Môtip mây trong nghệ thuật Lý – Trần
từ mây dải lụa sang mây hình khánh (Phần 2)
2. Môtip mây hình khánh thời Trần
Mây hình khánh với nhiều cách gọi: Mây cuộn, mây xoắn ốc hai đầu, mây có kiểu dáng như nấm linh chi, đôi khi lại được kết hợp giữa hình khánh và mây dải. Đó là những biến thể của môtip mây thời Trần có tiếp thu, sáng tạo từ dạng mây dải lụa thời Lý.
Với biến thể mây hình khánh thường có bố cục bay lượn tự do trong phạm vi định sẵn. Cấu tạo của loại mây này gồm những đường cong móc vào nhau liên tiếp tạo thành mây cuộn lớn, xuất hiện trên các mảng chạm có niên đại thời Trần. Loại mây này còn được mô tả như được tạo khối cong khuyết có ba ngấn kiểu hình Ô-mê-ga. Trên các mảng chạm trang trí thời Trần biến thể mây hình khánh thường được kết hợp cùng hình rồng, phượng, tiên nữ nhạc công, tiên nữ dâng hoa như ở chùa Thái Lạc, Hưng Yên. Với chủ đề này đôi khi còn được kết hợp với môtip hoa sen, ngọc sáng biểu tượng cho Phật giáo, cho tầng trời, thế giới thần tiên.
Rồng, mây chạm đá trên bệ tượng chùa Long Hoa – Nam Định
Rồng, mây chạm trên bệ đá chùa Bãi – Hà Nội
Từ những tư liệu thực tế cùng cách phân loại của tác giả Nguyễn Du Chi và Tống Trung Tín, chúng ta có thể thấy môtip mây thời Trần tiêu biểu là mây hình khánh. Trong đó sự biến thể của mây hình khánh được phân chia theo ba dạng như sau:
Dạng thứ nhất: Mây hình khánh có dải ở phần đuôi, thấy chạm trên các cốn gỗ chùa Thái Lạc, Hưng Yên; trang trí trong ô chạm cùng hình rồng ở bệ tượng chùa Bãi, chùa Bối Khê, Hà Nội; chùa Long Hoa, Nam Định. Dạng mây này chính là sự kết hợp giữa hình khánh ở phía trên và mây dải bay bay phía dưới, có thể đây là hai giai đoạn tiếp thu của nhau rất thuận lợi từ tình hình lịch sử, xã hội cũng như văn học nghệ thuật. Giai đoạn này nhiều ngôi chùa được xây dựng và tu bổ từ dấu tích thời Lý tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian tiếp thu, sáng tạo. Mây hình khánh có thêm dải phía dưới chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc, Hưng Yên có cách bố cục dàn trải, xâm lấn tạo lớp lang cho tổng thể mảng chạm. Hình tượng hai nhạc công ngồi trên lưng phượng cũng tượng trưng cho thế giới Thần, Phật, môtip nhạc công đầu người mình chim được chạm ở thế cân đối, chắc chắn như đang bay trên mây vậy. Chất bay bổng, uyển chuyển trong bức chạm chính là sự xuất hiện của môtip mây. Hình mây có chuôi là dải không làm mất đi tính trang trí của bức chạm mà nó tạo cho người xem một tác phẩm độc đáo trong cách chạm và sự tài tình trong kỹ thuật xử lý chất liệu của người đương thời. Môtip mây hình khánh ở chùa Thái Lạc được tạo khối lớp lang, phân biệt rõ các khối lồi – lõm, chuyển thể phù hợp, ăn khớp với các môtip như nhạc công, phượng, nhạc cụ… Cả mảng chạm toát lên phong cách chạm khắc thời Trần chắc, khỏe mà ở đó yếu tố nét chiếm chủ đạo trên toàn bộ bề mặt của bố cục tác phẩm. Nổi bật nhất là bức chạm Đánh đàn trong mây chạm trên cốn thượng điện chùa Thái Lạc, Hưng Yên.
Rồng, mây chạm trên bệ đá chùa Hương Trai – Hà Nội
Nguồn: Viện Mỹ thuật
Đánh đàn trong mây, chạm trên gỗ chùa Thái Lạc – Hưng Yên
Nguồn: Viện Mỹ thuật
Bức chạm mô tả hình ảnh ba tiên nữ đang đánh đàn trong mây với ba loại đàn nguyệt, đàn tranh, vật được bộc lộ rõ nét chính là nhờ vào những hình mây khánh có dải dàn trải trên khắp bề mặt bức chạm. Có thể thấy cách tạo khối cho mây hình khánh khúc triết, càng làm tôn thêm nét độc đáo của bức chạm, kỹ thuật chạm tạo ra sự đậm, nhạt hay lồi, lõm trong bức chạm như cân nhắc đến yếu tố hài hòa âm, dương, trời đất và con người. Chủ đề và hình khối của bức chạm khiến người xem dễ liên tưởng đến không gian của chốn bồng lai tiên cảnh. Tất cả đều được thể hiện vừa và đủ trong bức chamj này. Với chất liệu đá môtip mây, rồng được chạm trên ô hình chữ nhật ở nhang án đá chùa Bãi, chùa Dương Liễu, chùa Đại Bi, Hà Nội là nghệ thuật diễn tả độc đáo của người xưa đã minh chứng cách tiếp cận với chất liệu và khả năng sáng tạo thành công của người nghệ sĩ. Môtip rông mây ở đây thật đơn giản, bố cục thoáng đãng làm nổi bật khối có độ cao giữa các nét và khối. Vì vậy hình rồng và mây là biểu tượng khá nổi bật, mây tuy phụ họa cho rồng nhưng qua bức chạm này cho ta thấy rồng và mây như đang đùa giỡn vì rồng được tạo dáng rất động, mây có sự chuyển của phần dải phía dưới, như đối lập giữa khối tròn và dải dài nhưng lại gây ấn tượng mạnh cho thị giác. Các chi tiết tôn nhau, làm đẹp cho nhau như nói tới sự gắn bó khăng khít giữa rồng và mây. Cũng từ dạng biến thể này đã nảy sinh sự khác biệt cho môtip mây hình khánh không có chuôi là dai cũng xuất hiện ở chùa Thái Lạc và một số di tích khác.
Dạng thứ hai: Có thể thấy loại mây này có nét đặc trưng là bố cục đơn giản đúng như hình chiếc khánh cuộn lại ở hai đầu cũng rất giống như hình nấm linh chi. Một số bức chạm rồng chầu dâng ngọc quý, tiên nữ đầu người mình chim đang dâng hoa chùa Thái Lạc, Hưng Yên; chạm đá trên bệ tượng Phật chùa Nhạn Tháp, Hưng Yên, chạm trên cốn vì nóc chùa Bối Khê, Hà Nội. Từ bản thân tác phẩm đương thời và các tài liệu đã công bố cho thấy môtip mây hình khánh ở dạng thứ hai xuất hiện khá nhiều trên các mảng chạm trên chất liệu gỗ và đá. Môtip mây dạng hai này được chạm lúc dàn trải thưa thoáng như trên bệ đá chùa Thầy, Hà Nội; chùa Nhạn Tháp, Hưng Yên, khi lại tụ hội lớp lang, ken nhau bên hình mặt trời, lá đề thấy ở vì nóc chùa Bối Khê, Hà Nội và đặc biệt trên cốn chùa Thái Lạc, Hưng Yên.
Nếu trên đồ án trang trí ở chùa Thái Lạc, Hưng Yên môtip mây được sử dụng dày đặc, chồng lớp trên bề mặt bức chạm, đôi khi che khuất cả thân rồng hay tiên nữ. Thì ta lại thấy môtip mây hình khánh cách điệu cùng mây dải chúng xuất hiện khá thưa thớt cùng hình rồng, khi bay về bên phải, khi bay bên trái thấy trên bệ thờ chùa Bãi, chùa Dương Liễu, Hà Nội.
Dạng thứ ba: Biến thể của môtip mây hình khánh còn được tạo dáng ở dạng kết thành khối nhiều lớp, tạo cảm giác vừa xốp lại vừa như có nhiều tầng lớp xếp chồng, nối tiếp nhau theo thể tự do hoặc theo trật tự từ các nét xoắn ốc giữa lớp trong và lớp ngoài.
Đánh đàn trong mây, chạm trên gỗ chùa Thái Lạc – Hưng Yên
Trong đó lớp ngoài chia nhịp đều và lan tỏa, xâm lấn sang khối bên. Các vòng xoắn tạo mây có lớp trong lớp ngoài, to nhỏ khác nhau như ôm ấp, bao bọc, nét chạm mảnh, thiên về yếu tố đồ họa nhiều, ít thấy mảng, khối nên được thấy khác với hai loại trên. Vì vậy người viết cũng đồng nhất với cách nhìn nhận của tác giả Nguyễn Du Chi khi nhận xét về loại mây này có sự biến đổi rất đặc biệt, ít giống hai loại mây trên. Dạng mây này nổi bật nhất như thấy trang trí ở bệ tháp chùa Phổ Minh, Nam Định, bia chùa Sùng Khánh, Hà Giang và trên nhang đá chùa Bối Khê, Hà Nội.
Với các biến thể của môtip mây trong mỹ thuật thời Trần cũng là những chứng cứ hiện tồn, minh chứng cho phong cách mạch lạc, chắc khỏe. Kỹ thuật chạm mang tính gợi cảm nhiều hơn chau chuốt, khẳng định một phong cách khoáng đạt, trang nghiêm. Qua các mảng chạm mây thời Trần ta còn thấy thấp thoáng hình dáng của nền nghệ thuật dân gian.
Như vậy môtip mây thời Lý – Trần được hình thành với hai loại đồ án chính đó là mây dải lụa và mây hình khánh với nhiều biến thể tạo hình. Mây dải lụa thời Lý với nét cong mềm mại khi hướng sang phải, khi uốn sang trái, lúc tụ lại lúc lại tan ra. Mây hình khánh kết hợp dải lụa lúc thua thoáng như hình mây trên bệ tượng chùa Bãi, Hà Nội hay có lúc lại tầng lớp chồng lên nhau như trang trí ở tháp chùa Phổ Minh, Nam Định, chùa Thái Lạc, Hưng Yên, hai dải mây hướng vào vòng tròn ở hình rồng chầu mặt trời…
Tuy nhiên trên một số bức chạm thời Trần vẫn đan xen hình mây dải lụa cùng mây hình khánh chung một đồ án trang trí. Môtip mây trong mỹ thuật Lý – Trần cũng được các nghệ sĩ tưởng tượng biến hóa vô cùng phù hợp cho mảng chạm nhưng cũng chứa đựng sự mênh mang của vũ trụ, có bức chạm vừa có môtip mây khánh cuộn hai đầu không có dải phía dưới, nhưng cũng có bức chạm vừa có mây khánh cuộn hai đầu vừa có mây khánh kết hợp dải. Sự biến đổi tinh tế và linh hoạt về tạo dáng cùng cấu trúc đã đem lại cho vẻ đẹp tạo hình của mây vươn tới sự hoàn chỉnh.
Trong hầu khắp các đồ án trang trí có môtip mây thời Lý – Trần mang nhiều đặc điểm khác nhau dù là bố cục dọc ở chân tháp, ngang ở bệ tượng, trán bia hay nghiêng ở lan can thành bậc, thì môtip mây luôn được đặt ở phía trên của bức chạm. Cách tạo hình này cũng như nói đến mây và vật linh luôn bay trên bầu trời, hình tượng rồng, mây, tiên nữ đã quán xuyến hầu khắp các đồ án trang trí: “Hình mây có mặt rất sớm trên các đồ án trang trí Lý – Tràn và còn kéo dài suốt cả chặng đường lịch sử của các thời sau. Hễ có rồng là hầu như có mây. Mây phụ hoa với rồng và nhiều linh vật khác dường như để bảo cho người xem không gian của đồ án không phải là không gian của trần thế mà đó là thế giới của cực lạc, của chốn thần tiên, cao siêu huyền bí. Phải chăng mây là biểu tượng của vũ trụ ở tầng trên, không thể vắng bóng dáng của mây khi có hình tượng rồng hay tiên nữ. Điều này cho phép chúng ta hình dung về tư duy tạo hình và quan niệm thẩm mỹ của con người đương thời không thể tách mình ra khỏi tự nhiên đồng thời đó cũng là khát vọng bình đẳng bác ái đã từng thấm đượm trong tâm tưởng của mỗi con người trong xã hội Lý – Trần. Mặc khác biểu tượng mây còn được tiếp thu, biến thể khá phong phú ở các thế kỷ sau, nó không chỉ xuất hiện trên bia đá, bệ tượng trong không gian chùa làng mà nó ẩn hiện trên khắp các thể loại kiến trúc như đình, đền, lăng mộ và trên đồ ứng dụng.
Mây, chạm trên thành tháp chùa Phổ Minh, Nam Định
Nguồn: Viện Mỹ thuật
Phụ lục bảng đối chiếu sự biến thể
và kết hợp của môtip mây trong mỹ thuật
Phật giáo Lý - Trần (Thế kỷ XI - XIV)
- Trần Thị Biển -
>>> Môtip mây trong nghệ thuật Lý - Trần (Phần 1)
>>> Tìm hiểu về bố cục trang trí
>>> Bố cục trang trí hình vuông sưu tầm
>>> Bố cục trang trí hình tròn sưu tầm