Hội họa và trang trí thời Trần (Phần 1)

thoi tran 1

Nước ta ở xứ nhiệt đới, nắng gắt, dễ xảy ra hỏa hoạn; lại mưa to bão lớn, luôn bị lụt lội, độ ẩm trong không khí rất cao; những tờ tranh vẽ trên giấy, trên vải và cả trên gỗ nữa đều bị đe dọa, rất dễ bị hủy hoại. Rồi chiến tranh ngoại xâm, chiến tranh phong kiến, càng là những tai họa thường xuyên của nghệ thuật, nhất là của hội họa. Công trình hội họa cũng như các công trình nghệ thuật của dân tộc ta ở thời Trần, đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Suốt một thế kỷ rưỡi (1257-1407), các cuộc chiến tranh xâm lược liên miên của giặc Nguyên – Mông, của phong kiến Chiêm Thành, của quân Minh, của hai mươi năm (1407-1427) đô hộ với âm mưu đồng hóa man rợ của chính quyền phong kiến Minh đã phá hủy biết bao công trình nghệ thuật dân tộc sáng tạo được trong mấy thế kỷ độc lập. Vì vậy trong tình hình tư liệu, chúng ta chưa tìm được một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh nào của dân tộc ta ở thời Trần.

Do đó, nếu đòi hỏi về hình thức hội họa cổ Việt Nam nói chung, hội họa thời Trần nói riêng cũng phải như nghệ thuật hội họa châu Âu hay Trung Hoa, phải có tác phẩm hoàn chỉnh, thì ta có thể không có hay chưa phát hiện được. Thật ra, trong nền nghệ thuật tạo hình của dân tộc ta, ở thời Trần, chỉ bằng vào những dấu tích còn lại đến nay, cũng đủ thấy sự rực rỡ, không thể không có hội họa. Nhiều tài liệu văn tự của thời Trần đã xác nhận sự có mặt của hội họa thời ấy. Nhiều hình chạm nổi và khắc chìm có niên đại Trần, hoặc có phong cách nghệ thuật Trần, đã gián tiếp và trực tiếp cho ta biết những yếu tố, những hình vẽ của nghệ thuật hội họa thời Trần.

Những hình chạm nổi và hình khắc chìm trên các chất liệu gốm, gỗ và đá cho đến nay vẫn tồn tại tự thân thuộc về nghệ thuật chạm khắc, nhưng ở những hình có nhiều yếu tố hội họa thì hiệu quả nghệ thuật của nó lại gần với hiệu quả của tác phẩm hội họa, và với một kỹ thuật in riêng, thì hình chuyển sang giấy như tờ tranh đồ họa, có các nét tưởng như được vẽ bằng bút; và nó chứng tỏ sự phát triển của nghệ thuật hội họa. Đó chính là thuộc tính của nghệ thuật cổ Việt Nam, của nghệ thuật cổ một số nước ở phương Đông. Và ta thấy ở những hình ấy, nghệ sĩ sử dụng cái đục trong việc chạm nổi hay khắc rạch nét chim giống như vẽ hình lên mặt gốm, gỗ, đá.

Do chỗ các nghệ sĩ Việt Nam xưa không những vẽ bằng bút mềm, mà còn vẽ bằng vật cứng, nên ta tìm thấy những yếu tố hội họa ngay cả trong các hình trên các chất liệu gốm, gỗ và đá. Những yếu tố ấy là bằng chứng xác thực bổ sung cho tài liệu văn tự (sử sách, thơ văn, bia minh và truyện ký) của thời Trần viết về tranh, làm sáng tỏ thêm bộ mặt thật của hội họa thời ấy.

Sau những năm nông dân khởi nghĩa và chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến cuối thời Lý, triều Trần được thành lập. Những vua đầu của triều này rất chú ý khuyến khích sản xuất, làm cho kinh tế ổn định, xã hội phồn vinh, với bức tranh quê rất đẹp:

Trẻ chăn thổi sáo đuổi trâu về,

Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng.

Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền lúc này củng cố vững vàng hơn, tạo nên sức mạnh ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên – Mông. Chiến thắng lẫy lừng đó tôi luyện thêm ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước của nhân dân ta, củng cố nền độc lập của Tổ quốc, đưa uy tín Đại Việt lên rất cao.

thoi tran 2

Hào khí “Đông A” đã khiến cho sứ phương Bắc trước kia sang ta rất ngạo mạn, thì nay Trần Phu sau khi sang Đại Việt, về già còn phách lạc hồn xiệu:

Thấy giáo sắt lóe sáng mà lòng đau khổ,

Nghe tiếng trống đồng sợ tóc bạc trắng đầu.

May sao trở về thân còn khỏe mạnh,

Nhớ lại việc cũ mà vía bạt hồn xiêu.

Trên cơ sở ấy, một trào lưu văn hóa dân tộc phát triển mạnh mẽ. Riêng về mặt hội họa và trang trí, những giá trị đã có được ở thời Lý, nhưng một thời gian bị ngưng trệ, giờ lại dấy lên.

Sáu, bẩy trăm năm với vô vàn biến động lớn của lịch sử, các bức tranh của thời Trần đã bị hủy hoại nhiều nhưng thời gian đã chứng kiến và ghi nhận sự hiện diện của nó trên nhiều tài liệu khác nhau, đã khẳng định về một nền hội họa có thực ở thời Trần, và sự thâm nhập của nó vào chạm khắc, trang trí.

Tục xăm hình rồng có từ thời Hùng Vương, đến thời Trần càng phát triển mạnh mẽ. Từ vua quan cho đến quân dân đều vẽ rồi xăm hình rồng ở trước bụng, sau lưng và hai vế đùi. Tục này thịnh hành đến nỗi người Trung Hoa trông thấy gọi là “thái long” tức rồng vẽ. Lúc này người ta chẳng những quan niệm xăm hình rồng để hòa lần với thiên nhiên, khi xuống nước không bị giao long làm hại, mà còn nhằm nhắc nhở nhau về một nguồn gốc, như lời thượng hoàng dạy Trần Anh Tông: “Nhà ta vốn là người vùng hạ lưu, đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường thích hình rồng vào vế đùi… để tỏ là không bao giờ quên gốc”.

Với thói quen xăm hình, ngoài việc thích hình rồng, quân đội, gia nô và tội nhân còn thích lên trán những chữ về quân hiệu, loại gia nô và tội trạng. Đặc biệt, mọi người còn thích những chữ nêu rõ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Cho đến đầu thế kỷ XIV, gia nô không thích chữ nữa, mà lại ghi dấu hiệu có tính tạo hình như hình viên ngọc hỏa châu có tia sáng tỏa ra giống như tia lửa, và hình cây dương, cây đường.

Xăm hình, thích hình lên cơ thể chính là một cách vẽ lên da thịt, ít nhiều có tính tạo hình trang sức. Sự phổ biến của việc xăm hình ở thời Trần thành tập tục, và mức độ nghệ thuật của nó đòi hỏi xã hội có hẳn những người thợ xăm chuyên nghiệp.

Nếu ít năm trước đấy, chúng ta còn được gặp những tờ tranh chữ và nghệ thuật viết chữ trang trí, thì ngay trong thời Trần, sử cũ cho hay việc làm này rất được chú ý. Chẳng những kinh sách được khắc in nhiều, mà cả con dấu cũng khắc bằng gỗ, và đặc biệt là nhiều lần viết chữ khắc vào đá. Chúng ta chưa rõ con dấu khắc gỗ của Trần Thái Tông giá trị như thế nào, nhưng với chiếc ấn đồng của một chức quan to khắc năm 1377 thì rõ ràng lối viết chữ và bố cục đã đạt trình độ nghệ thuật cao. Bia thời Trần có nhiều loại khác nhau, có tấm bia là cả một vạt núi, có tấm bia là khối đá bẹt tạo dáng theo hình cổng vòm. Một số bia còn lại đến nay như bia chùa Hưng Phúc, bia chùa Hướng Đạo, bia chùa Long Đậu…, đều có chữ tên bia khắc ở giữa trán theo kiểu viết chữ triện, hầu hết các nét được uốn cong tinh tế, nên tuy nét bẹt to đều, nhưng vui mắt, mỗi chữ như một hình vẽ có bố cục chặt chẽ.

Trên mặt bia chùa Hàn, ngoài những hình trang trí rồng mây, hoa lá và sóng nước, chính giữa được viết rồi chạm nổi một chữ “Phật” lớn. Chữ “Phật” này đòi hỏi người viết phải luyện tay và mắt như tập vẽ, nét rất tế nhị, có chỗ mở ra khoát đạt, có chỗ thon lại tinh tế, có chỗ xổ mạnh mẽ, có chỗ cong duyên dáng, có chỗ phẩy đột ngột. Các nét ấy được phối hợp trong cách sắp xếp khối chữ vuông chặt chẽ, thành một hình đẹp như tờ tranh đại tự ngày Tết, nên thoáng đãng, gợi ra cả chiều sâu và bề rộng của không gian.

Tiến thêm một bước nữa, các họa sĩ thời Trần còn sử dụng cây bút để làm đẹp cho nhiều đồ vật bằng những hình vẽ trang trí, khi thì bằng nét, khi thì bằng màu hoặc cả màu và nét.

Sử cũ cho hay, trong thời Trần, nghệ thuật thêu khá phát triển. Hình thêu chẳng những đòi hỏi phải có hình vẽ làm mẫu, mà bản thân nó cũng là một bức tranh “vẽ” bằng kim và chỉ màu.

Những người dân sống trên sông nước thì ngoài việc xăm hình rồng lên da thịt, họ còn cho vẽ lên đầu mũi thuyền hình con chim nghịch là một loài chim nước, giống như cò nhưng to hơn cò, có tài bay liệng, và không sợ sóng gió, nên vẽ như thế để tỏ ý cũng không sợ sóng gió.

Theo Trần Phu, năm 1293 y sang sứ nước ta, nhận thấy cờ của nhà Trần đã sử dụng các màu vàng, đen, xanh, đỏ và giữa bốn góc cờ có vẽ các hình ngôi sao, thiên thần hoặc các loài quỷ dữ. Như vậy, về mặt nghệ thuật, lá cờ còn là tác phẩm hội họa mà hình vẽ trên đó thể hiện những lực lượng siêu phàm che chở cho con người. Ở đây, về mặt ý nghĩa, ta có thể liên tưởng tới các tờ tranh thờ tồn tại trong cờ, vẫn theo Trần Phu, các quan đầu triều như thái sư Trần Quang Khải và thái úy Trần Hoa lại có những miếng gỗ tròn màu xanh rộng 6 xích, trên vẽ mặt trời, mặt trăng và hai mươi tám vì tính tú.

thoi tran 3

Qua thơ văn, ta biết ở thời Trần có một cái thú của những người được cuộc sống cho phép, là chơi bình phong vẽ. Ở thời Trần, người ta quan niệm trang trí bình phong là vẽ thu nhỏ thiên nhiên đã chọn lọc, và do đó mà bức bình phong vẽ được coi là tiêu chuẩn của thiên nhiên. Chính nhà giáo mẫu mực Chu Văn An đã từng phát biểu rõ cái quan niệm “đẹp như tranh” ấy:

Muôn lớp núi xanh chen chúc nhô lên như bức bình phong vẽ,

Ánh mặt trời buổi chiều chiếu xuống soi sáng nửa khe nước.

Và ngược lại, mỗi khi được thưởng thức một cảnh đẹp, người ta lại tin tưởng như mình được ngắm một bức tranh:

Người ở trong sân (đầy) cảnh vật mùa xuân tươi đẹp,

Mắt say sưa (với cảnh đẹp như) bức tranh gấm vóc.

Rõ ràng, tranh đã trở thành tiêu chuẩn của cái đẹp để mọi các khác so sánh với nó mà tìm ra mức độ đẹp của mình.

Trên một bức bình phong vẽ tranh phong cảnh, Phạm Mai đã đề thơ vừa trả tranh, vừa nói lên tâm tư băn khoăn trong cách xử thế mà họa sĩ gửi vào tranh:

Cây cỏ một khe nước chảy,

Núi xanh ngàn dặm bóng tà.

Muốn gọi thuyền con về quách,

Chưa hay xuất xứ đời này.

Rõ ràng nhà thờ mách với chúng ta bức bình phong được trang trí một cảnh sơn thủy hữu tình có những màu sắc đối nhau: đằng xa tít tắp là một quả núi xanh mát được mặt trời lúc sắp lặn chiếu vào rực rỡ, còn ở gần đối lập lại là cây đỏ tươi soi mình xuống khe nước trong đang chảy, mà trên dòng nước có một chiếc thuyền con bơi thong thả… Nội dung ở đây hoàn toàn phù hợp với tính chất trang trí bình phong là làm đẹp thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào trong nhà.

Cùng với tranh trên bình phong, tranh vẽ trên quạt cũng được nhiều người ưa thích và thưởng thức. Tranh theo quạt đã mất, nhưng thơ đề tranh vẫn còn. Qua bài thơ “Đề chiếc quạt vẽ phong cảnh do Liêu Nguyên Long tặng”.

Khó vẽ nên tranh cảnh nước Nam.

Cỏ cô bồ mượt quán Tân An.

Gió mát tranh thanh đầy năm tháng,

Khắc khoải chim kêu dặng trúc ngàn.

ta được biết một bức tranh về thiên nhiên của xứ sở mến yêu. Thiên nhiên nhiệt đới rất giàu cảnh sắc, chỉ một mảng nhỏ thôi cũng làm các họa sĩ phải lao tâm khổ tứ mới vẽ được ngôi quán bên ao Tân An cỏ mọc xanh rờn, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng không gian, những làn gió mát thổi suốt năm này qua năm khác, ngoài rặng tre chim đa đa kêu khắc khoải. Thú chơi quạt vẽ cảnh, rõ ràng đã có trong thẩm mỹ dân ta ở thời Trần, được mọi người yêu thích nên truyền mãi đến ngày nay.

Và sau nữa là những hình vẽ trên tiền giấy “Thông báo hội sao” phát hành năm 1396. Theo sử cũ, ta biết những tiền giấy có giá trị tài chính khác nhau thì được mang những ký hiệu bằng các hình vẽ khác nhau: giấy 10 đồng vẽ rong, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, giấy 2 tiền vẽ rùa, giấy 3 tiền vẽ lân, giấy 5 tiền vẽ phượng và giấy 1 quan vẽ rồng.

Nếu những hình vẽ trên nhiều vật dụng khác nhau (mà ta biết qua thơ văn), mới chỉ là những hình trang trí cho một cái gì đó, tồn tại trên hiện vật ấy, khi hiện vật mất đi khiến tranh mất theo, thì vẫn qua tài liệu văn tự, ta biết thêm ở thời Trần cũng có những tác phẩm hội họa độc lập. Đó là những bức chân dung, những bức vẽ người thực việc thực, những bức tranh phong cảnh không trang trí cho một vật dụng nào.

Nếu trong thời Lý, văn học chủ yếu nằm trong hàng ngũ sư tăng, thì từ thời Trần, nó trở thành đòi hỏi của nhân dân. Vì thế, sau vài mươi năm nắm chính quyền, nhà Trần phải đáp ứng yêu cầu ấy: Năm 1253 lập Viện Quốc học và xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước về đấy giảng học tứ thư lục kinh. Cửa Khổng mở rộng, việc giáo dục của Nhà nước phong kiến không phải chỉ bằng kinh thư, mà còn bằng cả nghệ thuật nữa: Quốc học viện vừa lập ra bèn tô tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (tức Mạnh Tử), và vẽ hình bảy mươi hai người hiền để thờ. Bảy mơi hai người hiền được vẽ hình ấy là những học trò ngoan và giỏi của Khổng Tử, đều là hình vẽ chắc hẳn là những mẫu người đã lý tưởng hóa mà nghệ sĩ thời Trần lĩnh hội và hình dung qua sự giảng giải của không được đảm bảo, nhưng hình tượng nghệ thuật ấy đã là những tác phẩm hội họa độc lập.

Tranh chân dung được vẽ nhiều nhất có lẽ vào năm 1289. Sau ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, năm 1289 nhà Trần duyệt định các công thần, xét công trạng cho những người đã tham gia các cuộc kháng chiến, ai có nhiều công lao xung phong lên trước, phá được trận tuyến của giặc, lập được nhiều chiến công đặc biệt, thì được chép chuyện vào sách “Trung hưng thực lục” và được vẽ hình. Hình vẽ những dũng sĩ, những anh hùng chống giặc Nguyên – Mông, họa sĩ chẳng những được biết người, biết chuyện, mà còn khâm phục tài năng, trí dũng và đức độ của họ, cho nên hẳn là những bức chân dung ấy phải mang được cả hồn của thời đại và hồn của nhân vật, là những tác phẩm nghệ thuật chân thực, có sức sống và rung động lòng người.

Bức tranh có đề thơ mà Trần Bang Cẩn được vua bàn năm 1324 còn thể hiện mối quan hệ giữa họa và thơ. Ta không còn được thấy tranh, nhưng qua sử cũ, ta biết khá rõ về Trần Bang Cẩn là một đại hành khiển thượng thư tả bộc xạ, người tin thực, giữ gìn, giản dị, điềm tĩnh, không xa hoa… Và đặc biệt qua bài thờ đề trên tranh:

Hình dung cốt cách tựa cây thông,

Tướng mạo nghiêm trang thật đáng trông.

Mọi vẻ phong lưu tô được hết,

Khôn tô choi chói tấm lòng son.

thoi tran 4

ta có thể nghĩ đến một bức chân dung được họa sĩ mang tài năng ra để mô tả mọi vẻ đẹp của nhân vật, nhưng người xem mới thỏa mãn về những vẻ đẹp bên ngoài mà họ tin họa sĩ đã “vẽ được hết”, còn về nội tâm phong phú với những tính tốt của nhân vật, thì vẫn băn khoăn theo cái băn khoăn của họa sĩ là khó có thể lột tả được đầy đủ.

Cùng với chân dung Trần Bang Cẩn, ta biết thêm bức chân dùng Bùi Mộc Đạc nữa. Ông làm trung thư thị lang tri thẩm hình viện sự, tính người cẩn thận cung kính, văn chất khả quan, từng làm quan qua ba triều, nên được thượng hoàng Trần Anh Tông trong lúc hấp hối đã dặn Trần Minh Tông phải cất nhắc, đối xử cho khéo. Vua bèn sai vẽ chân dung cất ở kho sách, có ý sẽ dùng vào chức to, nhưng đến năm 1326, chưa kịp được vua thăng thưởng thì ông mất.

Tranh vẽ người thực việc thực có tác dụng giáo dục rất lớn, vì nó nêu gương sáng cho mọi người, nhất là người được tặng tranh, noi theo. Bộ tranh “Tứ phu” vẽ bốn người giúp vua khi vua còn nhỏ, do thượng hoàng Trần nghệ Tông sai thợ vẽ, ban cho Hồ Quý Ly năm 1394, chính là với dụng ý giáo dục sâu sắc. Tranh vẽ bốn vị quan to ở bốn triều đại xưa có tinh thần trung quân cao, trong đó ba người theo điển tích trong sử Trung Hoa là Chu Công giúp Thành Vương, Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu Chúa, và một người lấy trong sử nước nhà là Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông. Ý tranh đã rõ, lời thượng hoàng dặn bảo Hồ Quý Ly lúc ban tranh lại càng khẳng định hơn nữa: “Khanh giúp quan gia (tức nhà vua) cũng nên theo như những người ấy”.

Về tranh vẽ cảnh vật, ngoài những hình vẽ trên bình phong, trên quạt, trên thuyền, trên tiền giấy …, còn có những tranh không nhằm trang trí cho một vật phẩm khác, mà độc lập là một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh. Những tranh loại này bên cạnh giá trị thẩm mỹ, cũng chứa đựng một giá trị tư tưởng nhằm biểu dương hoặc phê phán một vấn đề nào đó, gợi ra một cái gì để người xem tranh phải suy nghĩ. Theo thơ văn đương thời, có một số tranh tuy không còn, nhưng ta còn được biết tranh qua thơ đề. Bức tranh “Con hạc vừa bay vừa ngoảnh lại” được Nguyễn Úc đề thơ:

Phất phơ dặng trúc đá một tòa,

Thung thăng vỗ cánh biếng bay xa.

Ngoảnh cổ quay đầu không phòng nạn,

E khi trước mắt lưới dăng ra.

Qua thơ đề, ta thấy lại được những nét lớn của bức tranh: Họa sĩ đã chọn một dặng trúc có chỗ thưa chỗ dày, có cây cao, cây thấp và tòa nhà đá cổ kính để làm nền, rồi trên cái nền ấy, con hạc đang dùng dằng lượn thong thả như không có ý muốn bay đi xa. Tình tiết trên tranh không nhiều, qua cái dáng của con hạc vừa bay vừa quay đầu nhìn lại, họa sĩ đã gợi cho người xem tranh suy nghĩ về những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, những cạm bẫy dăng ngay trước mắt mà nhiều khi ta không để ý tới.

Nhà thơ Chu Đường Anh, trong bài thơ “Đề tranh bầy cá chầu cá gáy”, mách với chúng ta một họa phẩm được ông đánh giá rất cao:

Nhà thơ là kẻ hiếu sự quá,

Chẳng tiếc ngàn vàng mua danh họa.

Biết bao diệu bút chất trong nhà,

Nào Đằng Vương bướm, Giang Đô mã.

Ai vẽ tranh này đẹp cực kỳ,

Lờ mờ trong làn sóng trắng xóa.

Hàng hạnh thấp cao tăm rập rình,

Lội bơi vùng vẫy những bầy cá.

Ngàn con tranh chầu ông đỏ đuôi,

Vật bé mọn kia biết chuộng loài.

Muôn sao lấm tấm chầu bắc đẩu,

Muôn dòng cuồn cuộn về đông xuôi.

Rõ ràng, đây là một bức tranh rất động: bầy cá và cỏ rong cũng đều có cuộc sống riêng, chúng như bật ra khỏi khung tranh để tham gia vào thế giới bên ngoài. Họa sĩ phải nắm rất vững những cảnh vật, những tình tiết của thế giới dưới nước, để phô bày trong làn nước trắng xóa, lờ mờ hiện ra cả một bầy cá con rất đông đang tung tăng bơi lội quanh một con cá gáy lớn, những rong cỏ cũng rập rình theo. Nét bút ở đây được họa sĩ thao túng với tài khéo lạ kỳ. Vì vậy theo nhà thơ, tác phẩm mang một giá trị nghệ thuật cao, trở thành họa phẩm vô giá, người hiểu biết cái đẹp ấy có được bức tranh này để treo trong nhà là niềm hãnh diện lớn:

Chẳng tiếc ngàn vàng mua danh họa,

Biết bao diệu bút chất trong nhà.

Những hình tượng bình thường trong tranh ấy, bằng nghệ thuật biểu hiện già dặn của họa sĩ, còn chứa đựng một giá trị tư tưởng lớn, kêu gọi sự đoàn kết trong giống loài. Với quan điểm triết học bấy giờ, người xem tranh thấy vật bé mọn còn biết chuộng loài, ngàn con cá nhỏ đều tranh nhau chầu về một con cá lớn, giống như muôn vạn ngôi sao nhỏ lấm tấm chầu quanh ngồi sao bắc đẩu, như muôn dòng nước cùng cuồn cuộn chảy xuôi về biển Đông…, do đó mà thấy mình phải gắn bó với mọi người để trở thành một tập thể lớn.

Như vậy họa phẩm thời Trần, với tư cách là tác phẩm nghệ thuật, chẳng những truyền đạt đến mọi người cái tình cảm thẩm mỹ mà họa sĩ đã thâu lượm được trong cuộc sống rồi gửi gắm vào từng đường nét và từng mảng màu, mà còn cho mọi người những suy nghĩ về nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra, và đòi được giải quyết, mà chính họa sĩ đã hé ra một con đường sáng.

Sự có mặt của hội họa trong nghệ thuật tạo hình thời Trần đã được chính người thời ấy khẳng định và kể lại với chúng ta. Ngày nay, chúng ta còn có thể biết được những yếu tố hội họa thời Trần qua những hình vẽ bằng đục của các nghệ sĩ chạm khắc gỗ và đá, những hình vẽ bằng vật cứng và vật mềm của các nghệ sĩ gốm.

Từ những hình chạm nổi trên gỗ ở chùa Thày, chùa Bối Khê, chùa Dâu, chùa Thái Lạc và ở xã Mỹ Thịnh, ta luôn thấy nghệ sĩ trong khi vận dụng thủ pháp chạm nổi nông, đã chú ý nhiều đến tiếng nói của đường nét đã làm cho những bức chạm có hình như tờ tranh đồ họa. Ở đó, các nét đục khi thì như nét bút vẽ chậm, lúc lại như nét bút vẽ thoăn thoắt hết sức lưu loát, đôi khi như nét bút vẽ tỉ mỉ thận trọng trong từng chi tiết. Sự chính xác và nhất quán của các hình chạm gỗ thời Trần còn xác nhận có hình vẽ mẫu sẽ dắt dẫn lưỡi đục sai khiến chất liệu, nên qua hình chạm của nghệ thuật điêu khắc, ta có thể gián tiếp thấy lại hình vẽ của nghệ thuật hội họa. Điển hình là mảng lưng ghế ngai ở chùa Thày chạm năm 1346 và các mảng chạm nhạc công, tiên nữ ở chùa Thái Lạc.

thoi tran 5

Mảng lưng ghế ngai ở chùa Thày, ngay dưới phần chạm được ghi rõ làm ngày 25 tháng 10 năm Bính Tuất, niên hiệu Thiệu Phong, cho biết rõ niên đại tuyệt đối là năm 1346. Hình chạm ở đây gần như được vẽ bằng đục, chất họa toát ra từng thớ gỗ. Dưới cùng là dải sóng nước cuồn cuộn, lớp trước lớp sau cứ rập rờn xô đẩy nhau như được vẽ nhanh thoăn thoắt, dứt khoát và chính xác; trên lớp sóng cồn ấy, làm nền cho toàn cảnh là những tia phát ra từ một điểm ẩn giấu ở giữa, ngay trên mặt sóng nước, có xu hướng uốn vênh lên tế nhị, làm thành một vòng sáng rực rỡ, nét chạm rành mạch như nét bút phết mạnh. Phía trước của quầng sáng, ở giữa có hai sừng, nhọn vắt chéo ngửa, lại còn được buộc bằng một dải vải mềm mại có hai đầu bốc lên bay trong gió; phía trên và phía dưới cặp sừng, mỗi phía có một u tròn lớn nổi hẳn lên, rồi từ u tròn trên bốc lên những hạt tròn nhỏ khác. Hai bên cặp sừng được cắm đứng thẳng hai chiếc rìu thờ còn có hai nhánh lá như ôm lấy cả chiếc lưng ngai. Tất cả những hình trang trí cận cảnh này đều có nét chạm như nét vẽ tỉ mỉ, từng chi tiết đều được chú ý. Toàn bộ hình có lớp trước lớp sau, tầng trên tầng dưới, đường nét nhịp nhàng và gắn bó với nhau trong một bố cục chặt chẽ, hình phân bố đăng đối giữa hai nửa phải và trái. Sự mạch lạc ấy chẳng những xác định phải có hình vẽ mẫu, mà ngay nét chạm như là nét vẽ bằng đục, và nét đục cũng thành công như nét vẽ. Ở đây, nghệ sĩ đã dùng đục để vẽ lên bức tranh hoàn chỉnh, cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng, bằng những đường nét dứt khoát, nghiêm trang nhưng bay bổng, bằng những hình chắt lọc và cũng đậm nhạt theo ánh sáng rọi đến.

Chùa Bối Khê, chùa Dâu, chùa Thái Lạc đều có chung một lối kết cấu, nhưng những hình chạm mang đậm đà chất họa thì ở chùa Thái Lạc còn giữ được nhiều hơn cả và cũng nổi trội hơn cả. Nghệ sĩ trong khi dựng chùa Thái Lạc đã dùng đục nẩy trên gỗ rắn những đường nét làm thành các hình như được vẽ bằng bút. Nếu ở hình phỗng quỳ đội tòa sen, chất họa kết hợp dè dặt với điêu khắc, đường nét chỉ phụ họa cho mảng khối, thì đến những hình hoa dây, sóng nước, đặc biệt là các hình tiên nữ nửa người nửa chim, những nhạc công đang biểu diễn các nhạc cụ khác nhau, nghệ sĩ đã sử dụng thứ ngôn ngữ chính là đường nét, hình chạm nổi mà chất họa đậm đà hơn cả điêu khắc. Nét chạm như là nét vẽ, tinh sắc và thoải mái. Đường cong mềm mại, nhịp nhàng mà lại cuồn cuộn. Lưỡi đục được đưa nhanh theo những hình đã hoàn chỉnh trong ý tưởng nghệ sĩ, chỗ nào cũng nuột nà và thanh thoát. Rồi khi ánh sáng rọi đến, mặt bằng có chỗ sâu chỗ nông nên bắt sáng không đều, đường nét mềm ra, hiệu quả của hình chạm không khác gì bức tranh sinh động có đường nét vô cùng phong phú: phổ biến là đường cong của mây trời, của các thành phần cấu tạo cơ thể mềm mại, tươi mát và gợi cảm, rồi đường thẳng của thế đứng chững chạc, đường nằm ngang vững vàng của dẫy sóng nước, đường thẳng xiên của phần lớn nhạc cụ khác nhau. Tất cả đã tập trung sự chú ý của người xem vào chính chủ đề của hình chạm, như là của hình vẽ bằng đục, và thấy lại hình mẫu vẽ ban đầu.

thoi tran p1-1

Tháp chùa Phổ Minh (Lộc Vượng, Mỹ Lộc, Ngoại thành Nam Định)

thoi tran p1-2a

Gạch tháp chùa Phổ Minh: Mặt trên viên gạch

thoi tran p1-2b

Gạch tháp chùa Phổ Minh: Mặt ngoài viên gạch có chạm hình rồng

thoi tran p1-3

Mặt trước nhà bái đường chùa Phổ Minh

thoi tran p1-4a

Sơ đồ mặt bằng chùa Phổ Minh.
Bản vẽ của Ty Văn hóa Hà Nam Ninh
(Nguyễn Xuân Kế sao lại)

thoi tran p1-4b

Tháp gốm thu nhỏ ở chùa Chò (Yên Phượng, Yên Lạc, Vĩnh Phú)

thoi tran p1-5a

Sơ đồ vì kèo, chùa Thái Lạc (Lạc Hồng, Văn Lâm, Hải Hưng)
Bản vẽ của Viện Bảo tàng Mỹ thuật (Nguyễn Xuân Kế vẽ)

thoi tran p1-5b

Vì nóc. Chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Sơn Bình)

thoi tran p1-6a

Sơ đồ lăng Trần Anh Tông (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh)
Bản vẽ của Viện Bảo tàng Mỹ thuật (Nguyễn Xuân Kế vẽ)

thoi tran p1-6b

Đầu bẫy (gỗ) của tòa thượng điện
Chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Sơn Bình)

thoi tran p1-7a

Sơ đồ mặt nam tháp Bình Sơn
(Tam Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phú)

thoi tran p1-7b

Bệ tam thế (đá ghép).
Chùa Hào Xá (Thanh Hào, Thanh Hà, Hải Hưng)

thoi tran p1-

Hình hổ trên bệ tam thế (đá)
Chùa Bãi (Cát Quế, Hoài Đức, Hà Sơn Bình)
Ảnh chụp bản dập mực

thoi tran p1-20b

Hình quầng sáng nhọn đầu trên vách tháp Bình Sơn
(Tam Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phú)
Ảnh chụp bản dập mực nho

- Chu Quang Trứ -

>>> Mỹ thuật thời Trần

>>> Đồ gốm hoa nâu thời Lý - Trần

>>> Môtíp mây trong nghệ thuật Lý - Trần

0976984729