Mô hình màu sắc thời Cổ đại – Trung đại và Phục Hưng
Trước khi chữ viết ra đời, con người đã biết vẽ từ rất lâu trước đó. Bằng chứng cho điều này là những tranh vẽ hang động tại Altamira (Tây Ban Nha) và Lascaux (Pháp) đã xuất hiện từ hậu kỳ thời đồ đá cũ (các tranh vẽ này không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn thực sự mang giá trị nghệ thuật). Trong khi đó, lịch sử chữ viết bắt đầu khi hệ thống chữ viết đầu tiên của loài người xuất hiện vào đầu thời kỳ đồ đống (cuối thiên niên kỷ IV trước công nguyên) từ các biểu tượng tiền ký tự của thời kỳ đồ đá mới.
Tranh vẽ tại hang động Lascaux – Pháp
Như vậy, thông qua giá trị nghệ thuật của các tranh vẽ hang động đem lại, có thể thấy ngay từ thuở sơ khai, con người đã biết tìm kiếm các vật liệu từ môi trường xung quanh để tô điểm cho cuộc sống cũng như các tác phẩm nghệ thuật họ tạo ra. “Lý thuyết màu đã có bề dày phát triển suốt 30.000 năm qua. Nó không phải là điều mọi người đột nhiên phát hiện ra. Tổ tiên chúng ta đã vẽ những bức tranh trong các hang động và bắt đầu cho ngôn ngữ thị giác. Và lý thuyết màu cũng đã được biết đến như thế” – Tiến sĩ tâm lý kiêm chuyên gia tư vấn màu thương hiệu Jill Morton chia sẻ.
Tranh vẽ tại hang động Altamira – Tây Ban Nha
Các nghiên cứu về màu sắc thời cổ đại:
Những nghiên cứu về màu sắc đã bắt đầu từ những năm trước công nguyên. Năm 800 trước công nguyên, những người Ấn Độ Upanishads đã tìm ra mối liên hệ giữa các màu. Năm 400 trước công nguyên, nhà triết học Plato cho rằng ánh sáng hay những tia lửa phát ra từ mắt người, cho nên con người mới thấy được sự vật. Epicurus cho rằng bản sao của sự vật sẽ tác động vào mắt người. Vào thiên niên kỷ thứ nhất, Abu Mohammed Ibn al Hazen cho rằng hình ảnh được tạo thành từ trong mắt người. Và còn rất nhiều các thí nghiệm, nghiên cứu khác về màu sắc trong thời kỳ này.
Lý thuyết màu sắc của Aristotle
Aristotle (384-322 trước Công nguyên) – nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế - là người đầu tiên đã xây dựng lý thuyết về màu sắc. Aristotle cho rằng, tồn tại hai màu đen và trắng tạo thành các “phẩm chất cực đoan” mà ông đồng nhất với sáng và tối. Tất cả các màu khác bắt nguồn từ sự chuyển đổi sắc độ giữa đen và trắng và biểu hiện các “phẩm chất trung gian”.
Aristotle (384-322 TCN)
Tuy nhiên sự chuyển đổi sắc độ này không chỉ đơn thuần là sự xếp cạnh nhau của đen và trắng mà Aristotle còn viện đến vai trò của nhiệt. Cũng theo ông, ba màu đỏ, lục và lam – tím của cầu vồng là ba màu duy nhất mà các họa sĩ không thể nào pha ra được. Lý thuyết của ông sau này đã được nhà toán học D’Aguilon (1567-1617) tại Bruxelles kế thừa trong tác phẩm Opticorum libri sex. D’Aguilon coi đỏ, vàng và lam là ba sắc “cao quý” mà từ đó có thể tạo ra tất cả các màu khác.
Mô hình màu sắc của các họa sĩ từ thế kỷ XIV
Sơ đồ của Cennino Cennini về sắc độ trong tranh
- Highlight: Phần sáng nhất
- Lit surface: Bề mặt được chiếu sáng
- Terminator: Imprimatura (Lớp màu mỏng và trong phủ lên toàn bộ bố cục, cùng với màu nền tạo nên hòa sắc chung cho cả bức tranh, và tạo “chân” cho sơn dầu bám chặt vào nền).
- Shadow: Bóng tối
- W: trắng
- C: màu nguyên
- U: màu vẽ lót
- Bk: đen
Xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIV, Cennino Cennini (1370-1440) trong một tác phẩm của mình đã cho biết họa sĩ dùng bảy màu gồm bốn màu từ khoáng chất tự nhiên là đen, đỏ, vàng, lục và ba màu tự tạo là phấn trắng, lam ultramarine (từ đá lapis lazuli) hoặc lam azurite (khoáng vật đồng) và vàng. Các màu này được làm từ các chất màu (color pigments). Màu vàng khoáng chất thường là vàng đất (orche) tức hydrated oxide sắt (Fe2O3.H2O) (orche vàng kim) hay oxide sắt (Fe2O3) (orche đỏ). Màu vàng nhân tạo là phẩm nhuộm. Như vậy, đối với các họa sĩ, các màu sơ cấp là các chất màu. Sắc của chất màu chỉ được thể hiện trong màu tinh khiết hay màu nguyên khi màu ở dạng bão hòa về sắc. Họa sĩ pha màu trắng vào màu nguyên để làm sáng màu lên và pha màu đen vào để làm tối màu đi.
Các màu nguyên khi được trộn với nhau đề bị xỉn đi. Vì thế các họa sĩ thời Cổ đại, Trung cổ, Phục hưng và Baroque tránh pha trộn các màu nguyên với nhau. Tuy Leonardo Da Vinci (Một thiên tài toàn năng người Ý, 1452-1519) coi sáu màu trắng, vàng, đỏ, lục, lam và đen là sáu màu sơ cấp nhưng những màu này không bao giờ được coi là các màu cơ bản để pha ra các màu thứ cấp như trong mô hình hòa sắc sau này, mà chỉ được dùng để định vị trong hệ thống hòa sắc. Các bậc thầy cổ điển đã dùng kỹ thuật vẽ nhiều lớp để giảm thiểu sự pha trộn các màu nguyên trong hội họa sơn dầu.
Leonardo Da Vinci (1452-1519)
Đầu tiên họ vẽ lót để xây dựng không gian và hình khối chung chỉ dùng ba màu trắng, đen (hoặc nâu tối) và orche (vàng đất). Sau đó họ láng màu lên lớp vẽ lót đã khô. Các màu trung gian được tạo bằng cách láng các màu nguyên lên nhau. Ví dụ màu lục được tạo bằng cách láng màu lam ultramarine (từ đá lapis lazuli) lên màu vàng chanh đã khô, chứ không trộn màu lam ultramarine với màu vàng chanh trên palette (khay trộn màu). Nhờ phương pháp này mà bóng tối trong kiệt tác của Leonardo Da Vinci, Rembrandt van Rijin (Họa sĩ và nghệ sĩ khắc bản in nổi tiếng người Hà Lan) hay Jan Vermeer (Họa sĩ người Hà Lan thời Baroque nổi tiếng với các tác phẩm về đời sống hiện thực),… sau khi trải qua nhiều thế kỷ trông vẫn trong và sâu thẳm chứ không nông như các hòa sắc bóng tối được pha trộn từ các màu bù nhau (complementary colors) trên palatte của nhiều họa sĩ trường phái Ấn tượng sau này. Nghệ thuật hòa sắc dựa trên kỹ thuật vẽ nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển cho đến bây giờ vẫn được coi là tuyệt đỉnh của hội họa sơn dầu. Tuy nhiên thật đáng tiếc khi nó đã bị mai một kể từ trào lưu Ấn tượng trong hội họa cuối thế kỷ XIX – khi các họa sĩ bắt đầu hy sinh truyền thống để đánh đổi lấy cái “độc đáo”.
Tiên tri Bileam và con lừa cái
Tranh vẽ của Rembrandt van Rijn
- Trịnh Phương Anh -
>>> Lịch sử huyền bí về màu sắc (Phần 1)