Con mắt nhìn cái đẹp – Phân chia thể loại mỹ thuật

Việc phân chia thể loại chỉ là tương đối. Các thể loại Viễn Đông chỉ dùng cho tranh Quốc họa là chính. Hiện nay cũng chỉ các họa sỹ Quốc họa còn trung thành với các thể loại đã lỗi thời đó. Khi vẽ sơn dầu thì lại theo các thể loại Châu Âu. Song các thể loại Châu Âu cũng thay đổi khi lụi tàn, khi “lên ngôi” theo song triều lịch sử.

Từ thế kỷ XX, mỹ thuật thế giới Đông và Tây đều thay đổi lớn lao. Các thể loại không còn đóng vai trò lớn trong sáng tác nữa. Việc chuyên môn hóa, chia khoa chia ngành theo các thể loại chỉ còn là hãn hữu. Ít có họa sỹ hiện đại nào tự xưng là họa sỹ tranh lịch sử, tranh sinh hoạt, tranh tĩnh vật, tranh sơn thủy… nữa.

Có hai loại tranh người ta cũng có thể coi như một thể loại nếu xét về đối tượng mô tả và chủ đề tác phẩm là khỏa thân và trừu tượng.

Khỏa thân được tìm thấy ở dạng hoàn chỉnh, mực thước nghệ thuật Hy Lạp cổ điển thế kỷ IV - V trước công nguyên. Thời kỳ mới trong nghệ thuật Châu Âu sau Trung cổ được gọi là Phục Hưng tức là phục hưng, tái sinh - renaissance - vẻ đẹp Hy Lạp cổ đại và các tiêu chuẩn - canon - mà nó đề ra, trong đó có các chuẩn cơ thể người khỏa thân nam và nữ. Cũng do muốn khôi phục các chuẩn cơ thể người mà môn cơ thể học ra đời để trở thành một môn học cơ bản của mỹ thuật Châu Âu, khác hẳn với mỹ thuật nơi khác.

phan chia the loai mt 1
Mùa xuân vĩnh cửu, tượng của Rodin

Khỏa thân là hình thức đắc lực để biểu hiện các chuyện thần thoại và minh họa kinh thánh sau này. Các nhân vật khỏa thân nhưng họ là thần này thánh kia, do vậy không nguy hại về đạo đức. Các họa sỹ nghiên cứu khỏa thân là bắt buộc, khi vẽ tranh họ cũng phác thảo khỏa thân rất kỹ rồi mới “mặc quần áo” cho các nhân vật. Có thời các họa sỹ phụ việc được chuyên môn hóa theo hai ngành này làm việc kế tiếp nhau trong khi thực hiện tranh của thầy. Tuy nhiên tới thế kỷ XIX thì khỏa thân không còn chỉ là phác thảo, nghiên cứu, bước chuẩn bị cho tác phẩm nữa mà nó trở thành đối tượng duy nhất, thành chủ đề duy nhất của nghệ sĩ. Thậm chí chỉ một phần cơ thể khỏa thân cùng đủ làm nên một thể loại: tượng bán thân. Rodin cho rằng cái lưng và cái bụng là nơi ngôn ngữ điêu khắc phát huy mạnh nhất vì chúng là nơi xuất phát và nơi trở về của mọi vận động. Xem lịch sử nghệ thuật thế kỷ XX ta sẽ thấy rất nhiều tác phẩm có tên là “khỏa thân nằm”, “khỏa thân ngồi”, “khỏa thân nhìn sau lưng”… Lúc đó cơ thể để trần thể hiện tư tưởng tình cảm của tác giả như một bức tĩnh vật hay phong cảnh vậy… Người trầm tư của Rodin là một thí dụ. Đây cũng là một đặc sản Tây Âu không thấy phát triển mạnh đến mức như vậy ở các nền nghệ thuật khác. Người ta cho rằng tranh tượng khỏa thân chứa đựng khao khát tự do cá nhân của người Châu Âu âm ỉ hàng ngàn năm và bùng phát cùng cách mạng tư sản.

Tranh (và tượng) trừu tượng ra đời với Kandinsky và Klee ở Châu Âu những năm đầu thế kỷ XX. Người ta còn gọi là tranh không hình (người, đồ vật), để phân biệt với các tác phẩm có diễn tả hình thù đối tượng thị giác theo kiểu truyền thống. Các họa sỹ trừu tượng đầu tiên cho rằng hội họa cần phải tinh khiết, như âm nhạc không lời. Nó phải rũ bỏ mọi sự lệ thuộc vào các yếu tố phi tạo hình như cốt chuyện, chủ đề, đề tài. Nó có thể biểu đạt mọi tư tưởng tình cảm của người nghệ sỹ mà không cần phải mô tả bất kỳ cái gì dù là đóa hoa hay bức tường, con dao hay cái lọ, mặt người hay phong cảnh. Họa sỹ chỉ dùng nét, khối, mầu… như nhạc sỹ chỉ dùng nốt nhạc khi viết giao hưởng. Các họa sỹ nghiên cứu sâu về ngôn ngữ tạo hình và các nguyên tắc của bố cụ, mầu, nét, khối mảng … Tranh và tượng không hình có lúc đã thắng thế so với mỹ thuật có hình. Nó được coi là trực tiếp hơn, trí tuệ hơn. Mondrian đi tới cùng của trừu tượng hình học khi ông chỉ dùng các mầu cơ bản và các đường thẳng xếp theo ba hướng tung, hoành và đường chéo. Miro vẽ các bức trừu tượng khá kỳ lạ với những tín hiệu thị giác có tính cám chỉ. Tranh trừu tượng của ông còn được gọi là trừu tượng siêu thực. Klee thì thần bí và Kandinsky thì rất biểu cảm. Sau này Pollock ở Mỹ có loại tranh trừu tượng biểu hiện với phương pháp rắc, nhỏ mầu tùy hứng lên mặt vải đặt dưới nền nhà khi “vẽ”. Đến cuối thế kỷ XX nghệ thuật Trừu tượng không còn được tôn sùng như trước nữa, song nó lại trở nên thông thường và hầu như không còn có tính trường phái như khi mới ra đời. Hầu như họa sỹ nào cũng vẽ vài bức trừu tượng. Nó có vai trò gần như tĩnh vật hay phong cảnh vậy và vì hế cũng có người muốn coi nó như một thể loại. Tuy nhiên sự xếp loại này có hai điểm hạn chế. Một là nó đã ra đời như một trường phái, một thứ “trở về với tạo hình thuần khiết”. Hai là nó đối lập với tất cả các thứ mỹ thuật có hình - biểu hình khác. Ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XX đã có những họa sỹ vẽ trừu tượng. Tất nhiên trong thời kỳ chiến tranh và khi nghệ thuật hiện thực XHCN làm nòng cốt thì loại tranh này không được phát triển. Tuy nhiên từ những năm 90 thì nó trở nên khá phổ biến trong sáng tác của họa sỹ khắp nước, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh.

phan chia the loai mt 2
Tranh trừu tượng của Kandinsky

phan chia the loai mt 3
Venus ngủ, tranh của Giorgione

Hai thí dụ về khỏa thân và trừu tượng cho thấy sự phân chia thể loại chỉ có tính tương đối mà thôi.

Như vậy ta thấy các thể loại là cách phân chia các tác phẩm theo chủ đề và đối tượng của tác phẩm. Sự phát triển xã hội quyết định sự ra đời hay mất đi của một thể loại nào đó. Ở Châu Âu các thể loại nêu trên chỉ ra đời từ thế kỷ XVII. Bản thân chúng lại quay lại tác động vào sự phát triển nghệ thuật. Thí dụ tranh lịch sử phục vụ chính quyền, chính trị, giáo dục công dân. Tranh tĩnh vật, phong cảnh phục vụ ngôi nhà và người thị dân.

Ở Trung Quốc các thể loại hoàn toàn khác và cũng không ra đời cùng một lúc. Ta thấy lịch sử cụ thể, các khuynh hướng tinh thần, tôn giáo và sự phát triển sản xuất, lối sống, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, triết học…quyết định sự xuất hiện, phát triển các thể loại.
Các thể loại không bao quát toàn bộ nghệ thuật và khác nhau ở từng bộ môn do phụ thuộc vào đặc trưng ngôn ngữ và chức năng sử dụng của chúng.

Trở lên chúng ta đã tìm cách bao quát toàn bộ môn mỹ thuật từ nhiều cách nhìn khác nhau bằng những cách phân chia khác nhau. Chia thành các bộ môn- theo đặc trưng ngôn ngữ và hoạt động - chia theo các loại hình - theo công năng - chia theo các chất liệu kỹ thuật - theo đặc điểm gia công xử lý chất liệu- và chia theo các thể loại- theo chủ đề, nội dung. Tuy nhiên các cách phân chia tưởng như rất bao quát kể trên đều mang những đặc điểm là:

Cách phân chia nào cũng phiến diện, không bao quát hết cái được gọi là mỹ thuật. Luôn luôn còn có những tác phẩm, hoạt động mỹ thuật nằm ngoài sự phân chia đó.

Ranh giới phân chia không bao giờ dứt khoát, rõ ràng. Luôn có những tác phẩm, hoạt động nằm ở các ranh giới phân chia chồng chéo lên nhau mà ta khó có thể xếp nó vào khu vực nào cho hoàn toàn ổn thỏa. Luôn có những tác phẩm có thể được xếp vào nhiều loại cùng lúc.

Sự phân chia nào cũng thay đổi theo thời gian và rất khác nhau trong lịch sử mỹ thuật.

Sự phân chia nào cũng tùy thuộc quan điểm chủ quan của người nghiên cứu mỹ thuật.

Do vậy khi tìm hiểu mỹ thuật theo các cách phân chia ta luôn phiến diện hóa nó để tìm hiểu sâu hơn từ một góc nhìn nào đó. Giống như cắt một cái bánh từ chỗ nào, chiều nào ta cũng chỉ thấy một phần của cái bánh mà thôi. Điều đó đòi hỏi một thái độ tích cực, chủ động có chủ kiến riêng của người làm mỹ thuật, nghiên cứu mỹ thuật.

- Nguyễn Quân -

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Các chất liệu kỹ thuật

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật Á Đông

>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật châu Âu

0976984729