Điêu khắc môi trường
Phần 2: Những công trình nghệ thuật (Mục IV)
IV. CHÙA BÚT THÁP – ÁNH HÀO QUANG NGHỆ THUẬT
Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) thuộc thôn Bút Tháp xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc.
Chùa nằm phía Nam bờ sông Đuống, ven đê trên một khu đất có độ cao ngang với mặt ruộng. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVII. Mái chùa cong vút giữa thảm lúa rập rờn và cây cối xanh ngắt. Từ xa đã nhìn thấy ngọn tháp nhấp nhô cao vút.
Xưa kia, khách đến thăm chùa đi trên một con đường lát đá tảng rộng rãi. Độ dài con đường tạo cho du khách phong thái thư nhàn, tâm được yên tĩnh. Đường quanh co uốn lượn qua làng Nhạn Tháp rồi mới tới tam quan. Qua cửa tam quan con đường lẫn vào giữa hàng thông, hai bên là vườn cây xanh tốt. Con đường dẫn ra đến gác chuông thật trầm lặng. Tất cả mọi sự nối tiếp trước khi bước chân qua nhà tiền đường và cho đến tận nếp nhà cuối cùng của ngôi chùa, không gian cứ chuyển dịch dần cuốn hút tâm ta vào cõi Phật.
Ngôi chùa bao gồm mười ba nếp nhà và tháp trong đó có mười nếp nhà chạy theo trục chính dài hơn 100m. Hai dãy hành lang chạy dọc hai bên chùa từ nhà Tiền đường cho tới tận nhà Hậu đường. Chùa được làm theo đúng dạng thức nội công ngoại quốc, thể hiện rõ nét đây là một tổng thể kiến trúc phức hợp – bao gồm nhiều không gian nhỏ và nhiều đơn khối hợp thành.
Nói chung kết cầu kiến trúc tạo không gian bên trong có khác nhau đôi chút, nền nhà bái đường (thượng điện) cao hơn nền nhà Tiền đường và nhà tích thiện am (nhà cửu phẩm liên hoa). Ta hãy ngắm xem kết cấu kiến trúc nhà Tiền đường sẽ rõ.
Nhà Tiền đường có 7 gian 8 hàng cột. Bộ vì kèo chia làm ba lớp không đều nhau. Lớp một và lớp hai nối liền nhau bởi đấu vuông. Lớp ba được nâng lên cao. Hoành tròn xà nóc được bào phẳng mặt dưới để tạo mối hài hòa chung của kiến trúc. Bẩy hiên nối liền từ cột cái qua cột quân chạy ra ngoài. Do đó không có xà nách như ta thường thấy ở một số chùa. Các cột được đặt trên bệ đá hình vuông ở giữa hình tròn.
Nhà Thiêu hương nằm ngang, ba gian nối liền nhà Tiền đường và nhà bái đường. Ở đây có ban thờ: phía trước và chân có họa tiết rồng, hai bên trang trí hoa lá. Cửa võng nhà bái đường có trang trí hình sen, giữa có hình trang trí rồng chầu mặt trời.
Nhà Tích thiện am có cây cửu phẩm liên hoa là công trình nghệ thuật đáng chú ý. Từ nền cao của điện thờ Phật, khách vãn cảnh bước qua một cầu đá dài 4,1m gồm 3 nhịp uốn cong để xuống một nền thấp hơn. Lan can phía sau nhà bái đường chạy dần xuống theo cầu đá. Dưới cầu đá có ao sen dọc theo hàng lan can làm tăng vẻ đẹp của cảnh chùa. Lan can, chia thành nhiều phiến đoạn có hình trang trí các con giống, rất sống động: cá hóa long, sư tử hý cầu, sư tử và kỳ lân, ngựa và hươu, khỉ, hổ, chim chóc, rùa, hoa lá… những phiến đoạn tạo cho lan can có nhịp điệu. Các đầu cột lan can đều có hình hoa chạy lên, ăn nhịp với diềm mái hình thành một mối tổng hòa chung của nghệ thuật.
Công trình nghệ thuật đặc sắc nhất ở đây là pho tượng thiên thủ thiên nhãn. Pho tượng thiên thủ thiên nhãn chiếm lĩnh cả một không gian rộng lớn ngay bên cạnh điện thờ Phật. Pho tượng có sức chế ngự không gian rất lớn. Bước vào nhà bái đường (thượng điện) chúng ta đã thấy sự lấn át của pho tượng thiên thủ thiên nhãn đối với điện thờ Phật.
Pho tượng thiên thủ thiên nhãn là pho tượng lớn nhất và cũng có không gian rộng nhất trong các pho tượng của chùa Bút Tháp. Nhưng ở đây vấn đề không phải chỉ đơn thuần như vậy, mà cái chính là do sự phát triển ngôn ngữ điêu khắc của tượng tạo ra. Không gian của pho tượng được phát triển một cách kỳ thú. Tất nhiên không gian của pho tượng thiên thủ thiên nhãn không thể tách rời được không gian trưng bày tức là không gian môi trường của nhà bái đường. Ở đây không gian của tượng và không gian môi trường đều có sự phát triển. Pho tượng có chiều cao tiếp cận với hoành thứ 6 tính từ xà nóc trở xuống. Thoạt tiên mới nhìn vào, chúng ta thấy tiếng nói của không gian được lan tỏa khắp gian trưng bày. Phía sau lưng quan âm là một hình lá đề trải rộng. Hình lá đề làm nền cho pho tượng và từ cái nền đó hình quan âm hiện ra rõ ràng trong ánh nến và hương khói lấp lánh. Hình lá đề cách tượng quan âm một khoảng không gian cần thiết, tạo cho giữa lá đề và tượng phía trước trở thành một khối thống nhất. Điều này rất quan trọng, nếu chúng ta giãn ra một chút như cách bày tượng phục chế tượng quan âm thiên thủ thiên nhãn của nhà bảo tàng mỹ thuật thì không thích hợp. Khoảng cách giữa tượng và lá đề xa nhau quá làm cho hai phần tượng không hòa hợp với nhau, bị tách rời thành hai phần.
Trên hình lá đề, những bàn tay nhỏ được xếp thành 14 lớp. Các bàn tay nhỏ xếp cách nhau một khoảng không gian nhất định, ở đây tạo thành những lỗ hổng chứa đựng ánh sáng. Trong mỗi bàn tay được gắn vào lá đề đều có một con mắt. Các lớp tay gắn trên mặt phẳng đứng của lá đề đều có những kích thước không đều nhau. Lá đề được biểu trưng như vòng sáng của ánh hào quang mà cũng là vòng sáng của nghệ thuật. Ở đây hình lá đề gây cho chúng ta một lúc hai cảm giác tương phản: một cảm giác lan tỏa dần ra và một cảm giác thu nhỏ dần lại vào tâm. Nghệ thuật biểu hiện trở nên hết sức sống động.
Các lớp tay nhỏ tương phản với lớp tay lớn. Các lớp tay lớn đươc gắn liền với thân quan âm, mỗi bên bao gồm 22 cánh tay. Những cánh tay lớn xếp đối xứng nhau qua thân quan âm. Mỗi cánh tay mỗi kiểu, mỗi cách, mỗi dáng. Các lớp tay nhỏ làm tăng giá trị của những cánh tay lớn, làm rõ khối tay ở các thế khác nhau, tạo nên một sức hút về khối.
Và bây giờ chúng ta thấy hiện rõ trái mặt. Trái mặt được chồng lên đầu tượng thành bốn lớp vút lên theo hình chóp, nối không gian của mái chùa với không gian bên dưới.
Không gian giải quyết đúng. Không gian gây hiệu quả cuốn hút, làm nổi rõ các khối tượng và từ các khối cho ta một cảm nhận về hình thể.
Tượng quan âm nổi lên trước vòng hao quang của lá đề ngồi xếp bằng trên một bệ tượng. Tác giả giải quyết một khối vuông tròn ở bệ tượng khá thông minh. Ta hãy nhìn cách sắp xếp các lớp của bệ tượng thì rõ. Bắt đầu từ dưới trở lên. Khối vuông được xếp lên nhau thành 2 lớp. Mỗi lớp trang trí hình sen, hoa lá. Giữa là khối vuông nhỏ hơn được thụt vào khoảng 20cm so với bệ dưới cùng. Trên đó tác giả xếp lên một khối vuông nữa. Mép khối vuông 5cm có trang trí hình hoa sen. Dưới đó là một bề mặt vuông có hình sóng nước chuyển động với nhiều con giống: tôm, cua, trai, ốc. Từ bề mặt vuông sóng nước nhô lên một con yêu quái có sức mạnh trong thế đội tòa sen. Tương truyền rằng, con yêu quái xưa kia thường hiện ra làm người lái đò quấy nhiễu hành khách, quan âm bắt nó phải đội tòa sen để trừ hại cho chúng sinh.
Hình tượng quan âm chùa bút tháp
Tòa sen có ba lớp cánh hình tròn, trên là tượng quan âm thiên thủ thiên nhãn. Phía dưới tòa sen, bệ hình chữ nhật có cạnh vát góc làm nhịp chuyển động nối tiếp từ dưới lên không bị cứng. Giữa bệ hình chữ nhật với tòa sen được tạo thành mối liên hoàn thống nhất. Các lớp bệ chữ nhật với bệ sen được sắp xếp hài hòa với nhau. Các họa tiết trang trí của bệ cũng thay đổi từ dưới lên làm cho bệ tượng có sự chuyển động. Phía dưới là sư tử hý cầu, rồng, hoa lá, hoa sen úp trong có trang trí hình lửa tiếp đến cá hóa long, hoa sen ngửa, hình trang trí hoa lá, đường chỉ, hình hoa sen đứng.
Đường cắt ngang của chân phá nếp áo chảy dọc từ trên xuống tạo thành sự tương quan nghệ thuật rất tự nhiên. Nếp áo chảy dọc có thể lại gây tương phản với những cánh tay căng, tròn, lẳn làm cho khối những cánh tay búp măng thêm mượt. Hình khối cánh tay cắt những nếp áo chảy dọc thân thể phát triển ra chiều ngang làm cho không gian được mở rộng. Sử dụng hợp lý hình khối của những nếp áo chảy dọc và những khối cánh tay cắt ngang làm tăng giá trị nghệ thuật. Dưới sự hoạt động của không gian và hình khối, hình thể Phật càng được biểu hiện rõ rệt. Tác giả đã khéo sử dụng những khoảng không của những cánh tay, khoảng cách giữa lá đề với thân tượng, giữa khối đặc và khối rỗng tạo cho tác phẩm đạt được những thành công về nghệ thuật. Pho tượng nằm trọn vẹn vào giữa hai cột cái phía trước và phần giữa cột cái, cột quân ở hai bên. Khối cột tròn to, những xà dọc, hoành, bộ vì kèo,…đã giới hạn và khống chế sự vươn ra của tượng. Những ván cửa sau ăn nhập với dui để đưa tượng lên cao và bị các xà khống chế trở lại. Sự phát triển của nghệ thuật vừa đẩy lên vừa ngăn lại, vừa phát triển ra hai bên lại vừa cắt dọc gây cảm giác pho tượng như muốn phá vỡ không gian để chuyển động, nhưng bị không gian bày tượng ngăn lại làm cho yên tĩnh. Những ngày hội lễ ánh sáng nến lấp lánh, hương khói mờ tỏa gây cho ta một không gian ảo giác về sự chuyển động của pho tượng trên cơ sở của ba yếu tố: không gian, hình khối, hình thể.
Ở đây, vai trò của ba yếu tố xếp theo thứ tự ban đầu rõ ràng đã có sự đảo ngược. Vai trò hoạt động của không gian rất mạnh và có tác dụng rất lớn. Tác dụng ấy chúng ta xếp nó ở trật tự thứ nhất. Sau đó chúng ta thấy xuất hiện sự hoạt động của khối. Khối hoạt động làm cho hình thể xuất hiện, trước mắt chúng ta cho một hình thể phật rất đẹp do vai trò hoạt động của không gian và hình khối tạo ra. Sau khi xem xét kỹ lưỡng chúng ta không còn cái cảm giác quái dị của hình thể ban đầu mà chỉ còn một cảm xúc rất đẹp về một hình thể hợp lý. Nói đến trật tự tiếp theo, chúng ta có thể xếp vai trò của khối ở hàng thứ hai và cuối cùng, ở hàng thứ ba là hình thể. Hình thể đẹp lộng lẫy mà lại rất trang nghiêm. Đứng trước pho tượng thiên thủ thiên nhãn, con người bị cuốn hút, cảm thấy mình bé nhỏ nhưng lại được lòng từ bi nâng đỡ. Con người ngước nhìn pho tượng với lòng ngưỡng mộ, chân thành mong được sự cứu nạn cứu khổ.
Nói về điêu khắc chùa Bút Tháp, chúng ta có thể kể thêm vài pho tượng nữa như tượng A Di Đà, Tuyết Sơn, Văn Thù, Phổ Hiền… Nhưng phải nói rằng: pho tượng thiên thủ thiên nhãn là đẹp hơn cả. Đây là pho tượng về mặt mỹ thuật nó vượt xa tất cả hệ thống tượng của chùa Bút Tháp. Và có lẽ vị trí của pho tượng còn nằm trên đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Từ pho tượng A Di Đà phật tích đến tượng nghìn tay nghìn mắt Bút Tháp, lịch sử điêu khắc Việt Nam phải trải qua một đoạn đường dài bảy thế kỷ và từ đấy đến điêu khắc chùa Tây Phương ông cha ta còn phải đi thêm một thế kỷ nữa! Pho tượng thiên thủ thiên nhãn thật là một kỳ công của lịch sử nghệ thuật.
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục III)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục II)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 2 - Mục I)
>>> Điêu khắc môi trường (Phần 1)