Cấu trúc của Khối đặc và Khối rỗng
1. Khối đặc:
Hệ vật thứ hai khiến ta quan tâm hoàn toàn khác với các hình thể khung xương mà chúng ta vừa bàn ở bài trước đó. Sự cố kết cấu trúc của những vật có khung xương là tương đối dễ xác định: ta có thể nhận thấy các nhánh rẽ tới đâu, nối với nhau như thế nào, và bối cảnh không gian của chúng có hình dạng gì. Dù sao đi chăng nữa thì những vật thể với bề mặt có xu hướng nở rộng – thay vì mảnh dẻ - cũng không thể nói là “có nhánh” được. Thí dụ, củ hành ở H 3.42 không có khung xương và do đó, thuộc về hệ vật thể thứ hai: nhóm mảng khối. Cấu tạo của những vật thể có mảng khối không hình thành từ các nhánh nối kết hoặc rẽ tách, và vì vậy, cả cấu trúc lẫn hình dạng bối cảnh không gian của chúng được khớp nối một cách kém rõ ràng. Không dễ để lĩnh hội các nguyên lý cấu trúc – cái xác định nên hình dạng của củ hành, cũng chẳng dễ quyết định làm thế nào để bộc lộ những đặc điểm như thế trong một hình vẽ. Việc này không khó với một cành cây con. Tuy nhiên, đừng quên rằng mọi vật trên đời đều có mảng khối – ngay cả một cành cây con mảnh mai nhất cũng sẽ bộc lộ mảng khối nếu nó bị cắt ngang qua và phô bày thiết diện, mặc dù vẻ ngoài hiện của nó chủ yếu mang tính chất đường nét và khung xương. Vậy, đâu là điểm thiết yếu cho phép phân chia các vật thể thành hai hệ [mảng khối và khung xương] nếu về cơ bản tất cả chúng đều có mảng khối? Đây cũng là lý do mà người vẽ luôn quan tâm tới đặc điểm tự nhiên nổi bật nhất của đối tượng / vật thể? Như trước đây chúng ta đã đề cập, nếu bạn giữ sợi tóc trong lòng bàn tay, bạn sẽ không quan tâm tới sự mở rộng bề mặt trong mảng khối của nó. Ý nghĩ bao trùm của bạn lúc đó sẽ là độ dài và sự vận động đường nét có định hướng của nó. Vì vậy, sự phân chia các vật thể thành hai hệ hình thái là dựa trên nhận thức của chúng ta về vóc dáng riêng biệt của những vật thể được quan sát – dù chúng có tính chất mảnh mai – khung xương hay vạm vỡ mảng khối.
Sự hoán đổi các khoảng đặc và rỗng của các vật thể không có khung xương đã làm nên đặc điểm cơ bản của chúng, nhất là lối triển khai các bề mặt phẳng và cong. Trong thực tế, chính sự dịch chuyển và làn ra của những diện tích bề mặt lớn hơn của chúng là cái gây ấn tượng trước tiên đối với tri giác. Nếu quan sát sự mở rộng mảng khối bề mặt được biểu thị ở H3-43, bạn sẽ nhận thấy cảm giác về mảng khối lớn hơn hoặc nhỏ hơn tùy thuộc vào sự mở rộng trong tương quan so sánh của diện tích bề mặt phô ra và tùy thuộc vào mức độ liên tục trong sự trôi chảy của bề mặt. Những đặc điểm này tương phản với cac vật thể khung xương; bởi vậy, để mô tả mảng khối, cần phải tìm cách xây dựng sự lan ra của bề mặt – thay vì chỉ vẽ đường viền hoặc phần mép. Như vậy, ở mục này, chúng ta sẽ tìm cách vẽ các bề mặt như thế và bằng cách ấy tìm ra một biện pháp tạo hình để định dạng và cũng để cấu trúc nên mảng khối và hình khối.
H. 3-41 Victor Pasmore. Vườn chim: Sáng mùa đông, 1944 – 1946. Sơn dầu trên toan
Hầu hết các nghệ sỹ đều không thích những hệ thống và phương pháp mang tính gợi ý “cách làm như thế nào” vậy thì trong lúc bàn luận về những đề xuất chuẩn bị được đưa ra ở đây chúng ta không nên cố gắng thực hiện điều này. Thay vào đó, chúng ta sẽ trình bày một hệ thống tạo hình cho phép người vẽ mài giũa sự sắc bén tri giác đối với hệ vật thể này, qua đó, có thể phát huy được các khả năng khai thác tưởng tượng của mình.
H.3-42. Robert Nix. Hành củ
Một cách khá tự nhiên, hệ thống tạo hình mà chúng ta dựa vào để vẽ hoặc cấu trúc nên mảng khối lại nảy sinh từ nhận thức về những vật thể thuộc loại này được đúc kết từ sự quan sát của chúng ta – chủ yếu là “đọc” bề mặt hơn là phần rìa của vật thể. Khi thực hiện điều này, việc lĩnh hội đầy đủ độ lớn ba chiều trong khi quan sát được trợ giúp theo 2 cách. Cách thứ nhất là qua bất cứ một sự lồi lõm nào có tính chất đường nét do các khe hay rãnh bám theo dòng lưu lượng trên bề mặt tạo nên, như trong hình H.3-43. Những cách cấu tạo có tính đường nét này di chuyển trên khắp vật thể, mô tả những diện cong và mặt phẳng của mảng khối. Khi chạy vòng quanh và chạy xuống bên dưới hình thể, chúng sẽ gợi ra sự hiện diện của phần khuất, làm tăng thêm sự cảm nhận về mối liên kết ba chiều của vật thể. Cách thứ hai là thông qua sự thay đổi về sắc độ tại những chỗ có mảng sáng và bóng tối dịch chuyển trên khắp bề mặt vật thể, hỗ trợ cho tri giác cảm nhận rõ hơn về mảng khối. Những chỗ bắt sáng và bóng tối chuyển động lấp lóa trên bề mặt mảnh thủy tinh bị nấu chảy ở H.3-44 là một thí dụ điển hình cho điều này. Ở đây không có đường nét trợ giúp cho việc quan sát – mà chỉ có sự chuyển biến của sáng và tối cho ta biết về các bề mặt phẳng và cong nhô ra phía trước hay lùi lại đằng sau, nhờ thế, tạo nên cảm nhận về mảng khối của mảnh thủy tinh.
H.3-43: Henry Moore. Người nằm nghiêng hai mảnh Số 2, 1960. Đồng
H.3-44: Robert Nix. Mẩu nước đá đang tan
Vận dụng đường nét cùng sắc thái từ đậm sang nhạt khi vẽ một vật thể có mảng khối là rất khả thi. Một nét liên tục đi theo đặc tính mở rộng của bề mặt góc cạnh hay uốn cong, nét ấy có vẻ hiện ra trong tầm mắt, đi ra từ một bên rồi khuất vào phía bên kia, có thể định hình cho mảng khối. Chúng ta gọi một nét như vậy là nét định hướng bề mặt liền mạch. Sáng và tối – độ sáng để phản ánh những phần ở gần hơn, bóng tối biểu thị những phần ở bên dưới, bên cạnh hoặc ở xa hơn – cũng định hình cho mảng khối. Ta gọi sự kết hợp các sắc độ tạo hình như thế là sắc thái định hướng bề mặt liền mạch.
H.3-45: Henry Moore. Bốn người ngủ dưới ánh sáng âm u (ngủ dưới hầm), 1942. Phác họa mực
Bạn có thể sử dụng hai kỹ thuật này riêng rẽ hoặc phối hợp cùng nhau. Henry Moore đã vận dụng cả nét định hướng bề mặt lẫn sắc thái định hướng bề mặt trong bức Bốn người ngủ dưới ánh sáng âm u (ngủ dưới hầm) (H.3-45): Kết quả là khả năng gợi tả độ lớn và trọng lượng của những hình tượng này được nâng cao hết mức! Những đường nét di chuyển hầu như không hề gián đoạn bên trên và xung quanh các bề mặt, mô tả liền mạch toàn bộ mảng khối. Ở nơi chúng đan khít vào nhau, chúng tạo thành những sắc thái đậm trong bóng tối, khiến cho bề mặt lùi sâu dần vào không gian ba chiều. Trái lại, sắc sáng lại lấp lánh trên những bề mặt nhô lên phía trước. Kỹ thuật được Moore sử dụng ở H.3-45 hỗ trợ nhận thức về mảng khối giống hệt như sự trợ giúp thị giác bởi những đường nét và khe rãnh của tác phẩm điêu khắc cùng những chỗ hắt sáng và bóng tối lung linh trên miếng thùy tinh nấu chảy. Để có một thí dụ cho thấy chỉ riêng sáng và tối trên bề mặt cũng bộc lộ được sự vững vàng của hình thể như thế nào.
Trong thực tế, cả hai cách “vẽ nổi khối” như đã mô tả đều có chung một đặc tính quan trọng giúp các họa sỹ có phản ứng qua xúc giác đối với tính chất vững chắc của mảng khối, khiến họ có thể “cảm giác được” trong đầu về độ nặng và hình khối, và do đó, truyền đạt được dáng vẻ đáng tin cậy hơn trong bức vẽ của họ.
2. Khối rỗng:
Tới thời điểm này, chúng ta đã mô tả mảng khối như là khoảng mở rộng của các bề mặt hữu hình, với tính chất đặc chắc và độ nặng tương ứng kèm theo. Thuật ngữ “khối” nói chung được sử dụng để biểu thị những đặc điểm này của mảng khối.
Tuy nhiên, khối cũng có thể ám chỉ đến những vùng không gian theo một ý nghĩa phổ quát: tới tính chất rộng lớn đa chiều của nó. Ghi nhớ như vậy, chúng ta cũng sẽ sử dụng thuật ngữ này khi muốn nhắc tới không gian nhưng cụ thể hơn rất nhiều. Tôi muốn sử dụng cách diễn đạt “khối rỗng” là để nhận biết những vùng không gian đặc biệt ấy, những cái có thể hiện diện trong một vật thể có mảng khối – khoảng rỗng, cái được bề mặt bao quanh định hình nên một cách xác thực, và vì thế, trở thành một hình khối bên trong – một cái hốc – nếu bạn muốn gọi như vậy. Vì lý do đó, kể từ đây, chúng ta phải thận trọng khi phân biệt các khối đặc hay khối rỗng.
Thí dụ, chúng ta nhận thấy hòn đá cuội ở H.3-46 là một vật thể có mảng khối bị khoét rỗng bởi ba lỗ thủng. Trong khi khảo sát các hốc lỗ đó, chúng ta có xu hướng tự động phán đoán dung tích của chúng – hình dạng và khối lượng của khối không gian được chứa. Sự hiện diện của những khối rỗng như thế - dù bản thân chúng tồn tại với tư cách một hiện thực tri giác – cũng cho phép chúng ta nhìn thấy bên trong và xuyên qua phần khối đặc của vật cụ thể, vì thế mang lại thông tin thị giác trực tiếp về phạm vi và sự liên kết mảng khối của nó. Những khối rỗng, bộ phận không thể thiếu của một vật thể hoặc hình dáng người, có thể có tác dụng về mặt nhận thức nhờ tác dụng phụ trợ làm nổi bật thêm đặc tính rắn đặc của chất liệu, qua đó bộc lộ kích thước và tính chất mảng khối của nó. Đồng thời, những khối rỗng cũng có thể có tác dụng về mặt thẩm mỹ với tư cách là những “hình dạng không gian” tự thân.
H.3-46: John Albaugh. Viên sỏi có lỗ
Hãy xem xét các ý tưởng điêu khắc của Henry Moore, Những dáng người nằm nghiêng (H.3-47), chúng ta thấy rằng ông cấu trúc nên cả phần hốc lỗ lẫn phần đặc, khối rỗng và khối đặc trong cùng một vật thể. Để đạt được điều này, Moore đã sử dụng cả đường nét lẫn sắc độ mô tả bề mặt nhằm định dạng các khía cạnh lõm và lồi của các hình khối đặc và rỗng để tạo nên các khoang hay lỗ thùng. Từ những hình vẽ này, có thể thấy rõ rằng nếu không có sự tương phản giữa phần sáng với chỗ tối sâu, và nếu không có đường nét mô tả bề mặt liên tục bằng cách lượn quanh các thành vách của khoang rỗng, có lẽ sẽ chẳng nhận thấy rõ được phần hốc lỗ cũng như phần đặc. Tất nhiên, chỉ riêng đường nét mô tả bề mặt liên tục cũng có thể lột tả được những chỗ nhô ra hay thụt vào, nhưng sự thêm sắc thái sáng và tối vào cũng là một sự trợ giúp quan trọng đối với tri giác.
H3.47: Henry Moore. Những dáng người nằm nghiêng, 1942. Phấn màu, bút sắt và màu nước
H.3-48: Andreas Feininger. Hình thể thân cây
Bây giờ, hãy nghiên cứu bức ảnh chụp một hình thể gỗ lũa gần như bị biến dạng hoàn toàn của Andreas Feininger (H.3-48) và quan sát xem những thớ gỗ - với vai trò tạo hình gần giống với một nét định hướng bề mặt liền mạch – đã tạo nên cái hốc như thế nào khi phác họa ra các gờ của khoang rỗng. Ngoài ra, để ý đến tác động của ánh sáng – chói gắt trên những đường gờ nhô ra và tối lại khi độ sâu của cái hốc tăng lên – cũng giúp cho tăng cường cho cảm nhận của trị giác về khoảng trống. Sự miêu tả tạo hình của vật thể này có lẽ tuân theo những gì mắt thấy trong một bức ảnh – cả về đường nét lẫn sắc thái của hình ảnh.
Nếu so sánh bức ảnh chụp này với các hình vẽ Những dáng người nằm nghiêng của Henry Moore, bạn sẽ thấy nhà điêu khắc đang sử dụng một kỹ thuật tạo hình trung thành với kinh nghiệm tri giác thông thường. Nét định hướng bề mặt liền mạch phác họa theo lối tạo hình những thành vách trong các khoang rỗng điêu khắc, do đó, cấu trúc nên các chiều bên trong của chúng, trong khi sáng và tối có tác dụng gợi ra tính chất ở phía trước và sự lùi lại ở phía sau, cái hốc càng sáng thì càng nông, còn khi nó tối hơn thì có vẻ thụt vào sâu hơn. Trong những khối đặc, các sắc thái sáng và tối cũng có tác dụng như vậy: đặc tính sáng gợi tả những phần nhô về phía trước của một vật thể hay hình dáng người; đặc tính tối thể hiện những phần nằm xa hoặc khuất khỏi nguồng sáng. Hãy để ý xem quy tắc này đã được nghệ sỹ khai thác ra sao trong Những dáng người nằm nghiêng. Khi nghệ sỹ muốn một cái hốc xuyên thủng qua phía bên kia – trong dáng người nằm thấp nhất ở hình minh họa – có thể nói người xem sẽ nhận thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Tuy nhiên, phần khoang ngực rỗng của dáng người là một cái hốc mà rốt cuộc ta lại bắt gặp bóng tối – thay vì ánh sáng và do đó, khiến cho khoảng rỗng sâu hơn – ít nhất cũng là thoạt nhìn.
Khi quan sát các vật thể hoặc hình dáng người, những sắc độ tối đều khiến chúng ta liên tưởng tới những cái ở phía xa hay nằm bên dưới, khuất khỏi nguồn sáng; điều này giúp ta nhận ra cả đặc tính rắn đặc ba chiều lẫn độ sâu của khoảng trống. Ngoài ra, và gần như là một hệ quả tốt đẹp, các sắc tối góp phần nhấn mạnh thêm ấn tượng về một hình ảnh, bởi chúng ta thường gắn bóng tối với những thứ còn ẩn giấu; trong khi tự bản thân độ nặng lại có ý nghĩa diễn cảm. Ngược lại, những chỗ phát sáng mạnh khiến chúng ta nghĩ tới các vị trí gần, do bề mặt lồi ra – chứ không phải bề mặt lõm vào – được chiếu sáng rực lên, và vì thế, có vẻ ở sát gần đúng như quy luật tự nhiên. (Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng trong những tình huống tạo hình thuần túy, khi đề cập tới sự tiến lên phía trước hay lùi lại đằng sau, thì chính sự tương phản mới là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp đó, một sắc sáng mạnh hoặc một độ tối mạnh sẽ tiến lên phía trước nếu nó đủ “no” và vì vậy, có độ tương phản mạnh với sắc thái chung của bối cảnh).
Quay trở lại với vật thể đặc ở H.3-47, việc đánh giá độ sâu của cái hốc nằm giữa khối đá không hề dễ chút nào. Lý trí mách bảo chúng ta rằng chắc nó không phải là một hố sâu như cái hốc nằm dưới cùng mà ta có thể nhìn xuyên qua. Song, như đã đề cập trước đây, bóng tối gợi ra sự hiện diện của những khu vực mà ánh sáng không thể chiếu tới và vì thế, hẳn chỗ tối phải là nơi “ở bên trong”, “ở bên dưới, hoặc “ở đằng sau”.
Tóm lại, để mô tả cấu trúc của khối rỗng (cũng như khối đặc) một cách thuyết phục, có các biện pháp tạo hình sau:
a. Nét định hướng bề mặt liền mạch, một tiến trình khá đơn giản, một mặt mô tả sát sao các diện phẳng và mặt cong bên ngoài của mảng khối và mặt khác là những khối không gian (rỗng) bên trong nó.
b. Sắc thái định hướng bề mặt liền mạch, một tiến trình phức tạp và mơ hồ hơn, sử dụng sáng – tối nhằm định dạng hình thể bên ngoài của mảng khối dưới dạng các bộ phận ở gần và xa, và tạo ra các khoang nong hoặc sâu hợp thành những khối rỗng của nó.
>>> Chép đầu tượng trong điêu khắc
>>> Tượng điêu khắc các họa sỹ nổi tiếng Việt Nam tại TT Mỹ thuât Đương đại
>>> Bài tập thực hành về điêu khắc