Con mắt nhìn cái đẹp – Các chất liệu kỹ thuật

Mỹ thuật là môn nghệ thuật gia công, xử lý chất liệu. Về mặt này nó giống như một nghề thủ công. Không sai nếu người ta thường nói các nhà mỹ thuật cần có hoa tay bởi nếu không có kỹ năng xử lý chất liệu thì không thể thực hiện tác phẩm (điều này bị một số môn mới như Installation, performance, video… thách thức mạnh từ cuối tk 20).

Vì vậy khi nghiên cứu, tìm hiểu mỹ thuật, đào tạo mỹ thuật người ta cũng phân chia nó theo chất liệu

1. Các chất liệu hội họa: sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy

Sơn mài là khái niệm mới có nửa đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, do kỹ thuật mài được đưa vào trên cơ sở tranh sơn ta truyền thống. Quốc tế gọi là tranh sơn. Chất liệu này phổ biến ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Một số các nước khác cũng có những loại tranh vẽ bằng nhựa cây hay sơn hóa học nhưng không gọi là sơn mài vì không dùng nhựa cây sơn. Cây sơn ta này mọc ở các nước kể trên nhưng nổi tiếng nhất là ở Việt Nam (Phú Thọ) và Triều Tiên. Từ trước công nguyên người ta đã dùng sơn để phủ lên các đồ vật tăng độ bền và vẻ đẹp của chất liệu gỗ hay đồ đan lát. Mầu được dùng để vẽ là các mầu tự nhiên chủ yếu là đỏ son, vàng, bạc. Cộng với mầu sơn đen ta có 4 mầu truyền thống của sơn mài. Kỹ thuât sơn phát triển theo hai hướng thủ công mỹ nghệ và hội họa trang trí. Ở Nhật có nghệ thuật làm bình phong sơn và kỹ thuật rắc bột kim loại tạo đậm nhạt khác nhau. Các tấm bình phong hay tranh lớn gắn lên tường có hiệu quả trang trí lộng lẫy. Có câu thành ngữ “lộng lẫy vàng son”. Trung Quốc nổi tiếng nghề khảm, tranh đắp nổi. Các mảnh xà cừ được cẩn lên nền gỗ phủ sơn hết sức tinh vi. Kỹ thuật này phổ biến ở đồ gỗ và đồ trang trí nhỏ nhưng cũng làm tranh đơn hay bình phong. Sơn còn có ứng dụng lớn là phủ và vẽ lên tượng gỗ. Đẹp “như tượng mới tô” là câu để chỉ kỹ thuật làm tượng phủ sơn rất phổ biến ở Châu Á. Điêu khắc Việt Nam, nhất là ở các chùa, đình Bắc bộ vào các thế kỷ 16-19 đã đạt tới sự hoàn thiện của tượng phủ sơn.

chat lieu ky thuat 1
Nguyễn Phan Chánh, Lên đồng, lụa, 1931. St.Pierre Massé
trích từ vựng tập triển lãm
 Từ Hồng Hà tới Cửu Long
tại Bảo tàng Cernuschi, Paris

Tại Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, thành lập năm 1925 giáo viên và học sinh đã kế thừa kỹ thuật xưa. Họ bổ sung việc dùng vỏ trứng, và kỹ thuật mài sau các lớp vẽ và dùng các loại mầu bột khác nhau đã thành công mỹ mãn. Sự phát triển này cho phép họa sỹ có thể ứng dụng các nguyên lý tạo hình Châu Âu (vẽ hình họa, tạo khối, chồng mầu) vào tranh được dễ dàng, tăng chất tạo hình mà không triệt tiêu hiệu quả trang trí đặc biệt vốn có của tranh sơn cổ. Từ đó sơn mài phát triển rất mạnh trong cả nước. Các trường đều dạy kỹ thuật này như một kỹ thuật tạo hình khác với nghề sơn trang trí thủ công. Nhiều họa sỹ nước ngoài cũng đã học vẽ sơn mài nhưng tranh sơn mài hầu như chỉ phát triển ở Việt Nam. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc kỹ thuật mài đều không phổ biến. Ở các nước này, sơn mài vẫn chủ yếu dùng để làm trang trí. Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc và nhiều họa sỹ khác đã thành danh nhờ kỹ thuật độc đáo “thuần túy” Việt Nam này. Lúc lạc quan nhất, họa sỹ Tô Ngọc Vân từng tiên đoán sơn mài sẽ là hội họa của tương lai và chinh phục toàn thế giới. Tuy nhiên kỹ thuật sơn mài còn khá phức tạp và nó chỉ dừng lại là một trong những kỹ thuật được ưa chuộng mà thôi.

Lụa là vật liệu làm nền tranh phổ biến ở Viễn Đông hàng ngàn năm. Người ta bồi lụa lên một nền vải hay giấy và dùng bút lông vẽ lên đó. Tranh vẽ trên lụa có thể dùng mực nho hay các loại mầu khác nhau, phổ biến là mầu nước. Tranh lụa trở thành độc đáo Việt Nam cũng từ Trường Mỹ thuật Đông Dương khi các họa sỹ dùng bột mầu, mầu nước kết hợp với mực nho vẽ lên nền lụa chưa bồi. Tranh vẽ nhiều lần, nhiều lớp. Đặc biệt nó được rửa, cọ nhiều lần làm cho mầu như nhuộm từng sợi lụa và có chiều sâu nhòe mờ cùng hiệu quả chồng mầu độc đáo. Tranh vẽ xong mới bồi lên một nền khác. Kỹ thuật này cũng không phổ biến ở các nước khác dù lụa đã được dùng làm nền vẽ tranh ở Trung Quốc từ xa xưa. Vì vậy tranh lụa trở thành một “đặc sản Việt Nam” Nguyễn Phan Chánh là bậc thầy đầu tiên và thành công nhất ở kỹ thuật này.

Điều đáng chú ý là chính việc muốn áp dụng phép viễn cận, lối dựng hình, lối pha mầu và bố cục Châu Âu vào các kỹ thuật truyền thống đã làm người ta cải tiến chúng và sinh ra hai kỹ thuật đặc sắc trên. Vẽ lụa cũng được dậy như một khoa riêng ở nhiều trường mỹ thuật nước ta.

Giấy và mực nho là chất liệu phổ biến nhất quan trọng nhất, lâu đời nhất ở Viễn Đông, xuất phát từ Trung Quốc nơi làm ra giấy, mực và cây bút lông từ hơn hai ngàn năm nay. Việc làm giấy, bút mực từng nước từng địa phương đều có những bí truyền. Tính chất các loại giấy khác nhau tạo những hiệu quả khác nhau cho tác phẩm. Người phương Tây vẫn coi ba thứ trên là những kỳ tích của Viễn Đông huyền bí. Nhật Bản có vô số loại giấy nổi tiếng. Màu đen của mực nho gần đạt tới độ đen tuyệt đối. Nó thuộc loại đen nhất trong những thứ ngoài phòng thí nghiệm. Quan trọng là giấy, bút mực tạo được độ hòa tan và nhòe mờ phong phú tạo nên khả năng diễn tả tinh vi như tới vô tận của kỹ thuật này. Do mắt người ta chỉ phân biệt được một số lượng độ đen trắng, đậm nhạt nhất định nên ta sẽ bị “ngợp” trong độ tinh vi mà bút-giấy và mực nho mang lại. Ở các trường Mỹ thuật Trung Quốc hay các nước ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thường có khoa hội họa truyền thống dạy vẽ kỹ thuật này, còn gọi là Quốc họa.

chat lieu ky thuat 2
Nguyễn Nghĩa Duyện, Hà Nội 1946, khắc gỗ, 1984. BT MTVN

Ở Việt Nam có loại giấy Dó, làm thủ công từ vỏ cây Dó, dùng để in tranh, gói hàng. Các họa sỹ khai thác loại giấy này để vẽ mầu khác nhau tùy bóc một, bóc hai (một hay hai lớp khi cán giấy). Từ khoảng những năm 1980 tranh giấy Dó khá phổ biến ở Việt Nam và được biết tới như một kỹ thuật độc đáo của giấy, nhất là ở các phần để trống trên tranh. Một bức giấy Dó nếu bị phủ kín mầu sẽ không còn cho hiệu quả độc đáo nữa. Nếu sơn mài cho vẻ lộng lẫy, lụa cho vẻ mơ màng thì giấy Dó lại cho vẻ mộc mạc giản dị mà vẫn tinh tế.

Sơn dầu là chất liệu phổ biến ở Châu Âu từ thời Phục Hưng, người ta cho rằng Van Eyck là một trong những người đầu tiên hoàn thiện kỹ thuật này. Tới thế kỷ 19 sơn dầu được sản xuất hàng loạt bởi nhiều hãng danh tiếng và phổ biến khắp thế giới. Nó trở thành chất liệu phổ thông nhất của hội họa. Sơn dầu chế biến trên nguyên tắc các hạt mầu được kết dính bằng một dung dịch, nó hòa tan trong các dung dịch khác khi vẽ và làm cho mầu bám lên mặt vải hoặc gỗ đã được xử lý cho mục đích này. Vải vẽ sơn dầu tốt nhất được dệt từ sợi lanh. Một loại dầu vẽ rất tốt được chiết từ hoa anh túc. Mầu sơn dầu rất phong phú. Các hộp mầu bày bán có thể có từ 6 tới 72 mầu hoặc hơn nữa. Ưu điểm thứ hai là các mầu này pha với nhau rất dễ dàng tạo ra sắc thái vô cùng phong phú. Vẽ sơn dầu cũng khá thuận lợi, dễ xử lý ít chất thủ công và tỉ mẩn như lụa, mầu nước hay sơn mài. Các ưu thế của sơn dầu làm cho nó chiếm vị trí hàng đầu trong hội họa từ hàng trăm năm nay. Có thể ví nó như cây đàn piano trong các nhạc cụ. Nếu mực nho ưu việt về tả đen trắng, đậm nhạt, tối sáng thì sơn dầu hoàn toàn thắng thế trong xử lý diễn tả mầu sắc. Kỹ thuật sơn dầu còn cho phép tả chất, tả khối và không gian không hạn chế. Sơn mài, lụa, mầu nước đều có những hạn chế rõ ràng khi so với sơn dầu. Các trường mỹ thuật đều có chuyên khoa sơn dầu. Ở nhiều nước châu âu chữ hội họa có khi còn đồng nghĩa với tranh sơn dầu.

2. Các chất liệu điêu khắc: đá, gỗ, đồng, đất…

Điêu khắc phụ thuộc vào chất liệu nhiều nhất và vật liệu làm điêu khắc cũng phong phú bậc nhất. Vẻ đẹp của chất liệu, tính chất vật lý của chất liệu góp phần quan trọng vào giá trị thẩm mỹ của  tác phẩm.

Đá là vật liệu cổ xưa nhất của điêu khắc. Người nguyên thủy đã dùng nó để đục đẽo những pho tượng đầu tiên. Văn minh Ai Cập xây dựng bằng đá granit. Nghệ thuật Hy Lạp còn lại, tỏa sáng tới ngày nay nhờ cẩm thạch. Lưỡng Hà có loại đá granit đen rất quý giá. Điêu khắc Chăm có được vẻ đẹp mê hoặc một phần là nhờ biểu chất của đá cát ở miền Trung nước ta. Ngoài ra Ninh Bình, Thanh Hóa cũng là nơi làm tượng tốt. Kỹ thuật đục đá cũng phát triển rất phong phú cùng kỹ thuật xây dựng. Những nhà thờ Gotic là những bản giao hưởng hùng vĩ của đá. V. Hugo cho rằng trước khi có sách thì các ngôi nhà thờ chính là cuốn sách bằng đá của nhân loại.

chat lieu ky thuat 3
Tượng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên,
gỗ phủ sơn, thế kỷ 17 chùa Bút Tháp, Bắc Ninh

Đồng là chất liệu điêu khắc quý giá nhất. Kỹ thuật đổ đồng cũng phát triển phong phú ở nhiều nước trên thế giới. Pho tượng đồng nguyên khối được coi là lớn nhất thế giới là tượng Phật ở Nara Nhật Bản cao 21m. Tượng đồng cho cảm giác sang quý, uy quyền và vĩnh cửu.

Ở Việt Nam có phường đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội, Huế, Nam Định… Tuy nhiên tượng đồng không phổ biến lắm ở Việt Nam do nguyên liệu khá đắt.

Gỗ là vật liệu điêu khắc phổ biến nhất. Ở những vùng không có núi đá hay kỹ thuật khai khoáng không phát triển thì gỗ có thể là vật liệu độc tôn. Gỗ thuận lợi khi thi công, chế tác nhưng hạn chế về độ bền và kích thước.

Có những loại gỗ đặc biệt thích hợp cho việc làm tượng do ít thớ vặn, cứng hoặc mềm, ít mối mọt. Ở Châu Phi có loại thiết mộc màu đen rất cứng mà lại dễ gọt đẽo, không có thớ lại không bị mối mọt lý tưởng cho việc làm tượng. Ở Châu Âu có gỗ bồ đào. Ở Việt Nam người ta thường dùng gỗ mít, gỗ thị. Tượng gỗ có thể được tô mầu, được phủ sơn hoặc để trần. Người Việt và người Tây Nguyên chủ yếu dùng gỗ để làm tượng trong khi người Chăm chủ yếu dùng đá.

Đất (nung hoặc không nung) cũng là chất liệu điêu khắc lâu đời từ khi con người biết làm gốm. Tượng gốm được nặn bằng tay rồi đổ khuôn nung hàng loạt. Tượng gốm thường kích thước nhỏ và mang tính trang trí hoặc gắn với kiến trúc. Tượng đất nung thời Đường của Trung Quốc có vẽ men vào loại nổi tiếng nhất thế giới. Khu mộ Tần Thủy Hoàng là kết quả khảo cổ lớn nhất từ trước tới nay với hàng vạn pho tượng đất nung lớn hơn 2000 năm tuổi. Nhiều tượng đất không nung ở các chùa Bắc bộ nước ta rất lớn cao tới vài mét. Loại này thường trộn với bột giấy và các phụ gia khác rồi để khô, phủ sơn và vẽ bên ngoài.

- Nguyễn Quân -

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Phân chia thể loại mỹ thuật

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật Á Đông

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật châu Âu

0976984729