Hoa văn thời Sơ sử (Phần 1)

* Hoa văn hình kỷ hà:

Người Sơ sử đã sử dụng hoa văn để trang trí trên nhiều vật dụng của nhiều loại chất liệu khác nhau như gỗ, tre nứa, vải, da thú, đồ gốm, đồ đồng. Đáng tiếc, do hư nát nên ngày nay chỉ còn lại hai loại duy nhất là đồ gốm và đồ đồng. Đồ gốm ngay từ thời Tiền sử đã thấy trang trí nhiều nhưng phần lớn là xuất phát từ kỹ thuật mà có như văn chải, vặn thừng… Những loại hoa văn này đến thời Sơ sử vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng thống kê dưới đây của chúng tôi sẽ không nhắc lại nữa vì nó ít có giá trị nghệ thuật, người nguyên thủy làm nên nó chưa phải là để trang trí, là vì cái đẹp.

Còn các hoa văn được các nghệ nhân gốm kẻ vạch trang trí mới thực sự là những hoa văn có nhiều giá trị nghệ thuật.

Đồ đồng đã có mặt từ thời Phùng Nguyên, đến thời Đông Sơn được phát triển phong phú và chính các hiện vật đồng thời này mới có nhiều hoa văn đẹp.

Bản thống kê dưới đây của chúng tôi dựa trên cơ sở các tài liệu đã phát hiện và công bố của các nhà khảo cổ học. Chúng tôi cố gắng chọn lọc phân loại những hoa văn nào thật phổ biến và tiêu biểu. Việc đặt tên hoa văn chúng tôi dựa vào những tên được nhiều người sử dụng và tương đối hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, cũng có một số đồ án quá phức tạp, hoa văn không được thể hiện theo một quy luật nào cả, chúng tôi tạm thời gác lại, chờ khảo cứu thêm.

Sau đây là một số loại hoa văn cụ thể.

1. Hoa văn đường chỉ dài

Đây là hoa văn đơn giản nhất vì nó chỉ là một đường kẻ vạch chạy dài, được khắc chìm hay đục nổi và trở thành một đường viền tròn bao quanh các đồ gốm hay các đồ đồng. Nhiệm vụ của nó là làm ranh giới cho các đồ án, các băng hoa văn chủ đạo khác. Do đó nó có mặt hầu hết trên các loại đồ gốm, đồ đồng của các nền văn hóa khác nhau.

Đôi lúc đường chỉ này lại được thể hiện dưới dạng hai hoặc ba, bốn đường song song. Một số hiện vật khác, nhất là trên các đồ đồng, ngoài đường chỉ vòng quanh còn có những đường chỉ chạy dọc trên thân trống, kết hợp với các đường chỉ ngang để tạo nên những ô vuông dùng làm khung cho một số đồ án lớn.

Để có được hoa văn, người thợ chỉ cần một vật cứng và nhọn là đủ. Nhờ có kỹ thuật làm gốm bằng bàn xoay nên việc tạo nên các đường chỉ này thường nhanh và chính xác (Hình 10).

hoa van 10

2. Hoa văn đường chấm dải

Đây cũng là một hoa văn đơn giản vì nó chỉ là những chấm nhỏ. Nó thường được tập hợp thành một dải đường thẳng cách đều nhau chạy vòng quanh miệng hoặc thân hiện vật. Hoa văn này xuất hiện rất sớm trên các đồ gốm Hoa Lộc, Lũng Hòa, các di chỉ thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và nó có nhiều trên các đồ đồng Đông Sơn. Ở các di chỉ sớm, cách trang trí hoa văn này còn vụng về, các lỗ chấm to nhỏ khác nhau và khoảng cách chưa đều. Càng về sau, trên đồ gốm Phùng Nguyên và đồ đồng văn hóa Đông Sơn thì loại hoa văn này càng tinh tế, đều đặn. Nhất là trên trống đồng, thạp đồng của các di tích văn hóa Đông Sơn, không những nhờ kỹ thuật cao của việc đúc nên các chấm ở đây đã đều, đẹp mà cũng như hoa văn đường chỉ dài, nó thường được dùng để làm ranh giới cho các đồ án, các mảng khối hoa văn phức tạp khác (Hình 11).

Ngoài những chấm dải tạo thành băng tròn bao quanh các đồ gốm, đồ đồng, chúng ta còn gặp ở những đồ án mà các hoa văn chấm dải này chỉ ngắn từ 3 đến 5 chấm nhằm điểm tô cho các hoa văn chính khác. Ví dụ như các chấm dải trên lưng con hươu ở trống đồng Ngọc Lũ, trên y phục người cầm vũ khí ở trống đồng Hoàng Hạ… Ngược lại, cũng có đồ án các hoa văn chấm dải này được dùng triệt để nhằm làm nền cho một hoa văn khác. Điều này chúng ta thường gặp trên đồ gốm Phùng Nguyên. Và nhờ có nó làm nền nên các hoa văn khác nổi hẳn lên một cách rõ rệt (Hình 11c).

Cũng cần nói thêm rằng, có một số đồ án mà hoa văn chấm dải được thể hiện bằng những chấm to và thưa, khi in nghệ nhân cố tình ấn sâu hơn do đó lúc rút ra, do phôi đất mềm dẻo, hình để lại không còn là một chấm tròn nữa mà thường kéo theo một vệt nhỏ và nhọn về phía tay người ấn. Nó là sự vô tình nhưng tạo ra một hình hơi khác mà có người đã gọi đó là hoa văn dấu hỏi và hoa văn răng thú (Phạm Văn Kỉnh – Quảng Văn Cậy, 1977). Thực chất nó cũng là sự biến dạng của hoa văn chấm dải này mà thôi.

Hoa văn chấm dải là một hoa văn đơn giản nhưng lại tồn tại suốt cả chặng đường dài của nền văn hóa Việt vào thời Sơ sử.

hoa van 11

3. Hoa văn hình bọ gậy

Đây là loại hoa văn đơn giản nhất và cũng là loại có duy nhất trên đồ gốm của văn hóa Hoa Lộc. Nó vừa ngắn lại vừa bé, như một đoạn thẳng ngắn và được uốn ngoằn ngoèo hơi giống hình con bọ gậy ở trong nước nên được nhiều nhà khảo cổ học đặt cho như vậy. Nó không đứng độc lập một mình mà thường tập hợp xếp hàng ngang gần như song song với nhau để tạo thành một dải dài, như loại hoa văn đoạn thẳng ngắn song song, hoặc nó thường được in trong các đồ án của hình khác nhằm tạo thành một mảng khối làm nổi bật mảng khối của hình đó lên. Đó là các mảng khối của hình tam giác, hình tròn hoặc nhiều khi là mảng khối của hai đường kẻ song song…

Tóm lại, nó có chức năng như một đoạn thẳng ngắn song song, được kẻ trong các hình khác nhau theo độ dày mỏng khác nhau để làm nổi bật mảng khối nào đó của đồ án.

Để có được hoa văn này người ta dùng một vật cứng nhọn và kẻ tay lên các hình mà mình muốn nhấn mạnh hay tô đậm. Cũng có ý kiến cho rằng, người thợ gốm của văn hóa Hoa Lộc đã dùng vật nhỏ nhọn mỏng, có hình con bọ gậy và ấn lõm từng hình một lên đồ gốm (Phạm Văn Kỉnh – Quảng Văn Cậy, 1977).

Làm vậy chỉ đúng khi trang trí thành dải những băng hoa văn bọ gậy bằng nhau, trường hợp dùng nó để tô đậm trong hình tam giác trong hình tròn đòi hỏi phải thay đổi của chiều dài bọ gậy thì sẽ khó khăn. Điều lạ là hoa văn bọ gậy này chỉ có ở hai di chỉ Hoa Lộc và Phú Lộc, các di chỉ khác không thấy có. Bởi vậy các nhà khảo cổ học coi hoa văn này như một đặc trưng riêng của văn hóa Hoa Lộc (Hình 12a, b).

hoa van 12

4. Hoa văn đoạn thẳng ngắn song song

Hoa văn này cũng như hoa văn bọ gậy, không đứng riêng rẽ một mình mà thường tập hợp thành một băng dài, gồm những đoạn thẳng ngắn song song bố cục chạy vuông góc với các hoa văn đường chỉ dài làm biên giới của băng hoa văn.

Cũng có khi không vuông góc mà các đoạn thẳng lại hơi gạch chéo nhưng vẫn ngắn đều nhau và vẫn song song. Bởi vậy có một số nhà khảo cổ học coi loại này là một loại hoa văn riêng với tên gọi là: đoạn thẳng gạch chéo song song hoặc đơn giản hơn là: dải gạch chéo (hình 13 e, g, m). Cũng có đồ án người ta bố cục các hoa văn này thành từng cụm. Cứ hai đoạn dọc lại tiếp hai đoạn ngang hoặc 3 đoạn dọc có hai đoạn ngang, hoặc 3 đoạn dọc một đoạn ngang… (hình 13a, b, d).

Cách làm hoa văn này cũng giống kẻ vạch của hoa văn bọ gậy, tùy hứng của tác giả mà biến báo bố cục theo nhiều đồ án khác nhau. Và cái đẹp đã sinh ra từ những biến báo hứng thú này.

Hoa văn này có nhiều trên hầu hết các di chỉ gốm trải qua nhiều thời kỳ như gốm Hoa Lộc, gốm Lũng Hòa, các di chỉ thuộc các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Sang thời văn hóa Đông Sơn nó được các nghệ nhân sử dụng trang trí rộng rãi trên các thạp đồng, trống đồng, âu đồng… thậm chí trên cả những công cụ sản xuất như rìu đống, do găm đồng. Nó còn điểm tô cho những hoa văn đề tài hiện thức. Ví dụ như những gạch ngắn trên mạn thuyền ở các trống Đông Sơn, trên thân con bò ở trống Đồi Ro. Càng về sau nét khắc càng chuẩn mực và tinh tế, đơn giản mà thanh nhã (hình 13 l, m hoặc xem lại hình 10d).

Hoa văn đoạn thẳng song song tuy đơn giản nhưng lại tồn tại suốt cả chặng đường dài của văn hóa Việt thời Sơ sử. Cùng với nhiều hoa văn khác, nó chứng tỏ hoa văn Đông Sơn đã tiếp thu truyền thống của các nền văn hóa trước đó.

hoa van 13

5. Hoa văn đường gập khúc

Cũng có tài liệu gọi là hoa văn đường dích dắc vì nó luôn luôn được gập khúc lặp đi lặp lại bằng những đoạn thẳng ngắn bằng nhau và độ gập khúc cũng bằng nhau. Đây cũng là loại hoa văn đơn giản. Nhưng nó thường được kết hợp với một vài hoa văn đơn giản khác để tạo nên những hoa văn mới. Ví dụ như bản thân nó là đường gập khúc. Nếu nó chạy giữa băng dài của hai đường chỉ song song các chỗ gập khúc gặp hai đường chỉ này thì bản thân nó đã cùng với các đường chỉ dài tạo ra một băng hoa văn hình tam giác. Hoặc hai đường gập khúc cắt nhau ở chính giữa các đoạn thẳng và có cùng một độ gập như nhau thì đã tạo nên một băng hoa văn hình thoi, hình bình hành, hình vuông… Hoa văn đường gập khúc có mặt trên các đồ gốm của văn hóa Hoa Lộc. Từ những đường nhỏ đơn giản chạy thành băng dài không có hoa văn khác phụ họa (Hình 14a) đến những đường lớn hơn mà các khoảng trống được người Hoa Lộc cài đặt thêm các bông hoa 4 cánh (Hình 14đ) hoặc những đường kẻ ngang (Hình 14d) hoặc đứt quãng ở các chỗ gập khúc và thay vào chỗ đứt quãng là các chấm nhỏ (Hình 14c). Tiếp đến các nền văn hóa sau, hoa văn đường gập khúc vẫn được sử dụng để trang trí trên gốm. Đáng chú ý là các đường gập khúc song song được tạo ra từ phương pháp kẻ khuông nhạc trên các đồ gốm thuộc các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun (Hình 14i). Trên các đồ gốm Đông Sơn, loại khuông nhạc gập khúc này tương đối phổ biến. Tuy nhiên ngoài việc sử dụng hoa văn đường gập khúc để thiết kế các đồ án hình tam giác, hình thoi, còn trang trí trực tiếp trên các đồ đồng thì ít thấy hơn.

hoa van 14a

hoa van 14b

6. Hoa văn chữ V lồng

Đây cũng là một loại hoa văn đơn giản, mà thực chất nó là những đoạn thẳng ngắn được gập khúc ở giữa, chạy song song, cách đều nhau thành một băng dài như các loại băng của các hoa văn đường kẻ ngắn song song. Loại hoa văn này đã từng có trên hiện vật đất sét ở di chỉ Bản Tắc của thời Tiền sử (xem loại hình 1).

Hoa văn này thường được trang trí trên miệng, cổ của các đồ gốm thuộc văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (Hình 15c, d, đ, e).

hoa van 15

Sang thời sau, trên các đồ đồng Đông Sơn hoa văn này tiếp tục được sử dụng, hoặc thành dải băng dài như diềm vòng tay bằng đồng ở di chỉ Hồ Bến Quân, trên quai và mặt trống đồng Pha Long, hoặc làm điểm tô cho một đồ án khác như trên hình nhà của trống đồng Ngọc Lũ, trên hình thuyền lớn của trống đồng Hoàng Hạ, trên âu đồng của di chỉ Làng Cả… (Hình 15h).

Một loại hoa văn được coi là sự phát triển từ hoa văn chữ V lồng này đó là loại hoa văn có kẻ thêm một đường thẳng nối các đỉnh của góc nhọn với nhau. Cũng có tài liệu gọi hoa văn mới này là bông lúa. Loại này có nhiều trên gốm Phùng Nguyên, gốm Gò Mun… (Hình 15 a, b), trên thân của trống đồng Đông Sơn II và Đông Sơn III, trống Làng Vạc I (Hình 15 g), trên quai một số trống đồng khác. Một số đồ án mà các đường làm thưa hơn thì được gọi là hoa văn gân lá hoặc xương cá. Đó là trường hợp trên gốm Phùng Nguyên (Hình 15d).

Một loại hoa văn thứ ba được cải biên từ loại thứ hai này là bố cục các cánh của chữ V không xuất phát chung từ một điểm trên đường chỉ giữa nữa mà hơi lệch pha nhau, đường thẳng hơi uốn lượn một chút ở cuối. Kết quả hình mẫu đã thay đổi, nó hơi giống sợi thừng bện hoặc kiểu tết tóc đuôi sam của phụ nữ ngày này. Hoa văn này được gọi là thừng bện hay cũng có người vẫn gọi là bông lúa. Hoa văn này có nhiều trên miệng đồ gốm văn hóa Gò Mun, trên một quai trống đồng (Hình 15e, k). Chỉ cần thay đổi một chút mà hiệu quả đã khác hẳn.

7. Hoa văn hình tam giác

Đây cũng là một loại hoa văn đơn giản vì nó là sự gặp gỡ của các đường kẻ vạch không cùng một hướng. Các nghệ nhân thời Sơ sử đã biết sáng tạo nên nhiều kiểu nhiều dạng khác nhau của loại hoa văn này. Trước hết đáng kể đến là những đồ án trên gốm Hoa Lộc. Đó là những hoa văn hình tam giác cân được tạo nên bởi đường gập khúc dích dắc chạy nối giữa băng của hai đường viền. Những tam giác này được sắp xếp ngược đỉnh kề nhau. Nếu chỉ có thế thì dễ mờ nhạt nên các cư dân văn hóa Hoa Lộc đã dùng hoa văn bọ gậy gạch vào các tam giác cùng một phía và nhờ đó hình hoa văn tam giác đã nổi hẳn lên. Nửa tam giác đối đỉnh phía bên kia hoặc là để trơn hoặc là điểm tô một vài chấm (Hình 16 a, b). Người Phùng Nguyên cũng biết làm như vậy nhưng họ đã thay hoa văn bọ gậy bằng hoa văn các đường kẻ vạch chạy song song với đáy (Hình 16g), hoặc song song với một cạnh bên. Thú vị hơn là cứ một tam giác song song với cạnh bên bên này thì tiếp đó, ở tam giác đối đỉnh lại kẻ song song với một cạnh bên bên kia nên các tam giác đều nổi bật. Đồ án này chúng ta thấy có trên cả đồ gốm Hoa Lộc, trên gốm Gò Mun và trống đồng Đông Sơn. Có lẽ bố cục này đã tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ cao nên người Đông Sơn đã tiếp thu và gần như sao chép y nguyên (Hình 16 d, k, m, p).

Cũng có loại đồ án đường gập khúc này được làm quá dầy, nghĩa là góc đỉnh của nó rất hẹp rất nhọn và sau đó tô một phía thì đồ án tạo nên như một dãy răng cưa, do đó một số nhà khoa học đã gọi đó là hoa văn răng cưa hay còn gọi là họa tiết răng sói. Thực chất nó vẫn là các tam giác kề nhau (Hình 16 o). Họa tiết này được dùng phổ biến trên các băng trang trí đồ đồng Đông Sơn, thường xen kẽ giữa các băng có hoa văn hình tròn hoặc hình tròn tiếp tuyến. Hình như tác giả trang trí muốn tạo nên sự đối lập giữa cái sắc nhọn gai góc của nó với các hình tròn uyển chuyển để cả hai cùng nổi bật lên.

Ngoài bố cục được tạo nên bởi đường gập khúc nối hai băng vừa trình bày trên, chúng ta còn gặp nhiều bố cục thú vị khác. Trên đồ gốm Hoa Lộc chúng ta còn gặp những tam giác đối đỉnh kề nhau như trên nhưng lại không chung cạnh bên mà cách ra một quãng nhỏ, các đỉnh nhọn góc của nó lại hơi vẹo lúc ngả bên này lúc ngả bên kia nhưng vẫn dược lặp đi lặp lại đều đặn (Hình 16 c). Hoặc trên một băng khác, các tam giác cân này tách rời nhau và đỉnh chúng nằm ở giữa băng, cạnh đáy vuông góc với băng hoặc cũng như trên nhưng các tam giác từng đôi một đỉnh của chúng ngược chiều và đối xứng nhau (Hình 16 e).

Trên một lưỡi dao găm ở Làng Vạc còn có một bố cục gồm 4 tam giác được tạo thành bởi hai đường chéo góc của một hình vuông. Các tam giác được kẻ vạch song song theo các cạnh bên cho nổi bật như ở trên. Thực ra, đồ án đã thấy có nhiều trên các con dầu gốm ở Hoa Lộc. Có điều các hình trong các tam giác này là những đường thẳng vuông góc với cạnh đáy của tam giác hoặc những đường xoáy trôn ốc gập khúc theo độ nghiêng của tam giác, hoặc các đường cong tự do khác (Hình 16 e). Còn ở một nồi gốm của di chỉ Gò Mun thì các nghệ nhân lại kẻ các vạch ở hai tam giác đối đỉnh còn hai tam giác còn lại để trống (Hình 16 n).

Nhiều hình tam giác được bố cục tự do khác nữa mà bản thống kê ở đây chưa có điều kiện trình bày hết. Để kết thúc, chúng tôi muốn đưa ra một đồ án khá hiện đại, đòi hỏi người làm có một trình độ hình học cao. Đó là một đồ án khác trên gốm Hoa Lộc. Người Hoa Lộc chẳng những biết dùng hai đường chéo góc để chia hình vuông làm 4 tam giác mà trên cơ sở đó lại kẻ thêm hai đường trục đứng và trục ngang chạy qua tâm song song với hai cạnh để chia hình vuông thành 8 hình tam giác bằng nhau và tất nhiên để nổi bật họ đã “tô” bọ gậy vào 4 tam giác đối đỉnh, cứ cách một tam giác thì tô một để làm nổi hình trang trí đó lên (Hình 16 đ).

Tóm lại, hoa văn hình tam giác được người thời Sơ sử sử dụng khá nhiều. Nhiều đồ án về nó được thể hiện rất cân đối, chỉn chu nhưng cũng không ít trường hợp nó được hình thành để lấp chỗ trống cho các đồ án khác.

hoa van 16

hoa van 16b

hoa van 16c

Hình 16. Hoa văn tam giác
a-e. Trên gốm văn hóa Hoa Lộc
g-k. Trên gốm Phùng Nguyên
l. Trên gốm văn hóa Đồng Đậu
m, n. Trên gốm văn hóa Gò Mun
o, p. Trên đồ đồng Đông Sơn
q. Trên gốm Đông Sơn

8. Hoa văn hình thoi

Còn gọi là hình trám vì dáng của nó giống hạt quả trám. Cũng như hoa văn hình tam giác, hoa văn hình thoi nhiều khi được hình thành bởi các đường kẻ chéo song song có hướng ngược nhau và được kẻ đan lên nhau. Tùy theo góc độ kẻ và khoảng cách của các dòng kẻ dầy hay thưa mà hình thoi có góc nhọn hay tù kiểu gần giống hình vuông. Loại này còn được một số người gọi là hoa văn đan mắt cáo. Nó có nhiều trên gốm một số di chỉ sớm của văn hóa Phùng Nguyên như di chỉ Lũng Hòa chẳng hạn (Hình 17 d, đ).

Ở các di chỉ thuộc văn hóa Đồng Đậu thì các đường kẻ này lại được vẽ theo lối khuông nhạc nên các hình thoi thường to và thô. Nói chung các hình thôi được tạo bởi cung cách kẻ nhiều đường ào ạt như kiểu này thật khó lòng có được những hình thoi cân đối và chỉnh chu. Và cố nhiên giá trị thẩm mỹ của chúng không nhiều (Hình 17 e, g).

Ngoài những hoa văn hình thoi được ra đời từ những hậu quả của những đường kẻ chéo đó ra còn có một số hoa văn hình thoi khác được nghệ nhân thiết kế công phu trong những băng dài của các đồ án.

Trước hết đáng chú ý là một số hoa văn hình thoi trên các đồ án gốm Hoa Lộc.

Chúng được thiết kế nối đỉnh góc nhọn với nhau thành một băng dài chạy giữa hai đường kẻ làm ranh giới. Để phụ họa làm nổi bật các hình thoi này nghệ nhân gốm Hoa Lộc đã tô điểm vào trong lòng hình thoi bằng những hoa văn bọ gậy kẻ song song.

Còn phía ngoài để trắng trơn, thỉnh thoảng chỗ trống giữa hai hình thoi nối nhau người ta chấm thêm 3 chấm nhỏ (Hình 17a). Đồ án thứ hai cũng tương tự nhưng các hình thoi được nằm gọn trong hình bình hành khác được người Gò Mun kẻ cẩn thận trên đồ gốm của mình. Ở đây họ kẻ các đường song song ngắn tô nền ngoài băng để hình thoi được nổi lên.

Sang thời Đông Sơn, đồ án hình thoi không thấy xuất hiện trên các trống đồng mà chỉ thấy một số trên các băng trang trí của thố đồng Việt Khê, hoặc băng trang trí trên vòng chân bằng đồng của cư dân Làng Vạc, một số khác có trên các đồ gốm (Hình 17 h). Chúng tạo nên được những mảng lớn bên cạnh các băng, mảng nhỏ khác, góp vào sự phong phú cho các hình mẫu làm đẹp thêm cho các đồ dùng.

Ngoài ra, đặc biệt có một đồ án hai hình thoi lồng vào nhau trên một rìu xéo của di chỉ Trung Mầu (Hình 17 i). Loại hoa văn này có nhiều trên các trống đồng muộn (Loại II, loại III theo cách chia của Heger) mà các nhà khảo cổ quen gọi là hoa văn trám lồng.

hoa van 17

>>> Hoa văn thời Tiền sử

>>> Mỹ thuật Việt Nam thời Tiền sử

0976984729