Con mắt tạo hình
1. Người ta cảm nhận ngoại giới bằng các giác quan trong sự vận động của không gian và thời gian. Các giác quan là những ô cửa mở ra ngoại giới để nhận thức cái ở ngoài ta, đồng thời cũng qua đó ngoại giới tác động vào cơ thể, vào cơ cấu hoạt động tâm, sinh lý của con người. Các giác quan qua các hành vi xúc cảm cũng còn là nơi biểu hiện tình cảm và tâm hồn của mỗi người. Nhìn nét mặt, ánh mắt ta biết người đó hiền hay ác, yêu thương hay căm giận, nham hiểm hay thơ ngây. Do vậy, các loại hình nghệ thuật đều xây dựng ngôn ngữ của mình trên cơ sở hoạt động của giác quan. Nghệ thuật góp phần căn bản đào luyện các giác quan con người làm cho con người trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn. Nhờ có sự phát triển của âm nhạc mà tai con người ngày càng tinh nhạy, trở thành cái tai thẩm mỹ. Nhờ có nghệ thuật thị giác mà mắt con người tinh tường hơn, có năng lực ngày càng to lớn, rộng và sâu hơn. Nhờ có nghệ thuật nấu ăn mà vị giác, khứu giác của người văn minh phát triển hơn ở người hoang sơ. Khi đào luyện các giác quan nghệ thuật không chỉ làm chức năng sinh học mà nó đồng thời thực hiện chức năng thẩm mỹ. Nó tạo cho con người những khoái thú thẩm mỹ cao hơn, thăng hoa trong tâm hồn, trong tư tưởng và tình cảm ở bên trên tầng cảm giác ngũ quan.
Tác phẩm nghệ thuật tạo hình: một bức tranh, một pho tượng, một công trình kiến trúc, một tác phẩm mỹ thuật thủ công được thực hiện bởi bàn tay – như một thứ lao động chân tay thuần túy song nó chủ yếu lại là sản phẩm thẩm mỹ của con mắt. Nó bộc lộ nội giới, thể hiện ngoại giới và các mối quan hệ, các trạng thái giao tiếp vô cùng phức tạp giữa nội giới và ngoại giới. Nó tái hiện thế giới tình cảm tinh thần phức tạp của cá nhân và quan hệ cá nhân với quần thể xung quanh qua kênh thị giác. Mặt khác, tác phẩm nghệ thuật tạo hình được tiếp thu bởi tâm hồn con người song luôn luôn bằng con mắt. Con mắt là kênh đối ngoại của người xem với tác phẩm. Vì vậy, thông tin thị giác, thông tin thẩm mỹ thị giác, ngôn ngữ thị giác và cụ thể hơn là ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình xây dựng trên cơ sở cơ cấu hoạt động và đặc trưng về chức năng của con mắt.
2. Một câu chuyện xưa kể rằng, có một ông thầy giơ cánh tay lên, bàn tay ông xòe ra rồi lại nắm vào và hỏi: “Các trò có trông thấy tay ta xòe ra, nắm vào?” Trả lời: “Có”. Hỏi: “Nhờ đâu mà các trò thấy tay ta xòe ra, nắm vào?”. Trò A: “Nhờ bàn tay thầy xòe ra, nắm vào”. Thầy: “Nếu tay ta xòe ra, nắm vào mà ta và các trò nhắm mắt lại thì có thấy không?”. Trò B: “Vậy nhờ mắt mà trò thấy tay thầy xòe ra, nắm vào”. Thầy: “Nếu tay ta xòe ra, nắm vào các trò mở mắt nhìn song chúng ta cùng ở trong một gian phòng tối đen thì các trò có thấy tay ta xòe ra, nắm vào không?”.
Vậy, bỏ qua ý nghĩa ẩn dụ triết học của câu chuyện trên, ta thấy con mắt nhận biết khách quan (bàn tay và sự xòe ra, nắm vào) nhờ một cơ quan quang học (là con mắt) dưới điều kiện của ánh sáng (tối hoặc sáng). Con mắt nhìn thấy thế nào? Chúng ta cứ nhìn ngắm thiên nhiên: cây cỏ, mây trời, núi non và đồng ruộng. Chúng ta cứ quan sát mọi người quanh ta, từ gương mặt, ánh mắt đến cử chỉ, dáng điệu. Chúng ta nhìn nhận vẻ đẹp của các đồ vật ta dùng: từ ngôi nhà đến cái bát, cái đĩa, lọ hoa. Ta đưa ra các nhận xét: trời hôm nay buồn; nắng hôm nay đẹp, trăng hôm nay sáng long lanh, màu vải này nhã nhặn, kiểu tóc kia đài các… Rồi con mắt ta cũng cứ tự nhiên mà biểu hiện các cảm nhận và biến động của lòng mình: khi hoan hỉ, khi kinh ngạc, lúc ấm áp yêu thường, lúc lạnh lùng đe dọa, lúc phẫn nộ như phát lửa căm hờn. Song ta hãy tìm hiểu nhờ đâu mà con mắt ta làm được những điều kỳ diệu ấy.
Do cấu tạo quang học và các tế bào thần kinh thị giác, mắt ta phân biệt được khối của bàn tay, cảm thấy sự chiếm chỗ trong không gian của nó. Mắt phân biệt màu của da thịt chân tay với các màu xung quanh. Nó lại phân biệt được đường nét tạo nên hình dáng (trên mặt phẳng) của bàn tay. Cuối cùng, con mắt nhận biết được chuyển động của bàn tay, các ngón tay tức sự chuyển động của khối, nét, màu trong không gian. Đó cũng là những chức năng nhận biết thị giác quan trọng nhất của chúng ta.
Hình 1
3. Cấu tạo của con mắt và cơ thể con người tạo tạo nên trường nhìn – tức khu vực không gian được con mắt bao quát. Ở đây, có những đặc điểm đáng chú ý: trường nhìn của chúng ta có hình tròn do cấu tạo quang học của nó. Hình tròn là hình đơn giản và hoàn thiện nhất trong các hình cơ bản. Nó kết hợp sự đầy đủ và tối giản (với một thông số R ta có thể xác định được nó). Nó đồng thời biểu hiện hai trạng thái động và tĩnh. Nhãn cầu có hình cầu, hai mắt ta được nằm trên một mặt phẳng cong – của đầu người. Con người là sinh vật đứng thẳng trên hai chân và có khả năng quay xung quanh trục thẳng đứng của thân người vuông góc với mặt đất nên trường nhìn trong thực tế là một phần của hình cầu có bán kính bằng tầm nhìn xa của con mắt cụ thể mà tâm là thân người chúng ta. Do vậy, việc thể hiện mọi vật như trên một mặt phẳng chỉ có tính chất ước lệ. Sự nghiên cứu cơ sở khoa học của trường nhìn còn tiếp tục và nó cũng dần dần giải thích, tạo căn cứ cho những quan niệm không gian trong tranh tượng. Không gian trong tranh thờ truyền thống ở phương Đông cũng như phương Tây, không gian Phục Hưng châu Âu, không gian trong tranh sơn thủy đời Đường, Tống (Trung Hoa), không gian cong ở Mexico gần dây hay các loại không gian ảo, siêu thực đều nảy sinh trên cơ sở nhận thức xã hội và tự nhiên từ thế giới quan và sự phát triển khoa học của mỗi thời, mỗi dân tộc, mỗi xã hội cụ thể. Trường nhìn của chúng ta có dạng thức như thế nào còn tùy thuộc cái “thế giới quan” thị giác nó được sinh ra, cấu kết và chuyển hóa dần dần. Với máy bay, với các phương tiện đi lại hiện đại tốc độ cao, với các máy quang học đang trở nên đại chúng… với mỗi cảnh sinh hoạt được nền công nghiệp tạo dựng nên, với việc ứng dụng kỹ thuật thông tin, điều khiển hiện đại, những thói quen thị giác của con người đang đổi thay. Vào thời chúng ta, sự đổi thay của các thói quen thị giác ở mỗi con người rất lớn, cụ thể, sâu và rộng hơn các thời đại khác, song thời nào cũng có sự đổi thay đó. Có một con mắt quang học và một con mắt tâm lý. Có một con mắt sinh học tự nhiên và một con mắt xã hội. Do vậy gắn liền với các thời đại khác nhau, xã hội khác nhau, với các trường phái và quan niệm khác nhau những người làm nghệ thuật tạo hình cũng luôn luôn quan tâm nghiên cứu cách thức hoạt động của con mắt và lý giải cách hoạt động của nó không giống nhau. Nghiên cứu kỹ các họa pháp, ta thấy chúng đều có cơ sở khoa học, khách quan, song không bao giờ toàn diện và khúc chiết, duy lý như một khoa học hoàn chỉnh thực sự. Việc coi các họa pháp Phục Hưng là rất khoa học và đối lập nó với các họa pháp khác lại phiến diện là điều không thỏa đáng và không nên đặt ra.
4. Mắt còn có chức năng thứ tư là bên cạnh việc phân biệt khối, màu, nét nó còn phân biệt được sự tối – sáng. Có nhiều quan niệm khác nhau về đen và trắng song tất cả đều coi đó là hai cực đối lập của một hiện tượng quang học không màu. Đen tuyệt đối và trắng tuyệt đối không có hoặc không phổ biến trong đời sống thực. Đen và trắng là một kết quả trừu tượng hóa đầu tiên của con người trong nhận thức thị giác. Đen tuyệt đối được khoa học thực nghiệm xác định bằng một hình cầu kín, có đục một lỗ nhỏ và ta nhìn vào đó. Mực nho, nhung the đen là những thứ đen bậc nhất mà ta thấy trong thực tế. Mực nho có độ đen cao nhất trong các loại mực, lại có khả năng hòa tan cao bậc nhất trong một dung môi đơn giản là nước nên nó có ưu thế gần như tuyệt đối trong việc diễn tả tối sáng so với các họa phẩm khác. Cơ sở kỹ thuật của ngôn ngữ tranh Trung Hoa cổ là loại mực kỳ lạ này. Bạc cho ta một độ trắng cao tới trên 95%. Trong khi đó trắng tuyệt đối chỉ có trong phòng thí nghiệm. Tranh sơn mài có ưu việt đen trắng vì nó dùng bạc và màu sơn then đen đến cao đội. Giữa hai cực đen – trắng, mắt người có thể phân biệt được vô vàn độ tối sáng khác nhau. Ánh sáng ban ngày có nhiều độ tối – sáng hơn ánh sáng trăng ban đêm. Ánh sáng thiên nhiên trong các ngôi chùa cổ Việt Nam, ví dụ như ở chùa Tây Phương, có nhiều độ tối sáng hơn ánh sáng nhân tạo trong các ngôi nhà khép kín kiểu châu Âu. Tranh Trung Hoa cổ hay tranh của ở Hà Lan thế kỷ XVII sử dụng nhiều độ tối sáng hơn tranh của Matisse hay các loại tranh dân gian ở nhiều nước khác nhau. Còn một điều thú vị nữa là: trí nhớ thị giác của ta chủ yếu là trí nhớ đen – trắng. Khi thức, ta nhắm mắt lại mà mường tượng những cảnh vật ta từng nhìn thấy thì hình ảnh trong đầu luôn là đen trắng. Dập dờn trong trí nhớ ta là những cảnh làng quê, cảnh vui chơi thuở nhỏ, hình ảnh ngôi nhà cũ, mái trường xưa, cây đa, bến nước sân đình cũng luôn luôn là hình ảnh đen trắng.
Các màu khác như đỏ, nâu, vàng, lơ, lục… hình như đều được đơn giản hóa và mã hóa bằng từ ngữ. Khi ngủ mơ, hầu như ta không mơ thấy màu cụ thể. Rõ ràng đen – trắng có chức năng và khả năng đại diện cho màu vốn phong phú hơn. Xem phim đen trắng ta không thấy khó chịu như khi xem một phim màu mà màu không thực.
Tối – sáng, tức đen hay trắng pha vào các màu tạo nên sắc của chúng. Đỏ pha với đen hay trắng tạo ra đỏ sẫm hay nhạt chứ không tạo ra các màu đỏ khác nhau. Con mắ người nhận biết tối – sáng và sắc màu rất nhạy và tinh. Họa sỹ, nhà điêu khắc sử dụng nó làm một phương tiện biểu đạt vô cùng quan trọng.
5. Chức năng cụ thể cuối cùng của con mắt là nó cho ta nhận biết được một phần các biểu hiện xúc giác và cân giác. Nhìn một vật, ta có thể biết vật đó nhẵn hay nhám, mềm hay cứng, xấp hay rắn. Nhìn viên cuội ta thấy tính chất vật lý của nó khác một nắm bông. Nhìn chung ta thấy nó mềm, ấm hơn vải bạt. Nhìn thân cây cổ thụ ta thấy nó sần sùi, nhám thô hơn một cánh hoa sen.
Nhìn cũng cho ta cảm giác về nặng hay nhẹ. Nhìn thanh sắt ta có cảm giác nó nặng hơn thanh gỗ. Nhìn màu sẫm đen ta có cảm giác nặng, ngược lại màu nhạt và trắng cho ta cảm giác nhẹ. Nhìn nét ngang và thẳng đứng ta thấy thế cân bằng, nhìn nét chéo ta thấy chênh lệch, nghiêng đổ.
Nhìn cũng cho ta cảm giác nóng hay lạnh. Nhận biết những điều nói trên là chức năng bậc hai của con mắt. Sở dĩ ta nhận thấy những điều đó là nhờ mắt ta phân biệt được nét, khối, màu và tối sáng. Song các thế hệ đi qua, kinh nghiệm được tích lũy và truyền đạt. Mỗi người lại tích lũy thêm mãi cái kinh nghiệm thị giác của mình nên nhờ các kinh nghiệm về nét, màu, khối, tối – sáng vào ta một cách vô ý thức mà khi nhìn thấy, một vật, một trạng thái nào ta luôn có thể phán đoán ra bản chất của nó. Lửa từ muôn đời cho ta cảm giác nóng nên cái áo đỏ cũng cho ta cảm giác ấm còn thực ra màu đỏ đâu có hấp thụ nhiệt nhiều như màu đen. Với kinh nghiệm của con người nói chung và mỗi người cụ thể, mắt cảm nhận được sự thăng bằng – cơ sở cho con người vận động thoải mái trong không gian. Điều đó cũng được các nghệ sỹ tạo hình dùng như một phương tiện biểu đạt đắc lực. Chức năng này đóng vai trò quan trọng đối với các nhà điêu khắc khi xử lý bề mặt tượng, khi tạo bố cục, tư thế dáng điệu cho nhân vật điêu khắc. Bố cục tranh cũng được quy định rất căn bản với việc phát huy chức năng này của con mắt. Bố cục tranh tượng của các nghệ sỹ theo trường phái Ba-rốc (Bỉ) hay Italy thường xây dựng trên thế không cân bằng hay thế cân bằng động. Ngược lại, ở các họa sỹ trường phái cổ điển như ở Pháp, sự ổn định và cân bằng là tiêu biểu. Cái tĩnh tại trong bố cục thuần túy dựa trên hai trục ngang – dọc (tung – hoành) thuần khiết nhất trong điêu khắc Ai Cập cổ đại. Nó góp phần gợi cảm giác yên lặng, tĩnh tại và vĩnh hằng.
6. Con mắt nhìn khối, màu, nét và chuyển động bởi một con người có ký ức có kinh nghiệm sống, tức những sự trải qua và đào luyện trước đó của các giác quan. Con người đó có một thế giới quan suy tưởng và một thế giới tình cảm rộng lớn. Trong mỗi cảnh và điều kiện cụ thể nào đó các yếu tố trên – được kích thích bởi các yếu tố tạo hình trong tác phẩm nghệ thuật, là nảy sinh ra sự liên tưởng. Liên tưởng là một thao tác quan trọng của tư duy. Đồng thời nó là một hoạt động cảm xúc có tính thẩm mỹ, có tính chất lựa chọn và sáng tạo gây gu thẩm mỹ.
Ta luôn nói người sáng tác phải giàu kinh nghiệm sống, hiểu biết cuộc sống: với họa sỹ, trước hết là kinh nghiệm và hiểu biết bằng con mắt. Với nhạc sỹ là kinh nghiệm và hiểu biế bằng âm thanh… song cái kho lưu giữ các hình ảnh mà ta đã sống qua không chỉ là một cái kho thụ động chỉ dùng để gợi lại khi cần thiết mà khi được gợi lại chúng còn là một phương tiện để nhận biết để tìm hiểu những cái ta chưa từng nhìn thấy bao giờ để phán đoán, tư duy. Nhờ có ký ức và liên tưởng bằng thị giác mà nghệ thuật tạo hình với mỗi người luôn là nguồn cảm hứng và kích thích suy nghĩ như mọi ngành nghệ thuật khác. Hãy tưởng tượng ta không có kinh nghiệm thị giác và không có khả năng liên tưởng, so sánh, phán đoán bằng mắt thì không những ta hoàn toàn mù trước những kiệt tác mỹ thuật mà hơn nữa điều đó sẽ là một tai họa lớn đảo lộn toàn bộ cuộc sống hàng ngày. Chúng ta ai cũng mong một đời sống tinh thần phong phú. Trong sự phong phú thì kinh nghiệm, liên tưởng và tư duy thị giác là bộ phận quan trọng nhất.
Có những xu hướng nghệ thuật tư sản hiện đại đề cao tính đồ vật, tính vô nghĩa của tác phẩm nghệ thuật đã phủ định liên tưởng và khả năng tư duy bằng thị giác của con người. Điều đó cũng dẫn đến sự phủ nhận bản thân nghệ thuật như chính họ ngông cuồng tuyên bố. Song, dù xã hội phát triển với máy móc và kỹ thuật đến đâu, liên tưởng và tư duy thị giác cũng ngày càng phát triển, ngày càng rộng sâu và có dấu ấn cá nhân hơn chứ không phải là ngược lại. Sự phát triển năng lực của con mắt là một thước đo của văn minh và là một việc giải phóng con người, giải phóng những năng lực “người hóa tự nhiên” của con người.
Trước nhất hình ảnh thị giác gây ra những liên tưởng thị giác. Nhìn một hình gần như tròn màu đỏ hay màu vàng, ta nghĩ ngay đến trái quả nào đó hoặc nghĩ tới mặt trời mặt trăng. Nhìn một đường uốn lượn hình sinh ta mường tượng về sóng nước hay núi cao… Màu đen gợi nhớ về đêm. Trong đời sống hàng ngày, những liên tưởng như vậy là rất phổ biến, thường xảy ra.
Những liên tưởng hình ảnh này là một bậc cao hơn của nhận thức. Chúng luôn diễn ra theo dạng gợi nhớ và so sánh. Gặp một ngõ phố lạ có đôi nét giống ngõ phố quê nhà, ta bỗng nhớ nhà và nhờ thôi thúc ấy ta khôi phục lại trong đầu mình hình ảnh đầy đủ của ngõ phố quen thân ngày xưa. Có khi nhìn một cái gì hoàn toàn lạ và khác hẳn, đối lập với cái ta đã ghi nhớ, ví dụ như tới khu phố mới với cái nhà cao tầng ở Mát-xơ-cơ-va, ta thấy toàn đường ngang, nét thẳng, bê tông, kính và thép rồi đột nhiên so sánh với đường nét, màu sắc, vật liệu và cảnh quan của làng quê Việt Nam, so sánh đã dẫn đến gợi nhớ.
Những liên tưởng thị giác trực tiếp như vậy thuộc loại đơn giản nhưng có giá trị rất lớn trong tình cảm con người và trong tác phẩm mỹ thuật. Nhìn người đàn bà trong tranh Tàu cổ ta có ấn tượng về cây liễu, cây mai thực chứ không phải là ví von của ngôn ngữ nữa. Loại liên tưởng liên giác quan cũng rất quan trọng. Các yếu tố tạo hình có thể gợi liên tưởng về âm thanh. Màu đỏ, màu lơ, màu vàng thì vang, chứ các màu ghi xám thì lặng lẽ. Những nét vẽ ở hình 2 cho cảm giác về tiếng nổ.
Hình 2
Các cảm giác về mùi vị cũng có thể xảy ra khi ta nhìn ngắm một màu nào đó. Ví dụ màu hồng thường gợi cảm giác ngọt, màu vàng chanh gợi cảm giác chua, màu lục nõn chuối pha lơ vàng gợi cảm giác đắng, độc. Các cảm giác ấm, lạnh thể hiện rất rõ ở các cặp màu thiên về đỏ hoặc thiên về lơ. Đây là hiện tượng hiển nhiên nhưng rất phức tạp và khó lý giải thật chính xác. Trước hết, liên tưởng liên giác quan tất yếu xảy ra do con người có nhiều giác quan. Ở người bình thường các giác quan luôn cùng hoạt động, không tách rời nhau. Khi nhận thức tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Những cánh cửa vào ngôi nhà tâm hồn ta luôn mở rộng và thông thoáng với nhau. Mặt khác các kinh nghiệm ngũ quan ở nhiều cấp độ là cơ sở cho các liên tưởng này. Với ai màu lơ cũng nhẹ có lẽ bởi bầu trời mặt biển cao rộng cho ta thói quen đó. Màu ghi xám của cơn giông, của núi đá để lại ấn tượng nặng nề. Mỗi dân tộc, mỗi miền đất nơi ta sinh sống, lớn lên cũng tạo những nét tâm lý riêng làm cơ sở liên tưởng. Cuối cùng là kinh nghiệm của mỗi cá nhân, cần lưu ý rằng tất cả những kinh nghiệm liên tưởng của nhân loại, dân tộc hay cá nhân đều có cơ sở và dấu ấn vật lý, tâm sinh lý cụ thể và được hình thành do tác động toàn diện của chúng lên cơ thể của chúng ta.
Trong một tác phẩm có sự kết hợp lệch pha hay đồng pha của các hiệu quả liên tưởng trên sẽ gây ấn tượng thẩm mỹ mới lạ, hấp dẫn. Sự kết hợp này được tạo nên trong quá trình sáng tác phức tạp và tạo nên một trường liên tưởng nơi người xem. Tâm hồn trí tuệ người xem ngập trong trường liên tưởng của mình, do tác phẩm định hướng tạo nên.
7. Hình ảnh thị giác tồn tại và có năng lực kích thích tư duy, xúc cảm bởi những khối, màu, nét… Chúng đều có khả năng định hướng. Khả năng này là một phần tạo nên chuyển động mặc dù tác phẩm tạo hình về căn bản là tĩnh. Một đường tròn lớn hơn một bán cầu gây cảm giác nó sẽ được khép kín. Còn nhiều ví dụ khác cho thấy điều đó (xem Hình 3).
Hình 3
Một mâu thuẫn nội tại trong cơ cấu bên trong của một tác phẩm tạo hình là ở đối lập của các hướng vận động liên tưởng này.
“Hạ thánh giá”
Ở bức “Hạ thánh giá”, tác giả mô tả năm người đang đỡ thi thể chúa Giê – su từ cây thánh giá xuống. Thân mình để trần của chúa Giê – su và ba nhân vật bên phải phía trên và bên trái phía dưới và một ông thánh khác ở bên trái phía trên tạo ra một trục chéo ngược lại. Ánh sáng, tay chân và thân mình các nhân vật lại tạo ra các hướng chuyển động khác với hai đường chéo giao nhau gần như ở tâm điểm của bức tranh. Chỉ các hướng khác nhau của hình thể, động tác đủ tạo nên cái năng động, tính chất gay cấn của sự việc được mô tả. Trong cái hạn hẹp của khung tranh, sự vận động đổi hướng liên tục đó làm rõ tâm lý căng thẳng đau xót, lòng căm phẫn và lòng thương cảm của các nhân vật.
Nhóm đấu vật ở giữa tranh “Đánh vật” Đông Hồ cũng như một số mảng phù điêu cùng đề tài này trên các đình làng chủ yếu dừng sự chuyển hướng của hình để mô tả động thái của sự việc. Các hình thể hiện thân người, đầu người, tay và chân luôn đổi chiều bổ túc hay đối chọi nhau tạo ra cái động của thể thao và niềm vui hồn nhiên.
Khối cũng có khả năng tạo hướng như nét; khối cầu thì vô hưởng nhưng khối chóp có hướng, khối quả trứng có sức căng bên trong vì có nhiều hướng đối lập (Hình 4).
Hình 4
Màu và đen trắng cũng có khả năng định hướng gây cảm giác về chuyển động. Một dải các băng đen trắng ở nhiều độ khác nhau, một vòng tròn gần các băng đen trắng đồng tâm ở các độ khác nhau cho thấy rõ một hướng chuyển động (xem Hình 5).
Hình 5
Khi xếp các dải màu hoặc các vòng màu theo một gam, một hệ các sắc độ hoặc có sự đối lập về nóng – lạnh, xa – gần, nặng – nhẹ… ta cũng có hiệu quả định hướng của chúng mà con mắt chúng ta tiếp nhận một cách tự nhiên tưởng như vô ý thức.
8. Các yếu tố tạo hình với khả năng nhận thức của con mắt còn có giá trị tạo biểu tượng và khái niệm. Tròn, vuông là những hình cơ bản thuộc dạng ổn định đầy đủ nhất. Trời tròn, đất vuông không chỉ là một quy ước về ngôn ngữ mà nó xuất phát từ khả năng trừu tượng hóa thế giới bên ngoài bằng con đường thị giác. Vuông, tròn trở thành biểu tượng và khái niệm về sự ổn, đầy đủ. Người Ai Cập cổ lấy hình kim tự tháp làm biểu tượng xuất phát từ khối tam giác cân, bên cạnh của khối tam giác gây cảm giác đè nặng nhất, bám chắc vào đất nhất, khó bẩy đi, khó xê dịch hơn mọi khối khác. Tung hoành – ngang dọc cũng là khái niệm xuất thân từ kinh nghiệm thị giác về hai phương vững chắc nhất. Cơ sở khoa học của nó là sự thật vĩ đại mà Newton đã khẳng định – vấn đề sức hút của trái đất và mọi vật đều rơi vuông góc với mặt đất. Người có chí tung – hoành là người ham vận động và vận động một cách quyết liệt, vững chắc. Chữ tượng hình có lệ là chứng minh rõ nhất khả năng làm biểu tượng và hình thành khái niệm của các phương tiện thị giác.
Hình 6
Những biểu tượng mặt trời của các dân tộc khác nhau cũng hình thành trên cơ sở nhận thức bằng thị giác (Hình 7).
Hình 7
Biển báo giao thông và các phương tiện thông tin thị giác dựa hoàn toàn trên khả năng trừu tượng hóa và biểu tượng hóa này. Đó là màu đập vào mắt ta mạnh nhất, nó dùng vào các biển cấm, gây sự chú ý bắt buộc đối với con mắt. Hai gạch chéo có nghĩa là bỏ, là ngăn cấm. Ở mức biểu tượng quy ước này có sự tham gia của yếu tố ngoài thị giác – được ấn định, thoạt đầu ta cần giải thích ngữ nghĩa của các biểu tượng này. Ví dụ quy ước về biển tròn hay tam giác, màu đỏ và màu xanh. Trong chữ tượng hình cũng có những biểu tượng không có tính chất thuần túy thị giác, điều này giống như các công thức ký hiệu toán lý.
Nghệ thuật chữ và nghệ thuật tranh áp phích triệt để khai thác khả năng tạo ngữ nghĩa của phương tiện thị giác. Chữ trong tranh không chỉ là lời chú giải đơn thuần, nó còn có giá trị tạo hình độc lập, thực sự là một bộ phận của bố cục tranh.
9. Năng lực tư duy thị giác có thực là một cơ sở của sáng tạo tạo hình, là khả năng tạo ra, định hướng một phán đoán. Nếu biểu tượng nằm trong khu vực tư duy xúc cảm thì khái niệm và phán đoán đã nằm trong khu vực tư duy logic. Trong các phương tiện thông tin thị giác, xu hướng tận dụng khả năng tạo phán đoán của các phương tiện tạo hình ngày càng mạnh.
Hình 8
Hình này làm cho người sử dụng hiểu ngay rằng mỗi lần chỉ nên lấy 1 chai không nên lấy nhiều quá tích trữ riêng.
Sức căng của tác phẩm tạo hình, kiến trúc hay trong đồ mỹ thuật thủ công phần nào căn bản nằm ở khả năng định hướng phán đoán của hình, màu, khối, nét, tối – sáng… Cảm giác về một tương quan đè nặng hay nâng đỡ thấy rõ ở việc xếp đặt trên – dưới của hai khối hoặc hai hình chữ nhật to nhỏ khác nhau.
Hình 9: Hình vuông thay đổi to nhỏ và bố trí về mật độ các hình.
Hình 10
J. Weber – một nhà điêu khắc hiện thực Đức có lý khi ông không coi nghệ thuật trừu tượng như một trường phái mà coi đó là một thể loại, ở loại tác phẩm này do triệt tiêu nhân vật (người và đồ vật cụ thể) nên chỉ gây ra một phán đoán, biểu hiện một trạng thái mù mờ ít định hướng. Một mặt nó phát huy năng lực biểu đạt của các yếu tố tạo hình và cực đoan hóa, tuyệt đối hóa việc làm phiến diện này của tạo hình. Song mặt khác do cực đoan như vậy nên tranh trừu tượng mất đi các giá trị biểu đạt khác của tạo hình. Những tranh trừu tượng có màu đẹp, gợi cảm xúc mạnh mẽ, có cái gì đó giống như màu trên tranh của các bậc thầy cổ như Rembrandt, El Greco, Piero della Francesca… khi ta tước bỏ những hình tượng, đồ vật cụ thể, chỉ định ngữ nghĩa. Nghệ thuật trừu tượng hẹp và sâu, phiến diện và có vẻ đẹp riêng. Dần dần ở nơi sinh ra hội họa và điêu khắc trừu tượng, sau một thời kỳ thống trị của loại nghệ thuật “không hình”, nghệ thuật “có hình”, nghệ thuật hiện thực có mô tả, tất nhiên không phải mô tả thuần túy máy móc đang trở lại chiếm đất.
Hình 11
Trong khi đó nghệ thuật trừu tượng giữ lại phạm vi hẹp của nó và góp vào kho từ vựng của sáng tác mỹ thuật những yếu tố cần thiết. Một số ví dụ sau đây cho thấy khả năng tạo trạng thái có tính chất định hướng phán đoán của tranh (xem Hình 11).
Ta cũng thấy rõ rằng vẻ đẹp kiến trúc và đồ đựng (gốm, sứ…) tùy thuộc khá nhiều vào khả năng tạo trạng thái gây phán đoán của khối (xem Hình 12).
Hình 12
Tính gợi cảm của các đồ đựng trong thời kỳ Đông Sơn trong nghệ thuật Việt Nam cổ trước hết là những dáng hình rất đẹp, có định hướng gây những phán đoán thích thú. Chính những phán đoán này chỉ định cách sử dụng, xác định chức năng của các đồ vật đó. Vẻ đẹp của chất liệu (đất ướt, nung lên sẽ khô), vẻ đẹp của mỹ thuật (bàn xoay, nặn tay, đem nung lửa) và vẻ đẹp của công năng (dùng để làm gì) gắn bó với nhau trên một sản phẩm. Rõ ràng các nghệ sỹ Việt Cổ đã là những bậc thầy mỹ thuật ứng dụng và giải quyết được một trong những vấn đề hóc búa nhất đối với mỹ thuật công nghiệp ngày nay. Có người cho rằng các tranh tĩnh vật vẽ hình, lọ, bát, đĩa của họa sỹ Pháp thế kỷ XVIII giống như tranh nhân vật và bằng dáng hình các đồ vật trên tranh ta có thể phán đoán được những mâu thuẫn và những sự hòa hợp giữa chúng hệt như những mâu thuẫn và sự hòa hợp giữa những con người thực.
Tóm lại, việc huy động các yếu tố tạo hình để gây phán đoán, định hướng liên tưởng sau khi đã vào “cửa” thị giác là giá trị tinh thần, giá trị tình cảm và tư duy của tác phẩm tạo hình. Không ở một ngành nghệ thuật nào kể cả văn học, sự quan hệ, sự hòa tan giữa xúc cảm và tư duy vừa lộ rõ vừa tan biến, khó nắm bắt như ở nghệ thuật tạo hình. Cũng vì vậy, trong lịch sử nhân loại vào mọi giai đoạn biến đổi lớn về thế giới quan thì nghệ thuật tạo hình thường đi đầu, thường biến đổi trước hết và triệt để hơn.
- Theo Nguyễn Quân -
>>> Đặc trưng của ngôn ngữ mỹ thuật
>>> Ngôn ngữ của màu sắc (Phần 1)