Môtip mây trong nghệ thuật Lý – Trần
từ mây dải lụa sang mây hình khánh (Phần 1)

Môtip mây thời Lý – Trần là một trong những thể loại trang trí quan trọng, góp phần đem lại giá trị tạo hình trong không gian của bề mặt đồ án trang trí. Tuy không phải là đồ án trang trí chính nhưng môtip mây thường làm chặt bố cục cho mỗi bức chạm. Những biến thể của môtip mây từ thời Lý đến thời Trần có sự tiếp thu từ mây dải lụa đến mây hình khánh hay mây cụm. Chúng ít khi đứng một mình mà được kết hợp cùng môtip rồng, tiên, hoa, lá. Các hình mây trong các đồ án trang trí còn là biểu tượng của niềm tin và sự gắn bó mật thiết giữa cuộc sống thực tại của con người với tôn giáo và cũng là biểu tượng của mỹ thuật Phật giáo thời Lý – Trần.

Qua các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống Việt cho thấy vai trò quan trọng của nghệ thuật trang trí, góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu về xã hội phong kiến Việt Nam. Các môtip trang trí đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Đại Việt. Trong đó thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) được coi là điểm nhấn về sự hình thành và phát triển của các môtip trang trí nói chung và môtip mây nói riêng. Dựa vào thực trạng di tích và các nguồn tư liệu chuyên ngành ta dễ nhận thấy các hiện vật được chạm môtip mây tuy xuất hiện phổ biến trên bề mặt ở một số mảng chạm nhưng tỷ lệ về số lượng lại không nhiều so với tương quan chung của các hiện vật ở các di tích. Nhưng, khi tìm hiểu kỹ về chúng, ta vẫn thấy sự cần thiết trong mỗi tác phẩm trong từng di tích. Không chỉ ở nội dung mà môtip mây còn tạo ra sự hài hòa về bố cục cho mỗi đồ án trang trí. Môtip mây thời Lý – Trần được chạm chủ yếu trên chất liệu đá và gỗ, mỗi thời được định dạng tạo nét riêng trong hình thức và phong cách thể hiện. Ở thời Lý, mây được chạm trên bệ tượng, chân tháp, chân tảng, thống nhất dạng uốn lượn như dải lụa, lúc là dải đơn, khi dải kép. Sang thời Trần, mây xuất hiện đa dạng hơn không chỉ trên chất liệu đá mà còn trên kiến trúc gỗ như: vì kèo, ván nong; trên đá như: nhang án đá, bia đá. Nhưng có sự biến thể rất rõ nét từ mây dải lụa sang mây hình khánh, ở một số bức chạm còn thấy hiện rõ sự kết hợp cả mây dải lụa và hình khánh để từ đó tạo ra sự đa dạng cho nghệ thuật trang trí mỹ thuật thời Lý – Trần. Bên cạnh những kỹ thuật và cách bố cục thể hiện của môtip mây trong trang trí mỹ thuật thời kỳ này còn là những chứng cứ quan trọng ghi nhận quá trình biến thể tạo hình mây… Tuy ở nhiều hình thức thể hiện khác nhau như hình chữ nhật ở chân tảng, bệ tượng hay lối chạm đăng đối ở trán bia, cách nhắc lại tạo đường diềm, kiểu bay bổng rải rác trên bề mặt các cốn gỗ. Môtip mây luôn được vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn từ chủ đề đến kỹ thuật rất điêu luyện để tạo nên cấu trúc cơ bản mang phong cách mỹ thuật gắn với tinh thần Phật giáo sâu sắc. Từ đó môtip mây dải lụa có thể chuyển sang môtip mây hình khánh một cách nhịp nhàng như thể rất tự nhiên mà vẫn tạo sự hợp lý cho mỗi đồ án trang trí.

1. Môtip mây dải lụa thời Lý

Môtip mây trang trí trong mỗi đồ án trên các di tích thời Lý được xét ở góc độ tạo hình cho thấy, chủ yếu là những chi tiết mang tính chất làm nền hay phù trợ tăng thêm yếu tố thẩm mỹ ở từng tác phẩm. Sự kết hợp trang trí mây cùng các môtip hoa văn khác như: rồng, phượng, hoa mai, hoa cúc, lá đề, ngọc sáng, sóng nước, tiên nữ, nhạc công… đã tạo nên sự phong phú về chủ đề, mềm mại, uyển chuyển về nhịp điệu, tinh tế, quy phạm về phong cách. Tùy từng bố cục của mảng chạm mà môtip mây được tạo dáng cho phù hợp với không gian chung của mỗi đồ án trang trí và tổng thể công trình.

motip may 1
Trang trí rồng, mây trên bệ tượng chùa Phật Tích, Bắc Ninh

Hình thức mây trong các hiện vật thời Lý được chạm với kích thước to, nhỏ khác nhau nhưng mang tính kết nối cao trên bề mặt mảng chạm, tạo sự thống nhất về cấu trúc, kiểu dáng. Môtip mây thời Lý có dáng thon, nhỏ dần về phía đuôi, độ uốn lượn hình sin từ ba đến năm nhịp, độ nở của khối được thể hiện ở điểm cong nhất của nhịp lên hoặc xuống rồi thắt lại ở điểm chuyển từ nhịp này đến nhịp kia. Cứ như vậy tạo sự uyển chuyển, mềm mại nên rất gần với hình dải lụa đang bay. Có lẽ vì vậy các nhà nghiên cứu đã đồng nhất với cách gọi là mây dải. Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Du Chi đã phân loại này là mây dải và mây lá vì tác giả thấy những dải mây đơn có kích thước nhỏ, mỏng giống hình lá. Nhưng thực chất chúng đều có kiểu kết cấu giống nhau và giống hình dải lụa uốn lượn, đôi khi cũng thấy giống như những nhịp sóng đang xô lan tỏa. Cách chạm mây có hai kiểu thức khi thì đơn một dải, khi thì kép hai hay ba dải chụm đầu vào một điểm đuôi uốn lượn với hướng bay tự do.

Nếu hình rồng được chạm nổi bật thể hiện như nhân vật chính thì mây lại phù trợ tạo dáng uống lượn bên hình rồng làm lộ rõ những không gian sống động, các nhân vật như đang cùng bay trong không trung theo một quy chuẩn nhất định. Môtip mây, rồng trên bệ tượng Phật, chùa Phật Tích, Bắc Ninh (niên đại xây dựng chùa: 1057; niên đại xây dựng tháp và tượng Phật 1066) được tạo dáng trong khuôn hình chữ nhật, bố cục chính là hai rồng như đang rượt đuổi cứ một con ngóc đầu lên thì con kế tiếp lại chúc đầu xuống. Đặc biệt từ các khoảng trống là môtip mây cùng các chấm tròn (hạt ngọc) được xếp đặt hài hòa, từ chân rồng cũng thấy bay ra những dải mây mềm mại, có lẽ nghệ nhân muốn miêu tả hoạt cảnh rồng đang bay trên không trung hòa cùng mây trời. Cũng từ những mảng chạm khắc mây rồng trên bệ tượng chùa Phật Tích, Bắc Ninh cho thấy người xưa đã rất thuần thục, điêu luyện trong việc sắp xếp bố cục, cấu trúc hình tượng, kỹ thuật chạm khắc. Môtip mây rồng vận động theo hướng mở, đồng nhất trong nhịp điệu của thân rồng và sự uốn lượn của các dải mây như đang bay, đang múa trên không, cũng như đang mách bảo người xem đó là không gian của vũ trụ, có khi còn là hiện thân của nguồn hạnh phúc. Bên cạnh đó, rồng và mây khi chạm khắc còn được nghệ nhân xưa chuyển thể, biến điệu trong các kiểu dáng uốn lượn nhịp nhàng, đều đặn, độc đáo tạo nét riêng chỉ thấy ở thời Lý. Như trên bệ tháp Chương Sơn, Nam Định (1108) đã được thể hiện lối bố cục đăng đối từng cặp rồng uốn lượn trong lá đề bé nhỏ nhưng người xem vẫn thấy sự đầy đủ, hoàn chỉnh cả về khối và hình. Cách tạo dáng trên mỗi chi tiết đều lộ rõ nhịp điệu, uốn lượn, nhịp nhàng của rồng, mây, hoa lá như đang hòa quyện vào nhau vừa tự nhiên vừa sáng tạo. Các dải mây bay ngang cùng chầu vào chấm tròn bên cạnh viên ngọc sáng làm cho hai hình rồng như đang bay theo một trật tự có sẵn chạm trên cánh sen.

motip 2
Trang trí rồng, mây, lá đề, sóng nước trên bệ tượng
chùa Phật Tích - Bắc Ninh

motip 3
Trang trí rồng và mây chùa Long Đọi - Hà Nam

Mây luôn là hình ảnh làm nên sự vui mắt cho bức chạm trên bia đá chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh (1057), mây làm nổi bật khối của hình rồng, để khi thấy những mây dải lụa như đang nằm trên nền của những tấm đăng ten li ti bám vào bề mặt, lộ rõ độ nổi của cấu trúc rồng hình sin như trên bệ tượng chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Đây cũng là những gợi ý cho các bức chạm thời Trần sau này nhưng ở dạng khái quát hơn. Trong các bố cục có khuôn hình thoi xung quanh được giới hạn bằng sự nhắc lại của môtip mây tạo ra đường diềm độc đáo trên bia đá chùa Long Đọi, Hà Nam (1211).

Hình rồng uốn lượn theo bố cục tròn để bốn góc tam giác là những dải mây kép nhọn tỏa ra các hướng đầu cùng chụm về một điểm tròn được ví như vì tinh tú đang xoay tròn quanh những hạt ngọc. Rõ ràng ở đây ta thấy sự nhìn nhận thống nhất của hai tác giả Nguyễn Du Chi và Chu Quang Trứ đều cho đó là vì tinh tú được ví như hạt ngọc của trời. Nhưng, xét về tạo hình thì các chấm tròn đó như điểm nhấn tạo sự cân bằng cho bề mặt mảng chạm. Nếu xét về hình khối khi những hình dải lụa uốn lượn, mỏng manh thì điểm chấm điểm xuyết đó lại vô cùng cần thiết cho tổng thể đồ án. Trong hầu khắp các mảng chạm nêu trên, môtip mây luôn được tạo dáng trong tư thế như dải lụa đang bay khi đơn, khi kép, sự uốn lượn tùy hứng của các dải mây lại phù hợp vào khoảng không của đồ án. Độ nổi khối của môtip mây luôn ở độ cao vừa phải có tác dụng tôn nét đẹp của hình rồng. Nói chung, tất cả các bức chạm về hình tượng rồng, mây qua các di tích trên đều hướng về sự linh thiêng, quyền quý. Hình ảnh rồng và mây luôn chuyển động, uốn lượn, hòa quyện quanh nốt nhạc du dương của đường nét tạo hình. Chính vì vậy trong từng chu vi rất nhỏ trên các đồ án trang trí chúng ta đều thấy sự chạm khắc thật tỉ mỉ và chau chuốt.

Khi môtip mây được chạm cùng tiên nữ ở tảng kê chân cột chùa Phật Tích, là nhắc đến diễn biến và sự chuyển động của các nhạc công (Gandhava). Việc đặt bố cục đăng đối mỗi bên năm nhân vật cùng hướng vào hình lá đề, thì hình mây khéo léo điểm xuyết cho những khoảng trống thích hợp nhất, môtip mây ở đây được mô tả theo nhiều hướng tạo ra thế uốn lượn, rất động cho tổng thể bức chạm. Tuy mỗi nhân vật cầm một loại nhạc cụ khác nhau, nhưng tạo dáng, người đứng lại hoàn toàn giống nhau về cấu trúc, nên thấy rõ sự đơn điệu, nếu không có môtip mây xuất hiện ở bức chạm này. Nếu ở mảng chạm mây, rồng ta thấy hình mây như được bay ra từ chân rồng thì ở mạng chạm Dàn nhạc ở tảng kê chân cột chùa Phật Tích, mây dải lụa như vừa bay từ cổ chân, hai vai của các tiên nữ ra ngoài không gian. Đây chính là đặc điểm riêng nhưng mang tính đồng nhất giữa các mảng chạm ở các di tích tạo ra phong cách riêng cho mỹ thuật thời Lý. Trong bức chạm tiên nữ cùng những dải mây ở lan can chùa tháp Chương Sơn, cấu trúc chính là cơ thể uyển chuyển của các tiên nữ đang trong điệu múa Tribhanga đều đặn nhưng có phần đơn điệu, sự phá cách tạo sự chuyển động có nhịp điệu của tác phẩm chính là những dải lụa uốn lượn làm xóa đi cảm giác đơn điệu một cách tự nhiên mang tính thẩm mỹ. Nếu xét tổng thể của bức chạm này cho thấy đây là một tác phẩm ca ngợi cái đẹp có sự liên kết chặt chẽ giữa chủ đề, kỹ thuật nhằm phản ánh không gian linh thiêng thần bí mà gần đời hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự khéo léo của người thợ chạm hình tượng mây đã làm cho tất cả bức chạm có sức sống từ sự chuyển động về nhịp điệu, uyển chuyển từ mỗi động tác của các tiên nữ đang trong điệu Tribhanga trên không, đó chính là thế giới của sự Phật pháp, của sự linh thiêng nhưng cũng hết sức gần gũi với cuộc sống con người nơi trần thế. Phải chăn, người nghệ sĩ khi sáng tác đã khai thác cái đẹp lý tưởng của hình tượng con người có thật, nhạc cụ có thật nên từ nội dung biểu lộ tinh thần vừa hiện thực vừa thánh thiện. Nhìn riêng về chủ đề tiên nữ được chạm khắc của môtip mây ở bức chạm dàn nhạc chùa Phật Tích, Bắc Ninh và mảng chạm tiên nữ ở lan can tháp Chương Sơn, Nam Định để thấy sự hoàn thiện, chỉn chu trong ngôn ngữ riêng của điêu khắc thời Lý.

motip 4
Tiên nữ đánh đàn. Trang trí trên cốn gỗ chùa Thái Lạc - Hưng Yên

Cũng từ những mảng chạm ít ỏi nêu trên, chủ đề linh thiêng, quyền quý như rồng, mây, tiên nữ. Bằng kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, nhuần nhuyễn và khả năng cảm nhận, đánh giá giá trị thẩm mỹ của người xưa đã tạo ra cho môtip trang trí (trong đó có môtip mây) nét đẹp có giát rị thẩm mỹ cao. Cái đẹp của môtip dải lụa được kết nối từ quan niệm thẩm mỹ tới cảm hứng, khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ xưa để trở thành những biến thể mây hình khánh dưới thời Trần.

- Trần Thị Biển -

>>> Họa tiết trang trí

>>> Tìm hiểu về bố cục trang trí

>>> Bố cục trang trí hình vuông sưu tầm

>>> Bố cục trang trí hình tròn sưu tầm

0976984729