SO SÁNH VÀ GIẢI MÃ HOA VĂN KHẮC VẠCH

    TRÊN MỘT NỒI GỐM CỔ

  Đồ gốm Việt Nam là một trong những đồ gốm có truyền thống lâu đời và được xem là cái nôi xuất hiện đồ gốm vào loại sớm ở Đông Nam Á.

    Cái đẹp của đồ gốm, nhất là gốm cổ luôn luôn hấp dẫn mọi người, lúc đầu chỉ nhận thấy cái đẹp bên ngoài của hình dáng, của men, hoa văn. Nhưng về sau, khi càng đi sâu tìm hiểu, càng nhận thấy đằng sau cái đẹp bề ngoài ấy, người xưa còn gửi gắm lại nhiều điều sâu xa hơn vào đó.

       Trong một lần đi vẽ ở Bắc Ninh, tôi đã mua của một người thuyền chài một chiếc nồi gốm mà ông ta nói là nhặt được ở bờ lở của sông. Tôi bị hấp dẫn, bằng linh cảm, về cái vẻ bề ngoài thô sơ trông rất cổ của nó, trong lúc ông thuyền chài thì ngạc nhiên là tại sao tôi muốn có cái đồ vật xấu xí đó. Đây là chiếc nồi đáy tròn, hông phình, phần vai thắt, miệng nồi loe rộng. Xương gốm làm bằng thứ đất thô, xốp và toàn bộ có màu đen,mặt ngoài được mài mết cho nhẵn bóng. Độ dày của cốt khá mỏng, đều khoảng 4mm và làm ngạc nhiên trước trọng lượng khá nhẹ so với hình khối của nó. Chiếc nồi được làm bằng kỹ thuật vỗ đập, một kỹ thuật khá phổ biến trong đồ gốm thời kỳ đầu ở vùng Đông Nam Á.

      Nhưng điều làm tôi lưu ý hơn cả là những họa tiết được khắc, chấm vòng quanh thân nồi và được chia ra làm ba tầng với những giải phân cách rõ rệt. Đó là tổ hợp những đường vạch đứng, vạch xiên được tổ chức với một chủ định rõ ràng kết hợp với đường zích zắc tạo thành những hình tam giác chia đôi bằng vạch ở giữa. Giải hoa văn này được đặt ở phần giữa thân nồi và nhắc lại một phần cổ, tiếp giáp phần giữa là một giải trang trí những hình chữ S ngả nổi vào nhau tạo nên dây hoa văn hình sóng. Trên hai giải hoa văn giữa và bên trên được đánh dấu bằng hai cặp đường gờ đắp nổi song song khá mảnh cho cảm giác là người thợ gốm cố gắng mô phỏng giống như những đường lạt tết vào nhau nối những thanh nan trong các giỏ dựng bằng tre mà ta vẫn thấy thời nay. Sau khi so sánh, tìm hiểu và đối chiếu, tôi cho rằng tôi đã rất may mắn được cầm trong tay một di vật gốm cổ mà có thể nó thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, hoặc rộng hơn là nhóm văn hóa Tiền Đông Sơn.

      Có một điều đoán chắc là nhóm hoa văn được vạch trên những chiếc nồi này không chỉ dừng lại ở chức năng trang trí, nó gần như một thứ văn tự, một dãy sắp xếp các biểu tượng có hệ thống nhằm bộc lộ một quan niệm, một thế giới quan nào đó của cư dân Việt cổ. Theo tôi, có thể dựa vào các huyền thoại cổ xưa kết hợp với những nghiên cứu về biểu tượng học nhằm một phần phỏng đoán ý nghĩa của nhóm hoa văn trên.

       Tôi có đọc một bào nghiên cứu của hai ông trần Từ và Bạch Đình về “ cõi sống và cõi chết trong quan niệm cổ truyền của người Mường thì “ Vũ trụ chia làm ba tầng”, ba khu vực khác nhau, phân bố trên mội trục dọc. Tôi liền thử lý giải nhóm hoa văn trên chiếc nồi gốm kia theo hướng đó. Và cũng từ đây, tôi dùng phương pháp đối chiếu từng tầng hoa văn trên chiếc nồi gốm với từng tầng trong quan niệm vũ trụ ba tầng cổ truyền của người Mường.

      Phần hoa văn ở giữa chiếc nồi tương ứng với tầng giữa là mương pưa ( mương pưa có nghĩa là mường bãi bằng, hay là mường bằng phẳng). Đó là thế giới của con người. Ở đây, mọi người sống tập hợp lại thành Nooc (là nóc nhà, tiểu gia đình), thành quê (là quê, xóm,)… Mương pưa thế giới của người sống, của khung cảnh địa lý quen thuộc của người mường là thung lũng và núi đồi,  là ruộng nước và nương rẫy, là xóm, là mường. Thử suy đoán hình khắc hoa văn trên nồi gốm, những hình vạch tam giác đều đặn chạy đều xung quanh phải chăng là biểu tượng của nooc ( nóc nhà) với đường vạch đứng là biểu tượng của cây cột, một bộ phận không thể thiếu được cho căn nhà. Phân cách giữa những hình tam giác được lấp đầy bằng các vạch đứng đều đặn, đây có lẽ là hình tượng của cây cối, mùa màng là không gian bao quanh ngôi nhà và là khoảng cách giữa nhà nọ và nhà kia trong một quần thể dân cư. Cũng có thể đó là biểu tượng của mưa, mưa luôn luôn là sự mong đợi của cư dân nông nghiệp. Tiếp giáp với giới hạn cuối cùng của giải hoa văn giữa, trước khi bước vào một khoảng không gian để trống cho tới lớp hoa văn trên cùng, là một đường nhấp nhô tạo bằng những chấm nhỏ liền nhau. Có thể cho đây là hình ảnh của dãy núi bao bọc xung quanh nơi ở, cái giới hạn cuối cùng mà người họa sĩ xưa biết được trước khi bắt gặp bầu trời rộng lớn. Đối lập với nét vạch mạnh và sâu của cây cối, nóc nhà là những đường chấm nhỏ tạo cảm giác xa hơn, cái giới hạn chỉ nhìn tháy, biết mà không nhìn thấy, biết mà không nắm được cụ thể như cây cối, mùa màng trong mường, xóm

      Phần trang trí hoa văn phía trên coi là tương ứng với tầng trên của hệ thống này. Mường K lơi ( mường trời) ở bên trên mường pưa, là nơi ngự trị của Bua k lơi ( vua trời). Trong xã hội mường không có vua nhưng vì nhiều lý do trong lịch sử mà khái niệm “ vua”lại quen thuộc với người mường. Trời chỉ là một hội quang của một xã hội có thực, xã hội của những con người thực sống ở Mường pưa, nhìn lại hoa văn ở tầng dưới được đặt lên tầng trên. Có khác chăng là đường tạo bằng những chấm nhỏ ở tầng” Mường pưa được đặt trên “ nóc nhà, cây cối” thì nay được đặt ngược lại: ở dưới tiếp giáp với khoảng không gian trống với nhịp độ bằng phẳng, ít gấp khúc hơn. Nó tạo ra một liên tưởng về một thế giới có thực như dưới mặt đất nhưng được đặt lên trên những đám mây.

     Còn tầng hoa văn ở cuối, tương ứng của thế giới dưới mặt đất, Mường pưa tín ( mường bằng dưới đất). Trong thế giới này cho đến ngày nay tồn tại quan niệm có hai thế giới : mường pưa tín và mường pưa khú. Mường pưa khú( mường pưa khú) cũng là thế giới bên dưới, nhưng không phải thế giới dưới mặt đất mà là thế giới dưới nước, thế giới của mường pưa tín, căn cứa vào những lời miêu tả thì không khác mấy với thế giới trên mặt đất, và được hiểu rằng mường pưa tín không phải là thế giới siêu nhiên, ở đây có người, xúc vật và cỏ cây. Mường pưa, chỉ khác là một mường pưa thu nhỏ, ở đây con trâu chỉ bằng con chó, con bò chỉ bằng con mèo, người lớn chỉ bằng trẻ con mười ba, mười bốn tuổi. Còn với mường pưa khú, mặc dầu có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng trong ý thức của người mường không bao giờ tách khái niệm “ khú” khỏi hình tượng rắn gắn liền với nước. Mô tả cảnh cằn khô trong buổi khỏi nguyên của trời đất trong ánh mo “ đẻ đất, đẻ nước” có đoạn:

    “ Chẳng có sông ly chảy lọt lá bái/ Chẳng có sông bái chảy lọt lá de/ Nước sông Đằm, sông Đè chưa có/ Bông cơm trái lúa chưa lên/ Tiếng ếch nhái còn lặng im/ Hang chưa có cỗ nuôi khú / Núi đá chưa có chỗ nuôi rùa/ Bên bãi bên gò / Chưa có chỗ nuôi giải….

     Ở đây khú được xếp cạnh  sông, ếch nhái, rùa giải”. Ngôn ngữ văn học mường thường gép chung hình tượng con khú – con rắn- con rồng. So sánh khái niệm này với lớp hoa văn dưới cùng của chiếc nồi: đó là lớp hoa văn hình chữ S ngả dựa vào nhau tạo thành giải hao văn hình sóng, không khó khăn gì cũng nhận ra ý nghĩa của nó, đó là thế giới của vua khú, thế giới của nước của rắn. Loại hoa văn hình chữ S uống tròn này rất phổ biến trong các loại gốm giai đoạn văn hóa phùng nguyên, và nó tiếp tục được dùng trong hoa văn của trống đồng trong văn hóa Đông Sơn.

Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ 1

Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ 2

Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ 3

Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ 4

Hoa văn khắc vạch trên gốm cổ 5

 

0976984729