Họa phẩm Sân khấu Can-can của George Seurat
Phản ứng với lối vẽ có vẻ ngẫu hứng đầy tình cờ của phái Ấn tượng, Seurat hướng tới một hình thái nghệ thuật được thiết kế bằng những hình kiên cố, màu ổn định và lý tưởng hóa như hình sắc hội họa Ai Cập hoặc cổ điển Tây phương. Từ phần đầu thập niên 1880, Seurat đã được coi như một họa sĩ của "màu và ánh sáng", đồng thời lại là người làm sáng rực màu sắc bằng phương thức có hệ thống rất minh bạch. Giáo dục hội họa theo truyền thống hàn lâm của ông, tuy rất ngắn ngủi, nhưng nó tồn tại suốt cuộc đời sáng tác của ông. Lý thuyết màu sắc quang phổ của Chevreul tạo sức bật quyết định đẩy Seurat vào quỹ đạo mới của hội họa, tiếp nối sự nghiệp của thế hệ trước. Thêm vào đó là lý thuyết màu sắc của lý thuyết gia Mỹ, Ogoden Rood - giúp ông thêm tự tin để tiến sâu hơn nữa vào lĩnh vực dùng màu theo luật Tương phản đồng thời, ông bắt đầu dùng luật này ở hình họa trước khi tiến sang tổ hợp màu sắc của phái Điểm họa sau này.
Tiêu biểu cho những hình họa theo luật Tương phản sắc độ trên là "Thiếu niên đội nón rơm" vẽ năm 1883-84, sau được dùng như tài liệu cho họa phẩm "Tắm". Theo quy luật quang độ tương phản, khi một mảng màu thẫm đặt kế cận mảng nhạt, cái đậm sẽ đậm thêm, và ngược lại, cái nhạt sẽ nhạt hơn trong mắt ta. Seurat thấy rằng chỗ viền quanh mảng tối thường đậm hơn khi đặt cạnh mảng sáng.
Do đó khi vẽ cậu bé đội nón, ông vẽ mảng nhạt của hậu cảnh bao quanh bằng sắc độ nhạt hơn thường lệ, khiến phần tối trên thân người nổi bật hẳn lên và có vẻ rắn chắc hơn. Ta thấy rõ kỹ thuật đó ở phần mặt của cậu bé. Ngược lại, khi ánh sáng từ phía hữu chiếu vào thân người, thì ông lật ngược quy tắc trên để làm nổi bật mảng sáng trên tay và chân của cậu bé.
Hiện tượng sắc độ tương sinh nhờ tương phản như thế thường thường hiện trong mắt ta khi quan sát cảnh thiên nhiên, nhưng ít có họa sĩ chuyển hiện quy luật tự nhiên đó thành hình sắc tạo bằng chì hay sơn màu. Một lý do là việc vẽ sắc độ chuyển biến như thế sẽ rắc rối, khó khăn hơn cho họa sĩ, vì ông sẽ phải làm sáng hoặc làm tối hậu cảnh tùy theo từng phần khác biệt của hình họa.
Để theo sát quy luật đó, Seurat đã phải tạo dựng những phần sáng tối có vẻ không tự nhiên, một bầu khí "không giống thật" nghĩa là không giống lối biểu thị ánh sáng xưa kia. Ta nhận thấy rõ hiện tượng có vẻ "giả tạo" đó trên bức "Can-can": hậu cảnh sân khấu khi sáng khi tối, biến chuyển bất thường tùy theo từng chỗ tiếp cận với hình thể ở trung cảnh và tiền cảnh.
Trong họa phẩm Seurat, các cặp màu tương phản được dùng thay cho các độ đen trắng, đậm nhạt của hình họa. Nói cách khác, dù vẽ trắng hay vẽ màu, Seurat vẫn chỉ áp dụng một quy luật quang sắc mà ông rút tỉa được từ lý thuyết của các nhà lý thuyết về quang sắc như Chevreul và Rood. Từ năm 1886 có cơ hội gặp gỡ khoa học gia Charles Henry, một người dùng các phương tiện khoa học để tìm những tác dụng của màu, nét và quang sắc ảnh hưởng trực tiếp đến rung cảm nội tâm con người. Thí dụ như nét ngang chân trời cho ta cảm tưởng yên tĩnh, màu cam vui vẻ như Seurat vẽ những cặp đùi vũ nữ Can-can đưa lên cao phải phối hợp với những màu ấm tạo cảm tưởng nhộn nhịp thích thú.
Bảng màu Seurat (Từ trái qua phải): Trắng chì hoặc kẽm (1), vàng cadmium nhạt (2), vàng cadmium đậm/ trung (3), đỏ vermillion (4), đỏ lake (5), tím cobalt (6), xanh cobalt (7), xanh đại dương (8), xanh cerulean (9), lá viridian (10) và những màu lá chrome (11).
Qua ngót thế kỷ, phê bình gia và cả quần chúng hiện thời đều nhận thấy màu trong tranh Seurat xuống sắc. Chưa ai xác định được độ sai biệt, tuy nhiên vẫn có thể nhận định theo luật hòa màu tương phản: lối chấm màu tương phản của Seurat những chấm màu bổ túc đương nhiên sẽ tạo ấn tượng màu trung hòa, tương đương với màu xám chứ không thể nào giống như màu sáng rực trong quang phổ.
Nói về đường nét, những cái ngang bằng sổ ngay biểu hiện sự tĩnh, ngược lại, những nét dâng cao diễn tả sự vui tươi, nét đi xuống là buồn sầu.
Phái tượng trưng cũng tin tưởng như thế. Tuy nhiên, cả phái Điểm sắc của
Seurat và phái Tượng trưng đều tin tưởng, y như chủ nghĩa cổ điển, rằng có cái đẹp và sự thật tuyệt đối, khách quan như khoa học thường tin tưởng.
Charles Blanc, một sử gia kiêm thẩm mỹ, trong tác phẩm "Văn phạm trong nghệ thuật hình học" năm 1870 nhận định rằng Seurat đã nhìn nhận nghệ thuật Phục Hưng như một tiêu chuẩn hoàn mỹ đáng làm mẫu mực cho xã hội hiện đại, lấy khoa học làm phương tiện thúc đẩy tiến bộ... trong xã hội và nghệ thuật. Người ta có thể nói rằng Seurat đà phạm lỗi mâu thuẫn khi kết hợp nghệ thuật cổ truyền với những phương thức khoa học và kỹ thuật hiện đại.
Tuy Seurat được suy tôn là lãnh tụ của trường phái Điểm sắc nhưng trên thực tế, nhiều người theo chân Seurat đã vĩnh biệt ông. Ngay sau khi ông từ trần, 1891. Mỗi người muốn tìm kiếm bản sắc mình bằng lối vẽ Điểm sắc với nguyên tắc hòa màu vô ngã. Lối họa kiểu thức hóa nghiêng về trang trí và lối dùng tỷ lệ cổ điển của Seurat sau này được nghệ sĩ thế kỷ hai mươi rất khâm phục.
Đây là bức họa khổ lớn, 169 x 139cm. Xem cỡ thật, ta sẽ hiểu có sự khác biệt lớn với những bản chụp thu nhỏ.
Từ trên xuống dưới:
- Ánh sáng ấm được điểm bằng màu cam
- Các nét phẩy cong lên diễn tả niềm vui
- Sắc độ hậu cảnh biến chuyển từng chỗ theo sát luật tương phản hình màu.
- Đường viền vẫn được duy trì.
- Đường viền quanh khung tranh được tô đậm để ngăn cách mặt tranh với ngoại cảnh, đồng thời, nhấn mạnh thực tại biệt lập của họa phẩm.
Y như bích chương quảng cáo Folies Bergère của Jules Cheret, ở bức Girard 1877 Seurat kéo dài hình người kiểu cách điệu. Nhưng ở "Can-can", ông còn nhấn mạnh dáng nhân tạo vui nhộn khác thường trong vũ trường.
Đối chọi với màu cam vàng, nền hậu canh được điểm bằng xanh dương đậm làm nổi bật hình trên nền. Kỹ thuật này được dùng khắp mọi nơi trên tranh. Sửa một chi tiết là phải sửa tất cả các thành phần khác.
Hình họa bằng chì conté trên giấy ingres cho thấy kỹ thuật hình họa già dặn của Seurat vào năm 1883 - 84.
Trong bức "Cậu bé ngồi" này, các nét viền và nét đan không còn nữa chỉ thấy những mảng tương phản giữa sáng và tối. Hình thể trông vững chắc như điêu khắc.
Chi tiết cỡ thật: Chi tiết này khá rõ và sát với mặt sơn của tranh thật vì tranh Seurat trông rất khác lạ trong hình chụp in trong sách báo. Những "điểm" màu đầu tiên, như ta thấy rõ ở đây, là những phết màu xanh ngang dọc rắc đều trên nền màu kem trắng nhạt. Những chấm tròn đều đặn hơn được lợp dần lên, từng điểm màu tách bạch nhằm mục đích giữ cho màu sạch, tránh sự pha trộn đa tạp làm bẩn màu. Những chấm màu cam biểu thị ánh sáng đèn khí đốt. Sơn đục đắp dầy để mặt sơn tranh bắt ánh sáng lung linh. Tuy thế, vẫn có chỗ để hở nền vải.
Đây là một trong những tấm phác họa, chuẩn bị cho tác phẩm "Can-can". Cỡ nhỏ 21.5 x 16.5, vẽ trên ván gỗ, có lẽ là một nắp hộp xì gà. Lối chuẩn bị tác phẩm bằng phác họa nhỏ là một thói quen của người vẽ theo phái hàn lâm; họ thường vẽ những bản khảo họa, bản phác nhỏ bằng chì, sơn dầu hoặc các loại phấn, bột màu như loại này của Seurat. Ông thường vẽ khung bao ba cạnh rồi còn đóng nẹp làm khung bọc ngoài nữa.
>>> Họa phẩm "Tắm ở Asnière (1883-1884) của Georges Seurat
>>> Họa phẩm "Nhịp đập mùa thu" của Jackson Pollock
>>> Lý do vẽ sơn dầu không độc hại