Không gian – Khối và Biến thể của Khối (Phần 1)
1. Khối là một khái niệm vật lý nói lên sự chiếm chỗ trong không gian. Nó bao gồm hai mặt: thể tích tức phần không khí nó lấy mất đi khi có mặt trong một không gian cụ thể và khối lượng của thể tích đó trong quan hệ sức hút của trái đất. Tương quan giữa hai mặt thể tích (tính bằng m3) và khối lượng (tính bằng kg – làm đơn vị gốc) tạo ra khái niệm chung là khối. Đối với con mắt, tính thống nhất giữa hai mặt này rất quan trọng bởi mắt người có khả năng nhận biết sự chiếm chỗ trong không gian và có thể nhận biết một phần xúc giác và một phần cầu giác. Hai khối cầu bằng nhau, một đen một trắng cho ta hai cảm giác to nhỏ, nặng nhẹ khác nhau. Hai khối cầu bằng đồng và bằng bông có thể tích bằng nhau cho ta hai cảm giác to nhỏ, nặng nhẹ cũng khác nhau.
Trong kiến trúc, điêu khắc và đồ đựng (gốm – sứ) cảm giác đồng thời về hai mặt này của khối có giá trị thẩm mỹ lớn và là một phần của ngôn ngữ tạo hình, vững bền hay thoảng qua, chắc chắn hay mỏng manh. Những tòa nhà thờ Hồi giáo trắng cho cảm giác nhẹ nhàng. Những lâu đài đá xanh, xám thời Phục Hưng ở Florencia cho cảm giác bền chắc hơn những lầu, gác, bằng gỗ Á Đông. Kim tự tháp Ai cập với khối đá xám sẽ gây cảm giác ít vĩnh hằng hơn nếu nó được làm bằng bìa giấy trắng. Tất nhiên ở ba khối thu nhỏ lại ta cũng thấy rõ điều đó. Các nhà kiến trúc Ai Cập, Phục Hưng rõ ràng ý thức về cảm giác đối với sức nặng với người xem khi làm các công trình kiến trúc. Người Gothic với các nhà thờ bằng đá đã cố gắng phá cảm giác nặng nề của đá, tạo cho đá một ấn tượng nhẹ nhàng, thanh thoát. Các nhà kiến trúc Ấn Độ với vô vàn pho tượng bọc ngoài bề mặt kiến trúc đã gây cảm giác ấm áp thân mật cho khối đá vẫn lạnh và đồ sộ, đe dọa của bản thân kiến trúc.
Bức tượng Viên thư lại Kai
Ở điêu khắc cũng vậy, ta hãy tưởng tượng pho tượng “Viên thư lại” bằng đá ở Ai Cập cổ, được chuyển sang gỗ thì sẽ như thế nào? Và ngược lại? Trong mỹ thuật Việt Nam cổ ta thấy rõ chất đá của tượng A Di Đà Phật, tính khác của chất gỗ của các pho tượng chùa Tây Phương và khác chất đồng của các pho tượng đền Quán Thánh thờ quan Trấn Võ hay tượng phật chùa Ngũ Xã. Việc sử dụng các chất liệu khác nhau của mỗi thời kỳ nghệ thuật rõ ràng không chỉ là vấn đề kinh tế, kỹ thuật mà chắc chắn còn bắt rễ từ những tư tưởng thẩm mỹ khác nhau.
Hai trong 18 vị La Hán có trong chùa Tây Phương
Pho tượng thờ quan Trấn Võ – Đền Quán Thánh
Tượng phật chùa Ngũ Xã
Với các đồ đựng, thẩm mỹ tạo hình lại càng lộ rõ tính chất thẩm mỹ về vật chất – trong cảm giác về nặng nhẹ, bền hay mau hỏng, nhẵn hay nhám và kết cấu vật chất của đồ vật ra sao. Với đồ gốm, đồ sứ, đồ sành rõ ràng ta không cần chạm tay vào, chỉ bằng con mắt đã nhận biết được những phẩm chất khác nhau của nó. Hãy xếp cạnh nhau ba đồ đựng có hình khối giống nhau bằng các chất liệu khác nhau, ta lập tức ý thức bằng xúc giác sự khác nhau của các tính chất vật lý, do vật liệu gây ra. Ngược lại, khối – hình cũng có thể gây cảm giác mâu thuẫn, đi ngược chiều cảm giác về chất liệu. Hãy đặt ba đối tượng có chất liệu nặng nhẹ khác nhau (đồng, gốm, nhựa – sức nặng giảm dần), có các dáng hình khác nhau ta sẽ thấy cái bình thứ nhất bằng đồng nhưng dáng thanh thoát – gây cảm giác nhẹ, bình thứ hai – gốm nhưng không quá nhẹ và bình thứ ba bằng nhựa nhưng hình dáng thô hơn cho cảm giác nặng hơn ta tưởng.
Như vậy khái niệm khối bao gồm ba tương quan chủ yếu:
- Sự chiếm chỗ trong không gian (thể tích);
- Cảm giác về tính chất vật lý của chất liệu;
- Cảm giác về hình như là một sự trừu tượng hóa khối lên một bề mặt.
Sự thống nhất và các mặt đối lập ba tính chất trên của khối với tư cách một khái niệm thị giác là một phương tiện biểu đạt quan trọng của nghệ thuật tạo hình, trước hết trong điêu khắc, kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng.
2. Những phẩm chất trên của khối thị giác lại được lạ hóa – làm lại một lần nữa, ý muốn nói rằng cảm giác về chất liệu và không gian mất đi trong thực tế, chỉ còn là những cảm giác ảo – trên mặt phẳng của tác phẩm hội họa. Trên một bức tranh sơn dầu, sơn mài, lụa, thuốc nước hay một tranh nét bằng mực nho, bút sắt hay bút chì cảm giác về sự chiếm chỗ, về nặng nhẹ, về nhẵn, nhám… hoàn toàn là hiệu quả ảo giác. Thời Phục Hưng châu Âu (thế kỷ XV, XVI) và nhất là thiên hướng hiện thực và nghệ thuật Ba-rốc của châu Âu (đặc biệt ở Hà Lan, Bỉ và Tây Ban Nha, Italy) đã khơi sau, tận dụng triệt để hiệu quả lạ hóa này.
Nó buộc người xem phải nhận biết, phải cảm thấy và phải tin ở con mắt (bị đánh lừa) rằng sự chiếm chỗ, độ nặng nhẹ, tính chất vật lý của vật chất của những thứ được mô tả trong tranh là thực Bằng mặt phẳng hai chiều, Leonard de Vinci cho ta thấy một không gian xa hút và luật xa gần là cơ sở khoa học của việc mô tả không gian hình hộp – có chiều sâu với đường tầm mắt, điểm trông và các đường thẳng từ cận cảnh đến viễn cảnh sẽ cùng đi tới một điểm trên đường chân trời.
Hình 13
Bằng chất liệu sơn dầu của họa sỹ Hà Lan, Bỉ cho ta thấy các cảm giác khác nhau về gỗ, vải, sắt, đồng, gốm, sứ, thủy tinh, không khí, lá cây, trái quả mọng nước, hơi ấm của làn da. Tất cả cảm giác có thực đó nằm ở các khối ảo và sự chiếm chỗ giả vờ của nó trong một không gian ảo ba chiều, được tạo ra một cách giả tạo trên một mặt phẳng hai chiều. Cảm giác như thực về toàn cục khi ta xem tranh của họ, chính là một hiệu quả lạ hóa vì ta vẫn luôn ý thức được rằng trước mắt ta chỉ là một mặt phẳng được làm bằng vải và sơn dầu.
Kiến trúc Ba-rốc khác hẳn kiến trúc Gothic về tạo hình song lại triển khai một khía cạnh quan trọng của nền kiến trúc hậu kỳ Trung cổ là không gian ảo. Trong tòa nhà của chúa trời Gothic, từ nền nhà lên đến vòm trần là một không gian phi thường thống nhất làm cho tín đồ cảm thấy không gian đó khác hẳn với không gian ngôi nhà mình ở, con đường mình đi, cánh đồng mình cày cấy, đồng thời các cột và vòm gợi cảm giác cao vọt khác với chiều cao thực của nó. Còn tròng tòa nhà Ba – rốc, tính chất ảo của không gian là ở chỗ người xem nhận rõ một phần không gian thực và không phân biệt được nó với phần ảo, không nhìn nhận được chỗ chuyển từ thực sang ảo của những phần bên trong tòa nhà.
Một ví dụ nữa về sự lạ hóa không gian thực là tranh cổ Trung Hoa, Viễn cận Á Đông của Vương Duy đời Đường, Ngô Trần đời Nguyên cho ta thấy một không gian xa vời.
Càng biết càng nghi ngờ, đó không chỉ là một câu châm ngôn. Trong đó chứa một nội dung biện chứng có tính chất thúc đẩy, vận động đúng với chung và đúng với riêng con mắt. Nhờ khả năng nhận thức hiện thực không gian và khối (cũng như các phẩm chất khác như màu, nét) mà con mắt đồng thời có khả năng lạ hóa. Sự lạ hóa này diễn ra ở nhiều bình diện tạo ra một chiều thực và một chiều không thực ngay ở một biểu hiện tạo hình. Triệt tiêu đến cùng mâu thuẫn thực và không thực này thì tác phẩm tạo hình không còn tồn tại nữa. Nhiều xu hướng nghệ thuật tâm lý nhằm biến nghệ thuật thành phản nghệ thuật đều vô nghĩa, và không bao giờ đi tới sự phủ định được hoàn toàn mối quan hệ biện chứng đó. Chúng chỉ làm nghèo quan hệ này và làm nghèo nghệ thuật mà thôi.
3. Khối cầu:
Khối cầu có lẽ là khối đơn giản nhất. Nó được tạo nên bởi vô vàn điểm trọng không gian ba chiều cách nhau một điểm cho trước bằng một khoảng cách R cố định. So với những khối khác cùng diện tích thì khối cầu cho một thể tích lớn nhất. Do hai đặc điểm đó khối cầu cho cảm giác vô hướng, vì nó có vô tận hướng bằng nhau và cho cảm giác rỗng hơn các khối khác. Cùng một thể tích nhưng một khối cầu cho cảm giác rỗng hơn một khối chữ nhật hình bẹt hay một khối lập phương.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà kiến trúc ở mọi thời đã mong ước đặc tính nỳ của khối cầu được áp dụng cho nhà ở. Họ cho rằng như vậy sẽ tăng thêm khoảng không gian sử dụng cho con người và trong khối cầu con người sẽ vận động thoải mái hơn. Tuy nhiên, những hạn chế vật liệu kỹ thuật không cho phép họ thực hiện được điều đó. Ngày nay kỹ thuật đã tiến bộ, con người có thể làm được những ngôi nhà hình cầu song chỉ trong những mục đích chuyên dụng. Còn con người vẫn quen vận động theo hai phương chính là thẳng đứng và nằm ngang nên vẫn ưa ngôi nhà có không gian hình hộp chữ nhật hay lập phương hơn. Khối cầu cho cảm giác đầy đủ nhất vì không thể thêm và bớt. Do vậy, tự nó cho cảm giác khép kín. Một phần của khối cầu luôn gợi cảm giác về sự tồn tại của phần ta không trông thấy.
Hình 14
Hình trên cho thấy cảm giác này rất rõ rệt. Một khối bán cầu lớn hơn 1800 đặt trên một khối lập phương cho ta cảm giác cố định của hình cầu mà nó vốn không có và cảm giác cố định đó được gây ra bởi cảm giác về một phần của khối cầu nằm lõm trong khối lập phương. Các khối cầu nhỏ bám vào một khối cầu to cho cảm giác hữu cơ gắn bó. Còn hai khối cầu đặt tiếp giáp nhau lại cho cảm giác rời rạc, rơi, gẫy, lỏng lẻo hơn hai khối chữ nhật đặt cạnh nhau.
Sở dĩ như vậy vì hình cầu luôn thúc đẩy ta nhìn thấy nó một cách đầy đủ. Sự toàn vẹn của nó không cho mắt ta được nhìn nó chỉ ở một phần nào, do vậy ta có cảm giác nó ngập một phần vào hình cầu lớn, gây ra cảm giác bền chặt. Ngược lại, hai khối cầu để cạnh nhau lại có cảm giác rời rạc vì mỗi khối đã tự đủ, tự hoàn chỉnh, không cần thêm bớt, không cần gắn vào đâu nữa, dù chỉ là một điểm tiếp xúc. Hai khối chữ nhật để cạnh nhau không gây cảm giác bền chặt như khối cầu đan vào nhau song không rời rạc như khối cầu để cạnh nhau vì chúng có bề mặt tiếp xúc lớn hơn và bề mặt này chính là một diện của khối nhỏ hơn.
Với trẻ em ta có thể làm thí nghiệm này: đặt một cái bình tròn có dung tích 1 lít bên cạnh một hình lập phương và một hình chữ nhật đứng hoặc một hình trụ có cùng dung tích. Các em bé chưa có kinh nghiệm quan sát, chỉ dựa vào ấn tượng thị giác ban đầu sẽ nói hình cầu “bé” nhất còn các bình hình chữ nhật hoặc hình trụ “to” nhất.
Do hình cầu có một tâm điểm cũng như hình tròn nó luôn gợi cảm giác cân bằng – con người luôn có hướng đi tới sự cân bằng ấy bởi chuyển động luôn có xu hướng đi đến cái tĩnh. Một ngôi đền, căn phòng có mặt bằng hình tròn luôn đẩy người xem đi vào tâm để từ đó nhìn mọi điểm xung quanh với một khoảng cách bằng nhau. Các kiểu cửa của kiến trúc Hồi giáo, cửa tròn Á Đông, kiến trúc cổ đại, Phục hưng cho cảm giác thoải mái hơn vì chúng gợi cảm giác dân chủ gần gũi hơn những vòm háp nhọn hoắt chỉ định một hướng nhìn hẹp của con mắt là vì vậy.
Nhìn rộng ra mọi vật có khối cầu như quả bóng, trái cay, mặt trăng rằm, mặt trời tròn, v.v… trong đời sống hằng ngày luôn cho ta cảm giác đầy đủ khi chúng đứng một mình, là một vật duy nhất trong trường nhìn của chúng ta Trong kiến trúc, điêu khắc và đồ dùng, khối cầu tuyệt đối này khó được thực hiện vì nó có phần vi phạm, làm mờ nhạt nguyên tắc ổn định theo hai trục tung và hoành của mọi vật chịu sức hút của trái đất.
4. Khối lập phương:
Khối đầu tiên cho ta cảm giác thực “ba bề, bốn bên” là khối lập phương. Viễn cận Phục Hưng và không gian ba chiều của hình học cổ điển lấy nó làm đơn vị khối gốc. Xét theo hai trục tung và hoành ta luôn có 4 bề là 4 hình vuông và nhìn toàn bộ ta luôn có 3 cặp diện phẳng tạo ra tính ba chiều của không gian này.
Sự trừu tượng hóa được triển khai bằng các đoạn thẳng bằng nhau tức các cạnh. Khối lập phương gây cảm giác vững chãi và đầy đủ vì nó cụ thể hóa không gian thành 3 chiều rõ rệt hơn khối cầu. Bốn bên thực chất là sự phân biệt có tính phân cực của hai trục tung – hoành trên mặt phẳng thành trên và dưới, bên phải và bên trái. Do người nhìn bao giờ cũng bị quy định ở một địa điểm nào đó, sức hút trái đất vuông góc với mặt đất và ấn tượng thẳng của đường chân trời tạo ra hình vuông. Hiện tượng mất trọng lượng trong không gian vũ trụ làm mất đi cảm giác mà ta cứ tưởng là bản chất vĩnh hằng của vũ trụ. Khi mất trọng lượng ta không còn cảm giác trên hay dưới nữa, ta không có cảm giác về ba bề của vũ trụ nữa do có các tiết diện phẳng và vuông, sự phối hợp các khối lập phương trong kiến trúc luôn cho cảm giác đè, đỡ, gắn bó với nhau.
Khối chữ nhật động hơn do nó luôn luôn là một phần của khối lập phương. Song khác với khối bán cầu, nó không có nhu cầu khép kín, do vậy độc lập hơn khối bán cầu. Gắn hai khối lập phương và chữ nhật với nhau ta có cảm giác chúng ở cạnh nhau một cách vững chắc, khác với các khối bán cầu và đồng thời không gắn bó, ăn lõm vào nhau như khối cầu và bán cầu.
Kiến trúc hình hộp theo phương pháp xây dựng tấm lớn dựa trên kết cấu của các khối chữ nhật và lập phương như vậy. Khối chữ nhật do có tiết diện không giống nhau nên có cảm giác định hướng rõ rệt. Đặt đứng, nó nhấn mạnh chiều cao; đặt nằm nó gây cảm giác chiều dài, cả hai đều có năng lực gây ấn tượng đồ sộ. Những ngôi nhà hiện đại trên khắp thế giới ngày nay cho thấy rõ điều đó.
Các khối lập phương bằng nhau tạo nên khối chữ nhật vuông càng định hướng rõ hơn một chiều phát triển của khối vì một tiết diện vuông. Nó làm mất cảm giác bị ép về một phía của khối chữ nhật không vuông. Do vậy, khối chữ nhật vuông ổn định hơn.
Hình 16
5. Khối tam giác:
Hình tam giác đều là hình tối đơn giản có tính chất bất ổn định nhất trong không gian. Chỉ có 3 điểm, con số tối thiểu để tạo một mặt phẳng và ba điểm đó cách đều tâm của hình. Khối tam giác gồm 4 mặt tam giác đều là khối đơn giản nhất, chỉ có 4 điểm, số lượng tối thiểu để tạo ra một không gian ba chiều. Bốn điểm đó cách đều tâm của khối. Khối tam giác không có cái đầy đủ của khối cầu và cái vững chãi ổn định của khối lập phương. Nếu khối cầu không định hướng, khối chữ nhật có hai hướng chính dựa trên hai trục chính là tung và hoành thì khối tam giác định hướng rõ nhất, ba hướng phát triển về ba góc và trục cơ bản tung – hoành lại bị phá hủy bởi các cạnh chéo. Phương chéo đối lập với tung – hoành tạo ra các góc tù hoặc góc nhọn và do đó tạo ra sự không ổn định. Nhìn một dãy mái nhà có hình tam giác nhấp nhô trên nền trời ta thấy vui mắt. Sự lặp lại của khối tam giác trong không gian không gây ra sự đơn điệu như sự lặp lại các khối chữ nhật vì bản thân các phương chéo của khối tam giác đã đối lập với phương thẳng đứng và nằm ngang cố hữu của phong cảnh.
Khối tam giác được ứng dụng để tạo nên sự ổn định tương đối bằng cách đặt mặt theo phương nằm ngang. Xét ba hình: tam giác cân, vuông và tròn cũng như xét ba khối của nó ta thấy có sức căng của lực ly tâm ở hình tam giác, khối tam giác rất rõ.
Các khối tam giác lệch, biến thể của khối tam giác nói trên là những khối đơn giản nhất có định hướng mạnh nhất.
- Theo Nguyen Quan -
>>> Con mắt tạo hình
>>> Gợi ý cách tạo vật thể từ hình khối trong không gian (Phần 1)
>>> Bóng của các khối hình học cơ bản