Tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (Phần 1)

1. Khái lược về kiến trúc chùa Việt và điêu khắc tượng Phật:

Chùa Việt là một thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt dẫu lịch sử có biến động thịnh hay suy. Cho đến ngày nay, người ta khó có thể hình dung về một ngôi chùa Việt thưở ban đầu, nhưng dường như tâm thức Việt về đạo Phật cổ xưa vẫn ẩn hiện trong các tác phẩm tạo hình điêu khắc Phật giáo Việt Nam. Do đó nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo có thể bổ sung những nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu kiến trưc và ngược lại. Có thể thấy rằng kiến trúc chùa và điêu khắc tượng Phật trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam phát triển song hành. Quy mô và hình thức bài trí tượng Phật như thế nào thì kiến trúc điện Phật sẽ được phát triển theo hướng đó. Nếu chùa nhỏ thì tượng thờ cũng ít, kích thước tượng cũng bé. Nếu ngôi chùa lớn, số lượng tượng thường là nhiêud, kích thước tượng cũng to lớn. Ngoài ra, hoàn cảnh xã hội cũng như vị thế của người hưng công vô cùng quan trọng để quyết định vị thế và quy mô ngôi chùa. Thời Lý - Trần, người ta chia chùa làm ba loại gồm: Đại danh lam, Trung danh lam và Tiểu danh lam. Đại danh lam và Trung danh lam thường là những ngôi chùa lớn có vị thế quốc gia hoặc do hoàng tộc và các vị quyền cao chức trọng ttong triều đình đứng ra hưng công xây dựng. Còn Tiểu danh lam có thể hình dung là một ngôi chùa làng để cho các tín đồ Phật giáo giới bình dân đi lễ.Tuy nhiên có lẽ không phải cứ đại danh lam là kiến trúc ngôi chùa sẽ được xây thật lớn. Ví dụ như ngôi chùa Diên Hựu ở Thăng Long, ttong mô tả của kinh sách, ngôi chùa này là ngôi chùa Hoàng gia với rất nhiều các công trình kiến trúc phụ trợ, nhưng Quan Âm Các - điện thờ Quan Âm lại có kích thước rất vừa vừa chứ không quá đồ sộ. Dù rằng ngày nay chúng ta không thể chắc chắn kiến trúc xưa của ngôi chùa thời Lý xây năm 1049 như thế nào, nhưng việc dựng lầu Quan Âm trên một cái trụ lớn có thể ít nhiều hình dung mô hình của điện thờ này mà chiếc cột đâ chùa Dạm là hình mẫu từ một di tích khác. Các nhà nghiên cứu cho đây là một phần sót lại của di tích kiến trúc xưa.

tuong 1

Cột đá chùa Giạm, Quế Võ, Bắc Ninh - Di tích kiến trúc chùa thời Trần, TK 13

tuong 2

Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh

Tiền đường là kiến trúc TK 18, tháp Hòa Phong phía sau được cho là dấu tích của TK 10, đến TK 18 được tu sửa lại.

a. Kiến trúc chùa và điện Phật ở Bắc Bộ:

Những dấu tích cụ thể về kiến trúc chùa Việt hiện còn đến ngày nay có lẽ là kiến trúc chùa của thời Lý cách ngày nay khoảng hơn 1000 năm. Một số ngôi chùa nằm trong hệ thống chùa Tứ Pháp điển hình là chùa Dâu cũng cho ít nhiều gợi ý về mô hình của một kiến trúc tôn giáo trước TK 10. Các điêu khắc hiện còn như điêu khắc tượng A di đà Phật Tích, Ngô Xá, Hoàng Kim, hay tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện có kích thước khá tương đương nhau. Qua hàng loạt di tích thời Lý với hệ thống tượng ít ỏi đó ta có thể rút ra về một kiểu thức mặt bằng và lối bài trí điêu khắc đặc trưng cho giai đoạn này. Đó là dù công trình kiến trúc có thuộc vào hàng đại danh lam, trung danh lam hay tiểu danh lam, thì kiến trúc trọng tâm của ngôi chùa đều có dạng mặt bằng gần vuông mỗi chiều khoảng 9 - 10m được bó vỉa bằng đá tảng tôn cao. Trên mặt bằng trung tâm này, người ta có thể dựng điện Phật, hoặc tháp. Điển hình là tháp Phật Tích, tháp Chương Sơn, tháp Tường Long, tháp Long Đọi… Các chùa như chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng, chùa Linh Xứng hay Diên Hựu… Trong lòng ngôi tháp đó hoặc nội thất trung tâm công trình kiến trúc gỗ đó thường chỉ tọa lạc một vị thần chủ. Theo các ghi chép của lịch sử Phật giáo thì vị Phật này có thể là Như Lai Đa Bảo, Phật A di đà hoặc Quan Âm. Xung quanh điện Phật trung tâm này, người ta xây dựng các công trình kiến trúc được thể hiện ra như thế nào. Các ngôi chùa như chùa Phật Tích, chùa Dạm thì nương theo các cấp bậc của đồi núi thấp để xây dựng các công trình Chùa Long Đọi, Tường Long lại chọn địa thế khá cao để tọa lạc và khán viễn phong cảnh kỳ tú. Ngoài các pho tượng chiếm vị trí thần chủ kể trên thì ngôi chùa thời Lý còn có sự hiện diện của hệ thống tượng Kim Cương. Các tượng này có thể là tượng tròn, cũng có thể là phù điêu được chạm khắc gắn liền với ngôi tháp đá trung tâm. Các vị này với chức năng hộ pháp, bảo vệ giáo lý nhà Phật nên thường được đặt hai bên cửa mỗi mặt tháp quay về bốn hướng. Ngôi chùa đặc biệt nhất trong số các ngôi chùa kể trên là chùa Phật tích còn có thêm một hàng thú 10 con, chia đều bày hai bên trục đường thần đạo theo vị trí ngang mà không phải đặt dọc theo đường thần đạo kiểu điêu khắc kiến trúc lăng mộ của các thế kỷ sau. Hình thức tượng thú này cũng tìm thấy ở một số di tích thời Lý khác như chùa Ngô Xá, hay chùa Thông thời Trần sau này. Tuy nhiên chỉ có một con sư tử với kích thước nhỏ bé hơn nhiều so với những con thú ngự trên tòa sen hình hộp kể trên. Phải chăng, sau chùa Phật Tích hình tượng các con thú chầu này không còn được chạm khắc độc lập nữa, nó gắn liền với các thềm bậc của các công trình kiến trúc và tồn tại bền lâu trong lịch sử chùa Việt.

Sang thời Trần, cũng như thời Lý do chỉ còn sót lại ít ỏi các dấu tích kiến trúc và điêu khắc nên việc hình dung cụ thể về một ngôi chùa Trần nguyên bản là khá khó khăn. Tuy nhiên kiến trúc chùa và tháp dường như đã được phân định một cách khá rõ ràng. Ngôi tháp không còn chiếm vị trí trung tâm của ngôi chùa nữa, chúng trở thành các ngôi tháp biểu tượng đặt ở phía trước toàn bộ điện Phật như chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Bình Sơn chùa Vĩnh Khánh (Vĩnh Phúc). Điện Phật trung tâm thường là kiến trúc gỗ tọa lạc phía sau. Các ngôi chùa không có tháp chiếm một số lượng lớn trong số các di tích còn lại của giai đoạn này. Có thể kể đến như: chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bối Khê (Hà Tây cũ), chùa Xuân Lũng (Phú Thọ), chùa Hào Xá (Hải Dương), chùa Ngọc Đình (Hà Tây cũ)… Đặc điểm chung của các điện Phật trung tâm ngôi chùa thời Trần thường được đánh dấu bởi một di vật độc đáo được nhiều tranh cãi, luận bàn. Đó là chiếc bệ đá hoa sen hình hộp hay chiếc nhang án đá. Di vật đá có kích thước khá lớn này nằm ở vị trí sát phần trong của gian giữa. Nó cho thấy điện Phật thời Trần cũng không lớn hơn thời Lý là bao nhiêu, mặc dầu tổng thể quy mô kiến trúc ngôi chùa Lý Trần là rất rộng lớn. Nền chùa có lẽ lấy theo kích thước mặt bằng gần vuông của ngôi tháp trung tâm thời Lý, được kè tôn cao so với mặt đất là 70 – 120 cm bó vỉa bằng đá khối hoặc gạch, mỗi cạnh khoảng từ 9 – 12m. Trong không gian kiến trúc ấy, bệ đá hoa sen hình hộp kể trên tọa lạc thật trang trọng đẹp đẽ đưa đến những phỏng đoán về hệ thống tượng Phật của thời Trần cũng không đông đảo hơn thời Lý. Mặc dầu trong các công trình nghiên cứu gần đây, những tác phẩm chạm khắc đá đồ sộ này không phải là bệ tượng với dẫn chứng rằng các dòng chữ được ghi trên đó là “Thạch bàn” ở chùa Bối Khê (1382) và chùa Ngọc Đình (1375) là “Phật Thạch bàn”. Ông cho rằng đây chính xác là những nhang án – bàn thờ chứ không phải là bệ tượng.

Đồng thời với giả thuyết này, ông cho rằng điện Phật thời Trần không có tượng mà được thờ bằng tranh. Tuy nhiên nếu soi chiếu lại hình thức thờ tự sau này đặc biệt từ thời Mạc trở đi, chúng tôi cho rằng, di vật này phải là chiếc bệ tượng. Chiều dài của nó đủ cho một bộ tượng Tam thế tọa lạc. Giả thiết này cũng không phải là giải thuyết hoàn toàn mới so với các học giả nghiên cứu về chùa Việt. Nhưng chúng tôi cũng ngờ rằng dòng chữ “Phật Thạch bàn” kể trên có nghĩa là bàn đá đặt để tượng Phật chứ không phải là hương án bởi thể loại này có chút ít khác biệt so với các dạng hương án nói chung.

tuong 3

Tượng Kim Cương - Chùa Long Đại, Duy Tiên, Hà Nam, TK 11

tuong 4

Tháp Phổ Minh, TK 14, Nam Định

tuong 5

Bệ đá hoa sen, chùa Bối Khê, niên đại 1382, thời Trần

tuong 6

Mảng chạm khắc trên vì móc thượng điện chùa Thái Lạc, TK 13. Bức chạm này mô tả hình tượng đậm chất huyền thoại, chim thần Kinari có đầu tiên nữ mình chim đang dâng hương. Đây là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của nghệ thuật Phật giáo thời Trần.

Ngoài ra, cũng có một giải thuyết khác được đưa ra về hệ thống tượng Phật trong các ngôi chùa thời Trần, đó là do hệ thống điêu khắc đá thời Lý đã rất hoàn thiện, nên thời Trần, người ta không tạc thêm pho tượng đá nào nữa mà thay vào đó họ đúc các tượng Phật bằng đồng, hoặc tạc bằng gỗ. Ngày nay dù không tìm thấy bất cứ pho tượng đồng nào của giai đoạn bày nhưng thư tịch ghi lại về việc đúc tượng thời Trần khá nhiều. Điển hình là tượng Di Lặc chùa Quỳnh Lâm. Theo văn bia năm 1324 (niên hiệu Khai Thái) Hoàng tộc nhà Trần đã quyên đồng để đúc tượng Di Lặc cao 6 trượng. Sở dĩ đến nay các tượng đồng này không còn dấu vết có lẽ do hoàn cảnh lịch sử chiến tranh của người Việt. TK 14, với cuộc xâm lược tàn độc của nhà Minh  đã phá tượng, đạp bia, đốt chùa. Tượng đồng có thể đã bị đem đi đúc vũ khí. Do đó nhiều ngôi chùa thời Trần không có tượng và những chiếc bệ đá trung tâm còn trơ lại như một dấu tích.

tuong 7

Kết cấu và chạm khắc trang trí trên vì nóc thượng điện chùa Hương Trai. Với kết cấu này cho thấy kiến trúc ngôi chùa thời Mạc chưa thay đổi bao xa so với thời Trần. Mảng chạm hình tượng rồng cuộn cũng là biểu tượng rất đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo TK 16.

Đến TK 16, khi Phật giáo được phục hưng, hệ thống tượng Tam Thế đã được tạc lại rất nhiều. Tượng Tam Thế thời Mạc phải chăng đã ngự trên chiếc bệ đá – di sản thời Trần để lại. Về kiến trúc chùa thời Mạc với kiểu thượng điện một gian hai chái gồm bốn cột cái và 12 cột quân, trên nền được bó vỉa với dạng mặt bằng hình gần vuông, cũng có nghĩa chưa có thay đổi bao xa so với kiến trúc Phật giáo thời Trần dù đã có một thế kỷ thời Lê Sơ trôi qua.

Thời Lê Sơ, tư tưởng văn hóa xã hội Việt đã có những sự thay đổi rõ rệt so với thời Lý Trần. Đây là giai đoạn mà các nhà nghiên cứu đều nhất trí là bản lề chuyển từ chế độ dân quân chủ chuyên chế Phật giáo sang chế độ quân chủ chuyên chế Nho giáo. Nho giáo được đề cao, Phật giáo, Đạo giáo bị hạn chế. Do vậy nên các công trình kiến trúc chùa chiền dường như ít được xây dựng mới. Nếu có thì chủ yếu là tu bổ và thường không có sự ghi chép lại. Vậy nên các ngôi chùa ít có sự đổi khác, duy trì và gìn giữ được mẫu thức thời Trần cũng đang là một thành tựu để đến thời Mạc, khi Phật giáo chấn hưng di sản đó tiếp tục được kế thừa và phát triển.

Các ngôi chùa như Thái Lạc (TK 13) Hương Trai (1370) đều là những ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ thời Trần nhưng được trùng tu lớn vào thời nhà Mạc và các giai đoạn sau. Nếu chùa Thái Lạc lưu giữ nhiều nhất di sản kiến trúc gỗ thời Trần thì chùa Hương Trai lại lưu giữ nhiều các di sản kiến trúc gỗ thời Mạc. Hệ thống vì nóc thượng điện Thái Lạc và kết cấu vì nóc Thiêu hương Hương Trăi gần như tương tự nhau cả về kết cấu và lối chạm khắc.

Ngôi chùa thời Mạc ngoài hệ thống các điêu khắc tượng Tam Thế Phật phát triển nở rộ trong các ngôi chùa, các thể loại tượng khác cũng xuấ hiện như tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Trong tinh thần chấn hưng của Phật giáo cả ở dân gian lẫn triêu đình phong kiến, sự tham gia hưng công tu sửa chùa chiền của các hoàng thân quốc thích đã khiến cho ngôi chùa thời Mạc bắt đầu thay đổi và chuyển biến. Hai bộ tượng Tam Thế thời Mạc điển hình hiện nay được đặt trên các bệ đá hoa sen hình hộp ở chùa Hương Trai (Hà Tây cũ), chùa Hoa Long (Thanh Hóa), dường như rất vừa vặn chứ không phải các bộ tượng này bị đặt nhầm chỗ lên hương án càng củng cố cho giả thuyết kể trên. Bệ đá hoa sen này có thể xem là một kiểu thức bệ chung, mặc dầu đối với mỗi pho tượng Tam Thế đều tạo tác đài sen riêng biệt. Cũng có thể thấy một sự tương thích nữa giữa kiến trúc chùa thấp nhỏ và chiếc bệ đá đặt ở vị trí sát với phần trong của gian giữa với chiều cao của các pho tượng này cho phép Phật tử có thể đi vòng một vòng xung quanh để chiêm ngưỡng vẻ tổng thể cả tượng với bệ. Điều này cũng rất gần với các điêu khắc thời Lý, khi Phật điện trung tâm có cửa mở ra bốn hướng. Nó liên quan mật thiết đến nghi lễ nhiễu Phật vẫn được thực hành trong các ngôi chùa Việt. Các tín đồ Phật tử vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật xung quanh ban Tam bảo. Nghi lễ này dẫu vẫn được duy trì, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đện Phật Đại thừa TK 17, nên việc bài trí và chiếm bái tượng Phật, từ đây không còn như trước. Các tầng lớp tượng Phật đặt san sát nhau, khiến việc chiêm bái đó chỉ là ba chiều. Hệ thống tượng Phật này đã làm thay đổi cục diện kiến trúc.

tuong 8

Bài trí bộ tượng Tam Thế Phật TK 16, trên bệ đá hoa sen TK 14, Thượng điện chùa Hương Trai, Hoài Đức, Hà Nội

Một vấn đề rất cần được lưu tâm là các kiến trúc gỗ truyền thống Việt cổ xưa, phụ thuộc lớn vào hệ thống vì kèo và bước cột của hai cột cái. Bước cột này, quyết định sự rộng hẹp của ngôi chùa, đặc biệt là thượng điện – nơi bày các tác phẩm điêu khắc Phật giáo. Bởi vậy, nó cũng quyết định kích thước to lớn hay nhỏ bé của các pho tượng được bai trí trong không gian ấy. Độ lớn nhất của các cây gỗ cao 3m – 4m sẽ tạo ra một bước cột rộng nhất cũng khoảng chừng ấy. Vậy nên quy vuông của một gian tòa chính điện thường cũng không thể quá lớn. Chiều cao của hệ mái với độ rộng của bước cột này khoảng trên dưới 6m, như vậy, chiều cao của một thượng điện rộng lớn cũng không thật quá cao cho những pho tượng khổng lồ. Vì thế, việc thiết kế tượng và bệ tượng được bài trí như thế nào trong một ngôi chùa Việt là hết sức linh hoạt. Bệ tượng có nhiều tầng cấp chính là thể hiện sự linh hoạt đó hay chỉ có đài sen. Nó dẫn đến nhiều điêu khắc tượng Phật trong chùa Việt, tượng có một niên đại bệ lại có một niên đại khác.

Ngoài ra, đối với người Việt tâm thức về chùa chiền là sự thân cận gần gũi. Thành thử, nếu chùa được dựng cao lớn khang trang, nhưng tượng thường cũng không mấy khi được tạc quá lớn. Người Việt nhỏ bé, ưa thích, đứng trước một pho tượng vừa tầm để cảm nhận ở đó sự che chở về mặt tâm linh nhiều hơn là tìm thấy ở đó niềm kính sợ. Những pho tượng thực sự đồ sộ chỉ được làm vào cuối TK 18 và TK 19 như ở chùa Bà Đá, Hưng Ký ở Thăng Long có chiều cao lên đến 3m. Thời điểm này cũng là thời điểm mà xã hội cũng như Phật giáo đã có ít nhiều biến động. Trong đó có cả nguyên nhân về việc thay thế dần các vật liệu truyền thống bằng vật liệu hiện đại. Đây là một câu chuyện dài ảnh hưởng đến cả sự thay đổi về kiên trúc chùa việt cũng như điêu khắc tượng Phật. Chất liệu quyết định đến kỹ thuật và cả hình thái pho tượng để tạo nên một sự tương thích trong không gian chùa chiền.

Trở lại với sự phát triển của ngôi chùa Việt trong TK 16-17. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc cách mạng lớn của kiến trúc gỗ truyền thống Việt. Đó là sự thay thế của chất liệu và cải tiến kỹ thuật. Với chất liệu gỗ mít việc tạo dựng hệ vì kèo thường thấp, tiết diện thân cột lớn nhưng bước cột lại không quá rộng dẫn đến không gian thượng điện hẹp. Hệ vì kèo này chịu trọng lực của bộ mái khổng lồ chiếm đến ¾ chiều cao của công trình kiến trúc khiến cho công trình bên trong khá tối. Việc sử dụng gỗ lim thay thế gỗ mít để dựng chùa đã tạo ra sự phát triển rực rỡ về kiến trúc truyền thống nói chung và chùa Việt nói riêng. Đặc điểm của cay lim là rắn chắc vững chãi và cao lớn. Do đó mà chiều cao của công trình kiến trúc đã được nâng lên đáng kể. Việc giải phóng các công năng chịu lực ở bột vì giá chiêng, quá giang thay chỗ cho câu đầu, các liên kêt giữa các bộ vì là các xa thượng hạ làm cho kết cấu kiến trúc trở nên vững chãi hơn, nhưng cũng thanh thoát hơn. Kiến trúc của TK 17 không còn là kiến trúc mở rỗng các hàng chân cột nữa mà hệ thống vách đổ, cửa bức bàn cửa chấn song đã làm nên một hình thái mới cho ngôi chùa giai đoạn này.

TK 17 cũng là giai đoạn xã hội Việt Nam có nhiều biến động. Nho giáo khủng hoảng trong thiết chế triều định vừa có vua vừa có chúa. Các cuộc nội chiến xảy ra liên miên bởi sự tranh chấp quyền lực giữa các thế lực phong kiến trong xã hội. Do đó thiết chế làng xã đã trở nên co cụm. Đình làng trở thành một “tiểu triều đình” ở các làng quê. Chùa cũng là nơi tìm những giá trị cứu cánh về mặt tinh thần. Từ hoàng thân quốc thích đến dân thường đều xem chùa là chốn tìm về. Sự biến động trong chính Phật giáo Việt cũng tạo nên những ảnh hưởng nhất định như sự du nhập của hai hệ phái Phật giáo Lâm Tế, Tào Động từ Trung Hoa. Sự phát triển kinh tế thương mại từ thời Mạc đã trở thành một tiền đề căn bản cho sự phát triển của các ngôi chùa. Nếu trong các ngôi chùa thời Mạc các thể loại tượng bắt đầu đông dần lên: tượng Tam Thế, tượng Quan Âm, tượng Thích Ca sơ sinh, tượng Hộ pháp, tượng Ngọc Hoàng thượng đế, tượng vua chúa và cả những người bỏ tiền ra hưng công xây dựng chùa được đưa vào thờ tự, gửi giỗ làm nên hệ thống các tượng và bia hậu Phật và trở thành một tiền lệ cho sự phát triển đa dạng các kiểu thức thờ tự trong ngôi chùa Việt.

tuong 9

Sơ đồ mặt bằng kiến trúc “nội Công ngoại Quốc” TK 17, chùa Bối Khê, Hoài Đức, Hà Nội

tuong 10

Sơ đồ mặt bằng kiến trúc “nội Công ngoại Quốc” đúp (gồm 2 chữ Công trong khuôn viên của chùa) TK 17
chùa Keo Hành Thiện, Xuân Hồng, Nam Định

Có lẽ TK 17, ngôi chùa đã không chỉ là chốn thiền môn Phật pháp, mà nó đã trở thành một phức thể của tôn giáo tín ngưỡng Việt. Nếu ngôi chùa các giai đoạn trước đó hệ thống tượng thờ có phần đơn giản, thì giai đoạn này ngôi chùa Việt chấp nhận sự gia nhập của các loại hình tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng thờ Mẫu nhập điện Phật. Tín ngưỡng thờ nhân thần nhập điện Phật. Tín ngưỡng thờ tổ tiên dân tộc Việt cũng nhập điện Phật… Do đó từ cuối TK 16, cùng với sự thay đổi trong chất liệu, kỹ thuật kiến trúc kể trên thì nhu cầu bành trướng của ngôi chùa Việt là một nhu cầu rất thực tế. Hàng loạt các ngôi chùa được mở rộng để có thể bài trí nhiều hơn nữa các ban thờ, đồng thời cũng là để các tín đồ Phật tử có được không gian hành lễ rộng rãi hơn. Thể thức tiền Phật hậu Thánh, tiền Phật hậu Mẫu, tiền Phật hậu Tổ… trở nên nở rộ. Vậy, các mẫu thức mặt bằng ngôi chùa TK 17 trở về sau cũng trở nên phong phú và đa dạng.

Từ một ngôi điện Phật trung tâm, ngôi chùa được thêm các công trình phía trước và phía sau. Hình thức tam quan trong chùa Việt đã manh nha có từ thời Mạc, thì giai đoạn này các hình thức tam quan trở nên phổ biến. Không chỉ vậy Tam quan cộng nhập với kiến trúc gác chuông thành tam quan – gác chuông. Hình thức lầu chuông, lầu khánh / trống cũng xuất hiện. Trong các ngôi chùa thờ Thánh, chùa đã có tam quan nay có thêm nghi môn (chùa Bối Khê, chùa Láng, chùa Lâm So), hoặc tam quan ngoại, tam quan nội (chùa Keo Vũ Thư, Keo Hành Thiện). Việc xuất hiện thêm một lần cửa này theo quan niệm chính là sự chứng thực cho không gian kiến trúc thờ Thánh vừa riêng lại vừa chung trong chùa Việt.

Mặt bằng thượng điện cũng bắt đầu có sự thay đổi. Nếu thời Mạc, nền thượng điện vẫn như thời trần có bố cục dạng gần vuông một gian hai chái được tôn cao bó vỉa, thì ngôi chùa giaii đoạn này phát triển mở rộng thêm các hình thức khác. Dạng kiến trúc hình chữ Đinh xuất hiện như dạng kiến trúc có thêm hậu cung của đình làng, tức một gian nữa được dựng nối tiếp với gian giữa của tòa nhà ba gian hai chái. Ngôi chùa thời Mạc được hạ giải và thiết kế lại theo dạng chữ Công hoặc chữ Đinh. Các cấu kiện kiến trúc thượng điện thời Mạc ở một số chùa đã được lắp lại vào cac svij trí khác với vị trí ban đầu có thể là tòa Thiêu Hương hoặc hậu điện như ở chùa Thầy TK 17, chùa Hương Trai TK 17, chùa Mía TK 18.

Từ TK 17 hình thức mặt bằng này đã trở nên được ưa chuộng như một giải pháp kiến trúc tối ưu và linh hoạt. Kiến trúc chữ Công trong chùa Việt cũng rất đa dạng như: nối tiền đường và thượng điện bằng một gian ống muống theo hình thức cầu mái rỗng hàng chân cột (chùa Bút Tháp, chàu Thầy); tiền đường và thượng điện được nối bằng một tòa ống muốn có tường bao thành hình chữ Công; hoặc kiến trúc chữ Công độc lập tách khỏi tiền đường nằm trong không gian trung tâm sau tam quan (chùa Keo Hành Thiện). Lối thờ tiền Phật hậu Thánh kể trên ở một số chùa cũng làm nên các kiến trúc chữ Công khác nhau. Như chùa Keo Hành Thiện có hẳn hai kiến trúc chữ Công trong khuôn viên của hệ thống hành lang bao quanh. Chùa Bối Khê thì kiến trúc chữ Công được nối mái liền với hệ thống hành lang và một chữ Công nữa nối giữa hậu đường và điện thánh.

Có thể nói, với hệ thống hành lang và tường vây bao quanh ngôi chùa Việt TK 17, đã khiến chúng trở thành một thực thể kiến trúc khép kín. Tất cả đều được sử dụng để bài trí tượng pháp để trở thành mẫu hình thống nhất giữa kiến trúc bên ngoài và nội thất bên trong. Thứ tự vị trí của các ban thờ dẫu rất linh hoạt ở từng ngôi chùa khác nhau, nhưng về cơ bản là có sự nhất quán. Hệ thống điện thờ cũng như kiểu thức “nội Công ngoại Quốc” hoàn thiện này cho đến ngày nay hầu như ít biến đổi. Chỉ có tượng pháp được thêm vào các giai đoạn sau, khiến ngôi chùa Việt càng ngày càng trở nên đông đảo.

tuong 11

Các dạng mặt bằng kiến trúc chùa Việt

1- Mặt bằng hình chữ Nhất. Kiểu thức kiến trúc gần vuông này là loại hình phổ biến của kiến trúc thượng điện chùa Việt thời Lý – Trần TK 11-14.

2- Mặt bằng hình chữ Đinh. Đây là kiểu thức kiến trúc thượng điện chùa Việt phổ biến từ sau TK 14 và thời Mạc.

3- Mặt bằng hình chữ Công. Đây là kiểu thức kiến trúc thượng điện chùa Việt phổ biến vào cuối TK 16 và TK 17.

4a-4b – Mặt bằng kiến trúc nội Công ngoại Quốc. Kiểu kiến trúc rất phổ biến của ngôi chùa Việt TK 17, 18, 19.

5a-5b – Mặt bằng hình chữ Khẩu, kiểu thức kiến trúc phổ biến của các ngôi chùa Việt ở miền Trung, điển hình là Huế. Tòa thượng điện của chùa có thể là 1 tòa (5a) nhưng cũng có thể là 2 tòa (5b) xây theo lối trùng thiềm điệp.

6a-6b – Mặt bằng hình chữ Tam, kiểu kiến trúc chùa Việt thường gặp sau TK 18. Trong kiến trúc chùa Bắc giữa các tòa thường có khoảng lưu không (6a). Trong kiến trúc miền Trung và Nam, kiểu nhà Rường (miền Trung) và nhà bánh ít (miền Nam) lối xây 3 nếp nhà liền kề này đã tạo nên kiểu dạng trùng thiềm điệp ốc.

Sang đến TK 18, tham vọng mở rộng mặt bằng cho ngôi chùa còn được nhìn thấy trong thiết kế kiến trúc độc đáo của hai ngôi chùa song sinh là Tây Phương và Kim Liên. Theo Nguyễn Đăng Duy thì mô hình mặt bằng này có từ thời Trần, theo kết quả khảo cổ học chùa Lấm (Quảng Ninh). Tuy nhiên, nếu xét về tính hoàn thiện, thì hai ngôi chùa TK 18 kể trên mới đạt đến trình độ tuyệt xảo trên cả phương diện kết cấu kiến trúc lẫn ý nghĩa biểu tượng. Ba nếp nhà song song tạo thành hình chữ Tam cách nhau với một khoảng sân hẹp cùng hệ thống tường vây gần như ôm sát chân cột và hệ thống cửa sổ Sắc – Không, khiến cho kẻ hành hương bước qua cửa chùa có cảm giác như không gian của cả ba tòa là một không gian thống nhất. Riêng chùa Kim Liên sau được trùng tu đã xích các toàn lại sát nhau và kiến tạo thêm hệ thống máng xối ở giữa, khiến cho mặt bằng của ngôi chùa đã được hợp nhất. Về hệ thống tượng được bày trong không gian này, tuy vẫn được chia theo trục chính của các gian giữa và trục hai bên như ngôi chùa “nội Công ngoại Quốc” rất thống nhất nhưng cái cảm nhận về sự đồ sộ rộng rãi là hiện hữu.

tuong 12

Sơ đồ mặt bằng kiến trúc hình chữ Tam TK 18, chùa Kim Liên, Hồ Tây, Hà Nội

tuong 13

Tháp Bảo Nghiêm, chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh

Bên cạnh dạng thức mặt bằng hình chữ Công được phát triển nở rộ từ TK 17 nhằm mở rộng mặt bằng thờ tự cho ngôi chùa, thì kiểu thức mái chồng diêm không thể không được nhắc đến. Đây là một trong những thành tựu kiến trúc quan trọng, làm nên sự thay đổi không gian ngôi chùa Việt theo chiều cao. Khi hệ thống tường vây, cửa bức bàn, hàng chấn song khép kín khiến không gian bên trong hệ mái đồ sộ đó trở nên tối. Vậy nên giải pháp kiến trúc nâng tầng mái lên thêm một tầng nữa, đã khiến cho các công trình có được ánh sáng tự nhiên nhất trong nội thất để chiêm bái tượng Phật. Cùng với kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, ngôi chùa Tây Phương và Kim Liên còn kế thừa cả kiểu thức tàu đao mái lá của kỹ thuật kiến trúc đình làng, để làm nên các ngôi chùa có những đầu đao cong vút. Hai công trình kiến trúc này được ví như những bông hoa sen nghìn cánh trong nghệ thuật Phật giáo Việt.

Như vậy sau TK 17, kiến trúc “nội Công ngoại Quốc” của ngôi chùa Việt ở miền Bắc đã trở nên hoàn thiện. Thể thức bài trí tượng thờ cũng hoàn thiện. Các loại hình tín ngưỡng dân gian kể trên được tích hợp vào chùa Việt để làm nên lối tiền Phật hậu Thánh / hậu Tổ / hậu Mẫu cũng trở nên quy củ và tuân theo một nguyên tắc nhất định.

>>> Điêu khắc môi trường  (Phần 1)

>>> Mỹ thuật hai chiều, ba chiều và môi trường

>>> Chép đầu tượng trong điêu khắc

0976984729