Con mắt nhìn cái đẹp – Thể loại mỹ thuật ở Á Đông
Ở các nước Viễn Đông Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, và phần nào cả Việt Nam các họa sỹ dùng giấy, lụa các loại và bút lông để sáng tác hội họa. Mầu tự nhiều khá phong phú nhưng sau thường dùng cho tranh trang trí. Trong các sáng tác của họa gia lớn ta thấy rất ít mầu. Loại phổ biến nhất là vẽ bằng mực nho có ánh nâu hay lục. Một đặc điểm nữa là tranh không được treo cố định trên tường hay gắn hẳn vào kiến trúc như ở Phương Tây mà được bồi biểu lên một nền giấy, gỗ rồi cuốn lại. Khi xem mới dở ra hay treo lên. Những tranh trục treo trong nhà hoặc những bình phong, tức các tranh ghép với nhau trên khung gỗ xê dịch được để ngăn chia không gian phổ biến trong các nhà quyền quý. Thậm chí những tranh giấy cực lớn dán lên tường nhà trong các cung điện. Nhà dân thường thì treo tranh in, loai đồ họa nhiều mầu sắc với các chủ đề lễ hội, thờ cúng chứ khó có tranh trục hay bình phong, tranh tường.
Tranh trục dọc có bố cục như sau:
Trục trên
Chỗ để đề thơ
Chỗ trống
Bức tranh
Chỗ trống phía dưới
Chỗ đề thơ
Trục dưới
Tranh dọc, cũng như bình phong có khi được ghép từ 4,8 hay 12 tấm, gọi là tứ bình, tứ quý hay thông cảnh.
Tranh trục ngang cũng có hai trục bên, ở giữa là:- chỗ đề thơ – chỗ trống – bức tranh – chỗ trống – chỗ đề thơ.
Qua lịch sử phát triển mấy ngàn năm tranh Trung Hoa được phân ra một số thể loại.
Sơn thủy:
Đây là thể loại hoành tráng nhất và tiêu biểu nhất của hội họa Viễn Đông với tên tuổi của hàng loạt danh họa từ Lý Thành tới Hạ Khuê, Mã Viễn. Nó biểu hiện rõ nhất quan niệm về vũ trụ được coi là sự kết hợp của âm - dương mà thành và theo sự biến đổi của âm dương mà biến đổi. Âm dương chuyển hóa lẫn nhau không ngừng nghỉ tạo nên cuộc sống. Trong sơn thủy cũng có thể có đủ ngũ hành, tức năm yếu tố căn bản tạo nên thế giới vật chất là Kim (kim loại) – Mộc (gỗ) – thủy (nước) – Hỏa (lửa) – thổ. Không gian rộng lớn của sơn thủy cũng chứa không gian địa lý gồm các hướng hỏa (đông) – kim (tây) – thủy (bắc) – mộc (nam) và thổ ở trung tâm. Riêng về mầu các mầu vàng, lục đỏ không được dùng nhiều mà thu về đen của họa tiết và trắng của nền (hành thủy và hành kim). Thực ra nền là một phần của tranh, khoảng trống là yếu tố hàng đầu trọng yếu của tranh sơn thủy… Nội dung thể loại này là núi và sông, suối, thác nước, ao hồ trên núi cao. Tất nhiên giữa núi và sông có cây, rừng, đồng ruộng cũng như những cảnh sinh hoạt. Sinh hoạt thường được quy về canh - tiều - ngư - mục tức là bốn nghề làm ruộng, kiếm củi, chăn thả gia súc và đánh cá. Các nghề này kiếm sống nhờ vào tự nhiên, tuân theo các luật của thổ nhưỡng, khí hậu. Nhờ trời thì được ấm no. Đó cũng là những nghề cơ bản của xã hội nộng nghiệp. Sinh hoạt cũng thường là sự lánh đời của các văn nhân hay chính các họa sỹ. Họ tìm đến chốn lâm tuyền để hòa vào thiên nhiên về cả tâm hồn lẫn thể xác. Họ uống rượu, đọc thơ, ngắm cảnh, đánh cờ, gẩy đàn và quan sát sự chuyển vần của tự nhiên. Có thể thấy loại này ảnh hưởng tư tưởng Lão, Trang rất sâu đậm. Đó là hai phái triết học đặc sắc nhất của Trung Hoa cổ đại.
Trích tranh Thanh minh thượng hà đồ
của Trương Trạch Đoan, thời nhà Tống, TQ
Thảo trùng và hoa điểu:
Một cách loại biệt khá kỳ lạ của các họa sỹ Viễn Đông. Các họa sỹ phương Tây vẽ tĩnh vật hay đúng hơn phải gọi là Cuộc sống thầm lặng (Stillife, Stilleben), người Pháp dịch là Thiên nhiên chết (nature morte) tức vẽ các sản vật tự nhiên, hoa quả, cũng các đồ vật do con người chế tác ra trong thế đặt để tĩnh lặng. Khác hẳn họ các họa sỹ Á Đông vẽ thiên nhiên sống động, ngay trong đời sống tự nhiên. Họ tìm thấy ở đó những ẩn dụ về lý tưởng sống, và cách tu thân của mình. Côn trùng là những sinh vật nhỏ bé tầm thường nhất, yếu đuối nhất và cỏ, các cây thân mềm cũng là nhỏ bé, tầm thường và yếu đuối nhất trong tự nhiên. Cuộc sống của chúng cũng như của con người cũng tuân theo những quy luật rộng lớn nhất. Mỗi con người dù chỉ nhỏ bé như con sâu cái kiến, như cỏ rác cũng trải qua mọi biến thiên vũ trụ, cũng là một tiểu vũ trụ. Nguyễn Gia Thiều có viết về cái tiểu cảnh ấy:
Lép nhép dăm hàng tỏi
Lơ thơ mấy bụi khương (gừng)
Vẻ chi tèo teo cảnh,
Thế mà cũng tang thương.
Đó cũng là cái triết lý của tranh thảo trùng. Các họa sỹ phải học rất kỹ cách vẽ từng loại hoa và côn trùng. Họ phải học cách vẽ hoa lan, hoa phù dung, con chuồn chuồn, con tôm, con tép…
Hoa điểu cũng như vậy. Hoa nào chim ấy. Các loài hoa loài chim có tính cách khác nhau, mang ẩn dụ khác nhau. Cây phù dung khác cây hoa sen, con đại bàng khác con chim sẻ. Hoa điểu cũng là thể loại tả tình. Nguyễn Du viết “Dập dìu lá gió cành chim” là nói chuyện trai gái yêu nhau. Tranh hoa điểu thảo trùng phổ biến hơn trong các tranh khổ nhỏ, những tiểu họa mà phương Tây dịch là album.
Phong tục:
Thoạt đầu có lẽ là tranh có tính răn dậy giáo huấn, lấy gương người đã khuất để răn dạy kẻ dưới. Sau nghĩa đổi thành tả cảnh sinh hoạt hàng ngày. Cảnh sinh hoạt của dân thường, canh – tiều - ngư – mục, hay cảnh sinh hoạt chợ búa, ăn nhậu, vui chơi, lễ tết, hội hè ở các đô thị và nhất là cảnh sinh hoạt kiểu Hồng lâu mộng của các nhà quyền quý và các bậc vương tôn. Trương Trạch Đoan với bức Thanh minh thượng hà đồ - tiết thanh minh trên sông, và Cố Hoành Trung với bức Hàn Hy Tái dạ yến đồ - tiệc đêm ở nhà Hàn Hy Tái là những kiệt tác thuộc thể loại này. Loại tranh phong tục phổ biến trong các tiểu họa quyền quý và cũng rất phổ biến trong các dòng tranh đồ họa dân gian. Thí dụ tranh Đánh ghen của khắc gỗ Đông Hồ của Việt Nam
Tranh thờ Mẫu,Tranh dân gian Hàng Trống
Đánh ghen, Tranh dân gian Đông Hồ
Nhân vật và tiếu tượng:
Tranh nhân vật cũng có khi lẫn với tranh sinh hoạt, chân dung vì nó chỉ việc mô tả người song chú trọng đến đặc tả nhân vật chứ không chú vào cảnh sinh hoạt. Các nhân vật thường là vua chúa, vương hầu, nhà giàu hay các văn nhân, trí thức. Tiếu tượng là một loại chân dung đặc biệt cốt nói lên sự giống về tính cách, số phận hơn là giống bề ngoài. Họa sỹ vẽ người đã khuất hay vẽ vua chúa, cung phi mà không được có mẫu phải nhập tâm rồi về vẽ lại. Thế nên cũng gọi là vẽ truyền thần (chữ này ở Việt Nam dùng chỉ việc vẽ lại một bức ảnh chụp để thờ). Bức (chân dung) Lý Bạch của Lương Khải nổi tiếng vì làm cho người ta khó có thể tưởng tượng một nhà thơ Lý Bạch khác với người trong tranh. Phái họa Thiền ở Nhật Bản cũng rất giỏi về tranh Tiếu tượng. Các vị tổ ở chùa Tây Phương Việt Nam (hay bị gọi là La Hán) cũng được sáng tác theo lối tiếu tượng. Qua tiểu sử hành tung nhân vật mà tác giả vẽ hay tạc ra nhân vật ấy. Ở đây có các nguyên lí của nhân tướng học mà người phương Đông rất tin dùng.
Tranh Đạo – Thích:
Tranh Đạo – Thích là loại tranh thờ ở các chùa đạo Phật thờ Thích Ca Mâu Ni và các Đạo quán thờ Lão tử làm tổ sư. Những tranh này mô tả theo các sách của hai tôn giáo phổ biến trên. Tranh thường có nhiều mầu sắc, có đủ loại tranh trên giấy, trên tường, trong các động Phật, hay tranh dùng trong các buổi tế lễ của các Đạo sỹ. Từ tranh tường ở Đôn Hoàng, Trung Quốc tới các tranh thờ của người Dao, tranh thờ chúa Mẫu của Việt Nam đều có thể thuộc loại tranh Đạo – Thích này.
Yên mã:
Là các tranh vẽ ngựa, yên cương cảnh cưỡi ngựa. Trung Quốc có các họa sỹ vẽ ngựa nổi tiếng từ Hàn Cán tới Từ Bi Hồng. Có lời khen Hàn Cán vẽ ngựa là từ khi có con ngựa trong tranh ông thì những con chạy rông hay kéo xe ngoài đường không phải là ngựa nữa!. Tuy nhiên hình như Đỗ Phủ lại rất chê tranh ngựa của Hàn Cán vì chúng quá thô, mập! Chứng tỏ người Trung Hoa thích ngựa từ xa xưa.
Tạp loại:
Một loại tranh nhiều tính trang trí là tranh mổ tả lầu các tức các kiến trúc nhìn từ trên xuống, một thứ panorama, toàn cảnh cung điện, đền đài hay một quần thể kiến trúc nào đó. Ở Nhật có loại đặc biệt vẽ theo cách nhìn từ trên xuống nhà không vẽ mái để người xem nhìn thấy cả cảnh sinh hoạt bên trong.
Cứ như thế người ta có thể dựa vào những nội dung chung trong tranh mà phân loại nhỏ dần.
Các loại không vào thể loại nào nêu trên được gọi là tạp loại.
Một điều đáng chú ý và gây ngạc nhiên là trong khi các trí thức, văn nhân Trung Hoa, Nhật Bản và Triều Tiên đều rất thích vẽ tranh, coi tranh là một nghệ thuật cao quý ngang với thơ và đạo thì ở Việt Nam ta hầu như không thấy có hội họa theo kiểu như vậy, theo các thể loại nêu trên. Các trí thức (Nho cũng như Phật) Việt Nam cũng chỉ thực hành thư pháp trên các hoành phi, câu đối, văn bia chứ không có thú chơi và cách tu luyện bằng thư pháp như ở các nước khác.
- Nguyễn Quân -
>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Các chất liệu kỹ thuật
>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Phân chia thể loại mỹ thuật
>>> Con mắt nhìn cái đẹp - Thể loại mỹ thuật châu Âu