Tỷ lệ và Không gian
Nằm ở đầu bảng từ vựng hội họa là tỷ lệ, có lẽ là nhân tố rõ rệt nhất của bức tranh nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì cũng không phải là nhân tố quan trọng nhất. Nếu các kích thước có thể đóng góp cho tính cách vĩ đại của một tác phẩm thì không có bức tranh nào là một bức tranh đẹp chỉ vì có kích thước lớn. Quy luật chung là nếu bức tranh càng nhằm mục đích trưng bày cho công chúng xem thì kích thước của nó càng quan trọng. Những bức tranh treo trong nhà, đã được coi là lớn khi kích thước lớn nhất của nó được hay vượt quá hai mét, và bị coi là khá nhỏ khi nó dưới 45cm. Ở khuôn khổ 15cm, người ta gọi là tiểu họa. Nói chung, đó là những chuẩn mực được các họa sĩ áp dụng để quyết định khuôn khổ thích hợp cho đề tài của mình. Một số họa sĩ trong những năm 1950, nhất là Jackson Pollock, đã dùng những khổ tranh rất lớn nhằm mục đích rõ rệt là ngăn người xem tóm bắt được cái toàn thể của bức tranh ở khoảng cách bình thường. Như vậy, người xem bị đặt vào “trong lòng” của bức tranh khi anh ta càng nhìn nó, do đó sự liên hệ giữa anh ta với bức tranh có sự thay đổi sâu xa.
Không gian là một phạm trù cơ bản đối với nghệ thuật thị giác, dù là nghệ thuật theo hai chiều hay ba chiều. Không gian của một bức tranh trước hết là một bề mặt phẳng hai chiều. Nói chung, đó là một mặt phẳng chữ nhật, tờ giấy, bản gỗ, tấm vải; ngay khi người ta vạch một dấu nào đó trên bề mặt trống đó, như một nét, một vòng tròn hay một vệt màu chẳng hạn, thì một cấu trúc mới về mặt thị giác xuất hiện: yếu tố thêm vào được nhận ra phân biệt với không gian mà nó được chứa trong lòng.
Những nhà khảo sát về tri giác dùng từ “hình diện” (figure) để chỉ yếu tố được nhận thức như vậy, và từ “nền” (fond” để chỉ không gian bao bọc xung quanh. Dường như khả năng tri giác thế giới của chúng ta được đặt chương trình để vận hành theo các điều kiện đó, và như sự trắc nghiệm bên đây cho thấy, các hình ảnh cơ bản nhất được giải mã theo cách đó. Trong trường hợ khó phân biệt hình diện / nền, các cách “đọc” xen kẽ nhau nhay hay chậm hơn, làm cho ta có cảm giác hình ảnh nhấp nháy, hiệu ứng này được Nghệ thuật Thị giác (Op Art) khai thác.
Sự khó lựa chọn giữa hai cách giải thích: hình diện / nền: (A) hình đen trên nền trắng hay hình vuông trắng có một lỗ đen; (B) Một hình tròn trắng trên một hình vuông đen hay một hình tròn trong một hình vuông trong một hình vuông trắng khác; (C) Một cái móc trắng trên một nền đen hay ngược lại; Ở (D), cột lan can trông như đầy nếu nhìn từ trái sang phải và trở thành rỗng theo chiều ngược lại. Ở (E), sự mập mờ nằm trong ba chiều; chỉ có hình thứ hai cho phép xác định hình vuông nào ở phía trước.
Quan hệ hình diện / nền là rõ ràng ở phần lớn tranh biểu hình và trừu tượng. Theo nghĩa rộng, nền tượng trưng toàn bộ bối cảnh mà hình diện được đặt vào, do đó hình diện trở thành “vai chính” của câu chuyện mà chúng ta có khuynh hướng đồng nhất với mình. Vì thế, cấu trúc của không gian thường để lộ tâm tính của họa sĩ một cách vô ý thức, và cách anh ta quan niệm thế giới trong nền văn hóa riêng của anh ta. Một không gian sáng sủa và trật tự, không quá bề bộn cũng không quá trống trải, gợi ý một tính cách thanh thản, cân bằng và lạc quan; ngược lại, khi không gian lộn xộn, có quá nhiều hay quá ít nhân vật, nó thể hiện tâm trạng ưu tư của một người hay một dân tộc.
Mondrian đã ghi nhận, và đây là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có thể thử, là những đường thẳng đứng nếu không được những đường nằm ngang tiết chế, hoặc ngược lại, tạo một không khí ức chế và buồn rầu; ngược lại, nếu có sự cân bằng giữa hai bên thì sự điều hòa của hình ảnh được tái lập. Sáu hướng chính mà ta có thể cho các hình diện hướng lên trên, hướng xuống dưới, qua trái, qua phải, hướng vô trung tâm hay hướng ra ngoại biên bức tranh – cũng có những ý nghĩa đặc biệt. Thí dụ, một đường đi lên gợi ý trực tiếp Trời cao, sự hứng khởi, hy vọng cảm hứng bay bổng. Một đường đi xuống có khuynh hướng gợi ý đúng cái ngược lại. Một sự chuyển động hướng tâm có thể biểu thị sự đe dọa cũng như sự hoan nghênh; trong cả hai trường hợp, có sự xâm nhập hay tiếp cận, trong khi hướng ngược lại là hướng có ý nghĩa phiêu lưu và hướng về cái chưa biết. Bên trái và bên phải tượng trưng sự đi lại mà chúng ta thường thấy quanh mình mà không quan tâm lắm, nhưng các thành phần này không phải vì thế mà vô tính hay thay đổi cho nhau được. Thật vậy, tranh ở châu Âu dễ dàng được đọc từ trái sang phải như chữ viết, còn trong nghệ thuật châu Á thì ngược lại. Vì thế, trong những bức tranh thể hiện sứ điệp truyền tin, thiên thần gần như lúc nào cũng từ bên trái bước tới phía Đức Mẹ Đồng Trinh đứng bên phải.
Khi Descartes phân tích không gian ra ba chiều thì bề cao, bề rộng và bề sâu là những véc tơ trung tính; nhưng trong không gian hội họa, ý nghĩa của chúng được phân biệt rất sâu sắc.
Các thí dụ:
Blake, William, 1757 – 1827. Họa sĩ Anh. Ngày hạnh phúc, k.1794
Ở đây không khí vui vẻ và lạc quan được gợi ra trong mối quan hệ giữa hình diện thống trị không gian hội họa mà không chiếm cứ nó hoàn toàn, và cái nền như được hình diện soi sáng bằng năng lực của mình.
Munch, Edward. 1863 – 1944. Họa sĩ Na Uy. Tuổi dậy thì, 1895
Trái với Blake, Munch diễn tả sự khắc khoải và cảm giác đè nén bằng cách để cho nền đè nặng lên hình diện, cô gái trẻ nhận thức bằng trực giác tất cả những phức tạp của đời sống và những đau đớn đang chờ đợi cô, và có vẻ như bị sự chán nản xâm chiếm.
Malevitch, Kasimir, 1878 – 1935. Họa sĩ Nga. Bố cục, k. 1917
Đó là cái đà vươn lên cao, sự giải phóng khỏi những quy luật trọng lực; nếu dùng yếu tố biểu hình tương đương thì đây có thể là một thiên thần bay lên Trời hay sự Phục sinh (của Chúa).
Corot, Camille, 1796 – 1857. Họa sĩ Pháp. Vùng phụ cận Volterra, 1838
Con đường ngoằn ngoèo đi vô rừng và người cưỡi ngựa đi ra xa, gợi lên những thú say mê khi đi du lịch. Chuyển động ly tâm tự nhiên là được kết hợp với cảm giác tự do, dự cảm những thú vui phiêu lưu trong tương lai.
Delacroix, Eugène, 1798 – 1863. Họa sĩ Pháp Thần tự do hướng dẫn nhân dân, 1830
Các nhân vật trong cảnh tượng rất hùng biện này nhất định là đang tiến tới trước mặt người xem, xâm chiếm không gian riêng của họ; chỉ còn một sự lựa chọn.
>>> Tỷ lệ cơ bản của cơ thể trong giải phẫu người
>>> Không gian trong hội họa (Phần 1)
>>> Hình thể trong không gian thiết kế tạo hình