Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Vẽ láng đã được áp dụng ngay từ khi sơn dầu mới ra đời, trong những bức họa từ t.k. V – VII trên tường hang ở Bamiyan (Afghanistan), được vẽ bằng màu trộn với dầu hạt thuốc phiện và dầu hạt óc chó với một kỹ thuật nhiều lớp, tương tự như kỹ thuật vẽ sơn dầu của thời Trung Cổ sau này.

Vẽ láng (glazing (E), glacis (F), лессировка (R)) chỉ áp dụng cho những lớp trên cùng. Ánh sáng phản xạ từ lớp màu bên dưới khi đi qua lớp màu trong bên trên tạo ra hòa sắc quang học, không thể đạt được bằng pha trộn màu trên palette. Láng thường được vẽ như một lớp màu sẫm, trong và mỏng phủ lên một lớp màu sáng hơn (đã khô), ví dụ ultramarine láng lên nền vàng. Nếu láng đỏ lake lên trên đỏ cadmium sẽ được tông màu rất tinh khiết và sâu vì lớp đỏ lake láng hấp thụ các tia sáng có màu phụ như lục. Kỹ thuật phủ một màu sáng bán đục lên một màu tối hơn (đã khô) để làm mềm các đường viền, tạo hiệu quả viễn cận không khí, lớp phấn trên da thịt v.v. được gọi là day (scumbling). Để láng và day cần có một dung dịch đặc biệt, chứa nhiều dầu tạo màng (dầu lanh) và ít dung môi (turpentine) hơn, đồng thời cần bóng và ít ngả vàng. Sơn dầu phải được hòa với nhiều dung dịch cho đủ loãng và trong để có thể láng trơn tru trên lớp sơn đã khô hẳn.

Có nhiều công thức pha dung dịch vẽ láng, ví dụ:

9 phần Dammar varnish

9 phần dầu thông

4 phần dầu đọng

2 phần Venice turpentine.

Cũng có thể dùng dung dịch láng (glazing medium) pha sẵn của các hãng họa phẩm hoặc Liquin Light Gel (gốc alkyd) của Winsor & Newton để láng.

llang 1
Dung dịch láng của Royal Talens

Nói một cách nôm na, láng cũng tựa như đặt một tờ giấy bóng kính màu lên trên một bức ảnh đen trắng. Mặc dù về mặt lý thuyết có vẻ rất đơn giản, láng là kỹ thuật thuộc hàng khó nhất trong phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp. Dung dịch vẽ láng phải có độ trơn chuẩn xác và bút lông phải mềm và tốt để có thể quết những lớp màu đều, dài, không bị đứt đoạn, không bị xùi, lầy, chảy giọt, hay để lại vệt bút.

Hiệu ứng quang học rực rỡ như kính màu được tạo bởi kỹ thuật láng là một trong những bí mật làm nên các hòa sắc kỳ bí trong tranh các bậc thầy cổ điển, mà nếu được đem đặt cạnh, sự phối màu trên các bức họa nhiều triệu Mỹ kim của hội họa hiện đại chỉ còn là những lấm lem nông cạn và tội nghiệp.

Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng một thí nghiệm đơn giản: vẽ 2 mảng màu lam sáng trên một nền tối. Mảng thứ nhất được được vẽ dùng trắng chì trộn với lam colbalt trên palette. Mảng thứ hai được vẽ bằng láng lam cobalt lên mảng trắng chì đã khô. Bạn sẽ được hai màu lam sáng hoàn toàn khác nhau. Một sắc nông và bì bì được tạo bởi trộn màu trên palette. Sắc kia trong và sâu được tạo bởi màu trắng chiếu xuyên qua màu lam láng bên trên.

Ngoài việc tạo ra hòa sắc quang học, láng còn là phương pháp cực kỳ thông minh mà các bậc thầy cổ điển từng áp dụng để ngăn các màu quý hiếm biến đổi.

Ví dụ, từ lâu các họa sĩ đã biết vermilion xịn (PR106) từ đá thần sa (cinnabar), tức sulfide thủy ngân (HgS), có thể đen đi theo thời gian. Việc dùng đỏ Venetian hoặc phát minh ra đỏ cadmium (PR108) sau này chỉ cung cấp một giải pháp gần đúng, bởi vermilion xịn là màu đỏ cực kỳ đẹp, không màu đỏ nào khác có thể thay thế được, nhất là khi dùng nguyên chất hay pha màu da thịt. Cho dù hàng thế kỷ đã trôi qua khoa học ngày nay mới chỉ dừng ở mức độ phỏng đoán cơ chế vì sao vermilion tối đi. Giả thuyết cho rằng sulphide thủy ngân dạng alpha (α-HgS, cinnabar) chuyển hóa thành dạng beta (β-HgS, metacinnabar) có màu đen, vì thế vermilion ngả đen, nay đã bị loại bỏ. Lý do là vì người ta đã không tìm ra dấu tích của sulfide thủy ngân dạng beta trong các mảng có vermilion bị ngả đen trên các bức họa cổ, ví dụ các bích họa được vẽ từ t.k. VI- IV tr CN ở Pompeii. Gần đây nhất, trong một công trình đăng tại tạp chí Physical Review Letters tháng 11. 2013 [1], các nhà khoa học Bỉ và Ý đã tìm ra một cơ chế biến sulfide thủy ngân, dưới tác động của ánh sáng trong môi trường chứa các ion chlor (chloride ions), thành chất corderoite Hg3S2Cl2. Chất này chịu phản ứng hóa học, sản sinh ra thủy ngân nguyên chất có màu đen. Để chứng minh đây là quá trình thực sự đã xảy ra với vermilion trên các bức họa, người ta còn phải tìm ra sự hiện diện của thủy ngân kim loại trong các lớp màu vermilion bị ngả đen đó. Đây là việc không đơn giản vì phương pháp tán xạ X quang dùng để chiếu các bức tranh chỉ hiệu nghiệm với các chất rắn trong khi thủy ngân kim loại là chất lỏng tại nhiệt độ trong phòng.

Để ngăn vermilion đổi màu trong tranh sơn dầu, các bậc thầy cổ điển đã lấy phẩm thiên thảo (madder lake) hoặc đỏ yên chi (carmine làm từ bọ kermes hay rệp son cochineal) láng lên vermilion. Hòa sắc quang học giữa vermilion và lớp láng madder lake hay carmine khiến vermilion trở nên lung linh. Lớp láng còn ngăn vermilion tiếp xúc với môi trường, và cản ánh sáng chiếu sâu xuống vermilion. Nhờ đó màu vermilion trong tranh của Van Eyck, Raphael, Rembrandt, Vermeer sau nhiều thế kỷ vẫn rực rỡ, trong khi vermilion không được láng trong tranh của một số bậc thầy khác như Uccello, Rubens, v.v. đã bị đen 

llang 2

Trích đoạn bức “Trận đánh ở San Romano” của Paolo Uccelo (kh. 1435 – 1460), tempera, dầu hạt óc chó và dầu lanh trên ván gỗ. Vermilion trên bộ yên cương ngựa bị đen gần như hoàn toàn

llang 3
Jan van Eyck
Chân dung Margaret van Eyck (1439), sơn dầu trên ván gỗ, 41.2 x 34.6 cm.

Van Eyck đã vẽ màu áo đỏ bằng cách phủ một lớp vermilion mỏng hòa dầu lanh đặc đun lên trên nền gesso trắng. Trên lớp vermilion này Van Eyck đã láng những lớp lake đỏ. Lớp láng đầu tiên có thể được trộn với một ít trắng chì 

lang 4
Raphael
Con đường tới nơi hành hình (kh. 1504 – 1505), sơn dầu trên ván gỗ, 24.4 x 85.5 cm.

Raphael dùng phẩm yên chi, hồng thiên thảo và phẩm đỏ từ gỗ vang (brazilwood) làm màu láng lên vermilion

lang 5
Rembrandt - Cô dâu Do Thái (1664), sơn dầu, 121.5 x 165.5 cm.

Rembrandt đã vẽ màu áo đỏ bằng vermilion, sau đó láng carmine lên 

lang 6
Johannes Vermeer - Cô gái mũ đỏ (kh. 1665 – 1667), sơn dầu trên ván gỗ, 22.8 x 18 cm.

Trong bức tranh này Vermeer vẽ mũ đỏ bằng vermilion, bóng tối trên mũ bằng vermilion trộn với màu đen. Sau khi lớp màu này đã khô, ông láng madder lake lên trên vermilion.

Kỹ thuật láng còn giúp các bậc thầy cổ điển tạo ra nhiều hòa sắc tinh khiết mà chỉ dùng một bảng màu rất hạn chế. Bảng màu của Rembrandt, do các nhà nghiên cứu Hà Lan phục dựng lại, chỉ gồm bột thủy tinh lam (smalt), vermilion, carmine, vàng chì – thiếc, vài màu ochre và umber, phấn trắng, trắng chì, đen xương và đen than [5]. So với khoảng hai ngàn pigments ngày nay, số pigments của Rembrandt, thậm chí khoảng 15 pigments mà các họa sĩ Baroque từng dùng để nghiền màu, thật quá ít ỏi.

lang 7
Palette được phục dựng cùa Rembrandt trong bảo tàng nhà Rembrandt ở Amsterdam (Ảnh của tác giả)

Một bí quyết khác của kỹ thuật láng là không bao giờ láng màu cùng sắc độ lên nhau vì làm như vậy chỉ khiến màu xỉn đi.

Salvador Dalí đã viết rất hay về điều này trong cuốn “50 bí quyết của tay nghề ma thuật” như sau:

Cái mà bạn phải luôn luôn ghi nhớ là nếu bạn chồng hai lớp màu cùng sắc độ lên nhau kết quả sẽ là màu mờ đục ghê sợ, đặc sệt và thiếu ánh sáng (…) Ví dụ, nếu trên các sắc độ của da thịt dựa trên màu đất Venetian bạn lại đi phủ một lớp màu đất Venetian mới, kết quả sẽ bẩn và thiếu sự lấp lánh. Nếu, ngược lại, trên màu đất Venetian bạn dùng Sienna nung, màu mới của bạn sẽ trở nên sạch và sáng hơn trước. Nếu bạn tiếp tục lớp màu thứ ba với vẫn màu Sienna nung, bạn lại làm bức tranh của bạn bẩn và đặc sệt, nhưng nếu bạn đi tiếp với những màu ocher (vàng đất), bạn sẽ ngạc nhiên thấy bức tranh của bạn bừng sáng ngay lập tức với một sự rực rỡ mới được thêm vào. Bây giờ bạn đã biết rằng nếu vẽ phủ lên vẫn bằng những màu ocher bạn sẽ phá hủy sự trong trẻo mà bạn vừa từng bước đạt được. Vì thế hãy phủ lên trên đó một lớp cadmium nhạt, và tôi hứa với bạn rằng, nếu ở lớp phủ tiếp theo bằng màu vàng barium mà bạn không nhìn thấy vàng ròng tỏa sáng dưới đầu bút lông của bạn thì điều đó có nghĩa là bất kể bạn làm gì, dứt khoát bạn không thể nào có khả năng rút ra bài học của bí quyết số 43 – tức là bạn sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ra vàng trong hội họa.

Trong bức tranh “Quà cưới tặng con trai”, tôi đã dùng 3 màu raw umber (nâu tối sống), burnt Sienna (nâu Sienna nung) và trắng chì để vẽ lót. Sau đó, phần áo và vành khăn của chú rể được lên màu bằng láng vàng cadmium lên ochre, vàng chanh lên vàng cadmium, rồi vàng Ấn Độ lên vàng chanh. Còn áo cô dâu được vẽ bằng phủ vermilion (sulfide thủy ngân) lên đỏ Venetian (nâu đất đỏ Venice), rồi rose madder (hồng thiên thảo) lên vermilion. Bầu trời được vẽ bằng láng cerulean blue pha trắng chì, phần tối phía trên: bằng đen lam (blue black) lên ultramarine. Bãi cát được vẽ bằng day vàng Naples lên ochre v.v.

lang 8
Lớp vẽ lót trong bức "Quà cưới tặng con trai”

lang 9
Nguyễn Đình Đăng - Quà cưới tặng con trai (2015), sơn dầu, 38 x 45.5 cm

- Nguyễn Đình Đăng -

>>> Lịch sử kỹ thuật vẽ sơn dầu (Phần 1)

>>> Tầm quan trọng của kỹ thuật vẽ sơn dầu

>>> Vật liệu vẽ sơn dầu (Phần 1)

0976984729