Nhận thức và cấu trúc không gian (Phần 2)
II. Bố cục Không gian:
Như ta đã thấy, nhận thức thị giác phụ thuộc vào sự hiện diện của hình trên nền. Trong Mục I chúng ta đã khảo sát các các cách vẽ chủ yếu để một cấu trúc hình - nền trên mặt phẳng hai chiều có thể được tri giác của chúng ta cảm nhận như một cấu trúc ba chiều.Mặc dù cảm giác về không gian ba chiều từ hình ảnh hai chiều trong hội họa là một thứ ảo giác, song với điêu khắc và kiến trúc, cảm nhận này rất thực, bởi vì rõ ràng các khối kiến trúc hay điêu khắc thực sự chiếm dụng không gian môi trường. Do vậy, thuật ngữ “cách trình bày tạo hình hai chiều”1 (two-dimensional design) thường biểu thị mối liên hệ với không gian hình - nền gồm những dấu vết được tạo ra trên một bề mặt theo nghĩa tạo hình, trong khi thuật ngữ “cách trình bày tạo hình ba chiều” (three-dimensional design) lại có ý nói rằng vấn đề hình - nền, trong môi trường không gian thực, vừa hàm chứa tác phẩm vừa là một bộ phận của tác phẩm, như trong điêu khắc hoặc kiến trúc.Công việc của chúng ta ở đây chỉ liên quan tới “cách trình bày tạo hình hai chiều”, tức là bố cục không gian trên một mặt phẳng, dựa trên toàn bộ các kinh nghiệm tạo hình đã thu nhận được (từ khi nhập môn cho đến lúc này). Tuy nhiên, những tình huống thể nghiệm lại trình bày một vài vấn đề mới liên quan tới động lực học không gian, bao gồm cả các khả năng chủ động lẫn thụ động. Mục đích cần đạt được là: nắm được - ở một mức độ nhất định - bố cục không gian; biết áp dụng một số biện pháp cấu trúc không gian cho phép tạo ra những trạng thái hình - nền khác nhau, từ sôi động tới tĩnh lặng.Để khảo sát tình trạng hình-nền theo những cách thức phức tạp hơn này - hãy luôn ghi nhớ rằng mối quan tâm chính của chúng ta bây giờ không phải là hình với tư cách là hình tượng chủ đạo (motif) mà đúng hơn là hình đóng vai trò định dạng không gian - ngay lúc này chúng ta phải xác định cụ thể hơn cái mà cho tới nay chúng ta vẫn gọi là “nền” một cách dễ dãi. Trong bối cảnh chung của cách trình bày tạo hình hai chiều và ba chiều, ta có thể phân biệt ra bốn loại nền, trong đó chỉ có loại thứ nhất là đã từng được chúng ta bàn luận tới:
1. Với họa sỹ định hình hình ảnh bằng vẽ và họa, nền là bề mặt hai chiều trên đó ghi khắc các dấu vết.
2. Với nhà điêu khắc, nền là bề mặt hai chiều của tác phẩm trên đó có thể ghi khắc những dấu vết tạo hình, và không gian ba chiều thực (cũng là nền) là nơi tác phẩm chiếm chỗ và định dạng.
3. Với kiến trúc sư, cũng như với cả họa sỹ lẫn nhà điêu khắc, nền là bề mặt hai chiều của bức tường, nơi sẽ được ghi dấu bằng việc lắp đặt cửa ra vào, cửa sổ, đường “phào” trang trí, mà nền còn là không gian ba chiều mà tòa nhà - giống như tác phẩm điêu khắc cỡ lớn - chiếm chỗ và định hình. Nhưng xử lý bề mặt và không gian là công việc phối trộn của người kiến trúc sư, mà trong thực tế cho thấy vấn đề nội thất cũng quan trọng không kém vấn đề ngoại thất: Phong cách kiến trúc đòi hỏi không chỉ lưu ý tới việc định hình không gian bên trong mà cũng phải quan tâm tới những vấn đề hai chiều và ba chiều của thiết kế hình thức bên ngoài.
H.2-19: Paul Klee. Chân dung một học giả, 1930. Phác họa trên giấy sáp
4. Với những người còn lại, vẫn quan sát thế giới thông thường mỗi ngày, nền là môi trường tỏa khắp toàn bộ không gian tự nhiên, bao quanh và thâm nhập vào những hình thể tự nhiên, và qua đó cho phép ta lĩnh hội các hình dạng cùng những sự sắp xếp của chúng trong không gian.Vậy tại sao ở đây chúng ta lại tập trung xem xét những khả năng động lực học bố cục không gian? Là bởi vì chúng ta phản ứng với khía cạnh không gian của kinh nghiệm thị giác cũng mạnh mẽ không kém phản ứng với những hình thù cụ thể của những thứ cụ thể, thế mà các phản ứng của chúng ta với hình dạng của không gian, khá là vô thức, lại thường không được quan tâm đúng mức khi rèn luyện trong xưởng vẽ. Hầu hết chúng ta đều không sẵn sàng thừa nhận rằng, đối với nhiều họa sỹ, sự cuốn hút với bố cục không gian chính là sự thỏa mãn cao nhất và có được từ việc tạo hình một tác phẩm. Ngày nay, điều này lại càng đúng, vì như tôi đã nói từ trước, cái nhu cầu cho phép không gian đã định hình tạo nên bản chất cốt yếu của một tác phẩm đã trở thành một mối quan tâm lớn lao.Bây giờ, hãy dành một chút thời gian quan sát H. 2-19, bức Chân dung một học giả của Paul Klee, để xem bằng cách nào mà họa sỹ đã sử dụng bút lông và khuôn tô để vẽ nên một bức tranh với những vùng không gian khớp nối với nhau có tổ chức tới mức bắt đầu có hình dáng. Liệu bạn có thể tự mình tìm ra lời giải cho cái tên hóm hỉnh của bức tranh này không?Nên nhớ, không gian là một khía cạnh tự nhiên và cần thiết cho sự sống của bản thân chúng ta với tư cách là những sinh linh có tri giác, dù có là họa sỹ hay không. Chính vì thế, trong những trang tiếp theo đây, các bạn cần thực hành với nhiều hình mẫu sống sinh động, mang lại sự thỏa mãn cho chính các bạn không kém gì so với việc thưởng thức nghệ thuật. Nhận thức về không-thời gian là một bộ phận không thể thiếu trong ý thức của con người; bằng trực giác, nó điều khiển hầu hết chúng ta, vì thế, trong vai trò của người sắp xếp không gian, người họa sỹ cần hết sức chú tâm trau dồi nhận thức này. NHỮNG ĐÁP ỨNG VỚI KHÔNG GIAN BẰNG LÝ TRÍ VÀ TRỰC GIÁC là hai loại hình độc lập và tiêu biểu nhất trong hoạt động trí óc của con người, bắt nguồn từ hai cơ quan đầu não - nơi khởi nguồn của tư duy và cảm giác. Các thuật ngữ lý trí và trực giác không phải là những từ đồng nghĩa với tư duy và cảm giác, cho dù đôi khi nhiều người vẫn nghĩ vậy. Thay vào đó, chúng có liên quan tới các quá trình nảy sinh tư duy và cảm giác, để rồi qua đó, đạt tới ý thức.Trong chương trước, tôi đã đề xuất rằng tư duy và cảm giác là hai thành tố chủ yếu cấu thành ý thức, giải thích cho tính hai mặt cơ bản của nghệ thuật: nội dung hoặc mang tính khái niệm, hoặc có tính biểu cảm. (Nhưng hãy nhớ là tôi đã không gợi ý rằng hai khía cạnh nhận thức này loại trừ nhau. Trái lại, cả hai đều góp mặt trong bất cứ hoạt động bình thường nào thuộc ý thức, cho dù không luôn luôn như nhau, bởi vì nói chung cái này hoặc cái kia thường có chút lợi thế hoặc chiếm ưu thế rõ rệt hơn).Các cụm từ “có lý trí” và “bằng trực giác” do đó không mô tả những khía cạnh của ý thức như là tư duy và cảm giác, mà chỉ thể hiện cách thức hoạt động của ý thức - theo hai hướng riêng, thông qua đó, chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Từ điển Webster đã phân biệt chúng rất đơn giản nhưng hết sức rõ ràng:- CÓ LÝ TRÍ (Rational): đáp ứng trực tiếp bằng lập luận có ý thức.- BẰNG TRỰC GIÁC (Intuitive): đáp ứng trực tiếp không qua lập luận có ý thức.Theo các định nghĩa trên, căn cứ vào sự thật hoặc sự trải nghiệm, kênh lý trí dẫn ra kết luận về các sự việc một cách logic và tạo nên những xúc cảm gắn với sự việc đang xảy ra. Kênh trực giác lại khiến con người ta đi kết luận ngay lập tức mà không thông qua các quá trình suy diễn của tư duy logic và không nhất thiết phải đối diện với thực tế hoặc các sự kiện; ngoài ra, nó cũng có thể gây nên những cảm xúc mà không cần có bất kỳ tác động nào từ hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy, con người ta có thể: trải qua tư duy bằng lý trí hay trực giác, trải nghiệm cảm giác có lý trí hoặc dựa trên trực giác.Như vậy, có nghĩa là chúng ta phải tính đến cả quá trình lẫn kết quả (thuộc lý tính và trực giác có tác dụng tạo ra những loại tư duy và cảm giác của riêng chúng) mỗi khi chúng ta muốn ‘rèn luyện’ với các tình huống. Vì như tôi đã đề cập trước đây, về cơ bản, [nếu không lưu ý], các bạn sẽ không bao giờ có thể tự giác đến mức như thế cả. NHỮNG BÀI VẼ ĐỀ CẬP TỚI VIỆC CẤU TRÚC NÊN KHÔNG GIAN có khả năng kích thích và kết hợp các mặt trực giác cùng với lý trí trong bản tính của chúng ta hơn bất kỳ bài luyện nào khác. Một tục ngữ cổ có nói: “Bản tính căm ghét sự trống rỗng” (Nature abhors a vacuum). Chúng ta không thích sự trống rỗng không có những chỉ dấu, vì những khoảng trống không chỉ ra bất cứ điều gì cả, do đó, gây trở ngại cho việc xác định kích thước và vị trí. Chúng ta cũng không hoàn toàn dễ chịu trong bóng tối, và rất không thoải mái khi bị vướng vào một màn sương mù dày đặc. Tương tự, mỗi khi đối diện với tấm toan hoặc là trang giấy trống trơn, có lẽ trong mỗi người chúng ta đều nảy sinh cái nhu cầu phải xác lập cho được tính chất hai chiều và ba chiều và khám phá các phương diện thị giác [trên những bề mặt còn trống trải đó]. Và trước khi thực hiện được điều này, bất cứ cố gắng nào nhằm tiến hành và phát triển một bức vẽ cũng luôn bị ức chế. Do đó, để khởi đầu, điều tốt nhất nên làm là phải tạo ra một dấu vết - bất cứ dấu vết kiểu gì, ở bất cứ đâu - để chúng ta không cảm thấy mình đang lâm vào tình huống như Thomas Mann mô tả trong Chết ở Venice:“Đường chân trời đến là cong, ẩn dưới một vòm trời ảm đạm; mặt biển bao la trống vắng như giãn rộng mãi ra. Và rồi không gian mờ ảo, vô tận lại khiến ta mất đi khả năng xác định ngày giờ: cảm nhận về thời gian ngày càng chấp chới, nhạt nhòa.”Để giới thiệu cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về bố cục không gian - có thể là giúp họ đánh giá được cách trình bày không gian mỗi khi xem tác phẩm nghệ thuật, hay giúp họ bắt tay vào việc thực hành hội họa - thì trước tiên cần lưu ý với họ rằng: dù chúng ta có ý thức đầy đủ hay không, óc tưởng tượng vẫn sẽ hoạt động rất tích cực mỗi khi chúng ta bắt gặp một hiện tượng trong không gian. Trong phản ứng của chúng ta, các đáp ứng về lý trí và trực giác, tư duy và cảm giác bao giờ cũng hòa trộn với nhau, không thể tách rời, cho dù nói chung, chúng đi theo hai quá trình cụ thể. Thứ nhất, bởi vì không gian tồn tại trong toàn bộ sự mênh mông của nó, qua cả ngày lẫn đêm, chúng ta luôn tìm cách hiểu nó đầy đủ về mặt lý trí, nhằm khám phá bất kỳ trật tự nào mà ta có thể tiến hành thông qua đo lường. Thứ hai, chúng ta hoạt động bằng trực giác đến mức đồng cảm với không gian, chiếu vào nó những cảm xúc và tư duy siêu việt hơn của mình. Trong việc vẽ, sự thách thức trong nhận thức và bố cục không gian thường gây ra những đáp ứng như sau, hoặc theo cách này hoặc theo cách kia: (a) khớp nối không gian theo cả hai chiều lẫn ba chiều, trật tự và chính xác, hoặc (b) áp dụng các đường và điểm, ngẫu hứng và giàu kịch tính, để dẫn dắt tâm trí qua những dải thiên hà, từ gần đến xa xăm. Loại đáp ứng đầu tiên là tìm cách thực hiện cái rộng lớn dị thường của không gian, có thể lĩnh hội được bằng lý trí; loại đáp ứng thứ hai: nhằm tán dương toàn bộ sự huyền bí và trí tưởng tượng bằng trực giác, để chúng ta gắn mình với bầu trời và không gian sâu thẳm, những khoảng “trời cao” vẫn thường ám ảnh chúng ta.Những bình luận sau đây của hai nghệ sỹ thuộc thế kỷ 20, Naum Gabo và Max Beckmann, minh họa cho sự hòa trộn cảm xúc và tư duy, hoạt động bằng cả lý trí lẫn trực giác, trong ý thức về không gian của chúng ta:“Kinh nghiệm về không gian đã tồn tại cùng với chúng ta và với họa sỹ trong suốt toàn bộ lịch sử nghệ thuật - một thực tại trong con mắt quan sát thế giới của chúng ta - và vai trò bổ trợ của nó cho tất cả các sự vật, sự kiện… Điều đó chỉ xảy ra với sự có mặt của những hệ tư tưởng nghệ thuật có cấu trúc, sao cho… khuyến khích được người họa sỹ sử dụng không gian như một yếu tố hình tượng và tạo hình mới… quy cho không gian một tầm quan trọng tương tự như các đường nét, hình và màu, như là phương tiện cơ bản trong việc cấu trúc nên một hình ảnh thị giác… Đó là một yếu tố cụ thể trong cái nhìn của chúng ta… luôn luôn trong tầm tay ta, và như vậy, nó hàm chứa một trải nghiệm về tính minh bạch, không thua kém bất kỳ điều gì được chúng ta thu nhận thông qua xúc giác”2.“Không gian, rồi lại không gian, một thần tính bao la bủa vây chúng ta và bản thân ta được nó chứa đựng… Đó là cái mà tôi cố gắng biểu đạt qua hội họa… Giấc mơ của tôi là sự tưởng tượng trong không gian - làm thay đổi ấn tượng thị giác về thế giới vật thể bằng một cấp số cộng tiên nghiệm về bản chất bên trong. Đó là châm ngôn, [một nguyên tắc điều chỉnh hành vi, tư tưởng]. Chắc chắn một điều rằng - chúng ta phải chuyển cái thế giới với các vật thể ba chiều sang thế giới hai chiều của tấm toan. Nếu tấm toan được làm đầy chỉ bằng một ý niệm hai chiều về không gian, chúng ta sẽ có mỹ thuật ứng dụng, hoặc trang trí. Điều này, không còn nghi ngờ gì nữa, có thể mang lại cho chúng ta sự vui thích, cho dù bản thân tôi thấy nó nhạt nhẽo vì nó không cho tôi đầy đủ sự xúc động thị giác. Chuyển đổi chiều cao, chiều ngang, và chiều sâu vào mặt phẳng hai chiều đối với tôi là một trải nghiệm đầy sự kỳ ảo mà trong đó tôi thoáng thấy trong chốc lát cái chiều thời gian ấy, cái mà toàn bộ sự sống của tôi đang đi tìm”3.Chắc hẳn từ những đoạn trích dẫn trên đây, bạn sẽ suy ra rằng không gian có một sự “ảnh hưởng” rõ ràng đối với chúng ta, rằng chúng ta là những sinh vật thuộc về không gian theo một ý nghĩa nào đó, cả về thể chất lẫn tâm lý. Dù có là nghệ sỹ hay không, hầu hết mọi người đều phản ứng một cách có ý thức hoặc vô thức, với không gian trong buồng khách hay buồng ngủ của mình, chẳng hạn, hay với những khoảng không trong rừng, dưới thung lũng, trên đỉnh núi, hoặc ngoài đường phố. Khi bối cảnh không gian thay đổi, tâm trạng của chúng ta cũng có thể thay đổi theo. Ngoài ra, chúng ta đừng quên rằng không gian là môi trường dành cho ánh sáng, rằng sự phối hợp gồm hình dạng-không gian và ánh sáng lung linh bên trong nó tạo ra cái mà ta gọi là “bầu không khí” của một nơi nào đó. Bạn thích không gian tín ngưỡng của bạn như thế nào: thấp, nằm ngang, và được chiếu sáng rực rỡ; hay là cao, thẳng đứng, và thắp sáng lờ mờ? Liệu bạn có thể mô tả những sở thích của riêng mình về không gian và ánh sáng tín ngưỡng? Điều gì gây ra một tâm trạng dễ xúc cảm bởi sự thấu hiểu liên quan tới tín ngưỡng? Rồi còn khả năng của âm thanh nữa chứ, bản thân chúng có gợi ra những cảm xúc gì không? Loại âm thanh gì sẽ phù hợp nhất với một bối cảnh không gian và ánh sáng đặc biệt?
Nhận thức thị giác chỉ có thể có được do thông qua sự bổ sung tri giác đối với cái được nhận thấy rõ ràng, tức là hình và kế đến, cái như thể là không gian trống rỗng. Thí dụ, nếu bạn quan sát bàn tay với những ngón tay xòe ra, bạn sẽ nhận thấy tùy theo sự sắp xếp của bề mặt các ngón tay mà những khoảng không giữa chúng có tỷ lệ và hình dạng nhất định. Như thế là bạn đang nhận thức được về lối bố trí không gian, và do đó, ý thức được về khối và hình của chính các ngón tay. Bây giờ, hãy khép lại các ngón tay lại – thu hẹp dần các khoảng không gian rõ rệt ấy – rồi lưu ý xem từng ngón tay riêng lẻ trở nên kém rõ ràng hơn như thế nào.
Nhận thức thị giác là việc nắm bắt hình dạng của không gian và hình dạng vật chất của các vật thể. Về cơ bản, nhận thức xem ra là sự ghi nhận lối sắp xếp bất biến và cố định của bề mặt các vật thể trong mối quan hệ với những khoảng không gian giãn cách giữa chúng. Theo nhận thức, các bề mặt của vật thể và không gian do chúng định ra hình dạng – và qua đó chúng được định hình – là không thể tách rời.
Hình 2-20: J.M.W.Turner. Lâu đài Norham. Tranh sơn dầu
Turner là một họa sỹ bậc thầy về không gian. Thật đáng tiếc, không có phiên bản đen trắng nào có thể lột tả hết khả năng diễn tả chiều sâu vô tận cùng thứ năng lượng ánh sáng hiện diện trong những tác phẩm đẹp nhất của Turner. Song bức Lâu đài Norham (H2-20) được sao ra ở đây có lẽ là bức tranh được người xem chú ý nhất. Tính chất hoàn toàn tự nhiên của không gian và năng lượng ánh sáng trong bức tranh này cho chúng ta cảm nhận được cái mênh mông của không gian khắp nơi trong vũ trụ cùng với cái nhỏ nhoi của chính chúng ta giữa chốn bao la này.
Hình 2-21: Paul Klee. Ngôi làng nhỏ trong rừng, 1925. Phác họa mực
Bức vẽ Ngôi làng nhỏ trong rừng của Paul Klee (H2-21) là một thí dụ cho việc chỉ vẽ bằng nét. Bạn có đồng ý rằng: đó là một bức vẽ về không gian và đồng thời, cũng vẽ về những hình cụ thể. Tất nhiên, ở đây có lẽ phải cố hình dung ra cây cối và nhà cửa – những cấu trúc mở, giống như mạng nhện – đan bện với nhau để tạo hình không gian – một bức màn không gian mà khi nhìn vào đó, ánh mắt ta sẽ bị phân tán lan man, chia cắt không gian theo mọi hướng. Bạn có nhận ra những nét chính định hình không gian hay định hình nhà cửa cây cối trong bức vẽ này không? Ấn tượng đầu tiên là ở đây có nhiều khu vực không gian khác nhau và chúng xô đẩy nhau, hoặc theo hướng nằm ngang, theo hướng cắt chéo, hoặc theo chiều thẳng đứng; có cả những chuyển động tròn; một vài khoảng trống có vẻ bị dồn nén chật hơn trong khí có những khoảng khác lại thoáng và lơi lỏng. Sau ấn tượng ban đầu về không gian do các nét vẽ này tạo nên, những hình thù theo trí tưởng tượng tuy không rõ lắm nhưng vẫn phân biệt được. Ở đây, dù sao những đường nét và dấu vết cũng có tác dụng định dạng không gian cũng như định dạng hình thù vật thể (nhà, cây). Vì chúng ta chỉ nhận thức được cách mơ hồ nước đôi về hình và nền – cái giá của việc dùng lý trí để suy đoán – nên ở đây chúng ta có thể cảm thụ được cái “thi vị của không gian” do lối xử lý (bằng các nét bút) của người họa sỹ.
Hình 2-22: Victor Pasmore. Tĩnh vật với chai và hoa, 1947. Sơn dầu trên toan
Không khó nhận thấy điều gì đang diễn ra trong bức vẽ này. Mỗi lần đặt một vết vẽ mới lên trên phần nền – dù đơn thuần chỉ là một đường thể hiện phần rìa của một vật thể hay một diện màu đặc hơn nhằm gợi tả hình thể - là một lần định dạng các vùng không gian mới. Các vùng không gian bắt đầu hình thành giữa bản thân các vật thể sẽ đóng một vai trò mang tính xác định đối với tri giác; còn ở phần không gian (nền) ngoại vi, các khu vực cũng tự xác lập và chỉ đóng vai trò thứ yếu – nhưng Pasmore đã liên tục thăm dò và thiết lập các vùng không gian vững chắc với những diện tích cụ thể của hình vẽ ăn khớp với nhau ra sao. Trên thực tế, chỉ cần nhìn thoáng qua là bạn có thể nhận thấy lối tổ chức không gian ở bức vẽ này có sức hấp dẫn không hề thua kém so với cách thể hiện cụ thể các vật thể; ngoài ra, bản thân bố cục không gian của bức vẽ này cũng rất phù hợp với đề tài vẽ tranh tĩnh vật.
Hình 2-23: Barbara Hepworth. Hình thể uốn cong (Trevalgan), 1956. Đồng
Bề mặt của tác phẩm điêu khắc cũng có vai trò như bề mặt của các công trình kiến trúc. Nếu tác phẩm Hình thể uốn cong của Barbara Hepworth (H2-23) được đặt trong một khu vườn, như bạn thấy, nó chia cắt một góc không gian trống thành những mảng có hình thù khác nhau. Sự có mặt của tác phẩm điêu khắc không chỉ thu hút mối quan tâm của chúng ta, mà bản thân nó còn biến không gian xung quanh thành một cái nền đầy ý nghĩa.
>>> Nhận thức và cấu trúc không gian (Phần 1)
>>> Không gian trong hội họa (Phần 1)