Các đặc trưng của ngôn ngữ mỹ thuật

1. Các đặc điểm cơ bản của nghệ thuật tạo hình:

* Về ngôn ngữ:

Ngôn ngữ Nghệ thuật tạo hình là ngôn ngữ của Nghệ thuật Thị giác. Nó là sản phẩm của sự sáng tạo. Ngôn ngữ này thể hiện sự sáng tạo, là cái riêng của nghệ sỹ thông qua cách nhìn, tiếng nói, thái độ,t ình cảm của họ đối với cuốc sống, với xã hội trong từng tình huống cụ thể thông qua sự chọn lựa các hình thức biểu cảm trong tác phẩm. Nó bao hàm cả các quan niệm về tạo hình, những khát vọng khám phá tạo nên những nét độc đáo cho bản thân nghệ sỹ, cho cả thời đại hay giai đoạn lịch sử nào đó.

Ngôn ngữ tạo hình được hình thành bởi các yếu tố tạo hình thông qua khả năng diễn tả của nghệ sỹ tạo hình. Mà bản thân nghệ sỹ tạo hình đều có nhân sinh quan, thế giới quan, cách nhìn, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ và trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo của mỗi người. Chính nhân sinh quan, thế giới quan riêng của nghệ sỹ góp phần hình thành khuynh hướng tư duy sáng tạo.

Về mặt lý thuyết thì các yếu tố tạo hình là các yếu tố thị giác vốn được nhìn nhận bởi các nghệ sỹ tạo hình thị giác chuyên nghiệp. Trong khi nghệ thuật thị giác có 10 yếu tố thị giác bao gồm: Điểm, chấm; Đường nét; Hình; Mảng; Khối; Không gian; Thời gian, sự chuyển động; Ánh sáng; Màu sắc; Họa tiết và chất liệu.

Nhưng về yếu tố tạo hình thì có quan niệm chỉ cần gói gọn có 05 mà thôi. Đó là các yếu tố sau: Hình thể (Form); Đường nét (Line); Không gian (Space); Chất liệu (Texture); Màu sắc (Color).

Qua so sánh số lượng 10 yếu tố thị giác, so sánh số lượng cô đúc từ 05 yếu tố tạo hình, cho thấy yếu tố tạo hình là sự giản lược bớt nhưng vẫn bảo đảm dầy đủ các dạng yếu tố hình thức trong mỹ thuật.

Bởi lẽ, trong hình thể, đường nét, màu sắc có thể đã chứa đựng sự chuyển động: trong không gian có khi đã bao hàm thời gian; trong màu sắc đã hàm ngụ ánh sáng.

Ngôn ngữ tạo hình là những hình tượng nghệ thuật hai chiều hay ba chiều hoặc môi trường (hội họa, điêu khắc) do nghệ sỹ tư duy, nghiên cứu, chủ đề, đề tài mà tạo nên. Nhờ tài năng của nghệ sỹ, ngôn ngữ này có khả năng thông qua cửa ngõ thị giác của giới thưởng ngoạn để tác động vào lý trí đi đến trái tim của họ đều khơi dậy, làm sống dậy trong lòng những đối tượng này xúc cảm thẩm mỹ, vừa gợi nên ý thức về sự thương yêu, buồn vui, ghét bỏ, căm giận…

Ngôn ngữ tạo hình tồn tại, thay đổi trong nhiều thể loại, kỹ thuật, trường phái, khuynh hướng, thủ pháp, phong cách. Nó có thể ở các dạng: tả thật, khơi gợi, đơn giản, cách điệu, biến điệu hay ẩn dụ.

Còn nữa, ngôn ngữ này có thể hiển thị thông qua bất kỳ trường phái nào: Hiện thực (Realism); Ấn tượng (Impressionism); Lập thể (Cubism); Vị lai (Futurism); Siêu thực (Surrealism), Vô hình thể (Nonfigurationism); Trừu tượng (Abstractionism)…

tao hinh 1
Gustave Courbet, "The Stone Breakers" (1849)

tao hinh 2
Rosa Bonheur, "Ploughing in Nevers" (1846)

tao hinh 3
Hoa hạnh nhân - Vincent Van Gogh  - 1890

tao hinh 4
Bên hồ nước - Pierre Auguste Renoir

tao hinh 5
Fernand Leger, "Three women", 1921

tao hinh 6
Juan Gris, "Potrait of Pablo Picasso", 1915

tao hinh 7
“Piazza del Duomo” của Carrà

tao hinh 8
Benedetta (Cappa Marinetti) 

tao hinh 9
The Barbarians (1937) - Max Ernst

tao hinh 10
The Accommodations of Desire (1929) - Salvador Dalí

tao hinh 11
Mural- Bích họa (1943) là tác phẩm mang tính đột phá của Pollock,
được vẽ trên khổ vải 8×20 feet (~243×610cm), Mural thực sự là
bức tranh lớn nhất trong sự nghiệp của ông

tao hinh 12

Deep (1953)- Phần lớn được vẽ bởi màu đen và trắng, thêm chút đốm vàng và xanh dương, Deep gợi lên bí ẩn ngay từ cái tên của nó, tác phẩm có thể là tượng trưng cho những nơi tận cùng mà con người có thể khám phá

Trong lịch sử mỹ thuật cho thấy rằng mỗi trường phái, các nghệ sỹ có những lập luận, tuyên ngôn về sáng tạo riêng. Sự ra đời ngôn ngữ tạo hình của mỗi trường phái là sự đóng góp làm giàu cho ngôn ngữ mỹ thuật không phải là sự thay thế các ngôn ngữ khác. Nếu ai đó cho rằng ngôn ngữ này hay hơn, có thể thay thế cho ngôn ngữ kia là sự ngộ nhận đáng tiếc.

Ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình thể hiện sự tự do tư duy tạo hình đúng nghĩa: nó mang ý nghĩa của xã hội, của lịch sử. Loại ngôn ngữ này mang tính tư duy sâu sắc và phóng khoáng trong các hình thái biểu hiện hơn loại ngôn ngữ tạo hình, tạo dáng của nghệ thuật trang trí và thiết kế.

* Về tác phẩm:

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình là cuộc hôn phối giữa tác giả (chủ thể sáng tạo) với thực tế cuộc sống (khách thể) thông qua chủ đề, đề tài.

Tranh, tượng chính là người: nó chính là hình bóng của tác giả. Do đó người ta có câu “Người làm sao của chiêm bao là vậy”. “Người” chính là tác giả, “chiêm bao” chính là tác phẩm, là “con đẻ” của tác giả. Nó thể hiện cảm xúc, khát vọng, ước mơ, thái độ, cách nhìn của tác giả thông qua khuynh hướng sáng tạo, thể loại, kỹ thuật, chất liệu diễn đạt.

Tác phẩm tạo hình hình thành trên cơ sở khẳng định “cái tôi” các tính hay còn gọi là cái riêng của mỗi người.

Không có cái tôi, cái riêng, cá tính, tính sáng tạo và tính thẩm mỹ thì không có nghệ thuật. Cái tôi, cái riêng được hình thành thông qua cách nhìn, xúc cảm, quan niệm tạo hình, phong cách, quá trình, kinh nghiệm sáng tác, kỹ thuật, thủ pháp, thể hiện, diễn tả nghệ thuật của mỗi người.

Tác phẩm là sự thể hiện “cách giao tiếp” của tác giả với chúng, với xã hội mà anh ta đã và đang sống. Nó thể hiện thái độ, cách nhìn, trách nhiệm xã hội của tác giả với cộng đồng, quê hương, tổ quốc của chủ thể sáng tác.

Tác phẩm tạo hình thường ở dạng “độc bản” có một chứ không có hai. Đó là đặc điểm về tác phẩm. Bản thân nghệ sỹ tạo hình muốn tạo ra “chỉ có một cái” mà thôi, anh ta không hề muốn tác phẩm của mình bị sao chép lại.

Trong khi đó thì tác phẩm của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng bắt buộc phải quan tâm đến tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật để có thể “nhân bản” sảm xuất ra hàng loạt, bán đi nhiều nơi càng tốt. Từ đặc điểm này, tâm lý và khả năng tự do sáng tạo của nghệ sỹ tạo hình khác với nghệ sỹ ứng dụng.

Ghi chú: Chỉ có những trường hợp rất đặc biệt là nhà trang trí hay nhà thiết kế thực hiện các sản phẩm độc nhất cho Vua chúa hay các bậc quý tộc hay  các nghệ sỹ nổi tiếng thì khi ấy không cần quan tâm đến khả năng thực hiện thành nhiều bản.

Tác phẩm tạo hình không phải chỉ làm đẹp mắt mà trình bày ý tưởng, cảm xúc, thái độ của nghệ sỹ và những vấn đề mới, độc đáo, có giá trị thẩm mỹ. Do đó, người nghệ sỹ có thể chọn những đề tài dữ dội, ghê rợn, chết chóc, nghịch lý để khơi gợi thái độ tình cảm, cảm thông, thấu hiểu của người xem đối với những thông điệp ẩn trong tác phẩm.

* Về nghệ sỹ:

Nghệ sỹ tạo hình có sự tự do gần như tuyệt đối khi sáng tác. Do vậy tâm lý sáng tạo của họ thoải mái hơn nghệ sỹ trang trí và nghệ sỹ thiết kế. Trong suốt quá trình tư duy sáng tạo, các nghệ sỹ của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng phải phụ thuộc vào nhiều tiền đề có trước cho nên tâm lý sáng tác và sự tự do không giống với nghệ sỹ tạo hình.

Tự do sáng tạo, không biết sợ hãi phải là tâm niệm của nghệ sỹ tạo hình. Tâm lý sáng tạo của nghệ sỹ phải là tinh thần vượt lên trên sự thắng thua, sự mua bán. Khát vọng cao nhất của nghệ sỹ tạo hình là thể hiện được trọn vẹn cảm xúc, tấm lòng, tình yêu nghệ thuật của mình.

Nỗi băn khoăn chủ yếu của nghệ sỹ là không diễn tả được hết tấm lòng của mình theo ngôn ngữ riêng mà mình chọn.

Điều chắc chắn là sẽ không thể chấp nhận có sự rung động giả hay tình yêu giả trong tâm lý sáng tạo và tác phẩm. Sự rung động chân thành của người sáng tạo sẽ là thứ mật ngọt, men say mà bản thân tác giả ướp, tẩm vào ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Chính nhờ nó mà tác phẩm mới “đi vào lòng người” gây xúc động cho người xem.

Do vậy, trong nghệ thuật không chấp nhận sự nói dối và sợ hãi. Bởi lẽ chỉ cần một chút lo sợ: sợ người ta không hiểu, sợ không ai mua sẽ làm cho cái tâm sáng tạo bị thúc bách, bắt buộc thì sẽ khó có được cảm xúc chân thành.

Sáng tác trong tâm trạng bị ức chế là điều tối kỵ của nghệ sỹ.

Mối quan tâm nhất của nghệ sỹ tạo hình là làm sao tạo được một tác phẩm độc đáo về ý tưởng, ngôn ngữ và giá trị nghệ thuật. Nghệ sỹ tạo hình không bao giờ mong muốn tác phẩm mình được sao chép ra hàng loạt. Bởi lẽ giá trị độc bản, độc nhất vô nhị mới là sự độc đáo của tác phẩm tạo hình.

Nghệ sỹ tạo hình không cần hoặc ít quan tâm đến các vấn đề: tác phẩm mình có bán được hay không, ai là người sẽ mua và nó sẽ được đặt ở đâu. Đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại (post-modernism) gồm các loại hình: Nghệ thuật sắp đặt (Installation Arts) hay Nghệ thuật thân thể (Body Arts) mà tác phẩm chỉ để diễn tả ý tưởng, để phô bày cho công chúng trong thời gian ngắn chứ không phải để bán hay vì động cơ kinh tế.

Điều vô cùng đặc biệt cần chú ý là trong khi ngay bên trong tất cả các tác phẩm tạo hình của các khuynh hướng khác thường mô tả hay khơi gợi một ý tưởng dường như đã định hình thì trong tư duy sáng tạo, còn người nghệ sỹ sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt thì chủ yếu trình bày một chuỗi những hình tượng về thị giác, thính giác, khứu giác… để chủ ý “phơi bày một diễn trình tạo nên ý tưởng”. Nghĩa là người xem phải cần có động tác “kết nối” tư duy của mình thông qua sự trình bày của tác giả. Lúc này, người xem phải liên tưởng đến câu “ý tại ngôn ngoại” trong văn học.

Nghĩa là người xem phải hiểu biết đặc trưng ngôn ngữ của loại nghệ thuật này thì mới cảm thông với ý tưởng của tác giả.

Ở đây cũng cho thấy rằng người nghệ sỹ của nghệ thuật sắp đặt không phải chỉ đơn thuần áp dụng tư duy thị giác mà còn vận dụng cả tư duy thính giác tư duy khoa học và văn học, triết học nữa.

Tuy nhiên cũng có những nghệ sỹ theo khuynh hướng mới này cố ý tạo sự kiện, hình tượng, không gian “gây sốc” cho người xem. Điều này chỉ có giá trị trong tình huống thật cần thiết, xuất phát từ nội dung, từ cái tâm chân thực trong ngôn ngữ biểu đạt. Mọi sự lên gân, duy lý quá đáng đều làm cản trở cho tâm thai cảm thụ của người xem.

Vì phương châm cơ bản của nghệ thuật tạo hình là “Không có cái riêng, không có sáng tạo thì sẽ không có nghệ thuật”. Hơn bao giờ hết, cho đến lúc này, cái đẹp không làm xao động lòng người có lẽ vẫn còn là chân lý bất tử trong mỹ thuật.

Do vậy, trước khi nghiên cứu sáng tác, các nghệ sỹ phải nghiên cứu kỹ đề tài, nghiên cứu các tác phẩm tương tự có trước đang có mặt trong xã hội. Các tư tưởng, cách nhìn mà các tác giả muốn gửi gắm là gì? Các ngôn ngữ, phong cách, không gian mà các tác giả trước đã thể hiện. Nghệ sỹ tạo hình cũng nghĩ về vai trò, trách nhiệm xã hội của mình với tác phẩm, với công chúng đương thời và cả hậu thế.

Trong khi tác phẩm của các nhà trang trí hay nhà thiết kế phải chấp nhận sự thay đổi với mức độ nào đó để phù hợp với các đặc điểm kỹ thuật sản xuất hàng loạt, thì tác phẩm của nghệ thuật tạo hình như là một thái độ dứt khoát về sáng tạo, vì thế tác phẩm của nghệ thuật tạo hình ít khi thay đổi hoặc có những trường hợp trở thành những tác phẩm vô giá, khi có sự tham gia của các nhà sưu tập và đấu giá quốc tế.

Những phân tích trên đây chắc chắn chưa nói hết được những đặc điểm của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, nhưng nó giúp chúng ta nhìn ngắm lại công việc sáng tạo của mình cũng như giới hạn của nghệ thuật thị giác.

2. Các đặc điểm của nghệ thuật trang trí:

Định nghĩa cơ bản của thuật ngữ trang trí là “làm cho đẹp một đối tượng, một sản phẩm, một môi trường không gian cụ thể nào đó bằng các tổ chức, phối hợp các yếu tố hình thức nào đó”.

Mục tiêu của tác phẩm trang trí là làm “đẹp mắt” và thỏa mãn tinh thần mà thôi chứ không cần đánh động đến trái tim, lương tri của con người như tác phẩm mỹ thuật tạo hình.

Đặc biệt là nghệ thuật trang trí luôn luôn thâm nhập và ứng dụng trong vô số lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế thương mại, tôn giáo, văn hóa giáo dục, truyền thông, khoa học kỹ thuật… và nó chỉ phát triển trong nền kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần.

Để nghiên cứu phân tích loại nghệ thuật này chúng ta cũng phải lần lượt thông qua các vấn đề giống như nghệ thuật tạo hình để từ đó tìm ra sự giống nhau và khác nhau giữa các loại hình nghệ thuật thị giác.

* Về ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của Nghệ thuật trang trí là ngôn ngữ của nghệ thuật thị giác, của sự sáng tạo nhưng chỉ dừng lại ở sự đẹp mắt, làm thỏa mãn tinh thần mà thôi, không cần phải phức tạp, khó hiểu hoặc đi vào sâu thẳm tâm hồn của người thưởng ngoạn.

Nó không phải là ngôn ngữ tả thực mà thông qua sự sáng tạo để đơn giản, tinh lọc, cách điệu, biến điệu hay cường điệu. Nó cũng không cần có sự tham gia của phép viễn cận, luật xa gần (Perspective).

Ngôn ngữ này cũng được xây dựng bằng các yếu tố thị giác thông qua các thao tác vẽ, cắt dán, lắp ráp các yếu tố màu sắc, chất liệu, ánh sáng trong các lĩnh vực không gian hai chiều, ba chiều hoặc môi trường.

Nếu phải sáng tạo một tác phẩm mang tính độc lập hoàn toàn thì ngôn ngữ thể hiện có lẽ sẽ cho thấy sự tự do, thoải mái hơn. Nhưng trên thực tế, luôn luôn người nghệ sỹ trang trí phải thực hiện tác phẩm “để trang trí, làm đẹp cho môi trường cho vật thể cụ thể nào đó”. Tính chất thích nghi cụ thể là một đặc điểm của nghệ thuật trang trí. Nó là một ràng buộc mang tính nhận thức chuyên nghiệp.

Do vậy, ngôn ngữ thể hiện tác phẩm này bắt buộc phải: “thích nghi” hòa hợp với những đặc điểm đã và đang có của môi trường mà tác phẩm được lắp đặt hay phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, phái tính của đối tượng sử dụng.

Hơn nữa, vì mục đích là để trang trí, làm đẹp thị giác để giải trí là chính cho nên đề tài sáng tác và hình tượng trang trí không bao giờ có những trạng thái kinh dị như siêu thực, không có những hình ảnh chết chóc, nặng nề, thảm não.

Hình tượng, ngôn ngữ, trang trí thường được sáng tạo dựa vào môi trường, không gian, đối tượng, phong cách cụ thể của môi trường ứng dụng. Nó còn dựa vào những đặc điểm về thời đại, dân tộc, chủng tộc (trường hợp phải tái hiện một không gian lịch sử), phái tính, lứa tuổi, tâm sinh lý của đối tượng cảm thụ.

* Về tác phẩm:

Cho dù là trang trí hai chiều, ba chiều hay trang trí môi trường thì từ trong tác phẩm của trang trí luôn phải bảo đảm sự hài hòa, thẩm mỹ nội tại, phù hợp với đề tài, đối tượng cảm thụ và đặc biệt là còn phải đảm bảo cho sự phối hợp với không gian, nơi mà tác phẩm sẽ được lắp đặt hay trưng bày cụ thể.

Cái đẹp của nghệ thuật trang trí luôn là hiệu quả của sự thể hiện tính thích nghi, hòa hợp cao từ nội tại cụ thể trong tác phẩm và do sự phối trí cũng thật cụ thể với môi trường và tác phẩm được trưng bày.

Tác phẩm của nghệ thuật trang trí vô cùng đa dạng; nó xuất phát từ nhu cầu phải phục vụ nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh tế, thương mại, văn hóa đời sống xã hội. Qua dòng chảy lịch sử thời đại tác phẩm nghệ thuật trang trí, nó trở thành là một kho tàng bất tận với vô vàn hình thái từ vi mô đến vĩ mô, từ cây trâm cài tóc cho đến cả một đô thị hay cung điện nguy nga.

Tác phẩm của nghệ thuật trang trí phải gắn liền với các yêu cầu về tính khả thi như: kinh tế, kỹ thuật để có thể là tác phẩm độc bản hay nhân ra nhiều bản. Tất nhiên mức độ nhân bản không rộng như tác phẩm của nghệ thuật thiết kế.

* Về nghệ sỹ:

Nghệ sỹ trang trí cũng là nghệ sỹ thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Anh ta là những nhà sáng tạo nên những tác phẩm trang trí, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Anh ta không có được sự tự do như nghệ sỹ tạo hình. Bởi vì anh ta cần nghiên cứu những tiền đề có liên quan đến bản thân tác phẩm, đến người cảm thụ và môi trường lắp đặt tác phẩm. Đó là sự bắt buộc trong quy trình sáng tạo cũng được coi là đạo đức nghề nghiệp.

Phải thực sự mà nói rằng từ thâm sâu của tâm lý sáng tác thì nghệ sỹ trang trí luôn bị áp lực, sự ức chế nghề nghiệp. Đây là sự ức chế mang tính đặc trưng của ngành nghề, nó không phải là trạng thái mất tự do sáng tạo mà chính là một đặc điểm nghề nghiệp mà nhà nghệ sỹ trang trí lẫn nhà nghệ sỹ thiết kế phải ý thức rõ ràng khi chọn và vào nghề. Chính nó góp phần cho việc hình thành nên những đức tính nghề nghiệp và phương pháp nghiên cứu sáng tạo chuyên biệt.

3. Đặc điểm của nghệ thuật thiết kế:

* Về lịch sử và ngôn ngữ:

Về mặt lịch sử thì Nghệ thuật thiết kế là con đẻ của cuộc cách mạng và nền văn minh công nghiệp (mở đầu là sự phát minh của máy hơi nước của ông James Watt người Scotland).

Nghệ thuật thiết kế là sự hóa thân của Nghệ thuật trang trí trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nó tạo nên hệ thống tư duy sáng tạo nghệ thuật thị giác từ hai chiều, ba chiều, môi trường phù hợp với các đặc điểm, các yêu cầu của hệ thống tư duy sáng tạo sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt. Nó được coi là mỹ thuật công nghiệp hay thẩm mỹ công nghiệp.

Ngôn ngữ của nghệ thuật thiết kế vô cùng đa dạng và thay đổi trong từng chuyên ngành và nó thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của xã hội. Đặc biệt nó luôn gắn liền với những phát minh và thành tựu mới của khoa học. Đây là điều mà ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình không có được hoặc không nhất thiết phải gắn liền một cách chặt chẽ.

Có rất nhiều yếu tố để tạo nên định nghĩa về nghệ thuật Thiết kế mà trong đó tính thẩm mỹ và khả năng sản xuất hàng loạt giữ một vai trò quan trọng trong mối liên kết vô cùng chặt chữ với nhiều yếu tố nằm trong các lĩnh vực về kinh tế, kỹ thuật, khoa học, xã hội học, nhân trắc học, tâm sinh lý lao động, tiếp thị học.

Yêu cầu cao nhất và cuối cùng của sản phẩm thiết kế không phải là duy nhất chỉ có Đẹp mà chính là “Tính hiệu quả”.

Trong khi nghệ sỹ trang trí chỉ tập trung sáng tạo nên cái đẹp nhằm mục đích duy nhất là làm thỏa mãn thị giác và tinh thần thì vai trò của cái đẹp trong tác phẩm Nghệ thuật thiết kế không phải là giá trị duy nhất mà nó chỉ là một trong nhiều tiêu chí mà nhà thiết kế phải tư duy trong suốt quá trình sáng tạo.

Như vậy, ngôn ngữ của nghệ thuật thiết kế là hiệu quả tổng hợp của nhiều lĩnh vực khoa học trong đó có khoa học về thẩm mỹ công nghiệp.

* Về tác phẩm:

- Tác phẩm hay sản phẩm của nghệ thuật thiết kế đều phải là sự liên kết, sáng tạo để phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng loạt. Nó không phải là sản phẩm hay tác phẩm độc bản mà là những tác phẩm sẽ được nhân bản thông qua quy trình sản xuất tiến bộ tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, giá thành hạ để đưa vào kinh doanh cạnh tranh trong thị trường. Bên trong sản phẩm thiết kế hội đủ các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật, khoa học và nghệ thuật để thích hợp cho việc đưa vào sản xuất.

- Tác phẩm của nghệ thuật thiết kế luôn gắn liền với cạnh tranh kinh tế và những tiến bộ mới của kỹ thuật công nghệ. Do vậy, trong tư duy tạo dáng, tạo hình, trong sáng tạo, nhà thiết kế phải quan tâm rất nhiều vấn đề khoa học và phục vụ đời sống thường nhật của từng loại người, thành phần xã hội cụ thể hơn nghệ sỹ tạo hình và nghệ sỹ trang trí.

Trước một đề tài, sản phẩm được yêu cầu phải thiết kế thì cái nhìn của nghệ sỹ thiết kế là cách nhìn của nhà nghệ sỹ và nhà tiếp thị (marketing). Tác phẩm của nghệ thuật thiêt kế có khi còn gắn với thông điệp riêng.

- Trong khi tác phẩm nghệ thuật tạo hình vừa bảo đảm tính độc đáo, độc bản, chuyên sâu vào giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ có một không hai thì sự độc đáo của tác phẩm của nghệ thuật thiết kế là sự sáng tạo để đưa ra ý tưởng mới dựa trên sự nghiên cứu sâu sắc và kết hợp hài hòa giữa công năng và thẩm mỹ, sự độc đáo về giải pháp kỹ thuật, kết cấu, tạo dáng, sự tiện ích đời thường của mọi người sử dụng, giữa giá trị kinh tế, sự cạnh tranh thị trường và sự an toàn.

- Trong khi tác phẩm của nghệ thuật tạo hình là độc bản, khó phổ biến rộng thì tác phẩm, sản phẩm của nghệ thuật thiết kế thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Do vậy, nó có khả năng cải tạo tập quán, giáo dục nâng cao trình độ thẩm mỹ công chúng, của xã hội.

Tác phẩm của nghệ thuật thiết kế có hai lần giá trị:

- Lần thứ nhất giá trị bản quyền khi chưa sản xuất;

- Lần thứ hai khi đã trở thành sản phẩm của công nghiệp sản xuất hàng loạt.

Chính vì vậy mà nó có thể phục vụ được nhiều người, nhiều nơi.

Ẩn sâu bên trong tác phẩm của nghệ thuật thiết kế chính là cải tiến công nghệ, là sáng tạo khoa học, là khoa học tiếp thị, quản lý kinh doanh, là quyền lợi của công chúng, là tạo lòng tin ở khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về cạnh tranh kinh tế khốc liệt.

Vì vậy, những phương châm “Khách hàng là thượng đế”, “Thiết kế đẹp, kinh doanh phát đạt” là tâm niệm của các nhà thiết kế.

Trong khi đó, thì tác phẩm nghệ thuật tạo hình thì hầu như trước tiên nhằm thỏa mãn “cái tôi” của riêng, cái độc đáo, cảm xúc chân thành của tác giả.

Cũng cần nói cho rõ rằng: Nếu trong một xã hội mà “thượng đế” lại yếu kém về trình độ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ kém, nhưng lại luôn tỏ ra là giới có quyền lực chi phối, chỉ đạo các nhà thiết kế thì quả là một bi kịch, một thảm họa cho kinh tế… làm cản trở sự sáng tạo nghệ thuật.

Chính từ sự khác nhau giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật thiết kế, cho nên nhà thiết kế phải nghiên cứu và hiểu rõ các yêu cầu trước khi bắt tay vào tư duy, anh ta phải thể nghiệm và thực hành sáng tạo để tạo ra những sản phẩm thích hợp với lĩnh vực, chuyên ngành có hiệu quả cụ thể trong mỗi lĩnh vực.

* Về nghệ sỹ:

- Nghệ sỹ thiết kế không có sự tự do như nghệ sỹ tạo hình, bởi vì anh ta phải quan niệm đúng mức về tính hiệu quả, tính thẩm mỹ, tính kinh tế, tính kỹ thuật và ứng dụng để sản xuất hàng loạt những yêu cầu mang tính xã hội, văn hóa tổng hợp.

- Nghệ sỹ thiết kế luôn đặt khách hàng mục tiêu, đối tượng phục vụ lên hàng đầu. Anh ta phát huy sự tự do sáng tạo trên nhiều tiền đề mang tính bắt buộc.

- Sự tự do của nghệ sỹ thiết kế được hiểu và phát huy trên những ràng buộc mang tính chất đạo đức nghề nghiệp và luật pháp nói chung cũng như luật pháp chuyên ngành. Vì thế tâm lý sáng tác cũng phải được hiểu và dựa trên những đặc điểm rất riêng này.

- Như đã nói ở trên nhãn quang của nhà thiết kế là sự phối hợp con mắt của nhà nghệ sỹ mỹ thuật và nhà tiếp thị.

Thông thường, trước khi bắt tay vào sáng tác, thiết kế công nghiệp, thiết kế quảng cáo thì nhà nghệ sỹ thiết kế phải biết rất rõ tất cả các thông tin của môi trường và hai đối tượng lớn sau đây:

- Thông tin về chiến lược quảng cáo mà nhà doanh nghiệp đang sử dụng (đối với yêu cầu phải thiết kế quảng cáo).

- Thông tin về các đặc điểm, yêu cầu về thiết kế sản phẩm: quy cách, tiêu chuẩn, cấu trúc, kiểu dáng, chất liệu, thông số kỹ thuật bắt buộc, hình ảnh, sản phẩm thật, màu sắc, mùi vị đặc trưng (trường hợp nhà thiết kế phải sáng tạo nhiều kiểu dáng, sản phẩm công nghiệp).

- Thông tin về phong cách quảng cáo mà doanh nghiệp đang sử dụng: sang trọng, cầu kỳ, bình dân, khôi hài (nếu thiết kế quảng cáo).

- Các thông tin về các sản phẩm cùng loại đang lưu hành

- Thông tin về các đối thủ của các nhà sản xuất: các sản phẩm của các đối thủ này, các cách thức thông tin, quảng cáo mà đối thủ này đang sử dụng.

- Thông tin về khối lượng kinh phí mà nhà doanh nghiệp dành cho thiết kế sản phẩm hay thiết kế quảng cáo.

- Thông tin cụ thể về thời điểm, khu vực sẽ tiếp nhận thông tin quảng cáo: Thông tin và đặc điểm cụ thể về tình hình địa lý, khí hậu, dân cư của khu vực sẽ tung ra quảng cáo, bao gồm thành phần dân số, các dạng lao động, ngành nghề, lối sống, tôn giáo, mức thu nhập.

- Đối với khách hàng mục tiệu: (Người sẽ mua sản phẩm hay người sẽ chịu tác động trực tiếp của thông tin quảng cáo).

Các đặc điểm, thông tin về khách hàng của sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm quảng cáo mà nhà thiết kế bắt buộc phải biết rất rõ: dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, triết lý sống, tập quán, phái tính, lứa tuổi, thành phần xã hội, ngành nghề, thị hiếu thẩm mỹ, mức thu nhập.

Trên đây là các đặc điểm của ba lĩnh vực Nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí và nghệ thuật thiết kế.

Chính những đặc điểm đó chi phối tư duy, tâm lý, phương pháp, quy trình sáng tạo.

Nói chung, qua phân tích các đặc điểm của ba lĩnh vực nghệ thuật thị giác: Nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí và nghệ thuật nhằm giúp cho các nghệ sỹ các lĩnh vực. Xác định phương pháp và hướng tư duy trong suốt quá trình nghiên cứu và thực hành sáng tạo nên tác phẩm cụ thể.

>>> Ngôn ngữ của màu sắc (Phần 1)

>>> Ngôn ngữ cơ thể trong vẽ ký họa

>>> Cấu trúc cơ bản trong mỹ thuật

0976984729