Nhóm bài vẽ bằng chất liệu sơn dầu
1. Nhóm bài vẽ tĩnh vật:
* Lựa chọn bố cục: Khi sắp đặt các nhóm vật mẫu cần chú ý mấy vấn đề sau:
- Bố cục phải có nhịp điệu.
- Bố cục phải có sự liên kết chặt chẽ, sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa các vật mẫu.
- Các vật mẫu trong bố cục phải có sự phong phú, đa dạng về cấu trúc, hình khối, tỷ lệ, màu sắc, đậm nhạt, chất cấu tạo sự vật.
- Bố cục phải có trọng tâm.
Không nên vẽ hình quá to (hình 1.a) gây cảm giác chật chội, hoặc quá nhỏ (hình 1.b) gây cảm giác lỏng lèo. Tham khảo hình 1.c có thể thấy có sự liên kết chặt chẽ, sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa các vật mẫu.
Cũng giống như bất kỳ bài tập nào trong vẽ hình họa, bố cục phải được ưu tiên và làm tốt trước nhất để làm cơ sở cho các yêu cầu tiếp theo của bài vẽ. Một bài vẽ có bố cục tốt là bài có nhiều mảng hình thể với các hình dạng khác nhau, tỷ lệ, màu sắc đậm nhạt khác nhau nhưng lại thống nhất một tổng thể. Tức là các nội dung phản ánh đúng bản chất của vật mẫu và tất cả các bản đó phải được sắp đặt khéo léo, có tương quan hợp lý trên toàn bộ mặt bài vẽ, tạo nên sự hài hòa, ăn ý của bài vẽ.
- Bố cục là biết cách sắp xếp các mảng hình thể, những mảng hình thể này nếu được chọn lọc và sắp xếp tốt sẽ tạo ra sự phối hợp giữa các đường nét với dài, ngắn, thẳng, cong, chéo, gấp khúc… khác nhau; Vì thế, còn gọi là bố cục đường nét. Đồng thời những mảng hình thể khác nhau cũng tạo ra bố cục đậm nhạt của mảng hình. Chính những yếu tố đó tạo thành phẩm chất cơ bản của bức tranh, gây được hiệu quả cái đẹp thẩm mỹ.
- Tất cả các yếu tố về mảng, hình thể, tỷ lệ, đường nét cùng với sự kết hợp hài hòa của các độ màu đã tạo ra được không gian sinh động cho bài vẽ. Dù nhìn qua ảnh đen trắng cũng cảm nhận được sự hài hòa giữa các độ màu, tạo được không gian của mẫu, gợi được chất nhẵn của quả, chất rắn nhát của gốm và độ mỏng, mảnh mai của những cánh hoa. Các nét bút mạnh bạo với nhát bút phóng khoáng làm cách diễn tả không gian sinh động, các cánh hoa như đang đung đưa trong nắng nhẹ.
- Muốn bài vẽ tranh tĩnh vật có được bố cục và hình tốt phải bắt đầu bằng việc bày được mẫu vẽ đẹp. Trong đó, sự cân đối, hài hòa của các vật mẫu, màu sắc và khối hình cùng các chiều hướng của từng vật mẫu phải gợi được cảm xúc thẩm mỹ và tạo thuận lợi cho quá trình diễn tả.
* Kỹ thuật thể hiện: Đối với bài vẽ tĩnh vật, hiệu quả của các bài vẽ có vai trò rất lớn trong diễn tả, là cách thể hiện cái riêng của người vẽ. Có người vẽ với những nhát bút mạnh bạo, quyết đoán; lại có người vẽ từ tốn, dịu dàng. Trong mỹ thuật, người ta gọi bút pháp để chỉ cách thức thể hiện của họa sỹ trên tác phẩm. Dù với cách nào đi nữa, bút pháp cũng phải trợ giúp người vẽ diễn tả thêm cái đẹp của từng thứ vật chất. Ví dụ như vẽ tươi ngon của quả, sự mềm mại của vải, độ cứng ráp của lọ gốm, độ trong suốt của thủy tinh cùng với lung linh của ánh sáng và tình cảm, xúc cảm của người vẽ.
- Người mới học vẽ thường hay lúng túng, không biết nên đưa các nhát bút như thế nào, theo dọc hình khối hay ngang qua nó cùng với độ lớn nhỏ của các nét bút. Như trên đã nói, bút pháp (hay cách vẽ) tùy thuộc vào bản tính và tình cảm của người vẽ; Phân biệt cách vẽ, cách dùng bút khác nhau và mỗi cách đều thể hiện cái riêng của từng người. Có thể dùng bút theo nhiều cách, vẽ mỏng, vẽ dày, vẽ đậm tay, vẽ nhẹ tay, vẽ nét bút to, vẽ di bút… Song điều chú ý ở chỗ, các nét bút (còn gọi là nhát bút) hoặc vệt màu phải thể hiện cho được hình khối và không gian. Vấn đề kỹ thuật thể hiện cũng tùy thuộc vào điều kiện và trình độ của người vẽ, khi nào sử dụng đúng mức sẽ đạt hiệu quả cao.
- Thông thường, khi vẽ màu phải dùng các mảng màu và độ đậm nhạt của nét bút để diễn tả. Nhưng nếu biết dùng các đường nét màu để bổ sung sẽ làm cho các mảng màu chắc hơn, phong phú hơn hoặc tách bách các mảng, hình rõ hơn giữa chúng với nhau.
2. Nhóm bài vẽ tranh chân dung:
* Lựa chọn bố cục và xây dựng hình: Một bài vẽ chân dung có bố cục tốt là phải biết cách sắp xếp hình mẫu sao cho cân đối, hợp lý; biết khai thác các tương quan nền xung quanh và phân phối một cách nhuần nhuyễn các mảng, hình lại với nhau trong một tổng thể.
Tùy theo cấu tạo cơ thể, vị trí quan sát khi đứng vẽ để có cách lựa chọn tốt nhất. Khi tìm được vị trí vẽ, nên dành một khoảng thời gian nhất định để vẽ ký họa nhanh hoặc quan sát, phân tích mẫu.
Vẽ phác hình lên mặt toan: Nên phác hình bao gồm cả bố cục và hình vẽ chân dung người mẫu lên mặt tranh. Cần phải tính toán thật kỹ để quyết định xem bố cục như thế nào cho có được hình vẽ cân đối, thuận mặt trong bài vẽ. Vì trong thực tế bức chân dụng có thể kéo dài thêm phần mình hoặc cũng có thể cắt đi, lược bỏ một số chi tiết không cần thiết để bố cục tranh chặt chẽ, độc đáo. Những yếu tố này tưởng như đơn giản song lại rất cần, bởi nó là cơ sở đầu tiên tạo cho một bức chân dung đẹp.
Đây là các bức vẽ hình và bố cục bằng nét mô phỏng lại các bức tranh chân dung nổi tiếng (hình 2.a: Monalisa – Leonardo da Vinci; hình 2.b: “Người phụ nữ chùm khăn voan” của danh họa Ý Raphael; hình 2.c: Cô gái đeo khuyên ngọc trai (Girl with a Pearl Earring) – danh họa Johannes Vermeer; hình 2.d: “Một vẻ đẹp trang nhã” của họa sỹ Anh William Clark Wontner; hình 2.e: Tư hoa – họa sỹ Paul Cezanne; hình 2.g: Tự họa – họa sỹ Vincent Van Gogh; hình 2.h: “Berthe Morisot” của danh họa Pháp Edouard Manet; hình 2.i: Chân dung tự họa của họa sỹ Frida Kahlo).
Quan sát một số hình trên, dù chỉ là bố cục chân dung song ở mỗi bức tranh lại có một vẻ khác nhau. Qua đó có thể thấy rằng cách sắp xếp bố cục đều theo ý đồ của họa sỹ và rất phong phú, đa dạng. Sinh viên quan sát tìm hiểu để từ đó rút ra ý tưởng về bố cục cho bức vẽ chân dung.
* Bút pháp: Bút pháp là cách sử dụng ngôn ngữ tạo hình của các họa sỹ thể hiện qua đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng, chất cảm để tạo nên sự độc đáo riêng trong tác phẩm. Bút pháp biểu hiện rõ nét đặc trưng vai trò và cá tính của từng họa sỹ. Phần lớn các họa sỹ có bản lĩnh đều có bút pháp riêng, càng độc đáo càng được ngưỡng mộ.
Đối với bài vẽ chân dung người, hiệu quả của cách vẽ có vai trò rất lớn trong diễn tả, là cách thể hiện cái nhìn riêng của người vẽ. Có người bút pháp khỏe khoắn, lại có người mềm mại; có người lãng mạn song lại có người cẩn trọng, nghiêm túc… Như vậy, dùng bút bằng nhiều cách khác nhau trong diễn tả và thể hiện được nhiều trạng thái của người mẫu cũng như của người cầm bút vẽ. Ví dụ như vẽ màu dày, vẽ loãng, vẽ mạnh tay, linh hoạt hay vẽ day bút, di nhòe… là tùy thuộc vào sở thích và tính cách của mỗi người vẽ. Nói bút pháp cũng có nghĩa là nói đến hiệu quả do lối vẽ ấy tạo ra.
Chú ý đến bút pháp, sinh viên sẽ tránh được lối vẽ thiếu nghệ thuật như vẽ chi tiết vụn vặt hoặc sao chép người mẫu một cách tự nhiên, không có tình cảm, khô khan hoặc là lối vẽ mềm oặt, mờ mịt và cảm tính, không thấy được cấu tạo xương cốt bên trong cơ thể.
Sinh viên thường lúng túng không biết sử dụng bút vẽ thế nào cho đúng, các nhát bút cần to hay nhỏ,d ài hay ngắn hoặc làm sao tạo được độ chồng màu hợp lý. Thực ra, bút pháp (hay cách vẽ) là quá trình lao động, nghiên cứu và tìm tòi của người học; ngoài ra, còn tùy thuộc vào tình cảm và tính cách của người vẽ; mỗi cách vẽ có cái mạnh, đồng thời cũng bộc lộ những ưu điểm; do đó không nên chỉ vẽ một kiểu trong bài mà có thể sử dụng nhiều cách vẽ trong một bài vẽ.
Vẽ sơn dầu còn có thể sử dụng dao vẽ (bay vẽ) để tạo nên những mảng màu dày mỏng, to nhỏ khác nhau. Khi vẽ màu cũng có nhiều cách: lúc vẽ mỏng khi vẽ dày; lúc vẽ đậm tay khi vẽ nhẹ tay; lúc vẽ nét to khi vẽ nét nhỏ và nhiều lúc lại di nhòe các mảng màu với nhau; song điều chủ yếu, các nét bút (nhát bút) phải được tổ chức hợp lý, thể hiện được hình khối và không gian.
Vẻ đẹp của bức chân dung có được là nhờ có bố cục, đường nét và màu sắc tốt. Nhưng bút pháp cũng góp một phần quan trọng vào đó. Tuy ở bài vẽ nghiên cứu cơ bản chưa đòi hỏi cao, song không vì thế mà không lưu ý tới vai trò của bút pháp trong vẽ chân dung màu. Bút pháp cũng phải coi trọng như ngôn ngữ của hội họa vì nó góp phần khá rõ làm tăng thêm hiệu quả cho các yếu tố bố cục, đường nét và màu sắc.
Kỹ thuật sử dụng bút to, nhỏ với những nhát màu mạch lạc, phóng khoáng hay dịu dàng, ý nhị chính là cái nền của bút pháp. Với cách vẽ màu lên mặt toan cũng có thể thể hiện nhiều vẻ của bút pháp: có khi là những nét, những mảng màu gọn rõ, khi lại là những nét, những mảng bị dập xóa nhưng lại như có rung động, xao xuyến. Có những mảng màu ẩn dụ, ý nhị song lại có những mảng màu dày, mỏng lấn sang nhau, hòa với nhau tạo nên những ranh giới đẹp một cách ngẫu nhiên. Nói một cách khác, khi đã có kiến thức và tương đối thành thục trong kỹ năng vẽ sơn dầu, mỗi sinh viên đều phải tìm mọi cách để sử dụng cây bút một cách linh hoạt, tạo được cách diễn đạt riêng của mình, dù đó chỉ là bài vẽ nghiên cứu.
Bút pháp chỉ có thể hình thành do quá trình nghiên cứu, tìm tòi lâu dài và có ý thức của họa sỹ (hoặc người học vẽ). Bút pháp vì thế phần nào đó thể hiện tính cách của người vẽ: sôi nổi hay dịu dàng; thiên về tả thực hay trang trí… đều phát huy được vẻ đẹp của cách vẽ.
* Diễn tả không gian: Hội họa là một nghệ thuật không gian nhưng lại là không gian hai chiều. Hội họa diễn tả sự vật trên một mặt phẳng không có chiều thứ ba cho nên các họa sỹ phải diễn đạt chiều này bằng ảo giác.
Các bài tập vẽ chân dung trong chương trình không đòi hỏi cao như các tác phẩm hội họa bởi do năng lực, trình độ và yêu cầu của nghiên cứu cơ bản. Trong vẽ chân dung, yếu tố không gian cũng rất quan trọng, tuy mang cái nhìn về một con người cụ thể, sống động song lại phải vừa tái hiện trung thực hình tượng nhân vật về diện mạo, tính cách, sự hài hòa thống nhất giữa hình và nền, xử lý không gian nền cũng là điều mà sinh viên cần quan tâm.
Tham khảo các tranh trên, chỉ là vẽ chân dung nhưng mỗi họa sỹ có cách diễn tả không gian khác nhau. Chân dung nhân vật được khắc họa chân thực qua bút pháp tả thực, từ hình thể, đường nét, màu sắc đều hiện thực ở các tác phẩm: Monalisa của họa sỹ Leonardo da Vinci (hình 2.a); “Người phụ nữa chùm khăn voan” của danh họa Ý Raphael (hình 2.b); Cô gái đeo khuyên ngọc trai (Girl with a Pearl Earring) – danh họa Johannes Vermeer (hình 2.c); Một vẻ đẹp trang nhã của họa sỹ Anh William Clark Wonter (hình 2.d). Nhưng cách diễn tả không gian lại rất khác nhau, với hình 2.a được họa sỹ diễn tả một cách rất chi tiết không gian xung quanh nhân vật (dãy núi ẩn phía xa xa, con đường, dòng sông…), ở hình 2.b; 2.c; 2.d, không gian được họa sỹ đã vẽ rất mỏng với kỹ thuật vờn màu tạo sự mượt mà hợp lý trong toàn bộ tác phẩm.
Với tác phẩm Tự họa – họa sỹ Paul Cezanne (hình 2.e) họa sỹ diễn tả không gian bằng những nét day bút lấn sang nhau, đan xen vào nhau tạo nên những ranh giới đẹp một cách ngẫu nhiên.
Qua đó có thể thấy rằng, tuy cũng vẽ chân dung nhưng mỗi họa sỹ đều có ý đồ riêng trong cách diễn tả, tạo nên sự phong phú và đa dạng.
3. Bài vẽ tranh theo chủ đề:
* Phương pháp lấy tài liệu:
Nghiên cứu, lựa chọn nội dung chủ đề trước khi vẽ một đề tài gì trước hết cần có những cảm xúc, những rung động nhất định về đề tài đó, tìm được trong nội dung đó những cái đẹp bản chất, đề tài của tranh thường rất nhiều và rộng. Dù trong một lĩnh vực lớn hay nhỏ mọi khía cạnh của đề tài đều có thể khai thác được nhiều chi tiết để thể hiện nội dung chủ đề.
Ở khâu lựa chọn chủ đề - đề tài giáo viên cần kết hợp phương tiện dạy học như công nghệ thông tin, giúp cho quá trình quan sát trực quan thuận tiện và sinh động hơn. Thông qua những hình ảnh trên máy chiếu, kết hợp với định hướng của giáo viên, đưa ra những nội dung như: cảnh sinh hoạt đời sống hàng ngày (cảnh trên bến dưới thuyền của ngư nghiệp; lao động của công nhân; bên khung dệt vải những cô gái dân tộc…) hay mơ ước về tương lai hoặc phản ánh những vấn đề của xã hội, lên án hay ca ngợi cũng có thể khai thác mảng quá khứ (hoài niệm về cuộc chiến tranh thần thánh chống giặc ngoại xâm, hay những ký ức về tuổi thơ…). Với những mảng đề tài phong phú đó, gợi ý cho sinh viên chủ động khai thác thông tin, từ đó sinh viên tìm tư liệu vẽ cũng như trau dồi cảm xúc cho đề tài.
Một yếu tố quan trọng nữa đó là khâu chuẩn bị tư liệu của sinh viên: dựa vào thực tế sinh viên được quan sát, ký họa để giải quyết vấn đề theo cách suy nghĩ của mình, trên cơ sở sáng tạo được các bài phác thảo tốt. Chỉ khi nào người vẽ thực sự hòa mình vào cuộc sống, vào thiên nhiên lúc ấy tác phẩm mới thực sự có sức sống. Ví dụ: khi vẽ về đề tài ngư nghiệp, người vẽ phải đi vào thực tế tại một làng chài, cùng về ăn, ở với dân chài, cũng hòa nhập vào cuộc sống của họ từ đó mới hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc nhất về cuộc sống tinh thần, vật chất và rút ra được những đặc điểm chung nhất để phản ánh vào tác phẩm. Qua tác phẩm giúp người xem biết yêu quý cuộc sống, nhận thức được chân chính giá trị của cuộc sống lao động, để từ đó có thái độ ứng xử đúng đắn với cuộc sống. Đề tài các bố cục – chất liệu cho sinh viên thường là các hoạt động gần gũi với cuộc sống thường ngày: Học tập, lao động sản xuất, chợ, bến xe … từ những trải nghiệm thực tế, ghi chép là những gợi ý để lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp với nội dung. Người vẽ cần xác định chủ đề gì? Hoạt động nào là chính? Những hoạt động đó xảy ra trong khung cảnh như thế nào?
Từ lựa chọn trên sinh viên sẽ tìm những ký họa, ghi chép thực tế hoặc qua tranh ảnh, sách báo có liên quan những hoạt động trên. Những ký họa thực tế có vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm ý tưởng sáng tác và xây dựng bố cục.
Qua những tư liệu, những ghi chép ký họa gợi cho người vẽ xây dựng ý tưởng sáng tác. Ký họa là những sự ghi lại những hình ảnh thực tế, được chắt lọc qua những nét vẽ đầy cảm xúc. Ngay từ những ký họa, người vẽ đã chú ý những yếu tố của ngôn ngữ tạo hình gợi ý cho bố cục: có thể là những tập hợp nét, mảng hoặc nhịp điệu của hình thể… Từ đó người vẽ phát triển những ý tưởng ban đầu, xây dựng bố cục một cách rõ nét hơn.
* Lựa chọn hình thức bố cục:
Sau khi có chủ đề cụ thể theo một đề tài nào đó, có đầy đủ tư liệu, có hình tượng nội dung để xây dựng bố cục tranh, ta cần phải xác định hình thức bố cục. Cách sắp xếp nhân vật trọng tâm đặt ở vị trí nào? Gồm mấy nhân vật tất cả? Các nhân vật phải được sắp xếp theo mảng chính, mảng phụ làm sao để tạo nên một hệ thống thống nhất và hợp lý. Khi bố trí các hình mảng phải phối hợp sao cho tạo được một bố cục độc đáo, không dễ dãi, nhàm chán mà phải có cái riêng của mình, cái riêng của chủ đề nội dung đã chọn.
Nếu đề tài chỉ có một mẫu vật hay một bức chân dung thì việc trình bày đơn giản. Nhưng nếu đề tài có 3, 4 mẫu vật hay nhiều người thì việc trình bày khá phức tạp, cho nên việc phân mảng, dựa theo các hình kỷ hà để từng bước hoàn thiện một bài học hay một tác phẩm là rất quan trọng.
Ví dụ cụ thể:
Bài 1: Vẽ bố cục tranh sinh hoạt nông thôn; Khuôn khổ: 50 cm x 70 cm; Chất liệu: Sơn dầu
Sử dụng tư liệu, ký họa từ những đợt thực tế chuyên môn, trải nghiệm với cuộc sống của miền quê là những gợi ý để lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp. Với đề tài sinh hoạt ở nông thôn, sinh viên chọn chủ đề Chợ vùng quê: nội dung phản ánh những hoạt động thường ngày ở chợ.
Từ những lựa chọn trên sinh viên sẽ tìm những ký họa, ghi chép thực tế hoặc qua tranh ảnh, sách báo có liên quan đến những hoạt động trên. Những ký họa thực tế có vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm ý tưởng sáng tác và xây dựng bố cục.
Qua những tư liệu, những ghi chép ký họa gợi cho người vẽ xây dựng ý tưởng sáng tác. Ngay từ những ký họa, người vẽ đã chú ý những yếu tố của ngôn ngữ tạo hình gợi ý cho bố cục: có thể là những tập hợp nét, mảng hoặc nhịp điệu của hình thể… Từ đó người vẽ phát triển những ý tưởng ban đầu, xây dựng bố cục một cách rõ nét hơn.
Từ những tư liệu trên, sắp xếp nhân vật, phân mảng chính phụ trên phác thảo nhỏ.
* Phác thảo đen trắng và màu:
- Phác thảo đen trắng: Ở phần này, yêu cầu sinh viên thực hiện từ 3-4 phác thảo nhỏ (khổ giấy ½ tờ giấy A4). Tìm phác thảo theo nhiều dạng, nhiều góc độ khác nhau. Phải vẽ nhiều phác thảo bố cục sử dụng đường nét, hình mảng kỷ hà để khái quát sự vật và xây dựng bố cục. Đặt các mảng đậm nhạt, to nhỏ, hình vẽ đơn giản chưa có chi tiết về dáng hình và đặc điểm của các nhân vật, để tập trung thay đổi vị trí tìm ra nhiều phương án bố cục khác nhau. Đó là quá trình tìm ý đồ của mình bằng hình trên giấy. Trong khi phác thảo ta sẽ tìm được nhiều ý đồ khác nhau và cũng nảy sinh được nhiều cách biểu hiện nội dung một cách độc đáo hơn.
Tránh dồn các mảng hình về một phía hoặc các mảng hình lớn quá làm phá vỡ sự hài hòa chung của khung tranh, hay hình mảng quá nhỏ tạo nên sự trống trải rời rạc, gây cảm giác buồn tẻ hoang vắng. Không nên có những mảng hình đăng đối có cùng tỷ lệ ở hai bên, hoặc một mảng hình quá lớn đặt ở giữa tranh.
Tránh các đường xiên cắt chéo vào góc tranh.
Khi tìm phác thảo đen trắng, phải luôn có ý thức tìm và sắp xếp bố cục hài hòa, hợp lý, tạo nhịp điệu, phối hợp giữa mảng hình và khoảng trống. Cần chắt lọc, lựa chọn những hình ảnh điển hình mang tính chất khái quát. Các mảng hình, đậm nhạt cần cân nhắc đến sự phối hợp về tỷ lệ, đường hướng sao cho phong phú, hài hòa, tránh đơn điệu, nhàm chán.
- Phác thảo màu: Sau khi có phác thảo đen trắng, căn cứ vào độ đậm nhạt, mảng hình trên phác thảo mà tìm màu cho phù hợp với bố cục và nội dung.
Để lựa chọn được phác thảo màu thể hiện được ý đồ của tác phẩm cần vẽ nhiều tông màu khác nhau.
Trong một bố cục màu không nên chỉ có nhiều màu đỏ, vàng (màu nóng), mà cần thêm màu có sắc xanh dương, lá cây, tím (màu lạnh); các màu trung gian như màu xám, nâu để cân bằng màu sắc… Cần chú ý đến sự phân bổ yếu tố chính, phụ, đậm nhạt của màu. Không nên bố trí nhiều mảng có màu sậm gần bên nhau mà nên thay đổi độ đậm, nhạt linh động.
* Kỹ thuật tạo chất:
- Kỹ thuật vẽ màu dày: Với những đặc tính quánh, quện, dẻo… từ khi vẽ đến lúc khô cũng không thay đổi hình dạng của vệt màu nên đã cho ta thỏa mãn khi diễn tả các đối tượng bằng nhiều cách khác nhau. Với cách vẽ dày này các họa sỹ tên tuổi đã từng gắn liền với nó như Vincent Van Gogh, Claude Monet… Những vệt màu dày là đặc trưng của chất liệu sơn dầu mà các chất liệu khác không sánh được.
Vẽ dày là vẽ như kiểu trát vữa, dùng bút hoặc dao quết, trát sơn quánh lên mặt vải, vừa trát vừa vờn tả làm cho màu nọ quyện với màu kia. Trong khi sơn đang còn ướt, hoặc có thể tạo khối, đắp dày vài cm đều được, dùng bay để diễn tả những mảng rộng, hoặc chắn màu, tạo khối, dùng cọ đi những đường nhỏ chi tiết.
Khi diễn tả có nhiều cách lên màu dùng bay lấy màu đã nghiền sẵn (dùng bày nghiền màu) hoặc nặn màu trực tiếp lên mặt tranh rồi dùng bay gạt theo các mảng, các hướng của bố cục đã định sẵn tùy theo ý muốn tạo độ dày của màu mà nghiêng bay khi điều khiển, lướt nhanh hay chậm, mạnh hay nhẹ, gạt nhẹ tay chậm thì cho độ dày nhiều hơn và ngược lại.
Thông thường muốn cho màu được trong, không nên vẽ dày màu một lúc mà phải lên từng lớp một từ đậm đến sáng, chồng nhiều lớp màu sẽ chín hơn, không phải vẽ dày là đắp dày toàn bộ bức tranh mà phải biết chỗ nào cần dùng nhiều maufd ày, vẽ dày ở tiền cảnh cho cảm giác gần hơn hoặc dùng nét màu dày để nhấn vài chỗ cần tạo tương phản nổi bật của chủ đề trong bức tranh. Van Gogh đã tạo được những nét màu dày diễn tả mạnh mẽ đã phản hồi dáng vẻ của nó trong chủ đề, ông đã dùng phần sơn đắp dày để nhấn mạnh trong đề tài. Mặc dù trong nét bút diễn tả của ông có sự trừu tượng trước chủ đề thiên nhiên.
- Kỹ thuật vẽ day (di) mỏng: Người ta thường cho rằng vệt màu dày là đặc trưng của sơn dầu. Nhưng sơn dầu vốn có tính mềm dẻo nên có thể vẽ được nhiều cách mỗi cách vẽ đều cho mỗi giá trị khác nhau. Có thể vẽ dày mỏng chải chuốt, vờn tùy ý, hoặc muốn mỏng hơn nữa pha thêm một ít dầu lanh rồi vẽ như màu nước cũng được.
Không có một quy định nào, công thức nào bắt phải vẽ mỏng hay dày ở mức độ nào trên mặt tranh, có thể chải chuốt, phết từng mảng màu, vờn tả hoặc có thể day màu tùy sở thích của mỗi người. Có người dùng dầu pha thật loãng, có người để nguyên màu mà diễn tả đối tượng, sơn dày hay mỏng là tùy đề tài, nội dung biểu hiện, dáng chất cần thiết cho từng tấm tranh.
Mỗi cách vẽ đều có mỗi ưu điểm riêng, một vệt màu mỏng cho cảm giác xa, sâu hơn, mịn màng, mềm mại hơn là vệt màu dày, muốn tả một tấm vải hay lụa, làn da mịn màng của thiếu nữ,… dùng cọ mềm lấy màu rồi diễn tả chải chuốt sẽ cho hiệu quả cao, dùng sơn dầu với lối di mỏng để tả thực tả chân thì không một chất liệu nào có thể sánh kịp, có thể tả đến đường chân tơ kẽ tóc của từng đối phương, có thể sánh ngay với máy ảnh thời nay. Với kỹ thuật vẽ mỏng, họa sỹ Caravaggio trong bức tranh bữa ăn tối ở Emniaus (1596-1603) đã thu hút sự chú ý của người xem và hoa quả đặt ở vị trí có vẻ ngẫu nhiên trên mép bàn, họa sỹ đã vẽ rất mỏng với kỹ thuật vờn màu tạo sự mượt mà bóng bẩy, sự ngọt lịm của táo và nho, họa sỹ đã diễn tả thực, tự nhiên như bản chất của nó. Họa sỹ Cazanne thiết lập cấu trúc cho bức tranh của mình bằng cách chồng nhiều lớp màu mỏng, với những nét vẽ ngắn và vuông, màu sắc phong phú, họa sỹ vẽ theo sơ đồ tranh khảm vừa cấu tạo hợp nhất đất với bầu trời hiện lên bức tranh với sức mạnh gây ảo giác khẩn cấp không kìm hãm được. Các họa sỹ nước ta cũng không kém phần tài năng với phong cách vẽ mỏng này như “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Phỗng đá” của Nguyễn Hữu Ngọc… đã thuyết phục người xem bằng những nét bút mềm mại và sự duyên dáng mượt mà của thiếu nữ….
Mỗi kiểu vẽ không phải chỉ độc nhất một cách diễn tả, cái chính là ở hiệu quả dưới bàn tay của người họa sỹ, vệt màu mỏng cho ta sự êm dịu mượt mà trong cách vẽ, đắp màu dày tạo sự nổi cộm của gạch đá hoặc xù xì của gốc cây nhưng với bàn tay điêu luyện của nhiều họa sỹ cũng tạo được nổi cộm của gạch đá, thô ráp của gốc cây bằng cách vờn bóng mỏng cũng cho hiệu quả cao. Tất nhiên để làm được những điều đó họa sỹ cần phải có sự tích cực trong làm việc để tạo được bàn tay vàng cho mình lúc đó hơi thở tâm hồn mới được thổi vào ở những vật vô tri.
- Kỹ thuật tạo chất: Trong nghệ thuật sự thành công của tác phẩm không thể không nói đến vấn đề của tạo chất với bất kỳ chất liệu nào chúng ta đều có thể tạo chất, mỗi chất liệu đều có mỗi cách tạo chất riêng.
Tạo chất tức là nắm bắt hiện thực một cách thấu đáo để tạo nên sự sống cho tác phẩm, là cách thể hiện là phương tiện áp dụng những khả năng riêng cảu mỗi họa sỹ cho tác phẩm của mình.
Trong sơn dầu với tính đa năng của chất liệu nên có thể diễn tả đối tượng bằng nhiều cách tạo chất, tạo chất bằng màu, hoặc đắp dày, di mỏng, cạo… đều được có thể dùng bất cứ phương tiện nào kể cả ngón tay, bàn tay miễn là cho được thỏa mãn khi diễn tả các đối tượng.
Sơn dầu có nhiều cách để tả chất làm đa dạng thêm chất liệu đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao. Thông thường khi vẽ ít ai vẽ một lớp màu mà đạt được hiệu quả ngay mà ta phải chồng nhiều lớp màu cho đến lúc nào đạt được như ý muốn thì thôi.
Khi muốn chồng màu sau lên thì phải đợi lớp màu dưới khô vừa phải tức là không khô cứng để khi chồng lớp màu sau lên có thể hòa lẫn nhưng ở độ ít hơn, dùng cách này để điều chỉnh đậm nhạt hoặc nóng lạnh thì rất hợp, hoặc chờ cho màu dưới khô chết hẳn rồi chồng lớp màu sau lên điều này tránh được sự hòa lẫn không cần thiết giữa các lớp màu, khi phủ màu sau lên có thể lấy dao cạo, nạo làm cho lộ ra màu phía dưới theo các hình dạng điều khiển của đường bút rất đẹp, hoặc tạo độ nhám, xơ hoặc hình dạng rồi phủ màu của gam chung lên dùng dao cạo làm cho các màu lẫn ở các khe nhỏ tạo được gam chung cho bức tranh. Cách này khi phủ lớp màu sau phải mỏng có thể dùng cọ quét nhẹ lên rồi dùng dao cạo lên chỗ đã phủ màu. Trong tạo chất phải bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ từ ánh sáng màu sắc, không gian, xa gần nóng lạnh hình thể… của thiên nhiên có thể đắp dày, di mỏng, bóp méo hình thể không nhất thiết phải sao chép thiên nhiên.
Trong tạo chất sơn dầu giải quyết ánh sáng là rất quan trọng đôi khi ánh sáng xuất phát từ một điểm cụ thể của bức tranh và không còn tính chất siêu hình được mô tả, không nhất thiết ánh sáng phải từ trên rọi xuống như trong tự nhiên mà có thể bằng những nhát bút đắp dày và màu sắc ánh sáng được khêu gợi như trong bức phong cảnh ở Colliouve của Matisse ở đây họa sỹ gạt bỏ cách mô phỏng bắt chước thiên nhiên, ông dùng những nét bút ngang dọc chỗ dày chỗ mỏng, có chỗ buông lơi làm sinh động cho bức tranh, ta có cảm giác như gió vi vu, màu ắc rực rỡ cảm giác cái nắng mùa hè thắm được tạo hồn sóng cho bức tranh.
Tạo chất là đi tìm cái mới cái sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người để đưa vào tranh tạo cho bức tranh môt linh hồn sống trong tranh và trong mắt người thưởng thức.
- Nguyễn Thị Hải Yến -
>>> Thịnh và suy của hội họa sơn dầu
>>> Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp