Thời gian và sự chuyển động (Phần 1)

1. Khái niệm chung về thời gian và sự chuyển động:

a. Khái niệm về thời gian:

Thời gian là một khái niệm trừu tượng, khó định nghĩa. Nó là thứ không thể nắm bắt và con người biết rằng thời gian sẽ không bao giờ thuộc về mình. Cùng lắm, con người có thể sử dụng một cách tốt nhất phần thời gian dành cho mỗi người.

Làm sao chúng ta có thể đo được thời gian trong khi mà hầu hết tất cả đại lượng vật lý trong thế giới xung quanh ta, dù là chiều dài, thể tích, khối lượng hay năng lượng đều là những thứ có thể thao tác được. Đối với thời gian thì không, không thể cắt ra một khoảng thời gian để so sánh nó với một khoảng thời gian lấy ở nơi khác.

Muốn đo thời gian, phải chọn xung quanh ta một hiện tượng mà ta biết thao tác và nó sẽ được lặp lại giống y hệt chúng ta. Từ xa xưa loài người cảm nhận được thời gian thông qua sự vận hành, sự thay đổi lần lượt của Ngày, Đêm, Sáng và Tối.

Kế đó, người ta nghĩ ra và sử dụng, sáng chế những phương tiện từ thiên nhiên và nhân tạo để đo, tính, đếm thời gian. Các phương tiện gồm có:

- Dựa vào chu kỳ chuyển dịch: mọc và lặn của Mặt trời từ lúc rạng đông cho đến  chiều tà để tính ra Ngày, chu kỳ Ngày đêm, sáng tối.

- Dựa vào vòng quay, chu kỳ thời gian xuất hiện của Mặt trăng để quy ra Tháng, Mười hai lần Trăng mọc thì gọi là một năm. Mỗi năm chia ra làm Tứ thời, Tứ Quý, Chu kỳ của năm là bốn Mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

- Sáng chế ra các loại đồng hồ để phân chia tính, đếm, quản lý thời gian trong ngày, thông qua sự chuyển dịch của giây, phút, khắc và canh giờ.

- Trong triết học và tôn giáo ở Phương Đông thì thời gian là sự tuần hoàn, sự vận hành liên tục.

- Chu kỳ của đời sống là sự vận hành của chu kỳ: Sinh, Tử và Tái sinh.

Đạo Phật đã dùng hình tượng Bánh xe Luân hồi: để nói về cõi trầm luân.

Bốn giai đoạn: Sinh, Lão, Bệnh, Tử là chu kỳ của kiếp người.

Chu kỳ: sáng tạo, bảo toàn, phân hủy, lụi tàn và tái tạo liên tục diễn ra trên thế gian này là quy luật muôn đời.

Về mặt tâm lý, khi nói đến khái niệm thời gian đi không trở lại, người ta ví: “Con người không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” bởi vì dòng nước trên con sông ấy, chảy qua đi liên tục, từng giờ, từng phút, từng giây không bao giờ ngừng lại.

Như đã nói ở trên về sự khó khăn hay tính tương đối của sự đo lường thời gian thì còn có một khó khăn khác bắt nguồn từ tính không xác định của cái được đo.

Hầu hết những thiết bị mà con người sáng chế đều do khoảng cách thời gian, nói cách khác là thời khoảng: thời khoảng thể hiện tính không thể đảo ngược của dòng thời gian nhưng không cho phép xác định chính xác trình tự thời gian của các biến cố.

Chúng ta có hai loại thời gian: Thời gian vật lý và thời gian tâm lý.

b. Khái niệm về sự chuyển động:

Sự vận chuyển là sự vận hành, lay động của cơ thể động vật, đồ vật trong không gian vật lý của xã hội con người theo quy luật cơ học, thăng bằng: do sự tác động của nhiệt năng, điện năng, sức gió, khí động học. Đó là sự chuyển động về vật lý mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy và có thể đo lường được bằng các công cụ khoa học về vật lý…

Sự chuyển động vận hành theo nhiều chiều hướng khác nhau nó gợi cho chúng ta về sự sống của con người, con vật hay máy móc còn hoạt động.

Chúng ta có nhiều khái niệm về sự chuyển động, đó là:

- Sự chuyển động về mặt vật lý, về cơ học.

- Sự dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác.

- Sự chuyển động về mặt tâm lý.

- Sự biến đổi tâm trạng, cảm xúc, sự rung động.

- Sự chuyển động về thị giác.

Sự chuyển động thị giác chính là do ảo giác tạo dựa trên sự tương tác của các yếu tố hình thức trên bề mặt tác phẩm 2 chiều hay 3 chiều.

Hình thái này không ảnh hưởng đến thời gian và chuyển động vật lý…

- Sự chuyển động ảo.

- Sự chuyển động ánh sáng màu trên các đèn neon, do sự luân phiên chớp tắt. Hình thái này có chu kỳ diễn ra và tốn một khoảng thời gian vật lý nhất định.

Trong mỹ thuật, khi con mắt người xem vượt qua ranh giới của bốn cạnh của khung tranh để thâm nhập vào tác phẩm, thì coi như chúng ta thâm nhập vào một thế giới khác. Nó là thế giới của những ngôn ngữ thị giác mà nghệ sỹ sử dụng để diễn tả tạo ra một số hiệu ứng về ảo giác.

Ngôn ngữ thị giác lúc này là ngôn ngữ tĩnh (xét về cơ bản chứ chưa đề cập đến sự ứng dụng cơ học trong loại hình này ở một số nghệ sỹ hiện đại).

Đặc biệt với loại ngôn ngữ này người sáng tác tư duy, nghiên cứu để bằng mọi cách biểu hiện, diễn tả hay khêu gợi từ trong tư duy cảm xúc của người xem xuất hiện cái cảm giác về sự chuyển động và sự chuyển động ấy xuất hiện và tồn tại trong tác phẩm trong trạng thái đứng yên của ngôn ngữ hình thức. Đặc biệt là những giải pháp tạo hình phải làm cho chính chúng ta và cả những người nhìn ngắm tác phẩm của mình tưởng như, cảm thấy, cảm nhận về sự chuyển động.

2. Khái niệm về sự chuyển động, sự ảnh hưởng đến hình vẽ, hình tượng nghệ thuật và phương pháp rèn luyện

a. Sự chuyển động trong tác phẩm mỹ thuật là gì?

- Quan niệm về sự chuyển động trong mỹ thuật, nghệ thuật thị giác hay nói rõ hơn là sự chuyển động trong tác phẩm nghệ thuật thị giác là những chuyển động ảo trong mặt phẳng hai chiều, không gian ba chiều trong môi trường cụ thể. Nó chính là những “cảm nhận về sự chuyển động” xuất hiện ngay bên trong thị giác của người nhìn ngắm đối tượng, mặc dù đối tượng thì ở trong trạng thái đứng yên.

Sự chuyển đọng này hoàn toàn là cảm giác do các yếu tố thị giác gợi nên trong cảm nhận của người nhìn. Phải thực sự mà nói rằng, để cảm nhận được sự chuyển động này thì cần phải có nhãn quan chuyên môn, bén nhạy chứ không phải ai cũng cảm thấy được trạng thái kỳ diệu này.

Sự chuyển động này là những hình ảnh tĩnh về cái động hay tĩnh trong thực tế khách quan (hay bắt nguồn từ cảm xúc chủ quan của người vẽ) được người vẽ ghi nhận, tái tạo lại bằng ngôn ngữ thị giác dựa theo cách nhìn, cảm xúc, tài năng riêng của mình.

Nói rõ hơn thì nó là những hình tượng vốn chuyển động có thật trong thực tế được họa sỹ vẽ lại hay nói cách khác là người họa sỹ phải làm cho nó đứng yên trong hình vẽ và cũng từ những hình vẽ tĩnh ấy mà lại có khả năng làm cho người xem cảm thấy là nó “hình như đang chuyển động”. Từ đó mà người vẽ gợi cho người xem thấy nó dường như sống thật, thậm chí có hồn. Đó chính là điều vi diệu của nghệ thuật.

Thí dụ họa sỹ ghi lại hình tượng của tà áo dài đang bay thành hình vẽ trong tranh. Thông qua sự diễn tả của thủ pháp, bút pháp, màu sắc, đường nét gợi cho người xem thấy rằng nó dường như đang chuyển động thực sự giống như ngoài thực tế, mặc dù thực sự nó đang bất động. Chúng ta sẽ cảm nhận được điều này trong lĩnh vực nghệ thuật chuyển động hay nghệ thuật thị giác.

- Nó còn là sự biểu hiện của các thế dáng, động tác của nhân vật, con vật.

- Nó là sức hút của các đường dẫn mắt, lực thị giác và cảm giác về sự nhịp điệu do vận dụng quy luật sự lặp đi lặp lại và sự lũy tiến khi phối hợp các hình, mảng, màu sắc.

b. Khái niệm về Cái động và sự chuyển động:

Về mặt vật lý thì chuyển động là sự dịch chuyển nhìn thấy được từ vị trí này sang vị trí khác trong không gian. Về nghệ thuật thị giác thì khái niệm cơ bản của cái được gọi là “sự chuyển động” hay gọi nôm na là “cái động” trong tranh chính là hiệu quả tương tác, xung hợp về ảo giác thị giác do các giải pháp sắp xếp, bố trí những chuỗi hình, mảng, màu, sắc hay đường nét được bố trí lặp đi lặp lại, liên tiếp nhau có biến hóa, tạo nên ấn tượng về sự liên kết về nhịp điệu thị giác. Nó chỉ là sự chuyển động ảo mà thôi, nói cách khác thì nó là chỉ là ảo giác về sự chuyển động hay còn gọi là “hiệu quả rung”.

Vậy thì trước tiên các yếu tố thị giác hay các yếu tố hình thức được bố trí ở đâu để bản thân chúng có thể gợi nên sự thu hút cái nhìn của người xem hay tạo nên sức hút thị giác.

Theo kinh nghiệm ứng dụng và sáng tạo ngôn ngữ thị giác thì trước hết người nghệ sỹ phải tạo cho được sự thu hút cái nhìn của người xem vào những hình tượng mà mình tạo ra. Chính từ sự thu hút này, thì sau đó người xem mới tiếp tục quan tâm nhìn ngắm đến cái đang lôi cuốn họ. Rồi từ đấy họ mới nhìn sâu vào các hình tượng, cảm nhận được cái gọi là sự chuyển động. Cho nên, dù cho người nghệ sỹ cố gợi nên bên trong những hình tượng ấy những sự chuyển động mà bản thân các hình tượng ấy không được bố trí ở vị trí thích hợp nhất thì chắc chắn là sẽ không làm cho người xem chú ý.

Như vậy, đầu tiên thị giác của người xem phải bị các yếu tố hình thức mà nghệ sỹ tạo ra lôi cuốn. Sự lôi cuốn này được coi là “sức hút thị giác”.

Chúng ta có công thức về lực thị giác theo từng mức độ:

Sự chuyển động = Các yếu tố thị giác + Sự bố trí trên một vị trí, không gian thích hợp nhất + chiều hướng + khả năng tương tác và phối hợp.

Nói cách khác là chỉ khi nào nghệ sỹ chọn được vị trí tốt nhất trên toàn diện tích không gian hai chiều hay ba chiều để bố trí các yếu tố hình thức và các yếu tố này có sự gắn kết, tương tác tốt.

Trên thực tế, vị trí lý tưởng trong không gian luôn biến đổi theo từng tình huống cụ thể chứ không cố định. Chiều hướng cũng vậy, bởi vì, khi chọn vị trí để bố trí yếu tố đầu tiên ngay trên một không gian trống sẽ khác với sự tiếp tục chọn vị trí thứ hai trên không gian đã có sự an vị của yếu tố thứ nhất. Cứ như thế, vị trí tốt cho các yếu tố tiếp theo sẽ có sự tương tác của các yếu tố có trước.

Có nhiều khi chúng ta phải hủy bỏ toàn bộ sự bố trí trước đó để tái bố trí lại ngay từ đầu. Và “cảm giác về cái động” sẽ xuất hiện do sự hiển thị tùy thuộc vào mức độ tương tác giữa các yếu tố thị giác có trước và sau như vừa nói.

Nói một cách rõ ràng là Cái động trên tác phẩm nghệ thuật thị giác không phải là một loại chuyển động cơ học được nhìn thấy trên cơ sở chuyển dịch vị trí vật lý mà nó là “một cảm giác về sự chuyển động trong thần kinh thị giác của chúng ta khi nhìn ngắm các yếu tố thị giác vốn đang ở trạng thái tĩnh về vật lý”.

Trong quá trình học mỹ thuật ở trình độ cơ bản thì các quy luật trang trí về khoa học thị giác chính là một phần học về nền tảng thực hành tạo ảo giác về chuyển động thông qua các quy luật lặp đi lặp lại (mỗi lần lặp lại phải có thay đổi ngay trong các yếu tố được lặp lại), quy luật về sự tương phản, xen kẽ, đảo ngược, chồng hình, ly tâm, hướng tâm và xoáy trôn ốc: về lực thị giác, lực định hướng và mọi sự chuyển đọng thường bắt buộc phải có trọng tâm, chủ điểm (thậm chí xác định tinh thần của tiết tấu) và được xây dựng trên nguyên lý thăng bằng thị giác. Trong lĩnh vực kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo dáng công nghiệp thì mọi cảm giác về sự chuyển động đều thể hiện trên hình khối vật lý với các sự liên kết, có thể sờ nắm, sử dụng và nó tồn tại trong không gian dưới sự tác động của thiên nhiên, của sự tác động trong quá trình sử dụng.

Do vậy, nó phải tuân theo quy luật thị giác và quy luật thăng bằng vật lý về cấu trúc, hình khối và sức bền vật liệu của kiến trúc.

Chúng ta có thể đơn cử ba khuynh hướng nghệ thuật chuyên khai thác những ảo giác về sự chuyển động như: nghệ thuật vị lai, nghệ thuật quang học thị giác, nghệ thuật chuyển động… Trong hai khuynh hướng sau thì sự khai thác hiệu quả rung thông qua việc phối trí đường nét và máu sắc.

Trong khi khai thác hiệu quả rung thì chúng ta cần phối hợp với sự định hướng cho sự chuyển động. Bởi vì, nếu khi xuất hiện hiệu quả rung mà các yếu tố thị giác có được “những chiều hướng vật lý” thì có khi sẽ xuất hiện ngay cái gọi là sự chuyển động.

Ngược lại nếu không có sự hiện diện của chiều hướng hay hướng thoát đi của độ rung thì sự chuyển động vẫn hiện diện ở trạng thái nhấp nháy mà thôi. Trên thực tế thì hiệu quả rung chưa phải là sự chuyển động đúng nghĩa trong nghệ thuật thị giác.

Chuyển động thị giác = Lực thị giác + Chiều hướng + Các yếu tố thị giác + Sự lặp đi lặp lại + Sự biến đổi + Mật độ + Tiết tấu + Cường độ. Nó là hiệu quả tổng hợp cùng giải pháp bố cục.

Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc hiện đại, chúng ta lưu ý đến khuynh hướng điêu khắc chuyển động hay nghệ thuật sắp đặt thì cảm giác về cái động có khi có sự tham gia của sự chuyển động cơ học thực sự mà người nghệ sỹ cố ý phối hợp ngay trong tác phẩm của họ.

Thí dụ nhà điêu khắc sử dụng các mô tơ, máy móc để làm di chuyển, vận hành các bộ phận trong pho tượng. Tình huống này cũng được áp dụng trong Nghệ thuật sắp đặt.

Còn nữa trong lĩnh vực thiết kế ánh sáng, việc dàn dựng hệ thống ánh sáng cho một sân khấu, một sự kiện thì người việc đổi ánh sáng theo thời gian, chương mục thì việc tạo sự chuyển động bằng ánh sáng cũng là đề tài nghiên cứu mang tính phối hợp giữa tác giả, đạo diễn mỹ thuật, chuyên gia ánh sáng và chuyên gia lập trình điện tử. Trong nghệ thuật nhiếp ảnh thì việc ghi hình “chớp thời cơ” để có những chuỗi ảnh động “ngàn năm có một”. Ngày nay với máy ảnh kỹ thuật số có tốc độ chụp cực nhanh, cực chậm cũng góp phần cho tiệc tạo được những hình ảnh hấp dẫn trong nghệ thuật quảng cáo.

c. Mối quan hệ của sự chuyển động và hình trong không gian:

Như đã nói ở trên cái gọi là động trong tác phẩm mỹ thuật là sự chuyển động ảo hình thành trên cơ sở những yếu tố thị giác được “dán chặt” xuống phông nền.

Như vậy nó là sự chuyển động với thực chất là tĩnh hay nói cách khác là cảm giác về chuyển động được hình thành trên các yếu tố thị giác ở trạng thái tĩnh, trạng thái đứng im hoàn toàn.

Theo hình học không gian thì sự tương quan về hướng, cường độ, sự tác động giữa các lực thị giác sẽ gợi nên cảm giác về hướng và tốc độ của chuyển động thị giác.

- Trên thực tế thì hình của các yếu tố thị giác được quy vào những hình có quy ước hay không quy ước, hình có hướng hay hình vô hướng.

- Hình có quy ước là những hình mà chúng ta gặp trong toán học và gọi tên được như: hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác, hình thoi, hình đa giác đều, đa giác không đều.

- Từ nhận thức này cùng với sự hiểu biết về tầm quan trọng của “tính chất vị trí” trong mối quan hệ với “lực thị giác”, “hướng”, “tốc độ thị giác”, “bố cục thị giác” sẽ giúp cho nghệ sỹ thị giác có thể thực hành, biến đổi các hình vô hướng hay vật vô hướng vẫn chuyển động được trong không gian thị giác theo chủ ý của mình nghĩa là có thể biến tĩnh thành động.

- Tốc độ thị giác là sự tác động thị giác nhanh hay chậm bắt nguồn từ sự tương tác nhiều phía của các yếu tố thị giác, hình thể, chiều hướng: tinh thần của nhịp điệu, đường nét, màu sắc, quy mô không gian và cả sự chuyển động cụ thể của chúng.

- Các giải pháp kéo giãn hình, làm nén hình, dồn hình trong phim hoạt hình cũng gợi nên ảo giác này.

d. Các yếu tố hình thành kiến trúc, khả năng tạo nên cảm giác về sự chuyển động trong mỹ thuật:

- Trong thời gian còn học tập thông qua việc học tập thực hành, vận dụng các quy luật cơ bản và trang trí như: lặp đi lặp lại, xen kẽ, đảo ngược, choàng hình, xoáy trôn ốc, ly tâm và hướng tâm. Từ những bài học này người học dần ý thức, cảm nhận về nhịp điệu thị giác. Đây là nền tảng của nhận thức về sự chuyển động.

- Việc rèn luyện, thực hành tạo cái động, cảm giác về lồi lõm thông qua việc sử dụng nguyên lý về tương phản trong các lĩnh vực: màu, sắc, đường nét, mảng, khối, chất liệu: cách thức tạo ảo giác về chuyển động trên hình thái bố cục tính… Thí dụ nguyên lý về sự tương phản: “Không có mâu thuẫn sẽ không có vận động”, nguyên lý về hòa hợp trong đa dạng, nguyên lý về thăng bằng động.

Chúng ta có thể tạm kê ra các yếu tố có khả năng làm cho xuất hiện cảm giác về cái động trên hình phẳng hai chiều. Ý tưởng trong bố cục:

+ Sự tương quan tỷ lệ giữa khoảng trống với khoảng có hình.

+ Sự tham gia của luật phối cảnh với đầy đủ các hình thái của nó.

+ Sự tham gia của một số quy luật trang trí đã kể ở trên.

+ Sự thay đổi về sắc độ, cường độ của màu, sắc, ánh sáng.

+ Sự thay đổi về hình thế (thế dáng, chiều hướng của hình).

+ Sự chấm phá trong thủ pháp diễn tả (tài năng riêng).

+ Sự tham gia của kỹ xảo vi tính, điện tử hay cơ học.

Chúng ta có thể tạm kê ra các yếu tố có khả năng làm cho xuất hiện cảm giác về cái động trên hình khối ba chiều:

+ Sự xác định tinh thần của tác phẩm thông qua sự sử dụng đường nét, chiều hướng, độ tương phản của màu sắc và khối chủ đạo được sử dụng trong giải pháp bố cục hình thức.

+ Xác định các diện, các hướng, điểm nhấn chính của hình khối ba chiều trên cơ sở phải phân chia và liên kết được các phía, đoạn tương quan tốt cho toàn cục.

+ Tìm được các mạch liên kết của các diện, đoạn và từ các điểm nhấn; từ diện chính tỏa ra các phía và ngược lại.

+ Sự nghiên cứu, vẽ phác kỹ các mặt của hình khối trên mặt phẳng (ít nhất là 4 mặt). Tìm mạch liên kết giữa các mặt thông qua sự liên kết về các diện, đường lượn phải thể nghiệm, điều tiết ngay trên hình khối ba chiều và thực hiện sự kiểm chứng các mạch liên kế giữa các diện.

+ Điều chỉnh mạch liên kết, các đường lượn tạo được sự chuyển động mạch lạc từ diện này sang diện kia, từ ngoài vào trong, trong ra ngoài, từ dưới lên, từ trên xuống của các diện, khối. Đặc biệt là phải nghiên cứu khả năng bắt sáng và liên kết ánh sáng trên các diện, khối.

+ Nghiên cứu hình mảng của cách xử lý bề mặt của khối trên các diện (tạo mảng có bề mặt sần, thô, mịn, láng…) và tìm mạch liên kết giữa các mảng chất liệu này theo các hệ thống đường lượn dưới dạng nào đó phù hợp với tinh thần của chủ đề hay đề tài.

+ Cũng có khi họ dùng những vật liệu có khả năng phản chiếu, in hình của sự vận động khách quan để in vào tác phẩm của họ như là một cách tham gia của môi trường vừa mang tính chủ động lại vừa mang tính bất ngờ (chủ động, chủ ý dùng biện pháp tạo sự phản chiếu nhưng bất ngờ là không lường trước được những biến động khách quan).

+ Những chuyển động, chuyển dịch về mặt vật lý từ những động tác diễn của cơ thể có thể đo lường, ước tính được qua kịch bản diễn xuất. Những chuyển động, sự biến đổi trong tâm lý, cảm xúc biểu diễn do sự cộng hưởng giữa các động tác “diễn” của tác giả với thời gian, không gian bên ngoài.

+ Sự chuyển động của khách quan như: thời gian và sự thay đổi của môi trường, khung cảnh sống xung quanh khu vực mà tác giả (tác phẩm) diễn hay phô bày.

+ Do sự phối hợp “diễn xuất” giữa nghệ sỹ và người xem trong quá trình tương tác.

3. Thời gian và sự chuyển động trong mỹ thuật:

Khái niệm về thời gian và sự vận hành, dòng chảy của nó của cuộc sống đã được Nghệ thuật Thời gian diễn tả thông qua các loại hình: văn học, thi ca, âm nhạc với từng loại ngôn ngữ riêng còn nghệ thuật không gian không có được ưu thế này. Cho nên về cơ bản thì nghệ thuật không gian chỉ có thê vẽ lại, diễn tả, ghi lại một khoảnh khắc điển hình của thời gian thông qua sự biểu hiện của những ngôn ngữ thị giác, gợi tả được: ngày, đêm, ánh sáng, ánh nắng, ánh trăng, ánh đèn, mùa, khí hậu, một số biểu hiện trạng thái non, già, trẻ lão trên sinh vật, thực vật hay một số biểu tượng đặc biệt.

Ngoài ra những biểu hiện của sự sống ẩn dụ như: hiện tượng già trẻ được thể hiện dưới thủ pháp so sánh trong đối tượng khacyhs quan hoặc tác phẩm mỹ thuật (tranh hay ảnh) nghĩa là thời gian trong tranh hai ảnh là thời gian bị nghệ sỹ bắt phải đừng lại và nó hiện hữu trên tác phẩm thông qua các hình ảnh tả thực hay khêu gợi.

Trong nghệ thuật thị giác chúng ta hiểu khái niệm về thời gian qua các góc nhìn như sau:

Tác phẩm là môi trường ghi nhận sự dừng lại của thời gian vật lý và tâm lý trong một loại không gian nhất định thông qua ý định và phương cách diễn tả của nghệ sỹ. Thời gian trong tác phẩm là sự tổng hợp giữa thời gian vật lý và tâm trạng của nghệ sỹ.

Thời gian là quỹ thời gian vật lý mà qua đó nói đến thời gian diễn của nghệ sỹ.

Thí dụ trong nghệ thuật biểu diễn, trong nghệ thuật video, điện ảnh, nghệ thuật quảng cáo: phim 15s khác phim 30s. Nó cho phép thể hiện quy mô dàn dựng, mức độ đầu tư, dàn dựng và hiệu quả thị giác.

Mặt khác nếu nói đến thời gian thông qua mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm thì mỗi tác phẩm có ý nghĩa như là sự biểu hiện cái Tôi của nghệ sỹ trong một đoạn hay một khoảnh khắc nhất định trong một chuỗi dòng sống của chủ thể sáng tạo. Nó là khoảnh khắc “tĩnh” của thời gian, cuộc đời người nghệ sỹ.

chuyen dong 1

chuyen dong 2

chuyen dong 3

chuyen dong 4

>>> Chuyển động và những định hướng trong thiết kế

>>> Chiều dài, đường cong ngang dọc và sự chuyển động trong kiến trúc

>>> Khối lượng điêu khắc / Không thời gian bị uốn cong

0976984729