Hoa văn trên đồ gốm thời Tiền sử

Cho đến nay, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học thì đồ gốm có khả năng đã xuất hiện vào thời kỳ phát triển của văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, nghĩa là cách ngày nay khoảng từ 8 đến 10 ngàn năm.

Những đồ gốm đầu tiên là loại gốm thô xương đất dầy, lẫn nhiều cát và các tạp chất, độ nung còn quá thấp. Có thể người Tiền sử muốn tạo dáng gốm đã vắt đất ép vào một khuôn đan bằng tre nứa hoặc cả sợi thừng chằng giữ. Khi đem nung khuôn đan bị cháy và đồ gốm chín để lại trên mình những vết đan. Và đó là hoa văn văn nan, loại hoa văn khởi đầu của đồ gốm. Về sau, phương pháp kỹ thuật dải cuộn và bàn đập hòn kê, không cần khuôn đan nữa nhưng theo thói quen người ta vẫn in dấu đan vào gốm. Vả lại, gốm có dấu đan vẫn đẹp hơn là để trơn. Nhu cầu kỹ thuật không cần nữa nhưng nhu cầu thẩm mỹ lại đòi hỏi. Hơn nữa về giá trị thực dụng những đồ gốm có dấu sần sùi của văn nan và cả văn chải, văn thừng, khi sử dụng bưng bê sẽ có độ ma sát cao, đỡ trơn, dễ cầm hơn, nhất là những đồ gốm đó lại đựng các chất lỏng.

Khi nặn đất bằng tay dùng phương pháp dải cuộn sẽ dẫn đến thành gốm có độ dầy mỏng, không đều, người thợ phải dùng tay miết và dùng một dụng cụ có nhiều răng như lược để chải dọc từ trên xuống. Tác dụng của nó là làm cho những dải cuộn giãn ra, độ chênh lệch dầy mỏng sẽ ít đi, các dải cuộn được dính vào nhau chắc hơn. Và cũng từ đó trên thân gốm để lại những vết kẻ dài. Đó là hoa văn văn chải. Do đòi hỏi của kỹ thuật nên văn chải xuất hiện cả mặt trong và mặt ngoài của đồ gồm và thông thường chải dọc từ trên xuống đáy. Có nhiều khi văn chải được thực hiện nhiều lần trùng lặp, lại không có chiều hướng cố định nên thân gốm đã hình thành các hình thoi nhỏ không đều, hoặc các hình carô như mạng lưới.

Kỹ thuật bàn đập hòn kê cũng có tác dụng làm cho phôi gốm dàn đều. Trên bàn đập người thợ gốm hoặc khắc sâu các hình sọc hoặc được buộc một lớp dây thừng bện và quá trình vỗ đập đã hẳn vào phôi gốm những hoa văn. Đó là hoa văn văn thừng. Việc buộc dây vào bàn dập vừa có hoa văn đẹp nhưng mặt khác nó cũng có tác dụng làm được dễ dàng hơn. Theo các nhà khảo cổ học đã tiến hành thực nghiệm lại kỹ thuật vỗ bàn đập hòn kê này thì dùng bàn đập có buộc dây thừng bện sẽ làm nhanh hơn, nhẹ hơn (Nguyễn Kim Dung). Có lẽ không bị độ dính của đất sét làm phôi gốm cản trở.

Đó là lý do xuất hiện của một số hoa văn thời Tiền sử. Cũng như hoa văn trên đá và xương, hoa văn trên gốm khởi đầu không phải do nhu cầu thẩm mỹ mà là do nhu cầu của kỹ thuật. Nhưng rồi quá trình lao động dần dần về sau đã sản sinh ra những đồ gốm đẹp về dáng, về màu sắc và hoa văn trang trí. Cái đẹp trở thành một nhu cầu đã thu hút người sản xuất để tạo ra những sản phẩm ngày càng hay.

Trên đây là những hoa văn cơ bản buổi đầu của gốm Tiền sử. Các hoa văn do đòi hỏi của kỹ thuật mà có này còn tồn tại suốt quá trình phát triển của gốm thời Sơ sử và mãi cho đến lúc kỹ thuật làm men và vẽ mẫu trang trí trên gốm mới thấy chấm dứt loại hoa văn này.

Tất nhiên các loại gốm vào thời Sơ sử về sau, do kỹ thuật phát triển nên các hoa văn này cùng được làm mịn hơn, đều hơn và tinh tế hơn. Sau đây chúng tôi xin điểm lại các hoa văn đó.

1. Hoa văn văn đan

Tùy theo vật được in vào phôi gốm là gì mà có tên gọi khác nhau. Ngoài tên văn đan còn có văn nan chiếu. Hoặc một số di chỉ thấy xuất hiện văn mu rùa. Người ta dùng mặt trong của mai rùa làm vật in lên phôi gốm.

2. Hoa văn văn chải

Tùy theo dụng cụ để chải mà hoa văn này hình thành các đường thẳng song song chạy dài chạy ngắn, thưa hay dầy. Như đã nói ở trên, do chiều hướng chải không cố định nên nhiều khi tạo lên mặt gốm các hình thoi to nhỏ khác nhau hoặc các hình lưới đan carô. Nhưng cũng do chải trùng lặp quá nhiều nên đôi lúc hoa văn bị vụn nát không thành một hệ thống nào cả. Về sau văn chải trờ thành nền để trên đó người thợ gốm khắc vạch tiếp các hoa văn đẹp theo ý đồ của mình.

3. Hoa văn vặn thừng

Tùy theo sợi thừng buộc ở đầu bàn dập mà hoa văn được hình thành khác nhau. Nhiều khi chỉ là sợi dây rừng thì hoa văn sẽ dẹt. Nếu sợi dây được bện sẵn thì hình hoa văn vặn thừng sẽ hiện lên rất rõ và rất đẹp. Bản thân kỹ thuật vỗ dập cũng có tác dụng khác nhau. Nếu vỗ đạp đều thì hoa văn sẽ rất đẹp. Ngược lại khi nặng khi nhẹ thì hoa văn sẽ lổn nhổn vụn nát. Trên thực tế nhiều lúc khó có thể phân biệt được đâu là văn chai đâu là vặn thừng mà nguyên nhân của nó là do người làm.

4. Hoa văn văn in

Hoa văn này hoàn toàn không do kỹ thuật. Người thợ gốm dùng các vật tròn vuông tùy ý để in lên phôi gốm theo một thứ tự nào đó. Các nhà nghiên cứu thường gọi là văn cuống rạ nếu là hình tròn, văn ô vuông nếu là hình vuông. Cũng có đồ gốm người thợ lấy miệng con hến để ấn vào tạo nên một vành hoa văn.

5. Hoa văn dải đai

Đây cũng không hẳn là do nhu cầu kỹ thuật. Người thợ gốm vắt đất thành từng dải dài đáp thêm vào miệng gốm nhằm làm cho cổ đồ gốm được dầy, chắc và sau đó khắc rạch lên các đường kẻ. Hoa văn này ít có ở gốm Tiền sử.

hoa van 1

6. Hoa văn khắc vạch

Đây là hoa văn do nhu cầu thực sự của nghệ thuật trang trí. Tùy theo ý thích và hứng thú mà người thợ kẻ, vạch lên phôi gốm các hình hoa văn khác nhau. Tuy nhiên, trên các đồ gốm thời Tiền sử loại hoa văn này còn nghèo nàn, vụng về và chưa thành hình những đồ án đẹp. Phải đợi đến các giai đoạn sau, trên các đồ gốm của các di chỉ thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Dâu, Gò Mun thuộc sơ kỳ và trung kỳ thời đồ đồng thau loại hoa văn này mới được các nghệ nhân gốm sáng tạo ra nhiều hoa văn đẹp.

Tóm lại, xã hội thời Tiền sử ở nước ta là một giai đoạn kéo dài trong lịch sử, con người còn phải đấu tranh với môi trường thiên nhiên một cách khó khăn để tồn tại. Nhờ có lao đọng con người ngày càng phát triển, công cụ ngày càng được cải tiến, kỹ thuật sản xuất ngày càng được nâng cao. Và cũng nhờ có lao động mà dần dần tư duy thẩm mỹ được hình thành, hoa văn trang trí ra đời. Ngày nay chúng ta tìm thấy một số hiện vật bằng đá, xương, đất sét và đồ đất nung có vết tích của các đường hoa văn được khắc chạm trên đó. Các nhà khoa học chưa thể giải mã được ý nghĩa, nội dung mà những người Tiền sử đã gửi gắm trên đó nhưng có điều chắc chắn là chúng được ra đời do nhu cầu của lao động sản xuất rồi dần dần về sau mới thực sự do nhu cầu của cái đẹp. Kỹ thuật đục chạm còn sơ khai, đường nét còn vụng về, chưa có ý thức để tạo dựng các bố cục chặt chẽ, hợp lý. Tuy nhiên tất cả đều rất quý vì nó có tính chất sơ khai, bước đầu. Số lượng ngày nay thu thập vẫn còn ít ỏi nhưng nó giúp chúng ta hiểu biết về đời sống tinh thần của người Tiền sử.

hoa van 2
Rìu xén văn hóa Đông Sơn

>>> Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ

>>> Hoa văn trang trí Đông Tây (Phần 1)

>>> Hoa văn trang trí Colette

0976984729