người bắt đầu biết múa, biết hát là họ đã biết tô điểm cho thân thể mình bằng những chùm lá, những mảnh da thú, những túm lông chim, bông lau, chuỗi vỏ ốc… Họ còn biết sử dụng các thứ có sẵn trong thiên nhiên như cây cối, thảm cỏ, bờ suối, sườn non… để làm đẹp cho cả khung cảnh môi trường quanh họ. Vai trò của thiết kế mỹ thuật (sơ khai) đã được biết đến, đã được vận dụng tham gia vào đời sống con người, vào các loại hình nghệ thuật của con người. Trong đời sống thời nguyên thủy, con người phải lao động (hái lượm, săn bắt… để có thức ăn, đồ dùng), phải đấu tranh (với các loài khác, với thiên nhiên, với các bộ lạc khác) để sinh tồn. Trong quá trình lao động và đấu tranh, nhất là đấu tranh với thiên nhiên (mưa to, gió lớn, sét đánh, cây đổ, núi sập, nước dâng), đấu tranh với các thú dữ, con người phải phát huy thể lực, trí lực, phải khôn ngoan, phải đoàn kết và tổ chức thành bầy đàn để sống. Con người thời đó đã phỏng theo những thứ sừng nhọn, nanh dài, móng sắc của các loài thú, để làm ra các công cụ tương tự sử dụng trong lao động và đấu tranh. Đây là bước đầu của sự khai thác và phát triển bản năng bắt chước, là thành quả của sự cố gắng lao động trí lực.
Số người sinh ra ngày một nhiều, cuộc sống ngày một khó khăn, lao động, đấu tranh ngày một vất vả, con người phải tìm cách truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm lao động, đấu tranh bằng cách kèm cặp trực tiếp, hoặc bằng cách diễn tập cho người khác xem, rồi để họ bắt chước mà làm. Những động tác của người đi săn, người hái lượm, những động tác tự vệ và tấn công, những hiện tượng tự nhiên được nhân cách hóa, những phương pháp đấu tranh, chống đỡ, thậm chí thuần phục thiên nhiên.. được diễn ra, là mầm mống của diễn xuất sân khấu. Sau một đợt lao động, đấu tranh, nhất là những khi đạt được thắng lợi, bầy người tập trung đốt lửa, nướng con thú, thị uy đối với tù binh… vừa để ăn mừng, vừa để diễn tập lại những bài học lao động, chiến đấu. Họ reo hò, buồn rầu, đau khổ được thể hiện, thì đây lại là những hình thức đầu tiên của kịch biểu lộ tình cảm.
Còn nữa, đối với những người đã dũng cảm hy sinh trong lao động, trong đấu tranh, được mọi người ca ngợi, thương xót, truy điệu, đó là hình thức kịch lễ nghi, kỷ niệm được hình thành. Trong quá trình lao động, đấu tranh, tiếp xúc với tự nhiên, có những hiện tượng tự nhiên mà con người không giải thích nổi, cũng như đối với những nhân vật (kể cả con vật nào đó) mà con người cho là rất có công với họ, họ tôn làm thần, họ sùng bái, thờ cúng, tế lễ, hoặc cho là có hại mà phải trừ khử, họ cũng cúng lễ, đọc bùa chú v.v… bằng những diễn xướng đặc biệt, dẫn đến sự hình thành kịch múa hát theo nghi thức tôn giáo. Vậy là, dù diễn ra như thế nào, tất cả đều bắt nguồn từ lao động đấu tranh.
Để chứng minh thêm, người ta dùng lối chiết tự, duy từ định gốc. Tiếng Anh: drama là kịch, do chữ drao của Hy Lạp biến thành. Mà drao nghĩa chính là động tác. Động tác, từ nguyên thủy xuất phát, nảy sinh từ lao động, đấu tranh để sống còn! Vậy, chúng ta có thể hiểu rằng lao động, đấu tranh là nguồn gốc của động tác, nghĩa là của drao, nghĩa là của drama, cuối cùng nghĩa là kịch. Cùng với cách như trên, ở Trung Quốc người ta phân tích cấu tạo chữ Hí, chữ Kịch trong đó có những thành tố (như có chữ qua là một vũ khí thời cổ, còn gọi là công cụ lao động đánh cá v.v…) chứng minh hí kịch là có từ nguồn gốc lao động, đấu tranh, mà phát triển các động tác bắt chước, vui chơi, giải trí từ những hoạt động lao động, đấu tranh. Như trong các trò chơi Trồng nụ trồng hoa, Thả đỉa ba ba, Ném còn (Việt Nam) ít nhiều đều mang ý nghĩa khuyến khích sản xuất, chăn nuôi, cầu cho mưa thuận gió hòa, nghĩa là đã có nguồn gốc từ lao động, sản xuất. Các trò chơi như Đuổi bắt, Vật nhau cũng là sự biểu hiện những hình thức của đấu tranh, chiến đấu.
Còn các diễn xướng tưởng như bắt nguồn từ tế lễ, tôn giáo thì chính cũng là nhằm cầu thần phù hộ cho người nông dân sản xuất (chính là lao động) được mùa. Lễ cúng thần Đi-ô-ni-dốt ở Hy Lạp hay trò Bắt cá cúng thần ở Việt Nam chính là diễn lại quá trình quăng chài thả lưới (chính là lao động). Các trò diễn xướng trong Lễ hội Gióng như: múa cờ, đuổi giặc, lấy nước… không thể là gì khác để ca ngợi tinh thần kháng chiến chống ngoại xâm (chính là đấu tranh).
Rõ ràng là bên cạnh những nghi thức tế lễ mang màu sắc tôn giáo là các hiện thực lao động, đấu tranh. Cuộc sống lao động, đấu tranh của con người nguyên thủy và khát vọng của họ đã được phản ánh trong các sinh hoạt ấy là những hình thức phôi thai, là tiền đề của sân khấu có yếu tố mỹ thuật ở trong đó.
2. Những yếu tố tiền đề của mỹ thuật sân khấu
Cách đây hàng ngàn năm, ở Đông nam Á, trên dải đất mà ngày nay người Việt Nam đang sinh sống, đã có một nền văn hóa cao, trong đó các sinh hoạt nghệ thuật đã manh nha hình thành và phát triển. Từ thời Hùng Vương, “cảnh múa hát vũ trang và hóa trang theo nhịp trống đồng trầm hùng, hòa với tiếng khèn tình tứ, cảnh đua thuyền trên sông nước… được chạm khắc trên rất nhiều trống đồng và đồ đồng Đông Sơn khác… Những hình người trên trống đồng này được khắc chạm cách điệu cao, múa hát sống động trong bộ áo, váy được kết bằng lá cây, lông vũ, trên đầu cài lông chim hay bông lau cao vút, vừa có ý nghĩa về một tín ngưỡng thờ vật tổ, vừa nói lên một hiện thực là cư dân cách đây hàng nghìn năm đã biết hóa trang, cải trang để biểu diễn trong ngày hội. Người thì múa tay không, người cầm chuông, cầm khèn…, người khác mang nông cụ, vũ khí (giáo, rìu, lao…) nhảy múa bên cạnh những dàn cồng chiêng, những người đánh trống đồng, người giã gạo… Lại còn các hình chim bay, chim đậu, hươu đực, hươu cái xen kẽ, hình nhà sàn, mái thuyền… tạo một khung cảnh sôi động khác thường. Rồi những con thuyền cong (trên thạp đồng) có bánh lái chở nhiều người trong trang phục kết bằng lông vũ. Chiếc thuyền cũng được trang trí bằng những hoa văn đẹp, chung quanh là bày chim bay lượn với nhiều dáng vẽ rất sinh động…
Những hình ảnh cách điệu như trên phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội như một bức tranh, như một hoạt cảnh mang tính sân khấu, là bước đầu của những trò nhại, trò diễn …
Một số hình ảnh sinh hoạt nghệ thuật trò chơi dân gian khắc họa trên trống đồng
Hình người ca múa có cải trang và cầm đạo cụ
Cảnh chèo thuyền có hóa trang
Hình người chơi trò trồng nụ trồng hoa
Hình người chơi trò thả đỉa ba ba
Như vậy cùng thời mà ở phương Tây cổ đại (thế kỷ thứ VI trước Công nguyên), xôn xao những bi kịch như Prômêtê bị xiềng, Ăng ti gôn, Mê đê … thì ở nước Văn Lang (Việt Nam cổ) này cũng đã rộn ràng những điệu múa, những âm thanh nhạc khí sôi động. Người ta đã tìm được từ trong lòng đất nhiều trống đồng cổ, trên mặt trống, tang trống có khắc họa các cảnh múa hát có hóa trang (người hóa trang thành chim, hay cầm giáo, mộc, cung tên… (với ý nghĩa chiến đấu), cầm chày giã gạo (với ý nghĩa lao động sản xuất), là cơ sở ra đời của mỹ thuật sân khấu. Và trước khi định danh cho các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, thì tiền sân khấu của người Việt đã manh nha và phát triển từ những trò nhau, hát ca ra bộ, hình thức tế lễ, diễn xướng dân gian… như lễ tế thần Tân Viên; các trò diễn trong Hội Gióng có múa cờ, đuổi giặc lấy nước… Ví như trò bắt cá cúng thần: Một thanh niên đóng vai con cá. Chín vai nữ (do nam đóng), mặc đồng phục, vừa múa hát vừa đuổi bắt cá. Bắt được “con cá”, đặt nằm lên bàn, làm lễ, dâng tế thần. Trò trám, gắn liền với veiecj thờ sinh thực khí và thực hành nghi lễ phồn thực, cầu mong loài người sinh sôi nảy nở. Trò múa hát Xuân Phả, gồm 5 trò: Hoa Lang, Ai Lao, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc. Các nhân vật trong mỗi trò diễn đều đeo mặt nạ, tượng trưng cho thành phần xã hội của con người, hay loài vật nào đó của môi trường thiên nhiên, gắn với nội dung trò diễn. Tiếp theo còn các trò diễn xướng nói về lao động sản xuất, có các vai: anh thanh niên vác cày, ông già ôm bó lúa, người khác thì đánh lưới, đơm bắt cá v.v…
Trong các trò diễn đó, những nhân vật múa, hát cũng hóa trang đeo mặt nạ, mang đạo cụ, nhạc khí… cho thấy đây là những nhân tố tiền sân khấu, đã diễn ra dưới dạng ca múa nhạc và sự có mặt của hình khối đạo cụ, màu sắc đường nét của hóa trang, trang phục … những yếu tố này cũng là tiền đề của mỹ thuật sân khấu.
Một số hình ảnh trò Xuân Phả (tư liệu phục dựng – nghệ nhân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, Thọ Xuân – Thanh Hóa)
Trò Tú Huần: Hóa trang mặt nạ và trang phục các nhân vật mẹ, con, quân (Tư liệu cổ)
Hóa trang, trang phục, đạo cụ trong động tác đánh sênh
Trò Hoa Lang:
a. Nhảy ngựa, ném sào (đeo mặt nạ, trang phục, cầm đạo cụ)
b. Múa giáo
c. Múa quạt
Trò Chiêm Thành:
a. Hóa trang mặt nạ và trang phục
b. Múa dâng hương
Trò Ai Lao:
a. Trang phục và hóa trang mặt nạ nhân vật Chúa
b. Hóa trang, trang phục mặt nạ nhân vật Quân (gõ sênh)
c. Hóa trang đội lốt hổ
Trò Ngô Quốc:
Trang phục, đạo cụ trong cảnh múa chèo thuyền
>>> Thiết kế ánh sáng sân khấu
>>> Một số bài thi sân khấu điện ảnh
>>> Mô hình màu sắc thời Cổ đại - Trung đại và Phục hưng