Khái niệm lịch sử về màu sắc (Phần 2)
Micheal Jacobs là một thầy giáo và là họa sĩ Hoa Kỳ đã xuất bản quyển sách tên là “Nghệ thuật Màu sắc” (The Art of Color) trong đó ông giải thích chu đáo về lý thuyết hòa hợp màu sắc dựa trên nền tảng những màu cơ bản là Đỏ, Xanh Lá và Tím.
Màu Tím mà ông sử dụng là dạng Tím Lam được mô tả theo nhà lý thuyết Helmholtz von Bezold. Còn cách hòa hợp màu sắc thì dựa theo lý luận của Jacobs.
Ông cũng đề cập đến kỹ thuật có tên là “tạo sự nhấp nháy” (Scintillating), một cảm nhận lung linh giống như ảo giác bằng cách trộn lẫn những đốm màu.
Paul Klee, họa sĩ Thụy Sĩ, là người giảng dạy tại Trường Bauhaus của Đức. Ông là người tổ chức, sắp xếp vòng màu quang phổ (a spectral color circle) theo kiểu riêng với sáu màu: Đỏ, Cam, Vàng Xanh Lá, Xanh Lam và Tím.
Cộng thêm vào vòng màu này, Paul Klee đã trình bày một biểu đồ được gọi tên là “Tiêu chuẩn tổng thể” (Canon of Totality) để chứng minh rằng từ ba màu chính, khi pha trộn với nhau thì sẽ tạo nên sự biến hóa, sản sinh ra số lượng sắc màu vô tận.
* Biểu đồ về màu sắc của C.I.E (C.I.E. Chromacity Chart):
Tên C.I.E là một từ có gốc tiếng Pháp với ý nghĩa Hiệp hội quốc tế về chiếu sáng (La Commission International de l’Éclairage) còn tiếng Anh thì viết là “The International Commission on Alumination”.
Năm 1931, Ủy Ban này đã nhóm họp ở Anh Quốc. Tại đây, Ủy Ban đã thiết lập một số tiêu chí quốc tế, để phục vụ cho công việc nghiên cứu, đo lường màu sắc.
Vào thời gian này, với những sự tiến bộ của khoa học cùng với những trang thiết bị hiện đại, đã cho thấy khả năng đo lường chính xác về chiều dài của các sóng điện từ của bất kỳ loại ánh sáng nào.
Hiệp hội này cũng đã vận dụng những nguyên lý, mô hình vốn đã được James Maxwell đã thiết lập từ 60 năm về trước. Hiệp hội này cũng đã chọn ra 3 màu làm hệ chuẩn.
Đó là các màu: Đỏ, Xanh Lá và Xanh Lam. Đây cũng là các màu mà Maxwell đã từng áp dụng trong việc thiết kế sơ đồ về màu của mình theo hình tam giác cân và tam giác vuông góc. Chính biểu đồ này được coi như là biểu đồ của C.I.E.
Từ đó, biểu đồ này đã trở thành tiêu chuẩn trong kỹ nghệ ánh sáng, nhằm mục đích đo lường, thẩm định về lĩnh vực màu sắc của ánh sáng.
Năm 1976, Hội đồng Quốc tế đã xem xét lại biểu đồ về chiếu sáng của C.I.E để lập nên sự sắp đặt đặc biệt về màu sắc.
Hiện nay, biểu đồ C.I.E đã đề ra những loại màu sắc trong “Không gian màu sắc hợp nhất” (Uniform Color Space) dùng làm tiêu chuẩn hiện hành cho việc đo lường về màu sắc của ánh sáng.
Faber Birren Thông qua những sơ đồ trong quyển sách của mình có tên là “Nguyên lý về màu sắc” (Principles of Color)), Faber Birren đã gọi lý thuyết về màu sắc của mình là “Vòng lý luận về màu sắc” (Rational Color Circle).
Ông đã giải thích về cấu trúc bất đăng đối của vòng lý luận về màu của mình, trong đó có nói về sự liên quan về sự phân bố giữa những loại màu nóng và màu lạnh.
Những nhận định như sau: “Hầu hết các họa sĩ đều ưa thích loại màu nóng nhiều hơn so với màu lạnh, bởi vì tính chất sinh động và sắc màu mạnh, cường độ, mạnh mẽ do độ chói sáng của nó”.
Hơn nữa, nhìn từ xa, màu nóng dễ bắt mắt người xem hơn là màu lạnh. Nếu sự tuần hoàn này được bố trí theo dạng lần lượt xoay quanh một trục tròn thì nó sẽ giúp cho sự lý giải một cách rõ ràng, có hệ thống về màu sắc.
Johannes Itten. Vòng màu của Johannes Itten được xuất bản lần đầu tiên trong quyển sách có tên là “Nghệ thuật về Màu sắc” (The Art of Color).
Trong vòng tròn màu này của mình, Johannes bố trí 12 màu theo sự ảnh hưởng từ quyển “Lý thuyết về máu sắc” (Theory of Color) của Holzel là một họa sĩ người Đức. Từ sự ảnh hưởng này Johannes Itten đã đưa ra sơ đồ lý giải về màu của riêng mình.
Sơ đồ mới này của Johannes Itten được tạo nên bởi ba dạng hình:
Hình vành khăn lớn nằm bên ngoài, trên đó bố trí 12 màu: theo thứ tự từ đỉnh cao xuống phải, qua trái là Vàng (Yellow), Vàng Cam (Yellow Orange), Cam (Orange), Cam Đỏ (Red Orange), Đỏ (Red), Tím Đỏ (Red Violet), Tím (Violet), Tím Lam (Blue Violet), Xanh Lam Biếc (Cyan Blue), Lam Lục (Blue Green), Xanh Lục (Green), Vàng Xanh Lá hay Xanh Đọt Chuối (Yellow Green).
Trong hình vành khăn là Hình lục giác. Hình lục giác này hình thành bởi một hình tam giác đều ở giữa và ba tam giác cân dẹt nằm bao quanh.
Hình tam giác đều được bố trí để đỉnh của nó quay về trên, tiếp xúc ngay vị trí Màu Vàng của hình vành khăn. Trong hình tam giác này chia làm ba phần đều nhau lấy trung tâm kéo ra ba cạnh, trên ba phần chia đều này bố trí ba màu chính là: Vàng (màu này trùng với màu vàng trên hình vành khăn), Đỏ và Màu Xanh Lam Biếc (Cyan).
Trong ba tam giác cân hơi dẹt, mỗ cái, bố trí một màu bậc II
- Cái thứ nhất là Màu Xanh Lá (đáy của nó tiếp giáp hai màu Vàng và Xanh Lam Biếc).
- Cái thứ hai là Màu Cam (đáy của nó tiếp giáp hai màu Vàng và Đỏ).
- Cái thứ ba là Màu Tím (đáy của nó tiếp giáp hai màu Đỏ và Xanh Lam Biếc = Cyan).
Đây là sơ đồ mở rộng về sự lý luận đối với nguồn gốc của các màu bậc ba, bậc bốn. Điều mà các sơ đồ khác không chỉ rõ. Đặc biệt sơ đồ này minh họa rất rõ, dễ hiểu về nguồn gốc vị trí của các màu trên Vòng tròn màu còn gọi là Vòng thuần sắc (Color Wheel hay Chromatic Wheel).
Sơ đồ màu của Johannes Itten
Tiếp theo sau Johannes Itten là sự ra đời của khối cầu màu của Munsell (The Munsell Color Solid). Sơ đồ này được bố trí theo dạng cột khối ba chiều. Giữa là cột hình trụ chứa màu trung tính. Đáy cột là đoạn màu trắng, đỉnh cột là đoạn màu đen. Tất cả chiều cao của cột chia ra làm 9 đoạn. Trừ hai đoạn là: đáy màu đen, đỉnh màu trắng thì ở giữa có 7 đoạn với 7 độ màu trung tính màu xám tro do hai màu đen trắng pha với nhau mà ra. Vì chia làm 9 đoạn cho nên ngay giữa chiều cao cột có một đoạn màu xám như là màu xám có độ trung gian giữa đỉnh và đáy. Ngay đoạn xám này Munsell tạo ra 10 thanh màu đẹp cắm xoay tròn quanh trụ màu trung tính này. Mỗi thanh màu chia ra làm 7 ô. Đầu ngoài cùng của mỗi thanh là một màu nguyên sắc. 10 thanh màu đẹp này chứa 10 màu của vòng thuần sắc. Trên bảy ô của mỗi thanh màu chứa dãy màu bị pha xám đậm (tương ứng với độ xám ở giữa cột trung tính) và ít xám dần ra phía ngoài. Đầu ngoài của mỗi thanh màu đều chứa ô màu nguyên sắc. Nghĩa là mỗi thanh có một màu riêng và màu này bị chuyển xám dần (do pha với xám) từ ngoài vào trong, đi từ ô màu nguyên sắc cho đến các ô bị tái dần dần tiến vào trong cột màu trung tính.
Sau khối cầu màu của Munsell là Hệ thống lý luận về màu của Ostwald.
Wilhelm Ostwald là nhà khoa học được giải thưởng Nobel. Ông đã sáng chế ra hệ thống màu dựa vào cảm giác và nhãn quan về màu của con người (a color system based on human sensation and vision). Sự kiện dựa vào cảm giác và nhãn quan là điểm mới so với những nhà nghiên cứu trước.
Nói chung, qua một loạt dẫn chứng về quá trình về nghiên cứu mối liên hệ giữa ánh sáng và màu sắc, trình độ khoa học về lý luận, giảng dạy, ứng dụng, lý giải, của nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ. Chúng tay thấy rằng hệ thống lý luận của họ dựa trên những sơ đồ từ hai chiều đến ba chiều và sự lý luận ngày càng mang tính khoa học, đưa chúng ta đến sự phân tích khái niệm về màu từ những suy luận rất thô sơ cho đến lý luận phân tích về màu điện tử, màu trong vô tuyến truyền hình, trên Computer màu của công nghệ ánh sáng.
Frans Gerritsen (1975) ông đưa ra sơ đồ lý giải về màu nhằm đáp ứng cho những đòi hỏi về việc xác lập hệ màu dùng cho máy điện toán.
Sơ đồ của ông giống với quan niệm của Munsell ở việc xác lập hai cực không gian về màu Trắng và Đen nhưng không giống với Munsell về cách sắp xếp.
Trong khi sơ đồ của Munsell chứa 5 màu: Đỏ, Vàng, Xanh Lá, Xanh Lam và Đỏ Tía thì sơ đồ của Gerritsen chứa 6 màu nguyên thủy với 3 màu chính là Đỏ, Xanh Lá và Xanh Lam và 3 màu phụ của chúng là Màu Xanh Lam biếc (Cyan = Blue + Green) Màu Đỏ Cánh sen (Magenta) và Màu Vàng (Yellow).
Sơ đồ của Gerritsen là dạng khối ba chiều, như là dạng cầu thang xoắn lấy trục giữa là hệ Trắng và Đen (Trắng ở cực trên, Đen ở cực dưới). Các vòng ngoài cùng của cầu thang là các màu nguyên sắc, rất tươi (vì không bị pha với màu Xám).
Sáu màu chính mà Gerritsen xác lập cho Computer là màu ánh sáng gồm 3 màu chính và 3 màu phụ hay còn gọi là màu bổ túc.
Không gian màu của Gerritsen
Mô hình về sáu màu chính theo hệ thống màu của Gerritsen và sự phối hợp của nó
Sơ đồ về không gian màu sắc của Gerritsen: Màu Cánh sen chuyển sang Màu Xanh lục
Sơ đồ về không gian màu sắc của Gerritsen: Màu Vàng chuyển sang Màu Lam
Không gian màu sắc theo hệ RGB
Sơ đồ về không gian màu sắc của Gerritsen: Màu Đỏ chuyển sang Màu Xanh biếc
Sơ đồ của Gerritsen đáp ứng được hai yêu cầu về việc lý giải màu sắc. Đó là:
- Thứ nhất là giải thích rõ khái niệm về Màu Tươi và Màu Sáng.
Sơ đồ màu sắc của Johannes Itten
Biểu đồ màu của Micheal Jacobs
Sơ đồ màu của Paul Klee
Sơ đồ màu của Faber Birren
Biểu đồ màu của Albert H. Munsell
Biểu đồ màu của Wilhelm Ostwald
Không gian màu theo hệ HLS khu vực màu chuyển từ Đỏ sang Xanh Biếc
Không gian màu theo hệ HLS khu vực màu chuyển từ Xanh Lam sang màu Vàng
Không gian màu theo hệ HLS khu vực màu chuyển từ Xanh Lục sang Cánh Sen
Không gian Màu cùng hệ HLS, Vòng màu sắc
Không gian màu, sự tương phản màu sắc của hệ màu HLS
Khối màu HVC nhìn từ ba góc phối cảnh khác nhau
Hòa hợp màu bổ túc (Complementary Color Harmonies)
(Hòa hợp từng cặp 2 màu đối diện nhau)
Hòa hợp màu bổ sung xen kẽ (Split Complementary Harmonies)
(Hòa hợp từng bộ 3 màu ở vị trí đối diện nhau)
Hai màu đối diện là hai màu bổ sung trực tiếp cho nhau. Các màu có mũi tên là hai màu bổ sung xen kẽ cho màu đối diện
Hòa hợp 3 màu (Trial Harmony)
Dựa trên phương pháp tìm 3 màu để hòa hợp chúng ta tiếp tục xoay để tìm thêm các giải pháp khác
Hòa hợp 4 màu (Tetrad Harmony)
Dựa trên phương pháp tìm 4 màu để hòa hợp, chúng ta tiếp tục xoay để tìm thêm các giải pháp khác.
Một màu nào đó trở nên sáng hơn khi ta pha nó với Màu Trắng. Càng bị pha với lượng màu Trắng nhiều hơn thì nó sẽ trở nên sáng hơn, nhưng đồng thời mật độ màu gốc của nó bị “loãng” và “giảm dần”. Nghĩa là cường độ bị giảm đi. Ngược lại, từ một màu nào đó, đang ở trạng thái sáng (do bị pha với Màu Trắng) chúng ta kéo nó trở lại trạng thái tươi thắm hơn bằng cách pha thêm nhiều màu gốc của nó.
Thí dụ: Pha thật nhiều màu Vàng nguyên chất vào màu vàng nhạt để làm cho nó tươi lại, phục hồi độ tươi vốn có của nó.
Như vậy thì một màu càng trở nên sáng hơn tất yếu sẽ bị giảm độ tươi thắm. Khi ấy, khả năng tác động thị giác của nó chính là độ sáng (Lightness) chứ không phải là do cường độ, độ tươi thắm, độ chói (Brightness hay Intensity) cho bản thân nó.
- Thứ hai là cho thấy việc thực hành “cộng thêm vào” và “trừ bớt ra” trong thao tác pha chế, hòa hợp màu làm thay đổi tính chất của màu.
Ngay khi chúng ta thực hiện thao tác gọi là “cộng thêm vào” cũng chính là lúc chúng ta “trừ bớt ra”.
Thí dụ: Khi chúng ta pha thêm màu Trắng vào màu Đỏ thì màu Đỏ sẽ bị giảm bớt độ Đỏ để trở thành Màu Đỏ Hồng. Nghĩa là cường độ hay độ tươi thắm (Intensity or Brightness) của Màu Đỏ bị giảm bớt.
Như vậy là chúng ta gián tiếp bớt đi Màu Đỏ.
Ở sơ đồ của Gerritsen cũng cho thấy rằng: cường độ của một màu nào đó sẽ bị giảm dần nếu pha trộn nó với màu vốn là màu tương phản của nó.
Trên đây là sơ nét về lịch sử lý luận và nghiên cứu màu sắc cũng như ánh sáng, đi từ màu trong thiên nhiên, trong mỹ thuật cho đến màu điện tử, sử dụng trong lĩnh vực máy tính và truyền hình cũng như nghệ thuật chiếu sáng.
Xuất phát từ sự nghiên cứu các hệ thống phân tích màu của các cá nhân nói trên, ngày nay có nhiều tổ chức, nghiên cứu đưa ra các kiểu cân, đo, phân tích, lọc màu điện tử phục vụ cho việc chế bản trong ngành in ấn như: RGB specifications, HLS specifications, CIE standard.
Ngày nay, trên thế giới còn có những tổ chức, Hiệp hội, Tập đoàn chuyên điều tra, nghiên cứu để dự đoán, tiên liệu các khuynh hướng sử dụng màu sắc (Color Trend) trong vòng từ hai đến ba năm sắp tới, với mục đích phục vụ cho các nhà thiết kế. Đó là các cơ quan sau đây:
- Hiệp hội Định hướng về Màu sắc Quốc tế, tên viết tắt là AICD (Association for International Color Direction) ở Bang Virginia, Hoa Kỳ.
- Cũng ở Hoa Kỳ có một cơ quan khác có tên là Hiệp hội Màu sắc Hoa Kỳ, tên viết tắt là CAUS (The Color Association of the United States), ở New York.
- Trường dạy về Màu sắc ở California, Hoa Kỳ có tên là: The Micheal Wicox School of Color USA. Trường này có các chi nhánh ở Anh Quốc và Úc. Người sáng lập là ông Micheal Wilcox, vừa là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, chuyên gia bảo quản tác phẩm nghệ thuật và là kỹ sư.
- Tổ chức của Hoa Kỳ chuyên kiểm định chất liệu, trong đó có lĩnh vực màu sắc, có tên viết tắt là ASTM (American Society of Testing Material).
- Ngoài ra còn có Tập đoàn Tiếp thị về Màu sắc, tên viết tắt là CMG (The Color Marketing Group).
Điều này mở ra sự ứng dụng tuyệt vời của lĩnh vực màu sắc và ánh sáng trong đời sống hiện đại. Nó góp phần rất lớn trong việc thẩm mỹ hóa làm đẹp cuộc sống, môi trường xã hội. Nó không những mang lại cho con người ánh sáng về mặt vật lý mà còn là sự phát triển vượt bậc về trình độ thẩm mỹ của khoa học ứng dụng ánh sáng và màu sắc trong các nhu cầu phục vụ về tinh thần cho con người như trị bệnh bằng màu sắc, ánh sáng tạo những ảo giác phong phú làm thay đổi cảm xúc cho con người theo yêu cầu chủ đích.
>>> Khái niệm lịch sử về màu sắc (Phần 1)
>>> Mối quan hệ giữa màu sắc và ánh sáng