Hoa văn thời Sơ sử (Phần cuối)
15. Hoa văn hình hoa:
Từ những hoa văn kỷ hà mà lại muốn sao chép một hình ảnh của hiện thực là chuyện đáng lưu ý. Ở trên gốm Hoa Lộc chúng tôi thấy có một số đồ án như vậy, dù chưa thật nhiều. Đó là các đồ án hoa văn về hình hoa. Thực ra sớm hơn Hoa Lộc, từ thời hậu kỳ đồ đá mới, trên gốm Mai Pha chúng ta đã thấy người nguyên thủy khắc vẽ hình hoa thị. Dù nét vẽ có phần còn vụng về nhưng các cánh hoa thị ở đây được vẽ nhìn rất dễ nhận ra (Hình 25a, b).
Ở Hoa Lộc, các nghệ nhân gốm cũng sáng tác loại hoa nhiều cánh tròn nhỏ bao quanh một đài hoa tròn khác to hơn. Cánh hoa ở đây không cố định, có nơi là 3, có nơi là 5 hoặc 7 hoặc 8, nhưng chúng được chia đều quanh hình tròn đài hoa (Hình 25 d, đ, e). Có loại bao ngoài hình hoa này là một hình tròn to nữa thuộc trong một băng nhiều hình như vậy. Cũng có đồ án chỉ có 4 cánh hoa chụm vào nhau, rất cân đối nhưng không có vòng tròn của đài hoa ở giữa. Loại này cũng nhỏ và đơn giản (Hình 25c). Nó giống kiểu đồ án hoa văn hoa chanh của thời Lê mạt sau này (thế kỷ XVIII) mặc dù đơn giản hơn nhiều.
Rất tiếc các thời kỳ sau, kể cả thời kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật Đông Sơn không thấy đồ án hình hoa xuất hiện, chưa rõ là vì sao.
Hình 25. Hoa văn hình hoa
a, b. Trên gốm Mai Pha - c, d, đ, g. Trên gốm Hoa Lộc
16. Hoa văn hình thảo mộc
Hoa văn này có một đồ án duy nhất trên gốm Hoa Lộc. Hình được thể hiện ở đây là một cây cỏ đơn giản, gồm một thân cây và hai lá, một lá cong về bên phải và một lá ở trên ngọn. Chúng được sắp đặt kề nhau chạy dài trong một băng tròn trông giống như một cây ngô mới mọc được 2 lá (Hình 26a). Cùng với hình cây cỏ còn có hai chấm trên đầu và hai chấm dưới. Các chấm này có lẽ không phải là hoa quả mà tác giả của chúng muốn làm dấu trên phôi gốm để chia cho đều trước khi vẽ hình chăng(?).
Dù còn đơn giản nhưng đây là một đồ án đáng quý vì từ các hình học khô khan người Hoa Lộc đã biết chép lại các hình ảnh có thực trong cuộc sống. Trên một số đồ gốm thời Phùng Nguyên có xuất hiện đồ án hình tròn bầu dục, có đường chia đôi ở giữa. Nhiều ý kiến cho đó là hình lá cây (Hình 26b).
Hình 26. Hoa văn hình thảo mộc
a. Trên gốm Hoa Lộc - b. Trên gốm Phùng Nguyên
Gốm văn hóa Phùng Nguyên
17. Hoa văn hình rẻ quạt
Đây là một loại hoa văn thường ra đời vào những nơi có diện tích trang trí không vuông vắn nên nghệ nhân đã vận dụng thực hiện các đường kẻ không cách đều nhau để tạo các đường thẳng thành hình rẻ quạt. Ví dụ như trên một số đáy gốm ở di chỉ Đồng Đậu và di chỉ Lũng Hòa, người thợ gốm đã chải theo kiểu khuông nhạc các đường thẳng chạy đều ra các phía. Vì càng ra xa càng rộng nên để cách đều các phía những đường kẻ bắt buộc phải bố cục theo kiểu rẻ quạt (Hình 27a, b). Hoặc trên một rìu lưỡi cân ở di chỉ Làng Vạc cũng vậy. Từ chuôi rìu xuống phía lưỡi càng rộng nên người thợ đồng Làng Vạc muốn trang trí các sọc chạy đều buộc phải bố cục các đường chạy thẳng theo hình rẻ quạt (Hình 27đ).
Hoa văn rẻ quạt còn được ứng dụng trên mặt phẳng xen kẽ giữa các tia của ngôi sao mặt trời của một số trống đồng Đông Sơn. Người Đông Sơn đã kẻ các dường thẳng dọc theo hai cạnh bên của tam giác cân, tạo nên hình rẻ quạt từ to đến nhỏ dần (Hình 27c, d).
Hoa văn rẻ quạt được thực hiện để trang trí ứng dụng vào những mặt phẳng không vuông vắn. Nó đã tạo nên những đồ án đẹp, hợp lý, phản ánh sự sáng tạo của người thời này.
Hình 27: Hoa văn hình rẻ quạt
a. Trên gốm di chỉ Lũng Hòa - b. Trên gốm di chỉ Đồng Đậu
c, d, đ. Trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn: trống Dac glao (c), trống Hàng Bún (d), rìu căn di chỉ Làng Vạc (đ).
Hình 28. Hoa văn hình lông công trên các mặt trống đồng văn hóa Đông Sơn
a. Trống Duy Tiên; b. Trông Cửu Cao; c. Trống Thôn Mống; d. Trống Hàng Bún
18. Hoa văn hình lông công
Hoa văn này chỉ có trên một số mặt trống đồng thời văn hóa Đông Sơn, ở các thời kỳ trước chưa thấy. Cũng trên diện tích xen kẽ giữa các tia của hoa văn mặt trời còn có loại hoa văn hình lông công. Đây là một hình tam giác, phía trong là hai vòng tròn đồng tâm phía ngoài là một số đường kẻ dọc ngắn chạy tỏa ra như kiểu hoa văn rẻ quạt. Vì có mặt hình tròn đồng tâm giống lông của đuôi công nên các nhà khảo cổ học gọi đó là hoa văn hình lông công (Hình 28a, b) cũng có nơi thay vòng tròn đồng tâm bằng hai tam giác nhỏ nằm kề nhau (Hình 28c, d).
Chúng chẳng những lấp được chỗ trống giữa các tia mặt trời mà còn làm cho mặt trời ở giữa càng nổi trội các tia của nó như tỏa rộng thêm.
19. Hoa văn hình sao mặt trời
Đây là hoa văn chúng ta thấy có nhiều trên các trống đồng Đông Sơn, nằm ở trung tâm giữa mặt trống. Ngôi sao được người Đông Sơn đúc dầy lên vừa làm nơi để đánh trống vừa mang ý nghĩa của việc thờ thần mặt trời. Ngôi sao mặt trời được thể hiện là một hình tròn có nhiều cánh chia đều bao quanh. Số lượng cánh cũng tùy tiện, có trống nhiều có trống ít.
Nó được chọn làm trung tâm giữa với ý nghĩa là trung tâm của vũ trụ.
Hoa văn này chỉ có nhiều nhất là trên các trống đồng Đông Sơn. Trước đó, ở giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trong di chỉ Nghĩa Lập người ta có tìm thấy hoa văn này trên một dọi xe chỉ bằng đất nung. Tuy nhiên hình sao mặt trời ở đây có phần khác. Số lượng cánh sao của nó, tuy bị sứt chúng ta cũng đoán được chúng phải có khoảng 18. Các cạnh sao ở đây đều được kẻ bằng 3 đường thẳng song song. Và các cánh sao ngắn, bố cục ra sát rìa của hiện vật. Dù không hoàn toàn giống nhau nhưng đây vẫn là hình ảnh của ngôi sao mặt trời (Hình 29 a). Trên chân đế bát bồng bằng gốm văn hóa Gò Mun cũng có một hình sao 6 cánh (Hình 29 b). Chắc chắn chúng là tiền thân của hình ngôi sao mặt trời mà có nhiều trên mặt trống đồng vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn (Hình 29 e, d, đ).
20. Hoa văn hình trâm
Đây là loại hoa văn chỉ mới thấy xuất hiện trên một số trống đồng Đông Sơn vào giai đoạn muộn như các trống Hữu Chung, Đông Hiếu, Đa Bút, Thôn Mống v.v. Chúng thường được bố cục trong các băng lớn gần phía ngoài của mặt trống. Về hình dáng, tạm chia chúng làm hai loại.
- Loại thứ nhất có thân vuông hoặc dài, dược hình thành bởi bốn mũi tên hình tam giác, có góc tròn xuất phát từ một tâm điểm chĩa ra 4 phía. Trên các mũi tên đều có các điểm vòng tròn (Hình 30 a, b).
- Loại thứ hai thân dài hình chữ nhật hai đầu của hai góc cạnh ngắn của chúng được vuốt nhọn ra hai phía. Trên thân điểm tô thêm các vòng tròn đồng tâm và vòng tròn tiếp tuyến (Hình 30 c, d). Những hoa văn hình trâm được bố cục riêng, không kết hợp với hoa văn nào cả. Chúng được đặt xen kẽ giữa các hình chim lạc bay, có từ hai đến bốn hình trên một vòng tròn và thường đối xứng nhau qua tâm điểm của hình mặt trời ở giữa. Dường như chúng tạo nên ranh giới các khoảng cách cần thiết cho đồ án đàn chim lạc bay.
Cách bố cục của loại hoa văn này khá hiện đại.
Hình 29. Hoa văn hình sao mặt trời
a. Trên gốm văn hóa Phùng Nguyên (di chỉ Nghĩa Lập) - b. Trên gốm văn hóa Gò Mun (di chỉ Hoàng Ngô)
c-e. Trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn: Trống Ngọc Lũ (c). Trống Phú Duy (d)
Trống Cửu Cao (đ). Trống Việt Khê (e)
Hình 30. Hoa văn hình trâm trên các mặt trống đồng văn hóa Đông Sơn
a. Trống Đa Bút - b. Trống Hàng Bún - c. Trống Thôn Mống - d. Trống Đac glao
>>> Hoa văn thời Sơ sử (Phần 1)
>>> Hoa văn thời Sơ sử (Phần 2)
>>> Hoa văn trên đồ gốm thời Tiền sử