Hoa văn về đề tài hiện thực (Phần 1)
1. Các hoa văn về đề tài động vật:
a. Các loài chim:
Đây là loại đề tài được các nghệ nhân Lạc Việt chú ý đến rất nhiều. Ngay từ thời nền văn hóa Gò Mun, chúng ta đã thấy một hình chim được khắc họa trên đồ gốm, nhưng phải đến thời Đông Sơn trên các đồ đồng hình chim mới có nhiều. Hầu như trống đồng nào cũng có. Riêng trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Vũ Thế long đã đếm được 50 hình mẫu tất cả.
* Hoa văn về loài cỏ:
Đáng chú ý trước hết là hoa văn về một loài chim có mỏ, cổ, đuôi, chân đều dài, đầu nhỏ thường có mấy sợi lông từ trên đầu bay ra phía sau. Đó là loài cò nói chung. Tùy theo màu sắc hình dáng mà loài cò có nhiều tên gọi khác nhau như cò, vạc, diệc. Các nhà nghiên cứu thường gọi hoa văn này là “chim lạc”. Loại chim này được nghệ nhân Đông Sơn chú ý sáng tác nhiều nhất. Chúng thường được bố cục trong tư thế đang bay theo chiều ngược kim đồng hồ, trong các vành hoa văn trang trọng nhất của mặt trống đồng (Hình 32). Điều đáng chú ý nữa là trong lúc các loài chim loài thú khác chỉ có trên một số trống đồng vài loại sớm, thì hoa văn chim lạc này có mặt trên hầu hết các trống đồng loại I Heger (chỉ có 4 trống không có), là loại trống mà các nhà nghiên cứu cho rằng chúng tồn tại suốt trong thời Đông Sơn. Và chúng ta đều biết, càng về cuối các hoa văn trên mặt trống đồng càng được cách điệu mô hình hóa đi rất nhiều, những hình người, hình thuyền nhiều lúc đã không còn nhận ra được nữa, thì hoa văn hình chim này hầu như vẫn còn giữ nguyên hình ảnh thực của nó (ví dụ như các trống đồng Hữu Chung, Da Bút, Phú Phương II chẳng hạn). Hoặc các trống càng về cuối trang trí càng đơn giản, các vành của trống, các vành để trơn có vành có một vài đồ án hoa văn hình kỷ hà thì riêng hoa văn hình cò này vẫn tiếp tục tồn tại (ví dụ như các mặt trống đồng Giảo Tất, Bình Phủ, Đông Sơn I…).
Điều đó chứng tỏ trong tâm thức người Đông Sơn loại chim này có một vị trí hết sức đặc biệt. Họ chú trọng, họ tôn thờ. Có thể là “vật tổ” như nhiều nhà nghiên cứu đã dự đoán chăng? Điều đó cần được nghiên cứu nhiều nữa, nhưng qua dẫn dụ trên, chúng tôi thấy loài chim này có một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Đông Sơn.
Dù hoa văn này đã được cách điệu và giản lược đi, nhưng nhà nghiên cứu chúng ta vẫn thống nhất đó là con chim thuộc họ cò. Cho đến nay, cò vẫn là con vật quen thuộc của người nông dân Việt Nam. Nó sống thành từng đàn trên các đầm lầy ruộng trũng của vùng đồng bằng. Nó không thể là sản phẩm của vùng trung nguyên đồi núi và đồng cỏ.
Hình 32. Hoa văn hình các loài cỏ trên các mặt trống đồng
a. Hàng Bún; b. Hoàng Hạ; c. Viên; d. Sông Đà; đ. Ngọc Lũ I; e. Quảng Xương; g. Đào Thịnh (thạp);
h. Pha Long; i. Cửu Cao; k. Phú Duy; l. Duy Tiên; m. Việt Khê; n. Thôn Mống; o. Miếu Môn.
* Hoa văn hình cò thìa:
Hoa văn này xuất hiện trên tang các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn và trên một chiếc bình đồng Đào Thịnh. Đó là hình mẫu về loài chim chân cao, đuôi ngắn, cổ dài và đặc biệt phần đầu chiếc mỏ dài của nó được cấu tạo bè ra như hình cái thìa nên gọi là cò thìa. Tác giả trang trí trống đồng Ngọc Lũ cố tình cách điệu làm cho các mỏ của nó dài quá cỡ (Hình 33b), còn tác giả trang trí trống đồng Hoàng Hạ lại cho các phần đầu của mỏ phình to để nhấn mạnh hình thìa của nó. Còn hình cò trên bình đồng Đào Thịnh thì phần thìa ở đầu mỏ gần như tách rời khỏi ra (Hình 33c).
Loại cò thìa cũng có nhiều trên đồng ruộng Việt Nam ta, nhất là vùng chiêm trũng.
Hình 33. Hoa văn hình cò thìa
a. Trống Miếu Môn; b. Trống Ngọc Lũ; c. Bình đồng Đào Thịnh
* Hoa văn hình bồ nông:
Hoa văn này được trang trí trên các tang trống Hoàng Hạ, Miếu Môn, Hò a Bình, Phú Xuyên và thạp đồng Hợp Minh. Đó là loài chim chân và đuôi ngắn hơn cò, mình to, mỏ dài. Đặc biệt mỏ dẹt và phía dưới mỏ có một lớp màng da rộng kéo dài đến phía trước cổ. Tên gọi của nó là loại chim bồ nông. Loại chim này hay bắt cá và sống ở vùng sông nước. Tác giả trang trí trống Hoàng Hạ đã cố tình nhấn mạnh các mỏ dẹt to của chúng hoặc cho các mỏ thành một cái bao trồn của cả lớp da (Hình 43a, b). Còn tác giả trang trí trống Miếu Môn thì miêu tả nó trong tư thế đang bắt một con cá lớn. Còn trên thạp Hợp Minh thì chúng xếp hàng thành một đoàn dài nối đuôi nhau (Hình 34c).
Hình 34. Hoa văn hình bồ nông
a, b. Trên trống Hoàng Hạ; c. Thạp Hợp Minh; d. Trống Hòa Bình; đ. Trống Phú Xuyên
* Hoa văn hình cò bợ: Hoa văn này có trên tang trống đồng Đồi Ro. Đây là hình ảnh loài cò nhỏ, chân thấp và cổ ngắn hơn các loài cò khác, lông màu nâu nhạt, mỏ vàng. Người Bắc gọi là cò bợ, còn người miền Trung gọi là cói (Hình 35). Loại chim này thường sống ở đồng trũng, bắt tôm tép và các loài cá nhỏ khác.
Hình 35. Hoa văn hình cò bợ trên trống đồng Đồi Ro
* Hoa văn hình chim công: Hoa văn này được trang trí trên tang các trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Miếu Môn. Đó là hình mẫu về một loài chim chân cao, mỏ ngắn, đuôi dài trên đầu có hai mào lông khá lớn và dưới mỏ cũng có hai mào dưới tròn. Rất có thể đây là hình ảnh của loài chim công vì các nghệ nhân đã cố gắng tỉa bộ lông và nhấn mạnh đến cái mào trên đầu các con vật. Tác giả trống đồng Ngọc Lũ mô tả một con công đang đứng đơn độc, hoặc con công con trèo lên lưng con mẹ (Hình 36 a, b). Còn tác giả trang trí trống đồng Miếu Môn thì lại mô tả hai con công trong tư thế đang cúi người (Hình 36c).
Hình 36. Hoa văn hình chim công
a, b. Trên trống đồng Ngọc Lũ; c. Trên trống đồng Miếu Môn
Cũng cần nói thêm, có một hình chim được khắc ở nóc mái nhà sàn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ hình thù kiểu cách giống với hình chim công này, Vũ Thế Long đoán rằng đó là gà gô nhưng có lẽ đây là hình mẫu mà người xưa khắc trang trí trên nhà sàn công cộng của bộ lạc mình để làm biểu tượng hay vật tổ gì đó. Bởi vì cũng một hình hoa văn kiểu như thế được khắc ở nóc nhà sàn mái cong trên mặt trống đồng Khai Hóa, hoặc trên mặt trống Cổ Loa, nhưng hình khắc này lại là hình một con cá, hoặc một con bò sát. Điều đó chứng tỏ nó chỉ là mô phỏng chứ không phải con vật thật.
Ngoài các hoa văn hình chim mà đặc điểm của nó có thể làm chúng ta có thể nhận ra một cách dễ dàng còn có nhiều hình chim nữa, do tính cách điệu khá cao của các nghệ nhân Đông Sơn, hoặc do tính chất chung chung của các hình mẫu, làm chúng ta khó lòng tách bạch một cách chính xác được nó là loại chim gì. Chúng tôi thống kê thêm ra đây để chúng ta cùng tham khảo:
- Hoa văn khắc họa một đàn chim nhỏ, đầu to, mỏ quặp đang bay trên một vành của mặt trống đồng Ngọc Lũ, phải chăng đó là đàn chim vẹt (Hình 37 b).
- Hoa văn mô tả mấy con chim nhỏ đang bay nháo nhác trên đầu những người giã gạo, được khắc họa trên mặt trống đồng Hoàng Hạ và các con khác đang bay toán loạn trên thuyền, chạm ở thạp đồng Đào Thịnh, phải chăng là các đàn sáo? (Hình 37 e).
- Hoa văn mô tả con chim đuôi ngắn, chân cao, mỏ dài và to đang bắt cá thuộc họ cò, khắc họa trên tang trống đồng Hoàng Hạ, phải chăng là con diệc? (Hình 37 a).
Hình 37. Hoa văn về các loài chim
a. Diệc trên trống đồng Hoàng Hạ; b. Vẹt trên trống đồng Ngọc Lũ; c. Chim xít trên thạp Đào Thịnh; d. Con vịt trên trống đồng Lào Cai
đ. Chim bìm bịp trên trống đồng Làng Vạc II; e. Đàn sáo trên thuyền thạp Đào Thịnh.
- Hoa văn mô tả đàn chim chân ngắn, mỏ nhọn, đuôi ngắn đang đi tìm mồi trên tang trống đồng Làng Vạc II, phải chăng là loài chim bìm bịp? (Hình 37 đ).
- Một loại chim thường nổi nửa người trên mặt nước để tìm bắt cá, có mỏ tù, thân tròn được chạm trong cảnh bơi theo thuyền trên thạp Đào Thịnh, phải chăng đây là loài chim xít? (Hình 37 c).
- Một loài chim có thân tròn chân ngắn, đuôi ngắn, mắt tròn to, mỏ dẹt được chạm trong tư thế đừng trên trống đồng Lào Cai. Phải chăng đây là con vịt nhà? (Hình 37 d).
- Hoa văn khắc hình hai con chim đậu trên bờ nóc của nhà sàn mái tròn trống Hoàng Hạ, phải chăng là hai chú gà nhà? (Hình 38 b), và hình ở thạp đồng Hợp Minh, phía trên cảnh những người đang giã gạo sàng sẩy, phải chăng chính các chú gà nhà này đang bay đậu để kiếm chút thóc gạo rơi vãi (Hình 38 a) và một đàn chim 6 con chim nhỏ, chưa có đủ lông, đang chăm chỉ tìm mồi, được chạm thành dãy dài trên qua trống đồng Đông Sơn, phải chăng đây là các chú gà con? (Hình 38 c).
Hình 38. Hoa văn hình gà nhà
a. Trên thạp Hợp Minh; b. Trên nhà mái tròn trống Hoàng Hạ; c. Các gà con trên qua đồng Đông Sơn
Ngoài những hình chim còn nhận ra chủng loại kể trên, còn nhiều hình chim khác được trang trí khắc họa trên các đồ đồng mà quá nhỏ bé, vì cách điệu cao, hoặc cũng vì nghệ nhân Đông Sơn muốn mô tả một hình chim chung chung, chứ không đi vào một loại chim cụ thể nào, nên chúng ta khó lòng nhận rõ là loại chim gì. Đó là những hình chim trên các chuông đồng Hưng Yên, Mật Sơn; trên các trống đồng Quảng Chính, Ngọc Lũ, Việt Khê; Duy Tiên; trên các thạp đồng Việt Khê, Hợp Minh, Lào Cai; trên rìu đồng Gò Dev và trên chậu đồng Thanh Hóa… (Hình 39).
Hình 39. Hoa văn một số hình chim trên các đồ đồng
a. Trống Ngọc Lũ; b. Trống Việt Khê; c. Trống Duy Tiên; d, đ. Thạp Hợp Minh
b. Các loài thú:
Các loài thú cũng được nghệ nhân Lạc Việt lấy làm mẫu cho các đồ án trang trí của mình. Tuy nhiên số loại và số lượng còn có phần ít. Nếu so với di cốt còn ở các di chỉ thì kém xa về chủng loại. Các hình thú trên hoa văn thời này chủ yếu là các hình hươu, một vài hình cáo, voi, hổ. Các con vật to lớn dữ tợn này, như trên đã nói, thường được người Lạc Việt đúc, nặn thành tượng nhỏ rất nhiều để đeo làm bùa hộ mệnh hoặc trang trí trên các đồ dùng, các vũ khí như một vị thần biểu tượng cho sức mạnh và lòng dũng cảm, nhằm làm tăng thêm dũng khí cho con người trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên để lao động sản xuất và tồn tại. Bởi vậy nên chúng ít được chọn làm đề tài hoa văn cho nghệ thuật trang trí nữa. Thú vị nhất trong các loài động vật thường được người Đông Sơn trang trí này, có cả các động vật nuôi trong nhà như bò, chó, những con vật đã được con người thuần dưỡng rất sớm. Tuy nhiên có điều hơi lạ là, tài liệu di cốt ở các di chỉ “mách bảo” chúng ta thời này đã có nhiều lợn nhà bên cạnh lợn rừng. Ấy thế mà, không hiểu sao, trên hoa văn trang trí, con vật này lại gần như vắng bóng. Chúng chỉ mới thấy xuất hiện một lần duy nhất đó là cột dưới nhà sàn, chạm trên trống đồng Cổ Loa. Chắc đây là nơi lưu trú tạm của con vật trước khi được đưa ra mổ phục vụ cỗ bàn ngày hội của cộng đồng. Đáng tiếc vì quá nhỏ bé nên nhận dạng hình chạm rất khó. Có người cho đây là hình con bò sắp được đưa ra làm lễ hiến tế, tương tự lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên ngày nay.
Sau đây là một số hoa văn cụ thể.
* Hoa văn hình bò:
Hình bò ở đây là muốn nói đến bò nhà. Bò nhà và trâu nhà có mặt rất sớm đối với người Lạc Việt. Trên các di chỉ thuộc các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, chúng ta tìm thấy có 10 tượng nhỏ bằng đất nung nặn về đề tài bò nhà và trâu nhà. Đến thời Đông Sơn chúng được khắc họa trang trí trên các trống đồng. Đó là các hoa văn hình bò trên các trống Đồi Ro, Làng Vạc I, Đồng Cẩu, Vĩnh Hùng và hàng loạt trống mới phát hiện gần đây ở Lào Cai (trong số 19 trống như nát của Lào Cai đã có ít nhất 8 trống có khắc hoa văn hình bò). Hình bò thường được khắc trang trọng trên các ô vuông của thân trống. Trống nhiều có 8 hình, trống ít thì 4 hình, có cả con đực và con cái. Các hình được bố cục theo lối trắc diện, đầu bò hướng quay theo ngược chiều kim đồng hồ. Qua khảo sát, chúng có hai loại.
- Loại thứ nhất là loại bò có u lớn. Loại này được khắc họa treenc ác trống đồng Đồi Ro, Làng Vạc, Đồng Cẩu, Vĩnh Hùng, Lào Cai II, Lào Cai XV và Lào Cai XIX.
Ở các trống Đồi Ro, Làng Vạc I và Đồng Cẩu, chúng được thể hiện chung một phong cách. Đó là hình bò được mô tả trong một dáng đứng khỏe mạnh hơi đổ người về phía sau, hai chân trước và hai chân sau dính liền với nhau, sừng cong hơi tròn. Tai bò nhỏ, mọc dưới sừng, nhiều con không nhìn thấy rõ. Đuôi bò thường dài quá bẹn, cũng có con đuôi rất ngắn. Mặt bò bè, phía dưới cổ có yếm da khá dài. Thân của chúng đều được tô điểm bằng các hoa văn hình kỷ hà quen thuộc của văn hóa Lạc Việt. Đó là các đường chấm dải, các vạch ngắn song song và các vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Đặc biệt con bò này có khối u mọc cao trên đỉnh của hai vai, gần phía sau gáy (Hình 40 a, e). Chính vì vậy mới có tên gọi là bò U. Nhờ đặc điểm của khối u này mà các nhà sinh vật học đã tìm được chúng có tên khoa học là Bosindicus và có nguồn gốc từ một loại bỏ rừng nào đó ở Ấn Độ và địa bàn cư trú đầu tiên của chúng cũng là Ấn Độ.
Hình 40. Hoa văn hình bò nhà trên các trống đồng
a, b, c. Đồi Ro; d, đ, e. Làng Vạc I; g. Lào Cai V; h. Lào Cai II; i. Lào Cai I.
Còn ở trống đồng Vĩnh Hùng, chúng tôi chưa rõ hình dáng của chúng như thế nào, nhưng qua mô tả của Đỗ Như Chung: “Có u nổi ở vai, có yếm sệ” thì chắc chắn nó cũng là loài bò U, mặc dù tác giả bài viết còn phân vân và kết luận nó là hình ảnh của con trâu nhỏ, tức con nghé.
Còn các hình bò trang trí trên các trống Lào Cai thì theo Phạm Minh Huyền, một số cũng là loại bò U. Nhưng qua một số bản vẽ thì các hình bò này được khắc họa theo một phong cách khác hẳn. Đó là hình bò được mô tả chi tiết, tỉa tót hơi nhiều nên hình không có dáng khỏe khoắn chắc nịch như ở các trống đồng trên kia nữa. Phong cách này có phần giống con bò trên trống Thạch Đại Sơn (Trung Quốc). Về bố cục, một số con tuy được khắc họa theo lối trắc diện nhưng đầu lại quay ra nhìn chính diện (Hình 40 g) hoặc nhìn trắc diện nhưng đầu đang lồng lên. Thân bò hơi dài, mình trang trí điểm tô bằng các chấm tỉa chi tiết. Sừng cong hơi tròn, tai lộ rõ phía dưới sừng, đuôi dài gần sát đất. Nói chung nó có dáng dấp của con trâu nhiều hơn (Hình 40 h).
- Loại thứ hai: Loại này y hệt loại trên của các trống Lào Cai, hình chỉ khác là không có u nổi cao. Loại này được khắc họa xen lẫn với loại bò U trên thân nhỏ hơn (Hình 40 i).
Đây có lẽ là loại bỏ bản địa, có gốc ở ngay rừng Việt Nam chăng?
* Hoa văn hình chó: Chó là con vật khôn ngoan được người Lạc Việt thuần dưỡng rất sớm để tham gia săn bắt các con thú khác. Tuy nhiên, trên các đồ đồng hình ảnh hai con vật này chưa được khắc họa nhiều. Trên tang trống đồng Ngọc Lũ có 2 hình chó đang đứng trên thuyền rước lớn. Chó khắc theo lối nhìn nghiêng đơn giản. Hình như nó đang tham gia trong trò chơi đánh trận nhân ngày hội lễ của bộ lạc (Hình 41 d). Hình chó ở đây vừa nhỏ vừa cách điệu.
Ở các rìu xéo thuộc các di chỉ Việt Trì, Quốc Oai, Đông Sơn và Làng Cả đều có khắc hình chó đang săn đuổi thú cho chủ. Ở rìu xéo Quốc Oai chó được thể hiện trong tư thế chồm tới, canh chừng và cản đường chạy của một con hươu to lớn để chờ chủ đến (Hình 41 c). Còn ở rìu Việt Trì thì chó chồm lên chống cự một cách quyết liệt trước hai con hươu đồ sộ, sừng dài đang tìm đường tẩu thoát (Hình 41 b). Ở rìu Làng Cả, rất tiếc đã bị sứt nhưng cũng có thể biết rõ một chó chống giữ 3 hươu lớn. Còn ở rìu xéo Đông Sơn thì chó đang nằm nghỉ còn hai hươu cũng trong tư thế bình thản. Phải chăng chó ở đây có nhiệm vụ chăn dắt hươu? (Hình 41 a).
Chỉ một vài hình ảnh nhỏ bé thế thôi nhưng chúng ta có thể đánh giá được vai trò của con chó trong đời sống kinh tế của người dân Lạc Việt, nhất là vào giai đoạn mà săn bắn có vai trò chính trong việc cung cấp thức ăn.
* Hoa văn hình hươu: Trong các động vật hoang dã, hình ảnh con hươu được người Đông Sơn khắc họa trang trí lên các đồ đồng nhiều nhất. Đó là hình hươu trên các trống đồng Ngọc Lũ và Miếu Môn, trên các rìu xéo Đông Sơn, Việt Trì, Quốc Oai, Làng Cả. Có lẽ con vật này có nhiều và là nguồn thức ăn chính và quan trọng của người Lạc Việt. Trong lúc hổ, báo, voi, lợn rừng là những loài vật hung dữ, săn bắt khó khăn thì hươu nai là đối tượng dễ dàng và an toàn hơn.
Trên trống đồng Ngọc Lũ và Miếu Môn có khắc họa những đàn hươu chân cao, đuôi ngắn, hai sừng dài, mỗi sừng có 4 nhánh, thân hình thon nhỏ vừa phải. Cứ một con đực tiếp đến lại một con cái, giăng thành hàng chạy theo chiều ngược kim đồng hồ trên mặt băng chính của trống. Có điều hơi lạ là con cái cũng có đôi sừng dài như con đựa (Hình 41 đ, e). Một đàn thú có sừng khác, khắc trên thạp đồng Hợp Minh cũng có đặc điểm như vậy. Theo các nhà sinh vật học thì chỉ có loài hươu tuần lộc ở xứ Bắc lạnh giá mới có đặc điểm này. Trước đây những nhà khoa học chủ trương văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc xứ Bắc đã viện vào điều này làm chứng cớ. Nhưng họ cố tình lờ đi một điều là hình của hươu trên trống Đông Sơn khác xa những con tuần lộc to lớn, lông dày và bộ sừng đồ sộ nhiều nhánh. Con hươu trên các trống đồng Ngọc Lũ, Miếu Môn và cả con vật ở thạp đồng Hợp Minh vẫn là loài động vật xứ nhiệt đới của đất nước ta. Rất có thể làm thêm sừng cho cả con cái để tạo cái đẹp chung cho trang trí chăng?
Hình 41. Hoa văn hình chó và hình hươu
a. Trên rìu xéo Đông Sơn; b. Trên rìu xéo Việt Trì; c. Trên rìu xéo Quốc Oai ;
d. Trên trống đồng Ngọc Lũ; đ. Trên trống đồng Ngọc Lũ; e. Trên trống đồng Miếu Môn
Thân của các con hươu khắc họa trên trống đồng Đông Sơn được tô điểm bằng nhiều chấm nhỏ nên Vũ Thế Long cho đó là loài hươu sao. Những hoa văn này bố cục hơi gò bó trong những băng hẹp nên hình mẫu có phần gượng ép, con nào cũng giống con nào với cả bằng dài dễ dẫn đến sự chán nản cho người xem.
Hình như nghệ nhân trang trí trống đồng Miếu Môn cũng cảm thấy điều đó nên một băng làm như của trống đồng Ngọc Lũ, băng sau họ đã thay đổi: cho con hươu đực giơ chân lên, và đặc biệt đến đôi hươu cuối băng thì đã khắc họa con hươu cái quay đầu lại với hươu đực tạo nên một bố cục vui hơn (Hình 41 e). Đặc biệt trên các rìu xéo, nơi không gian ít bị gò bó, các nghệ nhân Đông Sơn đã khai thác được vẻ đẹp về đường cong của cổ và sừng hươu, tạo nên những bố cục thoải mái, sinh động (Hình 41 a, b, c).
* Hoa văn hình voi: Có lẽ thời này voi mới được thuần phục nên chúng chưa phải là động vật được người Đông Sơn chú ý khắc họa trên các đồ đồng. Có một số hình voi trên cán dao găm cùng với hổ báo hoặc rắn để tạo nên những hình tượng dữ tợn, bất khả kháng, nhưng đó lại là tượng tròn.
Chỉ mới có một trường hợp duy nhất đề tài voi được khắc họa làm hoa văn trang trí: đó là hình voi khắc trên qua đồng di chỉ Đông Sơn. Voi được bố cục trong một hình chữ nhật ở cán của qua đồng. Voi được thể hiện theo lối trắc diện, đầu quay về bên phải, thân mập đuôi ngắn, vòi cong hình lưỡi câu. Hai chân trước và hai chân sau đều được thể hiện thành một khối, các chi tiết khác không có. Nói chung đây là một hoa văn được làm có phần sơ lược, nó như một cái nhãn hiệu cho đồ vật. Thực ra hình voi quá nhỏ, tất cả chỉ dài hơn 10mm nên cũng khó lòng khắc chạm chi tiết được (Hình 42).
Hình 42. Hoa văn hình voi trên trống đồng Đông Sơn
* Hoa văn hình thú bắt mồi: Thú ở đây là con hổ hoặc con báo và mồi có thể là con lợn hoặc một con thú nhỏ. Hoa văn này được khắc trên một qua đồng ở di chỉ Sơn Tây. Con vật ở đây có thân hình dài, đuôi nhọn, đầu to, mõm ngắn đang cắn vào phía sau của con mồi. Hai chân trước dài hơn hai chân sau, đang trong tư thế quỳ. Còn con mồi thì trong tư thế đang chạy và chững lại. Cũng như hình voi ở trên, vì quá nhỏ nên ở đây tác giả đã phác thảo bằng một đường viền, không có chi tiết nhiều, trừ các chấm điểm tô trên mình hai con thú. Tuy nhiên, với một vài đường nét đơn sơ, gẫy gọn hình mẫu vẫn hiện trông khỏe khoắn, khái quá được chủ đề của đề tài (Hình 43 a).
Hình 43. Hoa văn hình thú bắt mồi trên qua đồng Sơn Tây
Cách tạo hình này có phần giống với cách tạo các phù điêu hình thú ở Lãng Ngâm. Các phù điêu này có độ nổi không cao nhưng nhờ quan sát kỹ dáng hình đặc điểm của từng loại thú nên nghệ nhân chỉ khắc họa một đường viền mà lột tả được đặc điểm của các loài khác nhau (Hình 44). Ở qua đồng Thanh Đình cũng có một hình hổ đang đứng nhưng hình quá nhỏ, lại bị mờ nhiều nên khó nhận ra.
Hình 44. Phù điêu một số hình thú ở di chỉ Lãng Ngâm
a, b. Hươu; c. Hổ; d. Báo
* Hoa văn hình cáo – chồn: Ngoài một số hoa văn dễ nhận dạng, trên các đồ đồng còn có một số hoa văn hình thú mà do cách điệu nên khó xác định rõ ràng. Chúng tôi tạm gọi hình sẽ mô tả dưới đây với cái tên chung là cáo – chồn, vì nhìn bề ngoài có nhiều nét gần gũi với hai loại động vật này.
Trước hết là đồ án hai con vật hình cáo được trang trí trên một mũi giáo tìm thấy ở di chỉ Đông Sơn (Hình 45 b). Hai hình này được khắc phía gần cán, đăng đối nhau qua trục giữa của mũi giáo. Đấy là hình những con vật có mõm dài, tai rộng, thân dài, đuôi cong lên, bốn chân móng ngón rõ ràng. Chúng đều quay đầu về phía mũi giáo tuy mỗi hình đều rất nhỏ (chỉ dài tổng cộng chưa đầy 10mm). Nhưng tác giả chúng vẫn cố gắng tô điểm thân bằng các hoa văn chấm dải và gạch chéo song song. Phía sau hai hình con vật còn có hai hoa văn chữ S to, và phía trước có hai mũi tên dài (Hình 45 b).
Chưa rõ việc trang trí các hoa văn hình cáo này có ý nghĩa gì đối với việc săn bắn nhưng rõ ràng nó là một dấu ấn mỹ thuật đáng chú ý. Hóa ra từ thời Đông Sơn cái đẹp đã trở thành một nhu cầu tinh thần rộng rãi. Hoa văn không chỉ làm đẹp cho vật dụng hàng ngày của đời thường mà nó còn nhu cầu cả cho cuộc sống chiến đấu lao động sản xuất nữa.
Hình ảnh con cáo này chúng ta còn gặp lại trên trống đồng Phú Xuyên. Cả bốn con chạy vòng quanh một băng lớn trên mặt trống. Lần này to hơn (chiều dài mỗi con gần 120mm) nên nghệ nhân làm cẩn thận chi tiết hơn: mõm dài mồm rộng đang há ra, lông sau gáy bay dài ra sau, cổ hơi ngắn, mông to, chân sau dài hơn chân trước. Đặc biệt chúng đều có đuôi dài, gần cuối cuộn tròn lại. Trên thân chúng được tô điểm bằng hoa văn đường kẻ ngăn song song, bố cục ở mỗi con có sự thay đổi, lúc ngang lúc dọc (Hình 45 a).
Hình 45. Hoa văn hình cáo - chồn
a. Trên trống Phú Xuyên; b. Trên mũi giáo Đông Sơn
Ở trên mặt trống đồng Miếu Môn, cùng băng với những hình con hươu sao đẹp vừa nói trên còn có hình tám con vật, mà do tác giả chúng cách điệu làm thay đổi hình dạng quá nhiều nên không rõ chúng là loài gì, chỉ biết chúng có đuôi dài, thân thon dài, chân hơi cao. Rất có thể đây là hình ảnh một con thuộc loại chó rừng. Các nhà khảo cổ học gọi chúng là con thú lạ (Hình 46 a).
Hình 46. Một số hoa văn hình thú khác trên đồ đồng
a. Trống Miếu Môn; b. Thạp Lào Cai; c. Trống Đào Xá; d. Âu Đào Thịnh; đ. Trống Hòa Bình
Ngoài ra các hoa văn về các hình thú đã kể trên cũng như hoa văn về các loài chim, còn có một số hoa văn hình thú khác, hoặc là vì hình quá nhỏ thiếu nhiều chi tiết, hoặc là vì hiện vật đã quá mòn khó nhận ra, hoặc vì tính cách điệu cao nên chúng ta chưa biết rõ là con gì. Ví dụ như hình thú trên qua đồng Núi Voi, hình nhím trên rìu cân Sơn Phúc, hình thú trên thân trống đồng Lào Cai, trên mặt các trống đồng Đào Xá, Hòa Bình, âu đồng Đào Thịnh v.v… (Hình 46). Đặc biệt trên đồ án nhà sàn mái cong của trống đồng Cổ Loa, cũng có hình một loại bò sát có “họ hàng” với loại bò sát khắc trên các mặt trống Đào Xá, Hòa Bình. Người Lạc Việt vùng Cổ Loa đã thờ con vật này làm vật tổ nên làm mô hình để trên nhà công cộng của bộ lạc mình.
c. Hoa văn về các con vật dưới nước:
Mặc dù nghề đánh cá thời này đã phát triển mạnh, đã có thuyền đánh cá xa bờ, đã chế ra được lưới và lưỡi câu, thủy sản là thức ăn quan trọng trong các bữa ăn của người Lạc Việt. Nhưng hình như các loài vật sống dưới nước này vẫn không phải là đối tượng, là hình mẫu thích thú của các nghệ nhân làm gốm, đúc đồng. Các loài thủy sản có mặt rất ít trên các đồ án, mà nếu có thì cũng đóng vai trò phụ họa thêm phần sinh động, hoàn chỉnh mà thôi.
* Hoa văn hình cá: Như đã nói ở trên, cùng với hoa văn hình chim, hoa văn hình cá có mặt rất sớm trên một đồ gốm thời văn hóa Gò Mun. Đó là hình một đàn cá chạy dài trên miệng một cái nồi gốm. Hình cá được khắc họa hết sức đơn giản. Người ta vẽ một hình tròn dẹt làm thân cá và kéo dài một đầu nhọn thành hai đường gặp nhau để làm đuôi cá. Sau đó lại tô đậm thân cá bằng các đường kẻ chéo song song (Hình 31). Vì quá nhỏ nên không có thêm chi tiết và chúng ta cũng khó lòng đoán định là loại cá gì.
Đến thời văn hóa Đông Sơn, trong đáy một chậu đồng ở Thanh Hóa có khắc hai hình cá nằm đối diện nhau. Cá tuy nhỏ nhưng cũng khá chi tiết: có đuôi, mang, mắt và miệng rõ ràng. Đáng chú ý là hai hình cá quay mồm nhìn nhau thật là ngộ nghĩnh (Hình 47 a). Nhưng thú vị hơn vẫn là những hình cá được khắc họa trong đồ án chim bắt mồi. Đó là hình ảnh những con cá bị các con bồ nông, vạc chộp được và đang ngậm ở mỏ mà ở phần trên chúng tôi đã có đề cập; có những con cá to kềnh to càng mà vẫn bất lực trước cặp mỏ dẹt của lũ chim (Hình 47 b). Hoặc cũng có những hình cá nhẩy lượn bên cạnh các thuyền bơi trên sông được trang trí trên trống đồng Hoàng Hạ và Miếu Môn, các thạp đồng Hợp Minh, Lào Cai (Hình 47 c, d, đ).
Hình 47. Các hoa văn hình cá
a. Trong chậu đồng Thanh Hóa; b. Trên trống đồng Miếu Môn; c. Trên trống đồng Hoàng Hạ
d. Trên thạp đồng Lào Cai; đ, e. Trên thạp đồng Hợp Minh
>>> Hoa văn trang trí của người Mường
>>> Hoa văn thời Sơ sử (Phần 1)
>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1 - Hoa và lá, Cành và Trái)