Hình dạng trong hội họa (Phần 1)

* Những từ có liên quan đến hình dạng:

- Hình dạng: Là một vùng nổi bật từ không gian kề cận hoặc không gian bao quanh nó do nó được xác định hoặc có liên quan đến một đường biên hoặc do có những khác biệt về sắc độ, màu sắc, hoặc cấu trúc cơ bản.

- Hình dạng thực: Là những vùng được xác định rõ hoặc những vùng tích cực (đối với một hình dạng có liên quan).

- Hình dạng vô định hình: Là hình dạng không rõ rệt hoặc không có độ rõ nét: không hình dáng, mù mờ và với kích thước không rõ.

- Hình dạng sinh học (biomorphic shape): Là hình dạng có tính không đều tương tự như những bề mặt cong được thấy phát triển trong những cơ thể sống.

- Trường phái Lập thể: Là tên của phong cách hội họa do Pablo Picasso và Georges Braque khởi đầu trong khoảng từ 1907 đến 1912, sử dụng nhiều cách nhìn khác nhau về các sự vật để tạo ra tác dụng ba chiều của chúng trong khi vẫn công nhận mặt phẳng hai chiều của mặt tranh. Báo hiệu sự khởi đầu của nghệ thuật trừu tượng, lập thể là phong cách bán trừu tượng vẫn vững mạnh tiến bước, rời xa nghệ thuật biểu hiện do Cezanne khởi xướng trong cuối thập niên 1800.

- Phối cảnh đường nét cong: Là nhấn mạnh đến việc sử dụng những đường cong, khác với phối cảnh đường nét thẳng, nhấn mạnh việc sử dụng những đường thẳng tắp.

- Trang trí (Hình dạng): Là trang trí hoặc điểm xuyết nhưng, quan trọng hơn trong nghệ thuật, là nó nhấn mạnh đến tính chất hai chiều của tác phẩm nghệ thuật hoặc bất kỳ một yếu tố nào của nó. Nghệ thuật trang trí nhấn mạnh đến tính bằng phẳng của một bề mặt.

- Không gian không rõ ràng: Là một tình trạng thường xuất phát từ chủ ý của họa sĩ trong đó người xem tranh có thể, vào những lúc khác nhau, trông thấy nhiều hơn là một nhóm những quan hệ giữa các yếu tố nghệ thuật hoặc những sự vật được mô tả. Điều này có thể được so sánh với cái từ quen thuộc “ảo ảnh thị giác”.

- Dạng hình học: Là một hình dạng có vẻ liên quan đến hình học; thông thường đó là một dạng đơn giản, chẳng hạn như hình tam giác, hình chữ nhật hoặc hình tròn.

- Hình dạng gợi ý: Là hình dạng được gợi lên hoặc được gợi ra bởi những chắp nối của các dấu chấm, những đường nét, những vùng, hoặc cạnh của chúng, tạo ra một hình ảnh trông như một hình dạng nhưng không thực sự có ở vẻ bề ngoài.

- Nghệ thuật Kinetic: Xuất phát từ tiếng Hy Lạp kinesis có nghĩa là “vận động”, nghệ thuật này liên quan đến những yếu tố của chuyển động ngẫu nhiên hoặc có tính máy móc.

- Cái toàn thể: 1. Trong nghệ thuật đồ họa, là có vẻ nổi bật một cách ba chiều từ không gian bao quanh nó hoặc có vẻ tạo ra ảo ảnh về một vật rắn. 2. Trong nghệ thuật tạo hình, là cái vẻ bề ngoài to lớn của một khối vật chất rắn.

- Nghệ thuật phi thể hiện: Là từ dùng để chỉ tác phẩm có hình ảnh không thể nhận ra. Điều này nằm trong phạm vi trừu tượng thuần túy (không thể nhận ra nhưng xuất phát từ một vật có thể nhận ra) đến nghệ thuật phi khách quan (không xuất phát từ tiến trình trừu tượng hóa nhưng từ tâm trí người họa sĩ).

- Khách quan (hình dạng): Là hình dạng được sáng tác thật giống với thực tại vật lý hoặc dáng vẻ như nó được trông thấy. Nghệ thuật này có khuynh hướng vẽ rất giống với tự nhiên hoặc thực tế.

- Phối cảnh: Là bất kỳ một hệ đồ họa nào được sử dụng để tạo ra ảo ảnh của những hình ảnh ba chiều.

- Phẳng (hình dạng): 1. Là sử dụng những yếu tố của hình dạng để tạo ra ảo ảnh về chiều kích thứ ba trên bề mặt hai chiều. 2. Những hình dáng nghệ thuật ba chiều có thể được thấy trong kiến trúc, điêu khắc và gốm sứ.

- Hình dạng thẳng: Là hình dạng được giới hạn bởi những đường thẳng.

- Chủ quan (hình dạng): Là hình dạng xuất phát từ tâm trí, phản ảnh quan điểm, thành kiến hoặc cảm xúc của cá nhân.

- Trường phái siêu thực: Là một phong cách thể hiện nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi tâm lý học của Freud, nhấn mạnh sự tưởng tượng phóng túng, với những đề tài thường là những tỏ lộ của tiềm thức qua việc sử dụng những kỹ thuật không phụ thuộc vào ý muốn và ý thức (chà xát, vẽ nguệch ngoạc, làm ố, những mẫu mây, và …). Thoạt đầu, trường phái Siêu thực là một phong trào văn học và lớn lên từ phong trào Đa Đa, sau đó nó được thiết lập qua tuyên ngôn viết năm 1924.

- Ba chiều (hình dạng): Là hình dạng có, hoặc tạo ra cái ảo tưởng là có chiều sâu cũng như chiều cao và chiều rộng.

- Hai chiều (hình dạng): Là hình dạng có chiều cao và chiều rộng, đặc biệt khi đó là một mặt phẳng hoặc một mặt tranh.

- Khối lượng: Là một vùng có thể đo của một không gian đã được xác định.

* Đi vào hình dạng:

Khi các họa sĩ bắt tay vào sáng tác, trong bước khởi đầu, có thể họ có một cái nhìn theo những khái niệm của đường nét và / hoặc hình dạng. Thường khi công việc bắt đầu bằng một phác thảo sử dụng những đường nét mà chẳng mấy chốc trở thành những hình dạng được xác định. Tuy vậy, có một số tác phẩm được họa sĩ chủ ý hướng đến thuần túy sử dụng đường nét, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, khi nhiều đường nét đan chéo nhau, thì hình dạng cũng xuất hiện trong những không gian giữa các đường nét. Những không gian đó có thể được cho là không gian “không ràng buộc” hoặc hình dạng mở. Các hình dạng là những khối kiến trúc của cơ cấu nghệ thuật. Tựa như trong kiến trúc, người họa sĩ có cùng một mục tiêu là tạo ra một hình ảnh xinh đẹp. Tuy vậy, gạch đá là những vật có thể sờ mó được trong khi những hình dạng của tranh ảnh phần lớn chỉ là những ảo ảnh do họa sĩ tạo ra. Thách đố mà người họa sĩ phải đương đầu là sử dụng vô số những ảo ảnh khác nhau của hình dạng để làm sao cho sự tưởng tượng vốn có trong mọi nghệ thuật được thừa nhận. Nói cách khác, một tác phẩm nghệ thuật chẳng thể nào là một điều xác thực và những hình dạng tạo ra hình ảnh con người, thú vật, nhà cửa thì chẳng thể xác thực; chúng là những đề tài của họa sĩ. Người họa sĩ có thể bị thôi thúc bởi những sự vật như thế và trong nhiều trường hợp, có thể vẽ lại những vẻ bề ngoài của những sự vật đó một cách rất gần giống. Nhằm đật được tính đồng nhất cho tác phẩm, họa sĩ phải có những biểu đồ là những hình dạng, tuy không có một đường viền nào được vẽ để nối liền các dấu chấm hoặc viền quanh những đường tạo thành tam giác. Ở hình vẽ cuối, nơi những khoảng trống và các gạch ngang được tâm trí chúng ta lấp đầy để hình thành một vòng tròn, hình vẽ này tiến gần đến việc minh họa cho định nghĩa đầu tiên về hình dạng như là một đường bao quanh một vùng. Nhưng lý thuyết Gestalt khiến chúng ta phải thắc mắc về định nghĩa đầu tiên của chúng ta, vì sự khép kín không luôn là một điều kiện tuyệt đối cần có để hình thành một hình dạng.

hinh dang 2b
Rufino Tamayo, Dos Personajes Atacados por Perros, 1983.
Vẽ hỗn hợp trên giấy thủ công (152.4 x 228.6 cm)

Bằng những hình ảnh bán trừu tượng về chó và người. Tamayo tạo ra một không khí hoang tưởng với hình ảnh của cách biệt và sự khiếp đảm được nghi thức hóa.

 

hinh dang 3b
Claude Monet, Mặt tiền nhà thờ Rouen, 1894. Tranh sơn dầu (100 x 65 cm)

Monet có thể vẽ rõ hơn mặt tiền của nhà thờ, nhưng sở dĩ như thế là vì ông không quan tâm nhiều hơn đến tác dụng của ánh sáng mờ mờ đối với những quan hệ của màu sắc – tính chấ mù mờ của những hình dạng trong sương mù.

Có nhiều định nghĩa khác cho cái mà chúng ta gọi là hình dạng và những định nghĩa đó có thể làm tròn sự am hiểu của chúng ta về cái yếu tố đó. Một trong số những định nghĩa đó là: Hình dạng là bất kỳ một vùng hình ảnh nào có sắc độ, cấu trúc cơ bản, màu sắc, đường nét hoặc bất kỳ một sự kết hợp nào của các yếu tố đó. Trong những loại hình có tính tranh ảnh của nghệ thuật thì hình dạng là phẳng dẹt hoặc hai chiều. Trong những loại hình ba chiều của nghệ thuật (điêu khắc, kiến trúc, thiết kế cảnh quan v.v…) thì hình dạng thường được mô tả là những vật rắn, hoặc khối lượng.

Khi các họa sĩ ba chiều bắt đầu tiến hành công việc bằng cách sử dụng phương tiện đồ họa, họ cần phải nhận thức rằng hình ảnh phẳng là một sự đối nghịch với những chủ định tạo hình hoặc ba chiều của họ và trong thực tế chỉ mang lại một tầm nhìn duy nhất cho tác phẩm ba chiều đã định. Hình ảnh phẳng khống chế việc sử dụng và đặc trưng cho mọi hình dạng cùng những yếu tố khác nơi nó.

hinh dang 4b
Anthony Caro, Cung nữ, 1984. Thép (1.96 x 2.46 x 1.63 m)

Mặc dầu có sự phức tạp và không đều đặn của các đường bao quanh của độ sáng, và màu sắc ở những hình dạng điêu khắc này, nhưng ở đây người ta có thể nhận thấy rõ những cạnh của đường bao quanh hơn là trong nghệ thuật đồ họa.

Trong nghệ thuật tranh ảnh, những hình dạng thực có những giới hạn chính xác, như trường hợp của các dạng hình học; hoặc chúng có thể là những hình dạng gợi ý, như đã minh họa trong những biểu đồ trước đây. Ngoài ra chúng có thể là những hình dạng vô định hình – nghĩa là quá tinh tế hoặc mơ hồ đến nỗi những cạnh của chúng không thể được xác định bởi bất kỳ một mức độ chính xác nào. Tuy vậy, những hình dạng trong nghệ thuật tạo hình thì xác định hơn vì tính chất đích thực của các chất liệu mà chúng được tạo ra. Những cạnh và viền ngoài của chúng là yếu tố quyết định, dẫu mức độ không đều của chúng có đến đâu.

Những hình dạng có thể biến đổi bất tận, từ khách quan đến chủ quan, từ hình học đến dạng sinh học và từ gợi ý đến dạng vô định hình. Chúng có thể khác biệt trong kích cỡ, vị trí, sự cân bằng, màu sắc, sắc độ và cấu trúc cơ bản để phù hợp với chức năng mà chúng cần có để chu toàn trong tác phẩm nghệ thuật. Tùy theo cách thức mà chúng được họa sĩ sử dụng, các hình dạng có thể có tính tĩnh, ổn định, tích cực, sinh động và có vẻ như thu lại hoặc bành trướng ra.

Có nhiều tên gọi khác nhau cho những chủng loại hình dạng, tùy theo cách mà chúng được tưởng tượng ra (chủ quan) hoặc xuất phát từ hiện tượng có thể quan sát (khách quan). Sự cấu hình của một hình dạng cho nó sự đặc trưng để nó khác biệt với những hình dạng khác. Khi các hình dạng được người nghệ sĩ sử dụng để mô phỏng theo những lực của tự nhiên (đá, lá cây, mây, đất sét nhào) thì chúng được gọi bằng nhiều từ khác nhau, kết hợp với tính khách quan, như tính tự nhiên, tính thể hiện, và / hoặc tính hiện thực, tùy ở bối cảnh sử dụng chúng. Khi chúng có vẻ là được thiết kế bởi họa sĩ, thì chúng được đặt cho nhiều cái tên khác nhau, bổ sung cho tính chủ quan và trừu tượng. Hai trong số những từ đó là: Phi thể hiện và phi khách quan. Sự phân biệt giữa những chủng loại hình dạng đối nghịch nhau không phải là điều dễ thực hiện, vì những độ sai khác giữa chúng là rất lớn lao. Từ đó, một số từ cá biệt đã được phát triển nhằm đưa ra một giải thích.

hinh dang 5a
Juan Miro, Họa phẩm, 1933. Tranh sơn dầu (174 x 196.2 cm)

Những hình dạng trong tác phẩm này có vẻ từng lúc che giấu việc liên tưởng đến những tạo vật (tuy chẳng giống loại nào), nhưng chúng đáng để được gọi bằng cái từ “dạng sinh học” vì lối cấu hình có tính hữu cơ của chúng.

hinh dang 5b
Yves Tanguy, Mẹ à, Cha đã bị thương (Maman, papa est biessé), 1927.
Tranh sơn dầu (92.1 x 73 cm)

Những họa sĩ siêu thực như Yves Tanguy mang đến cho những hình dạng sinh học nhiều biểu tượng có ý nghĩa. Chúng gợi ta nhớ đến vật chất hữu cơ cơ bản hoặc những hình dạng trôi chảy và thay đổi trong những giấc mơ.

Thông thường, những vật tự nhiên thì có vẻ tròn trịa. Chúng ta có thể trông thấy điều này ở những sinh vật cơ bản trong các nghiên cứu sinh vật học (như amíp, vi rút và tế bào). Những hình dạng như thế thường được quy cho là có tính hữu cơ, nhưng vì chúng thường có dạng cong, nên cái từ dạng sinh học được đưa vào nghệ thuật đầu thế kỷ XX để mô tả những hình dạng tròn, không đều, gợi lên sự sống trong nghệ thuật.

Cùng với sự quan tâm lớn do nghệ thuật trừu tượng khơi dậy (từ khoảng 1910 trở đi) sự gia tăng nhận thức về thế giới vi tiểu qua khoa học và sự lớn mạnh của tâm lý học Freud, thì hình dạng sinh học trở thành một cấu phần chủ yếu của hội họa Siêu thực. Các họa sĩ Siêu thực quan tâm đến những nguồn gốc thần bí của hữu thể và trong khi thăm dò những tỏ lộ của tiềm thức – chẳng hạn trong giấc mơ – họ bị thu hút mạnh mẽ bởi những hình dạng hữu cơ hoặc hình dạng sinh học. một số họa sĩ khác (chẳng hạn như Matisse và Braque) trừu tượng hóa những hình dáng hữu cơ theo một cách thức ít tính biểu tượng hơn và chủ yếu là có tính trang trí.

Những hình dạng tuyến tính (đường thẳng), được gọi là dạng hình học vì chúng dựa trên những hình dạng đã chuẩn hoá được sử dụng trong toán học, trái hẳn với những hình dạng sinh học. Những hình dạng chính xác, có tính hình học máy móc, là loại hình dạng thu hút những họa sĩ thuộc trường phái lập thể và họ sử dụng chúng trong sự mổ xẻ phân tích và trình bày của họ về thế giới tự nhiên.

hinh dang 1b
Henri Matisse, Tang lễ của Pierrot, Bảng VIII từ Jazz. In bằng khuôn trổ (41.2 x 63.5 cm)

Nhằm tạo một cơ cấu có tính trang trí, Matisse đã trừu tượng hóa những hình dạng hữu cơ

Từ những ví dụ đó, ta thấy rõ rằng, tuy các hình dạng đã được phân loại, mỗi hình dạng hoặc tổ hợp các hình dạng có thể phô bày một tính cách cá biệt phù hợp với việc sử dụng nó và phù hợp với những đáp ứng của ta đối với nó.

* Sử dụng các hình dạng:

Các hình dạng được các họa sĩ sử dụng trong hai mục tiêu cơ bản đã được nêu ra trong những đoạn trước là: Gợi lên một hình dạng vật lý mà họ đã trông thấy hoặc mường tượng và mang lại những tính chất của hình ảnh hoặc nội dung cho một tác phẩm nghệ thuật.

Những hình dạng trong nghệ thuật có thể được sử dụng vì một số những mục tiêu sau:

1. Nhằm đạt được sự hài hòa, trật tự và tính nhiều vẻ - tất cả đều liên quan tới những nguyên tắc của thiết kế đã được thảo luận.

2. Nhằm tạo ra ảo ảnh về cái toàn thể, về khối lượng và không gian trên bề mặt tranh.

3. Nhằm nới rộng sự chú ý hoặc mức độ quan tâm của người xem tranh.

Mục cuối cùng trong danh sách này đòi hỏi phải được giải thích thêm. Trong khi những nghệ thuật âm nhạc, vũ, kịch nghệ đều tiến hóa theo thời gian thì hội họa thường bị cố định với thời gian. Điều này có nghĩa là thời gian cho sự tập trung của người xem tranh vào nó hoặc tính đồng nhất của tâm trí với hầu hết các tác phẩm nghệ thuật thường là hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong hội họa hoặc nghệ thuật đồ họa. Nhưng đối với những loại hình kinetic thì đỡ hơn. Chẳng hạn, những vật di động là một loại hình của điêu khắc chuyển động; chúng liên tục thay đổi những quan hệ của các hình dạng, những quan hệ thường khiến cho người xem chú ý lâu hơn là những hình dáng điêu khắc hoặc hội họa.

hinh dang 6b
Juan Gris (José Victoriano González), Bữa ăn sáng, 1914.
Cắt giấy, bút chì và sơn dầu trên vải tranh (80.9 x 59.7 cm)

Là họa sĩ lập thể, Gris không chỉ đơn giản hóa các hình dạng để chúng trở thành những vùng rộng và nổi trội hơn mà còn tạo cho mỗi hình dạng một sắc độ đặc trưng, một mẫu sáng tối được thận trọng cân nhắc. Ngoài ra, Gris còn tạo một sắc độ mở, nơi sắc độ chuyển động từ một hình dạng sang hình dạng kề cận, như chúng ta có thể trông thấy trong ảnh trên.

* Những chiều kích của hình dạng:

Như đã định nghĩa, các hình dạng có thể có đặc tính hai chiều hoặc ba chiều. Nhằm sử dụng một cách thành công các hình dạng trong tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về những khía cạnh của chiều kích. Chẳng hạn, một số người có sự phân biệt giữa hình dạng hai chiều và hình dạng ba chiều (gọi là cái toàn thể và / hoặc khối lượng) và xem chúng như hai yếu tố riêng biệt. Tuy vậy, chúng tôi luôn xem hình dạng, dẫu hai chiều hay ba chiều, là một yếu tố của hình dạng. Để bạn quen thuộc hơn với cách thức mà cái từ “hình dạng” được sử dụng trong bối cảnh này, sau đây chúng tôi sẽ trình bày thêm về chiều kích của hình dạng.

- Những ảo ảnh của hình dạng hai chiều: Đứng đầu các hình dạng và có lẽ được sử dụng nhiều hơn cả là mặt phẳng hai chiều. Như chúng ta đã biết, trong hội họa, mặt phẳng trên đó người họa sĩ sáng tác được gọi là mặt tranh. Ngoài công dụng là mặt tranh, một hình dạng phẳng còn được sử dụng như là một phương kế để đơn giản hóa sự rộng lớn và những phức tạp trong tự nhiên. Chẳng hạn, trong khi phác thảo những cây xanh, họa sĩ sử dụng một hình dạng phẳng, rộng và đơn giản để trình bày toàn bộ hình ảnh của cây xanh. Sau đó, những bụi lá có thể được trình bày bằng một số những hình dạng nhỏ khác nhau. Việc sử dụng mặt phẳng tạo thêm nhiều đơn vị có tính tiết kiệm, ổn định và trật tự, hữu ích cho họa sĩ không những trong những phác thảo ban đầu mà còn trong kết thúc sự cơ cấu tác phẩm. Ngoài điều này, các mặt phẳng là cực kỳ hữu dụng trong việc tạo ra ảo ảnh có tính ba chiều trên mặt tranh hai chiều, dẫu chúng có cái vẻ bề ngoài của các sự vật hay là trừu tượng.

hinh dang 8b
Piet Mondrian, Cây xanh bên sông Gein khoảng 1907. Chì than (48 x 62.2 cm)

Trong tác phẩm này, Piet Mondrian sử dụng đường viền ngoài để thiết lập những hình dạng phẳng, rộng, được đơn giản. Do vậy, chúng bị vỡ thành những mặt phẳng nhỏ hơn, có tính hữu cơ, tạo thêm nhiều chi tiết hơn

hinh dang 8b
Trong một số cách thức, những mặt phẳng thẳng có thể gợi lên ảo ảnh về chiều sâu

hinh dang 9b

Những biểu đồ này minh họa bằng cách nào những mặt phẳng được sắp xếp và có những hình dạng khác nhau có thể tạo ra những ảo ảnh về chiều sâu: (A) Những mặt phẳng tròn hoặc cong được chồng lên nhau để gợi lên một không gian cạn; (B) Những mặt phẳng cong đặt trên rìa và đặt nghiên để gợi lên một tác dụng của độ sâu lớn hơn – lưu ý bằng cách nào các vòng tròn trở nên có hình dáng giống như elíp; (C) Những mặt phẳng thẳng hoặc cóc ạnh thẳng được sắp xếp hầu như chúng trôi nổi trong không gian sâu; (D) Những hình dạng không đều tạo ra một cảm giác về chiều sâu.

Trong các biểu đồ B, C và D, ảo ảnh về chiều sâu được nhấn mạnh thêm bởi sự làm dày hơn những cạnh gần nhất của các mặt phẳng. Những biến đổi về sắc độ, kích cỡ, cấu trúc cơ bản và màu sắc càng làm tăng thêm hoặc giảm đi ảo ảnh về chiều sâu.

Việc sử dụng mặt phẳng biến đổi từ vẻ phẳng dẹt hoặc vẻ trang trí trên mặt tranh sang một hoặc nhiều vẻ để phủ lấp không gian. Họa sĩ sử dụng mọi loại hình dạng, từ dạng hình học sang dạng hữu cơ, nhằm đạt được cả hai tác dụng đó. Một hình dạng thẳng – có thể có vẻ phẳng dẹt khi nằm trên bề mặt của tranh, nhưng chỉ đơn giản chồng lên hai hoặc nhiều hơn những hình dạng thẳng, thì bạn có thể tạo ra một cảm giác về độ sâu. Việc bổ sung thêm màu sắc, sắc độ, kích cỡ và cấu trúc cơ bản tương phản với những mặt phẳng đó càng dứt khoát làm tăng thêm ấn tượng về độ sâu.

Là những hình dạng có liên quan đến mặt phẳng, được tạo thành bởi những hình tròn, bầu dục hoặc những thuộc tính cơ học không đều, những mặt phẳng cong cũng có thể tạo ra những hiệu ứng nông cạn về không gian hoặc qua tính cong của chúng, chúng gợi lên những chuyển động đi vào chiều sâu. Khi những mặt phẳng, dẫu đó là mặt phẳng cong, thẳng hoặc không đều được họa sĩ  tạo cho vẻ rút gọn lại (theo luật xa gần) bằng cách làm cho chúng nghiên đi và khiến cho cái gần trông lớn hơn cái xa, thì chúng ta có một hình ảnh mạnh mẽ về độ sâu hơn là khi các mặt phẳng được sử dụng trong trang trí.

- Những ảo ảnh của hình dạng ba chiều: Khi cái từ: “cái toàn thể” được sử dụng để mô tả những hình dạng ba chiều, thì nó có  nghĩa là chúng có cái vẻ bề ngoài của những vật thể rắn. Nếu một hình dạng ba chiều kích là trống rỗng hoặc một vùng có sự chứa đựng được xác định, thì nó choáng một khoảng không gian có thể đo được và nó được gọi là dung lượng. Đá và núi là cái toàn thể hay khối kết tập, trong khi các thung lũng và những hố hốc là dung lượng; những cái tách uống nước là cái toàn thể trong khi những vùng mà chúng chứa đựng là dung lượng. Khi bắt đầu triển khai những hình dạng ba chiều, chúng ta cần phải chọn lựa loại hình dạng mà chúng muốn nêu lên – hình học, hữu cơ, hoặc không đều – tựa như khi ta triển khai những hình dạng hai chiều. Vì những hình dạng hình học, như hình vuông/hình chữ nhật, là những dạng hai chiều cơ bản nhất, nên chúng ta hẳn phải xem sự phát triển hoặc biến đổi của chúng sang những hình dạng ba chiều tương ứng – hình khối vuông / chữ nhật.

Trên mặt tranh, cái ảo ảnh của những khối kết tập hoặc những dung lượng được tạo ra qua việc sắp xếp hai hay nhiều mặt phẳng dẹt hoặc cong trong tương quan với nhau nhằm tạo cho chúng một vẻ kiên cố như mô tả. Những mặt phẳng cấu thành các cạnh của những vật ba chiều có tính ảo ảnh có thể dược tách rời khỏi khối kết tập mà chúng quan hệ và nghiên ra sau ở bất kỳ góc nào. Thật vậy, để có một vẻ bề ngoài kiên cố, những mặt phẳng như thế không cần phải được sắp xếp kề cận hoặc được nối liền ở những góc – một lần nữa lý thuyết Gestalt lại phát huy tác dụng. Như chúng ta có thể trông thấy trong biểu đồ này, không hề có giới hạn cho số hình dạng có thể được phô bày trong ba chiều kích, nhưng khối chữ nhật có lẽ là khối đơn giản nhất. Khối hình cầu, hình tháp, hình lục giác và bầu dục đều có những phần tương ứng với chúng trong những hình dạng phẳng như hình tròn, tam giác, lục giác và hình bầu dục.

Tác dụng ảo ảnh của những mặt phẳng chồng lện nhau mà không có sự chắp nối khiến cho việc sắp xếp những mặt phẳng xem chừng kém thực chất hơn khối kết tập, nhưng nó cho thấy sự phát triển của những mặt phẳng một cách rõ ràng hơn và uyển chuyển hơn trong sự thăm dò về dung lượng và không gian.

Việc trình bày những mặt phẳng theo cách này làm nổi bật tầm quan trọng với các chức năng của những cạnh khi những mặt phẳng kết hợp để hình thành ảo ảnh của khối kết tập và chiều sâu của nó.

hinh dang 10b
Những khối kết tập và dung lượng: vòm và thung lũng hẹp tại Lâm viên Quốc gia Utah

Trong hình A, những hình thể núi đá và thung lũng của chúng tượng trưng cho khối kết tập và dung lượng.

Hình B minh họa cận cảnh một hình thể núi to lớn (khối kết tập và một lỗ lớn (dung lượng).

Tác dụng ảo ảnh của những mặt phẳng chồng lên nhau mà không có sự chắp nối khiến cho việc sắp xếp những mặt phẳng xem chừng kém thực chất hơn khối kết tập, nhưng nó cho thấy sự phát triển của những mặt phẳng một cách rõ ràng hơn và uyển chuyển hơn trong sự thăm dò về dung lượng và không gian.

Việc trình bày những mặt phẳng theo cách này làm nổi bật tầm quan trọng với các chức năng của những cạnh khi những mặt phẳng kết hợp để hình thành ảo ảnh của khối kết tập và chiều sâu của nó.

hinh dang 11b
Các mặt phẳng và không gian ba chiều tương ứng với chúng

hinh dang 12b

A. Tổ hợp của những mặt phẳng cho thấy những cạnh song song trong chiều sâu tạo ra cái ảo ảnh về khối tập kết (hình dạng)

B. Tổ hợp của những mặt phẳng mô tả những cạnh hội tụ trong chiều sâu (lùi xa khỏi người xem) tạo ra cái ảo ảnh về khối kết tập (hình dạng)

C. Tổ hợp của những mặt phẳng mô tả các cạnh hội tụ về phía người xem tạo ra ảo ảnh về khối kết tập (hình dạng).

>>> Hình dạng và màu sắc

>>> Cách quan sát các hình dáng trong vẽ ký họa mẫu

>>> Hình dạng thị giác trong bố cục tạo hình

0976984729