Nghệ thuật trong hội họa (Phần 1)
* Những từ liên quan:
- Trừu tượng: Là từ dùng để chỉ những hiệu quả hình ảnh xuất phát từ sự đơn giản hóa và/hoặc tái sắp xếp cái vẻ bề ngoài của những vật thể tự nhiên, hoặc để chỉ tác phẩm phi biểu hiện được sắp xếp chỉ đơn giản là nhằm thỏa mãn nhu cầu cơ cấu hoặc nhu cầu thể hiện của nghệ sĩ. Sự trừu tượng hiện diện trong mọi tác phẩm nghệ thuật ở những mức độ khác nhau, từ biểu hiện toàn diện đến hoàn toàn phi khách quan.
- Mỹ học: Là lý thuyết về nghệ thuật hoặc về cái đẹp; theo truyền thống đó là một ngành của triết học, nhưng ngày nay nó là một cấu phần của triết học, tâm lý học và xã hội học của nghệ thuật. Như thế nhiệm vụ của mỹ học không còn chỉ là xác định những nguồn gốc của tính nhạy cảm đối với các loại hình nghệ thuật và quan hệ giữa nghệ thuật với những khía cạnh khác của văn hóa (như khoa học; công nghiệp, đạo đức, triết học và tôn giáo). Từ mỹ học được dùng thường có một nghĩa liên quan đến các tính chất nghệ thuật của loại hình, trái hẳn với loại hình có tính mô tả hoặc ghi lại hình ảnh.
- Cảm nhận có tính khái niệm: Là hình ảnh sáng tạo xuất phát từ trí tưởng tượng.
- Nội dung: Là sự biểu hiện, ý nghĩa chủ yếu, hoặc giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật. Nội dung có liên quan đến những tính chất của cảm quan, tính chủ quan, tâm lý hoặc cảm xúc mà chúng ta cảm nhận ở một tác phẩm nghệ thuật, khác hẳn với sự cảm nhận của chúng ta đối với những khía cạnh có tính mô tả của tác phẩm mà thôi.
- Trang trí (nghệ thuật, đường nét, hình dạng, màu sắc v.v…): Là có tính điểm xuyết hoặc mang lại sự trù phú, nhưng quan trọng hơn trong nghệ thuật, nó nhấn mạnh đến tính hai chiều của một tác phẩm nghệ thuật hoặc bất kỳ yếu tố nào của tác phẩm. Nghệ thuật trang trí nhấn mạnh đến sự phẳng dẹt chủ yếu của bề mặt.
- Nghệ thuật mô tả: Là loại nghệ thuật dựa trên sự tôn trọng những vẻ bề ngoài có thực.
- Design: Là bản thiết kế trên đó nghệ sĩ dùng làm nền tảng cho toàn bộ tác phẩm của mình. Theo một nghĩa rộng, design có thể được xem như đồng nghĩa với từ loại hình.
- Các yếu tố nghệ thuật: Là đường nét, hình dạng, sắc độ, cấu trúc cơ bản và màu sắc những cấu phần cơ bản mà nghệ sĩ sử dụng một cách riêng lẻ hoặc kết hợp nhằm tạo ra hình ảnh nghệ thuật. Việc sử dụng chúng tạo ra ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật.
- Biểu hiện: 1. Là sự biểu lộ ý tưởng, cảm xúc hoặc tính chất của ý nghĩa qua loại hình nghệ thuật. 2. Là toàn bộ cơ cấu hoặc vẻ bề ngoài.
- Nghệ thuật đồ họa: 1. Là những loại hình nghệ thuật hai chiều, như vẽ, hội họa, in ấn; 2. Là sự sử dụng có tính hai chiều các yếu tố nghệ thuật; 3. Cũng có thể liên quan đến những kỹ thuật in ấn được sử dụng trong báo chí, sách v.v…
- Khối kết tập: 1. Trong nghệ thuật đồ họa là một hình dạng nổi bật một cách ba chiều từ không gian bao quanh nó hoặc có vẻ tạo ra một khối vật chất rắn ảo; 2. Trong nghệ thuật tạo hình là một mẫu vật chất rắn, to lớn.
- Phương tiện: Là chất liệu và công cụ được nghệ sĩ sử dụng để toạ ra những yếu tố hình ảnh được cảm nhận bởi người thưởng lãm.
- Chủ nghĩa tự nhiên: Là một hướng tiếp cận nghệ thuật chủ yếu mô tả các sự vật được trải nghiệm qua thị giác. Chủ nghĩa tự nhiên thuần túy không chứa đựng những diễn giải có tính cá nhân do nghệ sĩ đưa vào.
- Vùng tiêu cực: Là khoảng không gian trống hoặc không bị choán được bỏ lại sau khi nghệ sĩ đã tạo ra những yếu tố tích cực. Tuy vậy, khi những vùng đó có các đường biên thì chúng cũng có chức năng như những hình dạng được thiết kế trong toàn bộ cấu trúc.
- Nghệ thuật phi khách quan, phi biểu hiện: Là loại nghệ thuật hoàn toàn xuất phát từ tưởng tượng và không liên quan đến bất kỳ hình ảnh nào được cảm nhận bởi nghệ sĩ. Những yếu tố, cách cơ cấu và xử lý chúng là hoàn toàn tùy thuộc vào cá nhân nghệ sĩ, vì thế không liên quan đến bất kỳ một vật thể tự nhiên nào mà người thưởng lãm đã trải nghiệm trước đó.
- Khách quan (nghệ thuật, hình dạng): Là loại hình nghệ thuật dựa trên thực tại vật chất hoặc cảm nhận thị giác để tạo ra hình ảnh càng giống thật càng tốt. Loại nghệ thuật này trông có vẻ như thật.
- Cảm nhận thị giác: Là một cách nhìn trong đó tâm trí không có một chức năng nào khác ngoài chức năng tự nhiên là cung cấp cảm giác về hình ảnh của vật thể được nhìn.
- Sự hợp nhất có tính hữu cơ: Là tình trạng trong đó những thành tố của nghệ thuật, đề tài, loại hình và nội dung phụ thuộc lẫn nhau và quan trọng đến nỗi chúng trông có vẻ như một cơ thể sống. Một tác phẩm có “sự hợp nhất có tính hữu cơ” không nhất thiết là “vĩ đại” hoặc nổi tiếng.
- Khung tranh: Là những giới hạn ngoài cùng hoặc đường biên của mặt tranh.
- Mặt tranh: Là bề mặt phẳng dẹt mà trên đó nghệ sĩ thực hiện hình ảnh. Trong một số trường hợp, mặt tranh chỉ có tác dụng như là một mặt phẳng trong suốt dùng để căn cứ vào đó nghệ sĩ thiết lập những hình dạng ảo có trong không gian ba chiều.
- Mặt phẳng: 1. Là một vùng chủ yếu hai chiều cao và rộng; 2. Là một bề mặt phẳng dẹt; 3. Là một bề mặt hai chiều có một vị trí hoặc phương hướng và sự mở rộng tích cực trong không gian.
- Tạo hình (nghệ thuật): 1. Là sử dụng những yếu tố nghệ thuật để tạo ra ảo ảnh hai chiều trên một bề mặt hai chiều; 2. Là những loại hình nghệ thuật ba chiều, như kiến trúc, điêu khắc, gốm sứ v.v…
- Vùng tích cực: Là trạng thái trong tác phẩm nghệ thuật trong đó những yếu tố nghệ thuật (hình dạng, đường nét v.v…) hoặc sự phối hợp của chúng, tạo ra chủ đề - phi biểu hiện hoặc những hình ảnh có thể nhận biết được.
- Hiện thực (phong trào nghệ thuật): Là phong cách nghệ thuật giữ lại ấn tượng cơ bản của hình ảnh thực mà không đi vào chi tiết thái quá. Ngoài ra các họa sĩ của phái hiện thực cũng nỗ lực diễn đạt những ý nghĩa phổ quát nằm bên dưới những vẻ bề ngoài. Phong trào nghệ thuật này có liên quan đến những họa sĩ như Honoré Daumier trong thế kỷ 19 của Pháp và Winslow Homer tại Hoa Kỳ trong thập niên 1850.
- Nghệ thuật biểu hiện: Là loại nghệ thuật trong đó chủ đề được trình bày qua những yếu tố nghệ thuật của hình ảnh để người thưởng lãm nhớ lại những vật thể có thực.
- Không gian: Là khoảng cách hoặc tầm xa có thể đo được giữa các điểm hoặc các hình ảnh.
- Phong cách: Là đặc trưng nghệ thuật và những chiều hướng nổi trội được ghi nhận trong những giai đoạn lịch sử và các phong trào nghệ thuật. Phong cách cũng có thể liên quan đến sự sử dụng phương tiện biểu hiện của nghệ sĩ nhằm mang lại cho tác phẩm của họ sự đặc trưng cá nhân.
- Chủ đề: 1. Trong khảo hướng nghệ thuật có tính mô tả, thì chủ đề có liên quan đến những con người hoặc những sự vật được trình bày, cũng như liên quan đến những trải nghiệm mà các nghệ sĩ đã sử dụng làm nguồn cảm hứng. 2. Trong những loại hình trừu tượng hoặc phi khách quan của nghệ thuật, thì chủ đề liên quan đến những dấu hiệu có tính hình ảnh được nghệ sĩ sử dụng. Trong trường hợp này thì chủ đề không mấy liên quan đến bất cứ gì được trải nghiệm trong bối cảnh tự nhiên.
- Chủ quan (nghệ thuật, hình dạng, màu sắc v.v…): Là cái xuất phát từ tâm trí, phản ánh quan điểm, thành kiến hoặc cảm xúc cá nhân.
- Kỹ thuật: Là cách thức và kỹ năng qua đó nghệ sĩ sử dụng các công cụ và chất liệu để đạt một hiệu quả có tính biểu hiện. Những cách thức sử dụng phương tiện có thể tác động mạnh mẽ đến tính chất thẩm mỹ trong toàn bộ khái niệm của một nghệ sĩ.
- Tính ba chiều: Là có chiều sâu ảo, bổ sung cho chiều cao và chiều rộng.
- Tính hai chiều: Là có chiều cao và chiều rộng, đặc biệt đối với mặt phẳng dẹt, hoặc mặt tranh.
- Tính đồng nhất: Là kết quả của việc đưa những yếu tố nghệ thuật vào tỷ lệ thích hợp giữa hài hòa và tính nhiều vẻ nhằm đạt được sự mạch lạc của chính mình.
- Dung lượng: Là một vùng có thể đo được của không gian được xác định hoặc bị choán.
* Nhu cầu và sử dụng tìm kiếm nghệ thuật:
Những nền tảng nghệ thuật: Có nghĩa là kết cấu cơ bản của nghệ thuật, tuy định nghĩa này cho đến nay đôi khi vẫn còn được tranh cãi. Cái từ đó có thể được chính thức áp dụng cho sự ham muốn cơ bản nhằm tạo ra những đồ vật nghệ thuật, đã tồn tại từ thời kỳ xa xưa nhất của lịch sử nhân loại. Bạn hãy xem những bức họa trong hang động và những tác phẩm khắc chạm nghệ thuật thời tiền sử. Những bức họa trong hang động hẳn đã được thực hieenjj nhằm đảm bảo sự thành công trong săn bắn – một loại hình của phép thuật. Nhưng với bức tượng chạm khắc thì hẳn thì hẳn chúng ta thầm hỏi, vì lý do gì mà có pho tượng đó? Có lẽ nó đã được dùng làm linh vật mang lại sự phồn thịnh. Nhưng dẫu vì một động cơ nào đi chăng nữa và trong bất kỳ một trường hợp nào, đó chắc chắn là một loại hình ưu việt của phép thuật – phép thuật của khả năng sáng tạo nghệ thuật.
Từ những thời đại nghệ thuật xa xăm đó, các kỹ thuật và tham vọng đã được khuếch trương một cách nhanh chóng và ngày nay chúng ta có một mảng gồm những phương tiện tiếp cận nghệ thuật khác nhau. Những “phong cách” đó đã sinh sôi vô hạn và gợi lên nhiều định nghĩa về nghệ thuật. Một số ít những định nghĩa đó được nêu ra dưới đây, nhưng bạn hãy lưu ý rằng tất cả chúng đều đã từng bị phủ nhận, nhưng mỗi định nghĩa đó có lẽ chứa đựng một thực chất nào đó có cái được nghĩ là nghệ thuật. Theo những định nghĩa đó thì nghệ thuật là: Sự biểu hiện có tính hình thức qua một hình ảnh đã thụ cảm qua những phương tiện trung gian đã định rõ (Cheney), là sự hình thành một hình dạng tạo ra bởi sự hợp tác mọi khả năng của tâm trí (Longman), một hình dạng có ý nghĩa (Bell), sức thuyết phục (Burke), cái không mong đợi chắc chắn sẽ xảy ra của những quan hệ hình thể (Fry), một đa dạng và muôn vẻ được hợp nhất, mang lại sự thích thú (Mather), một biểu đồ hoặc hệ hình chứa đựng một ý nghĩa mang lại sự vui thích (Lostowel), là cái mang lại vui thích nhưng không liên quan đến dục vọng (Thomas Aquinas), là sự vui thích được khách quan hóa (Santayana).
Ngựa chạy giữa những làn tên.
Tranh vẽ trong hang động thời đại Đồ đá cũ, khoảng 15,000 – 10,000 trước CN, Lascaux, Pháp.
Một ý nghĩa của từ “nền tảng” là nó nói lên sự ham muốn cơ bản nhằm tạo ra nghệ thuật, như được thấy ở bức họa trong hang động thời tiền sử này.
Bạn hãy lưu ý rằng một số những định nghĩa vừa kể nhấn mạnh đến sự “vui thích” như là một thành tố của nghệ thuật. Tuy vậy, những cố gắng nhằm định nghĩa nghệ thuật nêu lên một ví dụ về sự nỗ lực liên tục nhằm giải thích ý nghĩa thật sự của nghệ thuật và cho thấy rằng nghệ thuật là điều không phải ai cũng có cảm nghĩ như nhau. Dẫu thế nào chăng nữa, nghệ thuật có thể là cái mang lại cho ta sự thư giãn hoặc là cái gây kích thích. Đối với nghệ sĩ, nghệ thuật có thể gây ra một tâm trạng không thỏa mãn – nhưng cuối cùng, trong hầu hết các trường hợp, là một cảm giác của sự toàn mãn.
Trước khi tìm hiểu về các thành tố của nghệ thuật, chúng ta hãy xem xét một số thái độ có tính lịch sử về nghệ thuật. Một trong những lĩnh vực như thế có liên quan đến sự đánh giá về “cái đẹp”. Được gọi là mỹ học, lĩnh vực nghiên cứu phức tạp này chưa thể nêu lên một giải pháp toàn diện, đặc biệt là vấn đề liên quan đến định nghĩa về cái đẹp. Những định nghĩa về từ “phiền hà” đó đã thay đổi theo thời gian, kể cả đã thay đổi một cách triệt để trong vài thế hệ sau này. Ngày nay, ở một số hội nghệ thuật, cái đẹp được xem là cái đã lạc hậu. Những văn hóa có tính lịch sử đã có những khái niệm riêng của chúng về cái đẹp; nhiều khái niệm đó không còn phù hợp với những thị hiếu hiện đại và trong thế kỷ 19 và 20, những thay đổi trong các nghệ thuật đã làm công chúng phải bối rối. Vậy thì công chúng thường ưa thích gì và trông đợi gì ở nghệ thuật? Có 3 điều được nêu lên: đề tài quen thuộc, đề tài có thể xác định được và đề tài có tính tình cảm hoặc “vui thích”. Đối với nhiều người thì tiêu chuẩn đánh giá đó bao gồm những thành phần hợp thành cái đẹp trong nghệ thuật. Nhưng nếu một tác phẩm hội đủ ba điều kiện đó mà được thực hiện một cách tồi tệ thì sao? Và sẽ là thế nào nếu một tác phẩm thiếu hẳn tiêu chuẩn mong đợi nhưng cũng được thực hiện một cách tài tình? Nhiều nghệ sĩ lớn đã tạo ra những tác phẩm vĩ đại từ những đề tài thô thiển và nhiều nghệ sĩ cấp thấp tạo ra những tác phẩm xoàng xĩnh với những đề tài được ưa chuộng. Hẳn nhiên, không phải mọi người, dẫu có cùng địa vị và hoàn cảnh xã hội như nhau, đều có cùng quan điểm về “cái đẹp” của một tác phẩm. Và hơn thế nữa sự diễn dịch của họ về tác phẩm cũng không như nhau.
Vệ nữ Lespugue, tượng chạm khắc thuộc thời kỳ Orinhắc
Tượng được chạm khắc từ một ngà voi ma mút thuộc thời kỳ Orinhắc và có lẽ được dùng làm linh vật ban sự phồn thịnh
Dẫu thế nào chăng nữa, trong nghệ thuật ngày nay, cái đẹp không phải là cái được tìm kiếm một cách phổ biến. Các nghệ sĩ thuộc trường phái Khái Niệm hoặc trường phái Quá Trình quan tâm nhiều đến cái “bằng cách nào” (cái kỹ thuật được sử dụng để tạo ra tác phẩm) hơn là quan tâm đến cái “cái gì” (tác phẩm đã hoàn tất). Tuy những nghệ sĩ đó có thể cho rằng nghệ thuật của họ là đẹp (tuy có lẽ họ không dùng từ đó), nhiều người thấy rằng đó là cái đẹp thuộc loại xa lạ và không thể chấp nhận. Có lẽ “cái đẹp” đã thuộc vào một định nghĩa mới – nếu ai đó có thể tìm ra cái định nghĩa đó.
Piet Mondrian, Cây màu xám, 1912. Tranh sơn dầu (76.4 x 107.9 cm)
Trong tác phẩm này, chúng ta thấy những bước khởi đầu của nghệ thuật trừu tượng đã ghi dấu trên sự tiến bộ của Mondrian qua các hình
“Dấu ấn” hoặc tính có thể nhận ra được của một tác phẩm nghệ thuật thông thường tồn tại ở trong phong cách của nó. Một số phong cách mang tính cá nhân và độc đáo trong khí số khác thì đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ chọn. Không kể đến phong cách, thời gian hoặc nơi chốn, nghệ thuật là cái luôn được tạo ra vì người nghệ sĩ mong muốn nói lên một điều gì đó và đã chọn một cách thức khác biệt để nói điều này. Qua năm tháng, các nghệ sĩ đã được ca ngợi, bị xem thường, bị hiểu lầm và bị phê phán theo nhiều cách khác nhau. Số lượng các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra ngày nay là rất lớn lao. Trong nỗ lực nhằm cung cấp một vài hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật, nhiều cuốn sách đã được biên soạn. Một số sách hướng đến việc trình bày một cái nhìn tươi vui, có nhân có quả về nghệ thuật, một số sách khác thì hướng đến việc khai sáng những người không chuyên về nghệ thuật, số khác nữa thì để dùng làm câu chuyện cho những buổi trà dư tửu hậu và một số khác thì là một dẫn nhập vào thực hành nghệ thuật. Rõ ràng là nhiều người muốn tích cực dấn thân vào nghệ thuật nhưng thấy rằng phần lớn cái mà họ trông thấy đều không có ý nghĩa đối với họ. Điều đó góp phần ngăn trở họ đến với nghệ thuật. Một lý do khiến người ta không thể hiểu được phần lớn nghệ thuật đã được tạo ra là vì sự đa dạng trong thế giới của chúng ta. Kỹ thuật in ấn tinh vi và sự phân phối rộng khắp đã làm cho phần lớn nghệ thuật của quá khứ và hiện tại có thể đến tay chúng ta. Thêm vào đó, truyền hình, Internet, với những trao đổi thông tin có tính tương tác và toàn cầu, truyền thanh và du lichj bằng đường không góp phần vào sự hỗn hợp văn hóa lớn lao. Đó là một bước tiến xa, kể từ những giai đoạn có tính ốc đảo của trước thế kỷ 290, khi người ta thường có một am hiểu tốt hơn và dễ dàng chấp nhận về cái mà họ trông thấy hơn, vì họ trong thấy quá ít.
Piet Mondrian, Cây xanh, 1912. Tranh sơn dầu (94 x 70.8 cm)
Tác phẩm này là một bước tiến tuần tự khác của Mondrian trong nghệ thuật trừu tượng được thực hiện trong nghệ thuật trừu tượng được thực hiện qua một chuỗi những họa phẩm về cây xanh để tiến đến tác phẩm sau cùng của ông về cây xanh theo trường phái hội họa lập thể. Tác phẩm này là một bước rời xa chủ nghĩa hiện thực để tiến đến nghệ thuật trừu tượng lớn lao hơn.
Piet Mondrian, Bố cục, 1916. Sơn dầu và dải gỗ (120 x 74.9 cm)
Như là một sự tiếp nối của các hình trên, tác phẩm này có thể được xem là gần hơn với phong cách nghiêm khắc được thể hiện ở giai đoạn cuối trong tác phẩm “Bố cục với Đỏ, Xanh, Vàng, Đen và Xám” của Mondrian.
Trong suốt dòng lịch sử, các nghệ thuật hội họa, in ấn, điêu khắc v.v… là nguồn suối của sự khám phá và đổi thay có tính nghệ thuật đáng kể, với một tiềm năng sinh sôi nảy nở lớn lao. Một ví dụ hàng đầu là những họa phẩm của Piet Mondrian. Ta có thể dễ dàng lần theo sự phát triển phong cách đặc biệt chín chắn của ông qua việc xem xét những tác phẩm đã được trình bày. Phong cách sau cùng – được biết đến nhiều nhất vẫn còn là phong cách có ảnh hưởng mạnh trong những ứng dụng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thật vậy, phong cách đó thấm vào tiềm thức của tất cả chúng ta ngay cả nếu chúng ta không mấy ưa thích những họa phẩm đó. Tương tự như thế, những nghệ sĩ đáng kể khác, những người mà chúng ta đánh giá là “xuất sắc”, đã một cách tinh tế và không chủ tâm, làm biến đổi cái nhìn của chúng ta. Nhiều nghệ sĩ được nêu có thể được kể trong số những nghệ sĩ xuất sắc đó.
Piet Mondrian, Bố cục với Đỏ, Xanh, Vàng, Đen và Xám, 1992. Sơn dầu (41.9 x 48.6 cm)
Những màu chính được chia thành những khối màu được sắp xếp thành hàng, tất cả trên hệ thống ô vuông hai chiều, là điển hình của tác phẩm thuộc thời kỳ muộn của Mondrian. Đây là phong cách đã tạo ảnh hưởng qua nhiều năm
Gerrit Rietveld và Truus Schroder, Nhà Rietveld – Schroder, 1920-24
Rietveld (kiến trúc sư, nhà thiết kế) và Schroder (khách hàng và là người cùng thiết kế) là những thành viên, cùng với Mondrian, của nhóm Stijl, Hà Lan – một sự việc có thể nói lên những tương tự trong phong cách
Nhằm có được một số nhận định về nhiều loại hình nghệ thuật mà ngày nay chúng ta tiếp cận, chúng ta cần phải am hiểu những nền tảng mà từ đó chúng đã phát triển. Bài này cung cấp cho bạn một sự am hiểu qua việc khảo sát tính chất của nhiều yếu tố có liên quan đến việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, kể cả những nguyên tắc định đoạt những yếu tố đó.
Gerrit Rieveld, Ghế đỏ/xanh, thiết kế năm 1918 (thực hiện khoảng năm 1950 bởi G. Van de Groenekan). Gỗ thông, đánh đen như mun và sơn (88.4 x 60 x 75.5 cm)
Những tương quan giữa các thanh nằm ngang và những mặt phẳng đứng cùng màu sắc sắp xếp kề nhau như một hệ thống ô vuông bất đối xứng là đặc điểm mà cái ghế này và những họa phẩm của Piet Mondrian cùng chia sẻ
Áo Jacket in hình những khối màu nhẹ từ catalog Deerskin
Mẫu thiết kế này cho thấy ảnh hưởng của Mondrian trên các sản phẩm thương mại
* Những thành tố của nghệ thuật:
Đề tài, hình dáng và nội dung là ba thành tố cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật. Tuy vậy, trong những năm gần đây, chúng ta thường thấy khó để nhận ra, để phân biệt và xác định những thành tố đó trong một số tác phẩm nghệ thuật.
Theo truyền thống thì đề tài của một tác phẩm nghệ thuật là con người, đồ vật hoặc một chủ đề. Ngày nay, với sự xuất hiện của thời đại trừu tượng, đề tài của tác phẩm nghệ thuật cũng có thể liên quan đến hình dáng cá biệt của những yếu tố của nghệ thuật và đôi khi đến sự ghi lại sinh lực và chuyển động của người nghệ sĩ. Như vậy, đề tài có thể “đụng chạm” với hình dáng của tác phẩm nghệ thuật, thường được hiểu như là cái vẻ bề ngoài hoặc sự cấu tạo của tác phẩm. Điều này có thể tạo ra sự rối trí cho những người muốn viết về nghệ thuật.
Cũng vậy, định nghĩa về nội dung đã mất đi hoặc biến đổi từ ý nghĩa nguyên thủy của nó. Theo quy ước, nội dung có liên quan đến toàn bộ thông điệp của tác phẩm được nghệ sĩ triển khai và được diễn dịch bởi người thưởng ngoạn. Tuy vậy, ngày nay chúng ta thấy rằng nội dung thường xuất phát từ những trải nghiệm riêng tư của người nghệ sĩ. Đó là những trải nghiệm quá riêng tư đến nỗi đôi khi người thưởng lãm nghệ thuật khó có thể am hiểu được thông điệp trừ khi họ có cùng những trải nghiệm như người nghệ sĩ. Những định nghĩa về đề tài, bố cục và nội dung được nêu ra dưới đây đều là những định nghĩa truyền thống. Tuy vậy, khi nhìn những minh họa, chúng ta sẽ nhận thấy rằng định nghĩa đó đang bị nhạt nhòa đi trong thời hiện đại. Ghi nhận điều đó, hẳn ta sẽ dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật thách thức sự am hiểu thông thường của ta về nghệ thuật.
Barbara Chase – Riboud, Những vùng chan hòa ánh nắng, 1973.
Tác phẩm đắp nổi trên sàn nhà gồm 16 mảnh nhôm và lụa (400 x 400 x 12cm)
Barbara Chase – Riboud không giới hạn hình ảnh mà bà nêu ra qua sự trình bày nông cạn một đề tài. Bà tỏ lộ những ý nghĩa có tính hình thức sâu sắc hơn qua những mặt nhôm có nếp gấp được trình bày lặp lại và qua sự tương phản của kim loại với những dải lụa ngoằn ngoèo
* Ba thành tố cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật:
- Đề tài là con người, đồ vật hoặc một ý tưởng. Con người và đồ vật hẳn được trình bày một cách khá rõ nét đối với phần lớn những người thưởng ngoạn, nhưng ý tưởng thì có thể là không được thể hiện một cách rõ ràng. Trong các tác phẩm trừu tượng hoặc bán trừu tượng, đề tài có thể đôi chút được nhận ra, nhưng trong những tác phẩm phi khách quan thì đề tài là cái ý tưởng nằm ở phía sau hình dáng của tác phẩm nghệ thuật và nó truyền đạt cái ý tưởng đó cho tính quan trọng ở mức độ mà người nghệ sĩ đã bị thôi thúc bởi nó. Như thế, đề tài chỉ là một khởi điểm; cái cách thức mà nó được trình bày hoặc hình thành mang lại cho nó một sự diễn đạt và là một cân nhắc quan trọng.
Charles Sheeler, Bố cục quanh màu đỏ (Pennsylvania), 1958. Sơn dầu 26 x 33 inch
Đề tài cho thấy rõ một cấu trúc do con người sáng tạo ra. Tuy vậy, một tác phẩm nghệ thuật cần phải được đánh giá không chỉ qua đề tài mà còn qua cách thức mà đề tài được xử lý
Tựa như bất kỳ một lĩnh vực nghệ thuật nào, âm nhạc có liên quan đến những đề tài và ta có thể so sánh nó với hội họa. Trong hội họa, đề tài thông thường là một hoặc nhiều đồ vật cá biệt được nghệ sĩ nhìn ngắm và tái hiện. Âm nhạc thì trình bày một đề tài “không nhận ra” vì đề tài là một ý tưởng chứ không phải là một sự vật. Âm nhạc đôi khi liên quan đến những âm thanh có thể nhận ra – tiếng sấm và tiếng chim trong khúc Giao hưởng thứ sáu của Beethoven, hoặc tiếng kèn taxi trong Một người Mỹ ở Paris của Gershwin. Tuy được trình bày một cách trừu tượng, những tác phẩm âm nhạc đó có thể được xem tương đương với những đề tài có thể nhận ra trong một tác phẩm nghệ thuật. Ngược lại, Khúc giao hưởng thứ năm của Beethoven và Concerto cung Fa trưởng của Gershwin là những tác phẩm với những ý tưởng có tính âm nhạc. Trong loại hình ca múa, nghệ thuật biên đạo múa thường không có một đề tài cá biệt, nhưng sự nhảy múa trong vở ballet Rodeo của Copland thì, trong một mức độ, có ảnh hưởng đến đề tài. Mọi nghệ thuật đều có những đề tài mà chúng ta không nên nhận xét chúng một cách đơn lẻ, nhưng phải nhận xét với cái đi với chúng.
- Bố cục: Từ bố cục được sử dụng theo nhiều cách khác nhau khi nói đến các đối tượng nghệ thuật. Nếu áp dụng cho điêu khắc thì từ bố cục có liên quan đến toàn bộ cơ cấu hoặc tác phẩm. Vẻ bề ngoài của một tác phẩm điêu khắc là kết quả của việc sử dụng những yếu tố của đường nét, màu sắc, hình dáng và tương quan của chúng đối với những nguyên tắc về sự hài hòa và tính nhiều vẻ. Từ bố cục không chỉ được dùng riêng để nói về hình dáng của tác phẩm điêu khắc; tuy một hình dáng đạt là kết quả của một cơ cấu tốt (Hình Hình nhân Uli). Mặt khác, các nhà điêu khắc có thể sử dụng từ “bố cục” để nói đến những dáng vẻ gợi ra bởi những hốc, ổ, hoặc những chỗ lồi lên của tác phẩm.
Hình nhân Uli, New Zealand, Gỗ sơn màu, cao 152 cm
Để minh họa cho những ý nghĩa khác nhau của từ “bố cục”, chúng ta có thể nói rằng pho tượng điêu khắc này là những bố cục gồm các hình dáng riêng biệt có tính mở và rắn hoặc cũng có thể nói rằng bố cục của tác phẩm là sự kết hợp toàn bộ những phần riêng lẻ
W. Eugene Smith, Spanish Wake, 1951. Nhiếp ảnh
Yếu tố cảm xúc chứa đựng trong bức ảnh này là điều thấy rõ. Tuy vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã làm cho nội dung trở nên đậm nét hơn bằng cách nắm bắt tình huống
- Nội dung: Thông điệp có tính tình cảm hoặc trí tuệ của tác phẩm nghệ thuật là cái nằm ở nội dung của nó. Đó là sự thể hiện, một tâm trạng hoặc một sự phát biểu, được người thưởng ngoạn đọc thấy trong tác phẩm và ăn khớp một cách tuyệt vời với những chủ ý của người nghệ sĩ. Chẳng hạn, nghệ sĩ nhiếp ảnh W. Eugene Smith gửi đi những cảm nghĩ của ông qua đề tài và những biểu tượng liên kết với cái chết (Hình Spanish Wake). Trong tác phẩm này, bố cục cung cấp thêm một ý nghĩa thuộc tiềm thức qua việc sử dụng những mảng màu đen và xám đậm, làm thu hẹp lại sự nhận thức về cách sắp xếp tác phẩm, và nhấn mạnh đến những đường chéo phía dưới. Đối với nhiều người, nội dung của tác phẩm là cái gì được gói gọn trong những liên kết quen thuộc, thông thường đó là những cảm xúc được khơi dậy bởi những đồ vật hoặc những ý tưởng quen thuộc. Điều này hiển nhiên là một sự tự hạn chế đối với những người thưởng lãm nghệ thuật có những trải nghiệm tương tự. Một nội dung lớn hơn và cuối cùng là mang nhiều ý nghĩa hơn thì không dứt khoát dựa vào hình ảnh nhưng được củng cố bởi bố cục tạo ra của người nghệ sĩ. Người ta có thể tìm thấy nội dung đó trong các tác phẩm trừu tượng cũng như trong nhiều tác phẩm có tính hiện thực.
Tuy mọi tác phẩm hội họa đều đòi hỏi phải có ít nhiều sự trừu tượng hóa, nhưng nếu trừu tượng hóa lên đến một mức quá cao thì người ta thường khó am hiểu và thẩm định tác phẩm, và đôi khi sự “thẩm định” đó chỉ là sự chê bai và có tính rối rắm, mơ hồ. Sự “trừu tượng hóa” là một từ thường bị hiểu sai và đôi khi được dùng một cách không đúng. Trừu tượng hóa thường là một tiến trình được đề ra cho người nghệ sĩ khi tìm cách đạt được tác dụng mong muốn trong một tác phẩm, tuy rằng tác dụng đó không luôn là điều có thể tiên đoán trong khi người nghệ sĩ đang tiến hành công việc. Trừu tượng hóa thường liên quan đến tái sắp đặt và nhấn mạnh – nói tóm lại đó là con đường được dùng để đạt đến một kết quả nào đó. Đó là sự cởi bỏ để còn lại những yếu tính của thể hiện và truyền đạt. Đối với những người quen thưởng lãm những tác phẩm sao chép giống y đề tài thì họ thường không dễ thẩm định những tác phẩm vừa kể.
Tuy thông thường kết quả mà người ta hay gặp là sự đơn giản hóa, nhưng thay đổi hướng về sự trừu tượng hóa không có nghĩa là thành quả sẽ kém sâu sắc hơn; thay vì thế, những thay đổi đó làm cho ý nghĩa sâu sắc hơn trở nên dễ nắm bắt hơn. Khi sự mong đợi của người thưởng lãm tranh là được trông thấy những tác phẩm “như thật”, thì nội dung chủ định của tác phẩm thường bị diễn kịch không đúng. Trong trường hợp của trừu tượng phi khách quan hoặc trừu tượng không theo sát cái có thật thì “cái liên quan đến thực thể bên ngoài” là nội dung, như trong mọi nghệ thuật. Nội dung trong một tác phẩm như thế thông thường có tính chủ quan và đôi khi hoàn toàn được sáng tạo ra và đề tài, nếu có (tuy thông thường là không), là cái không thể trông thấy. Chúng ta thường thấy từ “trừu tượng” được sử dụng một cách dễ hiểu cho mọi nghệ thuật vừa có tính chuyển giải lẫn nghệ thuật có tính không chuyển giải. Chúng ta nghĩ hẳn cần phải có một sự phân biệt rạch ròi. Thật ra, trừu tượng thường được dùng như một động từ hơn là một danh từ.
Trong sự phát triển của một tác phẩm nghệ thuật, sự tiến triển hướng đến nội dung thông thường đi theo một dòng chảy nhất định. Người nghệ sĩ bị thôi thúc bởi những cảm xúc về đề tài (điều mà chúng ta sẽ gọi là “cái gì”). Đề tài đó có thể hoặc không thể là một sự miêu tả có tính biểu tượng. Người nghệ sĩ sau đó vận dụng một cách khéo léo những yếu tố nghệ thuật (đường nét, sự sắp xếp có trật tự v.v…) nhằm tạo ra một loại hình dáng hay bố cục (cái “bằng cách nào”), sẽ được đúc kết trong nội dung mong ước (cái “tại sao”). Nội dung là cái thể hiện những cảm nghĩ của người nghệ sĩ.
Sự phát triển hướng đến trừu tượng
Trừu tượng là một từ có ý nghĩa tương đối vì nó hiện diện ở những cấp bậc khác nhau trong mọi tác phẩm nghệ thuật, từ hoàn toàn có tính biểu tượng đến hoàn toàn phi khách quan
Biểu đồ này minh họa tương quan của đề tài, bố cục và khái niệm như đã mô tả trong bài này. Đề tài không luôn là xuất phát điểm. Trong một số trường hợp, họa sĩ khởi đầu tác phẩm bằng cách khám phá màu sắc hoặc hình dáng (các yếu tố) và khám phá ý nghĩa khi tiến hành sáng tác. Những vị thế trong biểu đồ và mức độ quan trọng của chúng có thể thay đổi. Tuy nội dung được phô bày qua bố cục, trong một số trường hợp nó có thể là lực thôi thúc. Dẫu sự tiến triển hoặc sự nhấn mạnh các thành tố - đề tài, bố cục và nội dung – có thế nào chăng nữa thì mục tiêu mơ ước vẫn là tạo ra một thể thống nhất có kết cấu
Trong tiến trình này, người nghệ sĩ nỗ lực làm cho mọi phần của tác phẩm tương tác và phụ thuộc lẫn nhau tựa như một cơ thể sống. Nếu đạt được điều đó, chúng ta có thể gọi nó là một thể thống nhất có kết cấu, không chứa đựng những cái không cần thiết hoặc gây xao lãng với những quan hệ xem chừng không tránh khỏi.
Cái máy truyền hình có thể được dùng để minh họa cho một thể thống nhất có kết cấu vì nó là một phức hợp gồm những phần được tạo ra để cùng thực hiện chức năng, tựa như những bộ phận trong cơ thể con người. Cái truyền hình chứa đựng những bộ phận đó chỉ hoạt động khi được lắp ráp một cách chính xác với nhau. Khi mọi bộ phận của nó đều hoạt động thì các bộ phận được thống nhất về mặt cơ cấu. Cũng vậy, ý niệm về sự “toàn diện” này cũng được nhận thấy trong nghệ thuật.
Sự toàn diện là điều khó để nhận ra trong các tác phẩm của một số nghệ sĩ đương đại, những người thách đố truyền thống. Trong các tác phẩm của họ, những khác biệt giữa đề tài, bố cục và nội dung bị nhạt nhòa, mất hẳn hoặc hỗn độn, vì những thành tố đó đôi khi đã bị xử lý như nhau. Sự cắt đứt với truyền thống đó đòi hỏi chúng ta phải chuyển hướng tư duy. Trong nghệ thuật Khái niệm (một phong cách, hầu hết nghệ thuật đều có tính khái niệm, ở một mức độ nào đó), thì khái niệm là cái hàng đầu, tác phẩm được xem là không đáng kể và khái niệm và đề tài có vẻ như là một. Trong nghệ thuật Tiến Trình (một phong cách khác) thì hành động tạo ra tác phẩm là khía cạnh duy nhất đáng kể của tác phẩm nghệ thuật, vì vậy nó thu gọn bố cục và nộ dung vào một thực thể. Những phong cách đeo đuổi những mục tiêu đó có thể hoàn toàn trở thành một trò chơi rối trí nếu người thưởng ngoạn tranh không hiểu được những mục tiêu của nghệ sĩ.
Ngay cả những bố cục nghệ thuật có tính quy ước đôi khi cũng dẫm lên những vai trò của các thành tố. Tuy rằng nội dung là kết quả của bố cục, nội dung đôi khi giữ chức năng của một lực thúc giục, như vậy nó có vị trí ưu tiên hơn đề tài trong hệ thống các sự việc. Trong một số trường hợp, sự triển khai bố cục có thể biến thế thành đề tài và / hoặc có nội dung khác với cái đã nghĩ ra trong buổi ban đầu.
Như chúng tôi đã nêu ra trước đây, nhiều người nghĩ rằng nghệ thuật hội họa phải là cái có thể nhận ra, trình bày những đề tài quen thuộc như nhà cửa, con người, cây xanh và v.v…Khi người nghệ sĩ tạo lại những sự vật đó một cách trung thực thì cái nhìn có thể dược cho là như “thật”. Người nghệ sĩ làm việc theo cách đó có thể được gọi là nghệ sĩ thuộc “tri giác” vì người đó chỉ ghi lại cái mà họ cảm nhận được. Nhưng trong nghệ thuật, cái “thật” có thể thay thế không chỉ cái trông thấy bằng mắt; hiện thực trong nghệ thuật thường bao gồm những sự vật trông thấy, nhưng quan trọng hơn nó còn bao gồm những phản ứng của chúng ta trước những sự vật đó (Hình Đêm đầy sao). Những nghệ sĩ quan tâm nhiều đến những đáp ứng hơn là những nhận thức thông thường thì được chính thứ gọi là nghệ sĩ “khái niệm” vì họ hướng đến ý tưởng.
Vincent Van Gogh, Đêm đầy sao, 1889. Sơn dầu (73.7 x 92.1 cm)
Ngắm nhìn một phong cảnh là kinh nghiệm mà ai cũng có nhưng ít ai (hoặc chẳng có ai) trong chúng ta có sự mãnh liệt và một cái nhìn về phong cảnh như Van Gogh
Sự sáng tạo tỏa ra từ những ý tưởng. Nói một cách tổng quát, sự sáng tạo là một ý tưởng phát sinh từ tâm trí. Đối với người nghệ sĩ đó có thể là một kế hoạch bao trùm mọi thứ, một loạt những quan hệ độc đáo hoặc cá biệt (dẫu phạm vi có rộng lớn đến đâu), một thái ddoojo có thể được truyền tải, hoặc một phương cách để truyền đi một thái độ hoặc một giải pháp cho một vấn đề thuộc thị giác. Trong tâm trí người nghệ sĩ, ý tưởng xuát hiện như là một hình ảnh trong tâm trí và đó có thể là một “cảm hứng” hoặc một tác phẩm đã hoàn tất từ nhiều tư duy tìm kiếm mà một số đã được phản ánh qua nhiều ghi chú, phác thảo hoặc lặp đi lặp lại trong tiến trình thực hiện toàn bộ tác phẩm nghệ thuật.
Tất cả những công việc sáng tạo khó khăn như thế thỉnh thoảng bị quấy rầy bởi những bế tắc đầu óc và chúng xem chừng thường tác động đến những nghệ sĩ đang trên đường chín chắn. Đối với con người ở bước khởi đầu thì ý tưởng được thai nghén ở mức độ tẻ nhạt hơn và coi như ngang hàng với chủ thể (“Tôi không biết mình phải làm cái gì đây”). Trong những tình huống như thế thì một mục tiêu quen thuộc hoặc một kinh nghiệm là điều tốt đẹp để sử dụng như một bộ khởi động, được bổ sung bởi sự động não về bất cứ điều gì liên quan đến ý tưởng đang chìm khuất trong tâm trí. Trong nghệ thuật, một ý tưởng chỉ có giá trị khi nó được chuyển thành hiện thực trước thị giác; đôi khi đó là một vấn đề khó khăn hơn cả, đôi khi thì không, vì điều đó còn tùy thuộc vào sự phong phú của trí tưởng tượng nơi người nghệ sĩ.
>>> Hình dạng trong hội họa (Phần 1)
>>> Không gian trong hội họa (Phần 1)