Hoa văn thời Sơ sử (Phần 2)
9. Hoa văn hình chữ nhật
Đây cũng là một hoa văn nhỏ có nhiều ở các thời kỳ. Phần lớn hoa văn này không phải kết quả của việc kẻ vạch 4 cạnh tạo thành mà hình như người Sơ sử đã dùng cái que có hình khối chữ nhật vuông để ấn lõm xuống mà các nhà khảo cổ học thường gọi là “văn in”. Cũng có ý kiến cho rằng người thợ gốm đã khắc lõm cả một cái bàn đập để vỗ vào (Hoàng Xuân Chinh – Nguyễn Ngọc Bích) nhưng trên thực tế sẽ gặp khó khăn khi lát đập thứ hai phải làm sao để dẫy ô vuông mới vẫn thẳng hàng với lát đập trước.
Do vậy có lẽ phải in từng cái thì đúng hơn. Hoa văn này thường nối nhau hàng dọc hàng ngang để tạo thành mảng trên lưng gốm. Tuy không được đều đặn và vuông vắn một cách chuẩn mực nhưng góp phần tạo nên sự phong phú cho các đồ án trang trí. Trên các di chỉ sớm của thời Sơ sử đã thấy có hoa văn ô vuông. Đó là các di chỉ như Hoa Lộc, Phú Lộc, Gò Bông (Hình 18 a). Các di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun cũng có khá nhiều (Hình 18 c, d, đ). Đáng chú ý là trên gốm Hoa Lộc có một hình chữ nhật lớn do các đường kẻ tạo nên chứ không phải in như đã nói ở trên. Những hình chữ nhật này được bố cục trong các băng dài, chúng cách đều nhau hoặc bố cục chung các cạnh ngắn. người ta để trơn và tô điểm các chấm nhỏ chung quanh để làm nổi hình chữ nhật lên, hoặc ngược lại, chấm và vẽ hoa ở trong hình chữ nhật. Tuy không nhiều nhưng các đồ án này khá đẹp và chỉn chu (Hình 18 b).
Sang thời Đông Sơn, trên một số đồ gốm vẫn còn được trang trí bằng cách in các hàng hoa văn hình chữ nhật nhỏ như các thời trước (Hình 18 e). Còn các hình chữ nhật và hình vuông to thì ít dược chú ý hơn. Có một số đồ án loại to này trên các tấm che ngực bằng đồng ở các di chỉ Thiệu Dương, Lật Phương, Lang Cả, Đông Sơn… hoặc trên các thân trống đồng. Loại này đơn thuần là để làm ranh giới cho các đồ án phức tạp (Hình 18 g, h).
10. Hoa văn khuông nhạc
Gọi là khuông nhạc vì nghệ nhân gốm lúc kẻ vạch hoa văn này đã dùng một vật cứng dẹt, trên đó được chia làm nhiều điểm nhọn xếp theo chiều ngang của vật (nó như một phần nhỏ của cái lược) và họ kẻ lên phôi gốm để trang trí trước khi nung. Kết quả việc kẻ đó đã tạo ra được nhiều đường kẻ song song cách đều nhau giống như việc kẻ khuông nhạc các bài hát của chúng ta ngày nay. Khuông nhạc ngày nay có 5 dòng kẻ chạy thẳng song song, còn hoa văn khuông nhạc của người Việt thời Sơ sử thì số lượng dòng tùy thuộc vào cái “lược”, không cố định. Có đồ án chỉ có 2 hoặc 3, cũng có đồ án có đến 4, 5 hoặc 6, 7. Và bố cục của dòng kẻ cũng khác. Có lúc là một băng thẳng chạy vòng quanh chu vi tròn của đồ gốm (Hình 19 b, c). Có lúc lại lượn sóng uốn lượn đều đặn kiểu hình sin và được các nhà khảo cổ học đặt tên cho nó là hoa văn sóng nước (Hình 19 c, e, g, h).
Có khi lại kẻ thành những đường chéo thưa, đan vào nhau và nhờ đó tạo ra các ô vuông kiểu hình thôi mà các tài liệu quen gọi là hoa văn ô trám mà ở phần trên có nói đến. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là những đường kẻ trong những bố cục tự do. Có lúc là những đoạn thẳng ngắn gập khúc kiểu hình chữ Y hoa. Có lúc lượn sóng theo đồ án của hoa văn chữ S hoa. Có lúc lại xoáy trôn ốc và kéo dài ra thành hình lưỡi câu. Nó tùy theo kết quả của hình mà các nhà khoa học đặt cho nó các tên khác nhau (Hình 19 d, đ, g, h, k, l, m).
Loại hoa văn kiểu khuông nhạc này có trên đồ gốm rất sớm. Một số gốm cuối thời Tiền sử đã có hoa văn loại này. Ví dụ như trên một số gốm ở các hang Tham Póng, Tham Tiên (Nghệ An) thuộc văn hóa hậu kỳ thời đại đá mới đã thấy loại hoa văn này. Các thợ gốm đã biết dùng “lược” 3 răng để kẻ thành các hình sóng nước, hình cong nửa vòng tròn (Hà Văn Tuấn – Trần Quốc Vượng, 1961.111).
Hoặc trên đồ gốm của các di chỉ Thạch Lạc, Bàu Tró (thuộc văn hóa hậu kỳ đồ đá mới) người nguyên thủy đã dùng phương pháp kẻ khuông nhạc này để tạo nên các đồ án hoa văn hình sóng nước, hình chữ S (Phạm Thị Ninh, 1991). Chúng tôi ngờ rằng nhờ việc dùng “lược” chải đất trong kỹ thuật làm gốm bằng dải cuộn bàn đập hòn kê, người thợ gốm đã nảy ý định dùng các “lược” nhỏ hơn để kẻ vạch trang trí trên thân gốm này.
Loại hoa văn này được sử dụng rất nhiều vì nó tiện lợi, năng suất trang trí cao và luôn luôn tạo ra được các đường song song đẹp đẽ không cần phải đắn đo ngắm nghía.
Bởi vậy ngay từ trên các mảnh gốm của văn hóa Hoa Lộc chúng ta đã thấy rất nhiều đồ án khác nhau về hoa văn khuông nhạc này (Hình 19 c, b). Đặc biệt đáng chú ý là trên gốm của các di chỉ văn hóa Đồng Đậu, hoa văn kiểu khuông nhạc này chẳng những có số lượng nhiều mà đồ án cũng phong phú (Hình 19 e, m). Các nghệ nhân gốm Đồng Đậu đã biết khéo léo bố cục chúng trong nhiều đồ án đường cong rất phức tạp và diệu nghệ. Đó là những hình uốn lượn số 8, uốn lượn xoắn vào nhau như sợi thừng bện… (Hình 19c). Chính vì vậy các nhà khảo cổ côi hoa văn tạo theo kiểu khuông nhạc là một đặc trưng riêng của văn hóa Đồng Đậu. Thời Đông Sơn các nghệ nhân đúc đồng vẫn sử dụng loại hoa văn này nhưng thường bố cục những chuỗi đường thẳng song song. Trên một số đồ gốm, nghệ nhân Đông Sơn có sử dụng hoa văn khuông nhạc để kẻ. Tuy nhiên, số lượng không nhiều (Hình 19 o).
11. Hoa văn hình tròn
Loại hoa văn này thường không có nhiều trên các đồ án trang trí của gốm thời Sơ sử. Vì nó đòi hỏi người vẽ khắc phải có bàn tay lão luyện mới làm được thật tròn. Cứ nhìn vào hoa văn hình tròn chúng ta có thể biết được trình độ tay nghề của những người làm gốm, từ đó có thể góp phần đánh giá được sự phát triển của một nền văn hóa nào đó vì càng về sau kỹ thuật càng phát triển, hoa văn này cang tinh vi và chuẩn mực. Do vậy, ít khi chúng ta bắt gặp được một hoa văn hình tròn mà thật tròn. Nó thường có hình ô van hoặc méo mó chút đỉnh. Người thợ gốm thời Sơ sử đã biết dùng bàn xoay cho nên các đường chỉ lớn chạy trên mặt và thân gốm tất nhiên có bàn xoay hỗ trợ nên rất tròn. Còn đi vào chi tiết các bản vẽ bằng tay thì ít đạt được như mong muốn. Ngay cả các thợ gốm ngày nay cũng vậy. Đó là chưa kể khi làm thì khá đẹp, qua quá trình nung, đất nở không đều làm vênh váo các đồ gốm rất nhiều, hình trang trí của hoa văn cũng bị méo mó thêm.
Tình hình chung là như vậy. Đi vào cụ thể các sưu tập hoa văn, chúng ta thấy có một số đồ án có hoa văn hình tròn rải rác trên các đồ án hoa văn của các thời. Trước hết đáng chú ý là một số hình tròn có đường kính tương đối nhỏ và nét lại to chạy dài trên các băng của đồ gốm. Rải rác trên một số di tích thuộc văn hóa Phùng nguyên, văn hóa Gò Mun… có loại hoa văn vòng tròn này (Hình 20 d, g, m). Nhiều khi bố cục của nó không thành băng dài mà được phân bố thưa hơn trong một vài đồ án phức tạp. Chúng tôi đồng ý với một số nhà khảo cổ học khi họ cho rằng các thợ gốm đã lợi dụng những ống trúc rỗng nhỏ để in thành hoa văn này. Hoa văn rất tròn nhưng thiếu mất sự tinh tế mềm mại của nét khắc tay. Tận dụng cái đẹp có sẵn của thiên nhiên để làm giàu cho cái đẹp của mình cũng là một đặc điểm của người nguyên thủy.
Một số hoa văn hình tròn khác, tuy không thật tròn nhưng lại đáng yêu vì nó được khắc bằng tay. Đó là các hình tròn trên gốm di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Hình tròn được bố cục thành một băng chạy vòng quanh bình gốm. Giữa các hình tròn, người thợ còn điểm tô bằng các chấm tròn nhỏ xếp thành các dãy tương đối thẳng hàng và không quên mỗi hình còn chừa lại một trục thẳng từ trên xuống chia đường tròn thành hai phần bằng nhau (Hình 20 e).
Ở di chỉ Phú Lộc của văn hóa Hoa Lộc có một đồ án đường tròn đáng chú ý vì không những nó tương đối chuẩn mà còn phong phú. Đó là đồ án trên một con dấu bằng đất nung để in hoa văn. Đồ án đó bao gồm hai vòng tròn đồng tâm. Giữa hai vòng tròn có 8 vòng tròn nhỏ được phân bổ đều bao bọc lấy vòng tròn trong. Tuy phân chia chưa thật đều nhưng việc tạo nên được một bố cục như vậy đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng thể. Nét của các hình tròn này cũng tương đối to. Rất có thể khi làm nên con dấu này người Phú Lộc đã lợi dụng các ống trúc như đã nói ở phần trên (Hình 20 a).
Một băng vòng tròn đồng tâm khác đáng chú ý là các vòng tròn trên một băng đồ án của một bình gốm ở di chỉ gò Đường Thành (Hình 20 h). Chúng được sắp xếp cách đều nhau và chạy dài giữa hai gờ chỉ ngang, rất nổi bật.
Cùng với hoa văn vòng tròn, chúng ta còn gặp trên đồ gốm của văn hóa Hoa Lộc hai đồ án hoa văn nửa vòng tròn. Cả hai đồ án này có phần giống nhau, nghĩa là chúng tập hợp nhiều nửa vòng tròn lại thành băng dài, chạy dọc theo hai gờ chỉ khác. Các nửa vòng tròn này đều có chấm tâm điểm giữa, tưởng như nghệ nhân gốm đã sử dụng một “compa” thô kệch nào đó chấm vào phôi gốm và quay 180 độ. Một trong hai đồ án phía ngoài nửa vòng tròn để trống, chỉ điểm thêm một chấm tròn nhỏ ở các nơi gần giáp giới của hai nửa vòng tròn. Còn ở đồ án kia thì lại có thêm hai nửa vòng tròn đồng tâm khác, mảnh hơn, ở ngoài. Vì chúng có đường kính lớn hơn nên không có khoảng cách với các hình tương tự chúng ở nửa vòng tròn kế tiếp (Hình 20 b, c).
Một số mảnh gốm khác ở các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Gò Mun, có đồ án hoa văn hình tròn hoặc hình tròn đồng tâm. Hình tròn ở đây khá chuẩn nhưng thật đáng tiếc vì chúng là mảnh vỡ nên đồ án không hoàn chỉnh, chúng ta khó lòng đánh giá (Hình 20 i, k).
Sang thời Đông Sơn trên các đồ đồng như trống, nồi, âu v.v… đều có trang trí hình tròn, hình tròn đồng tâm và đáng chú ý là hình tròn có chấm giữa tiếp tuyến. Loại hoa văn này các thời trước chưa thấy. Đó là những hình tròn có chấm tâm điểm và có đường tiếp tuyến chạy chéo nối hình trước với hình sau (Hình 20 n, o). Chắc chắn người Đông Sơn đã biết dùng compa hay một dụng cụ tương tự để sáng tạo nên các hoa văn hình tròn này, vì nó tinh tế và chuẩn xác cao độ. Đó là chưa kể trên các mặt trống đồng, người Đông Sơn đã biết chia nhiều hình tròn đồng tâm để tạo thành nhiều băng hoa văn tỉ mỉ và chính xác mà đến nay chúng ta vẫn kinh ngạc và khâm phục.
12. Hoa văn hình xoáy ốc
Đây là loại hoa văn uốn lượn vòng tròn xoáy ốc từ ngoài vào và kết thúc ở tầm giữa. Đường chạy vòng của nó thường quay theo chiều kim của đồng hồ nhưng cũng không ít trường hợp ngược lại. Hoa văn này có nhiều trên gốm Đồng Đậu (Hình 21 c, g, h). Nhiều khi hình xoắn ở đây không chỉ một đường mà cả một nhóm chạy vòng theo kiểu kẻ của khuông nhạc (Hình 21 g). Nhưng sớm hơn Đồng Đậu, chúng tôi còn thấy nó xuất hiện trên gốm các di chỉ văn hóa Hoa Lộc. Đó là hình xoắn ốc của một con dấu in bằng đất nung. Một hình xoáy ốc kép trong một tam giác của một con dấu tròn và một hình xoắn ốc gập khúc vuông chữ nhật theo hình của hai con dấu vuông (Hình 21 a, b). Vào thời văn hóa Gò Mun cũng có nhiều đồ án hoa văn hình xoắn ốc mà đáng chú ý có một đồ án hoa văn hình xoáy ốc được bố cục bởi các hình tròn nhỏ dính vào nhau, trông rất vui mắt (Hình 21 l).
Sang thời Đông Sơn, một số đồ án hình hoa văn xoáy ốc được các thợ đồng tiếp tục phát huy. Đó là hình xoáy ốc trên chuôi cán của muôi đồng có hình người thổi kèn ở di chỉ Việt Khê (Hình 21 n), trên hai đầu cong của chữ S hoa ở khóa thắt lưng di chỉ Đông Sơn trên hai đầu công của hoa văn trên chuông di chỉ Mật Sơn. Hướng của chúng cũng không theo một quy tắc nào cả, thông thường theo chiều kim đồng hồ nhưng cũng có một số trường hợp lại đảo ngược lại. Ví dụ ở hoa văn trên chuông đồng di chỉ Mật Sơn, hoặc trên một chuôi dao đồng ở di chỉ mái đá Thẩm Khương. Các xoáy ở đây đều quay ngược chiều kim đồng hồ (Hình 21 m).
Tóm lại, hoa văn xoáy ốc này không nhiều, nhưng nó làm tăng vẻ đẹp cho các vòng tròn, tô đậm các vòng tròn và hình vuông khác.
13. Hoa văn lượn sóng hình sin
Đây là một đường lượn đơn giản chạy ngoằn ngoèo uốn đi uốn lại đều đặn thành một băng trang trí. Cũng có lúc, để tránh những chỗ trống trơ trọi giữa các nửa bước sóng của đường lượn người ta tô thêm các chấm tròn nhỏ. Hoặc cũng có đồ án thay chấm tròn bằng các đường kẻ ngắn song song.
Loại đồ án này chỉ gặp một số trên đồ gốm Hoa Lộc (Hình 22 a, b). Các di chỉ thời sau không thấy có mà nó lại được phát triển dưới dạng của hoa văn khuông nhạc, nghĩa là vẫn bố cục ngoằn ngoèo kiểu hình sin như vậy nhưng không phải một đường đơn độc mà cả một chuỗi nhiều đường song song. Các nhà khảo cổ học quen gọi đó là hoa văn sóng nước (Hình 22 e, g, k).
Điều đáng chú ý là sang thời phong kiến tự chủ chúng ta lại gặp loại hoa văn lượn sóng hình sin này rất nhiều, đặc biệt là trên các diềm bia với tên gọi mới là hoa văn hoa dây.
Trong một vài đồ án trên gốm của văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu có một loại biến thể của hoa văn lượn sóng hình sin này. Đó là loại hoa văn uốn lượn sóng hình sin nhưng các sóng của nó cao vồng phình to đến nỗi cái trước gần như dính vào cái sau nhưng dây cung của các song lại hẹp tạo ra hình uốn lượn kiểu “thắt túi”. Do đó nhìn tổng quát hoa văn bố cục như một như một cái lưới đan mà các nhà khảo cổ học gọ đó là hoa văn mắt võng (Hình 22 h, k, i). Thực chất cũng chỉ là sự biến thể của hoa văn lượn sóng hình sin. Điều thú vị là về sau đồ án hình rồng thời Lý (thế kỷ XI – XII) cũng được bố cục uốn lượn hình sin kiểu thắt túi này, nhưng độ uốn của nó không đến mức gần như dính vào nhau như ở đây.
Cũng có thể kể thêm một vài đồ án biến thể của hoa văn lượn sóng hình sin khác. Đó là một vài đồ án trên gốm Hoa Lộc và gốm Đồng Đậu. Bố cục của các đồ án này cũng uốn lượn nhưng nửa trên thì cong tròn, nửa dưới thì gập khúc và ngược lại (Hình 22 c, d). Nó gần như là sự nối tiếp nhau của các hình khuyên. Và cũng có đồ án khuông nhạc bố cục theo kiểu như vậy và cũng được gọi là hoa văn sóng nước (Hình 22 g).
Có một vài đồ án của gốm Hoa Lộc quá trình kẻ vạch bị đứt đoạn thành từng đôi một trông lại giống đàn chim đang bay nên được gọi là hoa văn cánh nhạn. Nhất là một số từng đôi này lại tách rời hẳn, độ cong rất ít (Hình 22 d, đ). (Phạm Văn Kỉnh – Quảng Văn Cậy, 1977).
Nói chung, loại hoa văn lượn sóng hình sin và các biến thể của nó có nhiều trên đồ gốm, còn ở các đồ đồng không thấy có. Trên một số đồ gốm Đông Sơn nó được bố cục thành từng đôi uốn lượn gài đan xoắn vào nhau thành kiểu hoa văn hình số 8 (Hình 22 l).
14. Hoa văn hình chữ S
Đây là một hoa văn tiêu biểu nhất và hầu như di chỉ văn hóa thời Sơ sử nào cũng có. Bố cục của nó phong phú và được người Lạc Việt sáng tạo dưới nhiều kiểu dáng khác nhau.
Thông thường các hoa văn chữ S này cũng được sắp xếp thành băng dài bằng cách nối nhau, hết chữ này đến chữ khác chỉ cách nhau từng quãng ngắn. Đó là trường hợp có trên một đồ án của gốm Hoa Lộc. Chữ S ở đây nhỏ và đơn giản, độ uốn cong của nó không đáng kể. Lối bố cục chữ S nằm về sau chúng ta còn gặp trên các đồ án của gốm ở các di chỉ thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậuh. Độ uốn cong của chúng rõ ràng hơn nhưng vẫn khoanh tròn độc lập. Đã nằm thì phải độc lập thế hình mới rõ ràng còn nối liền vào nhau một cách liên tục thì vô hình chung chúng lại biến thành loại hoa văn uốn lượn hình sin vừa nói ở phần trên.
Gốm Phùng Nguyên còn nhiều kiểu bố cục khác của hoa văn hình chữ S, có bố cục đứng tách rời, lúc thì nghiêng đổ về bên phải và cũng không ít trường hợp lại đổ về bên trái. Chúng sắp hàng đều đặn và nghiêm chỉnh, chữ nào cũng y hệt chữ nào (Hình 23 k, e). Nhưng đẹp hơn cả là có những đồ án chữ S được bố cục theo lối đứng hơi nghiêng, “mỏ” của chữ trước gần như “mổ” vào lưng của chữ sau. Nhìn bao quát có cảm tưởng như các chữ S quấn vào nhau tạo nên một nhịp điệu của một chuỗi dài mà nhiều người gọi nó thừng bện (Hình 23 m, o, p). Có lẽ đây là một bố cục thành công của người Phùng Nguyên. Còn đối với người Đồng Đậu thì chữ S lại thường được kẻ vạch lối “bút lược” của khuông nhạc, nên các đồ án này tạo nên cảm giác mềm mại. Dù đứng, dù nghiêng, dù nằm đều uốn lượn không ngừng (hình 23 a, b, c). Ngược lại với Đồng Đậu, trên gốm của văn hóa Gò Mun ít thấy hoa văn hình chữ S xuất hiện và người Gò Mun lại muốn gò chúng vào trong những đường gập khúc nên nó gần giống như hình dạng của chữ 7 hoa đơn giản (hình 23 d, đ, e, g, h).
Trước thời Sơ sử, một số di chỉ cuối thời kỳ hậu kỳ đồ đá mới như Thạch Lạc, Bàu Tro đã thấy hoa văn này trên các vành miệng gốm (Phạm Thị Ninh, 1991.35). Sang thời đồng, thau các nghệ nhân đã tiếp thu nó được thể hiện với nhiều phong cách. Có loại gập khúc đơn giản kiểu Gò Mun như trên diềm trống đồng. Ngọc lũ, thạp đồng Xuân Lập, bình đồng Việt Khê (Hình 23 q, r, t) hoặc gập khúc mà hai đầu cũng xoáy gặp kiểu trôn ốc như trên muôi đồng và chuông đồng có núm vuông ở di chỉ Việt Khê. Có loại chữ S uốn tròn và hai đầu cuộn xoáy trôn ốc như trên khóa thắt lưng ở các di chỉ Đông Sơn, Làng Cả (Hình 24 k, l, m). Loại hoa văn hình chữ S hai đầu cuộn tròn xoay trôn ốc này cũng từng thấy có trên gốm Phùng Nguyên mà nếu không có vòng xoáy trôn ốc thì nó lại là đồ án của hoa văn vòng tròn tiếp tuyến, một loại hoa văn phổ biến của đồ đồng văn hóa Đông Sơn (Hình 23 s).
Còn hoa văn chữ S có đầu nối liền nhau để thành một chuỗi liên tục thì cũng có nhiều trên gốm Phùng Nguyên và trên một số đồ đồng. Mỗi đồ án lại có một cách nối khác nhau để tạo nên một nhịp điệu trở đi trở lại mà chúng ta quen gọi là hồi văn (Hình 23 u, v và hình 24 a, e). Hoa văn chữ S ở đây nhiều khi không còn nhận ra dạng nguyên sơ của nó nữa vì sự uốn éo của các đầu nối, hoặc sự thêm thắt “râu ria” của các chi tiết phụ họa do sự sáng tạo của các nghệ nhân gốm Phùng Nguyên và nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn. Với tay nghề thành thạo họ đã mạnh dạn phóng tác ra nhiều đồ án mới đẹp đẽ và thú vị. Cần nói thêm rằng cũng như hoa văn các đường tròn khác, những hình chữ S chỉn chu và cân đối này chắc chắn tác giả của chúng không thể chỉ dùng tay kẻ đơn giản được mà phải dùng đến những dụng cụ chính xác như thước và compa. Nói như vậy không phải để hạ thấp giá trị sáng tạo của họ mà để thấy trình độ văn minh cao của người Lạc Việt thời bấy giờ. Trong các đồ án hoa văn, đồ án hình chữ S được người Sơ sử dùng nhiều nhất, đồ án được biến thể và sáng tạo dưới nhiều bố cục thú vị.
>>> Hoa văn thời Sơ sử (Phần 1)