Con mắt nhìn cái đẹp – Thể loại theo mỹ thuật châu Âu

1. Chân dung:

Là một thể loại lâu đời nhất. Trong các nền văn minh tối cổ như Lưỡng Hà, Ai Cập người ta đã thấy chân dung của các nhân vật thuộc giai cấp thống trị. Nổi tiếng nhất là chân dung các Pharaon, các vua Ai Cập ở các Kim Tự tháp và các đền đài hung vĩ. Người Ai Cập còn có tục ướp xác và bên ngoài quan tài người vẽ chân dung người quá cố. Vì vậy kho tàng chân dung Ai Cập rất phong phú. Một chân dung nữ cổ và đẹp nhất là chân dung hoàng hậu Nofertiti hiện để ở bảo tàng Berlin mà gần đây người ta loan tin đã tìm được xác ướp của bà. Ở người phụ nữ này ta thấy cả chuẩn đẹp của người phụ nữ Ai Cập cổ. Thời La Mã các chân dung cũng rất thịnh hành vì các hoàng đế cũng như các nhân vật quan trọng đều được tạc chân dung có khi rất to lớn. Người ta cũng chép lại hoặc sáng tác chân dung các danh nhân khoa học văn hóa thời Hy Lạp.

Ở châu Âu, thời Trung cổ nghệ thuật không đề cao cá nhân và chỉ khắc khổ trong các cảnh tượng tôn giáo thần bí với các nhà thờ đồ sộ nên thể loại này không phát triển.

Chân dung bừng nở trở lại từ thời Phục Hưng thế kỷ XIII - XVI ở nhiều nước châu Âu, nhờ vậy người ta được nhìn thấy hầu hết các danh nhân của châu lục này suốt 500 năm qua dù chưa có máy ảnh. Cũng từ đó chân dung phát triển theo các trường phái khác nhau, tương ứng lịch sử mỹ thuật. Thí dụ chân dung Phục Hưng mang đậm tính nhân văn cao cả, ca ngợi con người có trí tuệ, có tình cảm, có đức hạnh. Leonardo de Vinci, Raffaello, Tiziano… đều là các họa sỹ chân dung bậc thầy. Khuynh hướng Baroc thích cái hùng vĩ, khoa trương, cao quý và cũng lột trần sự thật không khoan nhượng như ở tranh Caravaggio, Velazquez hay Rubens. Họa sỹ Rembrandt có lẽ là họa sỹ chân dung lớn nhất của Hà Lan với những biểu hiện chân thực, giản dị và sống động nhất. Thời Rokoko hoa mỹ chân dung cũng đâm ra kiểu cách. Thời Tân Cổ điển thì chân dung lại có vẻ hoàn hảo quá đáng về cách diễn đạt mà bậc thầy tiểu biểu là David và Ingres. Bức Mara của David hay bức vẽ ông Bertin của Ingres từng gây chấn động giới nghệ thuật. Ở các chân dung này người thấy “toàn bộ tinh thần thời đại” tức các nhân vật dù có thực vẫn được điển hình hóa cao độ và vì thế có tính đại diện cho xã hội, thời đại, giai cấp nào đó.

Ở châu Âu chân dung cho thấy rõ nhất sự tiến hóa của xã hội, những thăng trầm lịch sử và đặc tính, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Thế kỷ XX ngoài những phát biểu hình thì nhiều khuynh hướng hiện đại không còn coi trọng chân dung nữa thí dụ phái Trừu tượng hay Dada, nhưng có lẽ không họa sỹ nào lại không vẽ, nặn chân dung bạn bè hay tự họa. Nhiếp ảnh đã không phế truất thể loại này như người ta từng tiên đoán.

Chân dung có thể vẽ hay điêu khắc phần mặt, đầu người. Cũng có thể thể hiện bán thân tức có phần từ vai xuống. Cuối cùng có loại chân dung cả người đứng hoặc ngồi.

Chân dung nhóm gồm nhiều nhân vật. Ngoài việc lột tả từng nhân vật nó còn thể hiện tương quan giữa các nhân vật với nhau. Thí dụ chân dung vợ và chồng, mẹ và con, một đôi tình nhân, ông và cháu, hai người bạn… Chân dung nhóm lớn nhất có lẽ là bức Tuần tra đêm của Rembrandt vẽ cả mấy chục nhân vật. Bức Bạn bè họp mặt của họa sỹ siêu thực Ernst thế kỷ XX cũng rất độc đáo với khá đầy đủ các đại diện của trường phái này trên mọi lĩnh vực. Tác giả ngồi trên đùi nhà văn Nga thế kỷ XIX Dostoiepsky mà ông vô cùng ngưỡng mộ.

the loai MTCA 1
Velazquez, Giáo Hoàng Innocent X, 1650

Ở Viễn Đông như đã nói có loại tranh nhân vật, tranh truyền thần chứ không có chân dung theo nghĩa phương Tây.

Riêng ở Việt Nam thể loại này ít phát triển. Các tượng thờ thường không tả thật mà ước lệ hóa nên ai cũng giống ai. Các nhân vật lịch sử, nhiều người rất gần thời nay nhưng chúng ta cũng không biết diện mạo của họ. Một ngoại lệ lớn là các tượng chân dung ở chùa Bút Tháp với bút pháp điêu khắc chân thực và chuẩn mực đáng khâm phục tuy nhiên họ lại chỉ là những người trong gia đình hoàng tộc và những người đã quyên góp công đức làm chùa. Đáng chú ý hơn cả là chân cung các cao tăng ở các chùa thường khá chân thực, không bị lý tưởng hóa hay loại hình hóa. Thí dụ chân dung các vị sư Chuyết Chuyết và Minh Hành ở Bút Tháp.

2. Phong cảnh:

Một bước phát triển nhảy vọt về thể loại xảy ra ở châu Âu bắt đầu từ Hà Lan thế kỷ XVI và phát triển mạnh cũng ở đất nước nhỏ bé nhưng là một cường quốc mỹ thuật này vào thế kỷ sau đó. Bức tranh lớn với đề tài, chủ đề lớn dựa vào thần thoại hay kinh thánh với nhiều nhân vật, cốt chuyện diễn ra trong một khung cảnh thiên nhiên làm nền, một nội thất có các đồ vật, một số nhân vật có thực (thường là gia chủ đặt vẽ tranh) đã “vỡ bung ra” thành các tranh nhỏ để hình thành các thể loại tranh thế tục hoàn toàn không có bong dáng thần linh hay anh hùng huyền thoại nữa. Cách mạng tư sản diễn ra ở Hà Lan đánh dấu sự thắng lợi của lớp tư sản thị dân. Giờ đây người ta có những quan tâm cụ thể chi tiết, thiết thân hơn tới thế giới vật chất trong và ngoài ngôi nhà của mình. Cuộc sống hàng ngày của con người trở thành đối tượng chủ đạo của mỹ thuật. Tranh phong cảnh cũng ra đời ở Hà Lan từ đó. Ở phố, trong những ngôi nhà đầu hồi dài và hẹp chủ nhà nhớ cảnh miền quê thời ấu thơ, hay sau những chuyến đi vãng cảnh nên thơ. Họa sỹ vẽ những phong cảnh hữu tình cho đáp ứng nhu cầu ấy của họ. Cảnh rừng suối, cảnh cánh đồng lúc hoàng hôn, cảnh biển với những cánh buồm, cảnh cái cối xay gió ngạo nghễ hay cảnh mùa đông tuyết phủ bốn bề và những người thợ săn đang trên đường về nha. Tranh phong cảnh từ đó cũng biến đổi theo các khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau. Phong cảnh cổ điển của Poussin hay Lorain thật uy nghi hùng tráng. Phong cảnh lãng mạn của Friedrich thì mang cái nỗi buồn vũ trụ, và tình cảm tôn thờ tự nhiên. Đến cuối thế kỷ XIX phong cảnh trở thành thể loại chủ đạo của nghệ thuật. Turner vẽ cảnh biển nhạt nhòa sương khói. Bức Ấn tượng mặt trời mọc của Monet đã đạt tên cho phái hội họa mạnh mẽ nhất thời đó. Có rất nhiều các danh họa thế kỷ này là các họa sỹ vẽ phong cảnh. Hầu hết các họa sỹ ấn tượng chỉ vẽ phong cảnh. Họ còn đưa ra một thể loại mới hấp dẫn là phong cảnh đô thị, thành phố lớn rất náo nhiệt với chen chúc người và xe cộ. Munh, một chủ soái của phái Biểu hiện đầu thế kỷ 20 có bức Tiếng thét với một người đang thét bên bờ biển. Ông nói phong cảnh biển trời, mây, nước lúc đó như đang gào thét và một dự báo một bi kịch vũ trụ sẽ ập tới! Với tranh phong cảnh hai câu “tức cảnh sinh tình” và “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đều đúng.

3. Tĩnh vật:
Trong các tranh thờ thời Trung cổ, Phục Hưng, người ta đã thấy những bức tranh nhỏ trong bức tranh lớn. Thí dụ như cảnh báo tin mừng cho Đức mẹ đồng trinh, hay sự tích thánh Hieronymus ta thấy những bình hoa, những cuốn sách, các vật dụng trong nhà được mô tả thành từng nhóm độc lập rất hoàn chỉnh. Song phải đến thế kỷ XVI ở Hà Lan tranh tĩnh vật mới ra đời. Tranh mô tả những sản vật tự nhiên và các đồ vật thường nhật. Có lẽ do nhu cầu thị dân muốn tôn vinh cuộc sống gia đình, tôn vinh ngôi nhà của họ, nơi họ đã sống xa với nghề nông nghiệp và có cuộc sống khá sung túc. Tính vật chất được đề cao. Và giới thị dân đã thắng thế trong xã hội. Người ta gọi đó là cuộc sống thầm lặng, một cuộc sống thông qua chiếm hữu các sản vật và đồ vật mà cũng thể hiện những thiên hướng tinh thần của chủ nhân. Có loại tĩnh vật hoa trái, loại tĩnh vật nhạc cụ, loại tĩnh vật chai lọ, bình gốm, đồ sứ dùng cho việc ẩm thực, có loại vẽ thực phẩm như thịt cá, gia cầm… Người Hà Lan ưa chi tiết và thích mô tả chi tiết nên giỏi thể loại này. Khuôn khổ tranh cũng nhỏ nhắn, phù hợp với sự ấm cúng trong các gia đình. Có hàng loạt các họa sỹ chuyên vẽ tĩnh vật ở Hà Lan thời đó. Họ thuộc “Các bậc thầy nhỏ” chuyên vẽ tranh khổ nhỏ cho lớp trung lưu đô thị. Từ đó đến nay tĩnh vật tồn tại và phát triển mạnh ở châu Âu. Nó trở thành một phương tiện để bộc lộ quan điểm, tình cảm và thiên hướng thẩm mỹ của họa sỹ một cách khá thuần khiết vì hoàn toàn tách khỏi cốt chuyện, tích chuyện có tính văn học. Họa sỹ vĩ đại Cezanne từng cho rằng tĩnh vật là nơi thử thách tài năng rõ rệt nhất. Ông cũng là tác giả của những bức tĩnh vật hoa trái nổi tiếng nhất của Pháp. Ở các tranh này, quan niệm không gian, cách tạo hình, biểu chất, sử dụng ánh sáng và nguyên lý bốc cục của ông thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Van Gogh cũng cực nổi tiếng với các tĩnh vật hoa hướng dương và màu vàng u buồn khắc khoải của mình. Người ta cũng có thể coi những tượng hiện đại với các đồ vật , không có người là những tượng tĩnh vật.

the loai MTCA 2

the loai MTCA 3
Vincent Van Gogh, Một đôi giầy, 1886

4. Lịch sử:

Tranh lịch sử có gốc gác xa xưa, mạnh mẽ trong các tác phẩm từ thời Phục Hưng sơ kỳ thế kỷ XIII – XV.

Đề tài kinh thánh và thần thoại cũng mang tính lịch sử nhất định vì nó cũng mô tả một sự kiện mà người ta tin là có thật, đã xảy ra thật ở một địa điểm nào đó, trong một thời điểm nào đó. Tuy nhiên các sự kiện này mang tính hoang đường, thần bí, với sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên và sự thể hiện của họa sỹ cũng đề cao tính thần bí hoang đường của sự kiện, nhân vật. Chúng cùng các nhân vật trong cốt chuyện không phải những con người bình thường mà là thánh, là thần, là tiên hay quỷ dữ. Và các họa sỹ cũng không cần các mẫu nhân vật thực, không gian thực mà phải hoàn toàn hư cấu ra để thị giác hóa những gì người ta cần tin là có thật. Ngược lại những điều tranh lịch sử ra đời vào thế kỷ XVII nắm quyền lãnh đạo xã hội. Lịch sử giờ đây được viết bằng những con người thật và sự việc thật không vướng vất làn khói sương thần bí nào. Con người tự quyết định vận mệnh của mình. Nhân quyền thắng thế so với thần quyền. Bức trao chìa khóa thành Breda của Velazquez có thể coi là bức tranh lịch sử đầu tiên. Ông mô tả việc các chiến sỹ bảo vệ thành Breda của Hà Lan thua trận và nộp chìa khóa của thành phố cho đội quân Tây Ban Nha. Các nhân vật được mô tả trung thực, cụ thể và mang tính nhân bản. Sau đó hầu như các vua chúa châu Âu đều có nhu cầu vĩnh cửu hóa mình bằng tranh lịch sử. Ở các viện hàn lâm nghệ thuật tranh lịch sử nắm vai trò chủ đạo và họa sỹ tranh lịch sử được trọng vọng hơn, đứng cao hơn các họa sỹ khác một bậc. David và Gros là hai họa sỹ lừng danh vì đã vẽ các tranh lịch sử cho Napoleon. Họ mô tả lễ đăng quang của hoàng đế hay các cuộc chinh chiến của vị tướng tài ba này. Tranh lịch sử được chính quyền bảo trợ nên mang tính hàn lâm, giáo điều hơn các thể loại khác. Thường diễn ra cuộc tranh chấp giữa các phái hàn lâm bảo thủ vẽ tranh lịch sử cho chính quyền với các họa sỹ ưa đổi mới vẽ các thể loại khác cho thị trường nghệ thuật.

Sang thế kỷ XX tranh lịch sử suy tàn cùng các viện hàn lâm. Danh hiệu họa sỹ tranh lịch sử trở thành một sự nhạo báng! Trừ ở các tác phẩm hoành tráng với tượng, phù điêu hay tranh tường mang tính kể sử, và các tranh minh họa thì các họa sỹ hầu như không vẽ loại tranh này nữa. Có lẽ một phần do nhiếp ảnh và điện ảnh đã làm nhiệm vụ này. Máy ảnh và máy quay phim đắc lực hơn ngọn bút long ư?

the loai MTCA 4
Claude Monet, Ấn tượng mặt trời mọc, 1872

5. Sinh hoạt:

Tất nhiên mọi thứ diễn ra trong tranh tượng cổ đại. Trung cổ và Phục Hưng đều có tính chất mô tả sinh hoạt của con người được khoác tấm màn thần bí của thánh thần. Cảnh gia đình chúa với mẹ Maria, chúa con Giê-su và người cha hờ của ông là thánh Giô-dep làm nghề thợ mộc hoặc cảnh các người mục đồng tới bái yết chúa Giê-su mới ra đời trong chuồng bò, hoặc các cảnh sinh hoạt của thần rượu, thần Vệ nữ, thần chiến tranh, thần Dớt, nàng Leda… đều là những sinh hoạt của các thánh thần. Các họa sỹ chỉ dần dần lồng ghép vào đó những yếu tố đời thực cụ thể. Thí dụ vẽ chân dung mình hay chân dung những người cúng tiến tranh vào đâu đó trong một nhóm nhân vật thứ yếu. Dần dần vai trò của các người thật, việc thật tăng lên khi các nhà giàu đặt vẽ gia đình họ bị tòa án giáo hội tra vấn vế chú hề lùn và mấy anh lính đánh thuê người Đức mà ông vẽ vào tranh Bữa ăn cuối cùng, bên cạnh Giê-su và các tông đồ cùng vua chúa quý tộc. Hành động đó cũng bị coi như là phạm húy trong thi cử thời phong kiến ở ta!

the loai MTCA 5

Tuy nhiên sang thế kỷ XVII tình hình đã khác về căn bản. Murillo vẽ các chú bé lang thang nằm ngồi trên các góc phố bẩn thỉu, Luis Le Nain vẽ những gia đình nông dân, thợ rèn trong bữa cơm gia đình. Các “bậc thầy nhỏ” Hà Lan thì kiếm ăn bằng những tranh khổ nhỏ bày bán trên phố mô tả những sinh hoạt thôn quê và phố thị như đám cưới, ngày hội, các trò chơi, bữa ăn trong gia đình. Đặc biệt xuất sắc là những tranh mô tả sinh hoạt trong nhà của người thị dân: ông bà chủ, những cô cậu chủ, các cô giúp việc, những anh phụ việc, các công tử tán gái nhà lành, xem bói bài, đánh bài gian lận, ẩu đả trong quán rượu… Từ việc mắng cô hầu, khâu vá, thay bình hoa, đi chợ về xếp đồ đạc vào bếp tới bữa ăn sáng, buổi trưa ngủ gật, buổi chiều bâng quơ nghe mấy anh nhạc sỹ lang thang đàn hát… tất cả những cái vụn vặt nhất, đơn giản và cụ thể nhất của những người bình dị nhất đã tạo nên danh tiếng cho tranh sinh hoạt, nhất là của các họa sỹ Hà Lan. Thể loại này rất được yêu thích và đã làm một cuộc cách mạng lớn trong mỹ thuật. Các thần thánh bay đi hết cả chỉ còn lại những người thân gần với ta và chính chúng ta. Giá trị hiện thực và lịch sử của tranh sinh hoạt rất lớn. Ngày nay chúng như những thước phim tư liệu chân thực về đời sống hàng ngày các thế kỷ xa xưa. Vermeer cực kỳ tinh tế trong việc dùng ánh sáng mô tả thế giới tình cảm thị dân. Sang thế kỷ XVIII, Watteau giỏi tả những sinh hoạt hữu tình nhạt nhẽo của các tiểu thư, công tử vô công rồi nghề trong các khu vườn diêm dúa quá đáng. Tranh sinh hoạt trở thành thể loại quan trọng của trường phái Hiện thực khi họ muốn trình bày cuộc sống như chính nó đang diễn ra và tố cáo những bất công xã hội hay thể hiện niềm tin vào sự thực của mình Courbet hay Millet, Duamier là các họa sỹ tiêu biểu cho tranh sinh hoạt hiện thực.

- Nguyễn Quân -

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Các chất liệu kỹ thuật

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Phân chia thể loại mỹ thuật

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật Á Đông

0976984729