Ngôn ngữ tạo hình trong kiến trúc (Phần 3)

3. Diện – Hình:

a. Khái niệm diện và hình trong tạo hình: Một đường trải dài sẽ tạo thành một diện. Diện có hai chiều dài và rộng nhưng xét về tương đối không có chiều sâu. Còn đường chu vi và đường bao là hình. Những đặc điểm đặc trưng của diện là tính chất trong diện tích bề mặt của diện như: độ nhẵn bóng hay sần sùi và màu sắc… mà mang lại biểu cảm cho tạo hình. Hình có đặc trưng từ những đường biên khép kín tạo nên hình, nó được nhìn từ chính diện hoặc trong phối cảnh. Bao gồm góc và độ cong hay tính chất biến đổi của đường bao. Sức mạnh thị cảm và độ bền vững của một diện phụ thuộc vào diện tích, chất cảm, màu sắc và nét trong của diện. Một diện ngoài chiều dài và chiều rọng còn có hình dáng, diện tích và chiều hướng.

b. Khả năng biểu hiện của diện và hình trong nghệ thuật tạo hình: Hình tròn là hình “khiêm tốn” nhất, nhưng lại đòi hỏi chặt chẽ, nghiêm khắc nhất. Là hình chính xác nhất nhưng biến hóa vô cùng, vừa ổn định vừa bất định, vừa yên tĩnh, vừa dữ dội, là sức căng hớp thành của vô số sức căng khác. Hình tròn kết hợp những đối kháng lớn nhất, tổng hòa của các đồng tâm và ly tâm. Trong ba dạng nguyên thủy đó, hình tròn là hình dễ gợi lên nhất chiều thứ tự. Hình tròn là thế giới tinh thần, của tình cảm của không khí đang vận động, của dòng nước chảy; HÌnh vuông là thế giới vật chất của lực trọng trường, của sự yên tĩnh; Hình tam giác là thế giới của tri thức, của lô gic, của sự tập trung ánh sáng và lửa. Ở những quan niệm đó, ta thấy rõ cái chủ quan đã thay thế các giá trị tự thân của hình dạng. Con người đã gán vào các hình dạng các ý nghĩa trừu tượng và chủ quan. Diện trở thành một yếu tố then chốt của trang trí bố cục tạo hình vì tạo hình có những diện phục vụ với tư cách là yếu tố giới hạn một không gian (Hình 2.27). Còn hình là giới hạn diện, ngoài ra xét về tính tương đối thì cũng có khả năng giới hạn không gian.

- Diện trong tạo hình xác định những không gian và những khối ba chiều: Những đặc trưng của mỗi diện (độ lớn, màu sắc, chất cảm) cùng với mối liên hệ nội tại không gian của chúng sẽ xác định đặc trưng thị cảm cùng với chất lượng của không gian.

- Diện thể hiện biểu cảm thông qua cách bố cục: Ví dụ một mặt phẳng thẳng đứng cắt một mặt phẳng nằm ngang, hiệu quả gây nên sẽ là ổn định. Nếu một mặt phẳng đặt hơi nghiêng, cảm giác tĩnh tại sẽ biến mất thay vào đó là ấn tượng không ổn định và căng thẳng. Một diện cong thoải, tương tự với những đường cong thoải theo chiều ngang, sẽ gây cảm giác êm đềm.

- Tính đa dạng của hình thái của diện hình: Hình phẳng là loại hình đơn giản và cổ xưa nhất, bởi lẽ nó chỉ dùng đến yếu tố nét để tạo ra đường bao. Và chỉ có vậy, nó đã tạo ra nhiều hình thể khác nhau. Qua hình có thể gợi tả cho ta hiểu được một hình ảnh, một hình dạng cần được thể hiện. Ví dụ: Hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn… đều dùng đường nét đơn giản để tạo nên hình, chủ yếu thông qua đường bao thể hiện nên hình… Hình 2.32. Hình phẳng không gian là không gian hai chiều. Nhận thức một hình phẳng, hay thể hiện hình thể bằng hình phẳng, thông thường ta không chú ý đến tính không gian của vật thể. Trong không gian 2 chiều, các mối quan hệ giữa thành phần của bố cục tạo hình mang tính tĩnh và tuyến tính. Trong không gian phẳng, các quan hệ của bố cục hình mảng còn có khả năng làm phông – nền cho hình. Các tín hiệu để nhận thức hình dạng ở thể phẳng không thuộc loại miêu tả, mà là các tín hiệu ngữ nghĩa, đôi khi là quy ước hoặc ký hiệu. Ở hình phẳng, cái quan trọng nhất là đường bao, đường bao là giới hạn thị giác của một hình thể mà ta có thể nhận thấy được. Tùy từng góc nhìn khác nhau, một vật thể có thể có nhiều đường bao khác nhau, tuy nhiên chúng đều có khả năng diễn tả đúng hình thể đó. Khi ta thể hiện một hình ảnh bằng đường bao trên một mặt phẳng (một tờ giấy), không phải lúc nào ta cũng nhận thấy một hình nếu không có phông – nền.

tao hinh 1

Hình 2.32

Do đặc tính đa nghĩa của đường nét, phần bên trong của đường bao sẽ tạo nên một hình, phần bên ngoài của đường bao cũng có thể tạo nên một hình nữa. Nếu ta vẽ đường bao của một ly rượu, hay một lọ cắm hoa thủy tinh có chân đáy cao và phức tạp. Ta không chỉ nhận ra đó là hình ảnh của ly rượu, hay lọ cắm hoa thủy tinh, đôi khi phần ngoài của đường bao còn cho ta hình ảnh của hai khuôn mặt nhìn nghiêng, đối xứng nhau (Hình 2.33). Trong trường hợp này, vai trò của phông và hình là vô cùng quan trọng. Muốn thể hiện rõ một hình phẳng, người ta thường chú ý đến tính tương phản của phông và hình. Ngược lại, muốn tăng thông tin hình ảnh với số nét ít nhất, với hình đơn giản nhất, người ta thường làm lẫn lộn phông và hình ảnh. Hình phẳng lúc này thường mang nhiều nghĩa. Họa sỹ Pablo Picasso hay dùng thủ pháp này khi ông muốn chỉ bằng số lượng nét ít nhất để tả trên cùng một đường bao của khuôn mặt nhìn thẳng, vừa diễn tả khuôn mặt nhìn nghiêng. Trong đồ họa công nghiệp, đặc biệt trong các phương pháp tạo biểu tượng, các hình phẳng kiểu này rất hay được áp dụng, bởi chỉ bằng các hình đơn giản mà nói được nhiều nghĩa.

tao hinh 2

Hình 2.33

Ấn tượng hình và liên tưởng hình: Nhận cảm hình phẳng thường thông qua luật đơn giản. Đơn giản được hiểu ở đây là sự đơn giản của cấu trúc hình. Nếu ta có 4 điểm A, B, C, D sao cho 4 cạnh AB = BC = CD = DA, AB vuông góc với CD, AB song song với CD, AD song song với BC. Qua 4 điểm này ta dễ nhận ra 4 đỉnh của một hình vuông đúng hơn là 4 điểm giữa của 4 cạnh của một hình thoi đứng, hay một hình vuông xiên. Càng khó nhận ra đó là 4 điểm của một đường bao tự do. Dễ nhận ra 4 đỉnh của hình vuông đứng vì hình này có sơ đồ cấu trúc đơn giản nhất. Hai cấu trúc của nó trùng với hai phương cơ bản: Thẳng đứng và nằm ngang (Hình 2.34 a, b). Ấn tượng và liên tưởng hình phụ thuộc vào cấu trúc hình, còn được khẳng định rõ thêm thông qua các hình 2.34c, d, e, g, h, k.

tao hinh 3

Hình 2.34. Sơ đồ cấu trúc hình

Tính cô đọng của hình (diện): Trong thực tế, cái dễ nhận ra là cái dễ nhớ, dễ suy luận và tái hiện. Trong nghệ thuật tạo ấn tượng về các mác (logo) hàng hóa, một trong các thủ thuật quan trọng là tạo hình ảnh đơn giản, dễ nhớ. Logo của hãng xe Mercedes, Toyota, Fiat, nước ngọt Coca-cola… hãng hàng không Bỉ, hàng không Pháp và hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Ví dụ: Hình 2.35 là những hình đơn giản và dễ nhớ mang tính cô đọng và dễ miêu tả.

tao hinh 4

Hình 2.35. Tính cô đọng của hình, nét trong các biểu tượng

Trong môi trường thị giác xung quanh ta thường được tạo bởi vô số các hình phẳng. Hệ thống các biển quảng cáo, biển tuyên truyền, các biển chỉ dẫn giao thông, thế giới xuất bản phẩm… đều dùng hình phẳng làm phương tiện thể hiện, đây là một thực tế cần chú ý đến. Thông tin trực tiếp, tạo ấn tượng mạnh thường là yêu cầu lớn của các nhà quảng cáo hiện đại. Ta cũng biết rằng cái lạ, cái mới không phải dễ dàng tạo ra được trong khi cái đơn giản thường có thể tạo ra, và tiềm ẩn trong mọi đối tượng thể hiện. Ta cũng cần phân biệt cái đơn giản của cấu trúc hình (đơn giản khách quan) và cách nhận hình đơn giản của mắt (đơn giản chủ quan) – hình dạng thị giác. Tính đơn giản khách quan và đơn giản chủ quan không phải lúc nào cũng trùng lặp nhau, giống nhau. Ví dụ: nếu ta có 4 hình vuông trắng và ba hình vuông đen. Đem xếp 7 hình vuông này theo các phương án khác nhau. Cách 1: 3 hình vuông đen liên tục tiếp đến là 4 hình vuông trắng. Cách 2: 4 hình vuông trắng liên tục tiếp đến ba hình vuông đen. Tổ hợp ta có thể có 35 cách xếp khác nhau theo một trật tự khác nhau. Trong đó cách cuối cùng là xếp xen kẽ một hình vuông trắng, một hình vuông đen. Ta dễ nhận ra là: Hai cách đầu có cấu trúc đơn giản hơn cách cuối cùng. Nhưng đem 35 cách này mà làm thí nghiệm về khả năng dễ nhớ của hình, thì cách cuối cùng là dễ nhớ nhất. Tính cấu trúc đơn giản ở đây đã nhường chỗ cho trật tự đơn giản.

Tương quan giữa mức độ ý nghĩa và hình dạng biểu hiện cũng làm cho mức độ đơn giản trong hình phẳng được xác định rõ hơn. Khó có thể dùng một hình phẳng quá đơn giản, chỉ bằng một vài nét, để diễn đạt một nội dung phức tạp. Nếu hình chỉ là một vài nét, hình phẳng thường là đa nghĩa. Có những ý nghĩa nằm ngoài mong muốn của các nhà thiết kế. Có những ý nghĩa chỉ được phát hiện sau khi công bố, và tất nhiên nó có tác dụng ngược lại với điều cần có, các nội dung phức tạp thường cần đến hệ thống các cấu trúc hình ảnh chuyển nghĩa, điều này không thể thực hiện được trong các hình phẳng quá đơn giản. Mức độ ý nghĩa trong hình phẳng là rất tượng trưng, nhưng nó hạn chế về khả năng chuyển tải, miêu tả, chính vì vậy không nên dồn ép nhiều ý nghĩa và ý nghĩa phức tạp trong một hình phẳng, thường chỉ chọn lấy một ý nghĩa nào đặc trưng nhất (đôi khi cái đặc trưng không trùng với cái tiêu chuẩn) để thể hiện. Khi phải dùng hình ảnh phức tạp để diễn đạt nội dung khó hiểu, các nhà thiết kế thường phải tạo nên một trật tự các hình phẳng. Đó có thể là một chuỗi tuyến tính các hình ảnh, có thể là một sự chồng xếp các hình ảnh. Trật tự phát triển trong trường hợp này là có chốt cấu trúc để hiểu được ý nghĩa, nội dung phức tạp. Tóm lại, cần phải có một tương quan hợp lý giữa ý nghĩa và hình ảnh phẳng mà thuật ngữ chuyên môn gọi là sự đồng thái. Thông qua các ví dụ ở Hình 2.36 chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Con mắt luôn tiếp xúc với môi trường thị giác phức tạp xung quanh, nó không thể đồng thời nhận thức thông tin đầy đủ và chính xác các hình ảnh của môi trường thị giác xung quanh. Thông thường mắt chỉ có thể có hai cách đơn giản các hình ảnh. Một là, đánh bằng đều các hình gần giống nhau. Ví dụ: Một hình phẳng có cấu trúc đối xứng không rõ ràng lắm, mắt đưa ngay hình đó về cấu trúc đối xứng chuẩn. Hai là, nhấn mạnh một đặc tính hình dạng nào đó khác hẳn với cấu trúc chuẩn. Ta thấy rõ điều này, nếu cho các em độ tuổi từ 6 – 10, xem qua một chiế xe tăng, và sau đó yêu cầu các em vẽ lại. Phần lớn các em sẽ vẽ xe tăng có nòng pháo được khuếch đại (dài hơn hoặc to hơn) so với tỷ lệ thật của nòng pháo trong xe tăng. Thông thường mắt dùng để đơn giản hình: Gộp hình cho đối xứng, làm đơn giản cấu trúc, cho lặp lại, nhấn mạnh nét khác biệt, cho vận động theo một trật tự, lấy hình ảnh tổng quan… Nhận thức được tính đơn giản của hình phẳng, tạo được các hình phẳng đơn giản và dễ hiểu, thông tin được các ý nghĩa cần thiết của hình phẳng là phương châm của các nhà thiết kế tạo hình. Như ta đã biết, hình phẳng không có tính không gian ba chiều, hình phẳng ít mang tính miêu tả mà thường mang tính ký hiệu, biểu tượng, mang nghĩa. Do vậy, kinh nghiệm thị giác cá nhân đóng vai trò quan trọng trong nhận cảm hình phẳng. Những gì ta nhìn thấy hôm nay chỉ là kết quả của cái ta thấy trước đó. KTS. Nguyễn Luận đã khẳng định vấn đề này và nhận xét: Nếu một người chưa bao giờ thấy một hình vuông sẽ không bao giờ nhận ra hình vuông khi ta cho anh xem 4 điểm là 4 đỉnh của hình vuông. Cũng như em bé nhìn cột cây số tưởng rằng đó là cái tẩy, vì hình thức và màu sắc tương tự nhau.

Tính chiều hướng và động trong diện hình: Kinh nghiệm thị giác còn tìm thấy trong sự vận động của hình dạng. Một hình có thể có hướng, chuyển hoặc biến các dạng thị giác của nó mặc dù hình dạng vật lý không đổi. Ta có thể ghi lại được chuỗi hình ảnh đó, nếu ta chỉ xem từng hình ảnh rời rạc, độc lập nhau của chuỗi đó, chắc sẽ không nhận ra hình dạng thật của vật thể. Hình 2.37 là một tranh áp phích trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, có chủ đề Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nếu không nhìn từng hình rời rạc, mà xem toàn thể liên tục từ đầu đến cuối, ta sẽ thấy sự vận động linh hoạt, phức tạp của một các nhân vật ấy xuất hiện ở đầu tiên đến hình ảnh cuối cùng là một chuỗi các hoạt động tuân thủ một hướng theo ngọn cờ Xô Viết. Cách biểu hiện chủ đề đấu tranh cách mạng phong trào công nông liên minh. Ở đây kinh nghiệm thị giác là sử dụng trật tự của chuỗi hình ảnh. Qua các ví dụ trên, về bản chất cho ta thấy rằng, các hình trong tranh có chiều hướng vận động rõ ràng, hình nọ tác động đến hình kia dẫn đến một chuỗi các hình sự kiện chuyển động. Đây là tính thống nhất một chiều hướng của hình, sự vận động của hình và sự tương hỗ gây nên chiều hướng động của các hình với nhau. Xét trong phạm vi một hình thì hình tròn, hình vuông và các hình đa giác đều không có hướng “chuyển động”. Duy chỉ có các hình có các kích thước khác nhau tạo nên sự mất cân bằng của hình tạo nên hình có chiều hướng và động. Tuy nhiên những hình có trạng thái tĩnh nếu sắp xếp bố cục nhiều hình theo một chiều hướng nhất định cũng tạo nên động trong cả bố cục (xem ví dụ ở Hình 2.38 và Hình 2.39). Như vậy, qua nhận thức thị giác, ta cảm nhận thấy hình có chiều hướng và có “chuyển động”. Trong thiết kế tạo hình, biết vận dụng tính chất động của hình sẽ tạo nên sự biểu hiện tương phản đa dạng trong bố cục.

Tính đơn giản tương đối về cấu trúc về tỷ lệ và hình dạng: Mỗi cảnh hàm chứa giúp chúng ta nhận rõ hơn quan hệ giữa thành phần và tổng thể. Ở đây định lý “tổng thể” lớn hơn tổng số của các thành phần sẽ không hoàn toàn đúng. Ta quan sát Hình 2.34b, dẫu hình chỉ được tạo bởi các nét bao, ta cũng thấy khó nhận ra một hình phức tạp như vậy. Tuy vậy, ta dễ nhận thấy hai hình đơn giản. Một hình vuông và một hình chữ nhật. Nhận ra tổng thể ở đây khó hơn nhận ra các thành phần tham tạo.

Tính cô đọng và bền chặt của hình: Tính bền chặt của hình dạng cũng giúp cho việc nhận biết thành phần và bộ phận rõ ràng hơn trong một tổng thể phức tạp. Hiện tượng này được minh họa qua ví dụ ở Hình 2.40b. Tại hình này, có hai khả năng để phân tích các thành phần: Một là, ba cạnh của một chữ nhật và một đường cong lồi. Hai là, hai đường gãy khúc. Nhận thấy ba cạnh của chữ nhật dễ dàng hơn bởi tính bền thị giác của hình chữ nhật, và tính đơn giản cấu trúc, tính quen thuộc của hình dạng. Do vậy, hình chữ nhật dễ tách ra khỏi tổng thể. Khả nang hai dẫu yếu hơn nhưng vẫn có thể xảy ra, chủ yếu là do tính liên tục của nét nằm ngang phát triển nối liền phía phải của đường cong. Hai nét này đã có một sự tương tự nào đó, độ tương tự này làm tăng đôi bền thị giác của hình. Độ bền thị giác của hình dạng không chỉ phụ thuộc vào tính đơn giản cấu trúc, đơn giản về tỷ lệ hay đơn giản về hình dạng, nó còn phụ thuộc vào độ tương tự của hình dạng, của các yếu tố tham tạo, người ta sử dụng tính chất này trong biểu hiện là một trong tiêu chí của tạo hình, đặc biệt tạo hình đồ họa và điêu khắc.

tao hinh 5

Hình 2.36

tao hinh 5

Hình 2.37

tao hinh 7

Hình 2.38

tao hinh 8

Hình 2.39

Một hình dạng thị giác có tính thống nhất cao khi các yếu tố của chúng có độ tương tự cao về hình dạng, cấu trúc, tỷ lệ, màu sắc, độ sáng tương tự về tốc độ và hướng vận động, rõ nhất là trong tạo hình và thiết kế đồ họa. Một khi muốn có được tính thống nhất thì khong thể không tính đến, tìm đến các yếu tố tương tự. Cái mà ta gọi là các “mô típ” trong các bố cục tạo hình, là cái kênh liên hệ của các yếu tố tương tự giúp cho sự nhận biết và nhấn mạnh nhất trong thiết kế tạo hình.

Cấu trúc diện hình: Nhận thức và sáng tạo các hình phẳng dựa trên việc thông hiểu tường tận các hình thức cơ bản. Nhận biết tình hình cơ bản, chủ yếu là nhận biết được sơ đồ cấu trúc của từng hình. Sự khác nhau cơ bản giữa hình vuông và hình thoi là sự khác nhau về sơ đồ cấu trúc. Trục cấu trúc của hình thoi đi qua các đỉnh (Hình 2.41), trục cấu trúc của hình vuông đi qua điểm giữa các cạnh và qua tâm. Đối với hình tam giác cũng vậy, tùy thuộc vào các cấu trúc mà ta hiểu đó là một tam giác có đỉnh hướng lên trên hay quay xuống dưới, là tam giác đứng hay xiên. Ta cũng biết: bản thân đường bao không thể tạo nên hình một cách đầy đủ hay đúng hơn, chỉ đường bao không, không thể có thông tin đầy đủ cho ta về đặc điểm và ý nghĩa của hình. Hình vuông đứng và hình vuông xiên là hai hình có đường bao hoàn toàn giống nhau, song hai hình cho ta hai hình ảnh thị giác và cảm giác rất khác nhau. Hình vuông đứng vững chắc, ổn định; hình vuông xiên có thể vận động và không ổn định. Cũng như vậy, khi ta so sánh hai tam giác cân, tam giác có định hướng lên trên cho ta cảm giác chắc chắn, trình tự, bền vững, nặng, còn tam giác có đỉnh quay xuống là hình ảnh của cái nhẹ nhàng, chuyển động không bền vững. Căn nguyên tạo ra những hình ảnh và cảm giác khác nhau đó chính là do các sơ đồ cấu trúc của hình khác nhau. Điều này cũng xảy ra với hình 2.42. Trên cùng một đường bao ta có thể xác định hai sơ đồ cấu trúc khác nhau cho hai hình hoàn toàn khác nhau. Nếu ta chọn sơ đồ cấu trúc là hai đường thẳng vuông góc nhau và đi qua 4 đỉnh của hình, ta sẽ có hình ảnh của một hình phẳng, nếu ta chọn sơ đồ cấu trúc là một cặp đường đi qua các điểm giữa của các cạnh và song song với các cạnh đáy, ta sẽ có một mặt cong lồi, một hình không gian. Sơ đồ cấu trúc của hình phẳng là cấu trúc đơn giản nhất cho một hình dạng nhất định, thông thường sơ đồ cấu trúc bao gồm: các sơ đồ trục và các trục tương ứng với các tính chất của hình. Cho đến nay, ta vẫn biế là có hai phương pháp chuyển các hình ảnh ba chiều lên mặt phẳng. Đó là phương pháp chiếu và phương pháp phối cảnh. Tất cả các hình ảnh ba chiều mà ta thấy được trong tranh, trong các bản thiết kế, trong đồ họa… đều là hình ảo, bởi muốn thể hiện đúng một vật ba chiều thì duy nhất phải thể hiện nó trong không gian ba chiều.

tao hinh 9

Hình 2.40

 

tao hinh 10

Hình 2.41

tao hinh 11

Hình 2.42

Các hình ảnh của nghệ thuật tiền sử, của tranh dân gian… đều được thể hiện theo phép chiếu hình. Hội họa cổ điển được xây dựng từ thời Phục Hưng, dựng hình theo phương pháp phối cảnh. Ngày nay, xuất hiện nhiều phương pháp phối cảnh có độ chính xác cao, song cái lập lờ đáng sợ của phối cảnh là việc tạo ra một vẻ thật trên cơ sở của một cái sai. Nhược điểm cơ bản của phối cảnh là phương pháp này dựa trên cơ sở một điểm nhìn, nhưng thực tế thị giác mà ta tiếp nhận lại đến từ nhiều điểm khác nhau. Và sự vận động của hình ảnh, độ tự do của bố cục, các biểu hiện… làm cho phép phối cảnh trở nên hạn chế. Trong khi đó, độ tự do của phép chiếu lớn hơn rất nhiều, hầu như vô hạn, các hình phẳng trong tranh lập thể chẳng qua là sự xếp hình của các hình chiếu. Hình thể trong hội họa siêu hình là các hình thể thị giác được chiếu xiên vào mặt tranh, hình thể thị giác được dùng nhiều trong hội họa hiện đại thế kỷ XX, dù là hữu hình hay phi hình phần lớn đều là hình phẳng. Các thiết kế đồ họa hay các thiết kế kiến trúc lại càng dùng hình phẳng nhiều hơn để biểu hiện trong các tác phẩm trang trí, trong cấu trúc mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng những ngôi nhà (xem Hình 2.44, 2.45).

 

tao hinh 12

tao hinh 13

Hình 2.44. Hình tam giác được ứng dụng trong tạo hình kiến trúc

Ngày nay chúng ta đang bước qua thời đại kỹ thuật hiện đại và đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại thông tin, chắc tương lai sẽ có một nền nghệ thuật tạo hình tương ứng. Tuy vậy, hình phẳng mang tính thông tin phong phú vẫn có vai trò đáng kể ở nền nghệ thuật tạo hình trong thời đại thông tin đó.

 

tao hinh 14

Hình 2.45. Hình diện được dùng trong trang trí

>>> Ngôn ngữ tạo hình trong kiến trúc (Phần 1)

>>> Tính biểu cảm của kiến trúc bảo tàng

>>> Đặc trưng của ngôn ngữ mỹ thuật

0976984729